CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 28/2022/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 4 năm 2022
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG ƯU ĐÃI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU
QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2030, GIAI ĐOẠN 1: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm
2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số
88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số
120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu
tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số
43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền
tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định về
chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm
2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về chính sách tín dụng ưu
đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa
bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -
2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Khách hàng vay vốn theo quy định tại Nghị định
này bao gồm:
a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận
nghèo quy định trong từng thời kỳ, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại
Nghị định này.
b) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,
hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động
là người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị
định này.
2. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân liên quan tham gia tổ chức thực
hiện các chính sách quy định tại Nghị định này.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay
theo quy định tại Nghị định này.
Điều 3. Địa bàn thực hiện
Cấp xã, cấp thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi trong từng thời kỳ.
Điều 4. Nguyên tắc cho vay vốn
và vay vốn
1. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đúng đối tượng,
đủ điều kiện, rõ ràng, công khai, minh bạch; rà soát để hướng dẫn nguyên tắc lựa
chọn áp dụng chính sách vay vốn theo quy định tại Nghị định này hoặc lựa chọn
áp dụng chính sách vay vốn có mức ưu đãi cao nhất đối với khách hàng đủ điều kiện
vay vốn của nhiều chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thực
hiện mục đích về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chi phí học nghề.
2. Khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn
trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
3. Khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối
tượng vay vốn tại Nghị định này và đủ điều kiện vay vốn của nhiều chương trình
tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện mục đích sản xuất kinh
doanh thì được lựa chọn vay vốn tại một hoặc nhiều chương trình tín dụng nhưng
tổng dư nợ không vượt quá mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo quy
định trong từng thời kỳ.
Điều 5. Nguồn vốn cho vay và cơ
chế cấp bù lãi suất
1. Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội:
a) Giai đoạn 2022 - 2023: Số tiền 9.000 tỷ đồng từ
nguồn vốn phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo
lãnh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về
chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
- xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số
43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
b) Giai đoạn 2024 - 2025: Trên cơ sở báo cáo của
Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định bố trí nguồn vốn thực hiện chính sách giai đoạn 2024 - 2025.
2. Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho
Ngân hàng Chính sách xã hội:
a) Ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất tín dụng ưu
đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện Nghị định trong
giai đoạn 2021 - 2025 theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý khi
cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác quy định tại quy chế quản
lý tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội.
b) Nguồn vốn cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực
hiện Nghị định trong giai đoạn 2022 - 2023 là nguồn 2 nghìn tỷ đồng quy định tại
tiết b điểm 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15;
giai đoạn sau năm 2023 được bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển trong kế hoạch
đầu tư công trung hạn và hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn (nếu
có).
Điều 6. Xử lý nợ bị rủi ro
Thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về quy
chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 7. Bảo đảm tiền vay
1. Khách hàng vay vốn quy định tại điểm
a khoản 1 Điều 2 Nghị định này không phải áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền
vay.
2. Khách hàng vay vốn quy định tại điểm
b khoản 1 Điều 2 Nghị định này thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay
theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và quy định của pháp luật về giao
dịch bảo đảm.
Chương II
CHO VAY HỖ TRỢ ĐẤT Ở
Điều 8. Đối tượng vay vốn
Đối tượng vay vốn hỗ trợ đất ở bao gồm:
1. Hộ nghèo dân tộc thiểu số.
2. Hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc
biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi.
Điều 9. Điều kiện vay vốn
Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện
sau:
1. Cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong
danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở do cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt.
2. Thành viên đại diện vay vốn của hộ gia đình từ đủ
18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
3. Có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng
vốn vay.
Điều 10. Mục đích sử dụng vốn
vay
Khách hàng được vay vốn để sử dụng vào việc trang
trải chi phí để có đất ở.
Điều 11. Mức cho vay
Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách
hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ.
Điều 12. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và
khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng tối đa là 15 năm. Trong 5 năm đầu, khách
hàng chưa phải trả nợ gốc.
Điều 13. Lãi suất cho vay
1. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm.
2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Chương III
CHO VAY HỖ TRỢ NHÀ Ở
Điều 14. Đối tượng vay vốn
Đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở bao gồm:
1. Hộ nghèo dân tộc thiểu số.
2. Hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc
biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi.
Điều 15. Điều kiện vay vốn
Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện
sau:
1. Cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong
danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở do cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt.
2. Thành viên đại diện vay vốn của hộ gia đình từ đủ
18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
3. Có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng
vốn vay.
Điều 16. Mục đích sử dụng vốn
vay
Khách hàng được vay vốn để sử dụng vào việc trang
trải chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở.
Điều 17. Mức cho vay
Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách
hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 40 triệu đồng/hộ.
