ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 123/KH-UBND
|
Đồng Nai, ngày 16
tháng 5 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI
CÔNG TÁC NGOẠI GIAO KINH TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2023- 2026
Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính
phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022- 2026 thực hiện
Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về
công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động
triển khai công tác ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn
2023- 2026 với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Bám sát các trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính
phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và
cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm
2023, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị về ngoại giao
kinh tế (NGKT); công tác NGKT trong năm 2023 được triển khai quyết liệt, bài
bản, hiệu quả, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống
dịch bệnh sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân,
địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Quán triệt nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP
ngày 20/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ
giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư
Trung ương Đảng khóa XIII về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất
nước đến năm 2030; Cụ thể hóa và triển khai các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ,
giải pháp trong Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương
Đảng khóa XIII về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến
năm 2030 (viết tắt là Chỉ thị số 15-CT/TW) trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm
vụ và giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-
2025.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp,
các ngành và toàn xã hội đối với công tác ngoại giao kinh tế, trong đó, cần
quán triệt ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của công tác đối
ngoại, một động lực quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội, bền vững, đóng
vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực
thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích
cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
2. Yêu cầu
Các sở, ban, ngành, địa phương nghiêm túc quán
triệt Chỉ thị số 15-CT/TW, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao theo lĩnh
vực đơn vị phụ trách, nghiên cứu xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch hành
động thực hiện Chỉ thị theo phương châm “Tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt,
ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển
đất nước” với các yêu cầu cụ thể như sau:
- Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong công tác lãnh
đạo, chỉ đạo về ngoại giao kinh tế, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả,
thực chất làm tiêu chí hàng đầu, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm
trung tâm phục vụ.
- Xác định rõ vai trò của các tổ chức đảng, các cấp
chính quyền, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Việc tổ chức nghiên
cứu, quán triệt phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp
với từng đối tượng.
II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận
thức, ý thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế
a) Các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà
nước trên địa bàn tỉnh tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng,
đầy đủ, hiệu quả nội dung Chỉ thị số 15-CT/TW.
b) Đẩy mạnh nâng cao nhận thức và trách nhiệm của
cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu về yêu cầu, mục tiêu, định hướng,
nhiệm vụ của công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới. Tăng cường các
hoạt động sinh hoạt chuyên đề về công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, hội
nhập quốc tế.
c) Tăng cường công tác thông tin truyền thông về
chủ trương, ý nghĩa, hiệu quả kinh tế của các hoạt động ngoại giao song phương
và đa phương. Chú trọng tuyên truyền, làm rõ vai trò và đóng góp của ngoại giao
kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Tiếp tục mở rộng, làm sâu
sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác
song phương và đa phương
a) Tận dụng, tranh thủ tối đa, thúc đẩy hợp tác,
liên kết kinh tế phục vụ phát triển, triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại
của tỉnh, đưa hợp tác kinh tế trở thành một nội dung trung tâm trong các hoạt
động đối ngoại, trao đổi Đoàn các cấp; Tạo chuyển biến trong việc đôn đốc,
triển khai hiệu quả các thỏa thuận quốc tế và kết quả đạt được.
b) Chú trọng các nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế
và ngoại giao kinh tế với các đối tác, địa phương tiềm năng nước ngoài, lấy chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích hợp pháp của
công dân, doanh nghiệp làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai ngoại giao kinh
tế. Tận dụng các khuôn khổ hợp tác sẵn có và kịp thời kiến nghị các chủ trương,
khuôn khổ, biện pháp nhằm tiếp tục mở rộng thực chất, làm sâu sắc hơn quan hệ,
tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác.
c) Tập trung, chú trọng tính hiệu quả trong quan hệ
kinh tế với một số đối tác truyền thống tương xứng với mức độ chính trị - ngoại
giao. Đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực, dự án kinh tế có ý nghĩa chiến
lược (nông nghiệp, hạ tầng, năng lượng, viễn thông...); Thúc đẩy mở rộng thị
trường với các đối tác tiềm năng nước ngoài.
d) Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ theo chức năng,
nhiệm vụ đơn vụ phụ trách chủ động nghiên cứu đề xuất các biện pháp tăng cường
hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác nước ngoài tiềm năng trên cơ sở phù
hợp với tình hình thực tế và với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia,
ký kết. Nghiên cứu kỹ hiệu quả tác động, đánh giá lợi ích chung giữa các bên
trước khi ký kết thỏa thuận hợp tác.
