Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Chính phủ các nước, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Người ký: ***
Ngày ban hành: 29/05/2015 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HIỆP ĐỊNH

THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA MỘT BÊN LÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BÊN KIA LÀ LIÊN MINH KINH TẾ Á-ÂU VÀ CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN

PHẦN MỞ ĐẦU

Một Bên là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (dưới đây gọi là Việt Nam) và Bên kia là các nước Cộng hòa Ác-men-ni-a, Cộng hòa Bê-la- rút, Cộng hòa Ka-dắc-xtan, Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan, Liên bang Nga và Liên minh kinh tế Á-Âu (dưới đây gọi là “Các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu” và Liên minh Kinh tế Á - Âu:

NHẬN THỨC tầm quan trọng của việc nâng cao tình hữu nghị lâu đời, bền vững và sự hợp tác truyền thống về nhiều mặt giữa hai Bên;

MONG MUỐN tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và đa dạng hóa thương mại giữa hai Bên, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế và thương mại trong các lĩnh vực đem lại lợi ích chung trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, không phân biệt đối xử và phù hợp với luật pháp quốc tế;

KHẲNG ĐỊNH LẠI các quyền và nghĩa vụ tương ứng của hai Bên theo Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và các hiệp định quốc tế khác mà hiện tại hai Bên đang là thành viên;

NHẬN THỨC sự cần thiết phải duy trì các nguyên tắc và thực tiễn để thúc đẩy tự do và không cản trở thương mại một cách ổn định, minh bạch và không phân biệt đối xử;

TIN TƯỞNG RẰNG Hiệp định này sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế của hai Bên trên thị trường toàn cầu và tạo điều kiện khuyến khích các quan hệ về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai Bên;

NHẬN THỨC được tầm quan trọng của việc tạo thuận lợi thương mại trong việc thiết lập các thủ tục hiệu quả và minh bạch nhằm giảm chi phí và đảm bảo khả năng có thể dự đoán trước;

NHẤN MẠNH sự bổ sung của các nền kinh tế giữa hai Bên và tiềm năng to lớn để thúc đẩy các mối quan hệ về kinh tế bằng cách phát triển hơn khuôn khổ về thương mại và đầu tư;

NHẬN THỨC vai trò và sự đóng góp quan trọng của đầu tư trong việc tăng cường thương mại và hợp tác giữa các Bên và sự cần thiết phải thúc đẩy, tạo điều kiện hợp tác hơn nữa và các cơ hội kinh doanh lớn hơn được tạo ra bởi Hiệp định này;

KHẲNG ĐỊNH LẠI tầm quan trọng của các sáng kiến hợp tác kinh tế đang được thực hiện giữa hai Bên và đồng ý để phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác kinh tế hiện tại trên các lĩnh vực mà cả hai Bên cùng quan tâm;

MONG MUỐN loại trừ các rào cản về thương mại và đầu tư giữa hai Bên, giảm các chi phí kinh doanh và nâng cao hiệu quả kinh tế; và

TIN TƯỞNG RẰNG những nỗ lực chung giữa hai Bên để hướng tới một hiệp định thương mại tự do tiên tiến sẽ phát triển một khung khổ cho việc thúc đẩy và phát triển các quan hệ thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu trong lợi ích chung và vì lợi ích chung của các nước;

ĐÃ NHẤT TRÍ như sau:

Chương 1

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1.1. Các điều khoản chung và Định nghĩa

Trong phạm vi của Hiệp định này, trừ khi được quy định khác:

a) “cơ quan hải quan trung ương” nghĩa là cơ quan hải quan có thẩm quyền cao nhất của Việt Nam hoặc mỗi Quốc gia Thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu có chức năng thực hiện các chính sách liên quan của Chính phủ, các quy định, kiểm tra và giám sát trong lĩnh vực hải quan, phù hợp với các luật và quy định trong nước tương ứng;

b) “các cơ quan hải quan” nghĩa là các cơ quan hải quan của Việt Nam hoặc của các Quốc gia Thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu;

c) “thuế quan” nghĩa là bất kỳ loại hình thuế quan hoặc bất kỳ khoản phí nào được áp dụng với việc nhập khẩu hàng hóa, nhưng không bao gồm:

i. phí tương đương với thuế nội địa được áp dụng theo các quy định của Điều III.2 của GATT 1994;

ii. phí hoặc bất cứ khoản lệ phí nào khác liên quan đến việc nhập khẩu tương ứng với chi phí dịch vụ phải trả; và

iii. thuế áp dụng phù hợp với Chương 3 (Phòng vệ Thương mại) của Hiệp định này;

d) “ngày” nghĩa là ngày dương lịch, bao gồm cả các ngày cuối tuần và các ngày nghỉ lễ;

e) “người kê khai” nghĩa là người kê khai hàng hóa cho các thủ tục hải quan hoặc đại diện của người có hàng hóa được kê khai;

f) “Ủy ban Kinh tế Á-Âu” nghĩa là cơ quan quản lý thường trực của Ủy ban Kinh tế Á-Âu theo Hiệp định Liên minh Kinh tế Á-Âu ngày 29 tháng 5 năm 2014 (sau đây gọi tắt là “Hiệp định EAEU”);

g) “GATS” nghĩa là Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ, tại Phụ lục 1B của Hiệp định WTO;

h) “GATT 1994” nghĩa là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 và các ghi chú, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

i) “hàng hóa” nghĩa là bất kỳ vật phẩm, sản phẩm, nguyên liệu, hoặc vật liệu nào;

j) “Hệ thống Hài hóa” hoặc “HS” nghĩa là Hệ thống Mô tả và Mã số

Hàng hóa hài hòa được nêu trong Công ước Quốc tế về Hệ thống Mô tả và Mã số Hàng hóa hài hòa, được thông qua vào ngày 14 tháng 6 năm 1983 và được các Bên thực hiện theo các luật và quy định tương ứng;

k) “các luật và quy định” bao gồm bất kỳ luật hoặc bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào khác;

l) “biện pháp” nghĩa là bất kỳ biện pháp nào được một Bên thi hành, dù dưới hình thức luật, quy định, quy tắc, thủ tục, quyết định, hoạt động hành chính, thực tiễn hoặc bất kỳ hình thức nào khác;

m) “có xuất xứ” nghĩa là đáp ứng quy định về xuất xứ tại Chương 4 (Quy tắc xuất xứ) của Hiệp định này;

n) “Các Bên” nghĩa là Việt Nam, một bên, và các Quốc gia Thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu) hành động tập thể hoặc riêng rẻ trong phạm vi thẩm quyền tương ứng được trao bởi Hiệp định EAEU, là một Bên và, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Việt Nam”), là một Bên;

o) “người” nghĩa là bao gồm cả thể nhân và pháp nhân;

p) “Hiệp định SCM” nghĩa là Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

q) “Hiệp định SPS” nghĩa là Hiệp định về Áp dụng các Biện pháp Vệ Sinh Dịch tễ, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

r) “Hiệp định TBT” nghĩa là Hiệp định về các Hàng rào Kỹ thuật đối với Thương mại, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

s) “Hiệp định TRIPS” nghĩa là Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ, tại Phụ lục 1C của Hiệp định WTO;

t) “WTO” nghĩa là Tổ chức Thương mại Thế giới được thành lập phù hợp với Hiệp định WTO;

u) “Hiệp định WTO” nghĩa là Hiệp định Marrakesh về Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới, hoàn thành ngày 15 tháng 4 năm 1994.

Điều 1.2. Thành lập Khu vực Thương mại Tự do

Phù hợp với Điều XXIV của GATT 1994Điều V của GATS, các Bên bằng Hiệp định này thiết lập một Khu vực Thương mại Tự do.

Điều 1.3. Mục tiêu

Các mục tiêu của Hiệp định này là:

a) nhằm đạt được sự tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại hàng hóa giữa các Bên thông qua, nhưng không hạn chế ở, việc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan và đơn giản hóa thủ tục hải quan;

b) nhằm đạt được sự tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại dịch vụ giữa các Bên;

c) tạo thuận lợi, thúc đẩy và tăng cường cơ hội đầu tư giữa các Bên thông qua việc phát triển hơn nữa môi trường đầu tư thuận lợi;

d) hỗ trợ hợp tác thương mại và kinh tế giữa các Bên;

e) bảo hộ đầy đủ và hiệu quả sở hữu trí tuệ và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này;

f) thiết lập một khuôn khổ nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực đã được thỏa thuận trong Hiệp định này và tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các Bên.

Điều 1.4. Ủy ban Hỗn hợp

Các Bên trong Hiệp định này thành lập một Ủy ban Hỗn hợp bao gồm đại diện của mỗi Bên, và được đồng chủ tọa bởi hai đại diện – một đại diện từ phía Việt Nam và một đại diện từ phía Liên minh Kinh tế Á - Âu hoặc một Quốc gia Thành viên của Liên minh Kinh tế Á- Â. Các Bên sẽ được đại diện bởi các quan chức cấp cao được chỉ định để tham gia vào Ủy ban Hỗn hợp.

Điều 1.5. Chức năng của Ủy ban Hỗn hợp

1. Ủy ban Hỗn hợp có những chức năng sau:

a) xem xét các vấn đề liên quan đến việc thực thi và triển khai Hiệp định này;

b) giám sát công việc của tất cả các ủy ban và các cơ quan khác được thành lập theo Hiệp định này;

c) xem xét các cách thức để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các Bên;

d) xem xét và đề xuất sửa đổi Hiệp định này với các Bên; và

e) thực hiện các công việc khác ở những vấn đề có liên quan trong phạm vi của Hiệp định này được các Bên có thể thống nhất

2. Uỷ ban Hỗn hợp có thể thành lập các cơ quan trực thuộc, bao gồm các cơ quan được thành lập theo yêu cầu nhất thời, và gán với các nhiệm vụ về các vấn đề cụ thể. Ủy ban Hỗn hợp có thể, nếu cần thiết, quyết định tìm kiếm sự tư vấn của các thể nhân và pháp nhân thứ ba.

3. Trừ khi các Bên có ý kiến khác, Ủy ban Hỗn hợp sẽ tổ chức:

a) phiên họp thường kỳ hàng năm, các cuộc họp sẽ được tổ chức luân phiên tại lãnh thổ của mỗi Bên; và

b) phiên họp đặc biệt được tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ khi có đề nghị của một Bên, phiên họp như vậy sẽ được tổ chức tại lãnh thổ của Bên kia hoặc tại địa điểm do các Bên nhất trí.

4. Ủy ban Hỗn hợp sẽ họp trong vòng 30 ngày kể từ ngày một Bên đưa ra thông báo theo Điều 15.3 của Hiệp định này để thảo luận về ý nghĩa hành động đó đối với các Bên và đối với bất kỳ thỏa thuận nào trong Hiệp định này.

5. Mọi quyết định của Ủy ban Hỗn hợp, các ủy ban và các cơ quan khác được thành lập theo Hiệp định này sẽ được thông qua dựa trên sự đồng thuận

Điều 1.6. Dự án đầu tư ưu tiên

1. Các dự án đầu tư ưu tiên phải được sự chấp thuận bởi một bên là Chính phủ Việt Nam và bên kia là Chính phủ của các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu.

2. Mặc dù có quy định khác của Hiệp định này và kết quả của tham vấn của các Bên nhằm hỗ trợ các dự án ưu tiên đầu tư, các Bên sẽ được cung cấp các ưu đãi bổ sung. Quyết định này được thực hiện bởi các cơ quan chức năng có liên quan của các Bên, trong thẩm quyền của họ.

Điều 1.7. Đầu mối liên lạc

1. Mỗi Bên sẽ chỉ định một đầu mối liên lạc để tạo điều kiện thông tin liên lạc giữa các Bên về bất kỳ vấn đề nào trong Hiệp định này và phải thông báo cho Uỷ ban Hỗn hợp các đầu mối liên lạc của mình.

2. Theo yêu cầu của một Bên, đầu mối liên lạc của Bên kia phải nêu rõ cơ quan hoặc nhân viên chịu trách nhiệm đối với vấn đề này và hỗ trợ cần thiết cho Bên yêu cầu.

Điều 1.8. Thông tin mật

1. Mỗi Bên sẽ, phù hợp với luật và quy định của mình, duy trì tính bảo mật đối với các thông tin mật do Bên kia cung cấp theo Hiệp định này.

2. Không có quy định nào của Hiệp định này được hiểu là yêu cầu một Bên cung cấp thông tin mật mà việc tiết lộ thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến việc thực  thi luật hoặc đi ngược lại lợi ích của cộng đồng hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích thương mại hợp pháp của các doanh nghiệp công và tư.

Điều 1.9. Ngoại lệ chung và Ngoại lệ an ninh

1. Điều 20 của Hiệp định GATT 1994Điều 14 của GATS sẽ được dẫn chiếu và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi cần thiết.

2. Điều 21 của Hiệp định GATT 1994Điều 14 bis của GATS sẽ được dẫn chiếu và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi cần thiết.

3. Ủy ban Hỗn hợp sẽ thông báo tới mức tối đa về các biện pháp được tiến hành theo đoạn 2 của Điều này và việc ngưng áp dụng các biện pháp đó .

Điều 1.10. Hàng hóa và dịch vụ sử dụng kép

Các Bên công nhận chủ quyền của Việt Nam và các quốc gia thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu để điều chỉnh thương mại vê các hàng hóa và dịch vụ sử dụng kép theo nghĩa vụ quốc tế cũng như các luật kiểm soát xuất khẩu và quy định tương ứng của họ.

Điều 1.11. Cán cân thanh toán/Những biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán

Điều XII của Hiệp định GATT 1994 và cách hiểu đối với các điều khoản về Cán cân thanh toán của GATT 1994 sẽ được dẫn chiếu và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi cần thiết.

Điều 1.12. Mối quan hệ với các Hiệp định Quốc tế khác

1. Hiệp định này sẽ được áp dụng mà không làm phương hại đến các quyền và nghĩa vụ của các Bên phát sinh từ các thỏa thuận song phương và đa phương mà các Bên là thành viên, bao gồm Hiệp định WTO và các nghĩa vụ và cam kết WTO tương ứng của các Bên.

2. Không làm ảnh hưởng đến điều Khoản 4.7 của Hiệp định này, các điệu khoản của Hiệp định này sẽ không áp dụng giữa các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu hoặc giữa các quốc gia thành viên của Liên minh Kinh tế Á- Âu và Liên minh Kinh tế Á-Âu, cũng như không cho Việt Nam các quyền và đặc quyền mà các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu dành riêng cho nhau.

Điều 1.13. Minh bạch hóa

1. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng, phù hợp với các luật và quy định trong nước của mình, luật và quy định mang tính áp dụng chung tương ứng với các thỏa thuận quốc tế với bất kỳ vấn đề nào được quy định trong Hiệp định này, sẽ ngay lập tức được đăng tải hoặc công bố công khai theo những cách khác, bao gồm có thể dưới hình thức thư điện tử

2. Trong chừng mực có thể, phù hợp với các luật và quy định trong nước của mình, mỗi Bên sẽ:

a) công bố trước các các luật và quy định trong nước nêu tại đoạn 1 của Điều này mà Bên đó dự kiến ban hành;và

b) tạo cơ hội hợp lý để các cá nhân có quan tâm và Bên kia đóng góp ý kiến đối với các luật và quy định được nêu ở đoạn 1 của Điều này mà Bên đó đề xuất thông qua.

3. Khi một Bên có yêu cầu, Bên kia sẽ ngày lập tức trả lời câu hỏi và cung cấp thông tin liên quan về các luật và quy định được nêu ở đoạn 1 của Điều này.

Chương 2

THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA

Điều 2.1. Đối xử Tối huệ quốc

1. Đối với mọi khoản thuế quan và khoản thu thuộc bất cứ loại nào được áp dụng hay có liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu hoặc được áp dụng đối với việc chuyển tiền quốc tế để thanh toán hàng xuất nhập khẩu, đối với phương thức đánh thuế và các khoản thu nêu trên, đối với tất cả quy định, thủ tục liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu và đối với tất cả các vấn đề nêu tại Khoản 2 và Khoản 4 của Điều III của Hiệp định GATT 1994, bất kỳ lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay miễn trừ được bất kỳ Bên nào dành cho hàng hóa có xuất xứ từ hay được giao tới một nước thứ ba sẽ được dành ngay lập tức và vô điều kiện cho hàng hóa tương tự đến từ hay được giao tới Bên kia.

2. Không một quy định nào tại Khoản 1 của Điều này buộc một Bên phải dành cho Bên kia các lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay miễn trừ trên cơ sở tối huệ quốc mà Bên đó dành cho bất kỳ một nước thứ ba đáp ứng các tiêu chí sau:

a) dành cho các nước láng giềng nhằm mục đích tạo thuận lợi cho giao thông biên giới;

b) dành cho các nước tham gia một liên minh hải quan, khu vực thương mại tự do hoặc các tổ chức kinh tế khu vực, hoặc bất kỳ hiệp định thương mại khu vực khác như được định nghĩa tại Điều XXIV của Hiệp định GATT 1994;

c) dành cho các nước đang phát triển và kém phát triển theo quy định của GATT 1994, Hệ thống ưu đãi phổ cập trong khuôn khổ UNCTAD hoặc các luật lệ và quy định liên quan của các Bên.

Điều 2.2. Đối xử quốc gia

Điều III của Hiệp định GATT 1994 và các chú giải của Điều này sẽ trở thành một phần của Hiệp định này, với sự điều chỉnh phù hợp.

Điều 2.3. Cắt giảm và/hoặc Xóa bỏ thuế quan

1. Trừ phi được quy định khác trong Hiệp định này, mỗi Bên sẽ dần cắt giảm và/hoặc xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa có xuất xứ của Bên kia theo lộ trình cam kết thuế của mình tại Phụ lục 1 của Hiệp định này và sẽ không tăng thuế hoặc đưa ra một loại thuế mới dẫn tới kết quả là thuế suất đối với hàng hóa có xuất xứ của Bên kia vượt mức cam kết trong lộ trình cam kết thuế của mình tại Phụ lục 1 của Hiệp định này.

2. Một Bên, vào bất kỳ thời điểm nào, có thể đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm và/hoặc xóa bỏ thuế quan trong lộ trình cam kết thuế của mình tại Phụ lục 1 của Hiệp định này đối với hàng hóa có xuất xứ của Bên kia. Quy định này sẽ không ngăn cản một Bên tăng thuế lên mức đã xác định trong lộ trình cam kết thuế của mình tại Phụ lục 1 của Hiệp định này đối với năm tương ứng sau khi đã đơn phương đẩy nhanh cắt giảm. Bên cân nhắc thực hiện việc tăng, giảm và/hoặc xóa bỏ thuế quan này sẽ thông báo cho Bên kia sớm nhất có thể trước khi mức thuế quan mới có hiệu lực.

3. Các Bên có thể xem xét đẩy nhanh việc cắt giảm và/hoặc xóa bỏ thuế quan trong lộ trình cam kết thuế của mình tại Phụ lục 1 của Hiệp định này bằng cách sửa đổi Hiệp định phù hợp với Điều 15.5 của Hiệp định này.

4. Nếu mức thuế quan đối với hàng hóa có xuất xứ mà một Bên áp dụng theo Phụ lục 1 của Hiệp định này cao hơn mức thuế tối huệ quốc áp dụng đối với cùng loại hàng hóa, hàng hóa đó có thể được hưởng mức thuế suất thứ hai.

Điều 2.4. Thay đổi mã HS và Mô tả

1. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi về mã HS và mô tả của mình sẽ được thực hiện mà không làm giảm nhân nhượng về thuế quan đã cam kết theo

 của Hiệp định này.

2. Những thay đổi về mã HS và mô tả của Việt Nam và thay đổi về mã HS và mô tả của Liên minh sẽ do Việt Nam và Ủy ban Kinh tế Á-Âu, tương ứng, thực hiện. Các Bên sẽ công bố kịp thời bất kỳ thay đổi về mã HS và mô tả và thông báo cho bên kia hàng quý.

Điều 2.5. Phí, lệ phí và các thủ tục liên quan đến Nhập khẩu và Xuất khẩu

1. Điều VIII của GATT 1994 và các chú giải của điều này sẽ trở thành một phần của Hiệp định này, với những thay đổi phù hợp.

2. Mỗi Bên sẽ đảm bảo các cơ quan liên quan công bố các thông tin liên quan đến phí và lệ phí mà Bên đó áp dụng trên trang web chính thức.

Điều 2.6. Quản lý các quy tắc thương mại

Mỗi Bên sẽ quản lý một cách đồng bộ, công bằng và hợp lý tất cả các luật, quy tắc, quyết định pháp luật và quy tắc hành chính có hiệu lực chung liên quan đến thương mại hàng hóa giữa các Bên phù hợp với Điều X của GATT 1994.

Điều 2.7. Trợ cấp

1. Quyền và nghĩa vụ của các Bên đối với các khoản trợ cấp cho hàng hóa không thuộc phạm vi của Hiệp định Nông nghiệp trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của Điều XVI của Hiệp định GATT 1994, Hiệp định SCM và các nghĩa vụ và cam kết WTO liên quan của mỗi Bên.

2. Các Bên chia sẻ mục tiêu đạt được một thỏa thuận đa phương về xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông nghiệp.

3. Quyền và nghĩa vụ của các Bên đối với các khoản trợ cấp cho hàng nông nghiệp được giao tới Bên kia sẽ được điều chỉnh bởi các nghĩa vụ và cam kết WTO liên quan của mỗi Bên.

4. Mỗi Bên sẽ đảm bảo minh bạch đối với các trợ cấp thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều này. Theo yêu cầu của một Bên, Bên kia, trong một khoảng thời gian hợp lý, sẽ cung cấp thông báo về một trợ cấp riêng biệt do Bên đó áp dụng hoặc duy trì như định nghĩa trong Hiệp định SCM. Thông báo này sẽ bao gồm các thông tin quy định tại Điều 25.3 của Hiệp định SCM.

Điều 2.8. Cấp phép nhập khẩu

1. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng các thủ tục cấp phép nhập khẩu được định nghĩa tại Điều 1 đến Điều 3 của Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO (sau đây được gọi là “Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu”) được thực hiện một cách minh bạch và có thể dự đoán được, và được áp dụng theo Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu.

2. Mỗi Bên sẽ công bố các nguyên tắc và thông tin liên quan đến thủ tục cấp phép của mình một cách nhất quán với Điều 1.4 của Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu. Một Bên, khi áp dụng thủ tục cấp phép mới hoặc thay đổi các thủ tục này, sẽ thông báo cho Bên kia các thủ tục cấp phép hoặc các thay đổi đó trong vòng 60 ngày kể từ khi công bố. Thông báo này sẽ bao gồm các thông tin như quy định tại Điều 5.2 và 5.3 của Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu. Các thông tin này sẽ được cung cấp thông qua đầu mối mà mỗi Bên phân công thực hiện việc này.

Điều 2.9.  Hạn chế định lượng

1. Không Bên nào được thông qua hoặc duy trì hạn chế định lượng, kể cả việc cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Bên kia hoặc xuất khẩu hàng hóa đến lãnh thổ của Bên kia, ngoại trừ theo nghĩa vụ và cam kết WTO của Bên đó. Theo tinh thần đó, Điều XI và XIII của Hiệp định GATT 1994 và các chú giải của Điều này sẽ được bổ sung và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.

2. Mỗi Bên sẽ đảm bảo minh bạch đối với bất kỳ hạn chế định lượng được phép duy trì theo đoạn 1 của Điều này và sẽ đảm bảo biện pháp đó được dự thảo, ban hành hoặc áp dụng không nhằm mục đích, hoặc có tác động, tạo ra các rào cản không cần thiết đối với thương mại giữa các Bên.

Điều 2.10. Các biện pháp phòng vệ theo ngưỡng

1. Liên minh Kinh tế Á Âu có thể áp dụng một biện pháp phòng vệ theo ngưỡng đối với một số mặt hàng có xuất xứ của Việt Nam được liệt kê trong Phụ lục 2 của Hiệp định này và được nhập khẩu vào trong lãnh thổ của các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á Âu nếu số lượng nhập khẩu trong bất kỳ năm nào vượt quá mức ngưỡng tương ứng của năm đó được quy định trong Phụ lục 2 của Hiệp định này.

2. Biện pháp phòng vệ theo ngưỡng sẽ được áp dụng theo hình thức các mặt hàng liên quan bị áp thuế quan tương đương với thuế suất tối huệ quốc bắt đầu từ ngày biện pháp phòng vệ theo ngưỡng có hiệu lực.

3. Biện pháp phòng vệ theo ngưỡng sẽ được áp dụng trong một khỏang thời gian không quá sáu tháng.

4. Ngoài những trường hợp quy định tại Mục 3 Điều khoản này, nếu số lượng nhập khẩu vượt quá 150% mức ngưỡng theo quy định vào ngày áp dụng biện pháp phòng vệ theo ngưỡng, thời gian áp dụng biện pháp này có thể được kéo dài thêm ba tháng.

5. Ủy ban Kinh tế Á - Âu sẽ công bố dữ liệu về khối lượng nhập khẩu liên quan có thể sẵn sàng truy cập được cho Việt Nam. Nếu những Điều nêu tại Mục 1 của Điều này xảy ra, Ủy ban Kinh tế Á - Âu sẽ ngay lập tức thông báo bằng văn bản về việc đó. Ủy ban Kinh tế Á - Âu cũng sẽ thông báo bằng văn bản tối thiểu 20 ngày trước khi quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ theo ngưỡng, và 3 ngày sau khi ra quyết định áp dụng, với điều kiện quyết định này có hiệu lực không trước 30 ngày kể từ ngày quyết định được đưa ra và không làm ảnh hưởng đến quyền áp dụng biện pháp này của Liên minh Kinh tế Á Âu. Nếu Liên minh Kinh tế Á Âu quyết định không áp dụng biện pháp phòng vệ theo ngưỡng, Liên minh sẽ thông báo bằng văn bản kịp thời cho Việt Nam về quyết định của mình.

6. Theo yêu cầu của một trong hai Bên, Bên kia sẽ tham gia kịp thời vào việc tham vấn và/hoặc cung cấp thông tin được yêu cầu với mục đích chứng minh các điều kiện tuân thủ và áp dụng biện pháp phòng vệ theo ngưỡng theo quy định từ Mục 1 đến Mục 4 của Điều Khoản này.

7. Mỗi ba năm sau ngày Hiệp định có hiệu lực, các Bên sẽ rà soát lại việc thực thi Điều Khoản này và, nếu cần thiết, cùng quyết định sửa đổi Điều Khoản này cũng như Phụ lục 2 của Hiệp định này, phù hợp với Điều Khoản 15.5 của Hiệp định.

Điều 2.11. Doanh nghiệp thương mại nhà nước

Mỗi Bên sẽ đảm bảo các doanh nghiệp thương mại nhà nước của mình hoạt động phù hợp với Điều XVII của GATT 1994 và các nghĩa vụ và cam kết WTO của Bên đó.

Điều 2.12. Ủy ban về Thương mại hàng hóa

1. Các Bên theo quy định trong Hiệp định này thành lập một Ủy ban về Thương mại Hàng hóa((sau đây được gọi là “Ủy ban Hàng hoá”), gồm đại diện của mỗi Bên.

2. Ủy ban Hàng hóa sẽ gặp theo yêu cầu của một Bên để xem xét bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong Chương này và trong các Chương (Phòng vệ thương mại, Quy tắc xuất xứ, Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, SPS, TBT)

3. Ủy ban Hàng hóa sẽ có các chức năng sau:

a) Rà soát và giám sát việc triển khai và thực hiện các Chương như được đề cập tại đoạn 2 của Điều này;

b) Rà soát và đưa ra các đề xuất phù hợp, nếu cần, lên Ủy ban Hỗn hợp đối với bất kỳ sửa đổi nào của các Điều Khoản trong Chương này và các biểu cam kết thuế quan tại Phụ lục 1 của Hiệp định này nhằm mục đích thúc đẩy và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường;

c) Xác định và đề xuất các biện pháp nhằm xử lý bất kỳ vấn đề nào phát sinh;

d) Báo cáo các vấn đề phát sinh từ việc triển khai Chương này lên Ủy ban Hỗn hợp.

Chương 3

PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Điều. 3.1. Các biện pháp đối kháng

1. Các Bên cần phải áp dụng các biện pháp đối kháng tuân thủ các Điều Khoản quy định tại Điều VI và Điều XVI của Hiệp định GATT 1994 và Hiệp định SCM.

2. Trong trường hợp Việt Nam tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp đối kháng, các Thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu phải được điều tra riêng rẽ chứ không phải với tư cách là cả Liên minh trừ khi Việt Nam xác định được rằng có tồn tại các chương trình trợ cấp được quy định tại Điều XVI của GATT và Hiệp định SCM do Liên minh Kinh tế Á-Âu cấp cho tất cả các Thành viên của Liên minh này.

Điều. 3.2. Các biện pháp chống bán phá giá

1. Các Bên cần phải áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tuân thủ các điều Khoản quy định tại Điều VI của GATT 1994 và Hiệp định về Thực thi Điều VI của GATT 1994, được nêu tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.

2. Trong trường hợp Việt Nam tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, các Thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu phải được xem là từng thành viên riêng rẽ chứ không phải với tư cách khối Liên minh Kinh tế Á Âu trừ khi cả hai Bên có thỏa thuận khác.

Điều 3.3. Các biện pháp tự vệ toàn cầu

Các Bên cần phải áp dụng các biện pháp tự vệ toàn cầu tuân thủ các Điều Khoản quy định tại Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định về các biện pháp tự vệ, được nêu tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.

Điều 3.4. Các biện pháp tự vệ song phương

1. Trong trường hợp do kết quả của việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo cam kết của Hiệp định này, bất kỳ hàng hóa có xuất xứ từ một Bên được nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên còn lại có sự gia tăng tương đối hoặc tuyệt đối về lượng so với sản xuất nội địa của Bên nhập khẩu và sự gia tăng đó là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp của Bên nhập khẩu, Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong giai đoạn chuyển đổi đối với hàng hóa đó với mức độ cần thiết nhằm khắc phục hoặc ngăn chặn thiệt hại dựa trên các quy định tại Điều Khoản này.

2. Các biện pháp tự vệ song phương chỉ có thể được áp dụng khi có bằng chứng rõ ràng để chứng minh rằng sự gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân chính gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

3. Khi một Bên có ý định áp dụng biện pháp tự vệ song phương theo quy định của điều này cần phải nhanh chóng thông báo cho Bên kia và Ủy ban Hỗn hợp, trong mọi trường hợp thì việc thông báo này phải được thực hiện trước khi áp dụng biện pháp tự vệ song phương. Thông báo phải bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết, cụ thể gồm: các bằng chứng chứng minh thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại do sự gia tăng nhập khẩu; mô tả chính xác hàng hóa thuộc đối tượng bị điều tra; đề xuất biện pháp áp dụng và đề xuất thời điểm áp dụng biện pháp, thời hạn áp dụng biện pháp cũng như lộ trình cho việc xóa bỏ dần biện pháp.

4. Bên chịu ảnh hưởng bởi biện pháp tự vệ song phương sẽ được Bên áp dụng biện pháp tự vệ song phương bồi thường dưới hình thức tự do hóa thương mại tương đương đáng kể đối với hàng hóa nhập khẩu từ Bên bị tác động. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo biện pháp được nêu tại đoạn 3 của Điều này, Bên áp dụng biện pháp tự vệ phải xem xét các thông tin được cung cấp để thúc đẩy nhanh chóng một giải pháp hợp lý cho vấn đề này. Trong trường hợp không đạt được giải pháp nào, Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương để khắc phục thiệt hại gây ra do sự gia tăng nhập khẩu; và trong trường hợp không đạt được thỏa thuận về vấn đề bồi thường, Bên chịu tác động của việc áp dụng biện pháp tự vệ song phương có thể áp dụng biện pháp trả đũa. Cả biện pháp tự vệ song phương cũng như biện pháp trả đũa phải được thông báo ngay lập tức cho các Bên liên quan. Biện pháp trả đũa có thể bao gồm việc đình chỉ thực thi các cam kết tương đương với tác động về mặt thương mại mà bên bị áp dụng phải chịu và/hoặc đình chỉ thực hiện các cam kết tương đương với trị giá khỏan thuế nhập khẩu của biện pháp tự vệ song phương. Biện pháp trả đũa chỉ được áp dụng trong khỏang thời gian cần thiết tối thiểu để đạt được mục tiêu nêu trên và chỉ được áp dụng khi biện pháp tự vệ song phương được quy định tại đoạn 5 của Điều này được áp dụng.

5. Nếu thỏa mãn các điều kiện được quy định tại đoạn 1 của Điều này, Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương dưới hình thức:

a) đình chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu đang có hiệu lực theo quy định trong Hiệp định này đối với hàng hóa nhập khẩu bị điều tra; hoặc

b) tăng mức thuế nhập khẩu đang có hiệu lực đối với hàng hóa nhập khẩu bị điều tra với một mức độ cần thiết nhưng không được vượt quá mức thuế cơ bản được nêu trong Phụ lục 1 của Hiệp định này.

Các Bên có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương theo một trong các khoảng thời gian như sau:

a) Đối với hàng hóa có mức thuế nhập khẩu đạt đến mức cắt giảm thuế cuối cùng (final reduction rate) trong vòng 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, một Bên có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương đối với hàng hóa đó trong khỏang thời gian tối đa là 2 năm. Một Bên không được tái áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong vòng một năm kể từ ngày hết hạn biện pháp tự vệ song phương. Bất kỳ biện pháp tự vệ song phương nào cũng không được áp dụng quá hai lần đối với cùng một loại hàng hóa.

b) Đối với hàng hóa có mức thuế nhập khẩu đạt đến mức cắt giảm thuế cuối cùng (final reduction rate) sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, một Bên có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương đối với hàng hóa đó trong khoảng thời gian tối đa là 2 năm. Thời gian áp dụng biện pháp tự vệ song phương có thể được gia hạn tối đa thêm 01 năm nếu có đầy đủ bằng chứng rằng việc gia hạn là cần thiết để ngăn cản hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và ngành sản xuất trong nước nhập khẩu đang trong quá trình điều chỉnh. Một Bên không được tái áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong khỏang thời gian bằng thời gian áp dụng biện pháp ban đầu. Bất kỳ biện pháp tự vệ song phương nào cũng không được áp dụng quá hai lần đối với cùng một loại hàng hóa.

6. Khi kết thúc việc áp dụng biện pháp tự vệ song phương, mức thuế suất nhập khẩu sẽ là mức thuế đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt biện pháp.

7. Các Bên không được áp dụng đồng thời đối với cùng một hàng hóa:

a) biện pháp tự vệ song phương; và

b) biện pháp theo quy định Điều XIX của GATT và Hiệp định Tự vệ, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.

8. Ngành sản xuất trong nước được nêu trong đoạn 1 của Điều này được hiểu là toàn bộ các nhà sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp hoạt động trên lãnh thổ của một Bên hoặc tập hợp các nhà sản xuất mà tổng lượng sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp chiếm tỷ lệ đa số và chiếm trên 25% tổng sản lượng toàn ngành sản xuất trong nước của hàng hóa đó.

9. Giai đoạn chuyển đổi của hàng hóa là đối tượng của biện pháp tự vệ song phương nêu tại đoạn 1 của Điều này là:

a) Khoảng thời gian kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực cho đến 07 năm sau ngày hoàn thành việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với nhóm hàng hóa có lộ trình cắt giảm đến mức thuế cuối cùng trong vòng 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

b) Khoảng thời gian kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực cho đến 05 năm sau ngày hoàn thành việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với nhóm hàng hóa có lộ trình cắt giảm đến mức thuế cuối cùng trong hoặc sau 03 năm nhưng chỉ đến 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực

c) Khoảng thời gian kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực cho đến 03 năm sau ngày hoàn thành việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với nhóm hàng hóa có lộ trình cắt giảm đến mức thuế cuối cùng sau 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực

Điều 3.5. Thông báo

1. Tất cả các trao đổi chính thức và các tài liệu được trao đổi giữa các Bên liên quan đến các vấn đề thuộc phạm vi của Chương này phải được thực hiện giữa các cơ quan có liên quan có thẩm quyền pháp lý khởi xướng và tiến hành cuộc điều tra theo quy định của Chương này (sau đây được gọi là “cơ quan điều tra”). Trong trường hợp Việt Nam dự định áp dụng một biện pháp được quy định trong Chương này, Bên kia có thể chỉ định một cơ quan có thẩm quyền khác và thông báo cho Việt Nam về việc chỉ định này.

2. Các Bên phải trao đổi thông tin về tên, thông tin liên hệ của các cơ quan điều tra trong vòng 30 ngày kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực. Các Bên phải nhanh chóng thông báo cho bên kia bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến cơ quan điều tra.

3. Bên nào có dự định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu phải ngay lập tức cung cấp cho Bên kia một bản thông báo bằng văn bản có đầy đủ các thông tin về việc khởi xướng điều tra, kết luận sơ bộ cũng như kết luận cuối cùng của vụ việc

Chương 4

QUY TẮC XUẤT XỨ

PHẦN I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 4.1. Phạm vi

Quy tắc xuất xứ trong Chương này sẽ chỉ được áp dụng cho mục đích hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này.

Điều 4.2. Định nghĩa

Theo mục đích của Chương này

a) Nuôi trồng thủy sản là việc nuôi trồng các sinh vật sống dưới nước bao gồm cá, động vật thân mềm, loài giáp xác, động vật không xương sống dưới nước khác và thực vật thủy sinh từ các loại con giống như trứng, cá hồi hai năm tuổi, cá hồi nhỏ và ấu trùng bằng cách can thiệp vào các quá trình nuôi trồng hoặc tăng trưởng nhằm thúc đẩy sinh sản như nuôi cấy, cho ăn, hoặc bảo vệ khỏi các động vật ăn thịt;

b) Cơ quan được ủy quyền là cơ quan có thẩm quyền được chỉ định bởi một bên để phát hành Giấy chứng nhận xuất xứ trong Hiệp định;

c) Trị giá CIF là trị giá hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của nước nhập khẩu;

d) Lô hàng có nghĩa là các hàng hóa được gửi cùng một thời gian trên một hoặc nhiều chứng từ vận tải từ người xuất khẩu đến người nhận hàng, và hàng hóa được gửi trên cùng một hóa đơn bưu điện hoặc được chuyển bằng hành lý của người qua biên giới.

e) Người xuất khẩu là người thường trú hoặc có trụ sở tại lãnh thổ của một bên, nơi hàng hóa được xuất khẩu bởi chính người đó.

f) Trị giá FOB là trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm phí vận tải đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến;

g) Người nhập khẩu là người thường trú hoặc có trụ sở tại lãnh thổ của một bên, nơi hàng hóa được nhập khẩu bởi chính người đó.

h) Nguyên vật liệu là bất kỳ vật liệu hay chất liệu nào bao gồm thành phần, nguyên liệu thô, linh kiện, phụ tùng được sử dụng hoặc tiêu tốn trong quá trình sản xuất hàng hóa hoặc được dùng để tạo thành một hàng hóa khác hoặc tham gia vào một quy trình sản xuất ra hàng hóa khác;

i) Hàng hóa không có xuất xứ hoặc nguyên vật liệu không có xuất xứ là hàng hóa hoặc nguyên vật liệu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ của chương này.

j) Hàng hóa có xuất xứ hoặc nguyên vật liệu có xuất xứ là hàng hóa hoặc nguyên vật liệu đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của chương này.

k) Người sản xuất là người thực hiện việc sản xuất tại lãnh thổ của một bên.

l) Sản xuất là phương thức để thu được hàng hóa bao gồm nuôi trồng, khai thác mỏ, thu hoạch, chăn nuôi, gây giống, chiết xuất, thu nhặt, săn bắt, đánh bắt, săn bắt, sản xuất, gia công hoặc lắp ráp hàng hóa;

m) Cơ quan xác minh là cơ quan chính phủ có thẩm quyền được chỉ định bởi một bên để thực hiện các thủ tục xác minh;

Điều 4.3. Tiêu chí xuất xứ

Theo mục đích của Chương này, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một Bên nếu:

a) Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một bên theo quy định tại Điều 4.4 của Hiệp định này; hoặc

b) Được sản xuất toàn bộ tại một hay hai Bên, từ những nguyên vật liệu có xuất xứ từ một hay hai Bên; hoặc

c) Được sản xuất tại một Bên, sử dụng nguyên vật liệu không có xuất xứ và đáp ứng các yêu cầu về quy tắc mặt hàng cụ thể tại Phụ lục 3 của Hiệp định.

Điều 4.4. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

Theo mục đích của Điều Khoản 4.3 của Hiệp định này, các hàng hóa sau đây sẽ được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một bên:

a) Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, bao gồm quả, hoa, rau cỏ, cây, tảo biển, nấm và các loại cây trồng khác được trồng, thu hoạch hoặc thu lượm trong lãnh thổ của một Bên.

b) Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại lãnh thổ của một Bên. c) Hàng hóa được chế biến từ động vật sống tại lãnh thổ của một Bên.

d) Hàng hóa được thu lượm, săn bắn, săn bắt, đánh bắt, nuôi trồng, nuôi dưỡng, nuôi trồng thủy sản tại lãnh thổ của một Bên.

e) Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác được chiết xuất hoặc lấy ra từ không khí, đất, nước, đáy biển và lòng đất tại lãnh thổ của một bên.

f) Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm biển khác lấy từ bên ngoài vùng biển cả, theo pháp luật quốc tế, bằng tàu được đăng ký hoặc có ghi hồ sơ tại một bên và treo cờ của bên đó;

g) Sản phẩm được sản xuất từ hàng hóa đã nêu tại Khoản f) của Điều Khoản này, trên tàu chế biến được đăng ký hoặc có ghi hồ sơ tại một bên và treo cờ của bên đó;

h) Phế thải và phế liệu thu được từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng tại một lãnh thổ của một bên, với điều kiện hàng hóa đó chỉ phù hợp làm nguyên vật liệu thô.

i) Hàng hóa đã qua sử dụng được thu nhặt tại lãnh thổ của một bên, với điều kiện hàng hóa đó chỉ phù hợp làm nguyên vật liệu thô;

j) Các sản phẩm được sản xuất từ không gian vũ trụ trên một tàu vũ trụ với điều kiện tàu vũ trụ đó được đăng ký tại một bên.

k) Hàng hóa được sản xuất hoặc thu được tại lãnh thổ của một bên từ các hàng hóa được quy định từ Mục a) đến j)

Điều 4.5. Hàm lượng giá trị gia tăng

Theo mục đích của Chương này và quy tắc cụ thể mặt hàng theo Phụ lục 3 của Hiệp định này, công thức để tính hàm lượng giá trị gia tăng (sau đây viết tắt là VAC) sẽ là:

Trị giá FOB – Trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ

x

100%

Trị giá FOB

Trong đó, trị giá của nguyên vật liệu không có xuất xứ sẽ là:

a) Trị giá CIF tại thời điểm nhập khẩu nguyên vật liệu tại một Bên; hoặc

b) Giá mua hoặc có thể trả đầu tiên của nguyên vật liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một bên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến.

Trong lãnh thổ của một Bên, khi các nhà sản xuất của hàng hóa mua các nguyên vật liệu không có xuất xứ trong một bên đó, trị giá của những nguyên vật liệu đó sẽ không bao gồm phí vận chuyển, bảo hiểm, chi phí đóng gói và các chi phí phát sinh khác cho việc vận chuyển những vật liệu từ địa điểm của các nhà cung cấp đến nơi sản xuất.

Điều 4.6. Công đoạn gia công chế biến đơn giản

1. Các công khoản sau đây được thực hiện độc lập hoặc kết hợp với nhau được coi là không đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu của Điều Khoản 4.3 của Hiệp định này

a) Những công khoản bảo quản để đảm bảo hàng hóa trong điều kiện tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho.

b) Làm đông lạnh và tan băng

c) Đóng gói và đóng gói lại

d) Rửa, lau chùi, tẩy bụi và các chất ô xít, dầu, sơn và các chất tráng, phủ bề mặt khác.

e) Là, ép hàng dệt may.

f) Nhuộm, đánh bóng, đánh véc-ni, bôi dầu.

g) Bóc vỏ một phần hoặc làm tróc toàn bộ, đánh bóng và làm láng ngũ cốc và gạo.

h) Các công khoản để nhuộm đường và tạo đường miếng.

i) Bóc vỏ và tróc đá, vỏ của hoa quả, các loại hạt và rau.

j) Mài sắc, mài giũa đơn giản

k) Cắt

l) Giần, sàng, lựa chọn, phân loại.

m) Đóng vào chai, lon, khuôn, túi, hộp hoặc gắn lên bề mặt và các công khoản đóng gói bao bì đơn giản khác.

n) Dán hoặc in nhãn, mác hoặc lô-gô và các dấu hiệu phân biệt tương tự lên sản phẩm hoặc lên bao bì.

o) Trộn đơn giản các sản phẩm (linh kiện, phụ tùng) mà không dẫn đến sự khác biệt đầy đủ giữa sản phẩm với các linh kiện, phụ tùng ban đầu.

p) Lắp ráp đơn giản sản phẩm hoặc tháo rời sản phẩm thành từng phần.

q) Giết mổ động vật, lựa chọn thịt.

