ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 413/KH-UBND
|
Bình Thuận, ngày
14 tháng 02 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH NĂM 2022
Căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg
ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể
phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Quyết định số
1771/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế
hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện Công văn số
52/BCT-TMĐT ngày 05 tháng 01 năm 2022 của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản
lý và phối hợp triển khai các hoạt động thương mại điện tử trong năm 2022, Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn
tỉnh năm 2022 như sau:
I. Mục đích,
yêu cầu
1. Mục đích
Tiếp tục triển khai các giải
pháp đồng bộ, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh
phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn, tuyên truyền
nhận thức về thương mại điện tử, thúc đẩy tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử
trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khuyến khích ưu tiên thanh toán không
dùng tiền mặt trong mua sắm tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu
quả hoạt động quản lý, điều hành của cơ quản quản lý nhà nước trong lĩnh vực
thương mại điện tử.
2. Yêu cầu
- Phát huy tiềm năng, lợi thế,
điều kiện thực tế của địa phương để phát triển thương mại điện tử phù hợp với
yêu cầu, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thực hiện tốt công
tác quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của người
sản xuất và doanh nghiệp tỉnh trong xu thế hội nhập kinh tế số.
- Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ
phát triển thương mại điện tử có trọng tâm, trọng điểm; tập trung chủ yếu vào
hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, các sản phẩm OCOP của tỉnh, sản
phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thế mạnh của địa phương. Huy động,
khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh đầu tư hạ tầng thương mại điện
tử, phát triển nguồn nhân lực đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong thời kỳ
công nghiệp 4.0.
II. Nội dung
thực hiện
1. Tổ chức tập huấn, hướng
dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh
trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm hỗ trợ ứng dụng hiệu quả khi tham gia
kinh doanh trên môi trường mạng; tuân thủ chấp hành các quy định pháp luật
trong thương mại điện tử; đào tạo đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện
tử của tỉnh nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng giải quyết tranh chấp, xử lý vi
phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến.
2. Hỗ trợ doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử ngành Công Thương và
trên một số sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và thế giới do Cục Thương
mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức triển khai.
3. Triển khai các giải
pháp khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh mua
bán, dịch vụ; tăng cường công tác quản lý thuế trong thương mại điện tử. Hỗ trợ
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để cải tiến
mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Đẩy mạnh cung cấp trực
tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng
dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; triển khai thực
hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến trên Cổng
dịch vụ công của tỉnh.
5. Duy trì và vận hành
sàn thương mại điện tử ngành Công Thương; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết
nối, tiêu thụ hàng hóa trên sàn thương mại điện tử ngành Công Thương; thường
xuyên cung cấp thông tin trên sàn về tình hình thị trường, sản phẩm hàng hóa,
các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
6. Đẩy mạnh sử dụng các
phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm
hàng hóa, dịch vụ tại các doanh nghiệp, các chuỗi cửa hàng kinh doanh tiện lợi,
các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến
trên địa bàn tỉnh.
7. Phối hợp các đơn vị
liên quan trong quản lý cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện
tử trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định của
Bộ Công Thương.
8. Triển khai kế hoạch
thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động
thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật
về thương mại điện tử.
III. Kinh
phí thực hiện
1. Nguồn kinh phí thực
hiện Kế hoạch, gồm: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn doanh nghiệp và các
nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với nguồn vốn
ngân sách Nhà nước thực hiện nội dung thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh được
giao tại Kế hoạch; các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố chủ động cân đối bố trí kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong dự
toán của năm 2022.
IV. Tổ chức
thực hiện
1. Sở Công
Thương
- Là cơ quan thường trực, thường
xuyên theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai việc thực hiện; phối
hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương và các
đơn vị khác có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung
Kế hoạch.
- Chủ động phối hợp Cục Thương
mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương triển khai Chương trình phát triển
thương mại điện tử Quốc gia năm 2022 được Bộ Công Thương phê duyệt; phối hợp
triển khai đề án đến các doanh nghiệp theo đề án được duyệt.
