HIỆP ĐỊNH KHUNG ASEAN
VỀ HỘI NHẬP CÁC NGÀNH ƯU TIÊN
Chúng tôi, những người đứng
đầu Chính phủ/Nhà nước Bru-nây Đa-ru-xa-lam, Vương quốc Campuchia, Cộng hoà
In-đô-nê-xia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (sau đây được gọi là “Lao PDR’),
Ma-lay-xia, Liên bang Myanmar, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Sing-ga-po, Vương
quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quốc gia thành viên của
Hiệp hội các Nước Đông Nam á (sau đây được gọi chung là “ASEAN” hay “Các quốc
gia thành viên” hay gọi riêng là “Quốc gia thành viên”);
Nhắc lại Tuyên bố Hoà hợp
ASEAN II (Tuyên bố Hoà hợp Bali II) đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao
ASEAN lần thứ 9 diễn ra tại Bali, Indonesia ngày 7/10/2003, theo đó ASEAN cam kết
hội nhập và liên kết kinh tế nội khối sâu hơn và rộng hơn, với sự tham gia của
khu vực tư nhân, nhằm thực hiện mục tiêu Cộng đồng Kinh tế ASEAN;
Khẳng định lại rằng Cộng
đồng Kinh tế ASEAN sẽ là mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế ASEAN như đã
được đặt ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020;
Nhắc lại rằng Cộng đồng
Kinh tế ASEAN sẽ đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung, biến
sự đa dạng vốn là nét đặc trưng của khu vực thành những cơ hội và bổ trợ về
kinh doanh nhằm làm cho ASEAN trở thành một mắt xích năng động và mạnh mẽ hơn
trong chuỗi cung cấp toàn cầu và nền kinh tế thế giới;
Mong muốn kết hợp sức mạnh
kinh tế của các quốc gia thành viên trong các ngành kinh tế chiến lược chủ chốt
vì sự gắn kết và nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu của khu vực thông qua việc đẩy
nhanh hội nhập 11 ngành ưu tiên nêu tại Tuyên bố Hoà hợp Bali II và các ngành
khác sẽ được thống nhất khi cần thiết,
đã nhất trí như sau:
PHẦN I
MỤC
TIÊU, ĐỊNH NGHĨA VÀ ÁP DỤNG
ĐIỀU 1
MỤC
TIÊU
Mục tiêu của Hiệp định khung
ASEAN về Hội nhập các Ngành ưu tiên (sau đây được gọi là “Hiệp định khung”) là
xác định các biện pháp sẽ được các quốc gia thành viên thực hiện, với các mốc
thời gian cụ thể, vì lợi ích chung của các bên, đối với các ngành ưu tiên nêu tại
đoạn 1 của Điều 2 của Hiệp định khung này nhằm tạo điều kiện cho quá trình hội
nhập từng bước, nhanh chóng và có hệ thống những ngành ưu tiên đó trong ASEAN.
ĐIỀU 2
ĐỊNH
NGHĨA
Vì mục đích của Hiệp định khung
này:
(1) “các ngành ưu tiên” có
nghĩa là:
(a) 11 ngành được liệt kê dưới
đây:
(i) nông sản;
(ii) du lịch hàng không;
(iii) ô tô;
(iv) e-ASEAN;
(v) điện tử;
(vi) thủy sản;
(vii) y tế;
(viii) sản phẩm cao su;
(ix) dệt may;
(x) du lịch;
(xi) sản phẩm gỗ;
(b) các lĩnh vực khác có thể được
các Bộ trưởng phụ trách hội nhập kinh tế ASEAN xác định theo Điều 19 và 20 của Hiệp
định khung này.
(c) Du lịch hàng không được coi
là đề cập đến vận tải hàng không.
(2) “Nghị định thư Hội nhập
Ngành ASEAN” được hiểu là nghị định thư về hội nhập từng ngành ưu tiên, trong
đó đề ra các biện pháp chung và biện pháp cụ thể đối với từng ngành ưu tiên.
(3) “ASEAN-6” bao gồm các nước
Bru-nây Đa-ru-xa-lam, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Phi-líp-pin, Sing-ga-po và Thái
Lan.
(4) “CLMV” bao gồm các nước
Cam-pu-chia, CHCND Lào, My-an-mar, và Việt Nam.