2. Theo mục đích Khoản 1 của Điều Khoản này, “đơn giản” mô tả các hoạt động mà không đòi hỏi các kỹ năng hoặc máy móc, dụng cụ, thiết bị đặc biệt được thiết kế chuyên để thực hiện các hoạt động này.

Điều 4.7. Cộng gộp xuất xứ

Không trái với Điều 4.3 của Hiệp định này, hàng hóa hoặc nguyên vật liệu có xuất xứ tại một Bên, được sử dụng như nguyên vật liệu để sản xuất ra sản phẩm tại một Bên khác, sẽ được coi là có xuất xứ tại một Bên nơi diễn ra công khoản cuối cùng khác với các công khoản được đề cập đến tại khoản 1 của Điều 4.6 của Hiệp định này. Xuất xứ của những nguyên vật liệu này sẽ được xác nhận bởi Giấy chứng nhận xuất xứ (Mẫu EAV) được phát hành bởi cơ quan được ủy quyền.

Điều 4.8. Tỷ lệ không đáng kể nguyên vật liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi chương

1. Các sản phẩm không trải qua công khỏan chuyển đổi mã số hàng hóa theo phụ lục 3 của Hiệp định này sẽ vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu:

a) Trị giá của tất cả nguyên vật liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa không vượt quá tỷ lệ 10% trị giá FOB của hàng hóa; và

b) Hàng hóa đáp ứng tất cả các điều kiện khác quy định trong Chương này.

2. Trị giá của các nguyên vật liệu theo Điểm a của Khoản 1 Điều này sẽ được tính vào trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ khi tính VAC.

Điều 4.9. Vận chuyển trực tiếp

1. Hàng hóa có xuất xứ sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo Chương này với điều kiện hàng hóa đó được vận chuyển trực tiếp từ lãnh thổ của Bên xuất khẩu đến lãnh thổ của Bên nhập khẩu.

2. Không xét đến Khoản 1, hàng hóa có xuất xứ có thể được vận chuyển qua lãnh thổ của một hay nhiều lãnh thổ của nước thứ 3 với điều kiện:

a) Quá cảnh qua lãnh thổ của một Bên không phải thành viên là cần thiết vì lý do địa lý hoặc các yêu cầu về vận tải có liên quan.

b) Hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại đó; và

c) Hàng hóa không trải qua các công khoản nào khác ngoài việc dỡ hàng, bốc lại hàng, lưu kho hoặc các công khoản cần thiết khác để bảo quản điều kiện của hàng hóa.

3. Người khai báo phải nộp các chứng từ phù hợp cho cơ quan hải quan của bên nhập khẩu để chứng minh đáp ứng các điều kiện tại Khoản 2 của Điều Khoản này. Các chứng từ được cung cấp cho cơ quan hải quan của bên nhập khẩu bao gồm:

a) Chứng từ vận tải bao gồm các đoạn từ lãnh thổ của một Bên đến lãnh thổ của một Bên khác bao gồm:

i) Mô tả chính xác hàng hóa

ii) Ngày dỡ hàng, bốc hàng lại (nếu các chứng từ vận tải không có thông tin về ngày dỡ hàng, bốc hàng lại, các chứng từ hỗ trợ khác có các thông tin này sẽ được nộp bổ sung với chứng từ vận tải).

iii) Nếu có thể:

- Tên tàu, hoặc các phương thức vận tải khác được sử dụng;

- Số container;

- Điều kiện hàng hóa được lưu giữ tại nước quá cảnh không phải thành viên trong điều kiện phù hợp.

- Dấu của cơ quan hải quan nước quá cảnh.

b) Hóa đơn thương mại của hàng hóa.

4. Người khai báo có thể nộp các chứng từ hỗ trợ khác để chứng minh đáp ứng các yêu cầu của Khoản 2 Điều Khoản này.

5. Trong trường hợp không thể cung cấp chứng từ vận tải, người khai báo phải nộp văn bản được phát hành bởi cơ quan hải quan nước quá cảnh bao gồm tất cả các thông tin theo phần a) của Khoản 3.

6. Hàng hóa sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan nếu người khai báo không cung cấp đầy đủ cho cơ quan hải quan bên nhập khẩu các chứng từ chứng minh vận chuyển trực tiếp.

Điều 4.10. Mua bán trực tiếp

1. Bên nhập khẩu sẽ cho hàng hóa có xuất xứ được hưởng ưu đãi thuế quan trong trường hợp hóa đơn được phát hành bởi người thường trú hoặc có trụ sở tại nước thứ 3, với điều kiện hàng hóa đáp ứng các yêu cầu của chương này.

2. Không xét đến Khoản 1 của Điều Khoản, Bên nhập khẩu sẽ không cho hưởng ưu đãi trong trường hợp hóa đơn được phát hành bởi người thường trú hoặc có trụ sở tại nước, vùng lãnh thổ thứ 3 trong danh sách các quốc đảo theo một Nghị định thư chung. Cơ quan có thẩm quyền của các Bên sẽ được ủy quyền để thông qua Nghị định thư này theo thỏa thuận chung và công bố công khai.

3. Không trái với Khoản 2 của Điều này, trước khi Nghị định thư nêu trên được thông qua, danh sách các quốc đảo theo Phụ lục 4 của Hiệp định sẽ được áp dụng.

Điều 4.11. Vật liệu đóng gói để bán lẻ

1. Vật liệu đóng gói và container trong đó hàng hóa được đóng gói để bán lẻ, nếu được phân loại cùng với hàng hóa đó, sẽ không được tính đến khi xác định các nguyên vật liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất hàng hóa có đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa theo Phụ lục 3 của Hiệp định này.

2. Không xét đến Khoản 1 của Điều này khi xác định xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí VAC, trị giá của bao bì sử dụng để bán lẻ sẽ được tính là nguyên vật liệu có xuất xứ hoặc nguyên vật liệu không có xuất xứ, tùy theo từng trường hợp, khi tính tỷ lệ VAC của hàng hóa.

Điều 4.12. Vật liệu đóng gói để vận chuyển

Vật liệu đóng gói và container trong trường hợp hàng hóa được đóng gói để vận chuyển sẽ không được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa.

Điều 4.13. Phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác

1. Trường hợp xác định hàng hóa có đáp ứng yêu cầu xuất xứ về chuyển đổi mã số hàng hóa theo Phụ lục 3 của Hiệp định này, các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác là một phần của thiết bị thông thường và bao gồm trong giá FOB hoặc không được thanh toán riêng, sẽ được coi là một phần của sản phẩm và không được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa.

2. Không xét đến Khoản 1 Điều Khoản này, trường hợp xác định xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí VAC, trị giá của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác sẽ được tính là nguyên vật liệu có xuất xứ hoặc nguyên vật liệu không có xuất xứ, tùy theo từng trường hợp, khi tính VAC của hàng hóa.

3. Điều Khoản này chỉ áp dụng khi:

a) Các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm theo hàng hóa không thanh toán riêng với hàng hóa có xuất xứ; và

b) Số lượng và trị giá của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm theo hàng hóa là thông lệ với hàng hóa đó.

Điều 4.14. Bộ hàng hóa

Bộ hàng hóa, được định nghĩa theo Quy tắc chung số 3 giải thích Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa, sẽ được coi là có xuất xứ khi tất cả các sản phẩm thành phần đều có xuất xứ. Tuy nhiên, khi một bộ hàng hóa bao gồm cả hàng hóa có xuất xứ và hàng hóa không có xuất xứ, cả bộ hàng hóa này sẽ vẫn được coi là có xuất xứ với điều kiện trị giá của các sản phẩm không có xuất xứ không vượt quá 15% trị giá FOB của bộ hàng hóa.

Điều 4.15. Nguyên vật liệu gián tiếp

Khí xác định xuất xứ của hàng hóa, xuất xứ của các nguyên vật liệu gián tiếp sau sẽ không được tính đến mặc dù có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất và không cấu thành hàng hóa đó:

a) Nhiên liệu và năng lượng

b) Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc

c) Phụ tùng và nguyên vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị, nhà xưởng.

d) Dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên vật liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị, nhà xưởng

e) Găng tay, kính, giày dép, quần áo, các thiết bị an toàn

f) Các thiết bị, dụng cụ dùng để kiểm tra hoặc thử nghiệm hàng hóa

g) Chất xúc tác và dung môi; và

h) Bất kỳ hàng hóa nào khác không cấu thành hàng hóa nhưng việc sử dụng chúng phải được chứng minh là một phần trong quá trình sản xuất ra hàng hóa.

PHẦN II. CHỨNG TỪ CHỨNG MINH XUẤT XỨ

Điều 4.16. Hưởng ưu đãi thuế quan

1. Để được hưởng ưu đãi về thuế quan, người khai báo phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ cho Cơ quan hải quan của bên nhập khẩu, theo yêu cầu của Phần này.

2. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp cho cơ quan Hải quan bên nhập khẩu phải là bản gốc, hợp lệ và phù hợp với thể thức quy định tại Phụ lục 5 của Hiệp định này và phải được điền đầy đủ theo yêu cầu tại phụ lục 5 của Hiệp định.

3. Cơ quan được ủy quyền của bên xuất khẩu phải đảm bảo Giấy chứng nhận xuất xứ được điền đầy đủ theo yêu cầu tại Phụ lục 5 của Hiệp định này.

4. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ có hiệu lực trong thời gian 12 tháng kể từ ngày được phát hành và phải được nộp cho cơ quan hải quan bên nhập khẩu trong thời gian này nhưng không chậm hơn thời điểm nộp tờ khai hải quan nhập khẩu, ngoại trừ các trường hợp được nêu tại Khoản 2 của Điều 4.20 của Hiệp định này.

5. Khi cơ quan hải quan trung ương và cơ quan được ủy quyền của các Bên đã xây dựng và áp dụng Hệ thống xác minh và chứng nhận xuất xứ điện tử (sau đây viết tắt là EOCVS), theo Điều 4.29 của Hiệp định này, cơ quan hải quan của bên nhập khẩu theo pháp luật và quy định của từng bên có thể không yêu cầu nộp bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ nếu tờ khai hải quan được nộp qua hình thức điện tử. Trong trường hợp này, ngày và số của Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ được ghi trong tờ khai hải quan. Khi cơ quan hải quan bên nhập khẩu có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa đã được hưởng ưu đãi và (hoặc) có sự khác biệt thông tin được xác định trên EOCVS, cơ quan hải quan của bên nhập khẩu có thể yêu cầu nộp Giấy chứng nhận xuất xứ bản giấy.

ĐIỀU 4.17. Trường hợp miễn nộp Giấy chứng nhận xuất xứ

Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ không phải nộp để hưởng ưu đãi thuế quan đối với việc nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ thương mại và phi thương mại nếu trị giá hải quan không quá hai trăm Đô la Mỹ (200USD) hoặc trị giá tiền tệ tương đương của bên nhập khẩu hoặc cao hơn do bên nhập khẩu thiết lập, với điều kiện việc nhập khẩu không phải là một phần của một hay nhiều lô hàng có thể được coi là thực hiện hoặc sắp xếp với mục đích tránh nộp Giấy chứng nhận xuất xứ.

Điều 4.18. Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ

1. Người sản xuất, người xuất khẩu hàng hóa hoặc đại diện được ủy quyền của họ sẽ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ tại cơ quan được ủy quyền bằng hình thức văn bản hoặc điện tử nếu áp dụng.

2. Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ được cơ quan được ủy quyền cấp cho người sản xuất, người xuất khẩu của bên xuất khẩu hoặc đại diện được ủy quyền của họ trước hoặc tại thời điểm xuất khẩu khi hàng hóa xuất khẩu có thể được coi là có xuất xứ tại một bên theo quy định của Chương này.

3. Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ bao gồm hàng hóa trong một lô hàng.

4. Mỗi Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ có số tham chiếu riêng của cơ quan có thẩm quyền.

5. Nếu tất cả hàng hóa trong Giấy chứng nhận xuất xứ không thể liệt kê trong một mặt giấy, tờ khai bổ sung theo Phụ lục 5 của Hiệp định sẽ được áp dụng.

6. Giấy chứng nhận xuất xứ (Mẫu EAV) sẽ gồm 1 bản chính và 2 bản sao.

7. Một bản sao sẽ được lưu tại cơ quan được ủy quyền của bên xuất khẩu. Bản sao còn lại sẽ được lưu bởi người xuất khẩu.

8. Không trái với Khoản 4 Điều 4.16 của Hiệp định này, trong trường hợp ngoại lệ, nếu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Mẫu EAV) không được phát hành trước hoặc tại thời điểm xuất khẩu, Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ được cấp sau và phải đánh dấu “ISSUED RETROACTIVELY”.

9. Bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ được lưu tại cơ quan hải quan của bên nhập khẩu, ngoại trừ các trường hợp được quy định theo pháp luật và quy định của mỗi Bên.

Điều 4.19. Khác biệt nhỏ

1. Khi không có nghi ngờ về xuất xứ của hàng hóa, các khác biệt nhỏ giữa thông tin trên Giấy chứng nhận xuất xứ và các chứng từ nộp cho cơ quan hải quan của bên nhập khẩu sẽ không làm mất hiệu lực của Giấy chứng nhận xuất xứ, nếu các thông tin trên thực tế tương ứng với hàng hóa được nộp.

2. Trong trường hợp có nhiều hàng hóa được khai trên cùng Giấy chứng nhận xuất xứ, vướng mắc với một trong các hàng hóa được liệt kê sẽ không ảnh hưởng hoặc làm chậm việc hưởng ưu đãi thuế quan của các hàng hóa còn lại trên Giấy chứng nhận xuất xứ.

Điều 4.20. Các trường hợp đặc biệt cấp Giấy chứng nhận xuất xứ

1. Trong trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ bị mất cắp, thất lạc hoặc hư hỏng, người sản xuất, người xuất khẩu hoặc đại diện được ủy quyền của họ có thể đề nghị cấp bản sao chứng thực của bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ tại cơ quan được ủy quyền và nêu rõ lý do. Bản sao sẽ được cấp trên cơ sở Giấy chứng nhận xuất xứ đã cấp và các chứng từ kèm theo. Bản sao chứng thực sẽ ghi rõ cụm từ “DUPPLICATE OF THE CERTIFICATE OF ORIGIN NUMBER __DATE__ ”. Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ có hiệu lực không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ.

2. Nếu do lỗi hoặc sai sót vô tình trên bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ quan được ủy quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ thay thế cho bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ. Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ phải ghi rõ cụm từ “ISSUED IN SUBSTITUTION FOR THE CERTIFICATE OF ORIGIN NUMBER  DATE  ”. Giấy chứng nhận xuất xứ cấp thay thế này sẽ có hiệu lực không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ.

Điều 4.21. Sửa đổi Giấy chứng nhận xuất xứ

Không được phép tẩy xóa hoặc viết thêm lên Giấy chứng nhận xuất xứ. Mọi sửa đổi phải được thực hiện bằng việc gạch bỏ những chỗ sai và bổ sung những thông tin cần thiết. Những thay đổi này phải được chấp nhận bởi người được ủy quyền ký Giấy chứng nhận xuất xứ và được chứng thực bởi con dấu của cơ quan được ủy quyền thích hợp.

Điều 21. Yêu cầu về lưu trữ hồ sơ

1. Người sản xuất và (hoặc) người xuất khẩu đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ phải LƯU tất cả hồ sơ và bản so chứng từ nộp cho cơ quan được ủy quyền tối thiểu 3 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.

2. Người nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan phải giữ bản sao Giấy chứng nhận xuất xứ, dựa theo ngày được hưởng ưu đãi thuế quan, trong thời gian tối thiểu 3 năm.

3. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và tất cả các chứng từ có liên quan phải được lưu tại cơ quan được ủy quyền tối thiểu 3 năm kể từ ngày cấp.

PHẦN III. HƯỞNG ƯU ĐÃI THUẾ QUAN

Điều 4.23. Hưởng ưu đãi thuế quan

1. Hàng hóa có xuất xứ sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định nếu đáp ứng các quy định của Chương này.

2. Cơ quan Hải quan bên nhập khẩu sẽ cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa có xuất xứ của một bên khác với điều kiện:

a) Hàng hóa nhập khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo Điều 4.3 của Hiệp định;

b) Người khai báo chứng minh được việc tuân thủ các quy định của Chương này;

c) Giấy chứng nhận xuất xứ bản gốc còn hiệu lực và được điền đầy đủ theo quy định của Phần II [Chứng từ chứng minh xuất xứ] của Chương này phải được nộp cho cơ quan hải quan của bên nhập khẩu. Giấy chứng nhận xuất xứ có thể không cần phải nộp bản gốc nếu các Bên đã áp dụng EOCVS theo quy định tại Khoản 5 Điều 4.16.

3. Không trái với Khoản 2, khi cơ quan Hải quan bên nhập khẩu có lý do thích đáng về xuất xứ của hàng hóa đề nghị được hưởng ưu đãi và (hoặc) tính chính xác của Giấy chứng nhận xuất xứ được nộp, cơ quan Hải quan bên nhập khẩu có thể từ chối hoặc tạm thời không cho hưởng ưu đãi thuế quan cho hàng hóa đó. Tuy nhiên, hàng hóa có thể được giải phóng theo pháp luật và quy định của từng bên.

Điều 4.24. Từ chối cho hưởng ưu đãi

1. Trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng các quy định của Chương này hoặc khi người nhập khẩu hoặc xuất khẩu không tuân thủ các quy định của chương này, cơ quan Hải quan của bên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi và truy thu thuế hải quan theo pháp luật và quy định của từng Bên.

2. Cơ quan Hải quan của bên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan nếu:

a) Hàng hóa không đáp ứng các quy định của chương để được coi là có xuất xứ của bên xuất khẩu; và (hoặc)

b) Không đáp ứng các quy định khác của chương, bao gồm:

i. Yêu cầu theo Điều 4.9 của Hiệp định;

ii. Yêu cầu theo Điều 4.10 của Hiệp định;

iii. Nộp Giấy chứng nhận xuất xứ không được khai báo đầy đủ thông tin theo Phụ lục 5 của Hiệp định;

c) Thực hiện các quy trình xác minh theo Điều [Xác minh xuất xứ] và Điều [Xác minh thực tế] không thể xác định được xuất xứ của hàng hóa hoặc thể hiện không thống nhất với tiêu chí xuất xứ.

d) Cơ quan Xác minh của bên xuất khẩu xác nhận rằng Giấy chứng nhận xuất xứ không được cấp (ví dụ: làm giả) hoặc đã bị hủy bỏ (thu hồi);

e) Cơ quan hải quan của nước nhập khẩu không nhận được trả lời trong thời hạn tối đa 6 tháng sau ngày gửi đề nghị xác minh cho cơ quan xác minh của bên xuất khẩu, hoặc nếu nội dung trả lời không đủ thông tin để kết luận hàng hóa có xuất xứ của một bên.

f) Cơ quan Hải quan của bên nhập khẩu trong vòng 60 ngày kể từ ngày gửi thông báo, theo Khoản 2 của Điều 4.31 của Hiệp định này, không nhận được văn bản chấp thuận của cơ quan xác minh, theo Khoản 5 của Điều 4.31 của Hiệp định này, để thực hiện xác minh thực tế hoặc nhận được từ chối thực hiện xác minh thực tế này.

3. Khi bên nhập khẩu xác định qua quy trình xác minh rằng người xuất khẩu hoặc người sản xuất đã tham gia vào việc cung cấp thông tin sai hoặc không đầy đủ để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ quan Hải quan của bên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi với những hàng hóa giống hết trong Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp cho người sản xuất hoặc người xuất khẩu theo các luật và quy định của từng Bên.

4. Trong trường hợp được quy định tại Điểm b Khoản 2 của Điều này và Khoản 1 của Điều 4.25 của Hiệp định, cơ quan hải quan của bên nhập khẩu không cần phải thực hiện yêu cầu xác minh theo quy định tại Điều 4.30 của Hiệp định, cho cơ quan được ủy quyền để quyết định từ chối cho hưởng ưu đãi.

Điều 4.25. Tạm ngừng ưu đãi thuế quan

1. Khi một Bên xác định

a) Gian lận có tính hệ thống để được hưởng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định đối với hàng hóa xuất khẩu hoặc được sản xuất bởi một người của Bên còn lại; hoặc

b) Bên còn lại từ chối không chính đáng và mang tính hệ thống để thực hiện các nghĩa vụ theo Điều 4.30 và 4.31 của Hiệp định, Trong trường hợp ngoại lệ, Bên đó có thể tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định.

2. Tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan theo Khoản 1 Điều này có thể được áp dụng đối với hàng hóa có liên quan đến:

a) Người mà bên nhập khẩu đã kết luận rằng người đó của bên xuất khẩu đã thực hiện những gian lận mang tính hệ thống để được hưởng ưu đãi của Hiệp định;

b) Người có liên quan đến việc đề nghị xác minh và xác minh thực tế theo Điểm b) Khoản 1 của Điều Khoản này.

3. Khi bên nhập khẩu đã kết luận rằng việc ngừng ưu đãi đã áp dụng theo Điểm a) Khoản 2 của Điều này không có đủ để ngăn chặn gian lận mang tính hệ thống để hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định, bên nhập khẩu có thể tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa giống hệt được phân loại theo dòng thuế tương tự ở cấp độ 8-10 số theo phân loại danh mục hàng hóa của từng bên.

4. Theo mục đích của Điều Khoản này:

a) Việc phát hiện gian lận mang tính hệ thống có thể được đưa ra khi một bên kết luận rằng có người của bên còn lại đã cung cấp một cách có hệ thống thông tin sai hoặc không chính xác để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định theo kết quả của cuộc điều tra dựa trên thông tin khách quan, thuyết phục và có thể xác minh.

b) Từ chối có hệ thống và không chính đáng thực hiện nghĩa vụ theo Điều 4.30 và/hoặc 4.31 của Hiệp định này nghĩa là việc từ chối có hệ thống việc xác  minh xuất xứ và/hoặc xác minh thực tế hàng hóa có liên quan theo đề nghị của một bên hoặc không phản hồi đề nghị xác minh và xác minh thực tế.

c) Hàng hóa giống hệt bao gồm hàng hóa giống nhau về mọi mặt bao gồm tính chất vật lý, chất lượng và danh tiếng.

5. Một Bên khi phát hiện lý do theo Khoản 1 hoặc 3 của Điều này sẽ:

a) Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Bên còn lại và cung cấp các thông tin và chứng cứ theo lý do đó;

b) Thực hiện tham vấn với bên còn lại để đạt được giải pháp có thể chấp nhận chung.

6. Nếu các cơ quan có thẩm quyền không đạt được giải pháp có thể chấp nhận chung trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tham vấn theo Điểm b) Khoản 5, bên đưa ra lý do sẽ nêu vấn đề này lên Ủy ban hỗn hợp.

7. Nếu Ủy ban hỗn hợp không giải quyết được vấn đề này trong vòng 60 ngày, bên đưa ra lý do có thể tạm ngừng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định theo quy định tại Khoản 2 và 3 của Điều Khoản này. Khi đưa ra quyết định tạm ngừng, bên quyết định sẽ thông báo cho bên còn lại và Ủy ban hỗn hợp. Việc tạm ngừng ưu đãi sẽ không áp dụng đối với các hàng hóa đã được xuất khẩu kể từ ngày việc tạm ngừng ưu đãi có hiệu lực. Ngày của các lô hàng xuất khẩu sẽ là ngày chứng từ vận tải được phát hành.

8. Tạm ngừng cho hưởng ưu đãi theo Hiệp định có thể được áp dụng đến khi bên xuất khẩu cung cấp các chứng từ thuyết phục về khả năng tuân thủ các quy định của chương này và đảm bảo người xuất khẩu, người sản xuất hàng hóa sẽ đáp ứng tất cả các quy định của Chương này, nhưng thời hạn không quá thời gian 4 tháng và có thể được gia hạn tối đa 3 tháng.

9. Mọi quyết định tạm ngừng và gia hạn tạm ngừng theo Điều Khoản này sẽ được tham vấn định kỳ giữa các Bên để giải quyết vấn đề.

PHẦN IV. HỢP TÁC HÀNH CHÍNH

Điều 4.26. Ngôn ngữ hợp tác hành chính

Mọi thông báo hoặc liên hệ theo phần này sẽ được thực hiện giữa các Bên thông qua các cơ quan liên quan bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Điều 4.27. Cơ quan được ủy quyền và Cơ quan Xác minh

Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Chính phủ của các Bên sẽ chỉ định và giữ nguyên Cơ quan được ủy quyền và Cơ quan xác minh.

Điều 4.28. Thông báo

1. Trước khi cơ quan được ủy quyền cấp bất kỳ Giấy chứng nhận xuất xứ nào theo Hiệp định, các Bên sẽ cung cấp thông qua Bộ Công Thương của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban kinh tế Á Âu tên, địa chỉ của từng cơ quan được ủy quyền và cơ quan xác minh, kèm theo mẫu con dấu chính thức và rõ ràng của các cơ quan này, mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ và các đặc điểm bảo mật của Giấy chứng nhận xuất xứ.

2. Việt Nam cung cấp cho Ủy ban Kinh tế Á Âu các thông tin gốc theo Khoản 1 bằng 6 bản. Ủy ban Kinh tế Á Âu có thể đề nghị Việt Nam cung cấp bổ sung của các thông tin này.

3. Việt Nam và Ủy ban kinh tế Á Âu sẽ công khai thông tin về tên và địa chỉ của các cơ quan được ủy quyền và cơ quan xác minh trên Internet của từng bên.

4. Mọi thay đổi về thông tin theo quy định ở trên sẽ được cung cấp trước qua các cơ quan theo Khoản 1 và theo cùng cách thức.

Điều 4. 29. Phát triển và áp dụng Hệ thống Xác minh và chứng nhận xuất xứ điện tử

1. Các bên sẽ nỗ lực để áp dụng EOCVS trong vòng tối đa 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

2. Mục tiêu của EOCVS là việc xây dựng cơ sở dữ liệu mạng ghi lại thông tin của tất cả Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp bởi cơ quan được ủy quyền và cơ quan hải quan nước nhập khẩu có thể truy cập và kiểm tra tính hiệu lực và nội dung của bất kỳ Giấy chứng nhận xuất xứ đã được cấp nào.

3. Theo mục đích này, các Bên sẽ thành lập nhóm làm việc để xây dựng và áp dụng EOCVS.

Điều 4.30. Xác minh Xuất xứ

1. Khi Cơ quan Hải quan của bên nhập khẩu có nghi ngờ hợp lý về tính chính xác của Giấy chứng nhận xuất xứ và (hoặc) sự tuân thủ của hàng hóa theo các tiêu chí xuất xứ trên C/O, theo Điều 4.3 của Hiệp định, và trong trường hợp kiểm tra ngẫu nhiên, họ có thể gửi đề nghị cho cơ quan xác minh hoặc cơ quan được ủy quyền của bên xuất khẩu để xác nhận tính chính xác của Giấy chứng nhận xuất xứ và (hoặc) sự tuân thủ theo tiêu chí xuất xứ của hàng hóa và (hoặc) cung cấp các chứng từ chứng minh từ người xuất khẩu và (hoặc) người sản xuất hàng hóa nếu được yêu cầu.

2. Tất cả đề nghị xác minh sẽ được kèm theo thông tin đầy đủ để xác định hàng hóa có liên quan. Đề nghị đối với cơ quan xác minh của bên xuất khẩu sẽ kèm theo bản sao Giấy chứng nhận xuất xứ và ghi rõ trường hợp và lý do xác minh.

3. Người nhận được đề nghị theo Khoản 1 Điều này sẽ trả lời cơ quan hải quan đề nghị của bên nhập khẩu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày đề nghị xác minh.

4. Khi trả lời đề nghị theo Khoản 1, cơ quan xác minh của bên xuất khẩu sẽ thể hiện rõ Giấy chứng nhận xuất xứ là chính xác và (hoặc) hàng hóa có thể được coi là có xuất xứ tại một bên bao gồm cung cấp các chứng từ được yêu cầu từ người xuất khẩu và (hoặc) người sản xuất. Trước khi trả lời đề nghị xác minh, Khoản 3 của Điều 4.23 của Hiệp định sẽ có thể được áp dụng. Thuế hải quan đã nộp sẽ được hoàn lại nếu kết quả quá trình xác minh xác nhận và thể hiện rõ ràng rằng hàng hóa đủ Điều kiện xuất xứ và đáp ứng các yêu cầu khác của chương.

Điều 4.31. Xác minh thực tế

1. Nếu cơ quan hải quan của bên nhập khẩu không thỏa mãn với kết quả xác minh theo Điều 4.30 của Hiệp định, trong trường hợp ngoại lệ, cơ quan hải quan bên nhập khẩu có thể đề nghị xác minh thực tế tại bên xuất khẩu để xem xét hồ sơ theo Điều 4.22 của Hiệp định và quan sát các thiết bị được sử dụng để sản xuất hàng hóa.

2. Trước khi thực hiện xác minh thực tế theo Khoản 1, cơ quan hải quan bên nhập khẩu sẽ gửi thông báo đề nghị xác minh thực tế bằng văn bản cho cơ quan xác minh của bên còn lại thông báo địa điểm thực hiện xác minh thực tế.

3. Thông báo bằng văn bản theo Khoản 2 Điều này sẽ bao gồm đầy đủ các thông tin sau:

a) Tên của cơ quan hải quan của bên gửi thông báo;

b) Tên của người sản xuất và/hoặc người xuất khẩu nơi đến xác minh;

c) Ngày dự kiến xác minh thực tế;

d) Phạm vi xác minh thực tế, bao gồm cả dẫn chiếu đến hàng hóa xác minh và các nghi ngờ về xuất xứ;

e) Tên và chỉ định cán bộ thực hiện xác minh thực tế.

4. Cơ quan xác minh sẽ gửi đề nghị xác minh cho người sản xuất và/hoặc người xuất khẩu nơi đến xác minh và gửi bên đề nghị thư chấp thuận bằng văn bản trong vòng 60 ngày kể từ ngày gửi thông báo theo Khoản 2 của Điều Khoản.

5. Trong trường hợp văn bản chấp thuận của cơ quan xác minh không được nhận trong vòng 60 ngày kể từ ngà y gửi thông báo theo Khoản 2 của Điều này, hoặc bên thông báo bị từ chối thực hiện xác minh thực tế, bên thông báo sẽ từ chối ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa theo Giấy chứng nhận xuất xứ được tiến hành xác minh.

6. Mọi xác minh thực tế phải được tiến hành trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý và kết thúc trong một thời gian hợp lý.

7. Cơ quan thực hiện xác minh phải, trong thời gian tối đa 90 ngày kể từ ngày đầu tiên thực hiện xác minh thực tế, cung cấp cho người sản xuất và/hoặc người xuất khẩu có hàng hóa và cơ sở được tiến hành xác minh, và cơ quan xác minh của bên xuất khẩu kết quả xác minh thực tế bằng văn bản.

8. Xác minh thực tế bao gồm đi thực tế và xác định xuất xứ của hàng hóa có liên quan sẽ được thực hiện và gửi kết quả cho cơ quan xác minh trong vòng tối đa 210 ngày. Trước khi có kết quả việc xác minh thực tế, Khoản 3 Điều 4.23 sẽ được áp dụng.

9. Mọi ưu đãi thuế quan đã bị dừng hoặc bị từ chối sẽ được hoàn lại theo văn bản xác nhận rằng hàng hóa đủ điều kiện có xuất xứ và đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo Hiệp định.

10. Nhóm xác minh phải được hình thành bởi cơ quan hải quan trung ương của bên nhập khẩu theo pháp luật và quy định từng bên.

11. Cơ quan xác minh hay cơ quan được ủy quyền của bên xuất khẩu sẽ hỗ trợ khi cơ quan hải quan bên nhập khẩu thực hiện xác minh thực tế.

12. Người sản xuất và người xuất khẩu đã đồng ý thực hiện xác minh thực tế sẽ hỗ trợ trong việc thực hiện, tiếp cận cơ sở, tài chính (kế toán) và các chứng từ sản xuất liên quan đến xác minh thực tế và cung cấp thông tin bổ sung nếu được yêu cầu.

13. Nếu có những trở ngại bởi cơ quan hoặc tổ chức của Bên được điều tra trong quá trình xác minh thực thể, mà gây ra việc không thể thực hiện xác minh thực tế, bên nhập khẩu có quyền từ chối cho hưởng ưu đãi đối với hàng hóa liên quan.

14. Tất cả chi phí liên quan đến việc xác minh thực tế sẽ do bên nhập khẩu chịu.

Điều 4.32. Bảo mật thông tin

Tất cả thông tin cung cấp theo Chương này sẽ được các Bên đối xử theo chế độ mật theo pháp luật và quy định của từng bên. Các thông tin này sẽ không được tiết lộ nếu không có sự cho phép của cá nhân hoặc cơ quan cung cấp thông tin của một bên.

Điều 4.33. Hình phạt hoặc các biện pháp khác đối với hành vi gian lận

Mỗi bên sẽ cung cấp các biện pháp xử phạt hành chính hoặc hình sự đối với hành vi vi phạm theo pháp luật và quy định của từng bên liên quan đến Chương này.

Điều 4.34. Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ

1. Để thực hiện và áp dụng Chương này một cách hiệu quả, Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ (sau đây gọi là “Tiểu ban ROO”) sẽ được thành lập.

2. Tiểu ban ROO sẽ có các chức năng sau:

a) Rà soát và kiến nghị phù hợp lên Ủy ban hỗn hợp và Ủy ban hàng hóa về:

i) Chuyển đổi Phụ lục 3 của Hiệp định theo phân loại danh mục HS sửa đổi sau sửa đổi định kỳ của HS. Chuyển đổi này sẽ được thực hiện mà không làm ảnh hưởng đến các cam kết hiện tại và sẽ được hoàn thành kịp thời.

ii) Thực hiện và áp dụng Chương này, bao gồm các đề xuất để thiết lập các thỏa thuận về thực thi.

iii) Không thực hiện nghĩa vụ của các Bên tham gia, như được xác định trong Phần này;

iv) Sửa đổi kỹ thuật của Chương;

v) Sửa đổi Phụ lục 3 của Hiệp định;

vi) Các tranh chấp phát sinh giữa các Bên trong quá trình thực thi Hiệp định.

vii) Bất kỳ sửa đổi nào đối với quy định của Chương và các Phụ lục 3,4,5 của Hiệp định.

b) Xem xét bất kỳ vấn đề nào của một bên đưa ra liên quan đến Chương này;

c) Báo cáo kết quả Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ lên Ủy ban về Thương mại hàng hóa;

d) Thực hiện các chức năng khác theo ủy quyền của Ủy ban hỗn hợp theo Điều 1.5 của Hiệp định.

3. Tiểu ban ROO sẽ bao gồm đại diện của các Bên, và có thể mời đại diện của các đơn vị khác của các Bên có vấn đề chuyên môn cần thiết để thảo luận theo thỏa thuận chung giữa các Bên.

4. Tiểu ban ROO sẽ họp vào thời gian và địa điểm theo thống nhất của các Bên nhưng không ít hơn 1 năm 1 lần.

5. Một Chương trình tạm thời cho mỗi cuộc họp phải được gửi cho các Bên không muộn hơn 1 tháng trước phiên họp, theo một quy tắc thống nhất.

PHẦN V. QUY ĐỊNH CHUYỂN ĐỔI

Điều 4.35. Hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu trữ

Hàng hóa có xuất xứ đang trong quá trình vận chuyển từ bên xuất khẩu đến bên nhập khẩu, hoặc đang được lưu kho tạm thời trong khu vực phi thuế quan của bên nhập khẩu sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan nếu hàng hóa này được nhập khẩu vào bên nhập khẩu vào ngày hoặc sau ngày có hiệu lực của hiệp định này, với điều kiện phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp sau cho cơ quan Hải quan nước thành viên nhập khẩu và theo quy định pháp luật hoặc thủ tục hành chính của bên nhập khẩu

Chương 5

QUẢN LÝ HẢI QUAN VÀ TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI

Điều 5.1. Phạm vi

Chương này áp dụng đối với các biện pháp quản lý hành chính hải quan, việc thực hiện các hoạt động hải quan cần thiết cho hoạt động thông quan hàng hóa giao dịch giữa các Bên, nhằm thúc đẩy:

a) minh bạch các quy trình và thủ tục hải quan;

b) tạo thuận lợi thương mại và hài hòa hóa các hoạt động hải quan;

c) hợp tác hải quan bao gồm cả trao đổi thông tin giữa các Cơ quan Hải quan Trung ương của các Bên.

Điều 5.2. Định nghĩa

Vì mục đích của Chương này, các định nghĩa dưới đây được hiểu như sau:

a) «quản lý hải quan» có nghĩa là các hoạt động tổ chức và quản lý của Cơ quan Hải quan của mỗi Bên, cũng như các hoạt động thực hiện trong khuôn khổ pháp lý khi thực thi các mục tiêu trong lĩnh vực hải quan;

b) «luật và quy định hải quan» có nghĩa là bất kỳ Điều luật và quy định pháp lý thực thi bởi Cơ quan Hải quan các Bên bao gồm luật, quyết định, nghị định, pháp lệnh, quy tắc, nguyên tắc và quy định khác;

c) «hàng chuyển phát nhanh» có nghĩa là hàng hóa vận chuyển thông qua hệ thống giao thông tốc độ cao dưới bất kể hình thức vận chuyển nào, sử dụng hệ thống quản lý thông tin điện tử và theo dõi việc di chuyển của hàng hóa để vận chuyển hàng hóa đến người nhận theo một hóa đơn riêng lẻ trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể, hoặc một thời gian cố định, trừ hàng hóa gửi qua bưu điện quốc tế;

d) «gia công sản xuất trong nước» có nghĩa là thủ tục hải quan khi hàng hóa nước ngoài có thể được đưa vào lãnh thổ hải quan một Bên với điều kiện miễn nộp thuế hải quan, các khoản thuế khác và hàng hóa đó phải được gia công hoặc sửa chữa để khi hoàn thành hàng hóa đó phải được xuất ra khỏi lãnh thổ hải quan một Bên trong một khỏang thời gian nhất định;

e) «gia công sản xuất ở nước ngoài» có nghĩa là thủ tục hải quan khi hàng hóa trong nước, đang được lưu thông tự do trong lãnh thổ hải quan một Bên, có thể được tạm xuất khẩu để chế biến ở nước ngoài và sau đó lại tái nhập khẩu và được miễn toàn bộ thuế hải quan, các khoản thuế khác;

f) « tạm nhập» có nghĩa là thủ tục hải quan khi hàng hóa nước ngoài có thể được đưa vào lãnh thổ hải quan của một Bên với điều kiện miễn hoàn toàn hoặc một phần việc nộp thuế hải quan, các thuế khác. Hàng hóa đó phải được tái xuất khẩu trong một khoảng thời gian cụ thể theo quy định của pháp luật hải quan Bên đó;

Điều 5.3. Tạo thuận lợi cho các Biện pháp Quản lý hải quan

1. Mỗi Bên phải bảo đảm rằng, các biện pháp quản lý hải quan được cơ quan hải quan của mình áp dụng phải dự đoán được, nhất quán và minh bạch.

2. Nếu có thể và trong phạm vi cho phép của pháp luật hải quan của mình, các biện pháp quản lý hải quan của mỗi Bên, phải dựa trên cơ sở các chuẩn mực và thông lệ được khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới.

3. Các cơ quan Hải quan Trung ương của mỗi Bên phải nỗ lực rà soát các biện pháp quản lý hải quan với mục đích đơn giản hóa để tạo thuận lợi thương mại.

Điều 5.4. Giải phóng hàng

1. Mỗi Bên phải áp dụng hoặc duy trì việc thực hiện các thủ tục và nghiệp vụ hải quan sao cho giải phóng hàng hóa hiệu quả nhằm tạo thuận lợi thương mại giữa các Bên. Khoản này không yêu cầu một Bên giải phóng hàng khi các yêu cầu về giải phóng hàng chưa được đáp ứng.

2. Theo Khoản 1 của Điều này, mỗi Bên phải:

(a) cho phép giải phóng hàng trong khỏang thời gian không quá bốn mươi tám (48) giờ từ khi đăng ký tờ khai hải quan ngoại trừ các trường hợp quy định khác trong luật pháp hải quan của các Bên;

(b) nỗ lực áp dụng hoặc duy trì việc nộp và xử lý thông tin hải quan theo hình thức điện tử trước khi hàng đến để đẩy nhanh việc giải phóng hàng khi hàng đến.

Điều 5.5. Quản lý rủi ro

Cơ quan Hải quan của các Bên phải áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo hình thức đánh giá rủi ro có hệ thống nhằm tập trung kiểm tra đối với hàng hóa có rủi ro cao và đơn giản hóa việc thực hiện các nghiệp vụ hải quan đối với hàng hóa có rủi ro thấp.

Điều 5.6. Hợp tác hải quan

1. Với mong muốn tạo thuận lợi cho việc thực hiện có hiệu quả Hiệp định này, cơ quan hải quan trung ương của các Bên sẽ nổ lực hợp tác với nhau về các lĩnh vực hải quan chính có ảnh hưởng đến thương mại giữa hai Bên.

2. Trường hợp theo quy định của luật pháp tương ứng của mình mà cơ quan hải quan trung ương của một Bên có một nghi ngờ hợp lý về hoạt động bất hợp pháp, cơ quan hải quan trung ương đó có thể yêu cầu cơ quan trung ương của Bên kia cung cấp thông tin nghiệp vụ bảo mật vẫn thường được thu thập liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa.

3. Yêu cầu của một Bên theo Khoản 2 của Điều này phải được làm thành văn bản, trong đó đưa ra mục đích yêu cầu thông tin, và phải được gửi kèm các thông tin đầy đủ để xác định rõ hàng hóa có liên quan.

4. Bên được yêu cầu cung cấp thông tin theo Khoản 2 của Điều này phải, cung cấp một văn bản trả lời có các thông tin được yêu cầu.

5. Cơ quan việc tuân thủ luật pháp và các quy định điều chỉnh về hoạt động bất kể các thông tin nào cho cơ quan hải quan trung ương tuân thược yêu cầu phải nỗ lực cung cấp bất kể các thônịnh liệu hàng hóa nhập khẩu từ hoặc xuất khẩu ra Bên yêu cầu là tuân thủ với pháp luật tương ứng của Bên đó.

6. Các cơ quan hải quan trung ương của các Bên phải nỗ lực thành lập và duy trì các kênh trao đổi thông tin phục vụ cho hợp tác hải quan, bao gồm thành lập các đầu mối liên hệ để đảm bảo việc trao đổi thông tin nhanh chóng và an toàn đồng thời tăng cường hợp tác về các vấn hải quan.

Điều 5.7. Trao đổi thông tin

1. Nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghiệp vụ hải quan, nhằm thúc đẩy giải phóng hàng hóa và ngăn chặn các vi phạm pháp luật hải quan, cơ quan hải quan trung ương của các Bên sẽ xây dựng và tiến hành trao đổi thông tin điện tử một cách thường xuyên với nhau (sau đây gọi là “trao đổi thông tin điện tử”) trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

2. Thay mặt cho Liên minh kinh tế Á – Âu, Ủy ban kinh tế Á-Âu sẽ phối hợp trong việc thành lập và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động trao đổi thông tin điện tử.

3. Theo mục đích của Điều này, “thông tin” có nghĩa là các dữ liệu chính xác hoặc có liên quan từ tờ khai hải quan và các chứng từ vận tải.

4. Trong vòng 1 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, cơ quan hải quan trung ương của các Quốc gia Thành viên của Liên minh kinh tế Á – Âu với sự trợ giúp của Ủy ban kinh tế Á – Âu và cơ quan hải quan trung ương của Việt Nam sẽ cùng tham vấn nhằm tiến hành trao đổi thông tin điện tử theo quy định tải Khoản 6 của Điều này .

5. Tất cả các yêu cầu và quy định cụ thể nhằm tiến hành trao đổi thông tin điện tử cũng như là các nội dung thông tin cụ thể được trao đổi phải được quy định tại các nghị định thư riêng biệt giữa các cơ quan hải quan trung ương của các Bên. Các thông tin đó phải phù hợp để xác định được các hàng hóa đã vận chuyển và việc tiến hành các hoạt động kiểm soát hải quan có hiệu quả.

6. Việc thực hiện trao đổi thông tin điện tử sẽ tiến hành theo các lộ trình sau:

a) Không muộn hơn 2 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, cơ quan có liên quan sẽ tiến hành trao đổi thông tin điện tử thử nghiệm giữa các bộ phận hải quan riêng lẻ của các Bên phụ trách về giải phóng hải quan của hàng hóa cụ thể nào đó được giao dịch giữa các Bên. Các cơ quan hải quan trung ương của các Bên sẽ quyết định việc chỉ định bộ phận hải quan riêng lẻ và hàng hóa cụ thể trong một nghị định thư theo Khoản 5 của Điều này.

b) Không muộn hơn 3 năm từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, trao đổi thông tin điện tử phải bao gồm các hàng hóa mà luồng thương mại giữa các Bên sẽ tăng hơn 20% kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực

c) Không muộn hơn 5 năm từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, cơ quan hải quan trung ương của các Bên sẽ tiến hành áp dụng trao đổi thông tin điện tử bao gồm toàn bộ hàng hóa giao dịch giữa các Bên cho tất cả các bộ phận hải quan có liên quan.

