Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 78/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Nguyễn Ngọc Ân
Ngày ban hành: 24/10/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/KH-UBND

Phú Yên, ngày 24 tháng 10 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2011-2015

Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (viết tắt là CN-TTCN) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV và nhiệm vụ quy định tại Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh số 01/CTr- UBND ngày 10/3/2011. Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra Kế hoạch phát triển CN-TTCN giai đoạn 2011-2015 với các nội dung cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Tạo sự thống nhất ở các cấp, các ngành trong việc quán triệt và triển khai cụ thể hóa các nội dung về phát triển CN-TTCN của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2011-2015).

Phát triển công nghiệp phải bảo đảm sự ổn định về mọi mặt, tăng trưởng với tốc độ cao nhằm tạo sự phát triển đột phá cho nền kinh tế tỉnh và thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp. Tạo đà để đến năm 2020, Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tập trung đầu tư xây dựng cảng biển, cụm công nghiệp và làng nghề, xây dựng và hoàn thiện các khu công nghiệp gắn với Khu kinh tế Nam Phú Yên. Chú trọng phát triển công nghiệp lọc - hóa dầu, đóng mới và sửa chữa tàu biển, chế biến thủy sản gắn với liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển của các tỉnh duyên hải miền Trung.

Giải quyết được nhiều việc làm, đảm bảo đời sống của người lao động ngày một tăng lên; tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; đảm bảo cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN có tích lũy để tái đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và mở rộng sản xuất.

Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo tính bền vững. Đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, phù hợp với quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể

Giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 16-17%/năm; trong đó giá trị gia tăng công nghiệp tăng bình quân 15,47%/năm. Đến năm 2015 tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng chiếm 40 - 41,5% trong cơ cấu GDP của tỉnh; trong đó GDP công nghiệp chiếm trên 31%.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 18,25%/năm.

Tạo việc làm mới cho 23.000 - 25.000 lao động.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm công nghiệp đến năm 2015 đạt 350 triệu USD bằng 100% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

II. Kế hoạch phát triển CN-TTCN giai đoạn 2011-2015

1. Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá

1.1. Công nghiệp thực phẩm

a) Về phát triển công nghiệp mía đường và các sản phẩm sau đường:

Ổn định vùng nguyên liệu mía tập trung theo quy hoạch, tăng diện tích mía có tưới trên cơ sở đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, áp dụng giống mới với năng suất, chữ đường cao, có khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh để phát huy tốt năng lực sản xuất của các nhà máy chế biến mía đường hiện có; Đồng thời chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm đường tinh luyện trong tổng sản lượng đường kết tinh của tỉnh. Từng bước đầu tư nâng công suất các Nhà máy đường Tuy Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 tổng năng lực sản xuất của 02 công ty đường hiện có trên địa bàn tỉnh đạt 11.500 tấn mía/ngày.

Đầu tư chiều sâu và mở rộng nhà máy sản xuất cồn công suất 6 triệu lít/năm gắn với Nhà máy đường Tuy Hòa; nhà máy sản xuất cồn, rượu của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát công suất 5 triệu lít/năm nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Phấn đấu trong giai đoạn từ 2011-2015 phát huy tốt năng lực sản xuất đã đầu tư và nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm có sử dụng cồn.

Đầu tư mới các nhà máy sản xuất phân bón công suất 11.500 tấn/năm gắn với các Nhà máy đường Sơn Hòa, Đồng Xuân, đầu tư chiều sâu và mở rộng các nhà máy sản xuất phân bón hiện có nhằm tạo được nguồn phân bón có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu phát triển của các loại cây trồng ở các tỉnh trong vùng. Phấn đấu đến năm 2015 tổng năng lực sản xuất phân bón của tỉnh đạt trên 200.000 tấn sản phẩm/năm.

Thu hút vốn đầu tư vào một số lĩnh vực như: sản xuất các sản phẩm từ đường, sản xuất điện, phân vi sinh, xăng dầu sinh học từ bã mía, bã bùn, mật rỉ... gắn với các nhà máy đường, tinh bột sắn theo quy mô phù hợp, thiết bị công nghệ hiện đại tiên tiến nhằm tạo ra những sản phẩm với chất lượng tốt, đủ khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

b) Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản và thịt:

- Về chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu: Được xác định là một trong số các sản phẩm chủ lực thuộc chương trình phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ biển. Do vậy, trong giai đoạn 2011-2015, tiếp tục khuyến khích phát triển đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy đặc sản gắn với chế biến và bảo vệ môi trường bền vững; Củng cố và tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu hiện có phát huy hết năng lực sản xuất đã đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực xây dựng thương hiệu hàng hóa, xây dựng và mở rộng thị trường nước ngoài. Đồng thời nghiên cứu đầu tư các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ nguồn phụ phẩm của đông lạnh để đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tích cực kêu gọi và khuyến khích đầu tư mới một số nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu nhằm khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế của vùng Đông Bắc tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2015 tổng công suất của các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu của tỉnh đạt 12.000 tấn sản phẩm/năm.

