ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 295/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 19 tháng 9 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÚC ĐẨY MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ TỈNH LÀO
CAI
Căn cứ Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày
12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy
mô hình kinh tế chia sẻ1.
- Đảm bảo môi trường kinh doanh bình
đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế
truyền thống.
- Khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng
dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu:
- Kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh
doanh mới nhưng không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế
riêng rẽ trong nền kinh tế. Vì vậy, không cần thiết phải có các chính sách
riêng biệt cho hình thức kinh doanh này.
- Quản lý nhà nước cần đảm bảo cho
các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế
chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế
phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao nhận
thức và năng lực của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn về mô hình kinh tế
chia sẻ.
- Rà soát, bãi bỏ các quy định điều
kiện kinh doanh không phù hợp đối với lĩnh vực kinh doanh truyền thống và áp dụng
chung cho kinh tế chia sẻ.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện
hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành để phù hợp với các hoạt động của
kinh tế chia sẻ, đặc biệt quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế
chia sẻ, trách nhiệm của các sở, ngành trong việc quản lý đối với mô hình kinh
doanh này.
- Các sở, ngành tăng cường phối hợp với
nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đẩy nhanh thực hiện xây dựng
chính quyền điện tử.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, tổ
chức, đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng: Xây dựng cơ chế để các bên trong
hoạt động kinh tế chia sẻ có thể kiểm soát việc sử dụng thông tin theo đúng thỏa
thuận giữa các bên; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch
vụ (trong đó có dịch vụ Internet) và về thương mại điện tử nhằm khuyến khích
các doanh nghiệp kinh doanh tốt trên nền tảng công nghệ số.
- Hạn chế những rủi ro liên quan đến
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phòng ngừa thất thoát thuế, lẩn tránh thực
hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
II. PHÂN CÔNG NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Là cơ quan đầu mối, theo dõi và phối
hợp giữa các sở, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hiện hành cho phù hợp với
yêu cầu quản lý các hoạt động của kinh tế chia sẻ.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban,
ngành rà soát các điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành
chính nhằm tạo điều kiện để các loại hình kinh doanh truyền thống và kinh tế
chia sẻ hoạt động bình đẳng.
- Xây dựng báo cáo đánh giá tác động
của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế theo quy định.
- Tham mưu thành lập Tổ công tác liên
ngành để đề xuất giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực hiện các hoạt động
kinh tế chia sẻ.
2. Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh:
- Triển khai ứng dụng công nghệ mới của
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
trong lĩnh vực tài chính, thuế; đề xuất ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện
chính sách thuế và quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động của kinh tế chia sẻ.
- Nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng
dẫn thi hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với
hoạt động kinh tế chia sẻ.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ
thông tin và dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thuế đáp ứng
yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế chia sẻ.
3. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng:
- Rà soát, bãi bỏ các quy định điều
kiện kinh doanh không phù hợp đối
với lĩnh vực kinh doanh vận tải truyền thống, đồng thời bổ sung một số điều kiện
cần thiết đối với loại hình dịch vụ
kinh tế chia sẻ.
- Hướng dẫn triển khai các quy định về
kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (taxi) theo mô hình
kinh tế chia sẻ trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử trong việc
gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách và gửi thông tin hóa đơn
điện tử về Cục Thuế theo quy định của Bộ Tài chính.
4. Sở Công Thương:
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách
phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
- Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chính
sách phát triển thương mại điện tử cho giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tạo điều
kiện, khuyến khích các hoạt động thương mại điện tử ứng dụng mô hình kinh tế
chia sẻ.
- Nghiên cứu các nội dung về dịch vụ
thương mại điện tử xuyên biên giới và đề xuất hướng quản lý phù hợp với yêu cầu
thực tiễn.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng số, tạo điều kiện thuận lợi
phát triển mô hình kinh tế chia sẻ.
- Xây dựng các chương trình, dự án
tuyên truyền đào tạo nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, chủ thể
tham gia kinh tế chia sẻ.
- Thúc đẩy triển khai công tác kết nối,
chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ
công trực tuyến, phát triển mô hình kinh tế chia sẻ.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách
thúc đẩy các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (như:
thư viện điện tử dùng chung, nguồn học liệu mở2,
đào tạo từ xa qua mạng,...).
- Chủ trì, phối hợp với các cơ sở
giáo dục đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học để triển khai những chương trình, đề
án đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển công nghệ thông tin thời đại 4.0.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và hoàn
thiện quy định về quản lý lĩnh vực lưu trú du lịch theo mô hình kinh tế chia sẻ.