7. Bất kỳ thông tin nào trao đổi theo các quy định của Điều này phải được coi là mật và chỉ được sử dụng cho các mục đích hải quan.

8. Hoạt động trao đổi thông tin điện tử sẽ không ngăn cản việc áp dụng hoặc tiến hành trao đổi thông tin trên cơ sở các nghĩa vụ quốc tế của các Bên.

Điều 5.8. Công khai

1. Các cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên sẽ phải công bố công khai, trên mạng hoặc thông qua các phương tiện truyền thông thích hợp khác, tất cả các thông tin liên quan đến pháp luật hải quan của mình.

2. Các cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên phải chỉ định hoặc duy trì một hoặc nhiều đầu mối để xử lý các yêu cầu từ những người quan tâm về đến các vấn đề hải quan, và phải công bố công khai thông tin trên mạng về các đầu mối đó.

3. Các cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên sẽ chuyển cho nhau thông tin liên lạc của các đầu mối đã được chỉ định.

4. Mỗi Bên phải, ở mức có thể, công khai bất kể các quy định pháp lý áp dụng chung nào liên quan đến các vấn đề hải quan mà mình dự kiến áp dụng và phải  cung cấp cho các cá nhân có quan tâm cơ hội tham gia góp ý trước khi áp dụng các quy định pháp lý đó.

Điều 5.9. Xác định trước

1. Cơ quan Hải quan của các Bên phải ban hành văn bản xác định trước cho bất kỳ người nộp đơn nào đã đăng ký tại Bên nhập khẩu về phân loại thuế quan, xuất xứ hàng hóa và các vấn đề khác mà mỗi Bên nhận thấy rằng phù hợp để ban hành văn bản xác định trước. Các Bên sẽ cố gắng áp dụng và duy trì việc ban hành văn bản xác định trước liên quan đến việc áp dụng phương pháp để xác định trị giá hải quan.

2. Mỗi Bên phải quy định hoặc duy trì các thủ tục về xác định trước, bao gồm:

a) quy định rằng người nộp đơn có thể xin được cấp xác định trước trước khi nhập khẩu hàng hóa;

b) yêu cầu người nộp đơn xin được cấp xác định trước phải cung cấp một bản mô tả chi tiết hàng hóa và tất cả các thông tin liên quan cần thiết để ban hành văn bản xác định trước;

c) quy định rằng cơ quan hải quan có thể, trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày nộp đơn, yêu cầu người nộp đơn cung cấp thông tin bổ sung trong thời hạn quy định;

d) quy định rằng xác định trước phải dựa trên các dữ liệu thực tế và tình huống được xuất trình bởi người nộp đơn, và bất cứ thông tin liên quan khác sẵn có cho Cơ quan Hải quan;

e) quy định rằng một xác định trước được ban hành cho người nộp đơn một cách nhanh chóng, hoặc trong vòng chín mươi (90) ngày kể từ ngày nộp đơn hoặc sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được tất cả các thông tin bổ sung cần thiết;

3. Cơ quan Hải quan của một Bên có thể từ chối các yêu cầu đối với việc đưa ra văn bản xác định trước nếu thông tin bổ sung theo yêu cầu của họ theo Điểm (c) tại Khoản 2 của Điều này không được cung cấp trong thời gian quy định.

4. Một văn bản xác định trước có giá trị ít nhất ba (3) năm kể từ ngày ban hành, hoặc trong một thời gian dài hơn quy định đó theo quy định của pháp luật hải quan của các Bên.

5. Cơ quan Hải quan của một Bên có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ một văn bản xác định trước:

a) khi quyết định rằng xác định trước dựa trên thông tin sai lệch, hoặc không chính xác;

b) nếu có sự thay đổi trong pháp luật hải quan phù hợp với Hiệp định này; hoặc

c) nếu có sự thay đổi trong dữ liệu thực tế hoặc các tình huống làm cơ sở cho việc ban hành văn bản xác định trước.

6. Tùy theo các yêu cầu bảo mật, cơ quan hải quan của các Bên phải công khai các văn bản xác định trước.

Điều 5.10. Trị giá hải quan

Trị giá hải quan của hàng hóa giao dịch giữa các Bên phải được xác định theo pháp luật hải quan của các Bên nhập khẩu và phải dựa trên các quy định của Điều VII của Hiệp định GATT năm 1994 và Hiệp định thực hiện Điều VII của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 trong Phụ lục 1 A của Hiệp định WTO.

Điều 5.11. Phân loại thuế quan

Các Bên phải áp dụng danh mục hàng hóa theo phiên bản hiện tại của Hệ thống hài hòa hàng hóa đối với hàng hóa giao dịch giữa các Bên.

Điều 5.12. Quá cảnh hàng hóa

Các Bên có thể công nhận lẫn nhau các công cụ và chứng từ nhận diện được các Bên áp dụng cần thiết cho việc kiểm soát hàng hóa và tầu cũng như các phương tiện quá cảnh.

Điều 5.13. Hàng chuyển phát nhanh

1. Cơ quan hải quan của các Bên phải cho phép thông quan nhanh chóng hàng chuyển phát nhanh trong khi vẫn phải duy trì kiểm soát hải quan thích hợp.

2. Hàng chuyển phát nhanh phải được áp dụng các thủ tục hải quan một cách nhanh chóng phù hợp với pháp luật hải quan của mỗi Bên.

Điều 5.14. Tạm nhập hàng hóa

Cơ quan hải quan của các Bên phải nỗ lực tạo thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động hải quan đối với thủ tục hải quan cho hàng tạm nhập sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Điều 5.15. Gia công sản xuất trong nước và nước ngoài

Cơ quan hải quan các Bên phải nỗ lực tạo thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động hải quan đối với việc tạm nhập và tạm xuất hàng gia công sản xuất trong nước và nước ngoài sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Điều 5.16. Bảo mật

Mọi thông tin được cung cấp theo Chương này, không bao gồm số liệu thống kê, phải được các Bên xử lý như thông tin mật theo quy định của pháp luật các Bên. Thông tin sẽ không được tiết lộ bởi các cơ quan có thẩm quyền của các Bên nếu không có sự cho phép của cá nhân hoặc cơ quan cung cấp các thông tin đó.

Điều 5.17. Đại lý hải quan (đại diện)

Pháp luật hải quan của mỗi Bên phải cho phép người khai hải quan nộp tờ khai hải quan mà không cần yêu cầu bắt buộc sử dụng các dịch vụ của đại lý (đại diện) hải quan.

Điều 5.18. Tự động hóa

1. Cơ quan hải quan của các Bên phải đảm bảo rằng hoạt động hải quan có thể được thực hiện với việc sử dụng các hệ thống thông tin và công nghệ thông tin, bao gồm các hệ thống dựa trên các phương tiện thông tin liên lạc điện tử.

2. Cơ quan hải quan của các Bên phải cung cấp cho người khai hải quan cơ hội kê khai hàng hóa bằng mẫu đơn điện tử.

Điều 5.19. Rà soát và khiếu nại

Mỗi Bên phải đảm bảo khả năng về rà soát xử lý hành chính của một quyết định hải quan có ảnh hưởng đến quyền lợi của người có liên quan, và khiếu nại tư pháp đối với quyết định đó theo quy định của pháp luật mỗi Bên.

Điều 5.20. Xử phạt

Mỗi Bên phải áp dụng hoặc duy trì các biện pháp cho phép áp dụng các khoản phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình nhập khẩu và xuất khẩu, bao gồm các quy định về áp mã, trị giá hải quan, xác định nước xuất xứ và được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này.

Chương 6

HÀNG RÀO KỸ THUẬT ĐỐI VỚI THƯƠNG MẠI

Điều 6.1. Mục tiêu

Các mục tiêu của Chương này là tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa giữa các Bên bởi:

a) thúc đẩy hợp tác về việc soạn thảo, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp nhằm để loại bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại, giảm thiểu, nếu có thể, các chi phí không cần thiết cho xuất khẩu;

b) thúc đẩy việc hiểu biết lẫn nhau về các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp của mỗi Bên;

c) tăng cường trao đổi thông tin giữa các Bên liên quan đến việc phát triển, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp;

d) tăng cường hợp tác giữa các Bên trong công việc của các tổ chức quốc tế liên quan tới tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp;

e) đưa ra khuôn khổ để thực hiện các mục tiêu này;

f) thúc đẩy hợp tác về các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật đối với thương mại.

Điều 6.2. Phạm vi

1. Chương này áp dụng đối với toàn bộ các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp của các Bên mà nó có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thương mại hàng hóa giữa các Bên, ngoại trừ:

a) các quy định kỹ thuật mua sắm được soạn thảo bởi các cơ quan Chính phủ đối với các yêu cầu sản xuất hoặc tiêu thụ của các cơ quan đó; và

b) các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật như đã được quy định tại Chương “Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật” của Hiệp định này.

2. Phù hợp với Chương này và Hiệp định TBT mỗi Bên có quyền soạn thảo, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp.

Điều 6.3.  Các định nghĩa

Đối với các mục đích của Chương này, các định nghĩa được nêu trong Phụ lục 1 của Hiệp định TBT sẽ được áp dụng, với những sửa đổi phù hợp.

Điều 6.4. Kết hợp với Hiệp định TBT

Trừ trường hợp quy định tại Chương này, Hiệp định TBT sẽ được áp dụng giữa các Bên và nó được đưa vào và là một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.

Điều 6.5. Minh bạch hóa

1. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch liên quan đến việc soạn thảo, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp.

2. Mỗi Bên phải cho phép một khoảng thời gian ít nhất là 60 ngày để góp ý sau khi công bố một thông báo được quy định tại Điều 2.9 và / hoặc 5.6 của Hiệp định TBT, trừ trường hợp mà các vấn đề cấp bách về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường hoặc an ninh quốc gia phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh đối với các Bên.

3. Mỗi Bên phải cho phép ít nhất là 180 ngày, kể từ khi ban hành quy chuẩn kỹ thuật và / hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp đến khi có hiệu lực thi hành của chúng/nó, trừ trường hợp mà các vấn đề cấp bách về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường hoặc an ninh quốc gia phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh đối với các Bên.

4. Các Bên phải cố gắng ở mức tối đa có thể để trao đổi thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Điều 6.6. Ghi dấu và ghi nhãn

Các Bên ghi nhận rằng theo đoạn 1 của Phụ lục 1 của Hiệp định TBT, một quy chuẩn kỹ thuật có thể bao gồm hoặc đề cập riêng với các yêu cầu ghi dấu hoặc ghi nhãn, và đồng ý rằng ở đâu mà quy chuẩn kỹ thuật này có bao gồm ghi dấu hoặc ghi nhãn bắt buộc, họ sẽ tuân thủ theo các nguyên tắc của Điều 2.2 của Hiệp định TBT, rằng các quy chuẩn kỹ thuật không được soạn thảo, ban hành và áp dụng với mục đích, hoặc có tác động, tạo ra những trở ngại không cần thiết cho thương mại quốc tế, và không nên hạn chế thương mại hơn mức cần thiết để hoàn thành một mục tiêu hợp pháp.

Điều 6.7. Tham vấn

1. Trong trường hợp việc áp dụng các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp đang có ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên, một Bên có thể yêu cầu tham vấn nhằm để giải quyết vấn đề này. Một yêu cầu đối với các tham vấn phải được chuyển trực tiếp tới đầu mối liên lạc của Bên kia được thành lập theo Điều 6.9 của Hiệp định này.

2. Mỗi Bên phải nỗ lực xem xét ngay lập tức và có thiện chí đối với bất kỳ yêu cầu nào từ một Bên kia để tham vấn về các vấn đề liên quan tới việc thực hiện Chương này.

3. Một khi có vấn đề được bao hàm theo các Điều Khoản của Chương này không được làm rõ hoặc không được giải quyết theo như kết quả của các tham vấn, các Bên có thể thành lập nhóm công tác đặc biệt với quan điểm để xác định giải pháp thực tiễn và khả thi mà có thể tạo thuận lợi cho thương mại. Nhóm công tác cần phải gồm có các đại diện của các Bên.

4. Khi một Bên từ chối yêu cầu của một Bên kia về việc thiết lập nhóm công tác, theo yêu cầu, Bên từ chối phải giải thích các lý do đối với quyết định của mình.

Điều 6.8. Hợp tác

1. Với các mục đích đảm bảo rằng các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại hàng hóa giữa các Bên, các Bên sẽ phải, nếu có thể, hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp.

2. Việc hợp tác theo Khoản 1 của Điều này có thể bao gồm như sau:

a) tổ chức hội thảo chung nhằm để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp tại mỗi Bên;

b) trao đổi cán bộ của các Bên đối với mục đích đào tạo;

c) trao đổi thông tin về các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp;

d) tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, bao gồm cả các tổ chức quốc tế liên quan đến tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp và các Ủy ban của WTO về Hàng rào Kỹ thuật đối với Thương mại, trong các lĩnh vực cùng quan tâm;

e) khuyến khích các tổ chức chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp tại mỗi Bên sẽ hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm;

f) cung cấp hợp tác khoa học và kỹ thuật nhằm để nâng cao chất lượng của các quy chuẩn kỹ thuật; và

g) làm cho sử dụng hiệu quả các nguồn quy định.

3. Việc thực hiện Khoản 2 của Điều này phải tùy theo hiệu lực của các quỹ thích hợp và các luật lệ và quy định tương ứng của mỗi Bên.

4. Hợp tác về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại có thể được thực hiện, nhưng không hạn chế bởi, hình thức đối thoại qua các kênh thích hợp, các dự án chung, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật .

5. Các Bên có thể tiến hành các dự án chung, hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực được lựa chọn, được đồng thuận chung.

6. Các bên cam kết trao đổi quan điểm về các vấn đề giám sát thị trường và các hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực đó có liên quan đến hàng rào kỹ thuật đối với thương mại.

7. Khi có yêu cầu, một Bên sẽ phải xem xét thích đáng đối với các đề xuất mà Bên kia chuẩn bị cho việc hợp tác theo Chương này.

8. Để thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ của Chương này, các Bên có thể ký kết các thỏa thuận đặc biệt về các vấn đề được bao gồm trong đó.

Điều 6.9. Các cơ quan có thẩm quyền và mối liên lạc

1. Các Bên sẽ phải chỉ định các cơ quan có thẩm quyền và đầu mối liên lạc và trao đổi thông tin gồm có tên của các cơ quan có thẩm quyền và đầu mối liên lạc được chỉ định, các chi tiết liên lạc của các cán bộ liên quan trong các tổ chức đó, bao gồm cả số điện thoại và số fax, địa chỉ e-mail và các chi tiết khác có liên quan.

2. Các Bên phải kịp thời thông báo ngay cho nhau biết bất kỳ thay đổi nào đối với các cơ quan có thẩm quyền và đầu mối liên lạc của mình hoặc bất kỳ thông tin sửa đổi nào của các cán bộ liên quan.

3. Các chức năng của đầu mối liên lạc sẽ phải bao gồm như sau:

a) tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các Bên về các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp để đáp ứng tất cả các yêu cầu hợp lý đối với các thông tin như vậy từ một Bên;

b) chuyển các yêu cầu từ một Bên tới các cơ quan quản lý thích hợp.

4. Các chức năng của các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải bao gồm như sau:

a) giám sát việc thực hiện của Chương này;

b) tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, khi thích hợp, phù hợp với Điều 6.8 của Hiệp định này;

c) kịp thời giải quyết mọi vấn đề do một Bên đưa ra liên quan đến việc xây dựng, ban hành, áp dụng hoặc thực thi các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp;

d) tạo thuận lợi cho việc tham vấn về mọi vấn đề phát sinh trong Chương này theo yêu cầu của một Bên;

e) thực hiện mọi hành động khác mà các Bên cho là sẽ hỗ trợ họ trong việc thực hiện chương này; và

f) thực hiện các chức năng khác mà có thể được ủy quyền bởi Ủy ban Hỗn hợp.

Chương 7

CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT

Điều 7.1. Mục tiêu

Mục tiêu của Chương này là tạo thuận lợi thương mại hàng hóa giữa các Bên thông qua:

a) Cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến các biện pháp an toàn thực phẩm (SPS) và bên cạnh đó vẫn bảo vệ được sự sống và sức khỏe của con người, động vật và thực vật trên lãnh thổ của các Bên.

b) Tăng cường hợp tác giữa các Bên và giữa các cơ quan có thẩm quyền của các Bên trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật như định nghĩa trong Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại Thế giới.

c) Tạo thuận lợi trao đổi thông tin trong lĩnh vực áp dụng các biện pháp SPS và tăng cường hiểu biết và kiến thức về hệ thống quản lý về SPS của mỗi Bên.

Điều 7.2. Phạm vi

Chương này được áp dụng với các biện pháp SPS của các Bên mà chúng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thương mại giữa các Bên Cho mục đích của Chương này:

Điều 7.3. Định nghĩa

a) Định nghĩa được nêu ra tại Phụ lục A của Hiệp định SPS được áp dụng, với những sửa đổi phù hợp.

b) Các định nghĩa liên quan được các tổ chức quốc tế xây dựng: Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩn (Codex), Tổ chức Thú y thế giới (sau đây gọi là OIE), và Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế (sau đây gọi là IPPC) được áp dụng trong thực hiện Chương này, không tách rời.

Điều 7.4. Gắn kết với Hiệp định SPS

Ngoại trừ các nội dung đề cập trong Chương này, Hiệp định SPS phải được áp dụng giữa các Bên và ở đây là phẩn gắn kết với Chương này và được coi là một phần của Hiệp định này, không tách rời.

Điều 7.5. Tương đương

1. Các Bên nhận thấy rằng Tương đương là biện pháp quan trọng trong thúc đẩy thương mại.

2. Các Bên có thể công nhận tương đương với một biện pháp, một nhóm các biện pháp hoặc mở rộng với toàn bộ hệ thống cho phù hợp.

Điều 7.6. Thích ứng với Điều kiện khu vực

1. Các Bên nhận thấy khái niệm Thích ứng với điều kiện khu vực, bao gồm cả vùng phi dịch hại và vùng dịch hại thấp hay đang có ưu thế là một biện pháp quan trọng trong thúc đẩy thương mại.

2. Khi quyết định các khu vực đó, các Bên phải xem xét các yếu tố như thông tin của các Bên xác minh về hiện trạng các vùng phi dịch hại, vùng dịch hại thấp hay chiếm ưu thế, kết quả thanh tra, kiểm tra, thông tin do OIE và IPPC cung cấp và các yếu tố khác

Điều 7.7.Thanh tra, kiểm tra

1. Mỗi Bên có thể tiến hành thanh tra hoặc kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn sản phẩm hàng hóa

2. Các Bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thanh tra và kiểm tra

3. Khi tiến hành thanh tra hoặc kiểm tra, mỗi Bên cần phải tính đến các các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế

4. Bên thanh tra hoặc kiểm tra phải phép bên bị thanh tra và kiểm tra cơ hội góp ý đối với kết quả của việc thanh tra và kiểm tra

5. Chi phí cho việc thanh tra hoặc kiểm tra phải do bên tiến hành thanh tra và kiểm tra chịu trách nhiệm, ngoài trừ khi có thỏa thuận của hai Bên.

Điều 7.8. Các giấy chứng nhận an toàn

1. Khi yêu cầu cần có một giấy chứng nhận an toàn đối với sản phẩm thương mại giữa hai Bên, Bên xuất khẩu phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của Bên nhập khẩu. Bên nhập khẩu phải đảm bảo các yêu cầu với giấy chứng nhận an toàn đối với sản phẩm thương mại giữa hai Bên chỉ được áp dụng ở phạm vi cần thiết để bảo vệ sự sống và sức khỏe của con người, động vật và thực vật.

2. Các Bên phải tính đến các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế phù hợp, khi soạn thảo giấy chứng nhận an toàn đối với sản phẩm, sao cho phù hợp.

3. Các bên có thể nhất trí xây dựng giấy chứng nhận an toàn chung cho hai Bên đối với một số sản phẩm và một nhóm sản phẩm buôn bán giữa hai Bên.

4. Các Bên phải đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ điện tử trong việc xây dựng các loại giấy chứng nhận an toàn đối với sản phẩm nhằm thúc đẩy thương mại.

Điều 7.9. Biện pháp khẩn cấp

1. Khi một bên thông qua một biện pháp khẩn cấp cần thiết để bảo vệ sự sống và sức khỏe của con người, động vật và thực vật, thì Bên đó phải thông báo ngay biện pháp khẩn cấp đó cho Bên kia. Bên thông qua biện pháp khẩn cấp cần phải tính đến các thông tin liên quan do Bên kia cung cấp.

2. Theo yêu cầu của Bên kia, tham vấn giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến biện pháp khẩn cấp phải được tổ chức ngay lập tức theo khả năng trừ khi có sự đồng ý của các Bên

Điều 7.10. Các điểm liên hệ và trao đổi thông tin

1. Các Bên phải thông báo cho nhau các điểm liên hệ liên quan đến các Điều Khoản cho phù hợp với Chương này và cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm cho các vấn đề trong phạm vi của Chương này và lĩnh vực chịu trách nhiệm của các cơ quan chức năng đó.

2. Các Bên phải thông tin cho nhau các điểm liên hệ của họ hoặc bất kỳ một thay đổi lớn nào trong hệ thống hay quyền hạn của cơ quan thẩm quyền.

3. Các Bên, thông quan các điểm đầu mối, phải cung cấp cho nhau đúng thời điểm bằng văn bản về:

a) bất kỳ một thay đổi lớn nào về vấn đề an toàn thực phẩm hoặc tình trạng sức khỏe, dịch bệnh động vật và thực vật trên lãnh thổ của họ; và

b) Bất kỳ thay đổi nào về khuôn khổ pháp lý hoặc biện pháp SPS khác.

4. Các bên thông qua các điểm đầu mối phải thông báo cho nhau một cách hệ thống hay một vài trường hợp các biện pháp không tuân thủ và trao đổi các các tài liệu liên quan mà xác nhận về việc không tuân thủ đó.

Điều 7.11. Hợp tác

1. Các Bên nhất trí hợp tác để thúc đẩy việc triển khai thực hiện Chương này

2. Các Bên phải khai thác cơ hội để tiếp hợp tác sâu hơn, liên kết và trao đổi thông tin về các vấn đề SPS cùng quan tâm theo nội dung các Điều Khoản của Chương này, Các cơ hội đó có thể là các sáng kiến thúc đẩy thương mại và hỗ trợ kỹ thuật

3. Các Bên cần phải hợp tác là việc với nhau trong khuôn khổ của các diễn đàn quốc tế, các tổ chức quốc tế trong những lĩnh vực các Bên cùng quan tâm

4. Nhằm thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ của Chương này, các Bên có thể thương thảo bất qui tắc về các biện pháp SPS.

Điều 7.12. Tham vấn

1. Khi một Bên xem xét thấy rằng một biện pháp SPS có ảnh hưởng đến thương mại giữa họ với Bên kia, Bên đó có thể thông quan điểm liên hệ yêu cầu tham vấn với Bên kia nhằm giải quyết các vướng mắc đó.

2. Một Bên phải xem xét tổ chức tham vấn trong khuôn khổ của Chương này, trên cơ sở yêu cầu của Bên kia với mục đích giải quyết các vấn đề phát sinh trong khuôn khổ của Chương này.

3. Trong trường hợp, Hai Bên xét thấy vấn đề không thể giải quyết qua tham vấn, Bên đó có quyền tìm kiếm giải pháp qua cơ chế giải quyết tranh chấp theo qui định tại Chương 14 của Hiệp định này.

Chương 8.

THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ, ĐẦU TƯ VÀ DI CHUYỂN THỂ NHÂN

PHẦN I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 8.1. Mục tiêu

Mục tiêu của Chương này nhằm khuyến khích tính hiệu quả, cạnh tranh và phát triển kinh tế của các Bên thông qua việc tạo thuận lợi cho mở rộng thương mại dịch vụ, thành lập, đầu tư và di chuyển thể nhân của các Bên trong một khuôn khổ luật pháp minh bạch và ổn định, đồng thời công nhận quyền được điều chỉnh của các Bên nhằm được các mục tiêu chính sách quốc gia.

Điều 8.2. Phạm vi

1. Chương này chỉ áp dụng giữa Việt Nam và Liên bang Nga, sau đây vì mục đích của Chương này, được gọi là “các Bên theo Chương này”.

2. Chương này áp dụng với các biện pháp được các Bên đưa ra ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ, thành lập, đầu tư và di chuyển thể nhân.

3. Đối với dịch vụ vận tải hàng không, Chương này không áp dụng với các biện pháp ảnh hưởng đến thương quyền vận tải hàng không, cho dù có được cấp, hoặc các biện pháp ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi thương quyền vận tải hàng không, ngoại trừ các biện pháp ảnh hưởng đến dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay, bán và tiếp thị dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ đặt vé qua hệ thống máy tính theo quy định tại đoạn 6 Phụ lục Dịch vụ vận tải hàng không của GATS. Các định nghĩa trong đoạn 6 Phụ lục Dịch vụ vận tải hàng không của GATS sau đây hợp nhất thành một phần của Chương này.

4. Chương này không áp dụng đối với:

a. mua sắm chính phủ, được quy định trong Chương 10 của Hiệp định này;

b. các biện pháp ảnh hưởng đến thể nhân tìm kiếm việc làm ở một Bên của Hiệp định này;

c. các biện pháp liên quan đến quyền công dân, thường trú dài hạn, hoặc việc làm dài hạn.

5. Chương này không ngăn cản một Bên của Chương này áp dụng các biện pháp điều chỉnh việc thể nhân một Bên khác của Chương này nhập cảnh hoặc tạm trú trong lãnh thổ của mình, bao gồm các biện pháp cần thiết để bảo vệ toàn vẹn biên giới, và đảm bảo trật tự di chuyển thể nhân qua biên giới, với điều kiện những biện pháp này không được áp dụng theo cách thức vô hiệu quá hoặc tổn hại lợi ích dành cho Bên khác của Chương này theo một cam kết cụ thể. Việc yêu cầu thị thực đối với thể nhân của một Bên của Chương này và không yêu cầu thị thực đối với thể nhân của nước thứ 3 không bị coi là vô hiệu hóa hoặc tổn hại lợi ích theo các cam kết cụ thể trong khuôn khổ Chương này.

Vì mục đích của Chương này:

Điều 8.3. Định nghĩa

1. a) “thương mại dịch vụ” là sự cung cấp dịch vụ:

i. từ lãnh thổ của một Bên của Chương này sang lãnh thổ của Bên khác của Chương này;

ii. trong lãnh thổ của một Bên của Chương này cho người tiêu dùng dịch vụ của Bên khác của Chương này;

b) “cung cấp dịch vụ” bao gồm việc sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán và giao dịch vụ;

c) “dịch vụ” bao gồm bất kỳ dịch vụ trong bất kỳ phân ngành nào ngoại trừ các dịch vụ không được cung cấp vì mục đích thương mại hay không cạnh tranh với một hay nhiều nhà cung cấp.

d) “nhà cung cấp dịch vụ” là bất kỳ người nào cung cấp một dịch vụ.

e) “người tiêu dùng dịch vụ” là bất kỳ người nào tiếp nhận hoặc sử dụng một dịch vụ.

f) “người” được hiểu là thể nhân hoặc pháp nhân.

g) “thể nhân của một Bên” là công dân của Bên đó, theo luật và quy định của Bên đó.

h) “pháp nhân” là bất kỳ thực thể hợp pháp nào được thành lập hoặc tổ chức theo luật và quy định phù hợp.

Một pháp nhân:

“thuộc sở hữu” bởi người của một Bên nếu người của Bên hoặc nước thứ 3 này nắm giữ trên 50% cổ phần của pháp nhân này;

“kiểm soát” bởi người của một Bên nếu người này có thẩm quyền chỉ định đa số thành viên ban giám đốc hoặc điều hành hoạt động của pháp nhân đó một cách hợp pháp.

i) “pháp nhân của một Bên” là pháp nhân được thành lập theo luật và quy định của Bên đó.

j) “hiệp định hội nhập kinh tế” nghĩa là một hiệp định quốc tế phù hợp với yêu cầu của Điều V và Điều V sửa đổi của GATS.

k) “biện pháp” bao gồm bất kỳ biện pháp nào được một Bên của Chương này áp dụng dưới hình thức các pháp luật và quy định, Điều lệ, thủ tục, quyết định, hoạt động hành chính hoặc bất kỳ hình thức nào khác.

l) “biện pháp bởi một Bên” bao gồm các biện pháp được áp dụng bởi:

i. Chính quyền trung ương, vùng hoặc địa phương và các cơ quan có thẩm quyền của Bên đó theo Chương này; và

ii. Các cơ quan phi chính phủ được thực thi quyền hạn do chính quyền trung ương, vùng hoặc địa phương và các cơ quan có thẩm quyền của Bên đó ủy quyền.

m) “biện pháp bởi một Bên ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ” bao gồm các biện pháp liên quan đến:

(i) việc mua, thanh toán hoặc sử dụng một dịch vụ;

(ii) việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, gắn liền với việc cung cấp dịch vụ, mà các Bên được yêu cầu phải đưa ra phục vụ công chúng một cách phổ biến.

n) “biện pháp bởi các Bên ảnh hưởng đến thành lập, hiện diện thương mại và các hoạt động thương mại” bao gồm các biện pháp liên quan đến việc thành lập, hiện diện thương mại của pháp nhân một Bên trong lãnh thổ của Bên khác hoặc các hoạt động liên đới.

o) “thành lập” nghĩa là:

i. sự thành lập (hoặc hợp thành) và/hoặc sáp nhập của một pháp nhân (góp vốn vào một pháp nhân có sẵn) dưới bất kỳ hình thức và quyền sở hữu hợp pháp nào theo luật và quy định của Bên mà trong lãnh thổ Bên đó thì pháp nhân này được thành lập, hợp thành hoặc sáp nhập; hoặc

ii. việc mua lại quyền kiểm soát một pháp nhân của một Bên, có quyền hạn pháp lý, trực tiếp hay gián tiếp, đối với việc đưa ra quyết định của pháp nhân đó, thông qua quyền biểu quyết (cổ phần) hoặc tham gia vào ban quản lý của pháp nhân đó (bao gồm ban giám đốc, ban giám sát, v.v.); hoặc

iii. thành lập một chi nhánh; hoặc

iv. thành lập một văn phòng đại diện nhằm mục đích cung cấp dịch vụ và/hoặc thực hiện một hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực ngoài dịch vụ.

p) “hiện diện thương mại” nghĩa là các pháp nhân được thành lập, hợp thành, sáp nhập hoặc kiểm soát và/hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện được thành lập nhằm mục đích cung cấp dịch vụ và/hoặc thực hiện một hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực ngoài dịch vụ. Vì mục đích của Phần Điều Khoản chung này, hiện diện thương mại được thành lập, hợp thành, sáp nhập hoặc kiểm soát sau đây được hiểu là “thành lập hiện diện thương mại”.

q) “các hoạt động” nghĩa là các hoạt động công nghiệp, thương mại hoặc chuyên môn của các pháp nhân, chi nhánh, văn phòng đại diện được đề cập trong Khoản 17 của Điều này, ngoại trừ các hoạt động được thực hiện không vì mục đích thương mại hay không cạnh tranh với một hay nhiều người tham gia vào các hoạt động tương tự.

Điều 8.4. Các hiệp định thương mại khác

Trong trường hợp một hiệp định quốc tế mà cả hai Bên của Chương này cùng tham gia, bao gồm cả Hiệp định WTO, có các Điều Khoản dành đối xử ưu đãi hơn, trong các vấn đề thuộc điều chỉnh của Chương này cho những người (nhà cung cấp dịch vụ) và/hoặc hiện diện thương mại, dịch vụ hoặc đầu tư của họ, thì đối xử ưu đãi hơn đó không chịu ảnh hưởng bởi Hiệp định này.

Điều 8.5. Quy định trong nước

1. Điều VI GATS sẽ áp dụng đối với các Bên của Chương này, với những sửa đổi phù hợp.

2. Không ảnh hưởng đến quyền thiết lập và áp dụng các thủ tục và yêu cầu cấp phép của một Bên của Chương này, liên quan đến các phân ngành dịch vụ mà Bên đó có cam kết cụ thể phù hợp với Phần II (Thương mại dịch vụ) của Chương này, cũng như đối với việc thành lập và các hoạt động được quy định trong Phần III (Thành lập, Hiện diện thương mại và Hoạt động) của Chương này, Bên đó phải đảm bảo:

a) các thủ tục cấp phép đó không gây hạn chế đối với việc thành lập, hoạt động hoặc cung cấp dịch vụ, và các yêu cầu về cấp phép liên quan trực tiếp đến điều kiện cung cấp dịch vụ không tạo thành rào cản bất hợp lý cho việc cung cấp dịch vụ;

b) các cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra quyết định về việc cấp phép/từ chối cấp phép không chậm trễ và không lâu hơn khoảng thời gian được quy định cụ thể trong luật và quy định của Bên đó;

c) bất kỳ chi phí nào gắn liền với việc nộp và xét lại một hồ sơ xin cấp phép không gây hạn chế đối với việc cung cấp dịch vụ, thành lập hoặc hoạt động;

d) khi thời gian xét lại hồ sơ xin cấp phép theo luật và quy định của một Bên đã hết, và theo yêu cầu của người nộp đơn, cơ quan có thẩm quyền của Bên đó phải thông báo cho người nộp về tình trạng của hồ sơ và liệu hồ sơ được xem là đã hoàn thiện hay chưa. Nếu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thông tin bổ sung từ người nộp đơn thì phải thông báo không chậm trễ cho người nộp đơn và chỉ rõ thông tin cần bổ sung để hoàn thiện hồ sơ. Người nộp đơn sẽ có cơ hội bổ sung thông tin được yêu cầu và sửa đổi kỹ thuật trong hồ sơ. Một hồ sơ sẽ không được xem là hoàn thiện cho đến khi nhận được tất cả các thông tin và tài liệu ghi rõ trong luật và quy định của Bên đó.

e) theo yêu cầu bằng văn bản của người nộp hồ sơ bị từ chối, cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép cho hồ sơ đó phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn các nguyên nhân của việc từ chối hồ sơ. Tuy nhiên, Điều Khoản này sẽ không được hiểu là để yêu cầu một cơ quan lập pháp tiết lộ các thông tin nếu việc tiết lộ đó gây cản trở việc thực thi pháp luật hoặc trái với lợi ích chung hoặc quyền lợi an ninh thiết yếu;

f) Nếu một hồ sơ bị từ chối, người làm đơn sẽ có quyền nộp một hồ sơ mới nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới việc xin cấp phép trước đó.

Điều 8.6. Đầu mối liên lạc

Mỗi Bên của Chương này phải chỉ định một đầu mối liên lạc cấp quốc gia để tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các Bên về các vấn đề quy định trong Chương này, và phải cung cấp thông tin chi tiết của đầu mối liên lạc đó cho Bên kia. Các Bên phải ngay lập tức thông báo cho nhau nếu có sự điều chỉnh thông tin của các đầu mối liên lạc này.

Điều 8.7. Từ chối lợi ích

Một Bên có thể từ chối cho hưởng lợi ích của Phần này đối với người của Bên kia, nếu Bên đó xác minh được rằng người này là pháp nhân nhưng không có hoạt động kinh doanh đáng kể trong lãnh thổ của Bên kia và thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bởi người của:

a. bất kỳ nước thứ 3 nào; hoặc

b. Bên từ chối.

Điều 8.8. Các hạn chế để bảo vệ cán cân thanh toán

1. Mặc dù được quy định trong Điều 8.18 và 8.37 của Hiệp định này, mỗi Bên của Chương này có thể thông qua và duy trì các hạn chế về thương mại dịch vụ, thành lập và đầu tư đối với các cam kết của Bên phù hợp với Chương này, bao gồm về thanh toán và chuyển khoản cho giao dịch liên quan đến các cam kết quy định trong Điều 8.18 va 8.37 của Hiệp định này khi Bên đó gặp khó khăn nghiêm trọng về cán cân thanh toán và khó khăn tài chính với bên ngoài hoặc bị đe dọa bởi những vấn đề này, và phải thỏa mãn điều kiện là các hạn chế đó:

a) được áp dụng theo nguyên tắc MFN;

b) phù hợp với Điều lệ của Hiệp định của Quỹ Tiền tệ quốc tế;

c) tránh tổn hại không đáng có đối với lợi ích thương mại, kinh tế và tài chính của Bên khác của Chương này;

d) không vượt quá mức cần thiết để giải quyết các trường hợp quy định trong Khoản này;

e) là tạm thời và phải loại bỏ dần khi tình trạng quy định tại Khoản này được cải thiện.

2. Một Bên đưa ra hạn chế theo Khoản 1 Điều này phải nhanh chóng thông báo cho các Bên khác về biện pháp đó.

3. Trong việc xác định tác động của các hạn chế, các Bên của Chương này có thể dành ưu tiên cho việc cung cấp các dịch vụ mang tính nhạy cảm hơn đối với nền kinh tế hoặc các chương trình phát triển của mình. Tuy nhiên, các hạn chế đó không được thông qua hoặc duy trì vì mục đích bảo hộ một phân ngành dịch vụ cụ thể nào.

4. Không quy định nào trong Hiệp định này ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của một Bên của Chương này là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế theo Điều lệ của Quỹ tiền tệ quốc tế, bao gồm cả việc sử dụng các hoạt động ngoại hối phù hợp với các Điều lệ của Quỹ tiền tệ quốc tế, với điều kiện là Bên đó của Chương này không đưa ra hạn chế nào trái với các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

5. Điều Khoản này không thuộc quy trình giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 8.38 của Hiệp định này.

Điều 8.9. Gia nhập

1. Ngoài quy định tại Điều 15,2 của Hiệp định này, bất kỳ thành viên nào của Liên minh Kinh tế Á - Âu có thể tham gia vào Chương này với các điều kiện được Việt Nam và thành viên đó của Liên minh Kinh tế Á – Âu thống nhất liên quan đến Biểu cam kết và Danh mục bảo lưu.

2. Trong trường hợp một thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu tham gia Chương này, các Điều Khoản của Chương này sẽ không được áp dụng như là giữa các Bên vừa là thành viên của Chương này vừa là thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu áp dụng cho nhau, và không dành cho Việt Nam đặc quyền và lợi ích mà các thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu dành cho nhau.

Điều 8.10. Sửa đổi

1. Ngoài quy định tại Điều 15,5 của Hiệp định này, Chương này có thể được sửa đổi thông qua văn bản được các Bên của Chương này thống nhất.

2. Các sửa đổi đối với Chương này tạo ra bởi việc gia nhập của một quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu phải được các Bên của Chương này và thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu đó thống nhất bằng văn bản.

Điều 8.11. Tham vấn

1. Các Bên của Chương này phải tiến hành tham vấn theo yêu cầu của bất kỳ Bên nào về vấn đề liên quan đến cách hiểu hoặc đến việc áp dụng Chương này.

2. Các tham vấn quy định tại Khoản 1 Điều này có thể được thực hiện bởi Ủy ban hỗn hợp được thành lập phù hợp với Điều 1.4 của Hiệp định này.

3. Vì mục đích của Chương này, Ủy ban hỗn hợp sẽ cùng được điều hành bởi đại diện của các Bên của Chương này và bất kỳ quyết định nào của Ủy ban hỗn hợp về các vấn đề điều chỉnh bởi Chương này chỉ được đưa ra trên cơ sở đồng thuận của các Bên của Chương này.

Điều 8.12. Giải quyết tranh chấp giữa các Bên

1. Các Điều Khoản của Chương 14 (Giải quyết tranh chấp) của Hiệp định này áp dụng nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các Bên của Chương này liên quan đến vấn đề cách hiểu hoặc áp dụng Chương này với các sửa đổi quy định tại Khoản 2 của Điều đây.

2. Vì mục đích của Chương này:

a) Thuật ngữ “một Bên tranh chấp” nhắc đến trong Chương 14 của Hiệp định này nghĩa là “một Bên của Chương này”.

b) Yêu cầu tham vấn nhắc đến trong Khoản 2 Điều 14.6 của Hiệp định này phải được gửi cho Bên phản hồi bằng văn bản thông qua các Đầu mối liên lạc của mình được chỉ định theo Điều 8.6 của Hiệp định này.

c) Yêu cầu thành lập Ban Trọng tài nhắc đến tại Khoản 3 Điều 14.7 của Hiệp định này phải được gửi cho Bên phản hồi bằng văn bản thông qua các Đầu mối liên lạc được chỉ định theo Điều 8.6 của Hiệp định này.

d) Việc ngừng áp dụng ưu đãi nhắc đến trong Điều 14.15 của Hiệp định này chỉ có thể được thực hiện đối với các ưu đãi quy định trong Chương này.

Điều 8.14. Danh mục cam kết

Biểu cam kết cụ thể theo Phần II (Thương mại dịch vụ) và Danh mục bảo lưu theo Phần III (Thành lập, hiện diện thương mại và hoạt động), Biểu cam kết cụ thể theo Phần IV [Di chuyển thể nhân] và Danh mục loại trừ MFN sẽ được ký kết dưới dạng Nghị định thư giữa Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam

PHẦN II. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ

Điều 8.14. Phạm vi

1. Phần này áp dụng đối với bất kỳ biện pháp nào của các Bên của Chương này gây ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ.

2. Phần này không áp dụng đối với trợ cấp hoặc các hình thức hỗ trợ cấp nhà nước hoặc địa phương dành cho dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ của mình.

Điều 8.15. Đối xử tối huệ quốc

1. Đối với bất kỳ biện pháp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Phần này, mỗi Bên của Chương này phải ngay lập tức và vô điều kiện dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia của Chương này đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của bất kỳ nước thứ 3 nào.

2. Một Bên của Chương này có thể duy trì một biện pháp không phù hợp với Khoản 1 Điều Khoản này với điều kiện biện pháp đó được liệt kê trong Danh mục riêng của Bên đó trong Phụ lục 1 của Nghị định thư số 1.

3. Các Điều Khoản của Phần này không được hiểu là để ngăn cản một Bên của Chương này trao hoặc dành các ưu tiên cho các nước chung biên giới nhằm tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ đối với dịch vụ được chỉ được cung cấp và tiêu thụ tại khu vực biên giới.

4. Không Điều Khoản nào của Hiệp định này được hiểu là để ép buộc một Bên dành cho dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia các đặc quyền và lợi ích mà Bên trước đó đang dành cho hoặc sẽ dành cho:

a) phù hợp với các hiệp định hội nhập kinh tế của Bên trước đó; hoặc

b) Theo các thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần, hoặc các thỏa thuận khác về vấn đề đánh thuế.

Điều 8.16. Tiếp cận thị trường

1. Đối với việc tiếp cận thị trường theo các phương thức cung cấp dịch vụ được định nghĩa tại Điều 8.3 của Hiệp định này, mỗi Bên của Chương này phải dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia của Chương này đối xử không kém ưu đãi hơn đối xử theo các Điều Khoản, hạn chế và điều kiện đã được thỏa thuận và quy định trong Biểu cam kết trong Phụ lục 2 của Nghị định thư số 11.

2 Trong các ngành có cam kết mở cửa thị trường, một Bên của Chương này không được ban hành hoặc duy trì những biện pháp sau đây, dù là ở quy mô vùng hoặc trên toàn lãnh thổ của Bên đó, trừ trường hợp được quy định trong Biểu cam kết của mình trong Phụ lục 2 của Nghị định thư số 1:

(a) hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ dù dưới hình thức hạn ngạch theo số lượng, độc quyền, toàn quyền cung cấp dịch vụ hoặc yêu cầu đáp ứng kiểm tra nhu cầu kinh tế;

(b) hạn chế về tổng trị giá giao dịch về dịch vụ hoặc tài sản dưới hình thức hạn ngạch theo số lượng, hoặc yêu cầu đáp ứng kiểm tra nhu cầu kinh tế;

(c) hạn chế về tổng số các hoạt động dịch vụ hoặc tổng số lượng đầu ra dịch vụ tính theo số lượng đơn vị dưới hình thức hạn ngạch hoặc yêu cầu đáp ứng kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Điều 8.17. Đối xử quốc gia

1. Trong các ngành được nêu trong Biểu cam kết trong Phụ lục 2 của Nghị định thư số 1, và tùy thuộc vào các điều kiện và tiêu chuẩn được quy định trong đó, mỗi Bên của Hiệp định này phải dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ nào Bên khác của Chương này đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của mình, đối với các biện pháp ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ.2

2. Một Bên có thể đạt yêu cầu của Khoản 1 bằng cách dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ Bên khác nào đối xử tương tự chính thức hoặc đối xử khác biệt chính thức mà Bên đó dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của mình.

3. Đối xử tương tự chính thức hoặc khác biệt chính thức sẽ được coi là ít ưu đãi hơn nếu đối xử đó làm giảm các điều kiện cạnh tranh đối với dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ của Bên đó trong Chương này so với dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ tương tự của bất kỳ Bên khác nào trong Chương này.

Điều 8.18. Thanh toán và chuyển tiền

1. Trừ các trường hợp được xác định tại Điều 8.8 của Hiệp định, một Bên của Chương này không được áp dụng các hạn chế đối với chuyển tiền quốc tế và thanh toán cho các giao dịch vãng lai liên quan tới các cam kết cụ thể quy định trong Phần này.

