Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Chỉ thị 5/CT-UBND 2020 kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ứng phó với dịch Covid 19 tỉnh Lào Cai

Số hiệu: 5/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Đặng Xuân Phong
Ngày ban hành: 20/03/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5/CT-UBND

Lào Cai, ngày 20 tháng 3 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020 ĐỂ ỨNG PHÓ VỚI DIỄN BIẾN CỦA DỊCH COVID-19

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới,...: Dịch bệnh Covid-19 (bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 01/2020) tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia cũng như ở Việt Nam. Do vậy, nó đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta nói chung cũng như đối với tỉnh biên giới như Lào Cai nói riêng. Đối với tỉnh Lào Cai, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách giảm so cùng kỳ, nhiều dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Ngành công nghiệp bước đầu bị ảnh hưởng khi thiếu một số nguyên nhiên liệu, vật tư, thiết bị nhập khẩu là đầu vào sản xuất, một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu bị hạn chế. Ngành nông nghiệp mức độ ảnh hưởng không lớn, thậm chí còn có mặt tích cực (cơ hội để một số tiểu ngành tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, sản xuất phục vụ thị trường nội tiêu...). Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách nhà nước, thị trường lao động, việc làm, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Theo dự báo đến cuối Quý II/2020 dịch bệnh được khống chế trên thế giới và Việt Nam, khi đó nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, đẩy mạnh các sản xuất kinh doanh, nhu cầu xuất nhập khẩu, du lịch, tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tăng cao là cơ hội để tỉnh Lào Cai khôi phục, phát triển các ngành kinh tế.

Để tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, chủ động chuẩn bị các điều kiện khi dịch được khống chế, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

Các sở, ban, ngành, địa phương:

1. Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/02/2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 và các công điện của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch đề ra tại các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh phòng chống dịch Covid-19: Chỉ thị số 60/CT-TU ngày 09/3/2020, Công văn số 2459-CV/TU ngày 30/01/2020, Kế hoạch số 32/KH- UBND ngày 28/01/2020, Công văn số 321/UBND-VX ngày 29/01/2020, Công văn số 435/UBND-VX ngày 10/02/2020, Công văn số 711/UBND-VX ngày 27/02/2020, Công văn số 1025/UBND-VX ngày 13/3/2020,...

2. Tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm này đang bùng phát, lan rộng, đặc biệt là Lào Cai là một địa phương trọng điểm du lịch của cả nước; có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động bất ngờ.

3. Tập trung phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập của nền kinh tế, của từng ngành, lĩnh vực và khu vực doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã giao, đồng thời đảm bảo hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020 (không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã giao tại Quyết định số 4268/QĐ- UBND ngày 09/12/2019 của UBND tỉnh).

4. Triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 16/12/2019 của UBND tỉnh, trong đó cần chủ động, rà soát, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, lựa chọn các nhiệm vụ trọng yếu cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện; xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho từng ngành cụ thể, tạo động lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành, lĩnh vực.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Tập trung kiểm soát tình hình, hạn chế lây lan, phát tán dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Các sở, ban, ngành, địa phương:

- Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19.

- Chủ động cung cấp kịp thời, chính xác thông tin tình hình, diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước, trên địa bàn tỉnh để ổn định tâm lý và tạo đồng thuận xã hội trong việc chung tay tham gia phòng, chống dịch bệnh. Đấu tranh mạnh mẽ, xóa bỏ các thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thông tin để giảm thiểu sự hoang mang, ổn định tâm lý Nhân dân, doanh nghiệp.

- Triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó tập trung: (i) Tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, phòng chống H5N1, H5N6; (ii) Tổ chức thực hiện tốt công tác khử trùng, khử khuẩn, bảo đảm an toàn, vệ sinh các không gian công cộng, nhất là tại trường học, bệnh viện; (iii) Tổ chức khám sàng lọc ban đầu; cách ly, xác định các trường hợp nghi ngờ có triệu chứng nhiễm bệnh; (iv) Phối hợp các tổ chức y tế quốc tế nghiên cứu trong và ngoài nước cập nhật tình hình, phác đồ điều trị và tổ chức điều trị cho các trường hợp đã xác định nhiễm bệnh; (v) Rà soát, đánh giá chính xác về nguồn dự phòng, năng lực sản xuất và nhu cầu sử dụng thực tế vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo đủ nguồn hàng, ổn định giá bán, phục vụ Nhân dân.

2. Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp

2.1. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, triển khai kịp thời gói hỗ trợ tín dụng theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2.2. Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh:

- Triển khai Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương. Đẩy mạnh công tác giải quyết hoàn thuế theo quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tập trung hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

- Khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương, xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.

2.3. Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh theo hướng dẫn của Trung ương hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12 năm 2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; hướng dẫn thời điểm đóng kinh phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

2.4. Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

3. Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, khôi phục sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

3.1. Phục hồi và phát triển ngành du lịch:

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:

- Thực hiện các giải pháp đảm bảo thu hút lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh đạt trên 4 triệu lượt khách.

- Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến tại thị trường ngoài nước, trong đó ưu tiên xúc tiến tại thị trường Trung Quốc sau khi công bố hết dịch. Tăng cường công tác truyền thông. Toàn ngành cần thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa; tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp.

- Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội với nội dung, thông điệp khẳng định Lào Cai là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách…

- Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tái phát, đảm bảo môi trường du lịch, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các khu vực kinh doanh, có biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách và nhân viên tại các cơ sở kinh doanh; phối hợp với các đơn vị chức năng thu gom rác thải đảm bảo hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường…

- Đề xuất UBND tỉnh các giải pháp về hỗ trợ tài chính đối với du lịch cộng đồng và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin, liên kết phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh.

3.2. Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu:

- Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh:

+ Thực hiện các giải pháp đảm bảo mục tiêu giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt tối thiểu 4 tỷ USD.

+ Bảo đảm thông quan hàng hoá được thuận lợi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

+ Rà soát tình trạng hoạt động của các kho, bãi trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là các kho đông lạnh) để phục vụ cho hoạt động lưu giữ hàng hoá trong trường hợp chưa kịp thông quan.

+ Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, đàm phán với phía Trung Quốc về đề xuất mở một đến hai cửa khẩu phụ hoặc lối mở để cư dân biên giới thực hiện trao đổi, tiêu thụ nông sản; mở các cặp cửa khẩu song phương Bản Vược - Bá Sái, Mường Khương - Kiều Đầu; cho phép xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế đường sắt; cải cách thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông qua tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Bắc Sơn.

+ Khi dịch bệnh được kiểm soát ở mức an toàn cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và con người tại cửa khẩu để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giao thương; chủ động, tích cực triển khai các thoả thuận được các cơ quan giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc); tổ chức hội đàm, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, rào cản trong xuất nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ thiết lập các cặp chợ biên giới giữa Lào Cai - Vân Nam; nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp trong nước để tránh ồn ứ tại cửa khẩu đồng thời chuẩn bị tốt hàng hóa kịp thời tổ chức các hoạt động giao thương.

+ Đẩy mạnh các biện pháp về thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại của dịch bệnh Covid-19...

+ Triển khai ngay các giải pháp để tổ chức thực hiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, nhiên liệu bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

+ Xây dựng quy trình, thủ tục, tổ chức quản lý tốt hoạt động tại cửa khẩu phụ, lối mở sau khi đã thống nhất với phía Trung Quốc và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

+ Điều chỉnh các hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu hàng hóa hướng tới các thị trường mới để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị: Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, xử lý linh hoạt, đảm bảo việc xuất nhập khẩu hàng hóa tại biên giới được nhanh chóng, thuận lợi.

- Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì hoàn thiện các thủ tục và thực hiện cải tạo, sửa chữa Nhà liên ngành Trung tâm quản lý quốc tế Lào Cai - Cửa khẩu đường bộ số 1 theo hướng phát triển thành cửa khẩu kiểu mẫu; sửa chữa lại một số hạng mục công trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh (tại Công văn số 1035/UBND-KT ngày 16/3/2020).

3.3. Phát triển thương mại nội địa: Sở Công Thương chủ trì:

- Thực hiện các giải pháp đảm bảo mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mục tiêu kế hoạch năm 2020 (28.800 tỷ đồng).

