ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 28/CTr-UBND
|
Hưng
Yên, ngày 18 tháng 02 năm 2022
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP NGÀY 30/01/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ
CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ
43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày
30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa,
tiền tệ hỗ trợ Chương trình; các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: số
340/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai
đoạn 2021-2025; số 160/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn
5 năm giai đoạn 2021-2025; 148/NQ-HĐND ngày 26/10/2021 về kế hoạch tài chính 5
năm giai đoạn 2021-2025; số 155/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về nhiệm vụ phát triển
kinh tế xã hội năm 2022; số 158/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về dự toán thu ngân
sách nhà nước trên địa bàn; thu chi ngân sách địa phương năm 2022; số
163/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về kế hoạch đầu tư công năm 2022 và Công văn số
892/BKHĐT-TH ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Chương trình hành động với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Bám
sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Tỉnh ủy, các mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày
30/01/2022 của Chính phủ và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trên cơ sở
phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
2. Triển
khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách, giải pháp với lộ trình
thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển
kinh tế - xã hội. Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; cân đối
hợp lý giữa các địa phương, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; dễ kiểm tra, giám sát,
đánh giá; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; bảo đảm hiệu quả, công bằng,
công khai, minh bạch.
3. Xác định
rõ các mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, chuyên ngành; những nhiệm vụ, giải pháp và
thời gian thực hiện để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ
động phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
II. CÁC CHỈ TIÊU
CHỦ YẾU PHẤN ĐẤU
Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động
sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành,
lĩnh vực quan trọng.
1. Phấn đấu
đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình
quân 7,5-8%. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 2-2,5%/năm. Chỉ số
sản xuất công nghiệp tăng 9-10%/năm. Giá trị sản xuất thương mại,
dịch vụ tăng 7-7,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng/năm vào
năm 2025. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp, thủy sản 6% - công nghiệp, xây dựng 66%
- thương mại, dịch vụ 28%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%.
2. Phòng,
chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân,
nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng
nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phấn đấu
đạt mục tiêu năm 2022: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,5%. Chỉ số
sản xuất công nghiệp tăng 8,7%. Giá trị sản xuất: Xây dựng tăng 19,5%; thương mại,
dịch vụ tăng 5,6%; nông nghiệp, thủy sản tăng 2,2%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp,
xây dựng 64% - thương mại, dịch vụ 28% - nông nghiệp, thủy sản 8%. GRDP bình
quân đầu người 96,1 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu 5.600 triệu USD. Tổng mức
bán lẻ hàng hóa dịch vụ 49.268 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội
43.893 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn 19.800 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa
16.200 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.600 tỷ đồng. Tổng chi ngân
sách địa phương 16.751,7 tỷ đồng.
Phấn đấu có thêm 10 - 15 xã đạt nông
thôn mới nâng cao, có từ 08-10 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ đô thị hóa
đạt 43,5%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,6%. Tỷ lệ lao động
trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 37,5%. Tuổi thọ trung bình 75 tuổi;
9,3 bác sỹ và 30 giường bệnh/1 vạn dân. Tạo thêm việc làm mới cho 2,5 vạn lao động.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo 68%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng
chỉ đạt 27%. Tỷ lệ hộ nghèo 2,2% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -
2025). Tỷ lệ làng, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa 89,5%; tỷ lệ gia đình văn
hóa 92%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 94%. Tỷ lệ xử lý chất thải ở đô thị
đạt 87%, ở nông thôn 81%; 100% chất thải nguy hại được xử lý an toàn theo quy định;
100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn;
100% dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
3. Đối tượng, thời gian hỗ trợ
- Đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người
dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ
kinh doanh; Các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền
kinh tế.
- Thời gian hỗ trợ: Chủ yếu thực hiện
trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực
hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU
1. Thực hiện linh
hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi,
phát triển kinh tế - xã hội; mở cửa kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y
tế, phòng chống dịch bệnh
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên
truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh
giác; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ
quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Tiếp tục triển
khai các giải pháp phù hợp, kịp thời để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp,
người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại
dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công
nghiệp, dịch vụ, du lịch... Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh
nghiệp, áp dụng mức lãi suất cho vay linh hoạt, hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với
doanh nghiệp; Đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, kiểm
soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Quyết tâm phục
hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
- Ban hành và tổ chức thực hiện hiệu
quả, kịp thời Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (giai đoạn 2022-2023); tiếp
tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng
hóa, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch
bệnh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hướng dẫn và tăng cường tổ
chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thực hiện thống nhất các quy định về đi lại,
lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn
định; phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư trong kiểm soát dịch bệnh và thực
hiện chính sách.
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện,
giải ngân các dự án đầu tư xây mới; cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh, tập
trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường
năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật; nâng cao năng lực phòng,
chống dịch bệnh của viện và gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
trong lĩnh vực y tế, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
2. Tăng cường huy
động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng
bộ, hiện đại
- Quản lý và sử dụng kế hoạch vốn đầu
tư công đảm bảo đúng theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Chính
phủ và Nghị quyết số 163/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về
nhiệm vụ kế hoạch đầu tư công năm 2022. Chủ động xây dựng các giải pháp để tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022. Thực hiện
điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn các dự án chậm tiến độ. Nâng cao chất lượng
công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình thi công và nghiệm thu dự án đảm
bảo chất lượng và đúng thiết kế được duyệt; chống thất thoát, lãng phí trong đầu
tư xây dựng.