2. Không quy định nào trong Chương này ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của các Bên là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế theo các Điều lệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bao gồm cả việc sử dụng các hoạt động ngoại hối phù hợp với các Điều lệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, với điều kiện một Bên của Chương này không áp dụng hạn chế về bất kỳ giao dịch vốn nào trái với cam kết cụ thể trong Phần này liên quan đến giao dịch này, trừ trường hợp được quy định tại Điều 8.8 hoặc theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Điều 8.19. Công nhận

Điều VII của GATS sẽ được áp dụng giữa các Bên của Chương này, với những sửa đổi phù hợp.

PHẦN III. THÀNH LẬP, HIỆN DIỆN THƯƠNG MẠI VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 8.20. Phạm vi

1. Phần này áp dụng cho các biện pháp của các Bên theo Chương này ảnh hưởng đến việc thành lập, hiện diện thương mại và hoạt động.

2. Các quy định của Phần này sẽ áp dụng cho hiện diện thương mại được thành lập bởi thực thể của một Bên trong lãnh thổ của Bên kia vào ngày hoặc sau ngày Hiệp định có hiệu lực.

3. Phần này sẽ không áp dụng đối với việc cung cấp trợ cấp hay bất cứ hình thức hỗ trợ khác của Nhà nước hoặc của chính quyền thành phố dành cho thực thể và hiện diện thương mại của họ liên quan đến việc thành lập và/hoặc hoạt động.

Điều 8.21. Đối xử quốc gia

1. Liên quan đến việc thành lập và phù hợp với các bảo lưu trong Danh mục quốc gia quy định tại Phụ lục 3 của Nghị định thư số 1, mỗi Bên của Chương này, trên lãnh thổ của nước mình, sẽ dành cho các cá nhân của Bên kia theo Chương này đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho các cá nhân của nước mình trong trường hợp tương tự.

2. Liên quan đến hoạt động và phù hợp với các bảo lưu trong Danh mục quốc gia quy định tại Phụ lục 3 của Nghị định thư số 1, mỗi Bên của Chương này sẽ dành cho hiện diện thương mại được thành lập bởi cá nhân của Bên kia theo Chương này trên lãnh thổ của nước mình đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho hiện diện thương mại được thành lập bởi các cá nhân của nước mình trên lãnh thổ của Bên đó trong trường hợp tương tự.

Điều 8.22. Đối xử Tối huệ quốc

1. Liên quan đến việc thành lập và phù hợp với các bảo lưu trong Danh mục quốc gia quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định thư số 1, mỗi Bên của Chương này, trên lãnh thổ của nước mình, sẽ dành cho các cá nhân của Bên theo Chương này kia đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho thực thể của nước thứ ba trong trường hợp tương tự.

2. Liên quan đến hoạt động và phù hợp với các bảo lưu trong Danh mục quốc gia quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định thư số 1, mỗi Bên của Chương này sẽ dành cho hiện diện thương mại được thành lập bởi một cá nhân của Bên kia theo Chương này trên lãnh thổ của nước mình đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho hiện diện thương mại được thành lập bởi thực thể của Nước thứ ba trong trường hợp tương tự.

3. Để rõ nghĩa hơn, Điều này sẽ không áp dụng thủ tục hoặc cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế quy định tại Điều 8.38 của Hiệp định này.

4. Không có quy định nào của Hiệp định này được hiểu là buộc một Bên của Chương này phải dành cho các cá nhân của Bên kia theo Chương này hoặc hiện diện thương mại của họ quyền lợi mà Bên đó đang và sẽ dành cho trong tương lai:

a. phù hợp với các hiệp định hội nhập kinh tế của Bên đó; hoặc

b. trên cơ sở các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hoặc các hiệp định về thuế khác.

Điều 8.23. Tiếp cận thị trường

Liên quan đến việc thành lập và/hoặc hoạt động, không Bên nào của Chương này được duy trì hay áp dụng các hạn chế đối với cá nhân của Bên kia theo Chương này và/hoặc hiện diện thương mại do các cá nhân này thành lập trong lãnh thổ của Bên đó, bao gồm:

a) Hình thức hiện diện thương mại, bao gồm hình thức pháp lý của thực thể;

b) Số lượng hiện diện thương mại được thành lập;

c) Giới hạn tối đa về tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong pháp nhân của một Bên của thực thể của Bên kia theo Chương này hoặc mức độ kiểm soát đối với pháp nhân đó; hoặc

d) Số lượng giao dịch/vận hành được thực hiện bởi hiện diện thương mại do cá nhân của Bên kia theo Chương này thành lập trong quá trình hoạt động dưới hình thức hạn ngạch hoặc yêu cầu về kiểm tra nhu cầu kinh tế;

trừ các hạn chế quy định tại Danh mục quốc gia của Bên đó tại Phụ lục 3 của nghị định thư số 1.

Điều 8.24. Yêu cầu thực hiện

1. Liên quan đến việc thành lập và/hoặc hoạt động và phù hợp 3với các bảo lưu quy định trong Danh mục quốc gia tại Phụ lục 3 của Nghị định thư số 1 , không Bên nào của Chương này được áp đặt hay thực hiện yêu cầu đối với hiện diện thương mại của các cá nhân của Bên kia theo Chương này được thành lập trong lãnh thổ của nước mình:

a. để xuất khẩu một mức hoặc tỷ lệ hàng hóa hay dịch vụ nhất định;

b. để mua, sử dụng, hoặc dành ưu tiên cho hàng hóa sản xuất trong lãnh thổ nước mình;

c. bằng cách này hay cách khác, nhằm tạo ra mối liên hệ giữa khối lượng hoặc giá trị hàng nhập khẩu với khối lượng hoặc giá trị hàng xuất khẩu hoặc với giá trị dòng ngoại hối chảy vào liên quan đến việc thành lập và/hoặc hoạt động đó;

d. để hạn chế việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ trong lãnh thổ của nước mình mà hiện diện thương mại đó sản xuất hoặc cung cấp thông qua việc tạo ra mối liên hệ theo cách bất kỳ giữa việc bán hàng đó với khối lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc thu nhập từ ngoại hối của hiện diện thương mại đó;

e. để chuyển giao một công nghệ, quy trình sản xuất cụ thể hoặc thông tin độc quyền khác cho thực thể trong lãnh thổ của nước mình; hoặc

f. để độc quyền cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ do hiện diện thương mại đó sản xuất từ lãnh thổ của nước mình vào một thị trường khu vực cụ thể hoặc trên thị trường thế giới.

2. Không Bên nào của Chương này được ra điều kiện đối với việc nhận hoặc tiếp tục nhận ưu đãi liên quan đến việc thành lập và/hoặc hoạt động của hiện diện thương mại của các cá nhân Bên kia theo Chương này được thành lập trong lãnh thổ của nước mình phải phù hợp với các yêu cầu sau:

a. để mua, sử dụng, hoặc dành ưu tiên cho hàng hóa sản xuất trong lãnh thổ của nước mình;

b. bằng cách này hay cách khác, nhằm tạo ra mối liên hệ giữa khối lượng hoặc giá trị hàng nhập khẩu với khối lượng hoặc giá trị hàng xuất khẩu hoặc với giá trị dòng ngoại hối chảy vào liên quan đến việc thành lập và/hoặc hoạt động đó;

c. để hạn chế việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ trong lãnh thổ của nước mình mà hiện diện thương mại đó sản xuất hoặc cung cấp thông qua việc tạo ra mối liên hệ theo cách bất kỳ giữa việc bán hàng đó với khối lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc thu nhập từ ngoại hối của hiện diện thương mại đó.

3. Không quy định nào của đoạn 2 của Điều này được hiểu là ngăn cản một Bên của Chương này đưa ra điều kiện đối với việc nhận hoặc tiếp tục nhận ưu đãi liên quan đến việc thành lập và/hoặc hoạt động của thực thể của Bên kia theo Chương này và/hoặc hiện diện thương mại của thực thể đó được thành lập trong lãnh thổ của nước mình phải tuân thủ yêu cầu lựa chọn địa điểm sản xuất, cung cấp dịch vụ, đào tạo hay tuyển dụng lao động, xây dựng hay mở rộng cơ sở cụ thể, hoặc tiến hành nghiên cứu và phát triển trong lãnh thổ của Bên đó.

4. Để rõ nghĩa hơn, không quy định nào của đoạn 1 của Điều này được hiểu là ngăn cản một Bên của Chương này áp đặt hay thực thi bất cứ yêu cầu nào liên quan đến hiện diện thương mại của thực thể của Bên kia của Chương này, để tuyển dụng hoặc đào tạo lao động trong lãnh thổ của nước mình với điều kiện việc tuyển dụng hoặc đào tạo đó không đòi hỏi phải chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất cụ thể, hoặc thông tin độc quyền cho một thực thể ở trong lãnh thổ của Bên đó.

5. Đoạn (e) của Khoản 1 Điều này không áp dụng:

a. khi một Bên của Chương này uỷ quyền việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với Điều 31 của Hiệp định TRIPS, hoặc đối với các biện pháp yêu cầu công bố thông tin độc quyền thuộc phạm vi, hoặc phù hợp với Điều 39 của Hiệp định TRIPS; hoặc

b. khi yêu cầu được áp đặt hoặc thực thi bởi tòa án hoặc cơ quan liên quan phù hợp với luật và luật cạnh tranh các quy định của Bên của Chương này áp đặt hoặc thực thi yêu cầu đó.

6. Các đoạn a và b của Khoản 1 Điều này, và đoạn a Khoản 2 Điều này không áp dụng đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến chương trình xúc tiến xuất khẩu và viện trợ nước ngoài.

7. Điều này không ảnh hưởng đến quy tắc xuất xứ áp dụng bởi một Bên của Chương này phù hợp với Chương 4 (Quy tắc xuất xứ) của Hiệp định này.

Điều 8.25. Quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị

Liên quan đến việc thành lập và/hoặc hoạt động và phù hợp với các hạn chế quy định tại Danh mục quốc gia của một Bên theo Phụ lục 3 của Nghị định thư số 1 và phù hợp với điều kiện và hạn chế quy định tại Phần IV (Di chuyển thể nhân) của Chương này, không Bên nào của Chương này được yêu cầu pháp nhân của Bên kia chỉ định thể nhân có quốc tịch cụ thể vào các vị trí quản lý cấp cao.

PHẦN IV. DI CHUYỂN THỂ NHÂN

Điều 8.26. Phạm vi

1. Phần này áp dụng đối với các biện pháp ảnh hưởng đến việc tạm nhập và tạm trú của thể nhân của một Bên của Chương này vào trong lãnh thổ của Bên kia theo Chương này theo các phân loại cụ thể quy định trong Biểu của Bên kia đó trong Phụ lục 4 của Nghị định thư số 1. Các phân loại thể nhân này bao gồm:

a) khách doanh nhân;

b) nhân viên di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;

c) người thành lập và vận hành dịch vụ;

d) nhà đầu tư

e) nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.

Phần này không áp dụng đối với Điều Khoản trợ cấp hoặc các hình thức cấp nhà nước khác mà một Bên dành cho dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ của mình quy định trong Phần này.

2. Phụ lục này không áp dụng đối với các biện pháp ảnh hưởng đến thể nhân của một Bên theo Chương này tìm cách gia nhập thị trường việc làm của Bên kia theo Chương này, cũng như các biện pháp về quyền công dân, việc định cư hoặc việc làm lâu dài.

3. Để rõ ràng hơn, không quy định nào của Hiệp định này được hiểu như một cam kết của một Bên đối trong Chương này với bất kỳ yêu cầu hoặc thủ tục nào liên quan đến cấp thị thực cho thể nhân của Bên kia theo Chương này.

4. Vì mục đích của Phần này, “tạm nhập cư hoặc tạm trú” nghĩa là việc đi vào và lưu trú của thể nhân một Bên theo Chương này mà không có ý định cư trú lâu dài trong lãnh thổ của Bên kia theo Chương này.

5. Không Bên nào của Chương này được áp đặt hay duy trì bất kỳ hạn ngạch theo số lượng hoặc yêu cầu đáp ứng kiểm tra nhu cầu kinh tế liên quan đến việc tạm nhập hoặc tạm trú của thể nhân nhắc đến tại đoạn 1 Điều này ngoại trừ quy định trong Biểu cam kết của mình trong Phụ lục 4 Nghị định thư số 1.

Điều 8.27.  Công nhận

Điều VII của GATS sẽ được áp dụng giữa các Bên của Chương này, với những sửa đổi phù hợp.

PHẦN V. ĐẦU TƯ

Điều 8.28. Định nghĩa

Vì mục đích của Phần này:

a) “Đầu tư” là bất cứ hình thức tài sản nào được đầu tư bởi nhà đầu tư của một Bên theo Chương này tại lãnh thổ của Bên kia theo Chương này phù hợp với luật pháp của nước mình, tài sản đó có đặc điểm của một khoản đầu tư, bao gồm các đặc điểm như cam kết về vốn hoặc nguồn lực khác, kỳ vọng về lợi nhuận và giả định về rủi ro, như:

i. tài sản cố định và lưu động cũng như bất kỳ quyền tài sản nào, chẳng hạn như cầm cố hoặc thế chấp;

ii. Cổ phần, cổ phiếu và bất kỳ hình thức tham gia vào vốn của một pháp nhân;

iii. Trái phiếu và trái khoán;

iv. Khoản tiền phải đòi hoặc các khoản phải đòi theo hợp đồng có giá trị kinh tế3 liên quan đến khỏan đầu tư;

v. quyền sở hữu trí tuệ;

vi. đặc quyền kế nghiệp;

vii. quyền thực hiện hoạt động kinh doanh có giá trị tài chính được quy định trong luật hoặc trong hợp đồng, bao gồm nhưng không giới hạn ở hợp đồng xây dựng, sản xuất, chia doanh thu và hợp đồng nhượng quyền, đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, phát triển, khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Bất cứ thay đổi nào về hình thức mà theo đó tài sản được đầu tư hoặc tái đầu tư sẽ không ảnh hưởng đến đặc điểm đầu tư. Thay đổi đó phải được tiến hành phù hợp với pháp luật của một Bên theo Chương này, nơi mà khoản đầu tư được thực hiện.

b) “Nhà đầu tư của một Bên theo Chương này” là thể nhân hoặc pháp nhân của Bên đó theo Chương này phù hợp với pháp luật của nước mình, thực hiện đầu tư trong lãnh thổ của Bên kia theo Chương này.

3. “Lợi nhuận” là khoản tiền thu được từ đầu tư, bao gồm nhưng không giới hạn ở lợi tức, cổ tức, lãi, khỏan tăng vốn, tiền bản quyền và các phí khác.

4. “Đồng tiền tự do sử dụng” là đồng tiền tự do sử dụng theo quy định của Quỹ Tiền tệ quốc tế phù hợp với Điều lệ của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Điều 8.29. Phạm vi

1. Phần này sẽ áp dụng cho mọi khoản đầu tư do nhà đầu tư của một Bên theo Chương này thực hiện trên lãnh thổ của Bên kia theo Chương này sau ngày 19/6/1981, đang tồn tại kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nhưng không áp dụng cho bất cứ hành động hoặc sự kiện đã diễn ra hoặc bất kỳ tình huống hay tranh chấp đã phát sinh hoặc kết thúc trước khi Hiệp định có hiệu lực.

2. Đầu tư do nhà đầu tư của một Bên theo Chương này thực hiện trên lãnh thổ của Bên kia theo Chương này dưới hình thức thành lập và hiện diện thương mại, như định nghĩa và quy định tại Phần III (Thành lập, hiện diện thương mại và hoạt động) của Chương này sẽ không thuộc phạm vi áp dụng của Điều 8.30, 8.31, 8.32 và 8.33 của Hiệp định này.

3. Phần này sẽ không áp dụng đối với việc cung cấp trợ cấp hoặc các hình thức hỗ trợ khác của Nhà nước hay chính quyền thành phố đối với nhà đầu tư và khỏan đầu tư của họ, trừ trợ cấp hoặc các hình thức hỗ trợ khác của Nhà nước hay chính quyền thành phố đối với nhà đầu tư và khoản đầu tư của họ theo Điều 8.34 của Hiệp định này.

Điều 8.30. Xúc tiến và chấp thuận đầu tư

Mỗi Bên của Chương này sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư của Bên kia tiến hành đầu tư trong lãnh thổ của mình và chấp thuận đầu tư của nhà đầu tư Bên kia theo Chương này phù hợp với luật và quy định của nước mình.

Điều 8.31. Đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ và an toàn đầy đủ

1. Mỗi Bên của Chương này sẽ dành cho đầu tư của nhà đầu tư Bên kia theo Chương này đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ và an toàn đầy đủ.

2. “Đối xử công bằng và thỏa đáng” được nêu ở Khoản 1 Điều này yêu cầu mỗi Bên của Chương này, đặc biệt là, không từ chối công lý trong thủ tục xét xử tư pháp và hành chính.

3. “Bảo hộ, an toàn đầy đủ” được nêu ở Khoản 1 của Điều này yêu cầu mỗi Bên theo Chương này thực hiện các biện pháp được coi là cần thiết một cách hợp lý để đảm bảo bảo hộ và an toàn cho đầu tư của nhà đầu tư Bên kia theo Chương này.

4. Liên quan đến đầu tư do nhà đầu tư của Bên kia theo Chương này thực hiện trên lãnh thổ của một Bên theo Chương này, khái niệm “đối xử công bằng và thỏa đáng” và “bảo hộ, an toàn đầy đủ” được nêu ở Khoản 1 Điều này không yêu cầu đối xử thuận lợi hơn đối xử mà Bên nhận đầu tư dành cho nhà đầu tư của mình hoặc nhà đầu tư của Nước thứ ba phù hợp với luật pháp của nước mình.

5. Một quyết định cho rằng có sự vi phạm quy định khác của Hiệp định này hoặc quy định của một hiệp định quốc tế khác, không tạo thành vi phạm quy định của Điều này.

Điều 8.32. Đối xử quốc gia

1. Mỗi Bên của Chương này sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên kia theo Chương này và các khoản đầu tư của nhà đầu tư kia theo Chương này đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho nhà đầu tư của nước mình và khoản đầu tư của nhà đầu tư đó trên lãnh thổ của nước mình trong trường hợp tương tự.

2. Phù hợp với các luật và quy định của nước mình, mỗi Bên của Chương này bảo lưu quyền áp dụng và ban hành ngoại lệ về đối xử quốc gia, được đề cập tại Khoản 1 Điều này, đối với nhà đầu tư nước ngoài và đầu tư của họ, bao gồm cả tái đầu tư.

Điều 8.33. Đối xử tối huệ quốc

1. Mỗi Bên của Chương này sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên kia theo Chương này và các khỏan đầu tư của nhà đầu tư Bên kia theo Chương này đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho nhà đầu tư của Nước thứ ba và đầu tư của họ trên lãnh thổ của nước mình trong trường hợp tương tự.

2. Để rõ nghĩa hơn, Điều này không áp dụng thủ tục và cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế quy định tại Điều 8.38 của Hiệp định này.

3. Không có quy định nào của Phần này được hiểu là buộc một Bên của Chương này phải dành cho nhà đầu tư của Bên kia theo Chương này hoặc đầu tư của họ quyền lợi mà Bên đó đang và sẽ dành cho trong tương lai:

a. phù hợp với các hiệp định hội nhập kinh tế của Bên đó; hoặc

b. trên cơ sở hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hoặc các thỏa thuận liên quan phần lớn hoặc chủ yếu đến thuế.

Điều 8.34. Bồi thường thiệt hại

1. Đối với các biện pháp mà một Bên của Chương này áp dụng hoặc duy trì liên quan đến thiệt hại mà đầu tư do nhà đầu tư của Bên kia theo Chương này thực hiện tại lãnh thổ của nước mình gánh chịu do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, nổi dậy, nổi loạn, cách mạng, bạo loạn, xung đột dân sự gây ra, Bên đó sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên kia và các khỏan đầu tư của nhà đầu tư đó đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Bên đó, trong trường hợp tương tự, dành cho:

a. nhà đầu tư của nước mình và khoản đầu tư của nhà đầu tư đó; hoặc

b. nhà đầu tư của Nước thứ ba và khoản đầu tư của nhà đầu tư đó.

Điều 8.35. Tước quyền sở hữu và bồi thường

1. Không Bên nào của Chương này được tước quyền sở hữu, quốc hữu hóa hoặc áp dụng biện pháp có hậu quả tương tự như tước quyền sở hữu, quốc hữu hóa đối với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia theo Chương này (sau đây gọi là “tước quyền sở hữu”), trừ trường hợp:

a) vì mục đích công cộng;

b) phù hợp với quy trình thủ tục theo pháp luật của Bên đó;

c) không phân biệt đối xử; và

d) thanh toán nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả khỏan bồi thường theo quy định tại Khoản 3 của Điều này.

2. Việc quyết định liệu một biện pháp hay hàng loạt biện pháp mà một Bên của Chương này thực hiện có tác động tương tự như quốc hữu hóa hoặc tước quyền sở hữu hay không đòi hỏi phải xem xét trên cơ sở thực tế, từng trường hợp, các nhân tố như:

a) ảnh hưởng kinh tế của biện pháp hoặc hàng loạt biện pháp đó, mặc dù thực tế duy nhất là biện pháp hoặc hàng loạt biện pháp đó do một Bên của Chương này thực hiện có tác động tiêu cực đến giá trị kinh tế của khoản đầu tư, không có nghĩa là việc tước quyền sở hữu đã xảy ra;

b) tính chất của biện pháp hoặc hàng loạt biện pháp mà một Bên thực hiện.

3. Việc bồi thường quy định tại đoạn d) Khoản 1 Điều này sẽ:

a) được thanh toán không chậm trễ;

b) tương đương với giá thị trường hợp lý của khỏan đầu tư bị tước đoạt được tính toán vào ngày mà việc tước quyền sở hữu được thực hiện hoặc dự kiến thực hiện được công bố chính thức, tuỳ trường hợp nào xảy ra sớm hơn.

c) được thanh toán bằng đồng tiền tự do sử dụng, hoặc, nếu được sự đồng ý của nhà đầu tư, bằng đồng tiền của Bên tước quyền sở hữu theo Chương này và được tự do chuyển nhượng phù hợp với quy định tại Điều 8.37 của Hiệp định này. Kể từ ngày tước quyền sở hữu đến ngày thanh toán, khoản bồi thường sẽ được cộng thêm lãi theo lãi suất thương mại trên thị trường.

5. Điều này không áp dụng cho việc cấp giấy phép bắt buộc liên quan quyền sở hữu tài sản trí tuệ theo quy định tại Hiệp định TRIPS.

6. Không phương hại đến các Khoản từ 1 đến 5 của Điều này, việc tước quyền sở hữu liên quan đến đất đai trong lãnh thổ của một Bên theo Chương này sẽ được tiến hành phù hợp với pháp luật của Bên đó nhằm mục đích đã được quy định trong pháp luật và được bồi thường, theo đó việc bồi thường có xem xét một cách hợp lý giá thị trường và thanh toán không chậm trễ phù hợp với pháp luật của Bên đó.

Điều 8.36. Thế quyền

1. Nếu một Bên của Chương này và cơ quan được chỉ định thanh toán cho nhà đầu tư của mình dưới hình thức bảo lãnh, hợp đồng bảo hiểm hoặc hình thức bồi thường rủi ro phi thương mại khác liên quan đến khoản đầu tư, Bên kia theo Chương này sẽ thừa nhận việc thế quyền hay chuyển nhượng bất cứ quyền hoặc khiếu nại của nhà đầu tư liên quan đến khoản đầu tư cho Bên nhận thế quyền hoặc cơ quan được chỉ định của Bên đó. Quyền hoặc khiếu nại được thế quyền hay chuyển nhượng sẽ không được lớn hơn quyền hoặc khiếu nại ban đầu của nhà đầu tư. Để rõ nghĩa hơn, quyền hoặc khiếu nại đó sẽ được thực hiện phù hợp với các luật và quy định của Bên kia, nhưng không phương hại đến các Điều 8.21, 8.22, 8.23, 8.24 và 8.25 của Hiệp định này.

2. Khi một Bên theo Chương này và cơ quan được chỉ định của Bên đó thanh toán cho nhà đầu tư của Bên kia và thế quyền hoặc khiếu nại của nhà đầu tư thì nhà đầu tư sẽ không được sở hữu những quyền đó nữa trừ phi được cơ quan do Bên đó ủy quyền hoặc cơ quan chỉ định của Bên đó thanh toán để thực hiện quyền và khiếu nại đối với Bên kia theo Chương này.

Điều 8.37. Chuyển tiền

1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 8.8 của Hiệp định này, mỗi Bên của Chương này sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư của Bên kia, sau khi trả thuế và hoàn thành các nghĩa vụ khác phù hợp với luật và quy định của Bên đó, được tự do chuyển các khoản thanh toán từ đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là:

a) Lợi nhuận;

b) các khỏan thanh toán nợ và tín dụng kèm theo lãi tích lũy được mỗi Bên của Chương này thừa nhận là khỏan đầu tư;

c) tiền lãi từ việc bán hoặc thanh lý toàn bộ hoặc một phần khoản đầu tư;

d) Khoản bồi thường quy định tại Điều 8.34 và 8.35 của Hiệp định này;

e) lương và thù lao của nhà đầu tư và thể nhân của Bên kia theo Chương này có được do làm việc liên quan đến khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên đó.

2. Việc chuyển tiền được thực hiện không chậm trễ bằng đồng tiền tự do sử dụng theo tỷ giá áp dụng vào ngày chuyển tiền phù hợp với pháp luật về ngoại hối của Bên theo Chương này mà khỏan đầu tư được tiến hành trên lãnh thổ của Bên đó.

Điều 8.38. Giải quyết tranh chấp giữa một Bên của Chương này và nhà đầu tư của Bên kia theo Chương này

1. Tranh chấp giữa một Bên của Chương này và nhà đầu tư của Bên kia theo Chương này phát sinh từ một hành vi được cho là vi phạm nghĩa vụ trong Chương này của Bên đó liên quan đến khoản đầu tư mà nhà đầu tư tiến hành trên lãnh thổ nước mình sẽ được giải quyết thông qua hòa giải bằng cách thương lượng. Các cuộc thương lượng này có thể bao gồm việc sử dụng thủ tục liên quan đến bên thứ ba không có tính ràng buộc, ví dụ như hoà giải và dàn xếp.

2. Đề nghị bằng văn bản của nhà đầu tư đối với việc thương lượng đề cập ở Khoản 1 của Điều này sẽ bao gồm:

a) Tên và địa chỉ của nhà đầu tư, một bên liên quan đến tranh chấp;

b). Đối với mỗi khiếu kiện, quy định cụ thể của Chương này được cho là bị vi phạm;

c) cơ sở pháp lý và tình tiết của mỗi khiếu kiện; và

d) chế tài yêu cầu áp dụng và khoản bồi thường thiệt hại yêu cầu trả ở mức xấp xỉ.

3. Nếu một tranh chấp không được hòa giải bằng cách thương lượng trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Bên tranh chấp nhận được đề nghị bằng văn bản của nhà đầu tư của Bên kia, tranh chấp đó sẽ được xem xét đệ trình theo lựa chọn của nhà đầu tư theo các cơ chế sau:

a) tòa án có thẩm quyền của một Bên theo Chương này mà khoản đầu tư được thực hiện trên lãnh thổ của Bên đó, hoặc

b) trọng tài vụ việc phù hợp với Nguyên tắc trọng tài của Uỷ ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), hoặc

c) trọng tài của Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID), được thành lập theo Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà nước và nhà đầu tư của nước khác, ký tại Washington ngày 18/3/1965 (Công ước ICSID), với điều kiện cả Bên tranh chấp và Bên của nhà đầu tư liên quan đến tranh chấp đều là thành viên của Công ước ICSID, hoặc

d) trọng tài theo cơ chế phụ trợ của Công ước ICSID, với điều kiện Bên tranh chấp hoặc Bên của nhà đầu tư liên quan đến tranh chấp là thành viên Công ước ICSID, hoặc

e) bất cứ cơ quan trọng tài hoặc cơ chế trọng tài nào khác nếu các Bên liên quan đến tranh chấp đồng ý.

4. Việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp quy định ở Khoản 3 của Điều này là lựa chọn cuối cùng.

5. Quyết định của trọng tài sẽ là quyết định cuối cùng và bắt buộc đối với hai Bên liên quan đến tranh chấp. Các Bên của Chương này sẽ thực thi quyết định này theo luật và quy định trong nước.

6. Không khiếu kiện nào được đệ trình ra trọng tài theo quy định của Phần này nếu quá 3 năm kể từ ngày lần đầu tiên nhà đầu tư liên quan đến tranh chấp biết được hoặc đáng lẽ phải biết được hành vi bị cho là vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

7. Thể nhân sở hữu quốc tịch của một Bên của Chương này vào ngày thực hiện khỏan đầu tư không được khiếu kiện Bên đó theo quy định của Điều này.

Chương 8 bis.

DOANH NGHIỆP SỞ HỮU NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC NẮM QUYỀN CHI PHỐI VÀ DOANH NGHIỆP CÓ ĐẶC QUYỀN

Điều 8 bis. 1. Phạm vi

Chương này áp dụng giữa Nga và CHXHCN Việt Nam.

Điều 8 bis. 2. Doanh nghiệp sở hữu Nhà nước, Doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền chi phối và Doanh nghiệp có đặc quyền

Việt Nam và Liên bang Nga sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu, doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền chi phối và doanh nghiệp có đặc quyền của mình sẽ hoạt động phù hợp với cam kết WTO được ghi trong Báo cáo giao nhập WTO của Việt Nam và Liên bang Nga.

Chương 9

SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 9.1.Mục tiêu

Các Bên khẳng định cam kết giảm thiểu các trở ngại tới thương mại và đầu tư bằng việc xúc tiến hội nhập kinh tế sâu hơn thông qua việc sáng tạo các tài sản trí tuệ và khai thác một cách đầy đủ và hiệu quả, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, có tính đến sự khác biệt về luật pháp quốc gia cũng như trình độ phát triển kinh tế và năng lực, và nhu cầu duy trì sự cân bằng đúng mực giữa quyền của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đối với các đối tượng được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 9.2. Định nghĩa

Với mục đích của Chương này

a) “Sở hữu trí tuệ” bao gồm bản quyền và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa), sáng chế (bao gồm cả giải pháp hữu ích), mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, giống cây trồng và thông tin không bộc lộ.

b) “Chỉ dẫn địa lý” là chỉ dẫn nhằm xác định hàng hóa bắt nguồn từ một vùng lãnh thổ của một Bên hoặc một khu vực hay địa phương của vùng lãnh thổ đó, có chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quy định, như được định nghĩa tại Điều 22 Hiệp định TRIPS.

c) “Tên gọi xuất xứ hàng hóa” là tên địa lý cấu thành hoặc có chứa tên tắt hoặc đầy đủ, chính thức hay không chính thức, thời hiện tại hay trong lịch sử của một nước, vùng hoặc địa phương hoặc các khu vực địa lý khác, đã được biết tiếng thông qua việc sử dụng tại nước xuất xứ liên quan đến hàng hóa, mà chất lượng và đặc tính, hoàn toàn hoặc chủ yếu được quyết định bởi môi trường địa lý, bao gồm cả nhân tố tự nhiên và con người.

d) “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” là bất cứ hàng hóa nào, kể cả bao bì, mang nhãn hiệu hàng hóa trùng với nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký hợp pháp cho hàng hóa đó, hoặc về cơ bản không thể phân biệt được với nhãn hiệu đã đăng ký, mà không được phép, và do vậy xâm phạm các quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đó theo pháp luật của nước nhập khẩu.

Định nghĩa hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên đây cũng được áp dụng với những sửa đổi thích hợp với hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và giả mạo tên gọi xuất xứ

e) “Hàng xâm phạm bản quyền” nghĩa là bất cứ hàng hóa nào là bản sao được làm ra mà không có sự đồng ý của người nắm giữ quyền hoặc người được phép của người nắm giữ quyền ở nước sản xuất , và hàng hóa đó được làm ra trực tiếp hoặc gián tiếp từ một sản phẩm mà việc làm bản sao sản phẩm đó cấu thành hành vi xâm phạm bản quyền hoặc quyền liên quan theo pháp luật của nước nhập khẩu.

Điều 9.3. Các Điều ước quốc tế

1. Các Bên là thành viên của Hiệp định TRIPS tái khẳng định nghĩa vụ của mình đã được quy định trong Hiệp định này. Các Bên chưa phải là thành viên của Hiệp định TRIPS sẽ tuân theo những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định TRIPS. Tất cả các Bên tái khẳng định nghĩa vụ của mình được quy định trong các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Bên đó là thành viên, cụ thể:

a) Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, 20/3/1883 (sau đây gọi là Công ước Paris);

b) Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm nghệ thuật và văn học, 9/9/1886;

c) Công ước quốc tế về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức pháp sóng, 26/10/1961 (Công ước Rome)

d) Công ước bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm đối với các sao chép không được phép bản ghi âm của mình, 29/10/1971;

e) Thỏa ước Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu, 14/4/1891, và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, 27/6/1989;

f) Hiệp ước hợp tác sáng chế, 19/6/1970.

2. Các Bên không phải là thành viên của một hoặc các Điều ước quốc tế liệt kê dưới đây phải nỗ lực tham gia:

a) Hiệp ước WIPO về buổi biểu diễn và bản ghi âm, 20/12/1996;

b) Hiệp ước WIPO về bản quyền, 20/12/1996;

c) Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới, 2/12/1961 (Act 1991);

d) Hiệp ước Singapore về Luật nhãn hiệu, 27/3/2006.

3. Các Bên phải nỗ lực áp dụng các quy định của các Điều ước quốc tế dưới đây:

a) Thỏa ước Strasbourg liên quan đến Bảng phân loại sáng chế quốc tế, 24/3/1971;

b) Thỏa ước Nice liên quan đến bảng phân loại hàng hóa và dịch vụ quốc tế nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, 15/6/1957;

c) Thỏa ước Locarno về việc công bố bảng phân loại kiểu dáng công nghiệp quốc tế, 8/10/1968.

Điều 9.4. Đối xử quốc gia

Mỗi Bên phải dành cho công dân của các Bên khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho công dân nước mình trong việc bảo hộ quyền SHTT được quy định tại Điều 3 và Điều 5 Hiệp định TRIPS.

Điều 9.5. Đối xử tối huệ quốc

Mỗi Bên phải dành cho công dân của các Bên sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho công dân của bất kỳ quốc gia nào trong việc bảo hộ quyền SHTT theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Hiệp định TRIPS.

Điều 9.6. Bản quyền và quyền liên quan

1. Không phương hại tới các nghĩa vụ được quy định trong các Điều ước quốc tế mà các Bên là thành viên, mỗi Bên phải, tùy theo pháp luật quốc gia, đảm bảo và quy định những biện pháp bảo hộ hiệu quả lợi ích của tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng cho các tác phẩm, buổi biểu diễn, bản ghi âm và chương trình phát sóng của họ.

2. Mỗi Bên phải hướng tới việc đảm bảo rằng pháp luật quốc gia bảo đảm sự bảo hộ có hiệu quả và quy định các biện pháp thực thi quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường số.

Điều 9.7. Nhãn hiệu

Các Bên phải đưa ra sự bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả nhãn hiệu cho hàng hóa và dịch vụ, theo pháp luật quốc gia, Điều ước quốc tế mà Bên đó là thành viên và Hiệp định TRIPS, cụ thể là Điều 15 đến Điều 21.

Điều 9.8. Chỉ dẫn địa lý/Tên gọi xuất xứ hàng hóa

1. Mỗi Bên phải đảm bảo các biện pháp bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả, trong phạm vi lãnh thổ của mình, các chỉ dẫn địa lý và (hoặc) tên gọi xuất xứ hàng hóa, theo pháp luật quốc gia, Điều ước quốc tế mà Bên đó là thành viên và Hiệp định TRIPS, cụ thể là các Điều từ 22 tới Điều 24.

2. Các quy định về tên gọi xuất xứ hàng hóa trong Chương này phải được áp dụng với cả tên gọi mà tên gọi này cho phép xác định hàng hóa xuất xứ từ lãnh thổ của một khu vực địa lý cụ thể và mặc dù nó không chứa tên của khu vực đó, nó vẫn đạt được danh tiếng thông qua việc sử dụng tên gọi này cho hàng hóa mà chất lượng và đặc tính của nó đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Đoạn c) Điều 9.2 của Hiệp định này.

3. Các Bên ghi nhận rằng mỗi Bên có thể bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua một hệ thống bảo hộ tên gọi xuất xứ riêng phù hợp với pháp luật quốc gia.

Bên có hệ thống bảo hộ này không bị buộc phải quy định một hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý riêng biệt. Các Bên phải quy định các biện pháp pháp lý khác trong hệ thống pháp luật tương ứng để bảo hộ các chỉ dẫn địa lý không phải là tên gọi xuất xứ hàng hóa, chẳng hạn như nhãn hiệu tập thể và (hoặc) nhãn hiệu chứng nhận.

Định nghĩa tên gọi xuất xứ hàng hóa trong Đoạn c) Điều 9.2 Hiệp định này và Khoản 2 Điều này chỉ áp dụng cho các Bên có hệ thống bảo hộ tên gọi xuất xứ riêng tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực.

4. Liên quan đến chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa, các Bên phải quy định các biện pháp pháp lý để các Bên liên quan để ngăn ngừa:

a) việc sử dụng bất kỳ phương tiện nào để gọi tên hoặc giới thiệu hàng hóa nhằm chỉ dẫn hoặc gợi ý rằng hàng hóa đó bắt nguồn từ một khu vực địa lý khác với xuất xứ thực, với cách thức lừa dối công chúng về xuất xứ địa lý;

b) bất kỳ hành vi sử dụng nào cấu thành một hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo ý nghĩa của Điều 10bis Công ước Paris

5. Không quy định nào trong Chương này yêu cầu một Bên phái áp dụng các quy định của mình cho một chỉ dẫn địa lý và (hoặc) tên gọi xuất xứ hàng hóa của bất kỳ Bên nào dùng cho hàng hóa hoặc dịch vụ nếu chỉ dẫn đó là trùng với thuật ngữ mà theo ngôn ngữ phổ thông là tên gọi thông thường cho hàng hóa hoặc dịch vụ đó trong phạm vi lãnh thổ của Bên đó.

6. Nhằm bảo hộ lợi ích của các nhà sản xuất, các Bên sẽ trao đổi danh sách các chỉ dẫn địa lý và (hoặc) tên gọi xuất xứ hàng hóa đã được đăng ký liên quan đến hàng hóa được sản xuất tại lãnh thổ của mình. Các Bên có thể đồng ý trao đổi danh sách các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo các quy định pháp luật khác. Các thủ tục thích hợp cho việc trao đổi này sẽ được quyết định bởi cơ quan có thẩm quyền của các Bên theo các quy định tại Điều 9.17 của Hiệp định này.

Các Bên có thể đồng ý tiến tới đàm phán về việc bảo hộ lẫn nhau các chỉ dẫn địa lý và (hoặc) tên gọi xuất xứ hàng hóa tùy thuộc vào chính sách và pháp luật quốc gia, nguồn lực sẵn có và sự tự nguyện của mỗi Bên.

7. Mỗi Bên phải, mặc nhiên nếu pháp luật quốc gia cho phép như vậy hoặc theo yêu cầu của bên liên quan, từ chối hoặc hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có chứa hoặc được cấu thành bằng một chỉ dẫn địa lý và (hoặc) tên gọi xuất xứ hàng hóa dùng cho hàng hóa không bắt nguồn từ lãnh thổ tương ứng, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó trên nhãn hiệu hàng hóa cho những hàng hóa như vậy tại Bên đó khiến công chúng hiểu sai về xuất xứ thực.

Điều 9.9. Sáng chế và mẫu hữu ích

1. Mỗi Bên phải quy định các biện pháp bảo hộ sáng chế một cách đầy đủ và có hiệu quả theo pháp luật quốc gia, Điều ước quốc tế mà Bên đó là thành viên và Hiệp định TRIPS, cụ thể là từ Điều 27 tới Điều 34.

2. Mẫu hữu ích phải được bảo hộ theo pháp luật quốc gia và Công ước Paris.

Điều 9.10. Kiểu dáng công nghiệp

Mỗi Bên phải quy định các biện pháp bảo hộ kiểu dáng công nghiệp một cách đầy đủ và có hiệu quả theo pháp luật quốc gia, Điều ước quốc tế mà Bên đó là thành viên và Hiệp định TRIPS, cụ thể là từ Điều 25 tới Điều 26.

Điều 9.11. Thiết kế bố trí mạch tích hợp

Mỗi Bên phải quy định các biện pháp bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp một cách đầy đủ và có hiệu quả theo pháp luật quốc gia, Điều ước quốc tế mà Bên đó là thành viên và Hiệp định TRIPS, cụ thể là từ Điều 35 tới Điều 38.

Điều 9.12. Giống cây trồng mới

Mỗi Bên nhận thức tầm quan trọng trong việc quy định trong pháp luật quốc gia hệ thống bảo hộ giống cây trồng mới và phải nỗ lực quy định các biện pháp bảo hộ tất cả các giống và loài thực vật theo Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới, 19/3/1991 và Hiệp định TRIPS.

Điều 9.13. Thông tin không bộc lộ

Mỗi Bên phải đảm bảo trong pháp luật quốc gia các biện pháp bảo hộ thông tin không bộc lộ một cách đầy đủ và có hiệu quả theo pháp luật quốc gia và Hiệp định TRIPS, cụ thể là Điều 39.

Điều 9.14. Bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh

Mỗi Bên phải đảm bảo các biện pháp bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh một cách hiệu quả theo pháp luật quốc gia và Điều 10bis của Công ước Paris.

Điều 9.15. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Mỗi Bên phải đảm bảo trong pháp luật quốc gia các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở mức tương đương như quy định tại Hiệp định TRIPS, cụ thể là từ Điều 41 đến Điều 50.

Điều 9.16. Kiểm soát biên giới

1. Các Bên phải đảm bảo thực thi có hiệu quả các biện pháp kiểm soát biên giới theo các Điều 51 đến 57, Điều 59, 60 của Hiệp định TRIPS và các biện pháp, thủ tục và đền bù bổ sung, được quy định bởi pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan, phải sẵn có để cho phép các hành động ngăn chặn hiệu quả hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ, hàng sao lậu bản quyền.

2. Các Bên, trừ phi quy định khác trong Hiệp định này, phải ban hành các thủ tục cho phép chủ thể quyền, khi có những căn cứ hợp lý để nghi ngờ rằng việc nhập khẩu hay xuất khẩu các hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ, hàng sao lậu bản quyền đang được tiến hành, được đệ đơn tới cơ quan hải quan yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo hộ quyền SHTT, với quy định rằng việc nhập khẩu hay xuất khẩu này xâm phạm quyền SHTT theo pháp luật quốc gia nơi hàng hóa được phát hiện.

3. Với điều kiện không làm ảnh hưởng tới việc bảo hộ thông tin bí mật, cơ quan hải quan phải có thẩm quyền quyền dành cơ hội cho chủ thể quyền được yêu cầu tiến hành kiểm tra bất kỳ hàng hóa nào bị cơ quan hải quan ngăn giữ để chứng minh yêu cầu của mình. Cơ quan hải quan cũng phải có quyền tạo cơ hội tương đương cho người nhập khẩu yêu cầu tiến hành kiểm tra bất cứ hàng hóa nào như vậy. Cơ quan hải quan phải thông báo cho chủ thể quyền biết về tên và địa chỉ của người gửi hàng, người nhập khẩu và người nhập khẩu theo uỷ thác và về số lượng của hàng hóa đó. Cơ quan hải quan phải thông báo cho chủ hàng bị tạm giữ thông tin về người nắm quyền, ít nhất là tên và địa chỉ.

4. Khuyến khích các Bên loại trừ áp dụng các quy định trên đối với hàng hóa phi thương mại với số lượng nhỏ là hành lý cá nhân.

Điều 9.17. Cơ quan có thẩm quyền, đầu mối liên lạc và trao đổi thông tin

1. Vào thời điểm có hiệu lực của Hiệp định này, các Bên phải thông báo cho nhau về cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc thực hiện các thủ tục theo quy định trong Chương này, và về đầu mối được chỉ định của mỗi Bên để trợ giúp liên lạc giữa các Bên về bất kỳ vấn đề nào liên quan trong Chương này.

2. Các Bên phải thông tin cho nhau thường xuyên về bất kỳ thay đổi nào về đầu mối hay bất kỳ thay đổi đáng kể nào về cấu trúc hoặc thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền của mình.3. Các Bên thông qua đầu mối của mình phải cung cấp cho nhau các thông báo bằng văn bản kịp thời về bất kỳ vấn đề quan trọng nào hay bất kỳ thay đổi nào về khung pháp lý về SHTT, và nếu cần thiết, đề nghị tham vấn để giải quyết các khía cạnh của vấn đề.

4. Với mục tiêu đẩy mạnh quan hệ hợp tác, các Bên đồng ý trao đổi bằng văn bản và (hoặc) nhanh chóng tổ chức gặp gỡ chuyên gia, trên cơ sở đề nghị của bất kỳ Bên nào, có tính đến khả năng tài chính của các Bên, về các vấn đề liên quan đến các Điều ước quốc tế được đề cập trong Chương này hoặc các Điều ước quốc tế trong tương lai trong lĩnh vực SHTT, hay liên quan đến việc trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế, như WTO và WIPO, cũng như liên quan đến mối quan hệ của các Bên với các nước thứ ba về các vấn đề liên quan đến SHTT và các vấn đề khác nhằm thi hành Chương này.