ĐIỀU 3
ÁP DỤNG
ĐỐI VỚI CÁC NGHỊ ĐỊNH THƯ HỘI NHẬP NGÀNH ASEAN
Các điều khoản của Hiệp định
khung này sẽ áp dụng đối với từng ngành ưu tiên và được xem như kết hợp trong từng
Nghị định thư Hội nhập Ngành ASEAN trừ khi được quy định khác ở đó.
PHẦN II
TỰ
DO HOÁ
ĐIỀU 4
THƯƠNG
MẠI HÀNG HOÁ
1. Các Quốc gia thành viên sẽ
loại bỏ tất cả thuế quan theo Chương trình Thuế quan Ưu đãi có Hiệu lực chung
thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (CEPT-AFTA) đối với các sản phẩm (không
kể các sản phẩm nằm trong các danh mục nhạy cảm, nhạy cảm cao và danh mục loại
trừ hoàn toàn) nêu tại các Nghị định thư Hội nhập Ngành ASEAN, trừ các sản phẩm
được đưa vào các danh mục loại trừ đính kèm theo các Nghị định thư đó, và tổng
số dòng thuế của các danh mục loại trừ này đối với mỗi Quốc gia thành viên
không vượt quá 15% tổng số dòng thuế trong danh mục sản phẩm chung được nêu tại
Phụ lục XII của Hiệp định khung này, với thời hạn hoàn thành vào:
(a) Ngày 1/1/2007 đối với
ASEAN-6; và
(b) Ngày 1/1/2012 đối với CLMV
2. Các Quốc gia thành viên, sẽ
thực hiện các biện pháp sau đây liên quan đến các biện pháp phi quan thuế (sau
đây được gọi là “NTMs”), nhằm bảo đảm tính minh bạch, phù hợp với thời gian biểu
đã được xác định:
(a) thiết lập cơ sở dữ liệu về
NTMs của ASEAN, thời hạn vào ngày 30/6/2004;
(b) xây dựng các tiêu chí để
xác định các NTMs là rào cản đối với thương mại, thời hạn vào ngày 30/6/2005;
và
(c) xây dựng chương trình làm
việc cụ thể để loại bỏ các NTMs là rào cản đối với thương mại, thời hạn vào
ngày 31/12/2005.
3. Các Quốc gia thành viên sẽ
thông qua Hiệp định WTO về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu và với mục đích đó, xây dựng
các hướng dẫn thực hiện chung, phù hợp với ASEAN, thời hạn vào ngày 31/12/2004.
4. Các Quốc gia thành viên sẽ cố
gắng mở rộng phạm vi của Hệ thống ưu đãi Hội nhập ASEAN (AISP) thông qua việc bổ
sung các sản phẩm thuộc các ngành ưu tiên.
ĐIỀU 5
THƯƠNG
MẠI DỊCH VỤ
Các Quốc gia thành viên sẽ hội
nhập thương mại dịch vụ bằng cách:
(a) đặt ra các mục tiêu và lịch
trình tự do hoá từng bước, cụ thể cho các vòng đàm phán hướng tới mục tiêu tự
do hoá hơn nữa thương mại dịch vụ trước năm 2020;
(b) đẩy nhanh tự do hoá dịch vụ
đối với các ngành ưu tiên, thời hạn hoàn thành vào năm 2010;
(c) đẩy nhanh việc xây dựng các
Thoả thuận Công nhận Lẫn nhau (sau đây được gọi là “MRAs”) thời hạn hoàn thành
vào ngày 1/1/2008;
(d) áp dụng công thức ASEAN-X;
và
(e) thúc đẩy liên doanh và hợp
tác, bao gồm cả thị trường các nước thứ ba.
ĐIỀU 6
ĐẦU TƯ
Các Quốc gia thành viên sẽ thực
hiện các biện pháp sau đây:
(a) Đẩy nhanh việc mở cửa các
ngành hiện đang nằm trong Danh mục Nhạy cảm (sau đây được gọi là “Danh mục SL”)
thông qua việc chuyển những ngành này vào Danh mục Loại trừ Tạm thời (sau đây
được gọi là “Danh mục TEL”) thuộc Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN
(AIA), sử dụng công thức ASEAN-X, bắt đầu từ năm 2004.
(b) Giảm dần các biện pháp hạn
chế đầu tư trong Danh mục SL bắt đầu từ năm 2004 và hoàn thành việc loại bỏ dần
các biện pháp hạn chế đầu tư trong Danh mục TEL vào ngày 31/12/2010 đối với các
nước ASEAN-6, ngày 31/12/2013 đối với Việt Nam và ngày 31/12/2015 đối với Cam-pu-chia,
CHDCND Lào và My-an-mar.