- Về chế biến thủy sản đóng hộp: Tập trung củng cố và từng bước đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới các cơ sở chế biến thủy sản đóng hộp. Tạo điều kiện cho sản phẩm của cơ sở tiếp cận và đứng vững được ở thị trường trong nước và từng bước phát triển ra thị trường nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 4.000-5.000 tấn sản phẩm/năm.

- Về chế biến thủy sản khô, tẩm sấy:

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến thủy sản khô xuất khẩu đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn và giúp một số cơ sở có năng lực quản lý sản xuất kinh doanh, có tiềm lực về vốn... thực hiện đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường... để làm đầu mối cho việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản khô xuất khẩu cho các cơ sở khác trên địa bàn tỉnh, nhất là các cơ sở kinh tế hộ gia đình.

Khuyến khích các hộ gia đình ở các xã ven biển như: xã An Chấn (huyện Tuy An), xã Xuân Hải, Xuân Hòa, phường Xuân Đài… (thị xã Sông Cầu) đầu tư phát triển nghề chế biến thủy sản khô xuất khẩu theo hướng dần hình thành làng nghề và làm vệ tinh cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp. Đồng thời chú trọng đến công tác quản lý Nhà nước và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa bàn này nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất TTCN gây ra.

Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu và nhân rộng nghề chế biến thủy sản tẩm sấy với chủng loại sản phẩm đa dạng, hợp vệ sinh, mẫu mã bao bì đẹp nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu tại địa phương, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Phấn đấu đến năm 2015 tổng năng lực chế biến thủy sản khô, thủy sản tẩm sấy đạt 5.000 - 6.000 tấn sản phẩm/năm.

- Về chế biến nước mắm: Khuyến khích các cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đa dạng hóa mẫu mã bao bì; xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với một số địa danh nổi tiếng như: Gành Đỏ, Mỹ Quang, An Hòa... và xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm để phát triển sản xuất. Khuyến khích, tạo điều kiện để hình thành, phát triển làng nghề chế biến nước mắm truyền thống gắn với các địa danh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 sản lượng nước mắm đạt 16 triệu lít/năm.

- Về chế biến thịt gia súc, gia cầm: Tập trung nâng cao chất lượng đàn heo, bò và phát triển đàn gia cầm theo hướng chuyên cung cấp thịt cho công nghiệp chế biến. Đồng thời tích cực gọi vốn đầu tư nhà máy chế biến thịt công suất từ 3.000 - 5.000 tấn sản phẩm/năm để khai thác tốt nguồn nguyên liệu của tỉnh.

c) Chế biến các loại thực phẩm khác:

Khuyến khích đầu tư phát triển vùng nguyên liệu song song với việc đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm của các cơ sở chế biến nhân hạt điều hiện có để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Phấn đấu đến năm 2015, công suất chế biến của các nhà máy đạt 22.000 tấn sản phẩm/năm.

Gọi vốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm ăn liền, công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến bột dinh dưỡng, công suất 5.000 tấn/năm từ nguồn nguyên liệu địa phương và vùng phụ cận với thiết bị công nghệ hiện đại, đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh thực phẩm để sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sơ chế hoặc chế biến các sản phẩm từ nông sản như: mít, xoài, chuối... với quy mô phù hợp nhằm đa dạng sản phẩm để giải quyết lao động ở khu vực nông thôn, miền núi.

Tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn phát huy tốt năng lực sản xuất. Nghiên cứu đầu tư chế biến sâu các sản phẩm sau tinh bột và sản xuất một số loại sản phẩm từ sắn nhằm đa dạng hoá sản phẩm và khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu địa phương.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm làng nghề như: Bánh tráng, bún, phở... trong đó, chú trọng khuyến khích một số cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất bánh tráng xuất khẩu song song với việc củng cố, phát triển các làng nghề sản xuất bánh tráng truyền thống để đảm bảo đủ số lượng hàng hoá tham gia xuất khẩu.

Tập trung củng cố và từng bước đầu tư mở rộng, đầu tư mới các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi nhằm sử dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm từ các nhà máy chế biến thủy sản và các sản phẩm từ nông sản…

1.2. Công nghiệp sản xuất đồ uống

Tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư nâng công suất Nhà máy bia Sài Gòn - Phú Yên lên 50 triệu lít/năm, nhà máy bia của Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Phú Yên phát huy được năng lực sản xuất. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất bia khác phát huy tốt hiệu quả đầu tư, tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất bia chai, bia lon và bia tươi cao cấp phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; Tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất nước giải khát, nước tăng lực Rhino phát huy tốt năng lực sản xuất hiện có. Phấn đấu nâng tổng công suất các nhà máy bia, nước giải khát đạt khoảng 120 triệu lít/năm vào năm 2015.

