ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
22/2011/CT-UBND
|
Đồng Tháp,
ngày 04 tháng 11 năm 2011
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ KIỂM SOÁT
GIÁ CẢ TRÊN THỊ TRƯỜNG
Trong những năm qua, công tác chống buôn lậu, hàng giả
và gian lận thương mại trên địa bàn Tỉnh đã có nhiều cố gắng và đạt được những
kết quả tích cực. Tình hình buôn lậu tuyến biên giới đã giảm cơ bản về quy mô
và tính chất; công tác chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng
có những chuyển biến tiến bộ trong phát hiện, kiểm tra và xử lý; công tác quản
lý, kiểm soát giá cả từng bước đi vào nền nếp đã góp phần thúc đẩy sản xuất
phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại trên địa bàn Tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; hàng giả, hàng kém chất
lượng, gian lận thương mại đang là vấn đề bức xúc; tình hình chấp hành pháp luật
trong lĩnh vực giá chưa tốt; số vụ phát hiện, xử lý còn ít so với thực trạng của
tình hình,…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, Ủy ban nhân dân Tỉnh
chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng chống buôn
lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn Tỉnh:
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức tạo
sự đồng thuận của xã hội trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại; tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát thường
xuyên, ngăn chặn và không để hình thành các tổ chức, đường dây tội phạm vi phạm
về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Tỉnh.
2. Sở Công Thương:
- Theo dõi chặt chẽ tình hình cung - cầu các mặt hàng
thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như: gạo, đường, thuốc chữa bệnh, thức
ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu, xi măng, thép,…; đề xuất phương án xử lý kịp
thời khi thị trường có biến động, không để xảy ra tình trạng lợi dụng biến động
về nguồn hàng, giá cả trên thị trường để đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, trái pháp
luật để thu lợi bất chính.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường có kế hoạch phối
hợp với các lực lượng chức năng khu vực biên giới tổ chức tuyên truyền và tăng
cường kiểm tra, kiểm soát, thực hiện các giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả,
hàng kém chất lượng và gian lận thương mại có hiệu quả.
- Phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong
Tỉnh mở rộng sản xuất, phát triển mạng lưới phân phối, đảm bảo hàng hóa lưu
thông thông suốt.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, các yếu tố
trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình
ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; thực hiện tốt
công tác thông tin dự báo tình hình, phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để
có giải pháp đối phó, xử lý kịp thời không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Đẩy mạnh
thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức
các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Phối hợp với Sở Tài chính giúp Ủy ban
nhân dân Tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các chi phí sản xuất,
đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo
giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ở mức hợp lý.
3. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực
hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá; thực hiện kiểm tra việc chấp hành các
quy định của pháp luật về giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan
như: kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng hóa, dịch vụ theo giá niêm yết; đăng
ký giá, kê khai giá, hiệp thương giá, công khai thông tin về giá đối với loại
hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký giá, kê khai giá theo quy định;
phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về giá và những
quy định pháp luật khác có liên quan; kiểm tra và báo cáo tình hình chấp hành
các biện pháp bình ổn giá.
4. Sở Khoa học và Công nghệ:
Tăng cường quản lý chất lượng hàng hoá theo quy định
hiện hành; chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về tiêu
chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa như: xăng dầu, nhãn hàng hóa,
hàng đóng gói sẵn theo định lượng, mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô xe máy,
mũ bảo
vệ cho trẻ em tham gia giao thông, dụng cụ điện gia dụng,
sắt thép, đồ chơi trẻ em; phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm quyền sở hữu
trí tuệ và các vấn đề liên quan thuộc phạm vi quản lý theo chức năng, nhiệm vụ
của ngành.
5. Công an Tỉnh:
Chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc tập trung
kiểm tra, phát hiện và xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất buôn bán
hàng giả và gian lận thương mại, nhất là các đường dây, ổ nhóm liên quan đến
nhiều địa bàn (liên tỉnh). Phối hợp với các ngành chức năng chủ động nắm và dự
báo tình hình thị trường, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu,
hàng giả, gian lận thương mại, vận chuyển chất nổ, chất gây nghiện trái phép, tội
phạm về môi trường. Tăng cường nắm tình hình, tiến hành thường xuyên các biện
pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện và điều tra tội phạm buôn lậu, vận chuyển
trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, buôn bán hàng cấm, kinh doanh trái
phép, trốn lậu thuế, hàng giả, gian lận thương mại theo quy định của pháp luật.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục
Thuế và Cục Hải quan:
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Hải quan Tỉnh phối hợp
chặt chẽ với các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện nhiệm
vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; tăng cường công tác tuyên truyền
vận động nhân dân vùng biên giới tích cực tham gia phòng chống buôn lậu, hàng
giả, hàng kém chất lượng qua biên giới. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hoá
xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu để ngăn chặn hàng nhập lậu, gian lận thương mại,
nhất là thực hiện tốt các phương án của Trung ương và kế hoạch của Ban Chỉ đạo
127/ĐP theo trách nhiệm và địa bàn phân công; chủ động xây dựng các phương án,
kế hoạch, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, tăng cường tuần tra, kiểm
soát tập trung vào những địa bàn trọng điểm, khu vực thường gây bức xúc trong
dư luận nhân dân, khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu
vực biên giới, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Cơ quan Thuế tăng cường công tác quản lý, kịp thời
phát hiện các hành vi gian lận trốn thuế, mua bán sử dụng hoá đơn chứng từ thuế
bất hợp pháp và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
7. Sở Nông nghiệp và phát triển
nông thôn:
Tăng cường công tác quản lý về chất lượng hàng hóa phục
vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống
cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, thuốc
thú y thủy sản,…; theo dõi sát nhu cầu hàng hóa vật tư nông nghiệp theo từng vụ,
năm; phối hợp Sở Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, phát hiện
kịp thời và xử lý kiên quyết đối với những hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh
tăng giá bất hợp lý hoặc đưa hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường gây
thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
8. Sở Y tế:
Tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ y tế, thuốc chữa
bệnh, hành nghề y dược, khám chữa bệnh; quản lý giá thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh
tư nhân, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất các giải pháp bình ổn giá thuốc trên
thị trường; cùng các ngành khác tăng cường thu thập thông tin ngăn chặn hành vi
nhập lậu thuốc tân dược, dụng cụ y tế và hành vi sản xuất, buôn bán thuốc phòng
bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm giả, kém chất lượng trên thị trường.
