CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH
THUẬN
Ninh Thuận được xác định là trung tâm sản xuất giống thủy
sản lớn của cả nước; hiện nay, toàn tỉnh có hơn 400 cơ sở sản xuất giống với
hơn 1.000 trại sản xuất, hằng năm cung ứng hàng chục tỷ con giống chất lượng
cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong cả nước. Ngoài hai đối tượng sản xuất chủ lực
là tôm sú (Penaeus monodon) và tôm chân trắng (Penaeus vannamei), hiện nay Ninh
Thuận còn sản xuất nhiều đối tượng có giá trị khác như ốc hương, ốc nhảy, tu
hài, cua biển, cá biển, ... đáp ứng nhu cầu nuôi đa dạng trong và ngoài tỉnh.
Giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận đặc biệt là giống tôm sú và tôm chân trắng được
đánh giá có chất lượng cao, luôn khẳng định được uy tín trên thị trường cả nước.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nghề sản xuất giống
thủy sản và sản xuất giống tôm (tôm sú và tôm chân trắng) đang gặp nhiều khó
khăn do một số nguyên nhân như: tình hình thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh
phát sinh, môi trường xung quanh các cơ sở sản xuất bị ô nhiễm do chính nước thải
từ hoạt động sản xuất giống thủy sản, thị trường tiêu thụ không ổn định, nguồn
giống tôm bố mẹ ngày càng khan hiếm và không chủ động. Bên cạnh đó, tình trạng
sang nhượng, chuyển đổi đối tượng sản xuất không qua cơ quan quản lý Nhà nước
diễn ra khá phổ biến ở các cơ sở sản xuất, một số văn bản quy định của Nhà nước
chưa được ban hành kịp thời làm cho công tác quản lý các hoạt động sản xuất
kinh doanh giống thủy sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sản xuất các đối tượng
mới: ốc hương, cua biển, tôm càng xanh, tu hài, cá biển, ...
Nhằm tăng cường quản lý các hoạt động sản xuất, kinh
doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện nghiêm túc Nghị định
số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh
một số ngành nghề thủy sản; Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06 tháng 8 năm
2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành quy chế quản lý sản
xuất, kinh doanh giống thủy sản; Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm
2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm
nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 và các văn bản khác có
liên quan. Để thực hiện chủ trương đa dạng hoá đối tượng sản xuất của ngành
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phát huy lợi thế về sản xuất, kinh doanh
giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các tổ
chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh:
a) Phải đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy
sản được quy định tại Điều 11 Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm
2005 của Chính phủ và khoản 10 Điều 11 Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng
02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số
ngành nghề thủy sản. Vị trí xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản phải nằm
trong vùng quy hoạch hoặc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép sản xuất; đồng
thời phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận
theo quy định của pháp luật. Đối với cơ sở sản xuất tôm chân trắng giống phải
có biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, không gây nhiễm chéo nhằm tránh tình trạng
lây lan một số bệnh đặc trưng từ tôm chân trắng sang các loài tôm bản địa,
không được để tôm thất thoát ra ngoài vùng nước tự nhiên. Tất cả các cơ sở sản
xuất giống thủy sản phải có hệ thống xử lý nước thải theo quy định của pháp luật,
bảo đảm thu gom được nước từ mọi nguồn cần thải và không gây ô nhiễm môi trường
cho khu vực sản xuất. Nước thải phải được xử lý, bảo đảm đạt tiêu chuẩn thải
theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi thải ra môi
trường;
b) Các tổ chức, cá nhân chuyển đổi đối tượng sản xuất giống
phải đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xây dựng phương án sản
xuất đảm bảo các biện pháp xử lý hiệu quả nước thải, chất thải, an toàn sinh học,
an toàn môi trường và dịch bệnh;
c) Thực hiện nghiêm túc các quy định khác về sản xuất giống
thủy sản như công bố chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá, sử dụng giống bố mẹ,
sử dụng thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học, thực hiện kiểm dịch và phòng chống
dịch bệnh theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác
tuyên truyền pháp luật về quản lý sản xuất kinh doanh giống thủy sản ở Việt Nam
đến các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh biết
và nghiêm chỉnh chấp hành;
b) Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các cơ sở sản
xuất giống xây dựng phương án chuyển đổi đối tượng sản xuất theo đúng các quy định
hiện hành, sản xuất hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an toàn môi trường, an toàn sinh
học và an toàn dịch bệnh. Trong khi chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
xây dựng Quy chuẩn Việt Nam, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển
khai tham mưu xây dựng tiêu chuẩn tạm thời về trại sản xuất giống ốc hương, về
giống ốc hương thương phẩm trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, là cơ sở kỹ thuật
để các cơ sở tuân thủ, đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ và đảm bảo lợi ích người
nuôi ốc hương thương phẩm, bảo vệ thương hiệu giống ốc hương Ninh Thuận;
c) Tăng cường thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường
các vùng sản xuất giống trọng điểm, khuyến cáo kịp thời diễn biến môi trường và
hướng dẫn người sản xuất các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường;
thẩm định về vùng, quy mô, điều kiện kỹ thuật các dự án đầu tư sản xuất giống
thủy sản trên địa bàn tỉnh; đề xuất tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến
trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản; nâng cao năng lực xử lý môi trường, xử
lý nước, nâng cao chất lượng và sản lượng giống thủy sản, đa dạng hoá đối tượng
nuôi;
d) Tăng cường công tác kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y
các cơ sở sản xuất giống, kiểm dịch đầu vào, đầu ra; tăng cường kiểm dịch các đối
tượng khác ngoài tôm sú và tôm chân trắng, đặc biệt là đối tượng ốc hương.