Tiếp tục đầu tư sản xuất rượu gắn với các nhà máy sản xuất cồn; Đầu tư đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm rượu truyền thống của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên. Tích cực gọi vốn đầu tư nhà máy sản xuất nước khoáng công suất 15 triệu lít/năm tại mỏ nước khoáng Sơn Thành Đông.

Tích cực gọi vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến nước hoa quả xuất khẩu công suất 5.000 - 7.000 tấn sản phẩm/năm với thiết bị công nghệ hiện đại; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất nước giải khát, sữa, nước uống bổ dưỡng từ các loại quả và một số cây dược liệu... với quy mô phù hợp.

1.3. Công nghiệp sản xuất thuốc lá

Tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy thuốc lá Phú Yên di dời và tiếp tục sản xuất ổn định, đạt công suất 15 triệu bao/năm, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng chuyển đổi giống nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu có chất lượng và giá trị kinh tế cao, trên cơ sở đó đầu tư chế biến sợi thuốc khi có điều kiện.

2. Công nghiệp hóa chất, cao su, gỗ, giấy

2.1. Công nghiệp chế biến gỗ, giấy, mây tre lá…

Phát huy năng lực sản xuất và từng bước đầu tư mở rộng công suất các nhà máy chế biến gỗ, sản xuất ván nhân tạo, giấy hiện có theo hướng tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh nhằm khai thác tốt nguồn nguyên liệu từ gỗ tận dụng, rơm rạ, bã mía, mùn cưa... Phấn đấu tổng năng lực sản xuất các sản phẩm đạt 13.000m3 vào năm 2015.

Tích cực nhân cấy và phát triển nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ như: chạm trổ, khảm xà cừ, điêu khắc... Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ xơ dừa, hàng mây tre lá thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, nhằm giải quyết được nhiều chỗ làm việc cho lao động ở khu vực nông thôn. Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp sớm ứng dụng khoa học, công nghệ trong khâu hoàn thiện sản phẩm và sử dụng đa dạng các loại nguyên vật liệu từ thiên nhiên để đa dạng hoá và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tiến đến trực tiếp tham gia xuất khẩu và làm hạt nhân vững chắc cho sự hình thành, phát triển các làng nghề mây tre lá ở khu vực nông thôn.

- Tích cực củng cố và phát triển các làng nghề sản xuất các sản phẩm từ cói truyền thống trên địa bàn huyện Đông Hòa, Tuy An theo hướng nâng cao chất lượng, kết hợp các loại vật liệu khác nhằm làm đa dạng, phong phú chủng loại và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người lao động.

2.2. Công nghiệp lọc hóa dầu, hóa dược, cao su, nhựa

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để sớm triển khai dự án Nhà máy lọc dầu công suất 8 triệu tấn/năm. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm. Tiếp tục thu hút, tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài để phát triển ngành lọc - hóa dầu tại tỉnh, tăng cường liên kết vùng để đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển bền vững.

Tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất dược phẩm phát huy tốt năng lực sản xuất, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân, nghiên cứu đầu tư mở rộng công suất nhà máy trong giai đoạn 2011-2015.

Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư chế biến mủ cao su với tổng công suất 13.500 tấn sản phẩm/năm sớm triển khai xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động trong giai đoạn 2011-2015 theo đúng quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1833/QĐ-UBND ngày 11/11/2008. Đồng thời khuyến khích các cơ sở đầu tư sản xuất các sản phẩm từ cao su như: ủng cao su, trục xát gạo, chi tiết cao su chịu dầu mỡ, cao su chống va đập, chống rung...

Tập trung củng cố Xí nghiệp nhựa hiện có theo hướng đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm để phát huy tốt năng lực sản xuất đã đầu tư, đầu tư sản xuất nhựa công nghiệp và xây dựng, nhựa cho thiết bị cách điện, sản xuất nhựa ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy sản, sản xuất các loại nhựa bao bì, nhựa đồ chơi trẻ em... Phấn đấu đến năm 2015 năng lực sản xuất sản phẩm nhựa các loại đạt 5.000 tấn/năm.

Chú trọng hỗ trợ đầu tư sản xuất các sản phẩm từ vật liệu Compozite.

3. Công nghiệp dệt may, giày dép

Thu hút đầu tư mới và tập trung củng cố, hiện đại hóa các đơn vị may công nghiệp hiện có của tỉnh. Khuyến khích các đơn vị tích cực mở rộng thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu để phát triển và từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Tiếp tục gọi vốn từ các tập đoàn dệt may để đầu tư phát triển công nghiệp may mặc tại tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 đạt sản lượng 15 triệu sản phẩm quy chuẩn/năm. Khuyến khích các cơ sở đầu tư sản xuất các loại phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may của tỉnh và khu vực.

Tiếp tục gọi vốn đầu tư nhà máy dệt bao gồm cả dệt vải, dệt thun với quy mô vừa và thiết bị tiên tiến, khuyến khích các cơ sở đầu tư sản xuất các loại phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may của tỉnh và khu vực.

Khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm từ da, giả da như: giày dép, túi xách, cặp học sinh... nghiên cứu đầu tư xí nghiệp sản xuất giày dép từ chất liệu da, giả da, vải... với công suất 3 - 5 triệu đôi/năm để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

4. Công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin

Tạo điều kiện thuận lợi để nhà máy ôtô phát huy tốt công suất; sớm đầu tư và hoàn thiện nhà máy lắp ráp xe gắn máy công suất 10.000 chiếc/năm, khuyến khích phát triển ngành cơ khí phụ trợ, sửa chữa máy móc thiết bị; lắp ráp các máy nặng; lắp ráp các phương tiện vận tải, thiết bị nâng dỡ; máy xây dựng, làm đất,… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy, lọc hóa dầu và các ngành kinh tế khác. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 7.000 - 10.000 tấn sản phẩm/năm.

Tập trung củng cố và hiện đại hóa nhà máy đóng, sửa tàu thuyền hiện có; khuyến khích đầu tư nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu biển với năng lực sửa chữa tàu trên 100.000DWT và đóng mới trên 20.000DWT. Đồng thời tập trung đầu tư xây dựng cụm công nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu thuyền theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu có công suất nhỏ và trung bình.

Khuyến khích đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp sản phẩm gia dụng, máy tính cá nhân, thiết bị ngoại vi, viễn thông… công suất khoảng 20.000 sản phẩm/năm; nghiên cứu hình thành các ngành công nghiệp phần cứng, phần mềm, công nghiệp sinh học, môi trường và nội dung số.

5. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng

Ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để tiết kiệm nguyên liệu, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; Chuyển từ khai thác và sử dụng tài nguyên dạng thô sang chế biến tinh, nâng cao giá trị gia tăng và tăng thị phần sản phẩm chế biến tinh trong xuất khẩu. Gắn khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường.

- Khai thác và chế biến các sản phẩm từ Diatomite, Flourite: Củng cố và phát huy năng lực chế biến của các nhà máy hiện có; Tạo điều kiện thuận lợi để sớm triển khai đầu tư nhà máy sản xuất bột trợ lọc công suất 2.500 - 5.000 tấn/năm; Dự án chế biến sâu Flourite, công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm nhằm sản xuất ra sản phẩm bột trợ lọc, bột fourite để thay thế hàng nhập khẩu và tiến đến xuất khẩu.

- Khai thác vàng: Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư khai thác, chế biến vàng sớm đưa vào hoạt động. Phấn đấu đến năm 2015 đạt khoảng 30 - 50kg/năm.

- Khai thác chế biến quặng sắt: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến quặng sắt hiện có phát huy tốt năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng tuyển tinh để thu hồi quặng một cách hiệu quả.

- Sản xuất vật liệu xây dựng: Tập trung củng cố, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và phát huy tốt năng lực sản xuất hiện có của các nhà máy sản xuất gạch với dây chuyền thiết bị, công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Tạo điều kiện cho Nhà máy xi măng phát huy tốt năng lực sản xuất hiện có và đầu tư nâng công suất lên 150.000 tấn/năm, các nhà máy sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ xuất khẩu phát huy hết công suất và đầu tư mở rộng sản xuất; Phấn đấu đến năm 2015 tổng năng lực sản xuất đạt 1 triệu m2 sản phẩm các loại/năm.

Tiếp tục gọi vốn đầu tư nhà máy sản xuất gạch Ceramite, đá Granite nhân tạo công suất ban đầu 1 triệu m2/năm.

Hỗ trợ để các cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công hiện có trên địa bàn tỉnh nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất sang lò đứng công nghệ liên tục, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất các loại vật liệu cơ bản, vật liệu trang trí và các loại vật liệu mới để từng bước thay thế hoàn toàn các lò sản xuất gạch, ngói thủ công hiện có theo quy định tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.

6. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước

- Công nghiệp sản xuất và phân phối điện:

Tạo điều kiện cho các các Nhà máy Thủy điện Sông Hinh công suất 70MW, Sông Ba Hạ công suất 220MW, KrôngH’năng công suất 64MW phát huy hiệu quả đã đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy thuỷ điện nhỏ: Đá Đen, La Hiêng 2... phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2012.

Tạo điều kiện cho Nhà máy nhiệt điện Đồng Phát (Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam) hoàn thành và đưa vào sử dụng trước năm 2015. Nghiên cứu đầu tư các nhà máy như: Sản xuất điện bằng sức gió, năng lượng mặt trời và các nhà máy thủy điện nhỏ khác.

Hoàn thành việc đầu tư trạm biến áp 110KVA La Hai và thực hiện khai thác trạm 110KVA Sơn Hòa cấp điện cho huyện Sông Hinh trong năm 2012.

Phấn đấu đến trước năm 2015, số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên địa bàn các xã đạt trên 98% và có hệ thống điện đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đạt chuẩn n - 1 của ngành điện.