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về dịch bệnh tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh (tập trung tuyên truyền đến các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại, đến các khu vực chợ, trung tâm bán lẻ, cửa hàng tiện ích,...) nhằm ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn, đảm bảo các hoạt động thương mại diễn ra ổn định, bình thường. Huy động một số doanh nghiệp tổ chức các đợt bán hàng lưu động, cung ứng sản phẩm hàng hóa đến vùng dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng (tập trung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu). Khuyến khích thương nhân tổ chức kinh doanh hình thức cửa hàng tiện ích với quy mô nhỏ gọn trong các khu dân cư để giảm tập trung đông người, giúp quản lý chặt chẽ chất lượng hàng hóa. Tuyên truyền, khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử.

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và các thị trường ngoài Trung Quốc để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm sản xuất tại địa phương (phốt pho vàng, nông lâm sản). Tổ chức làm việc với các đơn vị chế biến hoa quả (đóng hộp, sấy khô); các đơn vị thu mua xuất khẩu chính ngạch (đối với sản phẩm chuối); các đơn vị thu mua cung ứng hoa quả tại các chợ đầu mối lớn trong nước để tiêu thụ sản phẩm.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thương mại phối hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh tiếp nhận tiêu thụ sản phẩm hàng hóa (nhất là các mặt hàng thực phẩm nông sản) đảm bảo về chất lượng, VSATTP, cung ứng cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian không xuất khẩu được.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện ngăn chặn kịp thời lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch.

3.4. Đối với ngành vận tải:

Sở Giao thông vận tải - Xây dựng chủ trì:

- Xây dựng phương án khai thác tuyến vận tải để áp dụng tạm thời trong thời gian còn dịch Covid-19, trong đó tạm thời điều chỉnh cắt giảm số lượng chuyến/lượt xe trên tuyến, hết thời gian thực hiện cắt giảm chuyến/lượt xe tạm thời, đơn vị vận tải tiếp tục thực hiện phương án khai thác tuyến như cũ.

- Tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động vận tải qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu. Xây dựng các phương án vận chuyển hàng hóa, máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

3.5. Tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành công nghiệp:

- Sở Công Thương:

+ Thực hiện các giải pháp đảm bảo mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt cao hơn năm 2019, phấn đấu đạt Kế hoạch năm 2020 đã giao.

+ Đẩy mạnh khai thác khoáng sản, sẵn sàng chuẩn bị nguyên liệu cho sản xuất tăng cao sau dịch bệnh (đảm bảo theo kế hoạch đã giao). Tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến, thủy điện theo kế hoạch.

+ Tháo gỡ các khó khăn để các dự án công nghiệp lớn được đưa vào hoạt động trong năm theo đúng tiến độ: Nhà máy luyện đồng Bản Qua, các nhà máy thủy điện.

+ Phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương tìm kiếm, giới thiệu nguồn cung các loại nguyên liệu, máy móc, thiết bị thiếu hụt (nguồn nhập khẩu trước đây tại Trung Quốc) tại thị trường trong và ngoài nước; thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Lào Cai. Phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc triển khai ngay các giải pháp để tổ chức thực hiện nhập khẩu cho máy móc, thiết bị, vật tư, nhiên liệu bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai để đảm bảo tiến độ thời gian, giảm chi phí.

+ Tham mưu UBND tỉnh đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu tinh quặng đồng (trong trường hợp Nhà máy luyện đồng Bản Qua chậm tiến độ) nhằm giải phóng hàng tồn kho của các nhà máy tuyển đồng, quặng sắt, deluvi đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- Các đơn vị sản xuất công nghiệp:

+ Xây dựng lại kế hoạch sản xuất, tối ưu công nghệ; sắp xếp lại lao động; tiết giảm chi phí… Chủ động nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu từ Trung Quốc về nước bằng đường biển để giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu thiếu hụt thay thế nguồn cung từ Trung Quốc.

+ Trong thời gian sản xuất gặp khó khăn do dịch bệnh chủ động triển khai công tác bảo trì bảo dưỡng máy móc thiết bị, đào tạo tập huấn cho lao động, triển khai diễn tập ứng phó sự cố hóa chất (đối với doanh nghiệp sản xuất hóa chất)… để sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất khi khó khăn qua đi.

+ Chủ động nắm bắt tình hình thị trường để chủ động chuẩn bị nguyên nhiên vật liệu, vật tư, thiết bị đảm bảo sản xuất thường xuyên. Tổ chức tốt sản xuất, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường khi phục hồi trở lại.

3.6. Phát triển ngành nông nghiệp: Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

- Thực hiện các giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt trên 6%.

