BAN KINH TẾ
TRUNG ƯƠNG-
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3577/CTPH-BKTTW-BHXH
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 09 năm 2014
|
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP CÔNG TÁC
GIỮA
BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Căn cứ Quyết định số 200-QĐ/TW ngày
02 tháng 10 năm 2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành quy chế
về quan hệ công tác giữa ban cán sự đảng bộ, ngành với bộ trưởng, thủ trưởng
ngành; với đảng ủy cơ quan bộ, ngành, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy
trực thuộc Trung ương, đảng ủy các đơn vị sự nghiệp Trung ương, các ban Trung
ương Đảng và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 161-QĐ/TW ngày
28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức
bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 05/2014/NĐ-CP
ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Công văn số 123/TB-VPCP ngày
24 tháng 3 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về việc Thông báo ý kiến chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung
ương ngày 19 tháng 3 năm 2014,
Ban Kinh tế Trung ương và Bảo hiểm xã
hội Việt Nam thống nhất Chương trình phối hợp công tác với những nội dung sau:
I. NỘI DUNG PHỐI HỢP
1. Nghiên cứu các vấn đề lý luận và
thực tiễn trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm y tế.
2. Tổng kết, sơ kết việc thực hiện
các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đề xuất quan điểm chỉ đạo, các chủ
trương, chính sách lớn và giải pháp phát triển cho giai đoạn tiếp theo
3. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa
đàm, diễn đàn thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ của từng bên.
4. Trao đổi thông tin, báo cáo, ấn phẩm,
các tư liệu, các kết quả nghiên cứu, kiểm tra, thẩm tra, giám sát và công tác
tuyên truyền, thông tin truyền thông phục vụ cho hoạt động phối hợp công tác giữa
hai bên.
II. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
1. Đối với Ban Kinh tế Trung ương
- Hàng năm có kế hoạch cụ thể triển
khai thực hiện chương trình phối hợp giữa
hai cơ quan theo các nội dung đã được thống nhất.
- Chủ động đề xuất những nhiệm vụ
nghiên cứu cơ bản mang tính lý luận và thực tiễn về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế cũng như đề xuất yêu cầu tư vấn, phản biện, thẩm định, kiểm tra, giám
sát về các chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo nghị
quyết của Đảng.
- Chủ trì, phối hợp và thực hiện một số khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, dự
báo tình hình phát triển trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thảo luận,
đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định
về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư.
- Thường xuyên trao đổi thông tin,
thông báo với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tiến độ các chương trình, kế hoạch và
các định hướng lớn; các kết quả nghiên cứu,
thẩm định, giám sát về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Ban Kinh tế Trung ương thực hiện và các vấn đề liên
quan đến nội dung phối hợp giữa hai bên nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động của
mỗi bên.
2. Đối với Bảo hiểm xã hội Việt
Nam
- Hàng năm có kế hoạch cụ thể triển
khai thực hiện chương trình phối hợp giữa hai cơ quan theo các nội dung đã được
thống nhất.
- Chủ động đề xuất các vấn đề cấp
bách cần phối hợp nghiên cứu, tư vấn, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, giám sát
và kiến nghị những giải pháp, cơ chế, chính sách cần xem xét triển khai trong
lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Đồng chủ trì các hội nghị, hội thảo,
tọa đàm, diễn đàn khoa học thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Ban
Kinh tế Trung ương tổ chức.
- Phối hợp tham gia các đoàn khảo
sát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình phát triển thuộc lĩnh vực bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế; đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định
của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về lĩnh vực bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế theo đề xuất của Ban
Kinh tế Trung ương.
- Thường xuyên cung cấp thông tin, gửi
các báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất báo cáo kết quả nghiên cứu, kiểm tra do
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện; cung cấp các ấn phẩm, tư liệu, các tài liệu
có liên quan cho Ban Kinh tế Trung ương nhằm phục vụ cho hoạt động phối hợp công tác giữa hai bên.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Kinh tế Trung ương phân công Vụ
Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phân công Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam
làm đầu mối tổ chức thực hiện các nội dung chương trình phối hợp.
2. Vụ Xã hội Ban Kinh tế Trung ương
và Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm phân công cán bộ giữ đầu mối,
thường xuyên trao đổi thông tin, thông báo về các chương trình, kế hoạch và các
vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp giữa
hai bên và định kỳ báo cáo lãnh đạo mỗi bên.
3. Hàng năm, hai bên họp liên tịch
đánh giá kết quả phối hợp của năm trước và xác định nội dung, chương trình phối
hợp cụ thể của năm tiếp theo để triển khai thực hiện. Khi phát sinh nhiệm vụ đột
xuất thì Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam
trao đổi thống nhất phân công để phối hợp thực hiện.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, cán bộ làm đầu mối phải kịp thời trao đổi, thống nhất, báo cáo Lãnh
đạo Ban Kinh tế Trung ương và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xin ý
kiến chỉ đạo
KT. TRƯỞNG BAN
KINH TẾ
TRUNG ƯƠNG
PHÓ TRƯỞNG BAN
Đinh Văn Cương
|
TỔNG GIÁM ĐỐC
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Nguyễn Thị Minh
|
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Dân vận Trung ương Đảng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng;
- VP Trung ương Đảng; VP Chủ tịch nước; VP Quốc hội; VP Chính phủ;
- HĐQL BHXHVN;
- Bộ Lao động - TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính;
- Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương;
- Trưởng ban, các Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương;
- TGĐ, các PTGĐ BHXH Việt Nam;
- Các đơn vị trực thuộc BHXHVN;
- BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Vụ, đơn vị trực thuộc Ban Kinh tế
TW;
- Lưu: VT BKT, BHXHVN.
|