- Công nghiệp sản xuất và phân phối nước:

Nâng cấp và phát triển hoàn chỉnh mạng lưới cấp nước Nhà máy nước khu vực Đông Bắc Sông Cầu - Thị xã Sông Cầu, công suất 900 m3/ngày đêm (giai đoạn 1); Xây dựng Nhà máy nước thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, công suất thiết kế 10.000 - 15.000m3/ngày đêm; Nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Sông Cầu từ 3.000m3/ngày đêm lên 10.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, công suất khoảng 1.000m3/ngày đêm.

Mở rộng việc cấp nước cho các Khu công nghiệp và dịch vụ. Hoàn tất các thủ tục và thực hiện đầu tư nhà máy nước Nam Tuy Hòa, công suất 60.000m3/ngày đêm để cấp nước cho Khu kinh tế Nam Phú Yên và vùng phụ cận.

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp và phân phối nước tại thành phố Tuy Hòa đến các khu đô thị, khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp và làng nghề;

Khuyến khích đầu tư các trạm cung cấp nước tại chỗ đối với các cụm công nghiệp phân bố rải rác, xa các nhà máy sản xuất nước sạch với quy mô phù hợp để phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong các cụm công nghiệp và một số cụm dân cư lân cận.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất và phân phối nước sạch với quy mô nhỏ ở khu vực nông thôn, miền núi nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân.

7. Xây dựng, phát triển CN -TTCN nông thôn và làng nghề TTCN

Bảo tồn, xây dựng và phát triển các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống, làng nghề có tiềm năng gắn với phát triển du lịch. Trong đó chú ý đầu tư để đáp ứng được tiêu chuẩn tham quan phục vụ du lịch. Phấn đấu công nhận cho 12/16 làng nghề CN-TTCN theo tiêu chí mới, thu hút ít nhất 60% số hộ của làng tham gia làm nghề. Khôi phục và phát triển nghề rèn, sửa chữa cơ điện, điện tử, tàu thuyền, gia công cơ khí… để phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Tập trung nhân rộng và phát triển nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, ngành nghề nông thôn gắn với sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ để hình thành mới các làng nghề và sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với phục vụ du lịch và xuất khẩu. Du nhập, nhân cấy phát triển các nghề mới phù hợp với điều kiện của tỉnh, chú trọng phát triển nghề truyền thống…

8. Hình thành và phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, công nghiệp áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học và tiết kiệm năng lượng…

Tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn đã được UBND tỉnh công bố tại Quyết định 1787/2009/QĐ-UBND ngày 28/9/2009.

Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ cao vào một số ngành công nghiệp như: Chế biến nông lâm sản thực phẩm, năng lượng, hóa chất, cơ khí, điện tử - tin học, khai thác và chế biến khoáng sản được quy định tại Quyết định số 1539/QĐ-UBND ngày 12/10/2010 của UBND tỉnh Phú Yên.

Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy mạnh đầu tư áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, sử dụng nguyên, nhiên liệu thân thiện với môi trường; Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, sản xuất nhiên liệu sinh học, hóa dược; sản xuất các protein, enzym tái tổ hợp sử dụng trong dược phẩm, thực phẩm công nghiệp và xử lý môi trường...; Đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chú trọng đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa có hiệu suất năng lượng cao; từng bước thay thế thiết bị lạc hậu, sử dụng các dạng năng lượng thay thế để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Tập trung xây dựng và hoàn thiện Khu công nghệ cao để thúc đẩy phát triển năng lực nội sinh về công nghệ và tạo mặt bằng để thu hút FDI công nghệ cao.

III. Các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch

1. Giải pháp về quy hoạch

Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển công nghiệp để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường. Một số dự án cần tập trung thực hiện như: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020. Quy hoạch mạng lưới Cụm công nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Rà soát, hiệu chỉnh Quy hoạch ngành công nghiệp tỉnh đến năm 2010 định hướng đến năm 2020. Hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu công nghệ cao, khu công nghiệp đa ngành, khu chế xuất. Rà soát và quy hoạch phát triển mới các nguồn nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến… để làm cơ sở thu hút đầu tư. Tổ chức công bố các quy hoạch để các nhà đầu tư tìm hiểu và đầu tư.

2. Đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, cảng biển và làng nghề

- Đối với khu công nghiệp tập trung, cảng biển: Hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp; Nâng cấp Cảng Vũng Rô đủ năng lực tiếp nhận tàu 10.000 DWT gắn với phát triển dịch vụ logistics; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cảng chuyên dùng, các Khu công nghiệp lọc dầu Vũng Rô, Khu công nghiệp Hòa Tâm, Khu công nghiệp đa ngành, Khu công nghệ cao gắn với Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu dân cư phục vụ Khu công nghiệp.

- Đối với cụm công nghiệp và làng nghề: Giai đoạn 2011-2015, ngân sách Tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp ở các địa phương có điều kiện. Mỗi huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ đầu tư 01 cụm công nghiệp và hỗ trợ đầu tư hạ tầng các làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận.

