ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14/CT-UBND
|
Vĩnh Long, ngày
14 tháng 9 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHỈ
SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) CỦA TỈNH VĨNH LONG
Năm 2020, theo kết quả công bố
PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Vĩnh Long đạt 69,34
điểm và đứng vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng PCI 2020 cả nước, đã giảm
điểm và thứ hạng (giảm 3 bậc) so với năm 2019. Trong khu vực đồng bằng sông Cửu
Long, tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 3 (giảm 1 bậc) sau Đồng Tháp và Long An. Kết quả
khảo sát điều tra cho thấy cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận, đánh giá về chất lượng
điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số mặt chưa tốt,
thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần tụt giảm điểm số hoặc thứ hạng. Do
đó, tỉnh Vĩnh Long cần nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
cho doanh nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư đến Vĩnh Long; Đồng thời, phải quyết
liệt hơn trong việc khắc phục những hạn chế nhằm cải thiện cả về điểm số và thứ
hạng đối với các chỉ số trong thời gian tới.
Để tiếp tục cải thiện chỉ số
năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Vĩnh Long trong năm 2021 và những năm tiếp
theo, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành và địa phương tập trung thực
hiện tốt những nội dung sau:
1. Tăng cường
trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành và các đơn vị được phân công
chủ trì cải thiện chỉ số PCI và từng chỉ số PCI thành phần
- Triển khai thực hiện tốt Kế
hoạch số 11/KH-UBND, ngày 23/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị
quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh
doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; trong
đó, tập trung bám sát các giải pháp chủ yếu đã được tỉnh đề ra;
- Lãnh đạo các sở, ban, ngành
và địa phương chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy
trách nhiệm. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển
khai thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước và chỉ đạo của Ủy ban
nhân dân tỉnh; đảm bảo sự nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh
đến địa phương; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp nhằm hỗ
trợ, phát triển doanh nghiệp; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về các chỉ số
thành phần chưa đạt mục tiêu thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình quản lý;
- Chủ động phối hợp với các
ngành, các cấp; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng
văn bản (xác định thời hạn cụ thể) và công khai các kiến nghị và quá trình giải
quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên các Cổng thông tin điện tử của
sở, ngành và địa phương để theo dõi, đôn đốc kịp thời.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Sở Tài chính, Sở Xây dựng: Thực hiện tốt Quy chế
phối hợp về trình tự các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây
dựng theo đúng quy trình và đúng thời gian quy định đã công bố. Tránh tình trạng
xử lý công việc chồng chéo, tồn đọng hồ sơ quá lâu làm phiền hà đến doanh nghiệp.
- Thanh tra tỉnh và thanh tra
các sở, ngành: Phát huy tốt công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, nhằm
tránh trùng lắp, chồng chéo để giảm số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Chỉ
thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo chỉ đạo của cấp
có thẩm quyền.
- Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND
các huyện, thị xã, thành phố:
+ Tiếp tục thực hiện tốt công
tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện tốt
trong tiếp xúc, gặp gỡ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hướng bình đẳng,
công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và
thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất
đai,...
+ Cải tiến các website của đơn
vị, địa phương, thực hiện niêm yết công khai, minh bạch tại trụ sở cơ quan, đơn
vị các chủ trương, chính sách mới ban hành của Nhà nước, của tỉnh, đặc biệt là
các chính sách thu hút đầu tư, các thủ tục hành chính, các thông tin về quy hoạch,
kế hoạch, dự án, nhất là thực hiện công bố, công khai trên cổng thông tin điện
tử tỉnh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời các
thông tin cần thiết liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tận dụng các cơ
hội đầu tư.
+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin trong công tác hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh, tập trung triển
khai thực hiện các đề án, dự án, quy trình, quy định đã có trong lĩnh vực đăng
ký kinh doanh, thuế, xây dựng, đất đai, tư pháp, quản lý doanh nghiệp.
2. Đẩy mạnh
cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan
đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp
- Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND
các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch,
thuận lợi để giảm chi phí và thời gian thực hiện cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện cơ chế phối hợp liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực
hiện tốt quy chế liên thông trong đăng ký thành lập doanh nghiệp; Về quản lý
lao động; Đăng ký chữ ký số cho các doanh nghiệp; phối hợp quản lý nhà nước đối
với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
nghiên cứu điều chỉnh bổ sung lực lượng công chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ
Hành chính công; Theo dõi kết quả hoạt động; Nắm bắt thông tin cũng như quá
trình giải quyết TTHC tại Trung tâm, đặc biệt lưu ý đến chất lượng, tỷ lệ giải
quyết thủ tục đúng hạn; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức
xúc với doanh nghiệp.