Chương 10

MUA SẮM CHÍNH PHỦ

Điều 10.1. Hợp tác

1. Các Bên nhận thức tầm quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực mua sắm chính phủ phù hợp với pháp luật, quy định của từng Bên trên cơ sở nguồn lực sẵn có.

2. Các Bên có trách nhiệm hợp tác vì mục tiêu tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy cạnh tranh công bằng và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ điện tử trong lĩnh vực mua sắm chính phủ.

3. Các Bên có trách nhiệm thông báo cho nhau càng sớm càng tốt về bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong hệ thống pháp luật và quy định và/hoặc quy trình mua sắm chính phủ của mình.

4. Các hoạt động hợp tác, bao gồm việc trao đổi, nếu thấy phù hợp, các thông tin không nhạy cảm, sự tham vấn như quy định tại Điều 10.3 của Hiệp định này; và hỗ trợ kỹ thuật.

5. Các Bên sẽ nỗ lực hợp tác trong các hoạt động sau:

a. tăng cường sự tham gia của các nhà thầu vào các gói thầu mua sắm chính phủ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b. trao đổi kinh nghiệm và thông tin, như khuôn khổ pháp lý, các thực tiễn tốt nhất và số liệu thống kê;

c. phát triển và đẩy mạnh ứng dụng phương tiện điện tử trong mua sắm chính phủ;

d. tăng cường năng lực cho cán bộ nhà nước về các thực tiễn tốt nhất trong công tác mua sắm chính phủ,

e. and củng cố thể chế nhằm thực thi các quy định trong Chương này; và

f. tăng cường khả năng tổ chức các gói thầu mua sắm chính phủ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

6. Các Bên có trách nhiệm mở rộng hợp tác trên cơ sở kinh nghiệm của mỗi Bên trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, bao gồm cả các hình thức đấu thầu điện tử.

Điều 10.2. Thông tin về Hệ thống Đấu thầu

1. Để đảm bảo tính minh bạch, các Bên có trách nhiệm đăng tải công khai các quy định pháp luật của mình liên quan đến mua sắm chính phủ.

2. Các Bên có trách nhiệm trao đổi danh sách các kênh truyền thông mà mình sử dụng để đăng tải thông tin liên quan về mua sắm chính phủ.

3. Trên cơ sở những nguồn lực sẵn có, các Bên sẽ nỗ lực xây dựng và duy trì các phương tiện điện tử nhằm đăng tải các quy định pháp luật và thông tin của mình về mua sắm chính phủ.

4. Mỗi Bên có thể mở rộng nội dung thông tin về mua sắm chính phủ và phạm vi dịch vụ được cung cấp qua các phương tiện điện tử.

Điều 10.3. Tham vấn

1. Trường hợp xảy ra bất kỳ bất đồng nào liên quan đến việc áp dụng các quy định của Chương này, các Bên sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp thỏa đáng thông qua tham vấn.

2. Mỗi Bên có trách nhiệm ủng hộ và tạo điều kiện cho hoạt động tham vấn trong quá trình thực thi Chương này.

3. Yêu cầu tiến hành thanh vấn của một Bên phải được gửi tới đầu mối liên lạc của Bên kia như quy định tại Điều 10.5 của Hiệp định này. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, các Bên có trách nhiệm tiến thành tham vấn trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn.

4. Hoạt động tham vấn có thể được tiến hành trực tiếp hoặc qua thư điện tử, điện thoại, truyền hình hay bất kỳ phương tiện nào khác mà các Bên nhất trí.

Điều 10.4. Không áp dụng Chương 14 (Giải quyết tranh chấp)

Bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong khuôn khổ Chương này không chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 14 (Giải quyết tranh chấp) của Hiệp định này.

Điều 10.5. Đầu mối liên lạc

1. Mỗi Bên sẽ chỉ định một đầu mối liên lạc để giám sát quá trình thực thi Chương này. Đầu mối liên lạc của các Bên có nghĩa vụ phối hợp với nhau để hỗ trợ việc thực thi Chương này.

2. Các Bên có trách nhiệm cung cấp cho nhau tên và thông tin liên lạc của đầu mối liên lạc của mình.

3. Các Bên có nghĩa vụ nhanh chóng thông báo cho nhau về bất kỳ thay đổi nào liên quan đến đầu mối liên lạc.

Điều 10.6. Đàm phán trong tương lai

Các Bên có thể khởi động đàm phán nhằm tự do hóa thị trường mua sắm chính phủ và thảo luận các vấn đề về tiếp cận thị trường tiềm năng, nếu cần thiết.

Chương 11

CẠNH TRANH

Điều 11.1. Các nguyên tắc cơ bản

1. Các bên ghi nhận tầm quan trọng của cạnh tranh tự do và không bị bóp méo trong quan hệ thương mại giữa các Bên và tôn trọng sự khác biệt về năng lực của các Bên trong lĩnh vực chính sách cạnh tranh.

2. Mỗi Bên cần phải áp dụng các biện pháp thỏa đáng để cấm các hành vi phản cạnh tranh phù hợp với pháp luật và quy định của Bên đó, nhằm thúc đẩy hoạt động hiệu quả của thị trường mỗi Bên và phúc lợi của người tiêu dùng

3. Các biện pháp mà mỗi Bên áp dụng hoặc duy trì nhằm cấm hành vi phản cạnh tranh cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc minh bạch, không phân biệt đối xử và công bằng.

Điều 11.2. Các hành vi phản cạnh tranh

1. Các Bên cần phải áp dụng tất cả biện pháp cần thiết phù hợp với pháp luật và quy định của mình nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế các hành vi phản cạnh tranh gây ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên. Cần đặc biệt lưu ý những hành vi không phù hợp với chức năng phù hợp của Hiệp định này như sau:

a) Tất cả các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, quyết định của các Hiệp hội doanh nghiệp và các hành vi phối hợp cùng hành động nhằm mục đích hoặc có tác động ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh;

b) Hành vi lạm dụng vi trí thống lĩnh của một hoặc một nhóm doanh nghiệp;

c) Cạnh tranh không công bằng.

2. Các vấn đề liên quan đến độc quyền nhà nước hoặc doanh nghiệp công ích hoặc doanh nghiệp được hưởng đặc quyền hoặc độc quyền không phải là đối tượng điều chỉnh của Chương này.

Điều 11.3. Hợp tác

1. Các Bên ghi nhận tầm quan trọng của các hoạt động hợp tác trong thực thi luật cạnh tranh và chính sách cạnh tranh. Việc hợp tác cần phải phù hợp với pháp luật và quy định của mỗi Bên và dựa trên khuôn khổ sẵn có các nguồn lực cần thiết. Hợp tác sẽ bao gồm việc trao đổi thông tin không bảo mật, tham vấn và hợp tác trong hoạt động thực thi được quy định tại Khoản 2 Điều này, và hỗ trợ kỹ thuật gồm có:

a) trao đổi kinh nghiệm về việc nâng cao thực thi pháp luật và chính sách cạnh tranh;

b) các Hội thảo chung về luật cạnh tranh và hoạt động thực thi Luật của các Bên;

c) bất kỳ hình thức hợp tác nào được các Bên thống nhất.

2. Hợp tác trong thực thi pháp luật được thực hiện như sau:

a) Nếu một Bên cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng trong phạm vi lãnh thổ của Bên kia theo cách hiểu của Điều 11.2 của Hiệp định này, Bên bị ảnh hưởng có thể yêu cầu Bên kia khởi xướng các hoạt động thực thi phù hợp. Yêu cầu này cần phải đưa ra, nếu có thể, trong giai đoạn đầu diễn ra các hành vi phản cạnh tranh được dẫn chiếu tại Điều 11.2 của Hiệp định này và nên có đầy đủ thông tin chi tiết;

b) Bên được yêu cầu sẽ xem xét cẩn trọng khả năng tiến hành thực thi các hoạt động hoặc mở rộng phạm vi hoạt động đang có phù hợp với yêu cầu của pháp luật và quy định của Bên đó và thông báo cho Bên yêu cầu về kết quả của những xem xét này một cách sớm nhất có thể;

c) Nếu các hoạt động thực thi được tiến hành hoặc mở rộng, Bên được yêu cầu phải thông báo cho Bên yêu cầu kết quả và tiến triển nổi bật trong quá trình thực thi trong phạm vi có thể;

d) Không có quy định nào trong Chương này hạn chế quyền của Bên được yêu cầu quyết định có áp dụng các hoạt động thực thi đối với các hành vi phản cạnh tranh nêu trong yêu cầu hay không, hoặc loại trừ việc Bên yêu cầu rút lại yêu cầu của mình.

Điều 11.4. Tham vấn

1. Nhằm thúc đẩy hiểu biết giữa các Bên, hoặc để giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh từ Chương này, mỗi Bên cần phải tiến hành tham vấn nếu như có yêu cầu của Bên kia. Việc tham vấn này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật và quy định của mỗi Bên. Trong yêu cầu tham vấn, Bên yêu cầu cần phải chỉ rõ vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên. Bên nhận được yêu cầu tham vấn cần phải nhanh chóng tổ chức tham vấn để đạt được kết quả mà hai Bên thỏa mãn phù hợp với các Điều Khoản của Chương này.

2. Trong quá trình tham vấn quy định tại Điều này, Bên được yêu cầu cần phải xem xét một cách đầy đủ và thỏa đáng đối với vấn đề đưa ra trong tham vấn trong một khoảng thời gian hợp lý. Hai Bên cần phải nỗ lực để đạt được đồng thuận về vấn đề quan ngại thông qua đối thoại mang tính xây dựng.

3. Nếu một Bên cho rằng các lợi ích của mình vẫn còn bị ảnh hưởng sau tham vấn theo quy định tại Điều này, Bên đó có thể yêu cầu tham vấn trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp.

Điều 11.5. Sử dụng thông tin

1. Khi một Bên cung cấp thông tin cho Bên kia nhằm thực thi các Điều Khoản trong Chương này, Bên được cung cấp chỉ được sử dụng thông tin với mục đích thực thi và không được công bố hoặc chuyển thông tin cho bất kỳ tổ chức khác và/hoặc cá nhân mà không có sự đồng ý của Bên cung cấp thông tin.

2. Dù có quy định trong Chương này, không một Bên nào phải trao đổi thông tin cho Bên kia nếu việc trao đổi này bị cấm theo pháp luật và quy định tương ứng của Bên đó.

Điều 11.6. Không áp dụng Chương 14 (Giải quyết tranh chấp)

Bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ Chương này không phải là đối tượng của cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 14 (Giải quyết tranh chấp) của Hiệp định này.

Điều 11.7. Đầu mối liên lạc

1. Mỗi Bên cần phải chỉ định một đầu mối liên lạc để theo dõi việc thực thi Chương này. Đầu mối liên lạc cần phải hợp tác để tạo điều kiện thực thi các Điều Khoản của Chương này.

2. Các Bên cần phải trao đổi thông tin về tên của cơ quan chức năng thực thi được chỉ định làm đầu mối và các chi tiết liên lạc của bộ phận liên quan trong cơ quan đó, bao gồm số điện thoại, số fax, địa chỉ email và những thông tin khác có liên quan.

3. Các Bên cần phải nhanh chóng thông báo cho nhau bất kỳ những thay đổi về đầu mối liên lạc hoặc chi tiết để liên lạc có liên quan.

Chương 12

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Điều 12.1. Mục tiêu

1. Các Bên đã đồng ý thực hiện Chương này một cách phù hợp với bảo hộ lao động và môi trường, và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên của các Bên. Về vấn đề này, các Bên sẽ:

a) tăng cường hợp tác về các vấn đề môi trường và lao động;

b) thúc đẩy phát triển bền vững.

2. Các Bên thừa nhận rằng phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường là những thành tố phụ thuộc lẫn nhau và hỗ trợ lẫn nhau cho phát triển bền vững.

3. Các Bên sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại của các Bên nhằm phát triển bền vững hết mức có thể.

Điều 12.2. Phạm vi

Chương này áp dụng đối với các biện pháp môi trường và lao động liên quan đến thương mại được các Bên thông qua hoặc duy trì.

Điều 13.3. Các nguyên tắc chung

1. Các bên thừa nhận tầm quan trọng và nhu cầu tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề môi trường và lao động liên quan đến thương mại, tính đến mức độ phát triển của các Bên.

2. Các bên thừa nhận nhu cầu tăng cường hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và lao động mà thu hút sự quan tâm của hai Bên, khu vực và toàn cầu.

3. Các Bên thừa nhận chủ quyền của mỗi Bên về việc xác định mức độ riêng của mình về bảo vệ môi trường và lao động, những chính sách và ưu tiên về phát triển môi trường và lao động, cũng như việc áp dụng hoặc sửa đổi luật pháp và chính sách của mình về môi trường và lao động.

4. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc xem xét các thông tin khoa học, kỹ thuật và các thông tin khác cũng như các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan  và được thừa nhận chung khi chuẩn bị và thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và lao động mà có ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên.

5. Các Điều Khoản của Chương này sẽ không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của các Bên theo các Chương khác của Hiệp định này, kể cả Chương 8 (Thương mại dịch vụ, đầu tư, di chuyển thể nhân).

Điều 12.4. Duy trì các mức độ bảo vệ

1. Các Bên thừa nhận vai trò hỗ trợ lẫn nhau của các chính sách và thực tiễn thương mại, môi trường và lao động, cũng như những nỗ lực để cải thiện bảo vệ môi trường và lao động và tăng cường thương mại giữa các Bên.

2. Mỗi Bên sẽ nỗ lực bảo đảm rằng luật, chính sách và thực tiễn môi trường và lao động không được sử dụng cho các mục đích bảo hộ thương mại.

3. Bất kỳ Bên nào sẽ không tìm cách khuyến khích hoặc đạt được lợi thế thương mại hoặc đầu tư bằng cách làm suy yếu hoặc không thi hành hoặc không quản lý các pháp luật, chính sách và thực tiễn môi trường và lao động theo cách làm ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên thông qua hàng loạt hành động hoặc không hành động .

Điều 12.5. Hợp tác môi trường và lao động

1. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực nhằm bảo vệ môi trường và điều kiện lao động và thúc đẩy phát triển bền vững trong quan hệ thương mại và đầu tư của mình theo quy định và luật pháp của mỗi Bên.

2. Các Bên sẽ cố gắng mở rộng quan hệ hợp tác trên các diễn đàn song phương, khu vực và đa phương về các vấn đề môi trường và lao động, thừa nhận rằng sự hợp tác này sẽ giúp các Bên đạt được các mục tiêu và mục đích chung về môi trường và lao động, bao gồm phát triển và cải thiện công nghệ, thực tiễn, việc bảo vệ môi trường và lao động.

3. Hợp tác trong Chương này có thể có các hình thức sau:

a) trao đổi kiến thức và kinh nghiệm;

b) trao đổi chuyên gia và các nhà nghiên cứu;

c) tổ chức các hội thảo chung;

d) thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa các Bộ , các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp tư nhân có liên quan và;

e) phát triển và thực hiện các nghiên cứu, các dự án chung và các hoạt động khác có liên quan trong lĩnh vực cùng quan tâm.

4. Các Bên thừa nhận các lĩnh vực sau đây về hợp tác là đặc biệt quan trọng:

a) giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại;

b) phát triển chính sách môi trường và xây dựng thể chế;

c) đào tạo và giáo dục về môi trường và các vấn đề về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường;

d) trao đổi kinh nghiệm và thông tin trong việc phát triển và thực thi pháp luật và chính sách liên quan đến lao động và việc làm;

e) hỗ trợ kỹ thuật và các dự án hợp tác/ chung về phát triển nguồn nhân lực và chính sách an sinh xã hội nhằm tạo điều kiện làm việc bền vững hay về bảo vệ môi trường;

f) các lĩnh vực hai Bên thỏa thuận khác phù hợp với pháp luật và các quy định có liên quan của các Bên;

g) trao đổi thông tin, công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu chuẩn và các mô hình, đào tạo và giáo dục về môi trường;

h) giáo dục và đào tạo về môi trường nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng; và

i) hỗ trợ kỹ thuật và các chương trình nghiên cứu khu vực chung.

Điều 12.6. Tham vấn lao động và môi trường

1. Một Bên có thể yêu cầu tham vấn với Bên kia về bất kỳ vấn đề phát sinh của Chương này bằng cách cung cấp một văn bản yêu cầu gửi tới đầu mối liên lạc mà Bên kia đã chỉ định theo Điều 6 (Đầu mối liên lạc) của Hiệp định này. Yêu cầu bao gồm thông tin cụ thể và đầy đủ để giúp Bên nhận được yêu cầu trả lời. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, tham vấn sẽ bắt đầu trong vòng 30 ngày sau khi bên kia nhận được đề nghị tham vấn.

2. Mục đích của các cuộc tham vấn là để tìm kiếm một giải pháp đồng thuận đối với vấn đề được nêu. Các Bên sẽ cố gắng hết sức để đi đến một kết quả thỏa đáng đối với cả hai Bên, kể cả bằng cách xem xét các hoạt động hợp tác thích hợp để giải quyết vấn đề này. Các bên có thể thỏa thuận để tìm tư vấn hoặc trợ giúp từ các chuyên gia trong nước mà họ cho là thích hợp.

3. Nếu một Bên thấy rằng vấn đề cần thảo luận thêm, Bên đó có thể mang vấn đề này báo cáo lên Uỷ ban Hỗn hợp để đạt được sự phân giải thích hợp với vấn đề.

Điều 12.7. Các hiệp định và tiêu chuẩn lao động quốc tế

1. Các Bên nhắc lại các nghĩa vụ phát sinh từ tư cách thành viên của ILO và Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc và tuyên bố tiếp theo được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 86 Hội nghị Lao động quốc tế năm 1998.

2. Các Bên tái khẳng định cam kết của mình theo Tuyên bố cấp Bộ trưởng của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về việc làm đầy đủ và việc làm bền vững năm 2006, nhằm công nhận việc làm đầy đủ và năng suất và việc làm bền vững cho tất cả mọi người là một yếu tố quan trọng của phát triển bền vững cho tất cả các nước và là một mục tiêu ưu tiên của hợp tác quốc tế và nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại quốc tế một cách có lợi cho việc làm đầy đủ và năng suất và việc làm bền vững cho tất cả mọi người.

Điều 12.8. Đánh giá tác động của phát triển bền vững

Các bên sẽ định kỳ rà soát tại các phiên họp của Uỷ ban Hỗn hợp tiến độ đạt được trong việc theo đuổi các mục tiêu đề ra trong Chương này, và có thể xem xét diễn biến quốc tế có liên quan, nếu cần, để xác định các lĩnh vực mà hành động hơn nữa có thể thúc đẩy những mục tiêu này.

Điều 12.9. Không áp dụng Chương 14 ( Giải quyết tranh chấp)

Cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại Chương 14 (Giải quyết tranh chấp) sẽ không được áp dụng đối với bất kỳ vấn đề nào phát sinh tại Chương này.

Chương 13

CÔNG NGHỆ ĐIỆN TỬ TRONG THƯƠNG MẠI

Điều 13.1. Phạm vi

1. Các Bên công nhận thương mại điện tử có thể làm gia tăng cơ hội kinh doanh thương mại và góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ điện tử trong thương mại nhằm giảm thiểu các chi phí và tạo thuận lợi thương mại, cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các Bên đối với các vấn đề về thương mại điện tử được quy định trong Chương này.

2. Chương này sẽ điều chỉnh các biện pháp do các Bên đưa ra liên quan đến:

a) việc sử dụng các văn bản điện tử trong thương mại giữa các Bên bằng chữ ký số và bên thứ ba được uỷ thác;

b) thương mại điện tử như được định nghĩa ở Khoản (b) thuộc Điều 13.2 của Chương này;

3. Theo các mục đích của Khoản 2 thuộc Điều này, các biện pháp đó sẽ bao gồm các biện pháp được đưa ra bởi:

a) Chính quyền và các cơ quan trung ương và địa phương; và

b) Các cơ quan phi chính phủ được uỷ quyền thay mặt chính quyền và các cơ quan trung ương và địa phương.

4. Để thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của mình trong Chương này, mỗi Bên sẽ phải tiến hành những biện pháp hợp lý đó, nếu có, nhằm đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ và cam kết đó bởi chính quyền, cơ quan trung ương và địa phương, và cả các tổ cơ quan phi chính phủ trong lãnh thổ của mình.

5. Chương này sẽ được thực hiện bởi các Bên theo Điều 8.

Điều 13.2. Định nghĩa

Theo các mục đích của Chương này:

a) “chứng thư số” là một văn bản điện tử được ban hành bởi một tổ chức có thẩm quyền, bao gồm các thông tin xác nhận rằng một chữ ký số thuộc về một cá nhân nhất định nào đó.

b) “thương mại điện tử” là hoạt động thương mại có sử dụng các công nghệ điện tử;

c) “văn bản điện tử” là một văn bản mà các thông tin được thể hiện dưới dạng điện tử được chứng thực bằng chữ ký số;

d) “chữ ký số” là thông tin ở dạng điện tử thu được bằng mã khoá công khai - là sự chuyển đổi thông tin thông qua việc sử dụng khoá chữ ký riêng được xác minh bởi khoá chữ ký công khai - và được gắn hoặc liên kết với các thông tin khác ở dạng điện tử (thông tin được ký), xác nhận tính toàn vẹn và xác thực của thông tin đó và đảm bảo không có khả năng để từ chối quyền tác giả;

e) “công nghệ điện tử” là sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm nhằm tạo ra sự tương tác giữa các pháp nhân của các Bên thông qua sử dụng văn bản điện tử;

f) “chứng thực điện tử” là quá trình tạo ra sự tin cậy đối với danh tính người sử dụng khi được thể hiện ở dạng điện tử tới một hệ thống thông tin;

g) “bên thứ ba được uỷ thác” là một tổ chức được uỷ quyền, theo quy định và luật pháp của mỗi Bên, xác thực chữ ký số trong một văn bản điện tử được ký bằng công nghệ số trong một thời gian cố định đối với tác giả và/hoặc người nhận văn bản điện tử;

Điều 13.3. Chứng thực điện tử

Các Bên sẽ nỗ lực để hướng tới việc công nhận lẫn nhau về chữ ký số trong việc trao đổi các văn bản điện tử thông qua dịch vụ của bên thứ ba được uỷ thác.

Điều 13.4. Sử dụng văn bản điện tử

1. Các Bên sẽ nỗ lực:

a) Không áp dụng và duy trì các quy định và luật pháp trong nước có yêu cầu xác minh tính xác thực của giao dịch ở dạng điện tử bằng việc trình diện văn bản ở dạng giấy;

b) Đảm bảo rằng các văn bản liên quan đến giao dịch thương mại được trình diện đến các cơ quan có thẩm quyền của các Bên ở dạng văn bản điện tử được ký số.

2. Các Bên sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng trong trường hợp nếu có văn bản nào được yêu cầu đối với việc nhập khẩu một sản phẩm, người tham gia giao dịch có thể nhận được văn bản đó xác minh sản phẩm được nhập khẩu phù hợp với các yêu cầu của nước nhập khẩu ở dạng điện tử.

Điều 13.5. Bảo vệ dữ liệu riêng tư

Các Bên sẽ nỗ lực để áp dụng và duy trì các biện pháp có hiệu lực nhằm mục tiêu bảo vệ dữ liệu riêng tư của người sử dụng thương mại điện tử.

Điều 13.6. Hợp tác về Công nghệ điện tử trong Thương mại

1. Việc thảo luận về các vấn đề liên quan đến Chương này có thể được thực hiện trong khuôn khổ của một uỷ ban về công nghệ điện tử trong thương mại sẽ được thành lập nếu cần thiết.

2. Các Bên sẽ trao đổi thông tin và kinh nghiệm về luật pháp, quy định và các chương trình trong lĩnh vực công nghệ điện tử trong thương mại, cụ thể là về các vấn đề bảo vệ dữ liệu riêng tư và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.

3. Các Bên ghi nhận sự cần thiết của việc tham gia vào các diễn đàn song phương, khu vực và đa phương về xây dựng khung pháp lý quy định thương mại điện tử.

Điều 13.7. Phát triển thương mại điện tử

Ghi nhận tính chất toàn cầu của thương mại điện tử và tầm quan trọng của việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, các Bên sẽ:

a) Nỗ lực xây dựng khung pháp lý về thương mại điện tử có sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan về thu thập dữ liệu và phù hợp với các thực tiễn quốc tế, bao gồm các quyết định được đưa ra trong khuôn khổ WTO, nếu có thể;

b) Khuyến khích khu vực tư nhân áp dụng các quy định tự quản, bao gồm các quy tắc ứng xử, hợp đồng mẫu, hướng dẫn và các cơ chế thực thi có thể thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử;

c) Thúc đẩy việc ứng dụng các biện pháp minh bạch và phù hợp để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi gian lận và lừa đảo khi tham gia vào thương mại điện tử;

d) Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quốc gia các Bên đối với các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm nâng cao phúc lợi cho người tiêu dùng.

Điều 13.8.

1. Cơ quan có thẩm quyền của các Bên có thể cam kết thực thi bất kỳ vấn đề nào trong phạm vi của chương này. Cụ thể, các thỏa thuận thực thi sẽ thể hiện các cam kết đạt được tại các Điều 13.3, 13.4 và 13.5 của Hiệp định này;

2. Thỏa thuận thực thi khi được thông qua sẽ được áp dụng đối với hoạt động thương mại giữa các Bên.

3. Các Bên, thông qua các cơ quan có thẩm quyền, sẽ có những hành động cần thiết để áp dụng các thỏa thuận thực thi trong một khoảng thời gian hợp lý do hai Bên cùng quyết định.

Chương 14

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Điều 14.1. Mục tiêu

Mục tiêu của Chương này nhằm quy định một quy trình có hiệu quả và minh bạch cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ Hiệp định này.

Điều 14.2. Định nghĩa

Trong Chương này:

a) “Hội đồng trọng tài”nghĩa là một Hội đồng trọng tài được thành lập căn cứ theo Điều 14.7 của Hiệp định này;

b) "các Bên tranh chấp" nghĩa là Bên khởi kiện và Bên bị kiện. Các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên minh Kinh tế Á-Âu có thể cùng tiến hành hoặc tiến hành riêng biệt gọi là một Bên tranh chấp. Trong trường hợp sau khi một biện pháp được thực hiện bởi một nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu, nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu đó sẽ là một bên tranh chấp, và nếu một biện pháp được thực hiện bởi Liên minh Kinh tế Á-Âu, thì Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ là một Bên tranh chấp.

Điều 14.3. Phạm vi

1. Trừ khi được quy định khác trong Hiệp định, Chương này sẽ được áp dụng nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các Bên liên quan tới việc giải thích và/hoặc áp dụng Hiệp định này khi một Bên thấy rằng các Bên khác không thực hiện nghĩa vụ quy định tại Hiệp định này.

2. Các tranh chấp liên quan đến các Bên tranh chấp phát sinh theo Hiệp định này và Hiệp định WTO có thể được giải quyết ở diễn đàn do Bên khởi kiện lựa chọn. Diễn đàn được lựa chọn sẽ loại trừ các diễn đàn khác.

3. Trong Hiệp định này, các quy định về thủ tục có liên quan về giải quyết tranh chấp không phù hợp với các Điều của Hiệp định WTO trong trường hợp không tuân thủ hoặc có thể vi phạm sẽ không được áp dụng cho bất kỳ nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu mà không phải là một thành viên của WTO.

4. Trong đoạn 2, thủ tục giải quyết tranh chấp theo Hiệp định WTO được coi là được khởi xướng khi một Bên tranh chấp yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm theo Điều 6 của Cách hiểu về Quy tắc và Thủ tục Giải quyết các tranh chấp của  WTO, trong khi thủ tục giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này được coi là đã được khởi xướng khi có yêu cầu trọng tài theo Khoản 1 của Điều này (Thành lập Hội đồng Trọng tài) của Hiệp định này.

Điều 14.4. Trao đổi thông tin và Người góp ý cho tòa án

1. Sự phân phối giữa các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên minh Kinh tế Á-Âu các tài liệu tố tụng liên quan đến bất kỳ tranh chấp phát sinh theo Hiệp định này sẽ không được xem như là một sự vi phạm các quy định về bảo mật thông tin theo Hiệp định này và / hoặc Hiệp định WTO.

2. Bất kỳ nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên minh Kinh tế Á-Âu có lợi ích đáng kể trong vấn đề tranh chấp có thể có cơ hội được lắng nghe và để làm văn bản đệ trình lên Hội đồng Trọng tài như là người góp ý.

Điều 14.5. Trung gian, Hòa giải

1. Các Bên tranh chấp có thể thỏa thuận trung gian, hòa giải ở bất kỳ thời điểm nào. Quá trình trung gian, hòa giải có thể bắt đầu bất kỳ thời điểm nào và kết thúc bất kỳ thời điểm nào theo yêu cầu của một trong các Bên tranh chấp.

2. Nếu các Bên tranh chấp đồng ý, trung gian hòa giải có thể tiến hành song song cùng với quy trình tố tụng của Hội đồng Trọng tài được quy định tại Chương này.

3. Các quá trình trung gian, hòa giải và đặc biệt là quan điểm của các Bên trong quá trình đó sẽ được bảo mật và không làm ảnh hưởng đến quyền của các Bên tranh chấp trong quy trình tố tụng tiếp theo.

Điều 14.6. Tham vấn

1. Các Bên sẽ nỗ lực thông qua tham vấn để đạt được một giải pháp chung giải quyết mọi vấn đề được đưa ra phù hợp với Chương này.

2. Một yêu cầu tham vấn phải được gửi bằng văn bản đến Bên bị kiện thông qua các Đầu mối liên lạc được chỉ định theo Điều 1.7 của Hiệp định này cũng như là gửi đến Ủy ban Hỗn hợp và nêu rõ lý do tham vấn bao gồm việc xác định biện pháp vi phạm hoặc các vấn đề khác và cơ sở pháp lý của việc khiếu nại.

3. Khi Bên khởi kiện gửi yêu cầu tham vấn căn cứ theo đoạn 2 của Chương này, Bên bị kiện sẽ:

a) trả lời yêu cầu bằng văn bản trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được nhân được yêu cầu; và

b) tiến hành tham vấn một cách thiện chí trong vòng 30 ngày, hoặc 10 ngày trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp có liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, sau ngày nhận được yêu cầu tham vấn nhằm đạt được giải pháp chung giải quyết vấn đề tranh chấp.

4. Thời hạn được quy định tại đoạn 3 của Chương này có thể được thay đổi do các Bên tranh chấp thỏa thuận .

5. Quá trình tham vấn phải được bảo mật và không được gây phương hại tới các quyền của các Bên tranh chấp trong bất kỳ quy trình tố tụng tiếp theo nào.

6. Một Bên tranh chấp có thể yêu cầu Bên tranh chấp còn lại cung cấp chuyên gia tham vấn thuộc cơ quan chính phủ hoặc các cơ quan điều hành khác có kiến thức chuyên sâu về vấn đề tham vấn.

Điều 14.7. Thành lập Hội đồng Trọng tài

1. Bên khởi kiện đã yêu cầu tham vấn theo Điều 14.6 của Hiệp định này có thể yêu cầu bằng văn bản về việc thành lập Hội đồng Trọng tài:

a) nếu Bên bị kiến không tuân thủ đúng thời hạn theo đoạn 3 và 4 Điều 14.6 của Hiệp định này;

b) nếu các Bên tranh chấp không giải quyết được tranh chấp thông qua tham vấn trong vòng 60 ngày, hoặc 20 ngày đối với trường hợp khẩn cấp bao gồm cả trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, sau ngày nhân được yêu cầu tham vấn;

c) nếu các Bên tranh chấp cùng nhận thấy rằng tham vấn không thể giải quyết tranh chấp trong thời hạn được quy định tại Mục b) đoạn 1 của Điều này.

2. Trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm cả trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, các Bên tranh chấp sẽ nỗ lực nhằm đẩy nhanh quy trình tố tụng đến mức độ tối đa có thể.

3. Yêu cầu thành lập Hội đồng Trọng tài phải được làm bằng văn bản gửi đến Bên bị kiện thông qua các đầu mối liên lạc được chỉ định theo Điều 1.7 của Hiệp định này cũng như là gửi đến Ủy ban Hỗn hợp. Văn bản yêu cầu này phải chỉ ra là việc tham vấn đã được tiến hành không, xác định rõ các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi và cung cấp tóm tắt, ngắn gọn về cơ sở pháp lý của đơn kiện đủ để trình bày các vấn đề một cách rõ ràng.

4. Các yêu cầu và thủ tục được quy định tại Điều này có thể được thay đổi theo thỏa thuận của các Bên tranh chấp.

Điều 14.8. Bổ nhiệm trọng tài viên

1. Hội đồng trọng tài sẽ bao gồm ba trọng tài viên.

2. Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu thành lập Hội đồng trọng tài của Bên bị kiện, Các Bên tranh chấp sẽ chỉ định một trọng viên. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày bổ nhiệm trọng tài viên thứ hai, các trọng tài viên được chỉ định sẽ thỏa thuận để chọn ra chủ tịch của Hội đồng Trọng tài là người không thuộc một trong các tiêu chí sau:

a) là công dân của một nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu hoặc Việt Nam;

b) có nơi thường trú ở lãnh thổ của một nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu hoặc Việt Nam.

3. Nếu việc bổ nhiệm không được tiến hành trong thời hạn được quy định ở đoạn 2 của Điều này, một Bên nào đó có thể, trừ khi có thỏa thuận khác của các Bên tranh chấp, mời Tổng Thư Ký của Tòa án Trọng tài Thường trực (sau đây gọi tắt là “PCA”) có thẩm quyền bổ nhiệm. Trong trường hợp Tổng Thư Ký của PCA là công dân của một nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu hoặc Việt Nam hoặc không có năng lực để thực hiện chức năng bổ nhiệm này, Phó Tổng Thư Ký của PCA hoặc cán bộ cao cấp tiếp theo mà không phải là công dân của một nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu hoặc Việt Nam và có năng lực để thực hiện chức năng bổ nhiệm sẽ được yêu cầu để bổ nhiệm.

4. Các trọng tài viên sẽ:

a) có kiến thức chuyên môn và/hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực luật, thương mại quốc tế, hoặc các lĩnh vực khác thuộc phạm vi của Hiệp định này, hoặc trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hiệp định thương mại quốc tế;

a) được lựa chọn nghiêm ngặt trên cơ sở khách quan, tin cậy và xét xử công tâm;

b) độc lập và không có liên hệ hoặc nhận chỉ dẫn từ một Bên; và

c) công bố cho các Bên tranh chấp bất kỳ những mâu thuẫn lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các vấn đề ở đây.

5. Các cá nhân sẽ không giữ vai trò trọng tài viên cho vụ tranh chấp nếu họ đã liên quan đến các tranh chấp trước đây ở bất kỳ khía cạnh nào, kể cả các khía cạnh theo Điều 14.5

6. Nếu một trọng tài được chỉ định theo Điều này nghỉ hưu hoặc không có khả năng làm việc, trọng tài viên kế nhiệm sẽ được chỉ định trong vòng 15 ngày phù hợp với thủ tục quy định cho việc bổ nhiệm trọng tài ban đầu và trọng tài kế nhiệm sẽ có toàn quyền và nhiệm vụ như trọng tài mà người đó thay thế. Vào bất kỳ thời điểm nào quy trình tố tụng cũng sẽ bị trì hoãn kể từ ngày trọng tài viên nghỉ hưu hoặc không có khả năng làm việc và việc trì hoãn này sẽ kết thúc vào ngày trọng tài thay thế được lựa chọn

7. Ngày thành lập Hội đồng Trọng tài là ngày mà chủ tịch Hội đồng Trọng tài được chỉ định.

8. Các yêu cầu và thủ tục được quy định tại Điều này có thể được thay đổi theo thỏa thuận của các Bên tranh chấp.

Điều 14.9. Chức năng của Hội đồng Trọng tài

1. Chức năng của Hội đông Trọng tài là đánh giá một cách khách quan của vụ tranh chấp, gồm cả việc đánh giá khách quan các tình tiết của vụ việc và khả năng áp dụng và sự phù hợp với Hiệp định này, đưa ra những kết luận và phán quyết cần thiết cho việc giải quyết các tranh chấp được đề cập cũng như xác định các biện pháp thực thi và/hoặc tạm ngưng ưu đãi phù hợp trong báo cáo cuối cùng khi có yêu cầu của một Bên tranh chấp.

2. Kết luận và phán quyết của Hội đồng Trọng tài không thể làm phát sinh thêm quyền và nghĩa vụ của các Bên được quy định trong Hiệp định này.

Điều 14.10. Quy trình tố tụng của Hội đồng Trọng tài

1. Quy trình tố tụng Hội đồng Trọng tài sẽ được tiến hành phù hợp với các Điều Khoản của Chương này.

2. Theo đoạn 1 Điều này, Hội đồng Trọng tài sẽ quy định các thủ tục liên quan tới quyền của các Bên tranh chấp. Các Bên tranh chấp khi tham vấn với Hội đồng Trọng tài có thể đồng ý thông qua các quy định và thủ tục không trái với các Điều Khoản của Điều này.

3. Sau khi tham vấn các Bên tranh chấp, Hội đồng Trọng tài sẽ ngay khi có tính khả thi và bất cứ khi nào có thể trong vòng 10 ngày sau ngày Hội đồng Trọng tài thành lập,phải ấn định thời gian biểu cho quy trình tố tụng tại Hội đồng Trọng tài.Thời gian biểu sẽ bao gồm thời hạn chính xác nộp báo cáo của các Bên tranh chấp. Việc điều chỉnh về khung thời hạn do thỏa thuận chung của các Bên tranh chấp khi tham vấn với Hội đồng Trọng tài.

4. Khi có yêu cầu của một Bên tranh chấp hoặc khi thấy cần thiết, Hôi đồng Trọng tài có thể tự tìm thêm thông tin và/hoặc tư vấn kỹ thuật từ bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào mà được cho là phù hợp. Tuy nhiên, trước khi Hội đồng Trọng tài tìm thêm thông tin và/hoặc tư vấn thì phải thông báo tới các Bên tranh chấp. Bất kỳ thông tin và/hoặc tư vấn kỹ thuật nào mà Hội đồng trọng tài nhân được sẽ được thông báo cho các Bên tranh chấp để góp ý. Khi Hội đồng Trọng tài xem xét thông tin và/hoặc tư vấn kỹ thuật để đưa vào báo cáo của mình thì phải xem xét các ý kiến của các Bên tranh chấp về thông tin và/hoặc tư vấn kỹ thuật đó.

5. Hội đồng Trọng tài sẽ đưa ra quyết định về thủ tục tố tụng, kết luận và phán quyết bằng sự đồng thuận, trường hợp Hội đồng Trọng tài không có khả năng để đạt được đồng thuận về thủ tục tố tụng, kết luận và phán quyết có thì có thể được đưa ra dựa trên đa số. Hội đồng Trọng tài sẽ không công bố quan điểm cụ thể của các trọng tài viên.

6. Hội đồng Trọng tài sẽ họp kín. Các Bên tranh chấp sẽ chỉ có mặt ở các phiên họp khi được Hội đồng Trọng tài mời tham dự từ trước.

7. Những phiên xét xử của Hội đồng Trọng tài sẽ không được công khai, trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác.

8. Các Bên tranh chấp sẽ có cơ hội có mặt tại các buổi tường trình, trình bày hoặc phản bác trong thủ tục tố tụng. Mọi thông tin được cung cấp và đệ trình bởi các Bên tranh chấp lên Hội đồng trọng tài, bao gồm bình luận đối với phần miêu tả tóm tắt của báo cáo ban đầu và trả lời câu hỏi của Hội đồng trọng tài sẽ được cung cấp cho Bên tranh chấp kia.

9. Nội dung thảo luận của Hội đồng Trọng tài và các tài liệu được đệ trình sẽ được giữ bí mật.

10.Quy định trong Chương này không ngăn cản việc một Bên tranh chấp công bố các quan điểm của bên đó cho công chúng. Mỗi Bên tranh chấp phải giữ bí mật những thông tin của Bên tranh chấp kia gửi lên Hội đồng Trọng tài mà Bên đó xác nhận là bí mật. Nếu một Bên tranh chấp có yêu cầu, các Bên tranh chấp sẽ phải cung cấp bản tóm tắt có thể công khai của các thông tin cung cấp trong nội dung giải trình của mình để có thể công bố công khai.

11.Địa điểm phiên xét xử sẽ được quyết định theo thỏa thuận giữa các Bên tranh chấp. Nếu không có sự thống nhất, địa điểm tổ chức sẽ luân phiên tại thủ đô của các Bên tranh chấp với việc phiên xét đầu tiên sẽ được tổ chức tại thủ đô của Bên bị kiện.

Điều 14.11. Các Điều Khoản Tham chiếu của Hội đồng Trọng tài

Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thành lập Hội đồng Trọng tài, Điều Khoản tham chiếu của hội đồng trọng tài sẽ là:

“Xem xét, dựa trên các Điều Khoản liên quan của Hiệp định này, vấn đề được đưa ra trong yêu cầu thành lập Hội đồng Trọng tài theo Điều 14.7 của Hiệp định này và đưa ra kết luận và phán quyết của pháp luật và tình tiết thực tế đi kèm với những lập luận về cách thức giải quyết tranh chấp” .

Điều 14.12. Chấm dứt hoặc Tạm ngừng vụ kiện

1. Hội đồng Trọng tài có thể được chấp dứt theo yêu cầu chung của các Bên tranh chấp. Trong trường hợp đó, các Bên tranh chấp phải cùng thông báo cho chủ tịch Hội đồng Trọng tài và Ủy ban Hỗn hợp.

2. Hội đồng Trọng tài, theo yêu cầu chung của các Bên tranh chấp có thể tạm ngừng công việc của mình tại bất cứ thời đỉêm nào trong khoảng thời gian không quá 12 tháng liên tục kể từ ngày nhận được yêu cầu chung. Trong trường hợp đó, các Bên tranh chấp phải cùng thông báo cho chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Trong khỏang thời gian này, một trong các Bên tranh chấp có thể cho phép Hội đồng Trọng tài trở lại làm việc bằng việc thông báo đến chủ tịch Hội đồng Trọng tài và Bên tranh chấp kia. Trong trường hợp này, khoảng thời gian liên quan được quy định trong Chương này sẽ được gia hạn bằng đúng khoảng thời gian công việc bị tạm dừng. Nếu công việc của Hội đồng Trọng tài bị tạm ngừng hơn 12 tháng liên tục, Hội đồng Trọng tài sẽ bị chấp dứt. Thẩm quyền thành lập một Hội đồng Trọng tài mới của các Bên tranh chấp ban đầu về vấn đề tương tự được nêu trong yêu cầu thành lập Hội đồng Trọng tài ban đầu sẽ mất hiệu lực trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác.

Điều 14.13. Báo cáo của Hội đồng Trọng tài

1. Báo cáo của Hội đồng Trọng tài sẽ được soạn thảo mà không có sự hiện diện của các Bên tranh chấp và sẽ dựa vào các Điều Khoản liên quan của Hiệp định này, các bản đệ trình và lập luận của các Bên tranh chấp và các thông tin và/hoặc tư vấn kỹ thuật được cung cấp cho Hội đồng Trọng tài phù hợp với đoạn 4 Điều 14.10 của Hiệp định này.

2. Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra báo cáo ban đầu trong vòng 90 ngày, hoặc 60 ngày đối với trường hợp khẩn cấp, bao gồm đối với trường hợp hàng hóa dễ hư hỏng, kể từ ngày thành lập Hội đồng Trọng tài. Báo cáo ban đầu sẽ bao gồm, đặc biệt là, các phần mô tả và các ý kiến và kết luận của Hội đồng Trọng tài.

3. Trong trường hợp ngoại lệ, nếu Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng không thể đưa ra báo cáo ban đầu trong thời hạn được quy định tại Khoản 2 của Điều này, Hội đồng Trọng tài sẽ thông báo cho các Bên tranh chấp bằng văn bản về lý do của việc chậm trễ đó và thời gian dự định đưa ra báo cáo ban đầu. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng không được vượt quá 30 ngày trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác.

4. Một Bên tranh chấp có thể gửi góp ý báo cáo ban đầu bằng văn bản đến Hội đồng Trọng tài trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được báo cáo ban đầu từ Hội đồng Trọng tài trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác.

5. Sau khi xem xét các góp ý của các Bên tranh chấp và tiến hành kiểm tra kỹ hơn nếu thấy cần thiết, Hội đồng Trọng tài sẽ gửi đến các Bên tranh chấp báo cáo cuối cùng trong vòng 30 ngày kể từ ngày đưa ra báo cáo ban đầu, trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác.

6. Nếu trong báo cáo cuối cùng, Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng biện pháp của một Bên tranh chấp không tuân theo Hiệp định này, Hội đồng Trọng tài sẽ đưa ra kết luận và phán quyết yêu cầu xóa bỏ các biện pháp không phù hợp.

