THÀNH
ỦY
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số:
88-KH/TU
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 12 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
VỀ CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ TRONG ĐIỀU KIỆN THÍCH ỨNG
AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19, PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày
15 tháng 9 năm 2021 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về
Kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn
Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 15 tháng 9 năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy xây
dựng Kế hoạch củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở trong điều kiện thích
ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,
phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:
I. NHẬN ĐỊNH TÌNH
HÌNH
Sau đại hội đảng, các cấp cấp ủy được
kiện toàn, xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc theo hướng nâng cao
vai trò lãnh đạo của đảng đối với hệ thống chính trị, tăng cường sự phối hợp giữa
các tổ chức trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội và của Nhân dân. Đặc biệt, qua những ngày tháng
cam go, khốc liệt chưa từng có trong ứng phó với đại dịch COVID-19, là một thử
thách sinh động của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm, sáng tạo, gương mẫu đi đầu,
sẵn sàng cống hiến, hy sinh thầm lặng, quên mình vì tính mạng, sức khỏe của
Nhân dân, của lực lượng tuyến đầu. Hệ thống chính trị ở cơ sở đã chủ động, linh
hoạt, sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp gắn với cơ sở; phát huy vai trò của Bí
thư Chi bộ, Trưởng Ban điều hành khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ Nhân dân trong
công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống COVID-19, chăm lo an sinh cho Nhân
dân tại địa bàn dân cư, góp phần cùng thành phố từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch
bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt
được, hệ thống chính trị ở cơ sở vẫn còn những bất cập và một số hạn chế như một
số nơi chưa kịp thời kiện toàn chức danh chủ chốt, gây khó khăn nhất định trong
công tác phòng, chống dịch; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức, đơn vị còn
chồng chéo; việc vận hành các phương án, kịch bản của Ban Chỉ đạo phòng, chống
COVID-19 phường, xã, thị trấn, của Ban Chỉ huy thống nhất phường, xã, thị trấn
trong một số tình huống còn bị động, lúng túng; thẩm quyền, trách nhiệm của cán
bộ, công chức, nhất là người đứng đầu ở một số lĩnh vực chưa rõ; việc đổi mới tổ
chức, phương thức hoạt động, cách thức vận động quần chúng của mặt trận tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội chưa đáp ứng theo yêu cầu; có nơi, có lúc hội
viên, đoàn viên, lực lượng dân quân đông nhưng chưa mạnh; một bộ phận cán bộ,
công chức ở cơ sở chưa nắm chắc tình hình Nhân dân nên xử lý những vấn đề phát
sinh còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch
COVID-19 trong tình hình mới. Nguyên nhân khách quan là do
một số cơ chế, chính sách, quy định chưa phù hợp đặc thù mô hình chính quyền đô
thị của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là quy định về tổ chức bộ máy, biên chế hệ
thống chính trị cơ sở đối với các địa phương có quy mô dân số đông, trong ứng
phó với dịch bệnh còn thiếu nhiều phương tiện, trang thiết bị... Nguyên nhân chủ
quan, trong đó chủ yếu là do một số cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, có cả cán bộ chủ
chốt từng cấp vẫn còn có lúc, có nơi, có việc thiếu chủ động, tinh thần trách
nhiệm không cao, thiếu tâm huyết, thiếu bản lĩnh; một số sợ trách nhiệm, trông
chờ, ỷ lại, ngại khó, ngại khổ, thậm chí né tránh trước những khó khăn thử
thách.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của hệ
thống chính trị cơ sở hơn nữa trong thời gian tới để tạo sự đoàn kết, đồng
lòng, phát huy sức mạnh Nhân dân theo phương châm “Mỗi phường, xã, thị trấn là
một pháo đài trong công tác phòng chống dịch”, đồng thời tạo điều kiện cho các
hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Ban
Thường vụ Thành ủy xây dựng Kế hoạch củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở
trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,
phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải
pháp như sau.
II. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM
1. Mục tiêu
Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị
cơ sở nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên
môn, nghiệp vụ, phù hợp với điều kiện, đặc điểm thực tế địa phương, đáp ứng được
yêu cầu nhiệm vụ nhằm đảm bảo góp phần cùng thành phố kiểm soát được dịch
Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
2. Quan điểm
- Việc củng cố, kiện toàn hệ thống
chính trị cơ sở phải bám sát Nghị quyết của cấp trên trực tiếp và cấp ủy cùng cấp,
bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành
của chính quyền, tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận, các tổ chức chính trị
- xã hội và huy động tổng hợp của Nhân dân trong việc kiểm soát được dịch Covid-19.
- Việc củng cố, kiện toàn không gây
xáo trộn bộ máy tổ chức; làm chắc từng khâu, từng việc; các cấp ủy, tổ chức đảng
cần dân chủ, công khai, làm tốt công tác tư tưởng đối với đảng viên, cán bộ,
công chức, người lao động, tránh phát sinh tình trạng đơn thư.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP
1. Củng cố, kiện
toàn bộ máy, nhân sự, xây dựng hệ chính trị cơ sở vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- Ban thường vụ thành ủy Thủ Đức, các
quận ủy, huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy phường, xã, thị trấn (gọi chung
là đảng ủy cấp xã) nhanh chóng rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị
cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ điều kiện đáp ứng
được yêu cầu nhiệm vụ điều kiện trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt,
kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển
kinh tế - xã hội, nhất là các chức danh còn khuyết trong cấp ủy, chính quyền, mặt
trận, tổ chức chính trị - xã hội ở phường, xã, thị trấn; kiện toàn Ban Chỉ đạo
phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế cấp huyện, cấp xã phù hợp với
tình hình hiện nay.
- Quan tâm tăng cường cán bộ trẻ giữ
chức vụ lãnh đạo cấp xã, bảo đảm hài hòa về độ tuổi trong cấp ủy, chính quyền,
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục củng cố, kiện toàn
tổ chức, kiện toàn nhân sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính
trị - xã hội, đảm bảo quản lý số lượng và phát huy tốt vai trò đoàn viên, hội
viên tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; nắm tình hình Nhân dân, giám
sát chặt chẽ việc tiếp nhận và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người bị ảnh
hưởng bởi dịch COVID-19.
- Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng
đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở; xây dựng đội ngũ
cán bộ, công chức ở cơ sở có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, giỏi về nghiệp vụ,
chuyên môn gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ trong
hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Chú trọng việc
khơi dậy ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng,
hết sức phục vụ Nhân dân; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi
ích chung.
- Kịp thời quan tâm, động viên tinh
thần và chăm lo chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, hội
viên cấp xã; đội ngũ cán bộ khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.
2. Rà soát, bổ
sung quy chế làm việc của cấp ủy cấp xã; nâng cao vai trò hạt nhân chính trị của
tổ chức cơ sở Đảng và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong
lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương
- Ban thường vụ thành ủy Thủ Đức, các
quận ủy, huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy cấp xã rà soát, bổ sung Quy chế
làm việc của Ban chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025,
theo các yêu cầu: xác định rõ hơn nội dung lãnh đạo của đảng ủy; cụ thể hóa quy
chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị -
xã hội trong công tác phòng, chống COVID-19; xác định rõ hơn nhiệm vụ quản lý
điều hành của chính quyền, chức năng, nhiệm vụ các tổ chức chính trị - xã hội;
quy định cụ thể các mối quan hệ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực
hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống
dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế cấp xã. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn
thiện kịch bản, phương án, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo
phòng chống dịch COVID-19 cấp xã; bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập
trung, xuyên suốt, toàn diện, thống nhất và có hiệu quả, phù hợp với chỉ đạo
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện trong từng giai đoạn và tình
hình thực tế tại địa phương.
- Lãnh đạo chi bộ, đảng bộ trực thuộc
thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; duy trì tốt chế độ sinh
hoạt và nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt chi bộ tập trung vào những vấn
đề cụ thể, thiết thực gắn với tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên
tích cực học tập, nỗ lực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,
nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực
hiện nhiệm vụ tại địa phương.