- Tập trung thúc đẩy sản xuất với mục tiêu: (1) Đẩy mạnh sản xuất đảm bảo hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đã giao, cung cấp đủ nông sản cho thị trường; (2) Tập trung, quyết liệt phòng chống dịch bệnh, không để lây lan, đẩy mạnh tái đàn, giảm giá thịt lợn; (3) Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho sản xuất và tiêu thụ nông sản khi hết dịch, các địa phương phải khai thác tiềm năng, thế mạnh để bứt phá.

- Đảm bảo sản xuất vụ Xuân đạt kết quả thắng lợi; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về giống, phân bón cho sản xuất vụ Mùa đảm bảo hoàn thành kế hoạch. Chủ động đẩy nhanh thời vụ gieo cấy lúa, tăng vụ trên diện tích đất ruộng 1 vụ, ruộng 2 vụ. Tăng cường chỉ đạo mở rộng sản xuất các loại cây trồng khác đảm bảo đạt và vượt kế hoạch giao về diện tích, năng suất, sản lượng; áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Mở rộng diện tích trồng rau xanh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

- Đối với các sản phẩm hàng hóa tập trung (chuối, dứa, chè), chú trọng yếu tố thị trường, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, chế biến. Trước mắt tạo điều kiện xây dựng nhà máy chế biến dứa, chuối tại huyện Mường Khương, xưởng chế biến nông sản tại Bát Xát; các nhà máy chế biến tinh dầu sả, quế... Tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân áp dụng các biện pháp trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản như: Phơi khô, sấy khô, chế biến tinh bột, đóng hộp,... để bảo quản, tích trữ.

- Ưu tiên phát triển các giống cây ăn quả đặc sản địa phương, cấp mã số vùng trồng; đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo phục tráng, phát triển cây ăn quả có năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu quả tươi cũng như đảm bảo nguyên liệu cho chế biến; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nông sản.

- Bảo vệ hiệu quả đàn vật nuôi, công bố hết dịch đối với dịch tả lợn Châu Phi để tái đàn lợn; ngăn chặn dịch cúm trên đàn gia cầm và các dịch, bệnh khác. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo vùng, đẩy mạnh tiến độ và quy mô tái đàn; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất để tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Phát triển đàn gia súc, gia cầm đảm bảo vượt 5-6% so Kế hoạch năm 2020 đã giao.

- Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; triển khai hiệu quả Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, xác nhận sản phẩm an toàn và xúc tiến thị trường, quảng bá các sản phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Thường xuyên cập nhật thông tin giá cả, thị trường; tạo điều kiện tốt nhất cho các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ nông sản.

4. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách Nhà nước

4.1. Đối với các đơn vị, chủ đầu tư:

- Các chủ đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố sát sao, nghiêm túc trong việc đôn đốc, chỉ đạo các phòng, ban, nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, GPMB,… để đẩy nhanh tiến độ thanh toán các nguồn vốn được giao, khẩn trương đưa nguồn vốn đầu tư công vào nền kinh tế, góp phần kích cầu nền kinh tế. Yêu cầu phấn đấu đến hết năm 2020, giải ngân 100%KH đã giao. Trường hợp chủ đầu tư nào không giải ngân hết nguồn vốn đã giao do nguyên nhân chủ quan mà bị Trung ương thu hồi vốn, UBND tỉnh có văn bản phê bình và đưa vào nội dung đánh giá công tác thi đua khen thưởng của chủ đầu tư đó.

- Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ, ngành, Trung ương phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 trong tháng 3 năm 2020 (đối với các dự án Trung ương chưa bổ sung kế hoạch trung hạn cho tỉnh).

- Đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình đã giao vốn; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào những tháng cuối năm và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản, cụ thể:

+ Đối với vốn kéo dài năm 2018, 2019 sang năm 2020: Yêu cầu phải giải ngân xong trước ngày 30/6/2020.

+ Đối với các dự án thu hồi vốn ứng trước: Yêu cầu khẩn trương thực hiện các thủ tục hoàn ứng ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh theo đúng quy định trước ngày 31/3/2020.

+ Đối với các dự án đã quyết toán và hoàn thành đưa vào sử dụng: Khẩn trương phê duyệt quyết toán và giải ngân hết số vốn đã giao trước ngày 30/4/2020.