- Về đầu tư phát triển điện, nước cho các khu, cụm công nghiệp và làng nghề: Đầu tư các công trình điện đến hàng rào các khu, cụm công nghiệp và làng nghề; Ưu tiên phát triển các công trình thủy lợi đa tác dụng để cung cấp nước cho sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề.

3. Giải pháp về phát triển nguồn nguyên liệu

Xây dựng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch đối với các loại cây công nghiệp ngắn ngày: mía, sắn, thuốc lá... các cây công nghiệp dài ngày: điều, dừa, cao su..., vùng chăn nuôi tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng ổn định để phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn; đặc biệt phát huy thế mạnh nuôi biển gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi và dịch vụ hậu cần nghề cá, tận dụng tiềm năng mặt nước hồ chứa tại các huyện miền núi để phát triển nuôi nước ngọt.

Khảo nghiệm và nhân nhanh giống mới tuyển chọn từ các nguồn trong nước và nhập ngoại, chọn ra các giống phù hợp để nhân rộng. Tiếp cận các giống lai ưu thế, coi đây là bước đột phá tạo ra năng suất, chất lượng cao cho nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.

Khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư vào vùng nguyên liệu trên cơ sở các chính sách hiện hành; hình thành quỹ bình ổn giá nông sản để đảm bảo lợi ích và ổn định lâu dài cho người sản xuất nguyên liệu, nuôi trồng thuỷ sản ... tạo sự gắn kết chặt chẽ về lợi ích giữa người sản xuất nguyên liệu và cơ sở chế biến.

4. Giải pháp về cơ chế chính sách

Xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách như sau:

- Xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề.

- Xây dựng cơ chế liên kết vùng duyên hải miền Trung để khai thác lợi thế, tiềm năng của từng địa phương phục vụ cho phát triển sản xuất CN-TTCN của tỉnh.

- Xây dựng cơ chế sử dụng ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn tại địa phương về sản xuất thử nghiệm (sản phẩm mới; nguyên liệu, phụ liệu thay thế hàng nhập khẩu) nhằm hoàn thiện công nghệ, thiết bị mới tiên tiến trước khi ứng dụng vào sản xuất quy mô công nghiệp; Cơ chế hỗ trợ trong chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch ngói thủ công.

- Xây dựng và ban hành chính sách phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh; Quy chế xét công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công phát triển nghề mới; Rà soát sửa đổi các chính sách khuyến công của tỉnh theo quy định hiện hành.

5. Giải pháp về vốn

Ngân sách tỉnh cân đối đáp ứng cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp; Hỗ trợ cho đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp và làng nghề theo quy định và hỗ trợ các dự án phát triển làng nghề.

Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn đầu tư qua các Bộ, ngành Trung ương, vốn hỗ trợ có mục tiêu như: vốn khuyến công, xúc tiến thương mại; chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ tự động hóa, vật liệu mới; chương trình tiết kiệm năng lượng, các chương trình mục tiêu quốc gia khác…

Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tích lũy vốn từ nội bộ doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

6. Giải pháp về thu hút đầu tư

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các cơ chế của tỉnh; sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển CN- TTCN cho phù hợp với tình hình mới. Thực hiện tốt cơ chế chính sách đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp khu vực nông thôn…

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và công bố rộng rãi danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các dự án kêu gọi đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Tổ chức nhiều hình thức vận động để thu hút đầu tư thông qua các hội nghị, các lễ hội, các sự kiện lớn của tỉnh; cải tiến phương pháp đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những kiến nghị của nhà đầu tư.

7. Giải pháp về thị trường

Phổ biến kịp thời các thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, về thị trường đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là sản phẩm có chất lượng sản xuất tại Phú Yên. Tích cực phát triển thị trường mới, thị trường nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường… để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và góp phần ổn định thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh.

8. Giải pháp về khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn để ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất và thực hiện các bộ tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP, SA…; Tranh thủ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về tự động hóa, công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới để đổi mới công nghệ. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tiềm năng của tỉnh; kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường.

9. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh

Xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở đẩy mạnh phát triển sản xuất và mở rộng thị trường. Củng cố tổ chức, bộ máy và cơ sở vật chất cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, chú trọng đầu tư nhân lực, kinh phí để Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại theo các chương trình của Bộ và của Tỉnh; Hình thành mạng lưới khuyến công viên ở khu vực nông thôn.

10. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

- Về đào tạo đội ngũ cán bộ: Chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý ngành các cấp, quản lý doanh nghiệp và cán bộ chủ chốt về khoa học và công nghệ. Bố trí sử dụng hợp lý lực lượng cán bộ và có kế hoạch đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý các lĩnh vực: kinh tế đối ngoại, quản trị doanh nghiệp, quản lý sản xuất, khởi sự doanh nghiệp… để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của nền kinh tế.

- Về đào tạo lực lượng lao động lành nghề: Chú trọng đào tạo nghề CN- TTCN cho lao động ở khu vực nông thôn theo quy định, lao động ở các khu vực có đất bị thu hồi chuyển thành các khu, cụm công nghiệp… nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các dự án. Đổi mới phương thức đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội. Chú trọng đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ.