- Phân công nhiệm vụ cụ thể, quy định
thời gian thực hiện qua đó nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng ủy, phát huy tinh
thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm
vụ của Ủy ban nhân dân, nâng cao vai trò giám sát phản biện xã hội của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện không còn tổ chức
hội đồng nhân dân phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã
hội phát huy tốt hơn nữa việc sâu sát nắm tâm tư nguyện vọng, khó khăn của Nhân
dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh để phối hợp với chính quyền giải quyết.
3. Đổi mới phương
thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác kiểm tra giám sát
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng,
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên;
phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên,
đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng
viên, cán bộ chủ chốt ở cơ sở; cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí
thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều
hành của chính quyền cấp xã trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từng cán
bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu gương mẫu, tận tụy, làm nòng cốt trong
công tác phòng, chống dịch, tạo sự lan tỏa trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch
COVID-19 cấp xã.
- Nghiên cứu đề xuất thành phố, Trung
ương mô hình quản lý dân cư theo số hộ dân, số lượng dân cư thực tế, đảm bảo quản
lý an toàn, nắm chắc tình hình Nhân dân, trước mắt tập trung củng cố tổ chức, bộ
máy và tiếp tục nghiên cứu về cơ chế, chính sách nhằm phát huy mô hình tổ chức
của hệ thống chính trị dưới phường, xã, thị trấn; đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng
tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội tại địa bàn có nhà chung cư theo Kết
luận số 436-KL/TU ngày 08 tháng 5 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy. Tiếp tục
phát hơn nữa vai trò của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trong việc quản
lý, giám sát chặt chẽ, tuyên truyền, vận động để từng hộ gia đình, mỗi công dân
nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ
Y tế; quan tâm chăm lo đời sống và xây dựng lực lượng nòng cốt trong Nhân dân;
thực hiện tốt chủ trương lấy địa bàn dân cư làm pháo đài trong công tác phòng
chống dịch, huy động người lao động trên địa bàn cùng tham gia chống dịch góp
phần cùng thành phố từng bước đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế trong điều
kiện bình thường mới.
- Hoàn thiện tổ chức và hoạt động
theo mô hình chính quyền đô thị. Đổi mới hoạt động của chính quyền cơ sở tinh gọn
gắn với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách hành chính theo hướng gần dân, sát
dân. Thực hiện quy chế về mối quan hệ phối hợp trong công
tác giám sát giữa đại biểu Hội đồng nhân dân với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội xã, thị trấn. Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng
nhân dân phường.
- Phát huy vai trò của các đồng chí cấp
ủy viên, ban tổ chức cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện trong việc tăng
cường kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc
tập trung dân chủ, các quy trình thực hiện việc kiện toàn nhân sự của hệ thống
chính trị cơ sở để phòng ngừa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong thực
hiện các quy định về công tác cán bộ.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Thay đổi các phương
thức để người dân có thể góp ý, phản ánh trực tiếp, gián tiếp, trực
tuyến, giám sát đối với các hoạt động của chính quyền cơ sở. Thực hiện nền nếp
quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại, tiếp xúc với đảng viên
và Nhân dân; kịp thời phát hiện và xử lý những tình huống phức tạp, nổi cộm
ngay từ cơ sở, nhất là những vấn đề mới phát sinh do tác động nghiêm trọng của
đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.
4. Thực hiện tốt
công tác kết nạp đảng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ tiếp cận
chức danh quy hoạch.
- Ban Thường vụ thành ủy Thủ Đức, các
quận ủy, huyện ủy quan tâm, chỉ đạo Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện phối hợp với Mặt
trận Tổ quốc cấp huyện và Đảng ủy cấp xã quan tâm đưa chức danh Chủ tịch Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, xã, thị trấn là cán bộ chủ chốt cấp của xã,
phường, thị trấn để quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng
nhiệm vụ chính trị được giao.
- Ban thường vụ thành ủy Thủ Đức, các
quận ủy, huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách đối với quân nhân hoàn
thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; đào tạo, bồi dưỡng quân nhân hoàn
thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên ưu tú ở địa phương bổ sung cho đội ngũ cán bộ
phường, xã, thị trấn.