+ Đối với các dự án chuyển tiếp: Tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho các nhà thầu theo đúng quy định.

+ Đối với dự án khởi công mới năm 2020: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế, phê duyệt, tổ chức lựa chọn nhà thầu và khởi công trước ngày 30/6/2020.

4.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp đảm bảo huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 41.000 tỷ đồng theo kế hoạch đã giao.

- Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan thường xuyên, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, đảm bảo giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2018, 2019 và vốn kế hoạch năm 2020; tham mưu chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ. Trường hợp cần thiết, thành lập Tổ công tác đi kiểm tra, đánh giá.

- Tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội, đặc biệt là các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI như Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, Đường Phố Mới (thành phố Lào Cai) - Bảo Hà - Văn Yên (Yên Bái), Kè Cánh Chín xã Vạn Hòa, Nút giao cao tốc tại Phố Lu...; hoàn thành thủ tục đầu tư, đàm phán với phía Trung Quốc và chủ động đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn để khởi công thực hiện dự án Cầu đường bộ qua biên giới khu vực Bản Vược, huyện Bát Xát; đẩy nhanh tiến độ phấn đấu khởi động dự án Cảng hàng không Sa Pa trong năm 2020 tạo động lực, thu hút thêm nguồn lực đầu tư mới vào tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình.

- Đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện các dự án đã được cấp chứng nhận chủ trương đầu tư, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để triển khai thực hiện các dự án theo thỏa thuận hợp tác đã ký kết với UBND tỉnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019.

4.3. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng:

- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh lựa chọn các nhà đầu tư cho các dự án đô thị đủ điều kiện với các hình thức phù hợp, linh hoạt, đúng quy định và đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai đấu giá quyền sử dụng đất các dự án đô thị đủ điều kiện (Tiểu khu đô thị 5A, 13, 18, 21 và khu vực tại Tổ 54 phường Kim Tân, thành phố Lào Cai…).

4.4. Các sở, ban, ngành, địa phương:

- Tích cực, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư cũng như tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án như cam kết giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ (280 nghìn tỷ) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh (Dự án mở rộng nâng công suất nhà máy luyện đồng Lào Cai của Tổng công ty khoáng sản TKV - CTCP; Dự án công viên vui chơi giải trí huyện Bát Xát (hạng mục sân Golf) của Tập đoàn Sungroup; Dự án công viên văn hóa Mường Hoa (giai đoạn 1) của Tập đoàn Alphanam; Dự án tòa nhà hỗn hợp tại Tiểu khu đô thị số 2, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai của Tập đoàn Bitexco...).

5. Thực hiện dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước

5.1. Về thực hiện dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn:

Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo mục tiêu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt bằng mức năm 2019, phấn đấu đạt và vượt dự toán năm 2020 tỉnh đã giao. Trong đó:

- Thu thuế, phí và các khoản thu khác nội địa:

+ Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND cấp huyện và các Chi cục Thuế khẩn trương rà soát lại nguồn thu của từng khoản thu, sắc thuế trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19; đánh giá tác động của các chính sách ưu đãi được ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020. Trên cơ sở đó, đánh giá khả năng thu ngân sách năm 2020 so với dự toán HĐND, UBND tỉnh đã giao, đề xuất giải pháp thực hiện quyết liệt vừa đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, vừa thu đúng, thu đủ và kịp thời theo pháp luật các khoản thu vào ngân sách. Báo cáo của Cục Thuế tỉnh gửi Sở Tài chính trước ngày 25/3/2020, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/3/2020 để xem xét, chỉ đạo.

+ Cục Thuế tỉnh rà soát các khoản thu đối với các doanh nghiệp thủy điện, doanh nghiệp vãng lai, doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu nợ thuế. Kịp thời đôn đốc thu các khoản thuế, phí đã hết thời gian gia hạn vào ngân sách Nhà nước.

- Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất:

Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Quỹ Đầu tư phát triển, UBND cấp huyện phối hợp cơ quan liên quan rà soát toàn bộ quỹ đất, trụ sở cũ các cơ quan hành chính đang được giao quản lý theo thẩm quyền, xem xét bổ sung kế hoạch đấu giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2020; đồng thời rà soát tăng thu tiền sử dụng đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các hộ dân trên địa bàn các huyện, thành phố. Báo cáo của UBND cấp huyện, các đơn vị gửi Sở Tài chính trước ngày 25/3/2020, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/3/2020 để xem xét, chỉ đạo.