e) Nghiên cứu xây dựng kế hoạch, tham mưu tổ chức
các hội nghị, diễn đàn về kinh tế - phát triển. Tổ chức các hoạt động xúc tiến
đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước. Lồng ghép nội dung ngoại giao
kinh tế, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, tăng cường sự tham gia
của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Nâng cao chất lượng,
hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế
a) Chủ động, nghiên cứu tổng kết việc thực hiện các
nghị quyết, chiến lược về hội nhập quốc tế giai đoạn 2016- 2021 làm cơ sở kiến nghị
chủ trương, chính sách, biện pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, trọng tâm
là hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 2021- 2030 và các giai đoạn tiếp theo;
chú trọng nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong các ngành, lĩnh vực kinh tế
quan trọng.
b) Triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết quốc
tế, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ các FTA “thế hệ mới”, các Hiệp định
song phương và đa phương...chủ động xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh trong
quá trình thực hiện các cam kết... Nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các
cam kết FTA của các doanh nghiệp. Gắn việc triển khai hiệu quả và tận dụng tốt
các cơ hội trong các FTA và các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế trong chuỗi
sản xuất, giá trị toàn cầu, thiết lập mạng lưới đối tác cung ứng ổn định và
đáng tin cậy cho các ngành và lĩnh vực quan trọng, phục vụ chuyển đổi xanh và
phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển giao và ứng dụng công nghệ
hiện đại.
c) Nghiên cứu, mở rộng thiết lập hợp tác kinh tế, thương
mại với các đối tác tiềm năng nước ngoài; Xem xét tham gia các lĩnh vực mới như
kinh tế số, chuyển đổi số an toàn, tin cậy, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần
hoàn, tăng trưởng xanh,...
4. Đẩy mạnh vận động, thu hút
nguồn lực từ bên ngoài nhằm củng cố các động lực tăng trưởng phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội
a) Tập trung giữ vững, củng cố thị trường xuất khẩu
truyền thống; nghiên cứu, mở rộng khai thác thị trường tiềm năng, góp phần đa
dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối tác,
hạn chế lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác nhất định. Chủ động tiếp cận,
nắm bắt, phân tích, đánh giá các điều chỉnh chính sách thương mại của đối tác
để tham mưu đề xuất các biện pháp chính sách phù hợp. Chú trọng triển khai linh
hoạt hiệu quả, thiết thực các hoạt động xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng
điểm. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quảng bá, tìm kiếm
đối tác và thị trường; khuyến khích phát triển các sàn giao dịch hàng hóa trực
tuyến. Chú trọng nâng tầm và phát triển thương hiệu đặc sản của tỉnh với các đối
tác, địa phương nước ngoài.
b) Chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc
trên cơ sở bảo đảm yếu tố môi trường, phát triển bền vững; ưu tiên các ngành
lĩnh vực, chương trình, dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên
tiến, hiện đại phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế số, chuyển đổi số,
tăng trưởng xanh. Nâng cao tính chủ động, tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho
các dự án đầu tư trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội và đối
ngoại.
c) Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế phục
vụ phát triển nông nghiệp theo các định hướng, mục tiêu của Nghị quyết số
19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông
nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thúc đẩy hợp
tác về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn gắn với
chuyển giao công nghệ về chế biến, bảo quản, công nghệ giống, công nghệ môi
trường.
d) Chủ động, triển khai hiệu quả ngoại giao kinh tế
trên lĩnh vực về khoa học - công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao
chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, động lực phát
triển công nghiệp.
e) Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực tài nguyên
môi trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển
đổi năng lượng phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh; Chủ động, tích cực tham
gia các sự kiện quốc tế liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh,
kinh tế tuần hoàn, cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi công
nghiệp, giao thông và năng lượng phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo
định hướng phát thải thấp.
g) Tiếp tục chú trọng triển khai ngoại giao y tế,
góp phần nâng cao năng lực y tế cộng đồng, y tế cơ sở, bảo đảm nguồn cung
vắc-xin, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị để chủ động ứng phó trong bối cảnh
dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp để đảm bảo tăng cường năng lực, sức
chống chịu của nền kinh tế.
h) Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác,
phái cử lao động đã ký kết với các đối tác. Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu nhu
cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng người lao động của các đối tác để xây dựng
chương trình đào tạo phù hợp, đa dạng hóa nguồn cung lao động. Nâng cao hiệu
quả công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao
động Việt Nam ở nước ngoài.
i) Tăng cường triển khai các hoạt động thông tin, tuyên
truyền đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung,
Đồng Nai nói riêng. Đẩy mạnh và đổi mới mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến, quảng
bá du lịch; nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng
tạo tạo động lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bảo
vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững của tỉnh.
k) Đẩy mạnh huy động nguồn lực người Việt Nam ở
nước ngoài, nhất là về tri thức, các lĩnh vực khoa học công nghệ mới; phát
triển các mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện
thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh đầu tư, sản xuất
kinh doanh.