(c) Xác định các chương trình
và hoạt động xúc tiến đầu tư trong ASEAN, thời hạn vào ngày 31/12/2005.
(d) Phát triển các quy trình sản
xuất trong ASEAN nhằm tận dụng các ưu thế cạnh tranh thông qua việc:
(i) thiết lập mạng lưới các khu
vực thương mại tự do ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động tạo nguồn từ
bên ngoài (outsourcing activities) bắt đầu từ năm 2005; và
(ii) cùng thực hiện các biện
pháp tạo thuận lợi và xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả hơn, trên
cơ sở thường xuyên.
(e) Xúc tiến và tạo thuận lợi
cho các hoạt động đầu tư chung tại/qua biên giới trong lĩnh vực chế tạo, trên
cơ sở thường xuyên, thông qua:
(i) các ưu đãi đặc biệt của các
nước CLMV, nếu có thể, dành cho các hoạt động đầu tư từ các nước ASEAN; và
(ii) các biện pháp đặc biệt của
các nước ASEAN-6, nếu có thể, nhằm xúc tiến và tạo thuận lợi cho việc phân bổ lại
đầu tư vào các nước CLMV đặc biệt đối với các hoạt động sản xuất sử dụng nhiều
lao động.
PHẦN III
THUẬN
LỢI HÓA THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ
ĐIỀU 7
QUY TẮC
XUẤT XỨ
Các Quốc gia thành viên sẽ hoàn
thiện Quy tắc xuất xứ CEPT với thời hạn vào ngày 31/12/2004, thông qua việc:
(a) làm cho các quy tắc này
minh bạch hơn, dễ dự đoán và được chuẩn hoá, trên cơ sở tham khảo các tập quán
tốt nhất của các Hiệp định Thương mại Khu vực khác, kể cả quy tắc xuất xứ của
WTO; và
(b) sử dụng chuyển đổi cơ bản
như là một tiêu thức thay thế để xác định xuất xứ hàng hoá.
ĐIỀU 8
THỦ TỤC
HẢI QUAN
Các Quốc gia thành viên sẽ thực
hiện các biện pháp sau đây, với thời gian biểu đã xác định, nhằm đẩy nhanh quy
trình thông quan và đơn giản hoá các thủ tục hải quan:
(a) Mở rộng phạm vi áp dụng Biểu
Hài hoà Thuế quan ASEAN (AHTN) đối với thương mại ngoài khối ASEAN, trên cơ sở
thường xuyên.
(b) Đơn giản hoá, hoàn thiện và
hài hoà các mẫu tờ khai hải quan, thời hạn hoàn thành vào ngày 31/12/2005.
(c) Bảo đảm thực hiện đầy đủ Hệ
thống Luồng xanh, hoặc hệ thống tương tự, đối với các sản phẩm CEPT tại các cửa
khẩu của tất cả các Quốc gia thành viên, thời hạn hoàn thành vào ngày 31/12/2004.
(d) Xây dựng các hướng dẫn thực
hiện chung nhằm thực thi các nghĩa vụ của Hiệp định WTO về Định giá Hải quan,
thời hạn hoàn thành vào ngày 31/12/2004.
(e) Các Cơ quan hải quan từng nước
ASEAN thông qua cam kết dịch vụ (cam kết phục vụ khách hàng), thời hạn hoàn
thành vào ngày 31/12/2004; và
(f) Xây dựng Cơ chế một cửa,
bao gồm việc xử lý điện tử các chứng từ thương mại ở cấp quốc gia và khu vực,
thời hạn hoàn thành vào ngày 31/12/2005.
ĐIỀU 9
TIÊU
CHUẨN VÀ SỰ PHÙ HỢP
1. Các Quốc gia thành viên sẽ
áp dụng các biện pháp sau đây để đẩy nhanh việc thiết lập các MRAs, hài hoà hoá
các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật của sản phẩm:
(a) Đẩy nhanh việc thực hiện
và, nếu phù hợp, xây dựng các MRAs cho các ngành ưu tiên, bắt đầu từ ngày
1/1/2005.
(b) Khuyến khích các cơ quan quản
lý thừa nhận các báo cáo thử nghiệm của các phòng thí nghiệm được công nhận bởi
các cơ quan kiểm định trong ASEAN là các bên ký kết các MRAs về Hợp tác Công nhận
Năng lực Thí nghiệm Quốc tế (ILAC) và Hợp tác Công nhận Năng lực Thí nghiệm
Châu á-Thái Bình Dương (APLAC).