Đối với các quỹ đất, trụ sở đã có kế hoạch khai thác năm 2020, các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện khẩn trương triển khai các bước thực hiện thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 10/02/2020, bổ sung tại Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 26/02/2020 và các quyết định bổ sung khác (nếu có).

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: Cục Hải quan tỉnh chủ trì:

+ Khẩn trương rà soát lại nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; đánh giá số liệu tăng, giảm thu do tác động của dịch Covid-19 và thực hiện các chính sách ưu đãi được ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020. Báo cáo của Cục Hải quan tỉnh gửi Sở Tài chính trước ngày 25/3/2020, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/3/2020 để xem xét, chỉ đạo.

+ Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan: Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh... tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở.

+ Chỉ đạo các Chi cục Hải quan đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhưng thực hiện khai báo thủ tục hải quan ngoài địa bàn, các doanh nghiệp ngoài địa bàn tham gia thủ tục hải quan tại các cửa khẩu trên địa bàn Lào Cai; chủ động thu thập thông tin về các kế hoạch sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại chỗ, hướng dẫn doang nghiệp đăng ký thủ tục nộp thuế tại các Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh Lào Cai.

+ Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về công tác chống buôn lậu của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 các cấp, tăng cường lực lượng quản lý tốt địa bàn kiểm soát hải quan, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm chủ động đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan; quyết liệt, nỗ lực thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đã được HĐND, UBND tỉnh giao đầu năm.

5.2. Về thu ngân sách địa phương:

Cơ quan tài chính các cấp tính toán số thu ngân sách địa phương cấp mình được hưởng theo quy định trên cơ sở số thu NSNN trên địa bàn Cục Thuế tỉnh tổng hợp, xác định số liệu có khả năng giảm thu so với dự toán được HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao đầu năm (nếu có) báo cáo UBND cùng cấp để chủ động trong quá trình điều hành; thường xuyên theo dõi số liệu thực hiện thu ngân sách cấp mình được hưởng theo phân cấp, hàng tuần báo cáo UBND cùng cấp để chỉ đạo, điều hành về chi ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách mỗi cấp.

5.3. Về chi ngân sách:

- Chi đầu tư phát triển:

+ Các chủ đầu tư: Rà soát lại toàn bộ dự án, công trình đã được cấp có thẩm quyền giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2020 theo tiêu chí: công trình quyết toán, hoàn thành, chuyển tiếp và khởi công mới; xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền dừng, chưa khởi công mới đối với các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, nguồn thu đóng góp khai thác khoáng sản, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn tăng thu của ngân sách các cấp, trừ các công trình xóa phòng học tạm, công trình trình phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai, phòng chống dịch bệnh và kinh phí GPMB theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

+ Cơ quan tài chính, kế hoạch các cấp phối hợp với các chủ đầu tư rà soát danh mục công trình, dự án đang triển khai thực hiện, báo cáo UBND cùng cấp xem xét cho ý kiến tiếp tục triển khai hoặc dừng, giãn, hoãn tiến độ đối với từng công trình, dự án; đồng thời đề xuất với cấp có thẩm quyền về danh mục công trình, dự án chuyển tiếp để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.

- Chi thường xuyên:

Cơ quan tài chính các cấp chủ trì, phối hợp với các đơn vị dự toán ngân sách cùng cấp, các cơ quan đơn vị được ngân sách hỗ trợ kinh phí (sau đây gọi là đơn vị): Thực hiện rà soát lại toàn bộ dự toán được cấp có thẩm quyền giao từ đầu năm, tạm giãn, hoãn thời gian thực hiện một số nhiệm vụ chưa cấp bách hoặc cần thiết như: Hội nghị, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài và trong nước, mua sắm, sửa chữa,... mà đến ngày 20/3/2020 chưa triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, tổng hợp báo cáo UBND cùng cấp xem xét quyết định giãn, hoãn thời gian thực hiện đối với từng nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.