- Phối hợp với đơn vị chuyên
môn về đào tạo thương mại điện tử của Bộ Công Thương tổ chức 01 lớp tập huấn về
thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh
và cán bộ quản lý về lĩnh vực thương mại điện tử,..
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp
danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh có các sản
phẩm OCOP cấp tỉnh; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm đặc
trưng, thế mạnh của tỉnh để đăng ký tham gia các chương trình do Cục Thương mại
điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức triển khai và trên sàn thương mại
điện tử ngành Công Thương.
- Phối hợp với Cục Thương mại
điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất của tỉnh
tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử trong nước,
xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Goonline, Online Friday,…
- Tiếp nhận những kiến nghị, phản
ánh, khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện hoạt động thương mại điện tử.
- Định kỳ tổng hợp, đánh giá và
báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ
Công Thương.
2. Sở Thông
tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí,
truyền thông xây dựng các chuyên mục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về
thương mại điện tử và phổ biến kiến thức, kỹ năng liên quan cho người dân,
doanh nghiệp.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn
thông phát triển đồng bộ hạ tầng thông tin đảm bảo chất lượng, phục vụ phát triển
thương mại điện tử; xây dựng và đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích đầu tư phát
triển và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp ứng
dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị liên quan rà soát thực hiện cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên toàn bộ
các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư, các thủ tục khác liên quan tới hoạt động
sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương thực hiện các nhiệm vụ: Hỗ trợ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp ứng
dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử; đào tạo kỹ năng và tư vấn cho
doanh nghiệp về công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
3. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
- Phối hợp Sở Tài chính tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân
sách tỉnh cho các dự án công nghệ thông tin, thương mại điện tử theo quy định của
Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Đẩy mạnh cung cấp trực tuyến
mức độ 4 các thủ tục đăng ký kinh doanh.
- Hướng dẫn, thông tin tuyên
truyền Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ
trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự
thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả đến các đơn vị có liên
quan.
4. Sở Tài
chính
Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của
các sở, ngành, địa phương tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí dự
toán để thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh
giai đoạn 2021-2025 phù hợp với khả năng ngân sách địa phương theo quy định của
pháp luật về ngân sách Nhà nước.
5. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với Sở Công Thương tổng
hợp danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh có
các sản phẩm OCOP cấp tỉnh; sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của ngành Nông nghiệp
gửi Sở Công Thương để đăng ký tham gia các chương trình do Cục Thương mại điện
tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức triển khai và trên sàn thương mại điện
tử ngành Công Thương.
- Thông báo cho các doanh nghiệp,
hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh có các sản phẩm OCOP cấp tỉnh; sản phẩm
đặc trưng, thế mạnh của ngành Nông nghiệp tham gia lớp đào tạo, tập huấn về
thương mại điện tử.
- Đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền ứng dụng QR code trong truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản;
khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công cụ
trong thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, tham gia kết nối tiêu thụ trên
các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
6. Sở Khoa
học và Công nghệ
- Triển khai cơ chế, chính sách
khuyến khích doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ
và chuyển giao công nghệ trong thương mại điện tử; các giải pháp để hỗ trợ
doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.
- Phối hợp triển khai các giải
pháp phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động
thương mại điện tử.
- Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở
kinh doanh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng
và bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa; triển khai, áp dụng các hệ
thống quản lý chất lượng tiên tiến, quản lý truy xuất nguồn gốc.
7. Sở Văn
hóa - Thể thao và Du lịch
- Thông tin các doanh nghiệp
kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng thương mại điện
tử, sàn giao dịch trực tuyến trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, giao dịch sản
phẩm, dịch vụ du lịch, chấp hành các quy định pháp luật về thương mại điện tử.
- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ,
chuyển đổi số trong du lịch thông qua xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh
để thông tin, quảng bá du lịch của tỉnh phục vụ du khách. Có kế hoạch, chương
trình đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh, sự kiện du lịch trên môi trường mạng.
- Vận động, khuyến khích các
doanh nghiệp du lịch xây dựng website và tham gia các sàn thương mại điện tử có
tích hợp các dịch vụ như: Đặt phòng khách sạn, tour trực tuyến và thanh toán trực
tuyến không dùng tiền mặt,…
8. Công an
tỉnh
- Chủ động triển khai các công
tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động thương mại
điện tử nói chung, thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói
riêng, xâm phạm an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật.