(c) Đặt ra các mục tiêu và lịch
trình cụ thể nhằm hài hoà hoá các tiêu chuẩn trong các ngành ưu tiên nếu cần
thiết, thời hạn hoàn thành vào ngày 31/12/2005. Với các lĩnh vực chưa có tiêu
chuẩn quốc tế và theo yêu cầu của các ngành, có thể hài hoà tiêu chuẩn của các
Quốc gia thành viên.
(d) Hài hoà hoá và/hoặc xây dựng
các quy định kỹ thuật nếu cần thiết, để áp dụng ở phạm vi quốc gia, thời hạn
hoàn thành vào ngày 31/12/2010.
(e) Bảo đảm sự phù hợp với các
quy định của các Hiệp định WTO về Rào cản Kỹ thuật đối với Thương mại và áp dụng
các Biện pháp Vệ sinh dịch tễ.
(f) Xem xét khả năng xây dựng
chính sách ASEAN về tiêu chuẩn và sự phù hợp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc
thực hiện mục tiêu Cộng đồng Kinh tế ASEAN, bắt đầu vào năm 2005.
ĐIỀU 10
DỊCH
VỤ TIẾP VẬN (LOGISTICS)
Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ
tiếp vận tích hợp trong ASEAN thông qua:
(a) Thuận lợi hoá, nâng cao hiệu
quả vận tải hàng hoá theo mô hình từ cửa-đến-cửa và vận tải qua biên giới thông
qua việc triển khai nhanh Hiệp định khung về Hàng hoá Quá cảnh và Hiệp định
khung về Vận tải Đa phương thức;
(b) Cải thiện dịch vụ và mạng
lưới cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ nhằm đạt tới sự kết nối lẫn nhau và liên kết
vận hành tốt hơn giữa các đầu mối vận tải đường biển và hàng không quốc gia,
khu vực và quốc tế;
(c) Củng cố các dịch vụ vận tải
biển và dịch vụ chở hàng đường biển nội khối ASEAN; và
(d) Xây dựng môi trường chính
sách hiệu quả, tạo điều kiện cho sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân và/
hoặc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân trong việc phát
triển cơ sở hạ tầng vận tải, cung cấp và vận hành các dịch vụ và phương tiện tiếp
vận.
ĐIỀU 11
TẠO
THUẬN LỢI CHO HOẠT ĐỘNG ĐI LẠI TRONG ASEAN
Các quốc gia thành viên sẽ:
(a) hài hoà các thủ tục cấp
visa cho khách quốc tế đi lại trong ASEAN, thời hạn hoàn thành vào ngày
31/12/2004; và
(b) miễn visa cho hoạt động đi
lại trong nội khối ASEAN của công dân các nước ASEAN, thời hạn hoàn thành vào
năm 2005.
ĐIỀU 12
DI
CHUYỂN CỦA THƯƠNG NHÂN, CHUYÊN GIA, NHÀ CHUYÊN MÔN, LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ VÀ
NHÂN TÀI
Trên cơ sở các quy định và luật
lệ liên quan của nước mình, các Quốc gia thành viên sẽ:
(a) xây dựng một hiệp định
trong ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của thương nhân, bao gồm việc
thông qua Thẻ đi lại ASEAN, thời hạn vào ngày 31/12/2005;
(b) xây dựng một hiệp định
trong ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các chuyên gia, nhà
chuyên môn, lao động có tay nghề và nhân tài, thời hạn hoàn thành vào ngày
31/12/2005; và
(c) đẩy nhanh việc hoàn thành
các MRAs nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển tự do của các chuyên gia, nhà
chuyên môn, lao động có tay nghề và nhân tài trong ASEAN, thời hạn hoàn thành
vào ngày 31/12/2008.