7. Các Bên tranh chấp sẽ công bố báo cáo cuối cùng của Hội đồng Trọng tài như một tài liệu công khai trong vòng 15 ngày kể từ ngày báo cáo cuối cùng được đưa ra, tùy thuộc vào việc bảo vệ thông tin mật, trừ khi mục đích của Bên tranh chấp. Trong trường hợp này, báo cáo cuối cùng vẫn được gửi cho tất cả các Bên tham gia Hiệp định.

8. Báo cáo cuối cùng của Hội đồng Trọng tài là chung thẩm và có tính chất bắt buộc đối với các Bên tranh chấp liên quan đến một tranh chấp cụ thể.

Điều 14.14. Thực thi

1. Các Bên tranh chấp sẽ tuân thủ ngay lập tức phán quyết của Hội đồng Trọng tài, khi các Bên tranh chấp nhận thấy không khả thi để tuân thủ ngay lập tức thì sẽ tuân thủ phán quyết trong khoản thời hạn hợp lý. Khoảng thời gian hợp lý sẽ được các Bên tranh chấp cùng xác định. Khi các Bên tranh chấp không thống nhất được khoảng thời gian hợp lý trong vòng 45 ngày kể từ ngày Hội đồng Trọng tài đưa ra báo cáo cuối cùng, một trong các Bên tranh chấp có thể đưa vấn đề này lên Hội đồng Trọng tài ban đầu để xác định khoảng thời gian hợp lý sau khi tham vấn các Bên tranh chấp.

2. Khi không có thống nhất giữa các Bên tranh chấp về việc một Bên đã xóa bỏ các biện pháp không phù hợp như trong báo cáo của Hội đồng Trọng tài trong khoảng thời gian hợp lý nêu tại Điều này, Bên còn lại có thể đưa vấn đề này lên hội đồng trọng tài ban đầu.

3. Hội đồng Trọng tài sẽ đưa ra báo cáo của mình trong vòng 60 ngày kể từ ngày vấn đề được đề cập ở đoạn 1 hoặc 2 của Điều này được gửi đến Hội đồng Trọng tài xem xét. Báo cáo sẽ bao gồm phán quyết của Hội đồng Trọng tài và lập luận để đưa phán quyết. Khi Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng không thể đưa ra báo cáo trong thời hạn, Hội đồng Trọng tài sẽ thông báo cho các Bên tranh chấp bằng văn bản về lý do của việc chậm trễ đó và thời gian dự định đưa ra báo cáo. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng không được vượt quá 30 ngày trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác.

4. Các Bên tranh chấp tiếp tục nỗ lực tìm ra giải pháp chung giải quyết việc thực thi báo cáo cuối cùng của Hội đồng Trọng tài.

Điều 14.15. Bồi thường và Tạm ngừng các ưu đãi

1. Nếu một Bên tranh chấp không tuân thủ các phán quyết của Hội đồng Trọng tài trong khoảng thời gian hợp lý được đề cập ở Điều 14.14 của Hiệp định này, một Bên tranh chấp phải, nếu có yêu cầu của Bên tranh chấp còn lại, tiến hành tham vấn nhằm đưa ra được thỏa thuận chung về bồi thường. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được trong vòng 20 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu, Bên tranh chấp còn lại sẽ được phép tạm ngừng các ưu đãi được quy định theo Hiệp định này đối với Bên tranh chấp này tương đương với mức độ bị ảnh hưởng bởi biện pháp mà Hội đồng Trọng tài xác định không phù hợp với Hiệp định này.

2. Khi cân nhắc tạm dừng ưu đãi, một Bên tranh chấp trước tiên sẽ tạm ngừng các ưu đãi trong cùng một lĩnh vực hoặc ngành mà bị ảnh hưởng bởi biện pháp mà Hội đồng Trọng tài xác định không phù hợp với Hiệp định này. Nếu một Bên tranh chấp nhận thấy không khả thi hoặc không hiệu quả khi tạm ngừng ưu đãi ở cùng một lĩnh vực hoặc ngành nghề thì có thể tạm ngừng các ưu đãi ở các lĩnh vực khác.

3. Một Bên tranh chấp phải thông báo cho Bên tranh chấp còn lại về ưu đãi mà mình có ý định tạm ngừng, căn cứ về việc tạm ngừng và thời điểm thông báo tạm ngừng sẽ ít nhất là 30 ngày trước ngày việc tạm ngừng có hiệu lực. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Bên tranh chấp còn lại có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài ban đầu quyết định rằng những ưu đãi mà Bên tranh chấp có ý định tạm ngưng tương đương với mức độ bị ảnh hưởng bởi biện pháp được Hội đồng Trọng tài xác định là không phù hợp với Hiệp định này và việc đình chỉ được đề xuất có phù hợp theo đoạn 1 và 2 Điều này hay không.

4. Bồi thường và/hoặc tạm ngừng ưu đãi là những biện pháp tạm thời và không được khuyến khích để xóa bỏ hoàn toàn các biện pháp không phù hợp trong báo cáo cuối cùng của Hội đồng Trọng tài. Bồi thường và/hoặc tạm ngừng chỉ được áp dụng cho đến khi các biện pháp không phù hợp với Hiệp định này bị thu hồi hoặc sửa đổi để phù hợp với Hiệp định này, hoặc cho đến khi các Bên tranh chấp giải quyết được vấn đề.

5. Khi có yêu cầu của một Bên tranh chấp, Hội đồng Trọng tài ban đầu phải chỉ ra sự phù hợp của các biện pháp thực thi được thông qua trong báo cáo cuối cùng sau khi tạm ngừng ưu đãi, và đưa ra phán quyết liệu việc tạm ngừng ưu đãi có nên được chấm dứt hoặc thay đổi không. Các phán quyết của Hội đồng Trọng tài được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Điều 14.16. Chi phí

1. Trừ khi các Bên tranh chấp có thỏa thuận khác:

a) mỗi Bên tranh chấp sẽ chịu chi phí của trọng tài viên mà mình chỉ định và các chi phí pháp lý và chi phí riêng của Bên đó;

b) chi phí cho chủ tịch hội đồng trọng tài và các chi phí khác có liên quan đến vụ kiện sẽ được chia đều cho các Bên tranh chấp.

2. Theo yêu cầu của một Bên tranh chấp, Hội đồng Trọng tài có thể quyết định chi phí được nêu tại Mục b của đoạn 1 Điều này khi xem xét đến tình huống cụ thể của vụ việc.

Điều 14.17. Ngôn ngữ

1. Tất cả quy trình thủ tục và tài liệu căn cứ theo Chương này sẽ được thực hiện bằng Tiếng Anh

2. Tài liệu nào được đệ trình để sử dụng trong quy trình tố tụng căn cứ theo Chương này phải được viết bằng Tiếng Anh. Nếu bản gốc không phải ngôn ngữ Tiếng Anh, các Bên tranh chấp phải cung cấp bản dịch Tiếng Anh của tài liệu đó.

Chương 15

CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 15.1. Các Phụ lục

Các Phụ lục của Hiệp định này là một phần không thể tách rời của Hiệp định.

Điều 15.2. Gia nhập

1. Một nước thành viên mới của Liên minh kinh tế Á-Âu có thể gia nhập Hiệp định này bắt buộc phải có sự đồng thuận bằng văn bản của các Bên. Sự gia nhập đó sẽ được hoàn thành thông qua một nghị định thư bổ sung cho Hiệp định này.

2. Ủy ban Kinh tế Á-Âu sẽ thông báo ngay lập tức cho Việt Nam về nước thứ ba có khả năng tham gia vào Liên minh Kinh tế Á-Âu và bất cứ sự gia nhập nào vào tổ chức này.

3. Không ảnh hưởng đến sự gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu của các nước ứng cử, các Điều Khoản được nêu trong Chương 10 và các Phụ lục XX và XX của Hiệp định này có thể được đàm phán bởi một bên là các nước ứng cử gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu và một bên là Việt Nam.

4. Các nước ứng cử gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam sẽ nỗ lực để hoàn thành các cuộc đàm phán được quy định tại Khoản 3 Điều này trước khi các nước ứng cử đó trở thành một nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Điều 15.3. Rút lui và Chấm dứt hiệu lực

1. Mỗi bên có thể rút khỏi Hiệp định này bằng cách đưa ra một thông báo trước sáu tháng bằng văn bản cho Bên còn lại.

2. Hiệp định này sẽ chấm dứt hiệu lực đối với bất cứ nước thành viên nào của Liên minh Kinh tế Á-Âu mà rút khỏi Hiệp ước trong EAEU trong cùng một ngày khi việc rút lui có hiệu lực. .

Điều 15.4. Điều Khoản phát triển

1. Các bên đảm bảo xem xét lại Hiệp định này theo hướng phát triển hơn nữa trong các quan hệ kinh tế quốc tế, không kể những điều khác, trong khuôn khổ của WTO để xem xét trong phạm vi này và theo hướng của bất cứ yếu tố liên quan nào đến khả năng phát triển hơn nữa và tăng cường sâu hơn về hợp tác  theo Hiệp định này và để mở rộng đến các lĩnh vực chưa có trong Hiệp định.

Nếu thích hợp, Uỷ ban Hỗn hợp có thể đưa ra kiến nghị đến các Bên, với mục đích rõ ràng hơn để mở ra các cuộc đàm phán.

2. Các bên sẽ đảm bảo xem xét chung về Hiệp định này nhằm thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu trong ba năm sau kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, và mỗi năm năm sau đó, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.

Điều 15.5. Sửa đổi

1. Hiệp định này có thể được sửa đổi bởi các Bên thông qua sự nhất trí bằng văn bản.

2. Những sửa đổi sẽ có hiệu lực theo quy định tại Điều 15.6 của Hiệp định này. Tất cả các sửa đổi sẽ là một phần không thể tách rời của Hiệp định này.

Điều 15.6. Hiệu lực

Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản về việc các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước của mình. Sự trao đổi các thông báo này sẽ được thực hiện giữa Uỷ ban Kinh tế Á-Âu và Việt Nam.

ĐỂ LÀM BẰNG, những người ký tên dưới đây, được sự uỷ quyền, đã ký Hiệp định này.

Được làm thành hai bản bằng Tiếng Anh tại [ĐỊA ĐIỂM] vào ngày [NGÀY].

Thay mặt nước Cộng hòa Ác- men-ni-a

Thay mặt nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thay mặt nước Cộng hòa Bê-la- rút

Thay mặt nước Cộng hòa Ka- dắc-xtan

[Thay mặt nước Cộng hòa Ki- ríp]

Thay mặt nước Liên bang Nga

Thay mặt Liên minh Kinh tế Á- Âu

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN



1 Nếu một Bên của Chương này cam kết mở cửa thị trường liên quan đến việc cung cấp một dịch vụ từ lãnh thổ một Bên của Chương này vào lãnh thổ của Bên kia của Chương này và nếu việc di chuyển vốn qua biên giới là phần không thể tách rời của dịch vụ, thì Bên đó cam kết cho phép việc di chuyển vốn như vậy.

2 Các cam kết cụ thể được áp dụng theo Điều này sẽ không được hiểu là để yêu cầu bất kỳ Bên nào của Chương này phải bồi thường cho bất kỳ bất lợi cạnh tranh vốn có nào gây nên bởi yếu tố nước ngoài của các dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ liên quan

3 Để rõ nghĩa hơn, đầu tư không phải là khoản tiền phải đòi chỉ phát sinh từ:

a. hợp đồng thương mại bán hàng hóa hoặc dịch vụ; hoặc

b. việc kéo dài tính dụng liên quan đến các hợp đồng thương mại đó.

FOB value - Value of Non-Originating Materials

x 100%

FOB value

where the value of non-originating materials shall be:

a) CIF value of the materials at the time of importation to a Party; or

b) the earliest ascertained price paid or payable for non-originating materials in the territory of the Party where the working or processing takes place.

When, in the territory of a Party, the producer of the goods acquires non- originating materials within such Party, the value of such materials shall not include freight, insurance, packing costs and any other costs incidental to the transport of those materials from the location of the supplier to the location of production.

ARTICLE 4.6. Insufficient Working or Processing

1. The following operations undertaken exclusively by themselves or in combination with each other are considered to be insufficient to meet the requirements of Article 4.3 of this Agreement:

a) preserving operations to ensure that a product retains its condition during transportation and storage;

b) freezing or thawing;

c) packaging and re-packaging;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) ironing or pressing of textiles;

f) colouring, polishing, varnishing, oiling;

g) husking, partial or total bleaching, polishing and glazing of cereals and rice;

h) operations to colour sugar or form sugar lumps;

i) peeling and removal of stones and shells from fruits, nuts and vegetables;

j) simple sharpening, grinding;

k) cutting;

l) sifting, screening, sorting, classifying;

m) placing in bottles, cans, flasks, bags, cases, boxes, fixing on surface and all other simple packaging operations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

o) simple mixing of products (components) which does not lead to a sufficient difference of product from the original components;

p) simple assembly of a product or disassembly of products into parts; and q) slaughter of animals, sorting of meat.

2. For the purposes of paragraph 1 of this Article, “simple” describes activities which do not require special skills or machines, apparatus or equipment especially designed for carrying out such activities.

ARTICLE 4.7. Accumulation of Origin

Without prejudice to Article 4.3 of this Agreement, the goods or materials originating in a Party, which are used as material in the manufacture of a product in the other Party, shall be considered as originating in such Party where the last operations other than those referred to in paragraph 1 of Article 4.6 of this

Agreement have been carried out. The origin of such material shall be confirmed by a Certificate of Origin (Form EAV) issued by an authorised body.

ARTICLE 4.8. De Minimis

1. Goods that do not undergo a change in tariff classification pursuant to Annex 3 to this Agreement are nonetheless considered originating if:

a) the value of all non-originating materials that are used in the production of the goods and do not undergo the required change in tariff classification, does not exceed 10 percent of the FOB value of such goods; and

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The value of materials referred to in subparagraph a) of paragraph 1 of this Article shall be included in the value of non-originating materials for any applicable VAC requirement.

ARTICLE 4.9. Direct Consignment

1. Preferential tariff treatment in accordance with this Chapter shall be granted to originating goods provided that such goods are transported directly from the territory of the exporting Party to the territory of the importing Party.

2. Notwithstanding paragraph 1 of this Article, originating goods may be transported through the territory of one or more third countries, provided that:

a) transit through the territory of a third country is justified for geographical reasons or related exclusively to transport requirements;

b) the goods have not entered into trade or consumption there; and

c) the goods have not undergone any operation there other than unloading, reloading, storing or any necessary operation designed to preserve their condition.

3. A declarant shall submit appropriate documentary evidence to the customs authorities of the importing Party confirming that the conditions set out in paragraph 2 of this Article have been fulfilled. Such evidence shall be provided to the customs authorities of the importing Party by submission of:

a) the transport documents covering the passage from the territory of a Party to the territory of the other Party containing:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ii. the dates of unloading and reloading of the goods (if the transport documents do not contain the dates of unloading and reloading of the goods, other supporting document containing such information shall be submitted in addition to transport documents); and

iii. where applicable:

- the names of the ships or other means of transport used;

- the containers’ numbers;

- the conditions under which the goods remained in the country of transit in proper condition;

- the marks of the customs authorities of the country of transit; and b) the commercial invoice in respect of the goods.

4. A declarant may submit other supporting documents to prove that the requirements of paragraph 2 of this Article are fulfilled.

5. If the transport documents cannot be provided, a document issued by the customs authorities of the country of transit containing all the information referred to in subparagraph a) of paragraph 3 of this Article shall be submitted.

6. If a declarant fails to provide the customs authorities of the importing Party with documentary evidence of direct consignment, preferential tariff treatment shall not be granted.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The importing Party shall grant preferential tariff treatment for originating goods in cases where the invoice is issued by a person registered in a third country, provided that such goods meet the requirements of this Chapter.

2. Notwithstanding paragraph 1 of this Article the importing Party shall not grant preferential tariff treatment in cases where the invoice is issued by a person registered in a third country included in the list of offshore countries to be established in a joint protocol. The respective competent authorities of the Parties shall be entitled to adopt such protocol by mutual consent and shall make it publicly available.

3. Without prejudice to paragraph 2 of this Article before the joint protocol referred to in paragraph 2 of this Article is adopted, the list of offshore countries or territories specified in Annex 4 to this Agreement shall apply.

ARTICLE 4.11. Packaging Materials for Retail Sale

1. Packaging materials and containers in which goods are packaged for retail sale, if classified with the goods, shall be disregarded in determining whether all the non-originating materials used in the production of those goods have undergone the applicable change in tariff classification set out in Annex 3 to this Agreement.

2. Notwithstanding paragraph 1 of this Article in determining whether the goods fulfil the VAC requirement, the value of the packaging used for retail sale will be counted as originating or non-originating materials, as the case may be, in calculating the VAC of the goods.

ARTICLE 4.12. Packing Materials for Shipment

Packing materials and containers in which goods are packed exclusively for transport shall not be taken into account for the purposes of establishing whether the goods are originating.

ARTICLE 4.13. Accessories, Spare Parts, Tools and Instructional or Other Information Materials

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Notwithstanding paragraph 1 of this Article in determining whether the goods fulfil the VAC requirement, the value of accessories, spare parts, tools and instructional or other information materials shall be taken into account as originating materials or non-originating materials, as the case may be, in calculating VAC of the goods.

3. This Article shall apply only where:

a) accessories, spare parts, tools and instructional or other information materials presented with the goods are not invoiced separately from such goods; and

b) the quantities and value of accessories, spare parts, tools and instructional or other information materials presented with the goods are customary for such goods.

ARTICLE 4.14. Sets

Sets, as defined in Rule 3 of the General Rules of the interpretation of the Harmonized System, shall be regarded as originating when all component products are originating. Nevertheless, when a set is composed of originating and non-originating products, the set as a whole shall be regarded as originating, provided that the value of the non-originating products does not exceed 15 percent of the FOB value of the set.

ARTICLE 4.15. Indirect Materials

In order to determine the origin of goods, the origin of the following indirect materials which might be used in the production of such goods and not be incorporated into such goods shall not be taken into account:

a) fuel and energy;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) spare parts and materials used in the maintenance of equipment and buildings;

d) lubricants, greases, compounding materials and other materials used in the production or used to operate equipment and buildings;

e) gloves, glasses, footwear, clothing, safety equipment;

f) equipment, devices used for testing or inspecting the goods;

g) catalyst and solvent; and

h) any other goods that are not incorporated into such goods but the use of which in the production of such goods can be demonstrated to be a part of that production.

Section II

DOCUMENTARY PROOF OF ORIGIN

ARTICLE 4.16. Claim for Preferential Tariff Treatment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Certificate of Origin submitted to the customs authorities of the importing Party shall be an original, valid and in conformity with the format as set out in Annex 5 to this Agreement and shall be duly completed in accordance with the requirements set out in Annex 5 to this Agreement.

3. The authorised body of the exporting Party shall ensure that Certificates of Origin are duly completed in accordance with the requirements set out in Annex 5 to this Agreement.

4. The Certificate of Origin shall be valid for a period of 12 months from the date of issuance and must be submitted to the customs authorities of the importing Party within that period but not later than the moment of the submission of the import customs declaration, except in circumstances stipulated in paragraph 2 of Article 4.20 of this Agreement.

5. Where the central customs authorities and the authorised bodies of the Parties have developed and implemented the Electronic Origin Certification and Verification System (hereinafter referred to as “EOCVS”) referred to in Article 4.29 of this Agreement, the customs authorities of the importing Party in accordance with its respective domestic laws and regulations may not require the submission of the original Certificate of Origin if the customs declaration is submitted by electronic means. In this case, the date and number of such Certificate of Origin shall be specified in the customs declaration. Where the customs authorities of the importing Party have a reasonable doubt as to the origin of the goods for which preferential tariff treatment is claimed and/or there is a discrepancy with the information containing in the EOCVS, the customs authorities of the importing Party may require the submission of the original Certificate of Origin.

ARTICLE 4.17. Circumstances When Certificate of Origin Is Not Required

A Certificate of Origin is not required in order to obtain preferential tariff treatment for commercial or non-commercial importation of originating goods where the customs value does not exceed the amount of 200 US dollars or the equivalent amount in the importing Party’s currency or such higher amount as such importing Party may establish, provided that the importation does not form part of one or more consignments that may reasonably be considered to have been undertaken or arranged for the purposes of avoiding the submission of the Certificate of Origin.

ARTICLE 4.18. Issuance of Certificate of Origin

1. The producer or exporter of the goods or its authorised representative shall apply to an authorised body of the exporting Party for a Certificate of Origin in writing or by electronic means if applicable.

2. The Certificate of Origin shall be issued by the authorised body of the exporting Party to the producer or exporter of the goods or its authorised representative prior to or at the time of exportation whenever the goods to be exported can be considered originating in a Party within the meaning of this Chapter.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Each Certificate of Origin shall bear a unique reference number separately given by the authorised body.

5. If all goods covered by the Certificate of Origin cannot be listed on one page, additional sheets, as set out in Annex 5 to this Agreement, shall be used.

6. The Certificate of Origin shall be done in hard copy and shall comprise one original and two copies.

7. One copy shall be retained by the authorised body of the exporting Party. The other copy shall be retained by the exporter.

8. Without prejudice to paragraph 4 of Article 4.16 of this Agreement, in exceptional cases, where a Certificate of Origin has not been issued prior to or at the time of exportation it may be issued retroactively and shall be marked “ISSUED RETROACTIVELY”.

9. The submitted original Certificate of Origin shall be retained by the customs authorities of the importing Party except in circumstances stipulated in its respective domestic laws and regulations.

ARTICLE 4.19. Minor Discrepancies

1. Where the origin of the goods is not in doubt, the discovery of minor discrepancies between the information in the Certificate of Origin and in the documents submitted to the customs authorities of the importing Party shall not, of themselves, invalidate the Certificate of Origin, if such information in fact corresponds to the goods submitted.

2. For multiple goods declared under the same Certificate of Origin, a problem encountered with one of the goods listed shall not affect or delay the granting of preferential tariff treatment for the remaining goods covered by the Certificate of Origin.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. In the event of theft, loss or destruction of a Certificate of Origin, the producer or exporter of the goods or its authorised representative may apply to the authorised body of the exporting Party for a certified duplicate of the original Certificate of Origin, specifying the reasons for such application. The duplicate shall be made on the basis of the previously issued Certificate of Origin and supporting documents. A certified duplicate shall bear the words “DUPLICATE OF THE CERTIFICATE OF ORIGIN NUMBER_DATE_”. The certified duplicate of a Certificate of Origin shall be valid no longer than 12 months from the date of issuance of the original Certificate of Origin.

2. Due to accidental errors or omissions made in the original Certificate of Origin, the authorised body shall issue the Certificate of Origin in substitution for the original Certificate of Origin. In this instance, the Certificate of Origin shall bear the words: “ISSUED IN SUBSTITUTION FOR THE CERTIFICATE OF ORIGIN NUMBER_ DATE ”. Such Certificate of Origin shall be valid no longer than 12 months from the date of issuance of the original Certificate of Origin.

ARTICLE 4.21. Alterations in Certificate of Origin

Neither erasures nor superimpositions shall be allowed on the Certificate of Origin. Any alteration shall be made by striking out the erroneous data and printing any additional information required. Such alteration shall be approved by a person authorised to sign the Certificate of Origin and certified by an official seal of the appropriate authorised body.

ARTICLE 4.22. Record-Keeping Requirements

1. The producer and/or exporter of the goods shall keep all records and copies of the documents submitted for the issuance of a Certificate of Origin for the period of no less than three years from the date of issuance of the Certificate of Origin.

2. An importer who has been granted preferential tariff treatment must keep the copy of the Certificate of Origin, based on the date when the preferential tariff treatment was granted, for the period of no less than three years.

3. The application for a Certificate of Origin and all documents related to such application shall be retained by the authorised body for the period of no less than three years from the date of issuance of the Certificate of Origin.

Section III

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 4.23. Granting Preferential Tariff Treatment

1. Preferential tariff treatment under this Agreement shall be applied to originating goods that satisfy the requirements of this Chapter.

2. Customs authorities of the importing Party shall grant preferential tariff treatment to originating goods of the exporting Party provided that:

a) the goods satisfy the origin criteria referred to in Article 4.3 of this Agreement;

b) the declarant demonstrates compliance with the requirements of this Chapter;

c) a valid and duly completed original Certificate of Origin has been submitted in accordance with the requirements of Section II (Documentary Proof of Origin) of this Chapter to the customs authorities of the importing Party. An original Certificate of Origin may not be required to be submitted if the Parties have implemented the EOCVS as stipulated in paragraph 5 of Article 4.16 of this Agreement.

3. Notwithstanding paragraph 2 of this Article, where the customs authorities of the importing Party have a reasonable doubt as to the origin of the goods for which preferential tariff treatment is claimed and/or to the authenticity of the submitted Certificate of Origin, such customs authorities may suspend or deny the application of preferential tariff treatment to such goods. However, the goods can be released in accordance with the requirements of such Party’s respective domestic laws and regulations.

ARTICLE 4.24. Denial of Preferential Tariff Treatment

1. Where the goods do not meet the requirements of this Chapter or where the importer or exporter of the goods fails to comply with the requirements of this Chapter, the customs authorities of the importing Party may deny preferential tariff treatment and recover unpaid customs duties in accordance with the respective domestic laws and regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) the goods do not meet the requirements of this Chapter to be considered as originating in the exporting Party; and/or

b) other requirements of this Chapter are not met, including:

i. the requirements of Article 4.9 of this Agreement;

ii. the requirements of Article 4.10 of this Agreement;

iii. the submitted Certificate of Origin has not been duly completed as specified in Annex 5 to this Agreement;

c) the verification procedures undertaken under Articles 4.30 and 4.31 of this Agreement are unable to establish the origin of the goods or indicate the inconsistency of the origin criteria;

d) the verification authority of the exporting Party has confirmed that the Certificate of Origin had not been issued (i.e. forged) or had been annulled (withdrawn);

e) the customs authorities of the importing Party receive no reply within a maximum of six months after the date of a verification request made to the verification authority of the exporting Party, or if the response to the request does not contain sufficient information to conclude whether the goods originate in a Party; or

f) the customs authorities of the importing Party within 60 days from the date of dispatch of the notification, stipulated in paragraph 2 of Article 4.31 of this Agreement, do not receive a written consent from the verification authority, pursuant to paragraph 5 of Article 4.31 of this Agreement, for conducting a verification visit or receive a refusal to conduct such verification visit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. In cases as set out in subparagraph b) of paragraph 2 of this Article and paragraph 1 of Article 4.25 of this Agreement customs authorities of the importing Party are not required to make a verification request, as provided for in Article 4.30 of this Agreement, to the authorised body for the purposes of making decisions on denial of preferential tariff treatment.

ARTICLE 4.25. Temporary Suspension of Preferential Tariff Treatment

1. Where a Party has found:

a) systematic fraud regarding claims of preferential tariff treatment under this Agreement in respect of the goods exported or produced by a person of the other Party; or

b) that the other Party systematically and unjustifiably refuses to fulfil obligations under Articles 4.30 and/or 4.31 of this Agreement, such Party may in exceptional circumstances temporarily suspend preferential tariff treatment under this Agreement.

2. Temporary suspension of preferential tariff treatment referred to in paragraph 1 of this Article may be applied to the goods concerned:

a) of a person where the importing Party has concluded that such person of the exporting Party has committed systematic fraud regarding claims of preferential tariff treatment under this Agreement;

b) of the person who is subject to verification request or verification visit request referred to in subparagraph b) of paragraph 1 of this Article.

3. Where the importing Party has concluded that the already suspended preferential tariff treatment in accordance with subparagraph a) of paragraph 2 of this Article had not resulted in cessation of systematic fraud regarding claims of preferential tariff treatment under this Agreement, it may temporarily suspend preferential tariff treatment with regard to identical goods classified in the same tariff lines at 8-10 digit level of the respective domestic nomenclatures of the Parties.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) a finding of systematic fraud can be made where a Party has concluded that a person of the other Party has systematically provided false or incorrect information in order to obtain preferential tariff treatment under this Agreement as a result of an investigation based on objective, compelling and verifiable information;

b) systematic and unjustifiable refusal to fulfil obligations under Articles 4.30 and/or 4.31 of this Agreement means a systematic refusal to verify the originating status of the goods concerned and/or to carry out verification visits as requested by a Party or absence of response to verification and verification visit requests;

c) identical goods means the goods which are the same in all respects including physical characteristics, quality and reputation.

5. A Party that has made a finding pursuant to paragraph 1 or 3 of this Article, shall:

a) notify the other Party and provide the information and evidence upon which the finding was based;

b) engage in consultations with the other Party with a view to achieving a mutually acceptable solution.

6. If the Parties have not achieved a mutually acceptable solution within 30 days of the engagement into consultations pursuant to subparagraph b) of paragraph 5 of this Article, the Party that has made the finding shall refer the issue to the Joint Committee.

7. If the Joint Committee has not resolved the issue within 60 days of the referral of such issue to the Joint Committee, the Party which has made the finding may temporarily suspend preferential tariff treatment under this Agreement pursuant to paragraphs 2 and 3 of this Article. The Party that has made a decision on temporary suspension shall immediately notify the other Party and the Joint Committee. Temporary suspension shall not apply to the goods which have already been exported on the day that the temporary suspension comes into effect. The day of such exportation shall be the date of a transport document issued by a carrier.

8. Temporary suspension of preferential tariff treatment under this Article may be applied until the exporting Party provides convincing evidence of the ability to comply with the requirements of this Chapter and ensure the fulfilment of all the requirements of this Chapter by producers or exporters of the goods but shall not exceed a period of four months, which may be renewed for no longer than three months.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section IV

ADMINISTRATIVE COOPERATION

ARTICLE 4.26. Administrative Cooperation Language

Any notification or communication under this Section shall be conducted between the Parties through the relevant authorities in the English language.

ARTICLE 4.27. Authorised Body and Verification Authority

Each Government of the Parties shall designate or maintain an authorised body and a verification authority.

ARTICLE 4.28. Notifications

1.  Prior to the issuance of any Certificate of Origin under this Agreement by the authorised body, each Party shall provide the other Party, through the Ministry of Industry and Trade of Viet Nam and the Eurasian Economic Commission, respectively, with the names and addresses of each authorised body and verification authority, together with the original and legible specimen impressions of their stamps, sample of the Certificate of Origin to be used and data on the security features of the Certificate of Origin.

2. Viet Nam shall provide the Eurasian Economic Commission with the original information referred to in paragraph 1 of this Article in sextuplicate. The Eurasian Economic Commission may request Viet Nam to provide additional sets of such information.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Any change to the information stipulated in this Article shall be notified by the Ministry of Industry and Trade of Viet Nam and the Eurasian Economic Commission in advance and in the same manner.

ARTICLE 4.29. Development and Implementation of Electronic Origin Certification and Verification System

1. The Parties shall endeavour to implement an EOCVS no later than two years from the date of entry into force of this Agreement.

2. The purpose of the EOCVS is the creation of a web-database that records the details of all Certificates of Origin issued by an authorised body and that is accessible to the customs authorities of the other Party to check the validity and content of any issued Certificate of Origin.

3. The Parties shall establish a working group that shall endeavour to develop and implement an EOCVS.

ARTICLE 4.30. Verification of Origin

1. Where the customs authorities of the importing Party have a reasonable doubt about the authenticity of a Certificate of Origin and/or the compliance of the goods, covered by the Certificate of Origin, with the origin criteria, pursuant to Article 4.3 of this Agreement, and in the case of a random check, they may send a request to the verification authority or authorised body of the exporting Party to confirm the authenticity of the Certificate of Origin and/or the compliance of the goods with the origin criteria and/or to provide, if requested, documentary evidence from the producer and/or exporter of the goods.

2. All verification requests shall be accompanied by sufficient information to identify the concerned goods. A request to the verification authority of the exporting Party shall be accompanied by a copy of the Certificate of Origin and shall specify the circumstances and reasons for the request.

3. The recipient of a request under paragraph 1 of this Article shall respond to the requesting customs authorities of the importing Party within six months after the date of such verification request.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 4.31. Verification Visit

1. If the customs authorities of the importing Party are not satisfied with the outcome of the verification referred to in Article 4.30 of this Agreement, they may, under exceptional circumstances, request verification visits to the exporting Party to review the records referred to in Article 4.22 of this Agreement and/or observe the facilities used in the production of the goods.

2. Prior to conducting a verification visit pursuant to paragraph 1 of this Article the customs authorities of the importing Party shall deliver a written notification of their intention to conduct the verification visit to the verification authority of the Party in the territory of which the verification visit is to occur.

3. The written notification referred to in paragraph 2 of this Article shall be as comprehensive as possible and shall include, inter alia:

a) the name of the customs authorities of the Party issuing the notification;

b) the names of the producer and/or exporter of the goods whose premises are to be visited;

c) the proposed date of the verification visit;

d) the coverage of the proposed verification visit, including reference to the goods subject to the verification and to the doubts regarding their origin; and

e) the names and designation of the officials performing the verification visit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Where a written consent from the verification authority is not obtained within 60 days from the date of dispatch of the notification pursuant to paragraph 2 of this Article or the notifying Party receives a refusal to conduct such a verification visit, the notifying Party shall deny preferential tariff treatment to the goods referred to in the Certificate(s) of Origin that would have been subject to the verification visit.

6. Any verification visit shall be launched within 60 days from the date of the receipt of written consent and finished within a reasonable period of time.

7. The authority conducting the verification visit shall, within a maximum period of 90 days from the first day the verification visit was conducted, provide the producer and/or exporter of the goods, whose goods and premises are subject to such verification, and the verification authority of the exporting Party with a written determination of the outcomes of the verification visit.

8. The verification visit including the actual visit and determination of whether the concerned goods are originating or not shall be carried out and its results sent to the authorised body within a maximum of 210 days. Before the results of the verification visit are available paragraph 3 of Article 4.23 of this Agreement may be applied.

9. Any suspended or denied preferential tariff treatment shall be reinstated upon the written determination that the goods qualify as originating and the certain origin criteria under this Agreement are fulfilled.

10. Verification team must be formed by the central customs authority of the importing Party in accordance with the respective domestic laws and regulations.

11. The verification authority or the authorised body of the exporting Party shall assist in the verification visit conducted by the customs authorities of the importing Party.

12. The producer and/or exporter of the goods who has given consent for verification visit, shall assist in its implementation, provide access to the premises, financial (accounting) and production documents related to the subject of the verification visit and shall provide any additional information and/or documents, if so requested.

13. If there are obstacles by the authorities or entities of the inspected Party during the verification visit, which result in the absence of possibility to conduct the verification visit, the importing Party has the right to deny preferential tariff treatment to the concerned goods.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 4.32. Confidentiality

All information provided pursuant to this Chapter shall be treated by the Parties as confidential in accordance with their respective domestic laws and regulations.

It shall not be disclosed without the permission of the person or authority of the Party providing it.

ARTICLE 4.33. Penalties or Other Measures against Fraudulent Acts

Each Party shall provide for criminal or administrative penalties for violations of its respective laws and regulations related to this Chapter.

ARTICLE 4.34. Sub-Committee on Rules of Origin

1. For the purposes of effective implementation and operation of this Chapter, the Parties hereby establish a Sub-Committee on Rules of Origin (hereinafter referred to as “the ROO Sub-Committee”).

2. The ROO Sub-Committee shall have the following functions:

a) reviewing and making appropriate recommendations to the Joint

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i. transposition of Annex 3 to this Agreement that is in the nomenclature of the revised HS following periodic amendments of the HS. Such transposition shall be carried out without impairing the existing commitments and shall be completed in a timely manner;

ii. implementation and operation of this Chapter, including proposals for establishing implementing arrangements;

iii. failure to fulfil the obligations by the Parties, as determined in this Section;

iv. technical amendments to this Chapter;

v. amendments to Annex 3 to this Agreement;

vi. disputes arising between the Parties during the implementation of this Chapter; and

vii. any amendment to the provisions of this Chapter and to Annexes 3, 4 and 5 to this Agreement;

b) considering any other matter proposed by a Party relating to this Chapter;

c) reporting the findings of the ROO Sub-Committee to the Goods Committee; and

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The ROO Sub-Committee shall be composed of the representatives of the Parties and may invite representatives of other entities of the Parties with necessary expertise relevant to the issues to be discussed upon mutual agreement of the Parties.

4. The ROO Sub-Committee shall meet at such time and venue as may be agreed by the Parties but not less than once a year.

5. A provisional agenda for each meeting shall be forwarded to the Parties, as a general rule, no later than one month before the meeting.

Section V

TRANSITIONAL PROVISIONS

ARTICLE 4.35. Goods in Transportation or Storage

Originating goods which have been in transportation from the exporting Party to the importing Party, or which have been in temporary storage in a bonded area in the importing Party for a period not exceeding one year before the entry into force of this Agreement, shall be granted preferential tariff treatment if they are imported into the importing Party on or after the date of entry into force of this Agreement, subject to the submission of a Certificate of Origin issued retroactively to the customs authorities of the importing Party and subject to the respective domestic laws and regulations or administrative practices of the importing Party.

Chapter 5

CUSTOMS ADMINISTRATION AND TRADE FACILITATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Chapter shall apply to customs administration measures and performance of customs operations required for the release of goods traded between the Parties, in order to promote:

a) transparency of customs procedures and customs formalities;

b) trade facilitation and harmonisation of customs operations; and

c) customs cooperation including exchange of information between the central customs authorities of the Parties.

ARTICLE 5.2. Definitions

For the purposes of this Chapter:

a) “customs administration” means organisational and management activities of the customs authorities of a Party as well as activities carried out within the regulatory framework while implementing the objectives in the customs area;

b) “customs laws and regulations” means any norm and regulation enforced by the customs authorities of a Party including laws, rulings, decrees, writs, rules and others;

c) “express consignments” means goods delivered through high-speed transportation systems by any type of transport, using an electronic

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) “inward processing” means the customs procedure under which foreign goods can be brought into the customs territory of a Party conditionally relieved from payment of customs duties and taxes on the basis that such goods are intended for processing or repair and subsequent exportation from the customs territory of such Party within a specified period of time;

e) “outward processing” means the customs procedure under which goods, which are in free circulation in the customs territory of a Party, may be temporarily exported for processing abroad and then re-imported with total exemption from customs duties and taxes; and

f) “temporary admission” means the customs procedure under which foreign goods can be brought into the customs territory of a Party conditionally relieved totally or partially from payment of customs duties and taxes on the basis that such goods shall be re-exported within a specified period of time in accordance with the customs laws and regulations of such Party.

ARTICLE 5.3. Facilitation of Customs Administration Measures

1. Each Party shall ensure that the customs administration measures applied by its customs authorities are predictable, consistent and transparent.

2. Customs administration measures of each Party shall, where possible and to the extent permitted by its customs laws and regulations, be based on the standards and recommended practices of the World Customs Organization.

3. The central customs authorities of each Party shall endeavour to review their customs administration measures with a view to simplifying such measures in order to facilitate trade.

ARTICLE 5.4. Release of Goods

1. Each Party shall adopt or maintain the performance of customs procedures and operations for the efficient release of goods in order to facilitate trade between the Parties. This shall not require a Party to release goods where its requirements for the release of such goods have not been met.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) provide for the release of goods within a period of time no longer than 48 hours from the registration of a customs declaration except in the circumstances stipulated in the customs laws and regulations of the Parties; and

b) endeavour to adopt or maintain electronic submission and processing of customs information in advance of arrival of the goods to expedite the release of goods upon arrival.

ARTICLE 5.5. Risk Management

Customs authorities of the Parties shall apply a risk management system by means of a systematic assessment of risks to focus inspections on high-risk goods and simplify the application of customs operations on low-risk goods.

ARTICLE 5.6. Customs Cooperation

1. With a view to facilitating the effective operation of this Agreement, central customs authorities of the Parties shall encourage cooperation with each other on key customs issues that affect goods traded between the Parties.

2. Where a central customs authority of a Party in accordance with such Party’s respective laws and regulations has a reasonable suspicion of an unlawful activity, such central customs authority may request the central customs authority of the other Party to provide specific confidential information normally collected in connection with the exportation and/or importation of goods.

3. A Party’s request under paragraph 2 of this Article shall be in writing, specifying the purpose for which the information is sought and shall be accompanied by sufficient information to identify the concerned goods.

4. The requested Party under paragraph 2 of this Article shall provide a written response containing the requested information.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The central customs authorities of the Parties shall endeavour to establish and maintain channels of communication for customs cooperation, including establishing contact points that will facilitate the rapid and secure exchange of information, and improve coordination on customs issues.

ARTICLE 5.7. Information Exchange

1. In order to facilitate the performance of customs operations, to expedite the release of goods and to prevent violations of customs laws and regulations, the central customs authorities of the Parties shall create and implement electronic information exchange on a regular basis between them (hereinafter referred to as “electronic information exchange”) within five years from the date of entry into force of this Agreement.

2. On behalf of the Eurasian Economic Union, the Eurasian Economic Commission shall coordinate the creation and facilitate the operation of the electronic information exchange.

3. For the purposes of this Article, “information” means relevant and authentic data from customs declarations and transport documents.

4. Within one year from the date of entry into force of this Agreement, the central customs authorities of the Member States of the Eurasian Economic Union with the assistance of the Eurasian Economic Commission and the central customs authority of Viet Nam shall enter into consultations in order to develop electronic information exchange in accordance with paragraph 6 of this Article.

5. All requirements and specifications for the operation of electronic information exchange as well as specific contents of information to be exchanged shall be set out in separate protocols between the central customs authorities of the Parties. Such information shall be sufficient for identification of transported goods and performance of efficient customs control.

6. The implementation of electronic information exchange shall be divided into the following stages:

a) not later than two years from the date of entry into force of this Agreement the authorities involved shall establish trial electronic information exchange between individual customs authorities of the

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) not later than three years from the date of entry into force of this Agreement electronic information exchange shall cover goods for which the trade flow between the Parties will have increased more than 20 percent from the date of entry into force of this Agreement; and

c) not later than five years from the date of entry into force of this Agreement central customs authorities of the Parties shall provide the application of electronic information exchange, covering all goods traded between the Parties, for all customs authorities concerned.

7. Any information exchanged in accordance with the provisions of this Article shall be treated as confidential and shall be used for customs purposes only.

8. The operation of electronic information exchange shall not hinder the application or establishment of any information exchange based on international obligations of the Parties.

ARTICLE 5.8. Publication

1. The competent authorities of each Party shall publish, on the internet or through any other appropriate media, the customs laws and regulations of such Party.

2. The competent authorities of each Party shall designate or maintain one or more enquiry points to process enquiries from interested persons concerning customs issues, and shall publish on the internet information concerning such enquiry points.

3. The competent authorities of a Party shall inform the competent authorities of the other Party of the contact information of the designated enquiry points.

4. To the extent possible, each Party shall publish in advance its laws and regulations of general application governing customs issues that it proposes to adopt and shall provide interested persons with an opportunity to comment before adopting such laws and regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Customs authorities of the Parties shall provide any applicant registered in the importing Party in writing with advance rulings in respect of tariff classification, origin of goods and any additional matter which a Party considers appropriate. The Parties shall endeavour to adopt or maintain the issuance of advance rulings in respect of the application of the method to be used for determining the customs value.

2. Each Party shall adopt or maintain procedures for advance rulings, which shall:

a) provide that the applicant may apply for an advance ruling before the importation of goods;

b) require that the applicant for an advance ruling provide a detailed description of the goods and all relevant information needed to process an advance ruling;

c) provide that its customs authority may, within 30 days from the date of application, request that the applicant provide additional information within a specified period of time;

d) provide that any advance ruling be based on the facts and circumstances presented by the applicant and any other relevant information available to its customs authority; and

e) provide that an advance ruling be issued to the applicant expeditiously, or in any case within 90 days from the date of the application or 60 days from the date of receipt of all necessary additional information.

3. A customs authority of a Party may reject requests for an advance ruling where the additional information requested by it in accordance with subparagraph c) of paragraph 2 of this Article is not provided within the specified period of time.

4. An advance ruling is valid for at least three years from the date of issuance, or such other period of time exceeding the specified period as required by the customs laws and regulations of the Parties.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) upon a determination that the advance ruling was based on false or inaccurate information;

b) if there is a change in the customs laws and regulations consistent with this Agreement; or

c) if there is a change in material facts or circumstances on which the advance ruling is based.

6. Subject to confidentiality requirements, the customs authorities of the Parties shall publish advance rulings.

ARTICLE 5.10. Customs Valuation

The customs value of goods traded between the Parties shall be determined in accordance with the customs laws and regulations of the importing Party based on the provisions of Article VII of GATT 1994 and the Agreement on Implementation of Article VII of the General Agreement on Tariffs and Trade 1994, in Annex 1A to the WTO Agreement.

ARTICLE 5.11. Tariff Classification

The Parties shall apply nomenclatures of goods based on the current edition of the Harmonized System to goods traded between them.

ARTICLE 5.12. Transit of Goods

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 5.13. Express Consignments

1. Customs authorities of the Parties shall provide expedited customs clearance for express consignments while maintaining appropriate customs control.

2. Express consignments shall be placed under the customs procedure in an expedited manner in accordance with the customs laws and regulations of the respective Party.