11. Giải pháp về cải cách hành chính và tăng cường công tác quản lý Nhà nước

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện nghiêm túc đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Quyết định số 30/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành nhằm giúp cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh đúng định hướng, đúng pháp luật và phát triển bền vững. Bố trí cán bộ chuyên trách đủ mạnh cho Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng, bố trí cán bộ kiêm nhiệm cho một số xã để phụ trách lĩnh vực CN-TTCN nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát và tổ chức thực hiện tốt chương trình phát triển công nghiệp ở nông thôn.

Tăng cường công tác liên kết vùng để tạo cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh, thành trong khu vực, trong đó chú trọng liên kết phát triển kinh tế biển, đào tạo nguồn nhân lực…

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền, các tổ chức hội - đoàn thể từ tỉnh đến cấp cơ sở tập trung đẩy mạnh tuyên truyền Kế hoạch phát triển CN- TTCN giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Phú Yên để nâng cao nhận thức về vai trò của CN-TTCN trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thường xuyên tổ chức quán triệt, thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh về lĩnh vực CN-TTCN để thu hút vào đầu tư phát triển công nghiệp tại tỉnh.

Tập trung tuyên truyền và phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế đến các thành phần kinh tế để kịp thời nắm được thông tin, chủ động trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Chủ trì việc xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển ngành CN-TTCN...

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hiệu chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.

Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề TTCN, tạo điều kiện để thu hút những ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, kinh tế xã hội của từng địa phương nhằm tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì việc xây dựng rà soát, hiệu chỉnh bổ sung các quy hoạch của ngành nông lâm, thủy sản, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề… Hoàn chỉnh hồ sơ các làng nghề đủ điều kiện để đề nghị UBND tỉnh công nhận theo quy định.

Phối hợp Sở Công Thương, UBND cấp huyện và các ngành liên quan xây dựng mô hình “mỗi làng một nghề”.

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành; Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi gắn với giao thông nông thôn, giao thông nội đồng… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành nông phẩm để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu tại địa phương gắn với các nhà máy chế biến công nghiệp.

Chủ trì xây dựng chính sách phát triển nghề và làng nghề tỉnh Phú Yên.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, rà soát, bổ sung để tham mưu UBND tỉnh các chính sách về thu hút đầu tư, cơ chế liên kết vùng, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư vào công nghiệp nông thôn.

Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển CN-TTCN.

Phối hợp với Sở Tài Chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, cân đối trình UBND tỉnh quyết định kế hoạch phân bổ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp và làng nghề theo quy định để đẩy mạnh phát triển CN- TTCN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì và phối hợp với các ngành: Công nghiệp, nông nghiệp và các đơn vị liên quan triển khai các đề tài, dự án hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm công nghiệp phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế quan và hàng rào cản kỹ thuật của các nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ trì phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và các đơn vị trong khu công nghiệp xây dựng đề án sản xuất sạch hơn, thu hồi Biogas tại các khu công nghiệp để cung cấp năng lượng cho sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

5. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các chính sách, chương trình về phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án được duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ- TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính Phủ và Quyết định số 845/2011/QĐ- UBND ngày 01/6/2011 của UBND tỉnh.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì đề xuất UBND tỉnh các cơ chế chính sách về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhằm giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực trên, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và giúp cho các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án phát triển sản xuất. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Sở Xây dựng:

Chủ trì đề xuất UBND tỉnh trong việc giới thiệu địa điểm đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp (trừ các địa điểm đã có quy hoạch được duyệt do Ban Quản lý Khu kinh tế quản lý); Phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng các quy định về đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan…; thực hiện việc cấp phép xây dựng theo thẩm quyền.

Chủ trì, rà soát để tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất gạch thủ công và người lao động để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 15/2000/QĐ-BXD và Quyết định số 567/QĐ-TTg.

8. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan xây dựng và phân bổ dự toán chi hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại địa phương; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp và làng nghề hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định hiện hành. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đã được UBND tỉnh ban hành.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, các ngành liên quan và UBND cấp huyện thẩm định giá cho thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất… tại các Khu, cụm công nghiệp trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trên cơ sở giá đất do UBND tỉnh ban hành hàng năm.

9. Ban Quản lý Khu kinh tế:

Chủ trì việc rà soát, hiệu chỉnh và hoàn chỉnh Quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong Khu kinh tế để làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch chi tiết, tiến độ đầu tư xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư phục vụ khu công nghiệp.

Quản lý và tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ hỗ trợ đầu tư và sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Hướng dẫn giúp đỡ các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư và tổ chức hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn; Khôi phục, xây dựng và phát triển các ngành nghề, làng nghề tại địa phương. Chủ động thu hút đầu tư, chọn lọc những ngành nghề CN-TTCN phù hợp để phát huy hiệu quả tại từng địa phương.

