ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/2014/CT-UBND
|
Nghệ An, ngày 23 tháng 4 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀU CÁ, ĐẢM
BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ TÀU CÁ TỈNH NGHỆ AN HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN TRÊN CÁC VÙNG
BIỂN
Trong những năm
vừa qua, công tác đăng ký, đăng kiểm và quản lý tàu cá đã có nhiều chuyển biến
tích cực, đội tàu cá phát triển theo hướng hiện đại,
đảm bảo khai thác xa bờ an toàn, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế khu vực
ven biển.
Tuy nhiên, nhiều tàu cá ra khơi thiếu trang thiết bị an toàn, như phao
cứu sinh, đèn tín hiệu, thông tin liên lạc… và chưa sơn, kẻ, gắn biển số đăng
ký, dẫn đến xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, nhất là ở vùng biển xa bờ,
ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của bà con ngư dân.
Để khắc phục tình
trạng trên; tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý tốt các cơ sở, cá
nhân trong việc đóng mới tàu cá và kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn cho
người và tàu cá của tỉnh Nghệ An hoạt động thủy sản trên biển, đặc biệt là vùng
biển xa bờ. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban,
ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển; các tổ chức, cá
nhân khai thác thủy sản, đóng mới tàu cá thực hiện một số nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Tổ
chức thực hiện và kiểm tra công tác quản
lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tỉnh Nghệ An hoạt động thủy sản
trên các vùng biển.
b) Chỉ đạo Chi cục Khai thác
và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện một số nội dung sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ
biến kiến thức phòng chống lụt bão, nghiệp vụ đảm bảo an toàn đi biển, quy định
về báo hiệu, cảnh giới khi hành trình và đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt
là vào ban đêm. Cung cấp đầy đủ cho ngư dân thông tin về tần số liên lạc, điện
thoại của các cơ quan có chức năng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn để
ngư dân liên lạc khi có sự cố xảy ra.
- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội Biên phòng kiểm soát, kiên
quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ phao cứu sinh, sơn kẻ biển số và
thiếu trang thiết bị an toàn; yêu cầu ngư dân trang bị đủ trang thiết bị thông
tin theo quy định tại Quy chế “Thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển”
(Thông tư số 15/2011/TT-BNN ngày 29/03/2011 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT).
- Tăng cường tập huấn về quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy
phép khai thác thủy sản và yêu cầu kỹ thuật, giám sát kỹ thuật trong quá trình
đóng mới tàu cá cho cán bộ của UBND các huyện, thị xã, chủ cơ sở đóng mới, cải
hoán tàu cá đã được UBND tỉnh phân cấp quản lý khối tàu cá có công suất nhỏ
theo Quyết định 103/2007/QĐ-UBND ngày 11/9/2007 của Chỉ tịch UBND tỉnh.
- Từng bước vận động ngư dân không sử dụng tàu quá cũ nát
(trên 15 tuổi), tàu sử dụng máy cũ đi hoạt động tại vùng biển xa, không cho
phép lắp đặt máy tàu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Tăng cường công tác quản lý an toàn kỹ thuật tàu cá từ khâu xét duyệt
thiết kế; thực hiện các bước kiểm tra, giám sát an toàn kỹ thuật theo Quy chế
đăng kiểm tàu cá ban hành kèm theo Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN ngày 28/11/2007
của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật đối với tàu cá không đảm bảo an toàn. Quản lý chặt chẽ cơ sở đóng mới,
cải hoán tàu cá.
- Đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai, nhân rộng mô
hình Tổ đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi có tai
nạn, sự cố thiên tai xảy ra. Theo dõi, thống kê tai nạn tàu cá, phân tích
nguyên nhân, tổng hợp và có báo cáo hàng tháng, quý và năm.
2. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng: Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền tại cửa lạch, kiên
quyết không cho tàu cá ra biển khi chưa đăng ký, đăng kiểm, sơn kẻ biển số,
không mang đủ phao cứu sinh, thông tin liên lạc và trang thiết bị bảo đảm an
toàn theo quy định.
3. Sở Tài
chính: Tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí cấp cho
Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản để tổ chức tập huấn, tuyên
truyền, kiểm tra, kiểm soát xử lý các phương tiện vi phạm.
4. Sở Thông
tin và truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An, Báo Nghệ An
Phối hợp với
Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương ven biển tăng cường công tác thông tin,
tuyên truyền về công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá
tỉnh Nghệ An hoạt động thủy sản trên các vùng biển.
5. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã ven biển
a) Tiến hành rà soát,
thống kê tàu thuyền và nắm chắc số tàu cá phát sinh thuộc diện cấm phát triển
(nếu có), tàu cá đóng mới không được chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền
theo Quy định tại Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản
(nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Chỉ thị số 54/2008/CT-BNN
ngày 21/4/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
c) Đánh giá, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm trong việc để phát
sinh tàu cá thuộc diện cấm phát triển và đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm hiện
tượng này.
d) Rà soát, thống
kê, cập nhật số lượng tàu cá cỡ nhỏ báo cáo về Chi cục Khai thác và bảo vệ
nguồn lợi thủy sản theo định kỳ ngày 10 hàng tháng để theo dõi và quản lý.
6. Các chủ
tàu, cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá
a) Thực hiện
nghiêm túc việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, trang bị đầy đủ các trang thiết bị
an toàn theo quy định tại Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13/7/2007 của Bộ
trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT).
b) Sơn, kẻ, gắn
biển số theo quy định, không đóng mới tàu cá công suất dưới 30 sức ngựa (cv)
làm tất cả các nghề, dưới 90CV làm nghề lưới kéo cá.
Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn có trách nhiệm đôn đốc thực hiện, theo dõi và báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện.
Yêu cầu Giám đốc
các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã ven biển triển khai nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Viết Hồng
|