ARTICLE 5.14. Temporary Admission of Goods

In accordance with international standards, customs authorities of the Parties shall endeavour to facilitate the performance of customs operations for the customs procedure of temporary admission of goods.

ARTICLE 5.15. Inward Processing and Outward Processing

In accordance with international standards, customs authorities of the Parties shall endeavour to facilitate the performance of customs operations for temporary importation and exportation of goods for inward processing or outward processing.

ARTICLE 5.16. Confidentiality

All information provided in accordance with this Chapter, excluding statistics, shall be treated by the Parties as confidential in accordance with the respective laws and regulations of the Parties. It shall not be disclosed by the authorities of the Parties without the permission of the person or authority of the Party providing such information.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The customs laws and regulations of each Party shall enable declarants to submit their customs declarations without requiring mandatory recourse to the services of customs agents (representatives).

ARTICLE 5.18. Automation

1. The customs authorities of the Parties shall ensure that customs operations may be performed with the use of information systems and information technologies, including those based on electronic means of communication.

2. The central customs authorities of the Parties shall provide declarants with an opportunity to declare goods in electronic form.

ARTICLE 5.19. Review and Appeal

Each Party shall ensure the possibility of administrative review of customs decisions affecting rights of interested persons and judicial appeal against such decisions in accordance with the laws and regulations of the respective Party.

ARTICLE 5.20. Penalties

Each Party shall adopt or maintain measures that allow for the imposition of administrative penalties for violations of its customs laws and regulations during importation and exportation, including provisions on tariff classification, customs valuation, determination of country of origin and obtaining preferential tariff treatment under this Agreement.

Chapter 6

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 6.1. Objectives

The objectives of this Chapter are to facilitate trade in goods between the Parties by:

a) promoting cooperation on the preparation, adoption and application of standards, technical regulations and conformity assessment procedures in order to eliminate unnecessary technical barriers to trade, reduce, where possible, unnecessary costs to exporters;

b) promoting mutual understanding of each Party’s standards, technical regulations and conformity assessment procedures;

c) strengthening information exchange between the Parties in relation to the preparation, adoption and application of standards, technical regulations and conformity assessment procedures;

d) strengthening cooperation between the Parties in the work of international bodies related to standardisation and conformity assessment;

e) providing a framework to realise these objectives; and

f) promoting cooperation on issues relating to technical barriers to trade.

ARTICLE 6.2. Scope

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) purchasing specifications prepared by governmental bodies for production or consumption requirements of governmental bodies; and

b) sanitary or phytosanitary measures as defined in Chapter 7 (Sanitary and Phytosanitary Measures) of this Agreement.

2. In accordance with this Chapter and the TBT Agreement each Party has the right to prepare, adopt and apply standards, technical regulations and conformity assessment procedures.

ARTICLE 6.3. Definitions

For the purposes of this Chapter, the definitions set out in Annex 1 to the TBT Agreement shall apply, mutatis mutandis.

ARTICLE 6.4. Incorporation of the TBT Agreement

Except as otherwise provided for in this Chapter, the TBT Agreement shall apply between the Parties and is incorporated into and form part of this Agreement, mutatis mutandis.

ARTICLE 6.5. Transparency

1. The Parties acknowledge the importance of transparency with regard to the preparation, adoption and application of standards, technical regulations and conformity assessment procedures.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Each Party should allow at least 180 days from the adoption of a technical regulation and/or conformity assessment procedure and their/its entry into force, except for situations where urgent problems of safety, health, environmental protection or national security arise or threaten to arise for the Parties.

4. The Parties shall, to the fullest extent possible, endeavour to exchange information in the English language.

ARTICLE 6.6. Marking and Labelling

The Parties note that in accordance with paragraph 1 of Annex 1 to the TBT Agreement, a technical regulation may include or deal exclusively with marking or labelling requirements, and agree that where such technical regulation contains mandatory marking or labelling requirements, they will act in accordance with the principles of Article 2.2 of the TBT Agreement that technical regulations should not be prepared, adopted and applied with a view to, or with the effect of, creating unnecessary obstacles to international trade, and should not be more trade restrictive than necessary to fulfil a legitimate objective.

ARTICLE 6.7. Consultations

1. Where the day to day application of standards, technical regulations and conformity assessment procedures is affecting trade between the Parties, a Party may request consultations aimed at resolving the matter. A request for consultations shall be directed to the other Party’s contact point established in accordance with Article 6.9 of this Agreement.

2. Each Party shall make every effort to give prompt and positive consideration to any request from the other Party for consultations on issues relating to the implementation of this Chapter.

3. Where a matter covered under this Chapter cannot be clarified or resolved as a result of consultations, the Parties may establish an ad hoc working group with a view to identifying a workable and practical solution that would facilitate trade. The working group shall comprise representatives of the Parties.

4. Where a Party declines a request from the other Party to establish a working group, it shall, upon request, explain the reasons for its decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. For the purposes of ensuring that standards, technical regulations and conformity assessment procedures do not create unnecessary obstacles to trade in goods between the Parties, the Parties shall, where possible, cooperate in the field of standards, technical regulations and conformity assessment procedures.

2. The cooperation pursuant to paragraph 1 of this Article may include the following:

a) holding joint seminars in order to enhance mutual understanding of standards, technical regulations and conformity assessment procedures in each Party;

b) exchanging officials of the Parties for training purposes;

c) exchanging information on standards, technical regulations and conformity assessment procedures;

d) strengthening cooperation in international fora, including international bodies related to standardisation and conformity assessment and the WTO Committee on Technical Barriers to Trade, in areas of mutual interest;

e) encouraging the bodies responsible for standards, technical regulations and conformity assessment procedures in each Party to cooperate on matters of mutual interest;

f) providing scientific and technical cooperation in order to improve the quality of technical regulations; and

g) making efficient use of regulatory resources.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Cooperation on issues relating to technical barriers to trade may be undertaken, inter alia, through dialogue in appropriate channels, joint projects and technical assistance.

5. The Parties may conduct joint projects, technical assistance and cooperation on standards, technical regulations and conformity assessment procedures in selected areas, as mutually agreed.

6. The Parties undertake to exchange views on matters of market surveillance and enforcement activities in the field thereof relating to technical barriers to trade.

7. Upon request, a Party shall give appropriate consideration to proposals that the other Party makes for cooperation under this Chapter.

8. In order to promote cooperation in the framework of this Chapter, the Parties may conclude ad hoc arrangements on the matters covered therein.

ARTICLE 6.9. Competent Authorities and Contact Points

1. The Parties shall designate competent authorities and contact points and exchange information containing the names of the designated competent authorities and contact points, contact details of relevant officials in such competent authorities and contact points, including telephone and facsimile numbers, email addresses and other relevant details.

2. The Parties shall promptly notify each other of any change to their competent authorities and contact points or amendment to the information of the relevant officials.

3. The contact points’ functions shall include the following:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) referring the enquiries from a Party to the appropriate regulatory authorities.

4. The competent authorities’ functions shall include:

a) monitoring the implementation of this Chapter;

b) facilitating cooperation activities, as appropriate, in accordance with Article 6.8 of this Agreement;

c) promptly addressing any issue that a Party raises related to the preparation, adoption, application or enforcement of standards, technical regulations and conformity assessment procedures;

d) facilitating consultations on any matter arising under this Chapter upon request of a Party;

e) taking any other action that the Parties consider will assist them in implementing this Chapter; and

f) carrying out other functions as may be delegated by the Joint Committee.

Chapter 7

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 7.1. Objectives

The objectives of this Chapter are to facilitate trade in goods between the Parties by:

a) seeking to resolve issues relating to sanitary and phytosanitary measures while protecting human, animal or plant life or health in the territories of the Parties;

b) strengthening cooperation between the Parties and among their competent authorities including in the development and application of sanitary and phytosanitary measures as defined in the SPS Agreement; and

c) facilitating information exchange in the field of sanitary and phytosanitary measures and enhancing the knowledge and understanding of each Party’s regulatory system.

ARTICLE 7.2. Scope

This Chapter shall apply to sanitary and phytosanitary measures of the Parties that may, directly or indirectly, affect trade between the Parties.

ARTICLE 7.3. Definitions

For the purposes of this Chapter:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) the relevant definitions developed by the international organisations: the Codex Alimentarius Commission, the World Organization for Animal Health (hereinafter referred to as “OIE”) and international and regional organisations operating within the framework of the International Plant Protection Convention (hereinafter referred to as “IPPC”) shall apply in the implementation of this Chapter, mutatis mutandis.

ARTICLE 7.4. Incorporation of the SPS Agreement

Except as otherwise provided for in this Chapter, the SPS Agreement shall apply between the Parties and is incorporated into and form part of this Agreement, mutatis mutandis.

ARTICLE 7.5. Equivalence

1. The Parties recognise that equivalence is an important means to facilitate trade.

2. The Parties may recognise equivalence of a measure, a group of measures or a system to the extent feasible and appropriate.

ARTICLE 7.6. Adaptation to Regional Conditions

1. The Parties recognise the concept of adaptation to regional conditions, including pest- or disease-free areas and areas of low pest or disease prevalence, as an important means to facilitate trade.

2. When determining such areas, the Parties shall consider factors such as information of the Parties confirming the status of pest- or disease-free areas and areas of low pest or disease prevalence, the results of an audit, inspection monitoring, information provided by OIE and IPPC and other factors.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Each Party may carry out an audit and/or inspection in order to ensure the safety of the products (goods).

2. The Parties agree to enhance further their cooperation in the field of audits and inspections.

3. In undertaking audits and/or inspections, each Party shall take into account relevant international standards, guidelines and recommendations.

4. The auditing or inspecting Party shall provide the audited or inspected Party the opportunities to comment on the findings of the audits and/or inspections.

5. Costs incurred by the auditing or inspecting Party shall be borne by the auditing or inspecting Party, unless both Parties agree otherwise.

ARTICLE 7.8. Documents Confirming Safety

1. Where a document is required to confirm safety of the products (goods) traded between the Parties, the exporting Party shall ensure compliance with the requirements of the importing Party. The importing Party shall ensure the

requirements of the documents for confirming safety of the products (goods) traded between the Parties are applied only to the extent necessary to protect human, animal or plant life or health.

2. The Parties shall take into account relevant international standards, guidelines and recommendations, when developing the documents for confirming safety of the products (goods), as appropriate.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Parties shall promote the use of electronic technologies in the documents for confirming safety of the products (goods) in order to facilitate trade.

ARTICLE 7.9. Emergency Measures

1. Where a Party adopts emergency measures necessary to protect human, animal or plant life or health, such Party shall as soon as possible notify such measures to the other Party. The Party that adopted the emergency measures shall take into consideration relevant information provided by the other Party.

2. Upon request of either Party, consultations of the relevant competent authorities regarding the emergency measures shall be held as soon as possible unless otherwise agreed by the Parties.

ARTICLE 7.10. Contact Points and Information Exchange

1. The Parties shall notify each other of the contact points for the provision of information in accordance with this Chapter and of their designated competent authorities responsible for matters covered by this Chapter and the areas of responsibility of such competent authorities.

2. The Parties shall inform each other of any change to their contact points or any significant change in the structure or competence of their competent authorities.

3. The Parties, through their contact points, shall provide each other in a timely manner with a written notification of:

a) any significant food safety issue or change in animal or plant health, disease or pest status in their territories; and

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Parties, through their contact points, shall inform each other of systematic or significant cases of non-compliance of sanitary and phytosanitary measures and exchange relevant documents which confirm this non-compliance.

ARTICLE 7.11. Cooperation

1. The Parties agree to cooperate in order to facilitate the implementation of this Chapter.

2. The Parties shall explore opportunities for further cooperation, collaboration and information exchange on sanitary and phytosanitary matters of mutual interest consistent with the provisions of this Chapter. Such opportunities may include trade facilitation initiatives and technical assistance.

3. The Parties shall aim to work together in international fora, including international organisations, and in areas of mutual interest.

4. In order to promote cooperation within the framework of this Chapter, the Parties may conclude ad hoc arrangements on sanitary and phytosanitary measures.

ARTICLE 7.12. Consultations

1. Where a Party considers that a sanitary or phytosanitary measure is affecting its trade with the other Party, it may, through the relevant contact points, request consultations with the aim of resolving the matter.

2. A Party shall consider to hold consultations under the context of this Chapter, upon request of the other Party, with the aim of resolving matters arising under this Chapter.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 8

TRADE IN SERVICES, INVESTMENT AND MOVEMENT OF NATURAL PERSONS

Section I. HORIZONTAL PROVISIONS

ARTICLE 8.1. Objectives

The objectives of this Chapter are to encourage efficiency, competition and economic growth of the Parties to this Chapter by facilitating the expansion of trade in services, establishment, investment and movement of natural persons of the Parties to this Chapter on the basis of a transparent and stable legal framework, while recognising the right of the Parties to this Chapter to regulate in order to meet national policy objectives.

ARTICLE 8.2. Scope

1. This Chapter shall apply only between Viet Nam and the Russian Federation, hereinafter referred to in this Chapter as the “Parties to this Chapter”.

2. This Chapter shall apply to measures by the Parties to this Chapter affecting trade in services, establishment, investments and movement of natural persons.

3. In respect of air transport services, this Chapter shall not apply to measures affecting air traffic rights, however granted, or measures affecting services directly related to the exercise of air traffic rights, except the measures affecting aircraft repair and maintenance services, the selling and marketing of air transport services, computer reservation system services as provided for in paragraph 6 of the Annex on Air Transport Services of GATS. The definitions of paragraph 6 of the Annex on Air Transport Services of GATS are incorporated into and form part of this Chapter.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) government procurement, which is subject to Chapter 10 of this Agreement;

b) measures affecting natural persons seeking access to the employment market of a Party to this Chapter; or

c) measures regarding citizenship, residence or employment on a permanent basis.

5. This Chapter shall not prevent a Party to this Chapter from applying measures to regulate the entry of natural persons of the other Party to this Chapter into or their temporary stay in its territory, including those necessary to protect the integrity of, and to ensure the orderly movement of natural persons across its borders, provided that such measures are not applied in such a manner as to nullify or impair the benefits accruing to the other Party to this Chapter under the terms of a specific commitment. The sole fact of requiring a visa for natural persons of a Party to this Chapter and not for those of any other third country shall not be regarded as nullifying or impairing benefits under the commitments made in this Chapter.

ARTICLE 8.3. Definitions

For the purposes of this Chapter:

a) “trade in services” means the supply of a service:

i. from the territory of a Party to this Chapter into the territory of the other Party to this Chapter;

ii. in the territory of a Party to this Chapter to the service consumer of the other Party to this Chapter;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) “services” includes any service in any sector except services supplied neither on a commercial basis nor in competition with one or more service suppliers;

d) “service supplier” means any person that supplies a service;

e) “service consumer” means any person that receives or uses a service;

f) “person” means either a natural person or a juridical person;

g) “natural person of a Party to this Chapter” means a natural person who, under the applicable laws and regulations of that Party to this Chapter, is a national of such Party to this Chapter;

h) “juridical person” means any legal entity duly constituted or otherwise organised under applicable laws and regulations;

A juridical person is:

“owned” by persons of a Party to this Chapter if more than 50 percent of the equity interest in it is beneficially owned by persons of such Party to this Chapter;

“controlled” by persons of a Party to this Chapter if such persons have the power to name a majority of its directors or otherwise to legally direct its actions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

j) “economic integration agreements” means international agreements complying with the requirements of Articles V and/or Vbis of GATS;

k) “measure” means any measure by a Party to this Chapter, whether in form of a law, regulation, rule, procedure, decision, administrative action or any other form;

l) “measure by a Party to this Chapter” means measures taken by:

i. central, regional or local governments and authorities of that Party to this Chapter; and

ii. non-governmental bodies in the exercise of powers delegated by central, regional or local governments or authorities of that Party to this Chapter.

m) “measures by Parties to this Chapter affecting trade in services” include measures in respect of:

i. the purchase, payment or use of a service;

ii. the access to and use of, in connection with the supply of a service, services which are required by the Parties to this Chapter to be offered to the public generally.

n) “measures by Parties to this Chapter affecting establishment, commercial presence and activities” include measures in respect of establishment, commercial presence of juridical persons of a Party to this Chapter in the territory of the other Party to this Chapter or activities thereof;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i. the establishment (or constitution) and/or acquisition of a juridical person (participation in the capital of an existing juridical person) of any legal form and ownership provided for in laws and regulations of a Party to this Chapter within the territory of which this person is being established, constituted or acquired;

ii. the acquisition of control over a juridical person of a Party to this Chapter by legally determining, directly or indirectly, the decisions taken by such juridical person, including through voting shares (stocks), participation in managing bodies of such juridical person (including in board of directors, supervisory board, et cetera);

iii. the creation of a branch; or

iv. the creation of a representative office, for the purposes of supplying a service and/or performing an economic activity in sectors other than services.

p) “commercial presence” means juridical persons established, constituted, acquired or controlled and/or branches or a representative office created for the purpose of supplying a service and/or performing an economic activity in sectors other than services. For the purposes of this Section commercial presence established, constituted, acquired, controlled or created is hereinafter referred to as “commercial presence set up”;

q) “activities” means activities of industrial, commercial or professional character of the juridical persons, branches, representative offices, referred to in subparagraph o) of this Article, except for those carried out neither on a commercial basis nor in competition with one or more persons engaged in the same type of activities.

ARTICLE 8.4. Other International Agreements

In case an international agreement to which both Parties to this Chapter are party, including the WTO Agreement, provides for more favourable treatment in respect of matters covered by this Chapter for their persons (service suppliers) and/or their commercial presences, services or investments, such more favourable treatment shall not be affected by this Agreement.

ARTICLE 8.5. Domestic Regulation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Without prejudice to the right of a Party to this Chapter to establish and apply licensing procedures and requirements, regarding the services sectors in respect of which such Party has undertaken specific commitments in accordance with Section II (Trade in Services) of this Chapter, as well as regarding the establishment and activities covered by Section III (Establishment, Commercial Presence and Activities) of this Chapter such Party shall ensure that:

a) its licensing procedures are not in themselves a restriction on the establishment, activities or supply of a service, and that its licensing requirements directly related to eligibility to supply a service were not in themselves an unjustified barrier to the supply of the service;

b) its competent authorities make a decision on granting/denial of a licence without undue delay and no later than the period specified in relevant laws and regulations of such Party;

c) any fees charged in connection with the filing and review of an application for a licence would not in themselves be a restriction on the supply of the service, establishment or activities;

d) once any period for review of an application for a licence established in the laws and regulations of such Party lapsed, and upon the request of an applicant, such Party’s competent authority informs the applicant of the status of its application and whether it was considered complete. If the authority requires additional information from the applicant, it shall notify the applicant without undue delay and specify the additional information required to complete the application. Applicants shall have the opportunity to provide the additional information requested and to make technical corrections in the application. An application shall not be considered complete until all information and documents specified in the respective laws and regulations of that Party are received;

e) upon the written request of an unsuccessful applicant, the competent authority that has denied an application will inform the applicant in writing of the reasons for the denial of the application. However, this provision shall not be construed to require a regulatory authority to disclose information, where that disclosure would impede law enforcement or otherwise be contrary to the public interest or essential security interests;

f) where an application is denied, an applicant shall have the right to submit a new application that attempts to address any prior problems for licensing.

ARTICLE 8.6. Contact Points

The Parties to this Chapter shall designate their contact points to facilitate communications between the Parties to this Chapter on the issues covered by this Chapter and shall exchange information on the details of such contact points. The Parties to this Chapter shall notify each other promptly of any amendments to the details of their contact points.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A Party to this Chapter may deny benefits of this Section to a person of the other Party to this Chapter, if the former Party establishes that this person is a juridical person that has no substantive business operations in the territory of the other Party to this Chapter and is owned or controlled by persons of either:

a) any third country; or

b) the former Party.

ARTICLE 8.8. Restrictions to Safeguard the Balance of Payments

1. Notwithstanding the provisions of Articles 8.18 and 8.37 of this Agreement each Party to this Chapter may adopt and maintain restrictions on trade in services, establishment and investments in respect of which commitments were undertaken by such Party in accordance with this Chapter, including on payments or transfers for transactions related to such commitments referred to in Articles 8.18 and 8.37 of this Agreement in the event of serious balance of payments and external financial difficulties and threat thereof and subject to the condition that such restrictions:

a) shall be applied on a most-favoured-nation basis;

b) shall be consistent with the Articles of Agreement of the International Monetary Fund;

c) shall avoid unnecessary damage to the commercial, economic and financial interests of the other Party to this Chapter;

d) shall not exceed those necessary to deal with circumstances described in this paragraph;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Party to this Chapter introducing a restriction under paragraph 1 of this Article shall promptly notify the other Party to this Chapter of such measure.

3. In determining the incidence of such restrictions, the Parties to this Chapter may give priority to the supply of services which are more essential to their economic or development programmes. However, such restrictions shall not be adopted or maintained for the purpose of protecting a particular service sector.

4. Nothing in this Agreement shall affect the rights and obligations of a Party to this Chapter which is a member of the International Monetary Fund under the Articles of Agreement of the International Monetary Fund, including the use of exchange actions which are in conformity with the Articles of Agreement of the International Monetary Fund, provided that such Party to this Chapter shall not impose restrictions inconsistently with the conditions provided for in paragraph 1 of this Article.

5. This Article shall not be subject to the dispute settlement procedures stipulated by the Article 8.38 of this Agreement.

ARTICLE 8.9. Accession

1. Notwithstanding Article 15.2 of the Agreement, any Member State of the Eurasian Economic Union may accede to this Chapter on terms and conditions as agreed between Viet Nam and such Member State of the Eurasian Economic Union in respect of Schedules of Specific Commitments and Lists of reservations.

2. In case of accession of a Member State of the Eurasian Economic Union to this Chapter the provisions of this Chapter shall neither apply between the Parties to this Chapter that are Member States of the Eurasian Economic Union nor shall they grant to Viet Nam any rights and privileges that Member States of the Eurasian Economic Union grant exclusively to each other.

ARTICLE 8.10. Amendments

1. Notwithstanding Article 15.5 of the Agreement, this Chapter may be amended by mutual written consent of the Parties to this Chapter.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 8.11. Consultations

1. The Parties to this Chapter shall consult at the request of either of them, on the matter concerning the interpretation or application of this Chapter.

2. The consultations referred to in paragraph 1 of this Article may be conducted by the Joint Committee established in accordance with Article 1.4 of this Agreement.

3. For the purposes of this Chapter the Joint Committee shall be co-chaired by the representatives of the Parties to this Chapter and any of the decisions of Joint Committee on the matters covered by this Chapter shall be taken by consensus only by the Parties to this Chapter.

ARTICLE 8.12. Settlement of Disputes between the Parties to this Chapter

1. The provisions of Chapter 14 (Dispute Settlement) of this Agreement shall apply with respect to the settlement of disputes between the Parties to this Chapter regarding the interpretation or application of this Chapter with the modifications set out in paragraph 2 of this Article.

2. For the purposes of this Chapter:

a) the term “a disputing Party” referred to in Chapter 14 of this Agreement means “a Party to this Chapter”;

b) the request for consultations referred to in paragraph 2 of Article 14.6 of this Agreement shall be submitted in writing to the responding Party through its contact points designated in accordance with Article 8.6 of this Agreement;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) the suspension of benefits referred to in Article 14.15 of this Agreement may be performed only in respect of the benefits provided for in this Chapter.

ARTICLE 8.13. Lists of Commitments

The “Schedule of Specific Commitments under Section II (Trade in Services)”, “List of Reservations under Section III (Establishment, Commercial Presence and Activities)”, the “Schedule of Specific Commitments under Section IV (Movement of Natural Persons)” and the “List of MFN Exemptions in accordance with Articles 8.15 and 8.22 of the Agreement” shall be signed in the form of Protocol No. 1 between the Socialist Republic of Viet Nam and the Russian Federation to the Free Trade Agreement between the Socialist Republic of Viet Nam, of the one part, and the Eurasian Economic Union and its Member States, of the other part (hereinafter referred to in this Chapter as “Protocol No. 1”) on the date of signature of this Agreement. The Protocol No. 1 shall constitute an integral part of this Agreement and shall be binding only in respect of Viet Nam and the Russian Federation.

Section II. TRADE IN SERVICES

ARTICLE 8.14. Scope

1. This Section shall apply to any measure of the Parties to this Chapter affecting trade in services.

2. This Section shall not apply to provision of subsidies or other forms of State or municipal support to service suppliers or their services.

ARTICLE 8.15. Most-Favoured-Nation Treatment

1. With respect to any measure covered by this Section, each Party to this Chapter shall accord immediately and unconditionally to services and service suppliers of the other Party to this Chapter treatment no less favourable than that it accords to like services and service suppliers of any third country.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The provisions of this Section shall not be construed to prevent a Party to this Chapter from conferring or according advantages to adjacent countries in order to facilitate trade in services limited to contiguous frontier zones of services that are both locally produced and consumed.

4. Nothing in this Agreement shall be construed to oblige a Party to this Chapter to provide to services or service suppliers of the other Party to this Chapter benefits or privileges that the former Party is providing or will provide in future:

a) in accordance with the economic integration agreements of the former Party; or

b) on the basis of the agreements on avoidance of double taxation or other arrangements on taxation issues.

ARTICLE 8.16. Market Access

1. With respect to market access through the modes of supply defined in Article 8.3 of this Agreement, each Party to this Chapter shall accord to services and service suppliers of the other Party to this Chapter treatment no less favourable than that provided for under the terms, limitations and conditions agreed and specified in its Schedule in Annex 2 to Protocol No. 1.1

2. In sectors where market access commitments are undertaken, the measures which a Party to this Chapter shall not maintain or adopt either on the basis of a regional subdivision or on the basis of its entire territory, unless otherwise specified in its Schedule in Annex 2 to Protocol No. 1, are defined as:

a) limitations on the number of service suppliers whether in the form of numerical quotas, monopolies, exclusive service suppliers or the requirements of an economic needs test;

b) limitations on the total value of service transactions or assets in the form of numerical quotas or the requirement of an economic needs test; or

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 8.17. National Treatment

1. In the sectors inscribed in its Schedule in Annex 2 to Protocol No. 1, and subject to any condition and qualification set out therein, each Party to this Chapter shall accord to services and service suppliers of the other Party to this Chapter, in respect of all measures affecting supply of services, treatment no less favourable than that it accords to its own like services and service suppliers.2

2. A Party to this Chapter may meet the requirement of paragraph 1 of this Article by according to services and service suppliers of the other Party to this Chapter, either formally identical treatment or formally different treatment to that it accords to its own like services and service suppliers.

3. Formally identical or formally different treatment shall be considered to be less favourable if it modifies the conditions of competition in favour of services or service suppliers of a Party to this Chapter compared to like services or service suppliers of the other Party to this Chapter.

ARTICLE 8.18. Payments and Transfers

1. Except under the circumstances envisaged in Article 8.8 of this Agreement a Party to this Chapter shall not apply restrictions on international transfers and payments for current transactions relating to its specific commitments under this Section.

2. Nothing in this Chapter shall affect the rights and obligations of the Parties to this Chapter as members of the International Monetary Fund under the Articles of Agreement of the International Monetary Fund, including the use of exchange actions which are in conformity with the Articles of Agreement of the International Monetary Fund, provided that a Party to this Chapter shall not impose restrictions on any capital transactions inconsistently with its specific commitments under this Section regarding such transactions, except under Article 8.8 of this Agreement or at the request of the International Monetary Fund.

ARTICLE 8.19. Recognition

Article VII of GATS shall apply between the Parties to this Chapter, mutatis mutandis.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 8.20. Scope

1. This Section shall apply to any measure by the Parties to this Chapter affecting establishment, commercial presence and activities.

2. This Section shall apply to commercial presence set up by a person of a Party to this Chapter within the territory of the other Party to this Chapter at the date or after the date of entry into force of this Agreement.

3. This Section shall not apply to provision of subsidies or other forms of State or municipal support to persons and their commercial presence in connection with establishment and/or activities.

ARTICLE 8.21. National Treatment

1. With respect to establishment and subject to the reservations set out in its individual national List provided for in Annex 3 to Protocol No. 1, each Party to this Chapter shall grant, within its territory, to the persons of the other Party to this Chapter treatment no less favourable than that it accords in like circumstances to its own persons.

2. With respect to activities and subject to the reservations set out in its individual national List provided for in Annex 3 to Protocol No. 1, each Party to this Chapter shall grant to the commercial presence set up by a person of other Party to this Chapter within the territory of the former Party treatment not less favourable than the treatment granted in like circumstances to the commercial presences of its own persons set up within its territory.

ARTICLE 8.22. Most-Favoured-Nation Treatment

1. With respect to establishment and subject to the reservations set out in its individual national List provided for in Annex 1 to Protocol No. 1, each Party to this Chapter shall grant to the persons of the other Party to this Chapter treatment no less favourable than that it accords in like circumstances to persons of any third country.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. For greater certainty, this Article shall not apply to international dispute settlement procedures or mechanisms such as those set out in Article 8.38 of this Agreement.

4. Nothing in this Agreement shall be construed to oblige a Party to this Chapter to provide to the persons of the other Party to this Chapter or their commercial presences benefits or privileges that the former Party is providing or will provide in future:

a) in accordance with economic integration agreements of the former Party; or

b) on the basis of the agreements on avoidance of double taxation or other arrangements on taxation issues.

ARTICLE 8.23. Market Access

With respect to establishment and/or activities neither Party to this Chapter shall maintain or apply to persons of the other Party to this Chapter and/or to commercial presences of such persons set up within the territory of the former Party, respectively, limitations in respect of:

a) form of the commercial presence, including legal form of the entity;

b) total number of commercial presences set up;

c) maximum percentage limit on shareholding by the persons of the other Party to this Chapter in the capital of a juridical person of the former Party or on degree of control over such juridical person; or

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 8.24. Performance Requirements

1. Subject to the reservations set out in its individual national List provided for in Annex 3 to Protocol No. 1 neither Party to this Chapter shall in connection with establishment and/or activities impose or enforce in respect of commercial presences of persons of the other Party to this Chapter set up within the territory of the former Party, respectively, any requirement:

a) to export a given level or percentage of goods or services;

b) to purchase, use or accord a preference to goods produced in its territory;

c) to relate in any way the volume or value of imports to the volume or value of exports or to the amount of foreign exchange inflows associated with such establishment and/or activities;

d) to restrict sales of goods or services in its territory that such commercial presences produces or supplies by relating such sales in any way to the volume or value of its exports or foreign exchange earnings;

e) to transfer a particular technology, a production process, or other proprietary information to persons in the territory of the former Party; or

f) to supply exclusively from the territory of the former Party the goods that it produces or the services that it supplies to a specific regional market or to the world market.

2. Neither Party to this Chapter shall condition the receipt or continued receipt of an advantage in connection with establishment and/or activities of commercial presences of persons of the other Party to this Chapter set up within the territory of the former Party on compliance with any of the following requirements:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) to relate in any way the volume or value of imports to the volume or value of exports or to the amount of foreign exchange inflows associated with such establishment and/or activities; or

c) to restrict sales of goods or services in its territory that such commercial presences produces or supplies by relating such sales in any way to the volume or value of its exports or foreign exchange earnings.

3. Nothing in paragraph 2 of this Article shall be construed to prevent a Party to this Chapter from conditioning the receipt or continued receipt of an advantage, in connection with establishment and/or activities of the persons of the other Party to this Chapter and/or to commercial presences of that persons set up within the territory of the former Party on compliance with a requirement to locate production, supply a service, train or employ workers, construct or expand particular facilities or carry out research and development, in the territory of the former Party.

4. For greater certainty, nothing in paragraph 1 of this Article shall be construed to prevent a Party to this Chapter from imposing or enforcing any requirement, in connection with commercial presences of persons of the other Party to this Chapter, to employ or train workers in its territory provided that such employment or training does not require the transfer of a particular technology, production process, or other proprietary knowledge to a person in its territory.

5. Subparagraph e) of paragraph 1 of this Article shall not apply:

a) when a Party to this Chapter authorizes use of an intellectual property right in accordance with Article 31 of the TRIPS Agreement, or to measures requiring the disclosure of proprietary information that fall within the scope of, and are consistent with, Article 39 of the TRIPS Agreement; or

b) when the requirement is imposed or enforced by a court or relevant authority in accordance with the competition laws and regulations of the Party to this Chapter imposing or enforcing the requirement.

6. Subparagraphs a) and b) of paragraph 1 of this Article, and subparagraph a) of paragraph 2 of this Article shall not apply to qualification requirements for goods or services with respect to export promotion and foreign aid programmes.

7. This Article is without prejudice to the rules of origin applied by the Parties to this Chapter that are subject to Chapter 4 (Rules of Origin) of this Agreement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

With respect to establishment and/or activities and subject to limitations provided for in its individual national List set out in Annex 3 to Protocol No. 1 and subject to conditions and limitations set out in the Section IV (Movement of Natural Persons) of this Chapter, a Party to this Chapter shall not require that a juridical person of that Party appoint to senior management positions natural persons of any particular nationality.

Section IV. MOVEMENT OF NATURAL PERSONS

ARTICLE 8.26. Scope

1. This Section shall apply to measures affecting temporary entry and stay of natural persons of a Party to this Chapter into the territory of the other Party to this Chapter with respect to the categories of such natural persons that are set out in that other Party’s Schedule in Annex 4 to Protocol No. 1. Such categories of natural persons may include:

a) business visitors;

b) intra-corporate transferees;

c) installers or servicers;

d) investors; or

e) contractual services supplier.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. This Section shall not apply to measures affecting natural persons of a Party to this Chapter seeking access to the employment market of the other Party to this Chapter, nor shall it apply to measures regarding citizenship, nationality, residence or employment on a permanent basis.

3. For greater certainty, nothing in this Agreement shall be construed as a commitment of a Party to this Chapter in respect of any requirement or procedure related to granting visas to the natural persons of the other Party to this Chapter.

4. For the purposes of this Section, “temporary entry or stay” means entry or stay by a natural person of a Party to this Chapter, without the intent to reside permanently within the territory of the other Party to this Chapter.

5. Neither Party to this Chapter may impose or maintain any numerical restriction or requirement of economic needs test relating to temporary entry or stay of natural persons referred to in paragraph 1 of this Article except as provided for in its Schedule in Annex 4 to Protocol No. 1.

ARTICLE 8.27. Recognition

Article VII of GATS shall apply between the Parties to this Chapter, mutatis mutandis.

Section V. INVESTMENT

ARTICLE 8.28. Definitions

For the purposes of this Section:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i. movable and immovable property as well as any property rights such as mortgages or pledges;

ii. shares, stocks and any other form of participation in capital of a juridical person;

iii. bonds and debentures;

iv. claims to money or claims under contracts having an economic value3, relating to investments;

v. intellectual property rights;

vi. goodwill;

vii. rights conferred by law or under contract to conduct business activity and having financial value, including, but not limited to construction, production, revenue-sharing contracts and concessions related in particular to exploration, development, extraction and exploitation of natural resources.

Any change of the form in which assets are invested or reinvested shall not affect their character as investments. Such change shall be made in accordance with laws and regulations of the Party to this Chapter in which territory the investments were made.

b) “investor of a Party to this Chapter” means any natural or juridical person of a Party to this Chapter in accordance with its laws and regulations that has made investments in the territory of the other Party to this Chapter;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) “freely usable currency” means a freely usable currency as determined by the International Monetary Fund in accordance with Articles of Agreement of the International Monetary Fund.

ARTICLE 8.29. Scope

1. This Section shall apply to all investments made by investors of a Party to this Chapter in the territory of the other Party to this Chapter after 19 June 1981, in existence as of the date of entry into force of this Agreement, but it shall not apply to any act or fact that took place or any situation or dispute that arose or ceased to exist before entry into force of this Agreement.

2. Investments of investors of a Party to this Chapter made in the territory of the other Party to this Chapter in the form of establishment and commercial presence, as defined and governed by Section III (Establishment, Commercial Presence and Activities) of this Chapter shall not be covered by Articles 8.30, 8.31, 8.32 and 8.33 of this Agreement.

3. This Section shall not apply to provision of subsidies or other forms of State or municipal support to investors and its investments, except for those subsidies and other forms of State or municipal support to investors and its investments under Article 8.34 of this Agreement.

ARTICLE 8.30. Promotion and Admission of Investments

Each Party to this Chapter shall encourage and create favourable conditions to investors of the other Party to make investments in its territory and admit the investments of investors of the other Party to this Chapter in accordance with the laws and regulations of the former Party.

ARTICLE 8.31. Fair and Equitable Treatment and Full Protection and Security

1. Each Party to this Chapter shall accord to investments of investors of the other Party to this Chapter fair and equitable treatment and full protection and security.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. “Full protection and security” referred to in paragraph 1 of this Article requires each Party to this Chapter to take such measures as may be reasonably necessary to ensure the protection and security of investments of an investor of the other Party to this Chapter.

4. With respect to investments of an investor of the other Party to this Chapter in the territory of the former Party, “fair and equitable treatment” and “full protection and security” referred to in paragraph 1 of this Article do not require treatment more favourable than that accorded to the former Party’s own investors and/or investors of any third country in accordance with its laws and regulations.

5. A determination that there has been a breach of another provision of this Agreement or of a separate international agreement does not establish that there has been a breach of this Article.

ARTICLE 8.32. National Treatment

1. Each Party to this Chapter shall accord to investors of the other Party to this Chapter and investments of an investor of the other Party to this Chapter treatment no less favourable than that it accords, in like circumstances, to its own investors and their investments in its territory.

2. Each Party to this Chapter shall reserve the right in accordance with its laws and regulations to apply and introduce exemptions from national treatment, referred to in paragraph 1 of this Article, to foreign investors and their investments including reinvestements.

ARTICLE 8.33. Most-Favoured-Nation Treatment

1. Each Party to this Chapter shall accord to investors of the other Party to this Chapter and investments of an investor of the other Party to this Chapter treatment no less favourable than that it accords, in like circumstances, to investors of any third country and their investments in its territory.

2. For greater certainty, this Article shall not apply to international dispute settlement procedures or mechanisms such as those set out in Article 8.38 of this Agreement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) in accordance with the economic integration agreements of the former Party; or

b) on the basis of the agreements on avoidance of double taxation or other arrangements on taxation issues.

ARTICLE 8.34. Compensation for Losses

Each Party to this Chapter shall accord to investors of the other Party to this Chapter and to investments of investors of the other Party to this Chapter with respect to measures it adopts or maintains relating to losses suffered by investments of such investors in its territory owing to war or other armed conflict, revolt, insurrection, revolution, riot, civil strife or civil disturbance, treatment no less favourable than that it accords, in like circumstances, to:

a) its own investors and their investments; or

b) investors of any third country and their investments.

ARTICLE 8.35. Expropriation and Compensation

1. Neither Party to this Chapter shall nationalise, expropriate or subject to measures equivalent in effect to nationalisation or expropriation an investment of the investor of the other Party to this Chapter (hereinafter referred to as “expropriation”), except:

a) for a public purpose;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) in a non-discriminatory manner; and

d) on payment of prompt, adequate and effective compensation in accordance with paragraph 3 of this Article.

2. The determination of whether a measure or series of such measures of either Party to this Chapter have an effect equivalent to nationalisation or expropriation shall require a case-by-case, fact-based inquiry to consider, inter alia:

a) the economic impact of the measure or series of measures, although the sole fact that a measure or series of measures of either Party to this Chapter has an adverse effect on the economic value of investments does not establish that an expropriation has occurred;

b) the character of the measure or series of measures of either Party to this Chapter.

3. The compensation referred to in subparagraph d) of paragraph 1 of this Article shall:

a) be paid without undue delay;

b) be equivalent to the fair market value of the expropriated investment calculated on date when the actual or impending expropriation has become publicly announced whichever is earlier; and

c) be paid in a freely usable currency or, if agreed by the investor, in the currency of the expropriating Party to this Chapter and be freely transferable subject to the provisions of Article 8.37 of this Agreement. From the date of expropriation until the date of payment the amount of compensation shall be subject to accrued interest at a commercial rate established on a market basis.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Notwithstanding paragraphs 1 through 4 of this Article, expropriation relating to land within the territory of either Party to this Chapter shall be carried out in accordance with the laws and regulations of that Party for a purpose established in accordance with such laws and regulations, and upon payment of compensation, which shall be assessed with due consideration to market value and paid without undue delay, in accordance with the laws and regulations of that Party.

ARTICLE 8.36. Subrogation

1. If a Party to this Chapter or its designated agency made a payment to an investor of that Party under a guarantee, a contract of insurance or other form of indemnity against non-commercial risks it has granted in respect of an investment, the other Party to this Chapter shall recognise the subrogation or transfer of any right or claim of the investor in respect of such investment to the former Party or its designated agency. The subrogated or transferred right or claim shall not be greater than the original right or claim of the investor. For greater certainty, such right or claim shall be exercised in accordance with the laws and regulations of the latter Party, but without prejudice to Articles 8.21, 8.22, 8.23, 8.24 and 8.25 of this Agreement.

2. Where a Party to this Chapter or its designated agency has made a payment to an investor of that Party and has taken over rights and claims of the investor, that investor shall not, unless authorised to act on behalf of that Party or its designated agency making the payment, pursue those rights and claims against the other Party to this Chapter.

ARTICLE 8.37. Transfer of Payments

1. Except under the circumstances envisaged in Article 8.8 of this Agreement each Party to this Chapter shall guarantee to investors of the other Party to this Chapter, upon fulfilment by them of all tax and other obligations in accordance with the laws and regulations of the former Party, a free transfer abroad of payments related to their investments, and in particular:

a) returns;

b) funds in repayment of loans and credits recognised by each Party to this Chapter as investments, as well as accrued interest;

c) proceeds from sale or full or partial liquidation of investments;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) wages and other remunerations received by investors and natural persons of the other Party to this Chapter authorised to work in connection with investments in the territory of the former Party.

2. Transfer of payments shall be made without undue delay in a freely usable currency at the rate of exchange applicable on the date of the transfer pursuant to the exchange laws and regulations of the Party to this Chapter in which territory the investments were made.

ARTICLE 8.38. Settlement of Disputes between a Party to this Chapter and Investor of the Other Party to this Chapter

1. Disputes between a Party to this Chapter and an investor of the other Party to this Chapter arising from an alleged breach of an obligation of the former Party under this Chapter in connection with an investment made by the investor in the territory of the former Party shall be settled to the extent possible amicably by means of negotiations. Such negotiations may include the use of non-binding, third-party procedures, such as good offices, conciliation and mediation.

2. The written request submitted by the investor for negotiations referred to in paragraph 1 of this Article shall include:

a) the name and address of the investor who is a party to a dispute;

b) for each claim the specific provisions under this Chapter alleged to have been breached;

c) the legal and factual basis for each claim;

d) the relief sought and approximate amount of damages claimed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) a competent court of the Party to this Chapter in which territory the investments were made, or

b) an ad hoc arbitration court in accordance with the Arbitration Rules of the United Nations Commission on International Trade Law; or

c) arbitration by the International Centre for Settlement of Investment Disputes (hereinafter referred to as “ICSID”), created pursuant to the Convention on the Settlement of Investment Disputes between States and Nationals of Other States, opened for signature at Washington on 18 March 1965 (ICSID Convention), provided that both the Party who is a party to the dispute and the Party of the investor are party to the ICSID Convention; or

d) arbitration under the ICSID Additional Facility Rules, provided that either the Party who is a party to the dispute or the Party of the investor is a party to the ICSID Convention; or

e) if the parties to a dispute so agree, to any other arbitration institution or under any other arbitration rules.

4. The choice of the institution referred to in paragraph 3 of this Article shall be final.

5. An arbitration award shall be final and binding upon both parties to the dispute. Each Party to this Chapter undertakes to enforce this award in accordance with its laws and regulations.

6. No claim can be submitted to arbitration under this Section if more than three years have elapsed from the date on which the investor who is a party to a dispute first acquired or reasonably should have first acquired, knowledge of the breach alleged under paragraph 1 of this Article.

7. A natural person possessing the nationality of a Party to this Chapter on the date the investments were made may not pursue a claim against that Party under this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

STATE OWNED, STATE CONTROLLED ENTERPRISES AND ENTERPRISES WITH SPECIAL OR EXCLUSIVE PRIVILEGES

ARTICLE 8 bis.1. Scope

This Chapter shall apply only between Viet Nam and the Russian Federation.

ARTICLE 8 bis.2. State-Owned, State-Controlled Enterprises and Enterprises with Special or Exclusive Privileges

Viet Nam and the Russian Federation shall ensure that their state-owned or state- controlled enterprises and enterprises with special or exclusive privileges shall operate in a manner consistent with their respective WTO commitments in the Protocols on accession to the WTO of Viet Nam and the Russian Federation, respectively.