- Sở Thông tin và Truyền thông
phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục nghiên cứu hiện đại hóa hoạt
động của Trung tâm Phục vụ hành chính công trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông
tin, dịch vụ công trực tuyến để giải quyết trực tuyến các thủ tục hành chính
thuộc phạm vi chức năng quản lý của Nhà nước.
- Sở Nội vụ: Đổi mới công tác
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng nâng cao năng lực,
trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng
đội ngũ công chức, viên chức ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu
hội nhập, phát triển.
3. Nâng cao
hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong giải quyết khó khăn, hỗ trợ,
phát triển doanh nghiệp
- Các Sở, ngành tỉnh, UBND các
địa phương phối hợp chặt chẽ để rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình thực hiện dự
án của các doanh nghiệp; giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của doanh
nghiệp; tham mưu các giải pháp triển khai có hiệu quả các chính sách của tỉnh đảm
bảo bám sát nhu cầu và phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp; từ đó, nâng cao
hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng đi
vào thực chất.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thực
hiện rút ngắn thời gian giải quyết cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký, cấp
giấy phép hoạt động… phấn đấu giảm thời gian so với quy định; chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, kịp thời tham mưu, giải quyết
khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đã được cấp chủ
trương hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư triển khai, thực hiện đúng kế hoạch,
đưa dự án vào hoạt động có hiệu quả. Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện
tốt quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký
thành lập trên địa bàn.
- Sở Tài nguyên và Môi trường:
Thực hiện rút ngắn thời gian xác định giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xử lý các vướng mắc
còn tồn đọng về đất đai của doanh nghiệp.
- Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội: Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tăng cường phối hợp với doanh nghiệp tuyển
sinh đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo; đẩy mạnh việc
tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đa dạng hóa các phương
thức, hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu
tuyển dụng của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ, công
khai trên cổng thông tin của tỉnh lĩnh vực lao động, việc làm; phát huy các sàn
giao dịch việc làm để phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
- Sở Tư pháp: Kiểm soát chặt chẽ
việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện kinh doanh trái
thẩm quyền; Phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp rút
ngắn thời gian giải quyết các vụ án dân sự và kinh doanh thương mại, giảm chi
phí giải quyết tranh chấp. Chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh
để kịp thời có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với những vụ việc
phức tạp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, giải quyết dứt điểm
các vụ việc tồn đọng, kéo dài và các vụ việc có giá trị thi hành án lớn. Triển
khai tốt kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
- Thanh tra tỉnh chủ trì, tiếp
tục tham mưu thực hiện nghiêm công tác chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra
đối với doanh nghiệp; tham mưu xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm
tra, thanh tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra liên
quan đến doanh nghiệp, đảm bảo không chồng chéo, hạn chế số lần thanh tra, kiểm
tra nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm không làm ảnh hưởng
đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và
doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức về các quy định pháp luật
trong phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật của
Nhà nước về thi hành công vụ.
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp
với các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương và đơn vị có liên quan thực hiện tốt
công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; hỗ
trợ các doanh nghiệp giải quyết có hiệu quả các vụ việc liên quan đến quá trình
thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của
pháp luật. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối tượng không để xảy ra hoạt
động băng nhóm bảo kê có tính chất côn đồ, xã hội đen đe doạ các hoạt động hợp
pháp của các doanh nghiệp trên địa bàn.
4. Đẩy mạnh
cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp
sáng tạo
- Thủ trưởng các Sở, ban,
ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các
Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch, Chương
trình hành động của UBND tỉnh về chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường;
tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,
chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhằm hỗ
trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh
doanh.
- Sở Công Thương, Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan: Cải
thiện chất lượng các dịch vụ như tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn về pháp
luật, dịch vụ tư vấn và giới thiệu việc làm, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh
doanh, xúc tiến thương mại và triển lãm thương mại, công nghệ và dịch vụ liên
quan đến công nghệ, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, đào tạo về kế toán và tài
chính để giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong quá trình sản xuất kinh
doanh. Khuyến khích doanh nghiệp dân doanh về cung cấp dịch vụ phục vụ, hỗ trợ
doanh nghiệp.