5. Xây dựng nền ngoại giao
kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh
nghiệp làm trung tâm
a) Khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các
địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế. Tập trung
hỗ trợ các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao
kinh tế. Tập trung hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp khai thác hiệu
quả các thị trường quốc tế, tiếp cận các nguồn vốn gắn với công nghệ cao, tham
gia hiệu quả các chuỗi giá trị, sản xuất khu vực và toàn cầu.
b) Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa phương thức, phát huy
vai trò của cơ quan đối ngoại để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại - đầu
tư. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong thẩm định, xử lý
vướng mắc các dự án quan trọng có yếu tố nước ngoài hoặc nhạy cảm về đối ngoại.
6. Đẩy mạnh công tác nghiên
cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành,
phát triển kinh tế - xã hội
a) Tăng cường theo dõi, nắm chắc, cập nhật kịp
thời, hiệu quả thông tin, tình hình kinh tế thế giới; nâng cao năng lực dự báo,
tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, tổng kết
kinh nghiệm phát triển của các nước, luật pháp và tập quán kinh tế quốc tế,
nhạy bén phát hiện các xu hướng, mô hình phát triển mới. Tích cực mở rộng mạng
lưới, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, tư vấn kinh tế quốc
tế có uy tín để có nguồn thông tin chính xác, chất lượng phục vụ công tác
nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về kinh tế.
b) Các sở, ngành, địa phương cần gắn kết, trao đổi
thông tin với người dân, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động ngoại giao
kinh tế thiết thực, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế- xã
hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.
7. Nâng cao hiệu quả phối hợp
liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế
a) Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy
hơn nữa vai trò của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân
tại các diễn đàn kinh tế đa phương. Nâng tầm quan hệ đối ngoại với các chính
đảng, các đảng cầm quyền, các tổ chức nhân dân của các nước, góp phần thúc đẩy
quan hệ song phương, tạo thuận lợi cho công tác ngoại giao kinh tế. Nâng cao
hiệu quả hoạt động của các cơ chế phối hợp liên ngành trong đối ngoại và hội
nhập quốc tế, giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hóa, quốc phòng - an
ninh; giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương và
doanh nghiệp trong triển khai ngoại giao kinh tế.
b) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ
cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế của cấp, ngành
địa phương, doanh nghiệp về đạo đức, bản lĩnh chính trị, kiến thức, năng lực,
trình độ, kỹ năng về ngoại giao kinh tế, kinh tế quốc tế, pháp luật quốc tế và
hội nhập kinh tế quốc tế... Bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đáp ứng
yêu cầu đẩy mạnh ngoại giao kinh tế trong tình hình mới, bảo đảm thiết thực,
hiệu quả, phù hợp với đặc thù của ngoại giao kinh tế.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các
huyện, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị các sở, ban,
ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nghiêm túc xây
dựng kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí
thư và đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tác
Phụ lục kèm theo Kế hoạch hành động; tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị đến
cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị; Định kỳ kết quả báo cáo tình hình thực
hiện Chương trình hành động của các đơn vị (lồng ghép trong báo cáo công tác
đối ngoại) gửi về Sở Ngoại vụ trước ngày 01/11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo
UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Ngoại vụ: chủ trì, theo dõi, hướng
dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện triển khai Chương trình hành động của Chính
phủ, định kỳ tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao kết quả thực
hiện theo quy định.
3. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí,
cấp kinh phí để phục vụ việc triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; Đồng thời, hướng
dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thanh, quyết toán việc sử dụng kinh phí
theo quy định hiện hành.
Trên đây là Kế hoạch hành động triển khai công tác ngoại
giao kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023- 2026, đề nghị các các
sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện nội
dung chỉ đạo trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, đề nghị báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Ngoại vụ) để kịp thời xem xét, chỉ
đạo và xử lý./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Ngoại giao (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công an tỉnh; Bộ CHQS tỉnh;
- Tỉnh đoàn; Liên hiệp các TCHN tỉnh;
- Các cơ quan ngành dọc;
- Các doanh nghiệp có vốn nhà nước;
- Chánh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh (THNC);
- Lưu: VT, THNC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Cao Tiến Dũng
|