Chapter 9

INTELLECTUAL PROPERTY

ARTICLE 9.1. Objectives

The Parties confirm their commitment to reducing impediments to trade and investment by promoting deeper economic integration through the creation of intellectual property and effective and adequate utilisation, protection and enforcement of intellectual property rights, taking into account the differences in their respective laws and regulations and in levels of economic development and capacity and the need to maintain an appropriate balance between the rights of intellectual property owners and the legitimate interests of users in subject matter protected by intellectual property rights.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

For the purposes of this Chapter:

a) “intellectual property” means copyright and related rights, trademarks, geographical indications (including appellations of origin of goods), inventions (including utility solutions), utility models, industrial designs, layout designs (topographies) of integrated circuits, plant varieties and undisclosed information;

b) “geographical indication” means an indication which identifies a good as originating in the territory of a Party or a region or locality in that territory, where a given quality, reputation or other characteristic of the good is essentially attributable to its geographical origin, as defined in Article 22 of the TRIPS Agreement;

c) “appellation of origin of goods” means a geographical denomination that constitutes or contains contemporary or historical, official or unofficial, full or abbreviated name of a country, region or locality or other geographical area, which became known through its use in the country of origin in relation to the goods, the quality and characteristics of which are exclusively or essentially determined by the geographical environment, including natural and human factors;

d) “counterfeit trademark goods” means goods, including packaging, bearing without authorisation a trademark which is identical to the trademark validly registered in respect of such goods, or which cannot be distinguished in its essential aspects from such a trademark, and which thereby infringes the rights of the owner of the trademark in question under the laws and regulations of the country of importation. The definition of counterfeit trademark goods above shall apply, mutatis mutandis, to counterfeit geographical indication and appellation of origin goods; and

e) “pirated copyright goods” means goods which are copies made without the consent of the right holder or person duly authorised by the right holder in the country of production and which are made directly or indirectly from an article where the making of that copy would have constituted an infringement of a copyright or a related right under the laws and regulations of the country of importation.

ARTICLE 9.3. International Agreements

1. The Parties which are party to the TRIPS Agreement reaffirm their obligations set out therein. The Parties which are not party to the TRIPS Agreement shall follow the principles of the TRIPS Agreement. The Parties reaffirm their obligations set out in the international agreements on intellectual property to which they are party, in particular:

a) the Paris Convention for the Protection of Industrial Property of 20 March 1883 (hereinafter referred to as “the Paris Convention”);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) the International Convention for the Protection of Performers, Producers of Phonograms and Broadcasting Organisations of 26 October 1961 (the Rome Convention);

d) the Convention for the Protection of Producers of Phonograms Against Unauthorized Duplication of Their Phonograms of 29 October 1971;

e) the Madrid Agreement Concerning the International Registration of Marks of 14 April 1891 and the Protocol Relating to the Madrid Agreement Concerning the International Registration of Marks of 27 June 1989; and

f) the Patent Cooperation Treaty of 19 June 1970.

2. The Parties which are not party to one or more of the international agreements listed below shall endeavour to join:

a) the WIPO Performances and Phonograms Treaty of 20 December 1996;

b) the WIPO Copyright Treaty of 20 December 1996;

c) the Act of International Convention for the Protection of New Varieties of Plants of 19 March 1991; and

d) the Singapore Treaty on the Law of Trademarks of 27 March 2006.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) the Strasbourg Agreement Concerning the International Patent Classification of 24 March 1971;

b) the Nice Agreement Concerning the International Classification of Goods and Services for the Purposes of the Registration of Marks of 15 June 1957; and

c) the Locarno Agreement Establishing an International Classification for Industrial Designs of 8 October 1968.

ARTICLE 9.4. National Treatment

Each Party shall accord to the nationals of the other Party treatment no less favourable than that it accords to its own nationals with regard to the protection of intellectual property set out in Articles 3 and 5 of the TRIPS Agreement.

ARTICLE 9.5. Most-Favoured-Nation Treatment

Each Party shall accord to the nationals of the other Party treatment no less favourable than that it accords to the nationals of any other country with regard to the protection of intellectual property set out in Articles 4 and 5 of the TRIPS Agreement.

ARTICLE 9.6. Copyright and Related Rights

1. Without prejudice to the obligations set out in international agreements to which the Parties are party, each Party shall, in accordance with its respective laws and regulations, guarantee and provide effective protection of the interests of authors, performers, producers of phonograms and broadcasting organisations for their works, performances, phonograms and broadcasts, respectively.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 9.7. Trademarks

Each Party shall provide adequate and effective protection of trademarks for goods and services in accordance with its respective laws and regulations, the international agreements to which it is party and the TRIPS Agreement, in particular Articles 15 through 21.

ARTICLE 9.8. Geographical Indications/Appellations of Origin of Goods

1. Each Party shall ensure in its territory adequate and effective legal protection of geographical indications and/or appellations of origin of goods in accordance with its respective laws and regulations, the international agreements to which it is a party and the TRIPS Agreement, in particular Articles 22 through 24.

2. The provisions of appellations of origin of goods in this Chapter shall apply to a denomination which allows to identify a good as originating in the territory of a particular geographical area and although it does not contain the name of the area, which became known as a result of using this denomination in respect of the goods, the quality and characteristics of which meet the requirements provided for in subparagraph c) of Article 9.2 of this Agreement.

3. The Parties recognise that each Party may protect geographical indications via a sui generis system of protection of appellations of origin of goods in accordance with its respective laws and regulations. A Party that provides such system of protection shall not be obliged to provide a separate system of protection for geographical indications. The Parties shall provide other legal means in their respective laws and regulations to protect geographical indications other than appellations of origin of goods, such as those of collective marks and/or certification marks. The definition of appellation of origin of goods in subparagraph c) of Article 9.2 of this Agreement and paragraph 2 of this Article shall only apply to a Party which provides a sui generis system of protection of appellations of origin of goods at the time of entry into force of this Agreement.

4. In respect of geographical indications and/or appellations of origin of goods, the Parties shall provide the legal means for an interested person of the other Party to prevent:

a) the use of any means in the designation or presentation of a good that indicates or suggests that the good in question originates in a geographical area other than the true place of origin in a manner which misleads the public as to the geographical origin;

b) any use which constitutes an act of unfair competition within the meaning of Article 10bis of the Paris Convention.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. In order to protect the interests of their producers, the Parties shall exchange lists of geographical indications and/or appellations of origin of goods registered by them in respect of goods produced in their territories. The Parties may also agree to exchange the lists of geographical indications protected by other legal means. The relevant procedures for such exchange shall be determined by the competent authorities of the Parties by means provided for in Article 9.17 of this Agreement. The Parties may agree to enter into negotiations on mutual protection of geographical indications and/or appellations of origin of goods subject to their respective laws and regulations and policy, availability of resources and willingness of each Party.

7. Each Party shall, ex officio if its laws and regulations so permit or at the request of an interested person of the other Party, refuse or invalidate the registration of a trademark which contains or consists of a geographical indication and/or appellation of origin of goods with respect to goods not originating in the territory indicated, if use of the indication in the trademark for such goods in the former Party is of such a nature as to mislead the public as to the true place of origin.

ARTICLE 9.9. Inventions and Utility Models

1. Each Party shall provide adequate and effective protection of inventions in accordance with its respective laws and regulations, the international agreements to which it is party and the TRIPS Agreement, in particular Articles 27 through 34.

2. Utility models shall be protected in accordance with the respective laws and regulations of the Parties and the Paris Convention.

ARTICLE 9.10. Industrial Designs

Each Party shall provide adequate and effective protection of industrial designs in accordance with its respective laws and regulations, the international agreements to which it is party and the TRIPS Agreement, in particular Articles 25 and 26.

ARTICLE 9.11. Layout Designs (Topographies) of Integrated Circuits

Each Party shall provide adequate and effective protection of layout designs (topographies) of integrated circuits in accordance with its respective laws and regulations, the international agreements to which it is party and the TRIPS Agreement, in particular Articles 35 through 38.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Each Party recognises the importance of providing in its respective laws and regulations a system of protection of new varieties of plants and shall endeavour to provide for the protection of all plant genera and species in accordance with the Act of International Convention for the Protection of New Varieties of Plants of 19 March 1991 and the TRIPS Agreement.

ARTICLE 9.13. Undisclosed Information

Each Party shall ensure adequate and effective protection of undisclosed information in its respective laws and regulations in accordance with the TRIPS Agreement, in particular Article 39.

ARTICLE 9.14. Protection against Unfair Competition

Each Party shall ensure effective protection against unfair competition in accordance with its respective laws and regulations and Article 10bis of the Paris Convention.

ARTICLE 9.15. Enforcement of Intellectual Property Rights

The Parties shall ensure in their respective laws and regulations provisions for enforcement of intellectual property rights at the same level as provided for in the TRIPS Agreement, in particular Articles 41 through 50.

ARTICLE 9.16. Border Measures

1. Each Party shall ensure effective enforcement of border measures in accordance with Articles 51 through 57, 59 and 60 of the TRIPS Agreement and that the complementary measures, procedures and remedies, covered by its respective laws and regulations related to customs procedures, are available to permit effective action against counterfeit trademark goods, counterfeit geographical indication and appellation of origin goods, pirated copyright goods.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Without prejudice to the protection of confidential information, customs authorities shall have the authority to provide the right holder with sufficient opportunity to have any good detained by the customs authorities inspected in order to substantiate the right holder’s claims. The customs authorities shall also have the authority to give the importer an equivalent opportunity to have any such good inspected. Customs authorities shall provide the right holder with the information on the names and addresses of the consignor, the importer and the consignee and of the quantity of the goods in question. Customs authorities shall provide at least the owner of the detained goods with the information on the name and address of the right holder.

4. The Parties are encouraged to exclude from the application of the above provisions small quantities of goods of a non-commercial nature contained in travellers’ personal luggage.

ARTICLE 9.17. Competent Authorities, Contact Points and Information Exchange

1. The Parties shall notify each other of the competent authorities responsible for carrying out the procedures provided for in this Chapter, and the contact points designated by each Party to facilitate communications between the Parties on any matter relating to this Chapter.

2. The Parties shall promptly inform each other of any change in the contact points or any significant change in the structure or competence of their competent authorities.

3. The Parties through their contact points shall provide each other with a timely written notification of any significant issue or any change in the legal framework of intellectual property and, if necessary, request consultations to resolve any concern about the issue.

4. With a view to strengthening their cooperation links, the Parties agree to communicate in writing and/or promptly hold expert meetings, upon request of either Party and taking into account the financial capacity of the Parties, on matters related to the international agreements referred to in this Chapter or to future international agreements in the field of intellectual property, to membership in international organisations, such as the World Trade Organization and the World Intellectual Property Organization, as well as to relations of the Parties with third countries on matters concerning intellectual property and to other issues relating to the implementation of this Chapter.

Chapter 10

GOVERNMENT PROCUREMENT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Parties recognise the importance of cooperation in the field of government procurement in accordance with their respective laws and regulations and given the available resources.

2. The Parties shall cooperate for the purposes of improving transparency, promoting fair competition and the use of electronic technologies in the field of government procurement.

3. The Parties shall inform each other as soon as possible of any significant modification of their respective laws and regulations and/or government procurement procedures.

4. The cooperation activities shall include the exchange of, where appropriate, non-confidential information, consultations, as provided for in Article 10.3 of this Agreement, and technical assistance.

5. The Parties shall endeavour to cooperate in the following:

a) facilitating participation of suppliers in government procurement, in particular, with respect to small and medium enterprises;

b) exchanging experience and information, such as regulatory frameworks, best practices and statistics;

c) developing and expanding the use of electronic means in government procurement systems;

d) capacity building for government officials in best government procurement practices;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

f) enhancing the ability to provide multilingual access to procurement opportunities.

6. The Parties shall develop further cooperation based on mutual experience in the field of government procurement, including electronic forms of procurement.

ARTICLE 10.2. Information on the Procurement System

1. For the purposes of transparency, the Parties shall make publicly available their respective laws and regulations relating to government procurement.

2. The Parties shall exchange the lists of media resources in which the Parties publish relevant information on government procurement.

3. The Parties shall endeavour to establish and maintain electronic means for publishing their respective laws and regulations and information on government procurement, given the available resources.

4. Each Party may expand the content of the government procurement information and the scope of the services provided through electronic means.

ARTICLE 10.3. Consultations

1. In the event of any disagreement relating to the application of the provisions of this Chapter, the Parties shall make every effort to reach a mutually satisfactory resolution through consultations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. A request for such consultations shall be submitted to the other Party’s contact point established under Article 10.5 of this Agreement. Unless the Parties agree otherwise, they shall hold consultations within 60 days from the date of receipt of the request.

4. Consultations may be conducted in person or via email, teleconference, videoconference, or any other means, as agreed by the Parties.

ARTICLE 10.4. Non-Application of Chapter 14 (Dispute Settlement)

Any matter arising under this Chapter shall not be subject to the dispute settlement mechanism provided for in Chapter 14 (Dispute Settlement) of this Agreement.

ARTICLE 10.5. Contact Points

1. Each Party shall designate a contact point to monitor the implementation of this Chapter. The contact points shall work collaboratively to facilitate the implementation of this Chapter.

2. The Parties shall provide each other with the names and contact details of their contact points.

3. The Parties shall promptly notify each other of any change to their contact points.

ARTICLE 10.6. Further Negotiations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 11

COMPETITION

ARTICLE 11.1. Basic Principles

1. The Parties recognise the importance of free and undistorted competition in their trade relations and respect the differences in their capacity in the area of competition policy.

2. Each Party shall, in accordance with its respective laws and regulations, take measures which it considers appropriate by proscribing anti-competitive business conduct, in order to promote the efficient functioning of its respective market and consumer welfare.

3. The measures each Party adopts or maintains to proscribe anti-competitive business conduct shall be taken in conformity with the principles of transparency, non-discrimination and fairness.

ARTICLE 11.2. Anti-Competitive Practices

1. The Parties shall take all necessary measures in accordance with their respective laws and regulations in order to prevent and restrict anti- competitive practices that affect trade between the Parties. Particular attention shall be given to the following practices which are incompatible with the proper operation of this Agreement:

a) all agreements between enterprises, decisions by associations of enterprises and concerted practices between enterprises which have as their object or effect the prevention, restriction or distortion of competition;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The issues concerning state monopolies and enterprises entrusted with special or exclusive rights shall not be subject of this Chapter.

ARTICLE 11.3. Cooperation

1. The Parties recognise the importance of cooperation activities relating to competition law enforcement and competition policy. Cooperation shall be conducted in accordance with the respective laws and regulations and based on the availability of the necessary resources. Cooperation shall include exchange of non-confidential information, consultations, cooperation in enforcement activities, as provided for in paragraph 2 of this Article, and technical assistance, including:

a) exchange of experience regarding the promotion and enforcement of competition law and policy;

b) joint seminars on competition law and law enforcement activities of the Parties; and

c) any other form of cooperation as agreed by the Parties.

2. Cooperation in law enforcement is carried out as follows:

a) if a Party considers that its interests are affected in the territory of the other Party in the sense of Article 11.2 of this Agreement, it may request that the other Party initiates appropriate enforcement activities. Such request shall take place if possible at an early stage of the anti- competitive practice under Article 11.2 of this Agreement and should be of sufficient detail;

b) the requested Party shall carefully consider the possibility for initiating enforcement activities or expanding ongoing enforcement activities in accordance with the requirements of its respective laws and regulations and inform the requesting Party of the results of such consideration as soon as practically possible;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) nothing in this Chapter shall limit the discretion of the requested Party to decide whether to undertake enforcement activities with respect to the anti-competitive practices identified in the request, or precludes the requesting Party from withdrawing its request.

ARTICLE 11.4. Consultations

1. To foster understanding between the Parties, or to address specific matters that arise under this Chapter, each Party shall, upon request of the other Party, enter into consultations. Such consultations shall be without prejudice to the rights of each Party to enforce their respective laws and regulations. In the request for consultations, the requesting Party shall indicate how the matter affects trade between the Parties. The Party receiving such request shall promptly hold consultations in order to achieve mutually satisfactory results in consistence with the provisions of this Chapter.

2. During the consultations in accordance with this Article, the requested Party shall provide full and sympathetic consideration to the matter that is the subject of consultations within a reasonable period of time. Both Parties shall aspire to reach consensus on the issue of concern through constructive dialogues.

3. If a Party considers that its interests are still affected after consultations in accordance with this Article, it may request consultations in the Joint Committee.

ARTICLE 11.5. Use of Information

1. Where a Party provides information to the other Party for the purposes of implementing this Chapter, such information shall be used by the latter Party only for such purposes and shall not be disclosed or transferred to any other organisation and/or individual without the consent of the Party providing the information.

2. Notwithstanding any other provision of this Chapter, neither Party is required to communicate information to the other Party if such communication is prohibited by their respective laws and regulations.

ARTICLE 11.6. Non-Application of Chapter 14 (Dispute Settlement)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 11.7. Contact Points

1. Each Party shall designate a contact point to monitor the implementation of this Chapter. The contact points shall work collaboratively to facilitate the implementation of the provisions of this Chapter.

2. The Parties shall exchange information containing the names of the designated competent authorities that shall act as their contact points and the contact details of relevant officials in such organisations, including telephone and facsimile numbers, email addresses and other relevant details.

3. The Parties shall promptly notify each other of any change to their contact points or relevant contact details.

Chapter 12

SUSTAINABLE DEVELOPMENT

ARTICLE 12.1. Objectives

1. The Parties agree to implement this Chapter in a manner consistent with labour and environmental protection, and sustainable use of their resources. In this regard the Parties shall:

a) strengthen cooperation on environmental and labour issues; and b) promote sustainable development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Parties shall endeavour to promote their trade relations for the purposes of sustainable development to the extent possible.

ARTICLE 12.2. Scope

This Chapter shall apply to measures adopted or maintained by the Parties affecting trade-related aspects of environmental and labour issues.

ARTICLE 12.3. General Principles

1. The Parties recognise the importance of and the need to enhance the capacity to address trade-related aspects of environmental and labour issues, taking into consideration the levels of development of the Parties.

2. The Parties recognise the need to strengthen cooperation with the aim of resolving environmental and labour issues of bilateral, regional and global concerns.

3. The Parties recognise the sovereign right of each Party to establish its own levels of national environmental and labour protection and environmental and labour development policies and priorities, and to adopt or modify accordingly its relevant environmental and labour laws and regulations and policies.

4. The Parties may recognise the significance of taking into account scientific, technical and other information as well as relevant and commonly recognised international standards when preparing and implementing measures aimed at protecting the environment and labour that affect trade between the Parties.

5. The provisions of this Chapter shall be without prejudice to the Parties’ obligations in accordance with other Chapters of this Agreement, including Chapter 8 (Trade in Services, Investment and Movement of Natural Persons).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Parties recognise the importance of mutually supportive trade, environment and labour policies and practices as well as the efforts to improve environmental and labour protection and enhance trade between the Parties.

2. Each Party shall endeavour to ensure that its environmental and labour laws and regulations, policies and practices are not used for the purposes of trade protectionism.

3. Neither Party shall seek to encourage or gain trade or investment advantage by weakening or failing through a sustained or recurring course of action or inaction to enforce or administer its environmental and labour laws and regulations, policies and practices in a manner affecting trade between the Parties.

ARTICLE 12.5. Environmental and Labour Cooperation

1. The Parties recognise the importance of strengthening their capacity to protect the environment and labour conditions and promoting sustainable development in their trade and investment relations in accordance with their respective laws and regulations.

2. The Parties shall endeavour to expand their cooperation in bilateral, regional, and multilateral fora on environmental and labour issues, recognising that such cooperation will help them achieve their shared environmental and labour goals and objectives, including the development and improvement of environmental and labour protection, practices, and technologies.

3. Cooperation activities under this Chapter may take the following forms:

a) exchange of knowledge and experiences;

b) exchange of experts and researchers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) promotion of cooperative activities between relevant ministries, research institutes and private enterprises; and

e) development and implementation of joint research, projects and other relevant activities in areas of mutual interest.

4. The Parties recognise the following fields of cooperation as particularly significant:

a) resolving trade-related environmental problems;

b) environmental policy development and institutional building;

c) training and education on environment and climate change issues and environmental protection;

d) exchange of experience and information in the development and enforcement of labour and employment-related laws and regulations and policies;

e) technical assistance and joint/cooperation projects on human resources development and social security policy aimed at creating decent work conditions or on the protection of the environment;

f) other mutually agreed areas in accordance with relevant laws and regulations of the Parties;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) environmental education and training aimed at raising public awareness; and

i) technical assistance and joint regional research programmes.

ARTICLE 12.6. Environmental and Labour Consultations

1. Either Party may request consultations regarding any matter arising under this Chapter through a written request submitted to the contact point designated by the other Party in accordance with Article 1.7 of this Agreement. The request shall contain information that is specific and sufficient to enable the Party receiving such request to respond. Unless the Parties agree otherwise, consultations shall commence within the period of 30 days after a Party receives the request for consultations.

2. The purpose of the consultations is to seek a mutually agreed solution to the matter. The Parties shall make every effort to arrive at a mutually satisfactory outcome, including by considering appropriate cooperation activities to resolve the matter. The Parties may agree to seek advice or assistance from domestic experts they deem appropriate.

3. If a Party considers that the matter needs further discussion such Party may bring the matter to the Joint Committee in order to reach an appropriate resolution of the matter.

ARTICLE 12.7. International Labour Standards and Agreements

1. The Parties recall the obligations deriving from membership of the International Labour Organization (ILO) and the ILO Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work and its Follow-up adopted by the International Labour Conference at its 86th Session in 1998.

2. The Parties reaffirm their commitment under the Ministerial Declaration of the UN Economic and Social Council on Full Employment and Decent Work of 2006 to recognise full and productive employment and decent work for all as a key element of sustainable development for all countries and as a priority objective of international cooperation and to promote the development of international trade in a way that is conducive to full and productive employment and decent work for all.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Parties shall periodically review at the meetings of the Joint Committee the progress achieved in pursuing the objectives set out in this Chapter and may consider relevant international developments, as appropriate, to identify areas where further action could promote these objectives.

ARTICLE 12.9. Non-Application of Chapter 14 (Dispute Settlement)

Any matter arising under this Chapter shall not be subject to the dispute settlement mechanism provided for in Chapter 14 (Dispute Settlement) of this Agreement.

Chapter 13

ELECTRONIC TECHNOLOGIES IN TRADE

ARTICLE 13.1. Scope and Coverage

1. The Parties recognise that electronic commerce may increase trade opportunities and contribute to economic growth, and underscore the importance of promoting the use of electronic technologies in trade in order to minimise the costs and facilitate trade, as well as the importance of cooperation between the Parties on the issues of electronic commerce under this Chapter.

2. This Chapter shall apply to measures taken by a Party relating to:

a) the use of electronic documents in trade between the Parties by means of digital signatures and a trusted third party; and

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. For the purposes of paragraph 2 of this Article such measures shall include the measures taken by:

a) central, regional or local governments and authorities; and

b) non-governmental bodies in the exercise of powers delegated by central, regional or local governments or authorities.

4. In fulfilling its obligations and commitments under this Chapter, each Party shall take such reasonable measures as may be available to it to ensure the observance of such obligations and commitments by regional and local governments and authorities and non-governmental bodies within its territory.

ARTICLE 13.2. Definitions

For the purposes of this Chapter:

a) “digital certificate” means an electronic document issued by an authorised organisation, containing information confirming that the particular digital signature belongs to a certain person;

b) “electronic commerce” means trade with the use of electronic technologies;

c) “electronic document” means a document where information is presented in an electronic form which can be certified by means of a digital signature;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) “electronic technologies” means a combination of software and hardware that provides interaction between the persons of the Parties using an electronic document;

f) “electronic authentication” means the process of establishing confidence in user identities electronically presented to an information system; and

g) “trusted third party” means an organisation vested with the rights in accordance with the domestic laws and regulations of each Party to verify a digital signature in a digitally signed electronic document at a fixed time with regard to author and/or recipient of electronic document.

ARTICLE 13.3. Electronic Authentication

The Parties shall endeavour to work towards mutual recognition of digital signatures in the exchange of electronic documents by means of a trusted third party service.

ARTICLE 13.4. Use of Electronic Documents

1. The Parties shall endeavour:

a) not to adopt or maintain domestic laws and regulations containing the requirement to confirm the authenticity of the transactions made in electronic form by presenting documents in paper form; and

b) to ensure that the documents related to trade transactions are presented to the competent authorities of the Parties in the form of an electronic document that is digitally signed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 13.5. Private Data Protection

The Parties shall endeavour to adopt and maintain in force measures aimed at the protection of private data of electronic commerce users.

ARTICLE 13.6. Cooperation on Electronic Technologies in Trade

1. The Parties shall exchange information and experience with regard to laws and regulations and programmes in the field of electronic technologies in trade, in particular with regard to private data protection and improvement of consumer confidence.

2. The Parties recognise the necessity of participation in bilateral, regional and multilateral fora on establishing legal frameworks regulating electronic commerce.

ARTICLE 13.7. Electronic Commerce Development

Recognising the global nature of electronic commerce and the importance of facilitating the use and development of electronic commerce, the Parties shall:

a) endeavour to develop the legal frameworks for electronic commerce using relevant international standards on data collection and in conformity with international practices including, where possible, decisions on electronic commerce taken within the framework of the WTO;

b) encourage the private sector to adopt self-regulation, including through codes of conduct, model contracts, guidelines and enforcement mechanisms that foster electronic commerce;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) promote the cooperation between their respective national consumer protection agencies on issues related to cross-border electronic commerce in order to enhance consumer welfare.

ARTICLE 13.8. Implementing Arrangements

1. Competent authorities of the Parties may conclude implementing arrangements on any matter within the scope of this Chapter. In particular, the implementing arrangements shall set out understandings reached in accordance with Articles 13.3, 13.4 and 13.5 of this Agreement.

2. The Parties through the relevant competent authorities shall take all necessary actions to apply the implementing arrangements within a jointly determined reasonable period of time.

Chapter 14

DISPUTE SETTLEMENT

ARTICLE 14.1. Objectives

The objective of this Chapter is to provide an effective and transparent process for the settlement of disputes arising under this Agreement.

ARTICLE 14.2. Definitions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) “Arbitral Panel” means an Arbitral Panel established pursuant to Article 14.7 of this Agreement; and

b) “disputing Parties” means the complaining Party and the responding Party. The Member States of the Eurasian Economic Union and the Eurasian Economic Union may act jointly or individually as a disputing Party. In the latter case if a measure is taken by a Member State of the Eurasian Economic Union, such Member State of the Eurasian Economic Union shall be a disputing Party, and if a measure is taken by the Eurasian Economic Union, it shall be a disputing Party.

ARTICLE 14.3. Scope and Coverage

1. Except as otherwise provided for in this Agreement, this Chapter shall apply with respect to the settlement of disputes between the Parties regarding the interpretation and/or application of this Agreement wherever a Party considers that the other Party has failed to carry out its obligations under this Agreement.

2. Disputes regarding the same matter between the same disputing Parties arising under both this Agreement and the WTO Agreement may be settled in either forum at the discretion of the complaining Party. The forum thus selected shall be used to the exclusion of the other.

3. For the purposes of this Agreement, the procedural provisions of the relevant incorporated articles of the WTO Agreement relating to dispute settlement in case of non-compliance or possible violation shall not be applied to any Member State of the Eurasian Economic Union which is not a Member of the WTO.

4. For the purposes of paragraph 2 of this Article, dispute settlement procedures under the WTO Agreement are deemed to be initiated by a disputing Party’s request for the establishment of a panel under Article 6 of the WTO Understanding on Rules and Procedures Governing the Settlement of Disputes, whereas dispute settlement procedures under this Agreement are deemed to be initiated upon a request for arbitration pursuant to paragraph 1 of Article 14.7 of this Agreement.

ARTICLE 14.4. Information Exchange and Amicus Curiae

1. The distribution among the Member States of the Eurasian Economic Union and the Eurasian Economic Union of any procedural document relating to any dispute arising under this Agreement shall not be viewed as a violation of the provisions on confidentiality under this Agreement and/or WTO Agreement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 14.5. Good Offices, Conciliation or Mediation

1. The disputing Parties may at any time agree to good offices, conciliation or mediation. Procedures for good offices, conciliation or mediation may begin at any time and be terminated at any time upon the request by either disputing Party.

2. If the disputing Parties so agree, good offices, conciliation or mediation may continue while the proceedings of the Arbitral Panel provided for in this Chapter are in progress.

3. Proceedings involving good offices, conciliation and mediation, and in particular positions taken by the disputing Parties during those proceedings, shall be confidential and without prejudice to the rights of either disputing Party in any further proceeding.

ARTICLE 14.6. Consultations

1. The Parties shall make every attempt through consultations to reach a mutually satisfactory solution of any matter raised in accordance with this Chapter.

2. A request for consultations shall be submitted in writing to the responding Party through its contact point or contact points designated in accordance with Article 1.7 of this Agreement as well as to the Joint Committee and shall give the reasons for the request, including identification of any measure or other matter at issue and an indication of the legal basis for the complaint.

3. When the complaining Party submits a request for consultations pursuant to paragraph 2 of this Article, the responding Party shall:

a) reply to the request in writing within 10 days from the date of its receipt; and

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Periods of time specified in paragraph 3 of this Article may be changed by agreement of the disputing Parties.

5. The consultations shall be confidential, and without prejudice to the rights of either disputing Party in any further proceeding.

6. A disputing Party may request the other disputing Party to make available for the consultations experts from its governmental agencies or other regulatory bodies who have expertise in the matter under consultations.

ARTICLE 14.7. Establishment of Arbitral Panel

1. The complaining Party that made a request for consultations under Article 14.6 of this Agreement may request in writing the establishment of an Arbitral Panel:

a) if the responding Party does not comply with the periods of time in accordance with paragraph 3 or 4 of Article 14.6 of this Agreement;

b) if the disputing Parties fail to resolve the dispute through such consultations within 60 days, or within 20 days in cases of urgency, including those concerning perishable goods, from the date of receipt of the request for such consultations; or

c) if the disputing Parties jointly consider that consultations have failed to settle the dispute during the period of time specified in subparagraph b) of this paragraph.

2. In cases of urgency, including those concerning perishable goods, the disputing Parties shall make every effort to accelerate the proceedings to the greatest extent possible.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The requirements and procedures specified in this Article may be changed by mutual agreement of the disputing Parties.

ARTICLE 14.8. Appointment of Arbitrators

1. The Arbitral Panel shall consist of three members.

2. Within 30 days of receipt of the request to establish an Arbitral Panel by the responding Party, each disputing Party shall appoint an arbitrator. Within 15 days of the appointment of the second arbitrator, the appointed arbitrators shall choose by mutual agreement the chair of the Arbitral Panel who shall not fall under any of the following disqualifying criteria:

a) being a national of Viet Nam or a Member State of the Eurasian Economic Union; or

b) having usual place of residence in the territory of Viet Nam or a Member State of the Eurasian Economic Union.

3. If the necessary appointments have not been made within the periods of time specified in paragraph 2 of this Article, either disputing Party may, unless otherwise agreed by the disputing Parties, invite the Secretary-General of the Permanent Court of Arbitration (hereinafter referred to as “PCA”) to be the appointing authority. In case the Secretary-General of the PCA is a national of Viet Nam or a Member State of the Eurasian Economic Union or is incapable to realise this appointing function, the Deputy Secretary-General of the PCA or the officer next in seniority who is not a national Viet Nam or a Member State of the Eurasian Economic Union and who is capable to realise this appointing function shall be requested to make the necessary appointments.

4. All arbitrators shall:

a) have expertise and/or experience in law, international trade, other matters covered by this Agreement, or the resolution of disputes arising under international trade agreements;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) be independent of, and not be affiliated with or take instructions from a Party; and

d) disclose to the disputing Parties any direct or indirect conflicts of interest in respect of the matter at hand.

5. Individuals may not serve as arbitrators for a dispute if they have dealt with the dispute previously in any capacity, including in accordance with Article 14.5 of this Agreement.

6. If an arbitrator appointed under this Article resigns or becomes unable to act, a successor arbitrator shall be appointed within 15 days in accordance with the procedure as prescribed for the appointment of the original arbitrator and the successor shall have all the powers and duties of the original arbitrator. Any period of time applicable to the proceeding shall be suspended beginning on the date the arbitrator resigns or becomes unable to act and ending on the date a replacement is selected.

7. The date of establishment of the Arbitral Panel shall be the date on which the chair of the Arbitral Panel is appointed.

8. The requirements and procedures specified in this Article may be changed by mutual agreement of the disputing Parties.

ARTICLE 14.9. Functions of Arbitral Panel

1. The functions of an Arbitral Panel are to make an objective assessment of the dispute before it, including an objective assessment of the facts of the case and the applicability of and conformity with this Agreement, and to make such findings and rulings necessary for the resolution of the dispute referred to it as it deems appropriate as well as to determine at the request of a disputing Party the conformity of any implementing measures and/or relevant suspension of benefits with its final report.

2. The findings and rulings of an Arbitral Panel cannot add to or diminish the rights and obligations of the Parties provided for in this Agreement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Arbitral Panel proceedings shall be conducted in accordance with the provisions of this Chapter.

2. Subject to paragraph 1 of this Article, the Arbitral Panel shall regulate its own procedures in relation to the rights of the disputing Parties to be heard and its deliberations in consultation with the disputing Parties. The disputing Parties in consultation with the Arbitral Panel may agree to adopt additional rules and procedures not inconsistent with the provisions of this Article.

3. After consulting the disputing Parties, the Arbitral Panel shall as soon as practicable and whenever possible within 10 days after its establishment, fix the timetable for the Arbitral Panel process. The timetable shall include precise deadlines for written submissions by the disputing Parties. Modifications to such timetable may be made by mutual agreement of the disputing Parties in consultation with the Arbitral Panel.

4. Upon request of a disputing Party or on its own initiative, the Arbitral Panel may, at its discretion, seek information and/or technical advice from any individual or body which it deems appropriate. However, before the Arbitral Panel seeks such information and/or advice, it shall inform the disputing Parties. Any information and/or technical advice so obtained shall be submitted to the disputing Parties for comment. Where the Arbitral Panel takes the information and/or technical advice into account in the preparation of its report, it shall also take into account any comment by the disputing Parties on the information and/or technical advice.

5. The Arbitral Panel shall make its procedural decisions, findings and rulings by consensus, provided that where the Arbitral Panel is unable to reach consensus such procedural decisions, findings and rulings may be made by majority vote. The Arbitral Panel shall not disclose which arbitrators are associated with majority or minority opinions.

6. The Arbitral Panel shall meet in closed session. The disputing Parties shall be present at the meetings only when invited by the Arbitral Panel to appear before it.

7. The hearings of the Arbitral Panel shall be closed to the public, unless the disputing Parties agree otherwise.

8. The disputing Parties shall be given the opportunity to attend any of the presentations, statements or rebuttals in the proceedings. Any information provided or written submission made by a disputing Party to the Arbitral Panel, including any comment on the descriptive part of the initial report and response to the questions put by the Arbitral Panel, shall be made available to the other disputing Party.

9. The deliberations of the Arbitral Panel and the documents submitted to it shall be kept confidential.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

11.The venue for hearings shall be decided by mutual agreement of the disputing Parties. If there is no agreement, the venue shall alternate between the capitals of the disputing Parties with the first hearing to be held in the capital of the responding Party.

ARTICLE 14.11. Terms of Reference of Arbitral Panel

Unless the disputing Parties agree otherwise within 20 days from the date of receipt of the request for the establishment of the Arbitral Panel, the terms of reference shall be:

“To examine, in the light of the relevant provisions of this Agreement, the matter referred to in the request for the establishment of an Arbitral Panel pursuant to Article 14.7 of this Agreement and to make findings and rulings of law and fact together with the reasons therefore for the resolution of the dispute.”.

ARTICLE 14.12. Termination or Suspension of Proceedings

1. The Arbitral Panel shall be terminated upon the joint request of the disputing Parties. In such event, the disputing Parties shall jointly notify the chair of the Arbitral Panel and the Joint Committee.

2. The Arbitral Panel shall, upon the joint request of the disputing Parties, suspend its work at any time for a period not exceeding 12 consecutive months from the date of receipt of such joint request. In such event, the disputing Parties shall jointly notify the chair of the Arbitral Panel. Within this period, either disputing Party may authorise the Arbitral Panel to resume its work by notifying the chair of the Arbitral Panel and the other disputing Party. In that event, all relevant periods of time set out in this Chapter shall be extended by the amount of time that the work was suspended for. If the work of the Arbitral Panel has been suspended for more than 12 consecutive months, the Arbitral Panel shall be terminated. The authority for establishment of a new Arbitral Panel by the original disputing Parties on the same matter referred to in the request for the establishment of the original Arbitral Panel shall lapse unless the disputing Parties agree otherwise.

ARTICLE 14.13. Reports of Arbitral Panel

1. The reports of the Arbitral Panel shall be drafted without the presence of the disputing Parties and shall be based on the relevant provisions of this Agreement, the submissions and arguments of the disputing Parties and any information and/or technical advice provided to it in accordance with paragraph 4 of Article 14.10 of this Agreement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. In exceptional circumstances, if the Arbitral Panel considers it cannot issue its initial report within the periods of time specified in paragraph 2 of this Article, it shall inform the disputing Parties in writing of the reasons for the delay together with an estimate of the period within which it will issue its initial report. Any delay shall not exceed a further period of 30 days unless the disputing Parties agree otherwise.

4. A disputing Party may submit written comments on the initial report to the Arbitral Panel within 15 days of receiving the initial report unless the disputing Parties agree otherwise.

5. After considering any written comment by the disputing Parties and making any further examination it considers necessary, the Arbitral Panel shall present to the disputing Parties its final report within 30 days of issuance of the initial report, unless the disputing Parties agree otherwise.

6. If in its final report, the Arbitral Panel finds that a disputing Party’s measure does not conform with this Agreement, it shall include in its findings and rulings a requirement to remove the non-conformity.

7. The disputing Parties shall release the final report of the Arbitral Panel as a public document within 15 days from the date of its issuance, subject to the protection of confidential information, unless any disputing Party objects. In this case the final report shall still be released for all Parties to the Agreement.

8. The final report of the Arbitral Panel shall be final and binding for the disputing Parties with regard to a particular dispute.

ARTICLE 14.14. Implementation

1. The disputing Parties shall immediately comply with the rulings of the Arbitral Panel. Where it is not practicable to comply immediately, the disputing Parties shall comply with the rulings within a reasonable period of time. The reasonable period of time shall be mutually determined by the disputing Parties. Where the disputing Parties fail to agree on the reasonable period of time within 45 days of the issuance of the Arbitral Panel’s final report, either disputing Party may refer the matter to the original Arbitral Panel, which shall determine the reasonable period of time after consulting with the disputing Parties.

2. Where there is disagreement between the disputing Parties as to whether a disputing Party has eliminated the non-conformity as determined in the report of the Arbitral Panel within the reasonable period of time as determined pursuant to this Article, the other disputing Party may refer the matter to the original Arbitral Panel.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The disputing Parties may at all times continue to seek mutually satisfactory resolution on the implementation of the final report of the Arbitral Panel.

ARTICLE 14.15. Compensation and Suspension of Benefits

1. If a disputing Party does not comply with the rulings of the Arbitral Panel within the reasonable period of time determined in accordance with Article 14.14 of this Agreement, or notifies the other disputing Party that it does not intend to do so, and/or if the original Arbitral Panel determines that a disputing Party did not comply with the rulings of the Arbitral Panel in accordance with Article 14.14 of this Agreement, such disputing Party shall, if so requested by the other disputing Party, enter into consultations with a view to agreeing on a mutually acceptable compensation. If no such agreement has been reached within 20 days from the receipt of the request, the other disputing Party shall be entitled to suspend the application of benefits granted under this Agreement in respect of the responding Party but only equivalent to those affected by the measure that the Arbitral Panel has found not to be in conformity with this Agreement.

2. In considering what benefits to suspend, a disputing Party should first seek to suspend benefits in the same sector or sectors as that affected by the measure that the Arbitral Panel has found not to be in conformity with this Agreement. If such disputing Party considers that it is not practicable or effective to suspend benefits in the same sector or sectors it may suspend benefits in other sectors.

3. A disputing Party shall notify the other disputing Party of the benefits which it intends to suspend, the grounds for such suspension and when suspension will commence at least 30 days before the date on which the suspension is due to take effect. Within 15 days from the receipt of such notification, the other disputing Party may request the original Arbitral Panel to rule on whether the benefits which a disputing Party intends to suspend are equivalent to those affected by the measure found not to be in conformity with this Agreement, and whether the proposed suspension is in accordance with paragraphs 1 and 2 of this Article. The rulings of the Arbitral Panel shall be given within 45 days from the receipt of such request and shall be final and binding to the disputing Parties. Benefits shall not be suspended until the Arbitral Panel has issued its rulings.

4. Compensation and/or suspension of benefits shall be temporary and shall not be preferred to full elimination of the non-conformity as determined in the final report of the Arbitral Panel. Compensation and/or suspension shall only be applied by a disputing Party until the measure found not to be in conformity with this Agreement has been withdrawn or amended so as to bring it into conformity with this Agreement, or until the disputing Parties have resolved the dispute otherwise.

5. Upon request of a disputing Party, the original Arbitral Panel shall rule on the conformity with the final report of any implementing measure adopted after the suspension of benefits and, in light of such rulings, whether the suspension of benefits should be terminated or modified. The rulings of the Arbitral Panel shall be made within 30 days from the date of the receipt of such request.

ARTICLE 14.16. Expenses

1. Unless the disputing Parties agree otherwise:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) the costs of the chair of the Arbitral Panel and other expenses associated with the conduct of its proceedings shall be borne in equal parts by the disputing Parties.

2. Upon request of a disputing Party, the Arbitral Panel may decide on the expenses referred to in subparagraph b) of paragraph 1 of this Article taking into account the particular circumstances of the case.

ARTICLE 14.17. Language

1. All proceedings and documents pursuant to this Chapter shall be conducted in the English language.

2. Any document submitted for use in the proceedings pursuant to this Chapter shall be in the English language. If any original document is not in the English language, the disputing Party submitting it shall provide an English language translation of such document.

Chapter 15

FINAL PROVISIONS

ARTICLE 15.1. Annexes

The Annexes to this Agreement constitute an integral part of this Agreement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A new Member State of the Eurasian Economic Union shall accede to this Agreement if the Parties mutually agree on such accession. Such accession shall be done through an additional protocol to this Agreement.

2. The Eurasian Economic Commission shall promptly notify Viet Nam of any third country receiving the status of the candidate for membership in the Eurasian Economic Union and of any accession to the Eurasian Economic Union.

3. Without prejudice to the accession of the candidate Member State to the Eurasian Economic Union, the provisions included in Chapter 8 (Trade in Services, Investment and Movement of Natural Persons) of this Agreement may be negotiated by Viet Nam on the one side and the candidate Member State of the Eurasian Economic Union on the other side.

4. Viet Nam and the candidate Member State of the Eurasian Economic Union shall endeavour to complete the negotiations envisaged in paragraph 3 of this Article prior to the candidate Member State becoming a Member State of the Eurasian Economic Union.

ARTICLE 15.3. Withdrawal and Termination

1. Each Party may withdraw from this Agreement by giving a six-month advance notice in writing to the other Party.

2. This Agreement shall terminate for any Member State of the Eurasian Economic Union which withdraws from the Treaty on the EAEU on the same date as the withdrawal takes effect. Viet Nam shall be notified in writing by the Eurasian Economic Union of such withdrawal six months in advance.

ARTICLE 15.4. Evolutionary Clause

1. The Parties undertake to review this Agreement in the light of further developments in international economic relations, inter alia, within the framework of the WTO, and to examine in this context and in the light of any relevant factor the possibility of further developing and deepening their cooperation under this Agreement and to extend it to areas not covered therein. The Joint Committee may, where appropriate, make recommendations to the Parties, particularly with a view to opening up negotiations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ARTICLE 15.5. Amendments

1. This Agreement may be amended by the Parties by mutual written consent.

2. Amendments shall enter into force according to the provisions of Article 15.6 of this Agreement. All amendments shall constitute an integral part of this Agreement.

ARTICLE 15.6. Entry into Force

1. This Agreement shall enter into force 60 days from the date of receipt of the last written notification certifying that Viet Nam and the Member States of the Eurasian Economic Union have completed their respective internal legal procedures subject to paragraph 2 of this Article. Exchange of such notifications shall be made between Viet Nam and the Eurasian Economic Commission.

2. Lack of written notification certifying that the Kyrgyz Republic has completed its respective internal legal procedures referred to in paragraph 1 of this Article shall not prevent this Agreement from entry into force between Viet Nam, of the one part, and the Eurasian Economic Union, the Republic of Armenia, the Republic of Belarus, the Republic of Kazakhstan and the Russian Federation, of the other part. This Agreement shall enter into force for the Kyrgyz Republic after 60 days from the date of receipt by Viet Nam of the written notification that the Kyrgyz Republic has completed internal legal procedures necessary for entry into force of this Agreement and not earlier than the entry into force of the Treaty on the Accession of the Kyrgyz Republic to the Treaty on the EAEU of 23 December 2014.

IN WITNESS WHEREOF, the undersigned, being duly authorised thereto, have signed this Agreement.

Done at Burabay, this 29th day of May 2015, in two originals in the English language, both texts being equally authentic.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

For the Republic of Armenia

 

For the Republic of Belarus

 

For the Republic of Kazakhstan

 

For the Kyrgyz Republic

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

For the Eurasian Economic Union

 

ATTACH FILE

 

1 If a Party to this Chapter undertakes a market-access commitment in relation to the supply of a service from the territory of a Party to this Chapter into the territory of the other Party to this Chapter and if the cross-border movement of capital is an essential part of the service itself, that Party is thereby committed to allow such movement of capital.

3 For greater certainty, investment does not mean claims to money that arise solely from:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu và các quốc gia thành viên

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.846

DMCA.com Protection Status
IP: 3.140.186.241
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!