ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4517/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 21
tháng 12 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG THỦ DÂN SỰ NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH KON TUM
Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP
ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;
Căn cứ Quyết định số
1042/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của
Chính phủ về phòng thủ dân sự;
Căn cứ Kế hoạch số 1443/KH-UBND
ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện
Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ
dân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch phòng thủ dân sự
ngành Công Thương tỉnh Kon Tum với các nội dung như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM
TÌNH HÌNH
1. Về công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp
năm 2020 trên địa bàn đạt 7.150 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng bình
quân 11,5% năm. Các ngành công nghiệp có lợi thế được quan tâm đầu tư như chế
biến cao su, cà phê, sắn, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy điện, điện
gió và điện mặt trời...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều
dự án thủy điện đã đi vào vận hành ổn định, tạo nguồn thu cho ngân sách địa
phương. Sản lượng điện sản xuất của 28 công trình thủy điện vừa và nhỏ đang vận
hành và 02 công trình thủy điện lớn (Thượng Kon Tum và Plei Krông) trong
năm 2021 ước đạt khoảng 2,4 tỷ kWh/năm; điện mặt trời áp mái nhà và điện mặt trời
Sê San 4 khoảng 300 triệu kWh/năm. Hiện tại, đã có 01 dự án điện gió đang triển
khai công tác đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đăk Glei (50 MW),
dự kiến đưa vào vận hành sản xuất, kinh doanh vào cuối năm 2021.
Trên địa bàn tỉnh có 13 cụm
công nghiệp được thành lập, trong đó có 08 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động
với tổng diện tích 303,7 ha.
2. Về thương mại
Hoạt động thương mại, dịch vụ
phát triển mạnh, ngày càng mở rộng về các vùng nông thôn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa,
doanh thu dịch vụ duy trì ở mức tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 11,9%/ năm.
Hệ thống siêu thị, chợ, trung
tâm thương mại phát triển mạnh, một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn, như:
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Kon Tum, Siêu thị Coopmart Kon Tum, Vinmart
Kon Tum... đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, góp phần tham gia bình ổn giá
cả hàng hóa thiết yếu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa
tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước tăng 16,5% năm; xuất khẩu trực
tiếp đang có chiều hướng tăng và mở rộng thị trường.
II. NỘI DUNG
1. Ứng phó
thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Ứng phó thảm
họa phát tán hóa chất độc trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Khi xảy ra thảm họa, triển khai
thực hiện theo Kế hoạch Ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ trên địa
bàn tỉnh Kon Tum và Ứng phó thảm họa phát tán hóa chất độc trên địa bàn tỉnh
Kon Tum đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (Kế hoạch số 4140/KH-UBND
ngày 17 tháng 11 năm 2021 về ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lǜ
trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Kế hoạch số 4140/KH-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2021
về ứng phó thảm họa phát tán hóa chất độc trên địa bàn tỉnh Kon Tum).
2. Ổn định
giá cả thị trường, bảo đảm các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân trong vùng xảy
ra thảm họa và khi có chiến tranh
- Ngành Công Thương chỉ đạo, đề
nghị cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng phương án và dự trữ nhiên liệu, hàng
hóa, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để khắc phục hậu quả
do thảm họa, chiến tranh.
- Theo dõi sát tình hình thiệt
hại do thảm họa, chiến tranh, đề xuất cấp trên tổ chức hỗ trợ. Chỉ đạo khôi phục
cơ sở sản xuất, ưu tiên các khu vực trọng yếu. Tổng hợp kết quả khắc phục hậu
quả báo cáo cấp thẩm quyền.
- Phối hợp Cục Quản lý Thị trường
tỉnh Kon Tum và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với
các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại có hành vi tích trữ, găm hàng, nâng
giá trục lợi, lợi dụng dịch bệnh để bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ,
không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm ra thị trường.
- Đề nghị Báo Kon Tum, Đài Phát
thanh và Truyền hình Kon Tum tích cực đưa tin, tăng cường tuyên truyền, vận động
người dân không nên có tâm lý hoang mang, lo sợ, không mua tích trữ hàng hóa;
khuyến khích sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, mua hàng qua điện thoại…
đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phân phối hàng hóa qua kênh thương mại điện
tử, đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thực hiện
các biện pháp an toàn trong giao nhận.
3. Quản lý
sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất; quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu
các loại hóa chất độc hại, gây nguy hiểm
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành chức năng có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các quy định
của Nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, hóa chất trên địa
bàn tỉnh.