9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ,
quyền tác giả, quyền liên quan, tác phẩm, sản phẩm văn hóa,…; thường xuyên tổ
chức kiểm tra xử lý các hành vi sao chép băng đĩa lậu; phối hợp với các ngành hữu
quan quản lý chất lượng và giá dịch vụ trong lĩnh vực quản lý của ngành theo
quy định.
10. Sở Giao thông Vận tải:
Tăng cường công tác quản lý dịch vụ vận tải, nhất là
giá cước vận tải, giá vé xe hành khách mang tính cạnh tranh, tăng cường chất lượng
phục vụ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi lợi dụng giá nhiên liệu tăng để
tăng giá vận chuyển bất hợp lý; vận động lái xe không tham gia vận chuyển hàng
hóa nhập lậu và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu trên các tuyến đường bộ, đường
thủy.
11. Sở Thông tin và Truyền thông,
Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đồng Tháp:
Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác
thông tin tuyên truyền theo các chuyên đề chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại, chống các hành vi sản xuất, kinh doanh gian lận, lừa dối người tiêu
dùng, hành vi làm giá, ép giá, vi phạm quy định về lĩnh vực giá nói chung và
các đối tượng vi phạm nói riêng với số trang, mục, thời lượng và thời gian hợp
lý.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố:
- Theo dõi và dự báo tình hình hàng hóa thiết yếu trên
địa bàn, báo cáo cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân Tỉnh để nắm tình hình
chung, có biện pháp xử lý; nắm thông tin, phát hiện những vấn đề bất thường
trong cung - cầu hàng hóa trên địa bàn, kịp thời có những biện pháp xử lý theo
thẩm quyền, đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh để có biện pháp xử lý (nếu
vượt thẩm quyền).
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chức
năng của địa phương thực hiện công tác tuyên truyền trong nhân dân về các giải
pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; chủ trì,
phối hợp các ngành chức năng của Tỉnh đóng tại địa bàn thực hiện tốt công tác
kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian
lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đảm bảo vệ sinh an toàn
thực phẩm.
- Tổ chức các hình thức tuyên truyền đến các đối tượng
kinh doanh trên địa bàn những quy định của Nhà nước về hoạt động kinh doanh. Tổ
chức quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn chấp hành đúng các quy
định về đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, các điều kiện trong kinh
doanh theo quy định của Nhà nước. Tổ chức các đội vừa tiến hành kiểm tra, vừa tổ
chức cho các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất
lượng, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người tiêu dùng về hàng
hóa mình kinh doanh; nắm bắt tình hình thông tin thị trường; chỉ đạo việc phối
hợp với các Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn tiến hành lấy mẫu hàng hóa
để kiểm định chất lượng, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực
vật,…
13. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và Đoàn thể các cấp trong Tỉnh:
Theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức mình cùng tham gia
công tác vận động tuyên truyền đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tích cực
hưởng ứng những chủ trương, giải pháp của Nhà nước về chống buôn lậu, hàng giả,
hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và kiểm tra quản lý giá cả; vận động hội
viên là những thương nhân chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật trong
kinh doanh, đồng thời giám sát, cung cấp thông tin đến cơ quan Nhà nước để kiểm
tra, xử lý những đối tượng vi phạm làm thiệt hại đến sản xuất và tiêu dùng của
nhân dân.
14. Tổ chức thực hiện:
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh liên quan và Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch để triển khai thực
hiện. Định kỳ hàng quí, 6 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện về Cơ quan Thường
trực Ban Chỉ đạo 127/ĐP (Chi cục Quản lý thị trường) để tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân Tỉnh.
Giao Sở Công Thương theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc
thực hiện Chỉ thị này.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh liên quan,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt Chỉ thị
này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (I+II);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Bộ Công Thương;
- Ban Chỉ đạo 127/TW;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp;
- Chủ tịch & các PCT/UBND Tỉnh;
- UBMTTQVN và các Đoàn thể Tỉnh;
- Các Ngành thành viên BCĐ 127/ĐP;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ quan Báo, Đài, Cổng TTĐT Tỉnh;
- LĐVP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH. LVV.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tôn Hoàng
|