PHẦN IV
XÚC
TIẾN VÀ QUẢN LÝ
ĐIỀU 13
XÚC
TIẾN THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ
Trên cơ sở thường xuyên, bắt đầu
từ năm 2005, các quốc gia thành viên sẽ hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Tư vấn
Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), Phòng Thương mại và Công nghiệp ASEAN (ASEAN-CCI)
và các câu lạc bộ/hiệp hội ngành nghề liên quan nhằm:
(a) tăng cường các nỗ lực chung
xúc tiến hoạt động thương mại trong và ngoài khối ASEAN;
(b) tổ chức thường xuyên các
phái đoàn mua - bán trong ASEAN do khu vực tư nhân chủ trì;
(c) hỗ trợ các nước CLMV tổ chức
các hoạt động xúc tiến; và
(d) cùng thực hiện các biện
pháp tạo thuận lợi có hiệu quả hơn trong ASEAN và phát triển các nguồn đầu tư
trực tiếp nước ngoài mới vào khối, đặc biệt từ các nước có tiềm năng như Cộng
hoà Nhân dân Trung Hoa, ấn Độ và Cộng hoà Hàn Quốc.
ĐIỀU 14
THỐNG
KÊ THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ ASEAN
Các quốc gia thành viên sẽ thiết
lập một hệ thống theo dõi thương mại và đầu tư trong ASEAN có hiệu quả, thông
qua việc:
(a) cập nhật cho Ban Thư ký
ASEAN các số liệu thương mại (gồm cả hàng hoá và dịch vụ) và đầu tư mới nhất;
và
(b) các hiệp hội liên quan chuẩn
bị các tài liệu tổng hợp theo ngành, bao gồm các thông tin như năng lực sản xuất
và chủng loại sản phẩm.
PHẦN V
CÁC
LĨNH VỰC HỘI NHẬP KHÁC
ĐIỀU 15
QUYỀN
SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Các Quốc gia thành viên sẽ mở rộng
phạm vi hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ trong ASEAN ngoài các vấn đề về nhãn hiệu
thương mại và bằng sáng chế nhằm bổ sung hợp tác trao đổi thông tin về bản quyền
và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, hoàn thành vào ngày 31/12/2004.
ĐIỀU 16
BỔ TRỢ
LẪN NHAU VỀ CÔNG NGHIỆP
Các Quốc gia thành viên sẽ tăng
cường bổ trợ lẫn nhau giữa các nhà sản xuất ASEAN, nếu có thể, thông qua việc:
(a) xác định và tăng cường chuyên
môn hoá quy trình sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D), và phát triển
các cơ sở kiểm định dựa trên lợi thế so sánh của từng Quốc gia thành viên; và
(b) xây dựng hướng dẫn về xúc
tiến các thoả thuận tạo nguồn từ bên ngoài (outsourcing) giữa các Quốc gia
thành viên, nếu phù hợp.
ĐIỀU 17
PHÁT
TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
Các Quốc gia thành viên sẽ hợp
tác phát triển, nâng cao kỹ năng và xây dựng năng lực thông qua các hội thảo và
chương trình đào tạo chung.
PHẦN VI
CÁC
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
ĐIỀU 18
CÁC NGOẠI
LỆ CHUNG
Không một nội dung nào trong Hiệp
định khung này ngăn cấm bất kỳ Quốc gia thành viên nào hành động hay sử dụng
các biện pháp mà Quốc gia đó coi là cần thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, đạo
đức xã hội, cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và cây trồng, và bảo
vệ các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ.
ĐIỀU 19
THOẢ
THUẬN VỀ THỂ CHẾ
1. Các Bộ trưởng phụ trách Hội
nhập Kinh tế ASEAN, với sự hỗ trợ của các Quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM), sẽ
giám sát, quản lý và/hoặc điều phối việc thực hiện Hiệp định khung này.
2. Ban Thư ký ASEAN sẽ:
a. hỗ trợ các Bộ trưởng và SEOM
trong việc giám sát, điều phối và rà soát việc thực hiện Hiệp định khung này;
và
b. theo dõi và thường xuyên báo
cáo SEOM về tiến trình thực hiện Hiệp định khung này.
3. Các Quốc gia thành viên sẽ hợp
tác với Ban Thư ký ASEAN trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình.
ĐIỀU 20
RÀ
SOÁT
Các Bộ trưởng phụ trách Hội nhập
Kinh tế ASEAN sẽ nhóm họp khi cần thiết nhằm rà soát lại Hiệp định khung này và
xem xét các biện pháp và/hoặc các ngành ưu tiên hội nhập tiếp theo hoặc bất cứ
vấn đề nào khác liên quan khi được nhất trí.
ĐIỀU 21
CÁC
NGHỊ ĐỊNH THƯ HỘI NHẬP NGÀNH VÀ CÁC PHỤ LỤC
Các Nghị định thư Hội nhập
Ngành ASEAN được đính kèm theo Hiệp định khung này, gồm các Phụ lục từ (I) đến
(XI) và danh mục toàn bộ các sản phẩm được đính kèm (Phụ lục (XII) sẽ làm thành
một phần không tách rời của Nghị định thư này.
