ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4799/KH-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 01
tháng 6 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHỐNG HÀNG GIẢ VÀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG THƯƠNG MẠI
ĐIỆN TỬ ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3
năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ
người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm
Đồng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án chống hàng giả và bảo vệ người
tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của
Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến
năm 2025.
2. Yêu cầu
Bám sát các nội dung của Quyết định số 319/QĐ-TTg để
cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra nội dung thực hiện phù hợp với tình hình
thực tế của địa phương, gắn với trách nhiệm của từng sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thành phố, các cơ quan đơn vị có liên quan; đảm bảo việc tổ chức chỉ đạo
điều hành và triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các
cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người
tiêu dùng.
- Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt
động thương mại điện tử (TMĐT), tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động
giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người
tiêu dùng được bảo đảm.
- Bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, bảo
vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc
đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam.
2. Mục tiêu cụ thể
- Triển khai, áp dụng có hiệu quả các quy định về
quản lý TMĐT; chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, tiêu chuẩn, đo lường, chất
lượng sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động TMĐT;
- 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về
chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo,
trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn
thành tốt nhiệm vụ được giao;
- 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT được tuyên truyền, phổ biến các quy định
pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá
nhân kinh doanh;
- 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Triển khai, áp dụng đồng bộ các quy định về TMĐT
và bảo vệ người tiêu dùng. Rà soát, tham gia nghiên cứu, góp ý các văn bản quy
phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người
tiêu dùng; tham gia góp ý các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản
phẩm, hàng hóa trong hoạt động TMĐT.
2. Cung cấp thông tin, góp ý xây dựng cơ sở dữ liệu
tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; kết
nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu liên quan của các lực lượng chức năng thuộc
tỉnh Lâm Đồng.
3. Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ
cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo
vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi
pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
4. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh
tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên
quan.
- Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các sở,
ngành, địa phương trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong
hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm
tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ,
tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất
nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động TMĐT.
- Tăng cường trao đổi, tiếp nhận thông tin để thanh
tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động
TMĐT.
5. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp
hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chống hàng giả và bảo
vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
- Thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật và các thông tin cảnh báo người tiêu dùng; công khai tổ chức,
cá nhân vi phạm buôn bán hàng giả trong hoạt động TMĐT.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch này do nguồn ngân
sách nhà nước đảm bảo, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Kinh phí lồng ghép, kết hợp trong việc triển
khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch với các chương trình, đề án, nhiệm vụ
đã được phê duyệt và triển khai từ trước đến nay. Việc quản lý và sử dụng kinh
phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà
nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, việc
lập dự toán được thực hiện theo các quy định của pháp luật đối với từng nguồn vốn.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh
- Chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với
các lực lượng chức năng của các bộ, ngành trong công tác đấu tranh chống hàng
giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
- Theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố trong việc thực hiện các nội dung của Đề án chống hàng giả
và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT đến năm 2025; báo cáo Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xem xét, chỉ đạo xử lý những vấn đề
phát sinh, vướng mắc, những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị,
địa phương.
2. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà
soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi,
bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để quản lý việc bán hàng trên
môi trường thương mại điện tử.
- Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn,
nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý trên lĩnh
vực thương mại điện tử để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về hàng giả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt
động TMĐT; tuyên truyền, vận động người dân chủ động, tích cực tham gia tố giác
hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT.
- Căn cứ kế hoạch của Bộ Công Thương, chủ động triển
khai thực hiện có hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
3. Cục Quản lý thị trường
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh
tra, kiểm tra, kiểm soát việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh
doanh hàng giả; kịp thời đề xuất biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu
trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; đồng
thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật
trong hoạt động trên.
- Tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị,
khiếu nại, tố cáo về các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật;
xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ về phòng chống hàng giả và bảo vệ người
tiêu dùng cho các lực lượng chức năng.
4. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng, các đơn vị nghiệp vụ
và công an các địa phương phối hợp các lực lượng chức năng khác chủ động nắm
tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của
các tổ chức, cá nhân trong việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực
hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo chuyên môn,
nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hoạt động chống hàng giả và bảo vệ người
tiêu dùng; cử chuyên gia tham gia hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT
của các lực lượng chức năng; tăng cường trao đổi thông tin về nghiệp vụ kiểm
tra, xử lý vi phạm về hàng giả trong hoạt động TMĐT.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng
cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm
pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa,
mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động TMĐT.
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật tiên tiến,
ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả quản lý và chống hàng giả trong hoạt
động TMĐT.
- Phối hợp cung cấp thông tin trong việc xử lý vi
phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ
các sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
6. Sở Tài chính
Hằng năm, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân
sách, thẩm định dự toán kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo cấp có
thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn
liên quan.
7. Cục thuế
- Tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại
hình kinh doanh TMĐT; chủ động chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ
quan quản lý nhà nước có liên quan đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu
vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT để phối hợp xử lý.
- Ứng dụng triệt để hóa đơn điện tử để có thể tiến
hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa được bày bán trên môi
trường TMĐT.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong
việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, ngừng, tạm ngừng, thu hồi giấy
phép trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các cơ quan báo, đài và hệ thống thông
tin cơ sở phối hợp với Sở Công Thương tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ
biến, cảnh báo về các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT, góp phần răn đe, cảnh
tỉnh và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch mua bán
trên môi trường thương mại điện tử.
9. Ngân hàng Nhà nước
Phối hợp có biện pháp ngăn chặn việc thanh toán,
chuyển tiền đối với các tổ chức, cá nhân theo quyết định hoặc yêu cầu bằng văn
bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đẩy
mạnh công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về các quy định có liên
quan đến hoạt động TMĐT; tăng cường giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật
đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
có hoạt động TMĐT.
11. Đề nghị Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh phối hợp
cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TMĐT.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bảo Lộc và
Đà Lạt
- Bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch
tại địa phương.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng
cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật
trong hoạt động TMĐT.
- Huy động nguồn lực của địa phương để bổ sung, hỗ
trợ nhiệm vụ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
- Tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp
luật của Nhà nước về công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt
động TMĐT; kịp thời biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác
chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; xử lý nghiêm các
tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động trên.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện đề án chống
hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 trên địa
bàn tỉnh Lâm Đồng. Các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Kế hoạch này để tổ
chức triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm (trước ngày 30 tháng 12) báo cáo kết
quả về UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương) để tổng hợp, báo cáo. Trong quá
trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem
xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đơn vị đã nêu tại mục V;
- Lưu: VT; KT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Ngọc Hiệp
|