- Đảng ủy phường, xã, thị trấn tăng
cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức về mục đích, lý tưởng, nguyên tắc của Đảng,
xác định đúng đắn động cơ vào Đảng của quần chúng ưu tú, bảo đảm chất lượng đảng
viên mới; thực hiện quy trình hướng dẫn về công tác quy hoạch, đảm bảo dân chủ,
khách quan trong giới thiệu nguồn cán bộ quy hoạch, quan tâm tạo nguồn cán bộ
trẻ, cán bộ nữ đưa vào quy hoạch, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sở
trường; đồng thời, chuyển đổi vị trí công tác, bố trí lại nhiệm vụ mới đối với
những đảng viên, cán bộ, công chức chưa phát huy tính tiền phong, gương mẫu của
đảng viên, chưa thực hiện hết vai trò, chức trách, nhiệm vụ trong công tác
phòng, chống dịch COVID-19.
5. Củng cố và
nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở; phát huy nguồn lực, chăm sóc sức khỏe
ban đầu cho Nhân dân phù hợp với thực tiễn của thành phố.
- Quan tâm củng cố, kiện toàn trung
tâm y tế huyện, trạm y tế phường, xã, thị trấn; khẩn trương kiện toàn nguồn
nhân lực, củng cố hệ thống y tế cơ sở trên cơ sở tăng số trạm y tế, nhân viên y
tế theo quy mô dân số phù hợp với yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình
hình hiện nay; sớm bổ sung kiện toàn đủ chức danh trưởng trạm và phó trưởng trạm/trạm
y tế.
- Triển khai thực hiện đề án tăng cường
nhân lực trạm y tế, trước mắt điều chỉnh tăng mức biên chế và bổ sung các chức
danh trong cơ cấu chức danh nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế; thực hiện
chính sách thu hút nguồn nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở, trước mắt huy động lực
lượng tình nguyện viên là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên từng
địa bàn.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Ban
Thường vụ Thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy và Đảng ủy sở Y tế xây dựng Kế
hoạch cụ thể để quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả việc củng cố, kiện
toàn hệ thống chính trị cơ sở. Định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, đề
ra phương hướng thực hiện trong thời gian tiếp theo.
2. Ban
cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố khẩn
trương hoàn thiện Báo cáo đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân và đề xuất sắp xếp lại mô hình
tổ chức dưới phường, xã, thị trấn; nghiên cứu tham mưu việc tổ chức mô hình quản
trị nhân sự và bố trí nhân sự hợp lý tại các địa bàn đông
dân cư đang có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều vấn đề về xã hội, môi trường, dịch
bệnh đang đặt ra cần giải quyết; chỉ đạo sở Nội vụ chủ trì cùng Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tập trung kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở;
chỉ đạo sở Nội vụ chủ trì phối hợp cùng sở Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ
Đức, các quận, huyện củng cố, kiện toàn trung tâm y tế huyện,
trạm y tế phường, xã, thị trấn.
3. Đảng
đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và Ban
Thường vụ Thành Đoàn lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
các tổ chức chính trị - xã hội thành phố bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác,
nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính
trị - xã hội cơ sở; đổi mới phương pháp vận động Nhân dân, góp phần tích cực đẩy
mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn
xã hội tại địa phương; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
trong sạch vững mạnh; huy động sức mạnh Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch
COVID-19.
4. Ban Tổ
chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện Kế hoạch này của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận
Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; định kỳ 6 tháng, báo cáo Ban
Thường vụ Thành ủy; kịp thời đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo giải
quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện./.
Nơi nhận:
- Các đồng chí Thành ủy
viên,
- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố,
- Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố,
- Các ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy
- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Ban Thường vụ
Thành Đoàn,
- Thành ủy Thủ Đức, quận ủy, huyện ủy và đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc
Thành ủy,
- Văn phòng Thành ủy (Lãnh đạo, Phòng TH/Linh),
- Lưu Văn phòng Thành ủy.
|
T/M BAN THƯỜNG
VỤ
PHÓ BÍ THƯ
Nguyễn Hồ Hải
|