BỘ
TÀI CHÍNH
*****
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******
|
Số:
05/2007/CT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2007
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TÝ 2008
Năm 2007 là năm có nhiều yếu tố tác
động đến sự hình thành và vận động của giá cả thị trường: ngoài các nguyên nhân
do thiên tai (bão, lũ), dịch bệnh, sức mua tăng còn có nguyên nhân do giá thị
trường thế giới liên tục tăng trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay và tiếp tục
vận động trong xu thế tăng. Dự báo trong thời gian tới tình hình thiên tai, dịch
bệnh còn có những diễn biến phức tạp; giá thị trường thế giới tiếp tục có những
diễn biến khó lường; sức mua có khả năng thanh toán của các tầng lớp nhân dân
trong dịp Tết tăng, gây áp lực làm tăng giá thị trường nhất là giá các hàng
tiêu dùng thiết yếu và một số dịch vụ cơ bản.
Để bình ổn giá cả, không để xảy ra
tình trạng tăng đột biến về giá cả hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu
Tý 2008 và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01/8/2007 của Thủ
tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường,
Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg ngày 31/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng
cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả bình ổn thị trường trong những
tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Mậu Tý năm 2008 góp phần bảo đảm cho nhân
dân đón tết vui vẻ, phấn khởi, tiết kiệm; Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ
trưởng các đơn vị và tổ chức thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục
Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh phối hợp với
các cơ quan quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn
trương triển khai các công việc sau đây:
I. NHIỆM VỤ THỰC
HIỆN CÔNG TÁC BÌNH ỔN GIÁ:
1. Giám đốc Sở Tài chính chủ trì,
phối hợp với các sở, ban, ngành báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ đạo thực hiện các
công việc sau:
- Xây dựng phương án điều hành giá
hàng hóa, dịch vụ, nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, quan trọng, trong
dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; trên cơ sở diễn biến giá cả thị trường
trên địa bàn, đề xuất kịp thời các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền địa
phương, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện,
không để xảy ra tình trạng đột biến về giá tại địa phương.
- Đối với các địa phương chịu ảnh
hưởng của bão lụt vừa qua: Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các giải pháp tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất kinh doanh; có biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, lũ
lụt, bảo đảm tiến độ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
- Triển khai ngay việc dự báo về
nhu cầu tiêu dùng, kết hợp với nắm tình hình chuẩn bị lực lượng hàng hóa phục vụ
Tết Nguyên đán (lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, quần áo, văn
hóa phẩm và phương tiện đi lại, …) của tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành
phần kinh tế trên địa bàn, có biện pháp cung ứng đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu
phục vụ nhân dân và tổ chức lưu thông thông suốt; có kế hoạch dự trữ vật tư,
nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thuốc chữa bệnh cho người,
gia súc, gia cầm không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả vào
dịp trước và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng giao
thông khó khăn, vùng vừa qua bị ảnh hưởng của các cơn bão, lũ, dịch bệnh và ở
các khi công nghiệp, thành phố lớn.
- Căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính và khả năng của địa phương, trình UBND cấp
tỉnh quyết định phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thị phần lớn trên địa
bàn tỉnh để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu phục
vụ Tết.
- Kiểm soát thị trường, phát hiện kịp
thời các hiện tượng kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng chất lượng kém, hàng
không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thịt
gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia cầm chưa qua kiểm dịch … xử lý kiên
quyết các trường hợp sai phạm nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
- Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá
và mức giá của những hàng hóa, dịch vụ do nhà nước đặt hàng phục vụ các chương
trình mục tiêu quốc gia, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước,
hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá; kiểm tra việc chấp hành quy định
của nhà nước về quản lý giá, bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá của cơ quan có
thẩm quyền quy định; kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hóa, dịch vụ theo
giá niêm yết (nhất là hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, giá
dịch vụ đi lại, trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, …), kiểm tra việc thu các loại
phí dịch vụ không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá, phí dịch vụ
tùy tiện, trái pháp luật trong dịp Tết làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu
dùng.
Kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị,
cá nhân cố tình vi phạm các quy định như: không niêm yết giá, bán hàng cao hơn
giá niêm yết, tăng giá tùy tiện hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết Nguyên đán, …
theo quy định tại Nghị định 169/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 của Chính phủ về xử
lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, Nghị định 106/2003/NĐ-CP của Chính phủ
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.
Rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh bãi bỏ ngay các khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật, miễn
thu các khoản phí, lệ phí theo quy định tại Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày
1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ: tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy
định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản
đóng góp của nhân dân.
2. Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm
tiếp tục thực hiện việc kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh hàng
hóa thuộc diện giảm thuế nhập khẩu mà không có các biện pháp tiết giảm chi phí
để giảm giá; phát hiện những sai phạm và công bố công khai trên các phương tiện
thông tin đại chúng; yêu cầu các doanh nghiệp đã có cam kết giảm giá do được
nhà nước giảm thuế phải thực hiện những nội dung đã cam kết. Kiên quyết loại trừ
ra khỏi chi phí tính thuế những khoản chi thưởng và những khoản chi không hợp
lý, hợp lệ khi quyết toán thuế.
3. Giám đốc Kho bạc Nhà nước tại địa
phương có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát chi, nhất là chi
tiêu cho Hội nghị, tổng kết, chi lương, thưởng cuối năm, mua sắm trang thiết bị,
đầu tư xây dựng cơ bản, kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng quy định.
Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp nâng cao trách
nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc quyết định và chịu trách nhiệm về
các khoản chi tiêu của đơn vị.
4. Cục trưởng Cục Hải quan có trách
nhiệm chỉ đạo giải quyết thông quan kịp thời hàng hóa, đúng quy định phối hợp với
Bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng khác tăng cường lực lượng, phương tiện,
tổ chức tuần tra, kiểm soát trong lãnh thổ hải quan và ngoài lãnh thổ hải quan ở
khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận
chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, để góp phần giữ bình ổn giá ở thị trường
trong nước.
5. Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước
có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi tình hình triển khai thực hiện, tổng hợp kết
quả báo cáo Bộ về hỗ trợ kinh phí để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm
2008 của các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số
7196/VPCP ngày 11/12/2007 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai các giải
pháp bình ổn thị trường cuối năm 2007 và Tết Nguyên đán 2008.
6. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có
trách nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành thực hiện tốt
các công việc sau:
a/ Vụ Ngân sách nhà nước chủ trì
cùng vụ Đầu tư, Kho bạc nhà nước phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư để tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện các giải
pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chủ động trong điều hành để bảo đảm cân đối
lớn về hàng hóa, tiền tệ, cán cân thanh toán, chi ngân sách.
b/ Vụ Tài chính – ngân hàng và các
tổ chức tín dụng phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam để tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức thực thi các biện pháp
thích hợp kiểm soát được mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và mức
huy động tín dụng; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết
lượng tiền trong lưu thông ở mức hợp lý, giữ bình ổn tỷ giá hối đoái, không để
xảy ra những đột biến trên thị trường tiền tệ.
c/ Cục Quản lý Giá chủ trì cùng Cục
tài chính doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công thương để
tham mưu cho Bộ Công Thương.
Chủ trì, phối hợp các địa phương,
các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các giải pháp đồng
bộ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức tốt và bảo đảm thị trường,
hàng hóa lưu thông thông suốt.
Tăng cường công tác quản lý thị trường,
chống gian lận thương mại; kiểm tra chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn đã công
bố gắn với kiểm tra niêm yết giá, đăng ký giá và bán hàng theo giá niêm yết.
d/ Cục Quản lý giá, Cục Tài chính
doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy
ban nhân dân tỉnh đồng bằng sông Cửu long nắm chắc lượng gạo hàng hóa, điều
hành tiến độ xuất khẩu hợp lý theo chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm an ninh lương
thực và giữ bình ổn giá lúa gạo trong nước. Đồng thời yêu cầu các Tổng giám đốc,
Giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, Doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức điều
hòa cung cầu hàng hóa dịch vụ trên đại bàn đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội;
chịu trách nhiệm kiểm soát các khoản chi lương, thưởng và các khoản chi liên
quan đến tổng kết cuối năm của doanh nghiệp.
II. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN CHẾ ĐỘ BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TRONG DỊP TẾT.
1. Đối với Sở Tài chính tỉnh, thành
phố:
- Từ ngày 01/01/2008 trong các báo
cáo thường kỳ (ngày, tuần, tháng) của Sở Tài chính tỉnh, thành phố gửi về Bộ
Tài chính (Cục Quản lý Giá) cần bổ sung nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa
phục vụ Tết và đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa, thực hiện việc bình ổn giá
tại địa phương, trước hết là các vật tư nguyên liệu quan trọng, các mặt hàng
như: các loại thịt (lợn, gà, bò), cá, giá gạo (nếp, tẻ); thực phẩm chế biến;
bánh mứt kẹo, hoa, quả và giá một số dịch vụ như: trong giữ xe đạp, xe máy, ô
tô, cước vận chuyển hành khách …
- Từ ngày 01/2/2008 đến ngày
16/2/2008 (10 Tết Âm lịch) đối với 12 Sở Tài chính tỉnh, thành phố: Lạng Sơn,
Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa,
Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện chế độ
báo cáo nhanh mỗi ngày 1 lần (FAX, thư điện tử) về số lượng mặt hàng theo quy định
tại Quyết định số 1712/QĐ-BTC ngày 25/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc
ban hành Chế độ báo cáo giá cả thị trường.
Sau Tết Nguyên đán, Sở Tài chính
các tỉnh, thành phố báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình giá cả thị trường (trước,
sau Tết) gửi về Bộ Tài chính, (Cục Quản lý Giá) trước ngày 16/2/2008 (ngày 10 Tết
Âm lịch) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối với các tỉnh, thành phố chịu
ảnh hưởng của bão, lũ, lụt trong năm 2007 cần có báo cáo về tình hình cung cấp
các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và có phương án đề nghị hỗ
trợ kịp thời.
3. Đối với các đơn vị khác (Cục Thuế,
Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): thực hiện
báo cáo về nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này về cơ quan cấp trên theo hệ thống:
- Đợt 1: Báo cáo tình hình nhiệm vụ
chuẩn bị Tết, trước ngày 15/1/2008.
- Đợt 2: Báo cáo tổng hợp tình hình
thực hiện nhiệm vụ sau Tết, trước ngày 20/2/2008.
4. Cục trưởng Cục Quản lý chịu
trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình diễn biến giá cả thị trường
báo cáo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định về thời gian, báo cáo
kịp thời những vấn đề đột xuất phát sinh để có biện pháp xử lý./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTg (để báo cáo);
- Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT, NHNNVN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT (3b), Cục QLG (3b).
|
BỘ
TRƯỞNG
Vũ Văn Ninh
|