- Quản lý chặt chẽ việc sản xuất
và nhập khẩu các loại chất độc hại, vật liệu nổ công nghiệp.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra
(định kỳ hoặc đột xuất) việc chấp hành các quy định của pháp luật về vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, hóa chất; xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm
quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Phối hợp với các cơ quan có
liên quan kiểm tra hiện trạng và xác nhận đảm bảo an ninh, an toàn khoảng cách
về chấn động sóng không khí, an toàn khoảng cách về đá văng, an toàn về phòng
cháy và chữa cháy đối với các tổ chức có Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công
nghiệp, Giấy phép dịch vụ nổ mìn do Bộ Công Thương cấp và Giấy phép sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp do Bộ Quốc phòng cấp trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành, địa phương liên quan thanh tra, kiểm tra, hoạt động hóa chất trên địa
bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
4. Dự trữ
nguồn năng lượng để duy trì các hoạt động quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội
và phục vụ nhiệm vụ phòng thủ dân sự
- Phối hợp với các đơn vị liên
quan về dự trữ nguồn năng lượng để duy trì các hoạt động quốc phòng, an ninh,
kinh tế xã hội và phục vụ nhiệm vụ phòng thủ dân sự như: Điện, Xăng dầu, khí đốt
hóa lỏng...
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý vận
hành lưới điện xây dựng phương án xử lý sự cố khắc phục lưới điện và có phương
án cấp điện dự phòng phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với các thảm họa.
- Cung cấp thông tin về vị
trí, đặc điểm, tình hình về năng lượng cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hoặc cấp có
thẩm quyền khi có yêu cầu.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ
trì, phối hợp các đơn vị triển khai các nội dung theo Kế hoạch này.
- Là đầu mối giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh liên hệ với Bộ Công Thương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để tham vấn
các vấn đề về tính chất nguy hại, giải pháp khắc phục sự cố trong trường hợp sự
cố có nội dung chưa xác định rõ hoặc cần có sự hỗ trợ từ các lực lượng Trung
ương.
2. Ban Chỉ huy Phòng chống
thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh
- Phối hợp với Sở Công Thương
và đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; chỉ đạo,
triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng lực
trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thảm họa, chiến
tranh.
- Phối hợp với Sở Công Thương
và các đơn vị liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn
đốc và tổng hợp báo cáo việc thống kê đánh giá thiệt hại, xác định nhu cầu hỗ
trợ, triển khai công tác khắc phục hậu quả trong lƿnh vực Công Thương.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chỉ đạo, huy động lực lượng
quân sự trên địa bàn tỉnh tham gia triển khai thực hiện Kế hoạch đối với từng
tình huống cụ thể.
- Triển khai thực hiện trách
nhiệm theo Kế hoạch Ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ trên địa bàn
tỉnh Kon Tum và Ứng phó thảm họa phát tán hóa chất độc trên địa bàn tỉnh Kon
Tum đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
4. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Công Thương và
các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí sự
nghiệp cho công tác phòng thủ dân sự ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách
địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
5. Công an tỉnh
- Triển khai thực hiện công tác
quản lý Vật liệu nổ công nghiệp theo thẩm quyền.
- Triển khai thực hiện trách
nhiệm theo Kế hoạch Ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ trên địa bàn
tỉnh Kon Tum và Ứng phó thảm họa phát tán hóa chất độc trên địa bàn tỉnh Kon
Tum đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
6. Đề nghị Cục Quản lý Thị
trường tỉnh Kon Tum
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị
liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh
doanh thương mại có hành vi tích trữ, găm hàng, nâng giá, lợi dụng dịch bệnh để
bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn
thực phẩm ra thị trường khi xảy ra thảm họa, chiến tranh.
7. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố có trách nhiệm huy động các nguồn lực tại địa phương phối hợp triển
khai thực hiện Kế hoạch này.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch
này, nếu có khó khăn vướng mắc, các sở, ban ngành, địa phương và các đơn vị
liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum (qua Sở Công Thương) để tổng
hợp, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xem xét điều chỉnh, bổ sung
cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Ủy ban QG ƯPSC thiên tai và TKCN
(b/c);
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Ủy viên BCH PCTT-TKCN và PTDS tỉnh;
- Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng TT BCH PCTT-TKCN và PTDS tỉnh;
- Báo Kon Tum, Đài PT-TH tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh (CVP, PCVPKSX);
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, HTKT.LDT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|