- Nghiên cứu pháp luật liên quan, triển
khai dịch vụ chia sẻ phòng ở, mô hình kết hợp căn hộ - khách sạn (condotel) trên địa bàn.
8. Sở Y tế: Nghiên
cứu, đề xuất xây dựng chính sách thúc đẩy các mô hình kinh tế chia sẻ trong
lĩnh vực y tế (như: Sử dụng chung các trang thiết bị y tế, chẩn đoán từ
xa,...).
9. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Rà soát các vấn đề liên quan đến quản
lý nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo có liên quan đến kinh tế
chia sẻ; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh các văn bản quản lý nhà nước về tiêu chuẩn,
đo lường chất lượng liên quan đến việc áp dụng công nghệ nền tảng và quy định
chất lượng cho các loại dịch vụ đi kèm; các quy định về sở hữu trí tuệ, chuyển
giao công nghệ; các quy định về thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới.
- Rà soát các vấn đề liên quan đến sự
phát triển của công nghệ nền tảng (Internet, điện thoại di động, định vị toàn cầu,...)
trong mối quan hệ với mô hình kinh tế chia sẻ và đề xuất các chính sách sửa đổi
phù hợp.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý
điều chỉnh thử nghiệm (sandbox3) về triển khai và
ứng dụng công nghệ mới trong các mô hình kinh tế chia sẻ.
10. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội: Nghiên cứu về việc làm, thu nhập, an sinh xã hội
(bao gồm cả bảo hiểm xã hội), quan hệ lao động, địa vị pháp lý của các bên và đề
xuất các giải pháp đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động tham gia mô
hình kinh tế chia sẻ.
11. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Nghiên cứu, đề xuất các quy định,
xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc
thực hiện các yêu cầu về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi
trường.
- Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp
thúc đẩy việc tái sử dụng, tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến
mô hình kinh tế chia sẻ.
12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Rà soát, hoàn thiện các quy định
pháp luật phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với xu hướng phát triển
kinh tế chia sẻ.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành
liên quan xây dựng chính sách ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ nhằm tối ưu hóa
việc sử dụng nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp.
13. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh
Lào Cai: Nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động
cho vay ngang hàng.
14. Công an tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa
phương đảm bảo an ninh, trật tự và bảo mật thông tin trong thực hiện kinh tế
chia sẻ đảm bảo bình đẳng và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
- Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư và đề xuất việc cho phép cơ sở dữ liệu này được chia sẻ, kết
nối mở với các ngành dịch vụ tài chính ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm...
15. Sở Tư pháp: Rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật dân sự về giao dịch,
hợp đồng, sở hữu, quyền tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến
mô hình kinh tế chia sẻ.
16. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố: Phối hợp quản lý các hoạt động theo mô hình
kinh tế chia sẻ trên địa bàn các huyện, thành phố; đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ
sung chính sách phù hợp liên quan đến kinh tế chia sẻ.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thành phố:
- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao
và tình hình thực tế tại địa phương, chủ động triển khai thực hiện các nội dung
liên quan trong Kế hoạch.
- Thủ trưởng các Cơ quan chịu trách
nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai và tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch
này.
- Chế độ báo cáo: Định kỳ báo cáo năm
theo quy định, gửi về Sở Kế hoạch
và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì tổng hợp, xây dựng báo cáo đánh giá tác động của các loại hình
kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế, trình UBND tỉnh để báo
cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy
định.
Trong quá trình thực hiện, căn cứ chỉ
đạo của Trung ương và tình hình thực tế, UBND tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh, bổ
sung các nội dung của Kế hoạch cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBMT TQ và các đoàn thể;
- Công an tỉnh; Cục Thuế; Cục Hải quan; Cục Thống kê; BHXH tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước CN tỉnh Lào Cai; Ngân hàng CS xã hội tỉnh; Ngân hàng
Phát triển CN tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- HH Doanh nghiệp tỉnh;
- Chánh Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH1, KT1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Hưng
|
1 Kinh tế chia sẻ (sharing economy): Là một mô hình thị trường kết hợp giữa sở hữu và
chia sẻ, trong đó đề cập đến vai trò
ngang hàng (peer-to-peer network) dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và
dịch vụ (phối hợp thông qua các dịch vụ trực tuyến dựa vào cộng đồng) nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia.
2 Open Course Ware: Là các tài liệu học
tập có chất lượng, được số hóa trong các chương trình học chính thức, có thể
truy cập mở tại những khóa học miễn phí trên mạng.
3 Một cơ chế pháp lý cho phép các doanh
nghiệp công nghệ thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh liên quan đến công nghệ
trong điều kiện quy định pháp lý
hiện tại chưa kịp điều chỉnh các
loại hình kinh doanh mới chưa có tiền lệ.