Điều 18. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và
khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng tối đa là 15 năm. Trong 5 năm đầu, khách
hàng chưa phải trả nợ gốc.
Điều 19. Lãi suất cho vay
1. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm.
2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Chương IV
CHO VAY HỖ TRỢ ĐẤT SẢN
XUẤT, CHUYỂN ĐỔI NGHỀ
Điều 20. Đối tượng vay vốn
Đối tượng vay vốn hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi
nghề bao gồm:
1. Hộ nghèo dân tộc thiểu số.
2. Hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc
biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi.
Điều 21. Điều kiện vay vốn
Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện
sau:
1. Cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong
danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất hoặc danh
sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề do
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thành viên đại diện vay vốn của hộ gia đình từ đủ
18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
3. Có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng
vốn vay.
4. Đối tượng vay vốn chỉ được thụ hưởng một trong
hai chính sách hỗ trợ đất sản xuất hoặc hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề.
Điều 22. Mục đích sử dụng vốn
vay
Khách hàng được vay vốn để sử dụng vào việc trang
trải chi phí tạo quỹ đất sản xuất hoặc chi phí học nghề, chuyển đổi nghề.
Điều 23. Mức cho vay
1. Mức cho vay hỗ trợ đất sản xuất do Ngân hàng
Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 77,5
triệu đồng/hộ.
2. Mức cho vay chuyển đổi nghề do Ngân hàng Chính
sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản
xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ. Mức cho vay
chi phí học nghề tối đa bằng mức cho vay áp dụng đối với chính sách tín dụng học
sinh, sinh viên quy định trong từng thời kỳ.
Điều 24. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và
khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa là 10 năm.
Điều 25. Lãi suất cho vay
1. Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với
hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.
2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Chương V
CHO VAY ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ
PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG DƯỢC LIỆU QUÝ
Điều 26. Đối tượng vay vốn
Đối tượng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên
hiệp hợp tác xã hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh (sau
đây gọi là cơ sở sản xuất kinh doanh) hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó
khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng từ 50% tổng số lao động
trở lên là người dân tộc thiểu số, tham gia vào Dự án phát triển vùng trồng dược
liệu quý (sau đây gọi là Dự án vùng trồng dược liệu quý), Dự án trung tâm nhân
giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao (sau đây gọi là Dự
án trung tâm nhân giống) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 27. Điều kiện vay vốn
Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện
sau:
1. Được thành lập, hoạt động hợp pháp, có phương án
đầu tư và sử dụng vốn vay để tham gia Dự án vùng trồng dược liệu quý, Dự án
trung tâm nhân giống được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Được Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia thẩm định
phương án vay vốn trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Thực hiện bảo đảm tiền vay
theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và quy định của pháp luật về giao
dịch bảo đảm.
Điều 28. Mục đích sử dụng vốn
vay
Khách hàng vay vốn để thực hiện Dự án vùng trồng dược
liệu quý, Dự án Trung tâm nhân giống được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 29. Mức cho vay
1. Tổng mức cho vay không vượt quá 45% tổng mức đầu
tư dự án và không vượt quá 96 tỷ đồng đối với Dự án vùng trồng dược liệu quý,
không vượt quá 92 tỷ đồng đối với Dự án trung tâm nhân giống.
2. Mức cho vay đối với các cơ sở sản xuất kinh
doanh tham gia Dự án trung tâm nhân giống và Dự án vùng trồng dược liệu quý do
Ngân hàng Chính sách xã hội xác định cho vay căn cứ phương án sử dụng vốn và
quyết định phê duyệt thực hiện dự án của cơ quan có thẩm quyền, nhưng không vượt
quá 45% mức đầu tư của cơ sở sản xuất kinh doanh khi tham gia vào dự án.
Điều 30. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và
khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa là 10 năm.
Điều 31. Lãi suất cho vay
1. Lãi suất cho vay 3,96%/năm.
2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Chương VI
CHO VAY HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
SẢN XUẤT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ
Điều 32. Đối tượng vay vốn
Đối tượng vay vốn bao gồm:
1. Hộ nghèo, hộ cận nghèo.
2. Doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp
tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người
dân tộc thiểu số.
Điều 33. Điều kiện vay vốn
Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện
sau:
1. Đối với hộ nghèo, cận nghèo:
Hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng điều kiện vay vốn
theo chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đang triển khai tại
Ngân hàng Chính sách xã hội, có tên trong danh sách thành viên tham gia chuỗi
giá trị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có phương án vay vốn phù hợp với
mục đích sử dụng vốn vay.
2. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã:
a) Được thành lập, hoạt động hợp pháp, có phương án
sử dụng vốn vay để tham gia chuỗi giá trị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt,
xác nhận tham gia vào chuỗi giá trị.
b) Được Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia thẩm định
phương án vay vốn trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
c) Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của
Ngân hàng Chính sách xã hội và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Điều 34. Mục đích sử dụng vốn
vay
Khách hàng vay vốn để thực hiện hoạt động sản xuất
kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Điều 35. Mức cho vay, thời hạn
cho vay
1. Mức cho vay, thời hạn cho vay đối với hộ nghèo,
hộ cận nghèo tham gia chuỗi giá trị theo Nghị định này áp dụng theo quy định hiện
hành về chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Ngân hàng
Chính sách xã hội.
2. Mức cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã
tham gia vào chuỗi giá trị tối đa là 02 tỷ đồng/khách hàng, Thời hạn cho vay tối
đa là 5 năm.
Điều 36. Lãi suất cho vay
1. Lãi suất cho vay đối với hộ nghèo tham gia chuỗi
giá trị theo Nghị định này bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với
hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.
2. Lãi suất cho vay hộ cận nghèo, doanh nghiệp, hợp
tác xã tham gia chuỗi giá trị theo Nghị định này bằng 50% lãi suất cho vay sản
xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ.
3. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Chương VII
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN
Điều 37. Trách nhiệm của các bộ,
cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp
các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong việc triển khai thực hiện các
quy định tại Nghị định này; đề xuất biện pháp xử lý và tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc liên quan đến hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội phát sinh
trong quá trình thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề
vượt thẩm quyền.
2. Ủy ban Dân tộc ban hành hướng dẫn các địa phương
xác nhận, tổng hợp, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách trong
quý II năm 2022 làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo thẩm quyền.
3. Bộ Y tế ban hành hướng dẫn các địa phương hoàn
thiện phương án phát triển dược liệu, phê duyệt dự án và Danh sách đối tượng đủ
điều kiện thụ hưởng chính sách, tổng mức đầu tư dự án, mức đầu tư của cơ sở sản
xuất kinh doanh tham gia vào dự án, phương án vay của từng dự án và cơ sở sản
xuất kinh doanh tham gia vào dự án trong quý II năm 2022 làm cơ sở để Ngân hàng
Chính sách xã hội cho vay theo thẩm quyền.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tổng hợp, rà soát, đề xuất báo cáo Chính phủ trước ngày 31 tháng 8
năm 2023 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí nguồn vốn thực
hiện chính sách trong giai đoạn 2024 - 2025.
5 Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực được phân công đảm bảo nguồn
lực thực hiện Nghị định và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội phù hợp với
quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các quy định của pháp luật
có liên quan; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức chính trị - xã
hội để tuyên truyền, tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tín
dụng theo quy định tại Nghị định này.
Điều 38. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các cấp
1. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính
trị - xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền chính sách, tổ chức,
triển khai theo quy định tại Nghị định này.
2. Phê duyệt dự án dược liệu quý và danh sách đối
tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi theo quy định tại Chương II, Chương III, Chương
IV, Chương V, Chương VI Nghị định này.
3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ
chức rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo
công khai minh bạch, tránh chồng chéo, lợi dụng, trục lợi chính sách.
Điều 39. Trách nhiệm của Ngân
hàng Chính sách xã hội
1. Hướng dẫn hồ sơ vay vốn, quy trình và thủ tục
cho vay đối với các đối tượng vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng,
dễ thực hiện, công khai, minh bạch.
2. Thực hiện cho vay các chính sách tín dụng đảm bảo
đúng đối tượng, đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích theo quy định tại Nghị định
này.
3. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình vay
vốn, sử dụng vốn và trả nợ của đối tượng vay vốn, bảo đảm vốn vay được sử dụng
đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay.
4. Báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam và Ủy ban Dân tộc trước ngày 31 tháng 7 năm 2023 về tình hình, kết quả thực
hiện chính sách trong giai đoạn 2022 - 2023 và đề xuất nhu cầu triển khai giai
đoạn 2024 - 2025.
5. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính
trị - xã hội tuyên truyền chính sách, tổ chức, triển khai theo quy định tại Nghị
định này.
Điều 40. Trách nhiệm của khách
hàng vay vốn
1. Khách hàng vay vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều
kiện vay vốn theo quy định tại Nghị định này, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả
nợ gốc và lãi vốn vay đầy đủ, đúng thời hạn theo thoả thuận trong Hợp đồng tín
dụng.
2. Khách hàng vay vốn không được chuyển nhượng quyền
sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất sản xuất, nhà ở trong thời gian còn dư nợ tại
Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chương VIII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 41. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 42. Tổ chức thực hiện
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã
hội chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Văn phòng Trung Ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Minh Khái
|