- Sở Khoa học và Công nghệ chủ
trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và
đề xuất các giải pháp phát triển không gian khởi nghiệp sáng tạo trong các trường
đại học, cao đẳng trên địa bàn. Rà soát, cơ cấu lại chương trình khoa học và
công nghệ của tỉnh theo hướng xem doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới
sáng tạo, tập trung giải quyết các vấn đề phát triển và nâng cao năng lực của
các thành phần kinh tế, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và hợp
tác xã trên địa bàn.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường đại học, cao
đẳng, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi
nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp
cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại nhà trường. Khuyến khích
các cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn tăng cường tổ chức các hoạt động sáng
tạo, trải nghiệm khoa học; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh
viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo
việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
5. Tăng cường
kiểm tra để thực hiện ngày càng tốt hơn tính minh bạch, giảm chi phí không
chính thức, tạo cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.
- Các sở, ban, ngành, và địa
phương, tiếp tục thực hiện việc công khai quy hoạch tỉnh, khẩn trương hoàn thiện
cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp
tiếp cận, sử dụng; tháo gỡ và giải quyết hiệu quả khó khăn vướng mắc cho các địa
phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục
đích sử dụng đất; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai. Công
khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm chưa rõ, khó hiểu trong quy định
về thủ tục hành chính.
- Tăng cường công tác phòng, chống
tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước, tăng cường kỷ luật
kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm
các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho
người dân và doanh nghiệp.
- Đổi mới tuyên truyền, giới
thiệu đến người dân, doanh nghiệp về phương thức đăng ký thành lập doanh nghiệp
bằng nhiều hình thức. Tiếp tục công khai đầy đủ, kịp thời thủ tục đăng ký doanh
nghiệp trên Website của sở và các hình thức khác theo quy định. Duy trì tốt dịch
vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục đăng ký thành lập, thay đổi
doanh nghiệp hiện có.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng,
các dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai có
hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng góp phần tạo điều kiện
thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng; phối hợp với
các ngành liên quan có giải pháp ngăn chặn kịp thời hiện tượng hoạt động của
tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.
- Hội Doanh nhân Trẻ, Hiệp hội
doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Nữ doanh nhân,… củng cố hoạt động, tiếp tục phát
huy hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp với chính quyền; tích cực tham
gia phản biện chính sách của nhà nước và địa phương để bảo vệ quyền lợi của
doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
6. Tăng cường
gặp gỡ, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp
- Các Sở, ngành, địa phương
nâng cao tinh thần trách nhiệm, đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, chủ động
và thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, kịp
thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp theo thẩm quyền.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện
tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp trên
địa bàn tỉnh đạt hiệu quả với nội dung, phương pháp, địa điểm phù hợp. Kịp thời
thông báo kết quả giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; làm đầu mối
theo dõi, báo cáo tiến độ thực hiện giải quyết theo kết luận của lãnh đạo tỉnh
tại các kỳ gặp gỡ, đối thoại.
- Các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND
các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan đơn vị liên quan giải quyết kịp thời
các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né
tránh trách nhiệm. UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức gặp gỡ, đối
thoại với các Hợp tác xã, Hộ kinh doanh trên địa bàn quản lý.
- Đài Phát thanh và Truyền hình
Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổ chức đưa tin, thông
báo, tuyên truyền, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về hội nghị
đối thoại với doanh nghiệp của UBND tỉnh; tăng cường xây dựng các chương trình
thông tin về các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh.
7. Tổ chức
thực hiện và chế độ báo cáo
- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành
tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xem việc cải thiện
môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu
tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về
kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên lĩnh
vực, địa bàn quản lý.
- Các sở, ban, ngành tỉnh và
các địa phương căn cứ vào những nội dung được giao xây dựng kế hoạch thực hiện
cụ thể cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết
quả thực hiện những nội dung được giao tại Chỉ thị gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư
trước ngày 15/12/2021 để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc quản
lý, điều hành nâng cao chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của
các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện
Chỉ thị cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 31/12/2021.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các ngành, các cấp báo cáo về Sở Kế hoạch và
Đầu tư để tổng hợp, đề xuất kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT.UBT;
- LĐVP.UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, TP;
- Các phòng NC;
- Lưu: VT, 5.11.05.
|
CHỦ TỊCH
Lữ Quang Ngời
|