- Triển khai các biện pháp nghiệp
vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong
hoạt động thương mại điện tử; xuất nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua sàn thương
mại điện tử, đặc biệt là các hành vi tham nhũng, tiêu cực, kinh doanh trái
phép, trốn thuế, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để lừa đảo, buôn lậu,
gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ,…
gây thiệt hại cho Nhà nước, các tổ chức kinh tế và người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác phối hợp,
liên kết, chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng để quản lý tốt hoạt động phát
triển thương mại điện tử tại địa phương, đảm bảo an ninh trật tử trong bối cảnh
hội nhập kinh tế quốc tế. Phối hợp kiểm tra dấu hiệu vi phạm các tổ chức, cá
nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh theo chức năng chuyên
ngành.
- Tăng cường công tác phòng ngừa
các loại tội phạm công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin,
viễn thông, hành vi lợi dụng thương mại điện tử, thanh toán điện tử, giao dịch
điện tử xâm phạm an ninh quốc gia và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên
không gian mạng.
9. Cục Thuế
tỉnh
- Thực hiện tốt công tác tuyên
truyền, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tốt chính sách
pháp luật về thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Kế hoạch về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh
thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường thanh tra, kiểm
tra thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh
thương mại điện tử.
10. Cục Quản
lý thị trường tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử
lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm
quyền sở hữu trí tuệ.
11. Ngân
hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận
- Chỉ đạo các ngân hàng thương
mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện đại hóa cơ sở hạ tầng,
cung cấp các dịch vụ trên nền tảng di động, hoàn thiện hệ thống thanh toán điện
tử phục vụ nhu cầu giao dịch điện tử của các cá nhân, tổ chức. Xây dựng, phát
triển hạ tầng thanh toán bán lẻ và các dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ cho
giao dịch thương mại điện tử.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các ngân
hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền
vận động, hướng dẫn, giới thiệu các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt
cho người sử dụng thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ và lợi ích của việc thanh toán
không dùng tiền mặt. Phát triển, hợp lý hóa mạng lưới ATM, POS phục vụ nhu cầu
người dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong
giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương
mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phối hợp cung cấp thông tin cho
Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh trong việc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh
nghiệp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
12. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng chương trình, nhiệm
vụ công tác cụ thể nhằm phát triển thương mại điện tử, lồng ghép vào kế hoạch
và chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chủ động
bố trí kinh phí để triển khai thực hiện.
- Tuyên truyền, vận động, khuyến
khích cán bộ, công chức, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại - dịch vụ, tổ
chức, cá nhân trên địa bàn tăng cường sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng
tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
- Chủ động phối hợp với Sở Công
Thương trong công tác quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử tại địa
phương.
13. Các Hội,
Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp
- Phối hợp với đơn vị, cơ quan
xây dựng, triển khai các đề án hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi
số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hàng năm tham gia điều tra, khảo sát đánh giá
mức độ ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp.
- Chủ động, phối hợp tham gia với
các đơn vị tổ chức về các hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng thương mại điện tử
cho doanh nghiệp theo ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh. Tích cực tham gia các
chương trình, dự án của cơ quan nhà nước trong hoạt động phát triển thương mại
điện tử, chủ động triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất,
kinh doanh của đơn vị mình.
Trên đây là Kế hoạch phát triển
thương mại điện tử tỉnh năm 2022, yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng,
nhiệm vụ được giao, cụ thể hóa vào chương trình, xây dựng kế hoạch, kinh phí thực
hiện của ngành, đơn vị mình để triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực
hiện Kế hoạch này, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, giao Sở Công Thương tổng
hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết. Đồng thời,
đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện tình hình thực hiện Kế hoạch này, gửi về
Sở Công Thương trước ngày 05 tháng 12 năm 2022 để tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong;
- Các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh;
- Ngân hàng NN - CN Bình Thuận;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Hội, HH ngành nghề, DN (giao Sở Công Thương gửi);
- Lưu: VT, KT. Thường.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phong
|