Trường hợp các chương trình kiểm tra, giám sát, hội nghị, hội thảo, tập huấn,... nằm trong chương trình, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và cần thiết phải thực hiện, yêu cầu đơn vị rà soát lại chương trình, kế hoạch trình cấp thẩm quyền điều chỉnh quy mô, nội dung cho phù hợp, chỉ thực hiện các nhiệm vụ nếu không triển khai sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường hướng dẫn việc tổ chức các hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến để tránh việc tổ chức các hoạt động tập trung đông người.

Đối với mua sắm tài sản trong dự toán đã giao nhưng chưa tổ chức đấu thầu yêu cầu đơn vị rà soát lại, chỉ thực hiện mua sắm tài sản tối cần thiết không thể thiếu đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục, tài sản khác chưa cấp bách khác sẽ tạm dừng chưa mua sắm.

Yêu cầu các đơn vị thuộc ngân sách các cấp tự rà soát, gửi kết quả cho cơ quan tài chính cùng cấp trước ngày 25/3/2020; cơ quan tài chính cấp huyện tổng hợp báo cáo UBND cùng cấp, gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/3/2020.

- Về quản lý và sử dụng dự phòng ngân sách các cấp: Cơ quan tài chính các cấp tham mưu UBND cùng cấp sử dụng dự phòng đảm bảo đúng theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, theo đó năm 2020 trước mắt chỉ sử dụng dự phòng cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, cứu đói; đến cuối năm 2020 nếu còn dư mới tham mưu bố trí cho các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

6. Xử lý các vướng mắc về lao động

6.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, tập trung vào các vấn đề sau:

- Tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; có biện pháp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Đề xuất giải pháp quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại tỉnh, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.

6.2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh: Đề xuất giải pháp, xử lý linh hoạt việc cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Lào Cai nhằm bảo đảm nhu cầu nhân lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (khi nhập cảnh người lao động được kiểm tra, cách ly, theo dõi y tế đảm bảo đủ điều kiện mới được đưa về doanh nghiệp làm việc).

7. Tăng cường các hoạt động đối ngoại

- Sở Ngoại vụ chủ trì tham mưu thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và an ninh biên giới, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thường xuyên trao đổi, phối hợp với tỉnh bạn, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh bùng phát, giữ mối quan hệ tốt, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động hợp tác khác giữa hai bên.

- Các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý biên giới, lãnh thổ trên địa bàn tỉnh. Kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh, ổn định tình hình trật tự trị an trong khu vực biên giới. Tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung các văn kiện về biên giới, lãnh thổ và biên bản các phiên họp cấp ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

- Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Sở Ngoại vụ tham mưu mở rộng hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển du lịch. Chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục hợp tác với các địa phương thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch: Tour du lịch kiểu mẫu “2 quốc gia 6 điểm đến”; Giải đua xe đạp “Một đường đua hai quốc gia”… Tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) trong lĩnh vực đào tạo nhân lực du lịch, ngoại ngữ, bảo tàng… Liên kết với các địa phương trong nước để phát triển du lịch: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế,… nhằm sớm phục hồi ngành du lịch.

8. Đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan báo, đài trên địa bàn:

- Kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid- 19 của Việt Nam và của tỉnh Lào Cai; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của Nhân dân.

- Tăng cường truyền thông quảng bá tỉnh Lào Cai, trong đó khẳng định Lào Cai là điểm đến an toàn và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh du lịch nắm rõ thông tin, cách thức phòng chống dịch, không kỳ thị người nước ngoài, khách du lịch từ các vùng có dịch, ảnh hưởng đến hình ảnh thân thiện của con người và du lịch Lào Cai, tác động tiêu cực đến đến tâm lý khách du lịch khi lựa chọn điểm đến sau này.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung quán triệt, khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, phòng, ban, cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này; chủ động phối hợp với các sở, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh, định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh hàng tháng.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai, các hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, đoàn thể Nhân dân có biện pháp động viên mọi thành phần kinh tế và các tầng lớp Nhân dân hăng hái khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội; rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng và mức độ thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra trên các lĩnh vực và kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh có giải pháp, đối sách phù hợp, kịp thời.

Căn cứ Chỉ thị này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- TT: TU, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- VP: TU, HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Uỷ MTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các đơn vị ngành dọc TW đóng trên địa bàn;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Lào Cai, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu VT, các CV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Phong

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Chỉ thị 5/CT-UBND về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước ngày 20/03/2020 để ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 do tỉnh Lào Cai ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.056

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.72.44
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!