- Tạo đột phá về cải thiện môi trường
đầu tư kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần đẩy mạnh thu
hút đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư FDI. Chủ động phương án tạo mặt bằng
sạch, nguồn cung lao động và hạ tầng kết nối để thu hút các dự án lớn; phấn đấu
năm 2022 có từ 1-2 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư; giải phóng mặt bằng
500 ha và đầu tư xây dựng hạ tầng 120ha đất khu công nghiệp; cơ bản đầu tư đồng
bộ hạ tầng kỹ thuật, đưa vào hoạt động 02 cụm công nghiệp.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải
ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm 2022. Khẩn trương thực hiện các
bước chuẩn bị đầu tư dự án, thiết kế - dự toán, đấu thầu; ưu tiên hỗ trợ đền
bù, giải phóng mặt bằng các dự án lớn; huy động nhân lực, vật lực để triển khai
thi công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án nâng cấp mở
rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh
Hưng Yên; Dự án thành phần I giai đoạn 2 và Dự án đường bên của tuyến đường bộ
nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Chỉ
đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 08/11/2021 của Ban Thường vụ
Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giải
phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
- Huy động nguồn lực, lựa chọn hình
thức đầu tư phù hợp để đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị, nhất
là xây dựng hạ tầng giao thông và các công trình động lực tạo sự đột phá trong
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về
chất lượng công trình, đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư xây dựng.
3. Hoàn thiện thể
chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
- Triển khai thực hiện tốt công tác
kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản có liên quan trực
tiếp, rộng rãi đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, môi trường
đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh hiệu quả xử lý văn bản trái pháp luật; kịp thời
báo cáo, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý đối với những trường hợp
cần thiết.
- Hoàn thiện thể chế phát triển đồng
bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, cụ thể: Đề xuất kiến nghị tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để
phát triển đồng bộ các loại thị trường như: thị trường bất động sản; thị trường
khoa học - công nghệ; thị trường tài chính,... Phát triển đồng bộ các dịch vụ
tư vấn pháp luật, công chứng, thẩm định, đấu giá, đăng ký giao dịch...tạo môi
trường thuận lợi, an toàn cho các giao dịch trên thị trường bất động sản. Tăng
cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
- Tăng cường các hoạt động thanh tra,
kiểm tra, kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, đấu tranh
có hiệu quả với các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất
lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa,
chất lượng hàng hóa, ghi nhãn, niêm yết giá hàng hóa đặc biệt đối với các mặt
hàng thực hiện bình ổn giá, các mặt hàng thiết yếu. Thực hiện nhất quán cơ chế
giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai minh bạch các yếu tố
hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu; đồng thời có chính
sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách.
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể
chế hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ
người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển KTXH,
thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
quản lý nhà nước gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Kiên quyết, kiên trì và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí;
xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
Xây dựng nền hành chính công vụ minh bạch, liêm chính; ngăn chặn, xử lý nghiêm,
có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
4. Bảo đảm an
sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ việc làm
- Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao
động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp. Tiếp tục rà soát, có
chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
do tác động của dịch bệnh. Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua
Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm
nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ
nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Tạo
mọi điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tăng cường huy động, vận động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa giảm
nghèo bền vững, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với các địa phương
còn nhiều khó khăn; các nhóm đối tượng: hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người
có công, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, hộ nghèo có người ốm đau dài
hạn,... hướng tới mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Để phát huy hiệu quả Chương trình, Ủy
ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu nêu trên, đồng thời tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể như
sau:
1. Giao Sở
Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án
đôn đốc việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết
100% vốn đầu tư công năm 2022. Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác thúc đẩy
giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát,
kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
2. Giao Sở
Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ các chỉ
tiêu trong kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025, tham mưu việc sử dụng
linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình và nguồn vốn huy động theo kế hoạch
tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm; bảo đảm bố trí kinh
phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nói chung và
thuộc Chương trình nói riêng.
3. Giao Sở
Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan
tham mưu việc bảo đảm công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và hỗ trợ việc
làm cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng của dịch; phối hợp với các cơ
quan liên quan thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi hỗ trợ các đối tượng
theo quy định tại Nghị Quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và các
quy định có liên quan.
4. Giao Sở
Y tế căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế:
- Tiếp tục rà soát, hướng dẫn và triển
khai thực hiện các biện pháp y tế, an toàn, phù hợp với tình hình, lộ trình mở cửa
lại du lịch, vận tải, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo
đảm an toàn dịch bệnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn, tăng cường kiểm
tra, giám sát và tổ chức thực hiện, bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định về
đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất
an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí phù hợp.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
chức năng xây dựng phương án và lộ trình thực hiện để bảo đảm nguồn cung vắc-xin,
thuốc điều trị và thiết bị, vật tư phòng chống dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả.
5. Giao Cục
Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ miễn, giảm thuế,
phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP
ngày 30/01/2022 của Chính phủ và các quy định có liên quan để hỗ trợ phục hồi
doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
6. Ngân
hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Hưng Yên chủ trì tổ chức triển khai các nhiệm vụ,
giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày
30/01/2022 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Triển khai đồng bộ, linh hoạt các
công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm
soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực
cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu
của hệ thống các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh
tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy
định của Nghị quyết số 11/NQ-CP (giảm khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và
2023), nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
7. Sở
Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình mở cửa trường học
an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả.
8. Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khẩn trương triển khai các chương trình
cho vay ưu đãi đối với các đối tượng ưu tiên quy định tại Nghị quyết số
11/NQ-CP .
9. Các sở,
ban, ngành, cơ quan, đơn vị còn lại, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 và Chương
trình hành động này, căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch hành động cụ thể
của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra,
đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động này.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KH và ĐT;
- Bộ Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm TH-CB;
- Các CV biên tập;
- Lưu: VT, CV: THH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Văn
|