ĐIỀU 22
THAM
VẤN
Các Quốc gia thành viên phải tạo
cơ hội đầy đủ để tham vấn với mọi đại diện của một Quốc gia thành viên khác
liên quan đến bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện Hiệp định
khung này.
ĐIỀU 23
GIẢI
QUYẾT TRANH CHẤP
Các điều khoản của Nghị định
thư ASEAN về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp Tăng cường, ký tại Viên Chăn, Lào vào
ngày 29 tháng 11 năm 2004, sẽ áp dụng đối với các tranh chấp phát sinh theo Hiệp
định khung này.
ĐIỀU 24
QUAN
HỆ ĐỐI VỚI CÁC HIỆP ĐỊNH KHÁC
1. Ngoại trừ quy định trong Đoạn
2, Hiệp định khung này hay bất kỳ hoạt động nào được thực hiện theo Hiệp định
khung này sẽ không ảnh hưởng hoặc vô hiệu hoá các quyền và nghĩa vụ của một quốc
gia thành viên theo những hiệp định hoặc các công ước quốc tế hiện có mà quốc
gia thành viên đó là một bên tham gia.
2. Khi Hiệp định khung này và các
hiệp định có liên quan khác của ASEAN cùng điều chỉnh một vấn đề, thì các điều
khoản của Hiệp định khung này sẽ được ưu tiên áp dụng so với quyền và nghĩa vụ
trong các hiệp định khác.
ĐIỀU 25
CÁC
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
1. Các điều khoản của Hiệp định
khung này có thể được điều chỉnh khi có sự nhất trí bằng văn bản của tất cả các
Quốc gia thành viên.
2. Hiệp định khung này sẽ được
nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN, người sẽ gửi bản sao được chứng thực cho từng
Quốc gia thành viên.
ĐIỀU 26
HIỆU
LỰC
1. Hiệp định khung này sẽ có hiệu
lực vào ngày 31/08/2005. Ngoài thời điểm hiệu lực đã xác định, các Quốc gia
thành viên có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh trước ngày Hiệp định
khung này có hiệu lực phù hợp với các mốc thời gian được nêu ra trong Hiệp định
khung này và trong các Lộ trình được đính kèm các Nghị định thư Hội nhập Ngành
ASEAN như là các Phụ lục.
2. Các Quốc gia thành viên cam
kết sẽ hoàn thành các thủ tục phê chuẩn trong nước để Hiệp định khung này có hiệu
lực.
3. Các Quốc gia thành viên, sau
khi hoàn thành các thủ tục phê chuẩn trong nước của mình đối với Hiệp định
khung này, sẽ thông báo cho Ban Thư ký ASEAN bằng văn bản.
Với sự chứng kiến, Chúng
tôi đã ký kết Hiệp định khung về Hội nhập các Ngành ưu tiên này.
hoàn thành tại Viên
Chăn, Lào ngày 29/11/2004, làm thành một bản duy nhất, bằng ngôn ngữ Tiếng Anh.
Đại diện Brunêi Đa-ru-xa-lam
HAJI HASSANAL BOLKIAN
Quốc vương Brunêi Đa-ru-xa-lam
|
Đại diện Liên bang My-an-mar
Trung tướng SOE WIN
Thủ tướng
|
Đại diện Vương quốc
Cam-pu-chia
SAMDECH HUN SEN
Thủ tướng
|
Đại diện Cộng hoà Phi-líp-pin
GLORIA MACAPAGAL-AROYO
Tổng thống
|
Đại diện Cộng hoà
In-đô-nê-xia
Tiến sỹ SUSILO BAMBANG YUDHOYONO
Tổng thống
|
Đại diện Cộng hoà Sing-ga-po
LEE HSIEN LOONG
Thủ tướng
|
Đại diện Cộng hoà Dân chủ
Nhân dân Lào
BOUNNHANG VORACHITH
Thủ tướng
|
Đại diện Vương quốc Thái Lan
Tiến sỹ THAKSIN SHINAWATRA
Thủ tướng
|
Đại diện Ma-lai-xia
DATO’ SERI ABDULLAH AHMAD BADAWI
Thủ tướng
|
Đại diện Cộng hoà Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam
PHAN VĂN KHẢI
Thủ tướng
|