Không thực hiện kiểm dịch cho các lô hàng không đảm bảo kích cỡ hoặc độ tuổi
theo quy định đối với từng đối tượng;
e) Tăng cường kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị
cơ quan thẩm quyền cấp trên xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến sản xuất
kinh doanh giống thủy sản, đặc biệt là vi phạm các quy định về không đảm bảo điều
kiện sản xuất kinh doanh, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và bảo vệ môi
trường, trốn tránh kiểm dịch, không thực hiện công bố chất lượng hàng hoá theo
quy định, kinh doanh hàng hoá giống thủy sản không đảm bảo chất lượng như đã
công bố;
f) Tăng cường công tác tập huấn, phổ biến, thông tin các
quy định của Nhà nước, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, an
toàn môi trường, phòng chống dịch bệnh lây lan; quy trình kỹ thuật sản xuất giống
thủy sản cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các đối tượng nuôi mới như ốc
hương, tu hài, … phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể vận động,
hướng dẫn thành lập các tổ cộng đồng sản xuất giống thủy sản để hỗ trợ kỹ thuật,
bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan khoa học, cơ
quan đào tạo trong nước có liên quan cập nhật, tập huấn, đào tạo bồi dưỡng kiến
thức, cung cấp thông tin về kỹ thuật công nghệ sản xuất giống, nhận chuyển giao
quy trình, hoàn thiện quy trình và tập huấn đào tạo kỹ thuật viên cho các cơ sở
sản xuất trong tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Thực hiện mọi biện pháp tăng cường quản lý đất đai,
kiên quyết ngăn chặn kịp thời các trường hợp phát triển tự phát, tự ý xây mới
cơ sở sản xuất mà chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng;
b) Đối với các vùng đã quy hoạch hoặc được sự đồng ý của Ủy
ban nhân dân tỉnh cho phép sản xuất giống thủy sản, yêu cầu Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sản
xuất đúng quy định; tăng cường công tác giữ gìn an ninh trật tự, quản lý tạm
trú, tạm vắng; quản lý chặt chẽ các trường hợp thuê mướn, sang nhượng, xây mới
các trại sản xuất giống thủy sản trên địa bàn. Vận động đẩy mạnh việc phát triển
loại hình cộng đồng tham gia quản lý vùng sản xuất;
c) Tổ chức quán triệt cho cán bộ, công chức các xã phường,
thị trấn, các phòng, ban, hội, đoàn thể có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố hiểu rõ, chấp hành và tuyên truyền các quy định của Nhà nước đối với
quản lý sản xuất kinh doanh giống thủy sản; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm túc pháp luật về đất đai, thủy sản,
bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan;
d) Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm
tra, xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, bảo vệ môi
trường các khu vực nuôi.
4. Các sở, ngành liên quan:
a) Các cơ quan cấp giấy phép đầu tư khi tiếp nhận hồ sơ dự
án của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh giống
thủy sản trên địa bàn tỉnh cần phải có ý kiến chấp thuận dự án về mặt chuyên
môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tham mưu đề xuất cho Ủy ban
nhân dân tỉnh giải quyết theo đúng quy định hiện hành;
b) Sở Tài nguyên và Môi trường khi tham mưu giải quyết về
đất, mặt nước cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống thủy sản tại tỉnh
phải phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo quản lý chặt
chẽ, đúng quy định, đặc biệt là đối với đối tượng giống thủy sản mới; phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc xử lý và xả nước thải
của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, kiên quyết xử lý các trường
hợp vi phạm;
c) Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn tỉnh
nghiên cứu cho vay vốn đầu tư phát triển sản xuất giống thủy sản, ưu tiên các
cơ sở sản xuất áp dụng quy phạm GAqP, CoC, Global GAP;
d) Thanh tra xây dựng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố có trách nhiệm kiểm tra giấy phép xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản
trên địa bàn tỉnh theo phân cấp tại Quyết định số 152/2009/QĐ-UBND ngày 29
tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời kiên quyết đình chỉ các
công trình xây dựng không đúng quy định;
e) Hiệp hội giống thủy sản tuyên truyền, vận động các hội
viên chấp hành pháp luật và các quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất,
kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh;
f) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, Hội
Nông dân tỉnh, Hội Nghề cá tỉnh trong phạm vi trách nhiệm phối hợp với các cơ
quan chức năng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền đối với việc
quản lý sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.
5. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười)
ngày kể từ ngày ký ban hành.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban,
ngành và các đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống thủy sản thực hiện nghiêm túc Chỉ
thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp
thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu, đề
xuất ý kiến, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.