Phối hợp với ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết sản xuất theo Quyết định 80/2002/QĐ- TTg, ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, đúng quy hoạch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Chỉ đạo và tạo điều kiện cho phòng Kinh tế/Kinh tế và hạ tầng bố trí ít nhất 01 cán bộ chuyên trách. UBND xã, phường bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm về lĩnh vực CN-TTCN để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

11. Các sở, ngành khác có liên quan:

Căn cứ nội dung của Kế hoạch triển khai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực được giao đối với các nội dung công việc có liên quan đến quá trình phát triển CN-TTCN trên địa bàn, tạo cơ sở để phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đạt hiệu quả và bền vững.

12. Thời gian thực hiện, chế độ báo cáo:

Thời gian thực hiện từ năm 2011 đến hết năm 2015. Giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi việc triển khai thực hiện kế hoạch. Hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá và đề xuất giải pháp để hoàn thành mục tiêu kế hoạch; Năm 2015 tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch này.

Định kỳ vào ngày 15/12 hàng năm, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch của ngành, địa phương và những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị về UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để xử lý kịp thời.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc bất cập phát sinh, phản ảnh về Sở Công Thương để cập nhật và tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Ẩn

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 24/10/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện 2010

Giai đoạn 2011-2015

Tốc độ tăng trưởng bình quân 2011- 2015 (%)

Ước 2011

Kế hoạch 2015

I

GDP toàn tỉnh (giá CĐ 94)

Triệu đồng

4.649.581

5.254.000

8.743.900

113,46

II

GDP toàn tỉnh (giá hiện hành)

Triệu đồng

13.761.041

16.489.000

35.294.000

120,73

III

GDPCN-XD

Triệu đồng

4.728.950

5.865.000

14.476.000

125,08

 

Trong đó: GDPCN

Triệu đồng

3.557.181

4.482.048

10.940.000

 

 

Tỷ trọng GDPCN-XD/GDP toàn tỉnh

 

34,36

35,57

41,02

 

 

Trong đó: Tỷ trọng GDPCN

 

25,85

27,18

31,00

 

IV

Tổng giá trị SXCN (giá CĐ 94)

Triệu đồng

4.800.497

5.666.400

11.097.000

118,25

1

Phân theo thành phần kinh tế

 

 

 

 

 

 

- Kinh tế nhà nước

Triệu đồng

673.311

682.400

935.800

106,81

 

- Kinh tế ngoài nhà nước

Triệu đồng

3.618.066

4.420.000

6.264.200

111,60

 

- Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Triệu đồng

509.120

564.000

3.897.000

150,24

2

Phân theo ngành CN cấp 1

 

 

 

 

 

 

- CN khai thác mỏ

Triệu đồng

99.523

110.000

141.600

107,31

 

- CN chế biến

Triệu đồng

4.338.114

5.153.400

10.438.400

119,20

 

- CN sx và PP điện, nước, rác thải

Triệu đồng

362.860

403.000

517.000

107,34

 

SẢN PHẨM CHỦ YẾU

 

 

 

 

 

 

- Khoáng sản Diatomite

Tấn

4.000

6.500

20.000

137,97

 

- Vàng

Tấn

-

-

35

 

 

- Hợp kim Titanium

Tấn

-

-

2.000

 

 

- Bột trợ lọc

Tấn

-

-

1.500

 

 

- Hải sản các loại

Tấn

4.095

5.500

6.000

107,94

 

- Nhân hạt điều xuất khẩu

Tấn

17.000

18.000

21.000

104,32

 

- Đường kết tinh các loại

Tấn

82.146

85.000

110.000

106,01

 

Trong đó: Đường RE

Tấn

61.146

65.000

76.000

104,45

 

- Tinh bột các loại

Tấn

50.500

60.000

70.000

106,75

 

- Nước giải khát các loại

1.000 lít

5.550

7.900

8.600

109,15

 

- Bia các loại

1.000 lít

47.500

50.000

95.000

114,87

 

- Sản phẩm may mặc

1.000 sp

4.500

6.000

10.000

117,32

 

- Trang in thành phẩm

Triệu trang

1.202

1.250

2.000

110,72

 

- Thuốc chữa bệnh

Triệu viên

600

620

700

103,13

 

- Dầu thô

Tấn

-

-

1.000.000

 

 

- Lắp ráp xe tải nhẹ

Chiếc

500

1.000

6.000

164,38

 

- Xi măng

Tấn

100.000

110.000

150.000

108,45

 

- Gạch, ngói nung

1.000 viên

276.270

280.000

320.500

103,01

 

- Phân các loại

Tấn

31.000

40.000

100.000

126,39

 

- Điện sản xuất

1.000 kwh

950.000

1.200.000

1.700.000

112,34

 

- Điện thương phẩm

1.000 kwh

425.000

475.000

580.000

106,42

 

- Nước thương phẩm

1.000 m3

7.200

8.000

18.000

120,11

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 78/KH-UBND ngày 24/10/2011 về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


977

DMCA.com Protection Status
IP: 52.15.187.50
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!