BỘ TÀI CHÍNH
------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 03/CT-BTC
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN
ĐÁN CANH DẦN 2010
Thực hiện Chỉ
thị số 2008/CT-TTg ngày 01/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường
thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và phục
vụ Tết Nguyên đán Canh Dần năm 2010; Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu: Thủ trưởng
các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục
trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các tỉnh), Cục trưởng Dự trữ Nhà nước khu
vực phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan trên địa
bàn triển khai thực hiện các công việc sau đây:
I. VỀ CÔNG TÁC BÌNH ỔN GIÁ:
1. Giám đốc Sở
Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương thực hiện các
công việc sau:
- Theo dõi sát
tình hình giá cả thị trường, kịp thời trình Ủy ban nhân dân tỉnh: phương án điều
hành giá hàng hoá, dịch vụ; quyết định, công bố áp dụng và tổ chức thực hiện có
hiệu quả các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ trong dịp trước,
trong và sau Tết Nguyên đán theo quy định tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày
09/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Pháp lệnh Giá (sau đây gọi tắt là Nghị định số 75/2008/NĐ-CP); không để
xảy ra tình trạng đột biến về giá tại địa phương.
- Kiểm soát chặt
chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng phục vụ các
chương trình mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân
sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá.
- Trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn (Quản lý thị trường, Hải quan,
Thanh tra, Công an, Thuế...) tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy
định của Nhà nước về quản lý giá, bán hàng hoá, dịch vụ theo đúng giá của cơ
quan có thẩm quyền quy định; kiểm tra việc thu các loại phí dịch vụ, việc đăng
ký giá, kê khai giá, niêm yết và công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ
theo quy định của pháp luật, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng
giá, phí tùy tiện, trái pháp luật trong dịp Tết Nguyên đán; kiên quyết xử lý
nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm theo quy định hiện hành của pháp
luật.
- Trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh chủ động cân đối nguồn tài chính tại chỗ của địa phương (ngân
sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính) để tạm ứng ngay cho các đơn vị được giao
nhiệm vụ sản xuất, chế biến và tổ chức dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết
Nguyên đán Canh Dần năm 2010. Đối với các địa phương có khó khăn về nguồn vốn,
khẩn trương báo cáo về Bộ Tài chính để kịp thời chuyển số bổ sung từ ngân sách
trung ương cho ngân sách địa phương năm 2010 (được Thủ tướng Chính phủ giao) để
có nguồn thực hiện.
- Phối hợp với
Sở Công Thương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
số 09/CT-BCT ngày 19/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác phục vụ Tết
Nguyên đán Canh Dần năm 2010; chú trọng các biện pháp tạo nguồn hàng, bảo đảm
cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ; kiểm soát thị trường, phát hiện kịp thời
các hiện tượng kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không
rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thịt gia
súc, gia cầm và các sản phẩm của gia cầm chưa qua kiểm dịch…; xử lý kiên quyết
các trường hợp sai phạm nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
2. Cục trưởng Cục
Thuế có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế, kết
hợp với kiểm tra thực hiện pháp luật về giá trên cơ sở kê khai thuế của các đơn
vị, đặc biệt là đối với đơn vị vừa qua được hưởng chính sách miễn, giảm, giãn
thuế mà không có biện pháp tiết giảm chi phí để giảm giá; kiên quyết loại trừ
những khoản chi thưởng và những khoản chi không hợp lý, hợp lệ khi quyết toán
thuế; chống việc tăng giá bất hợp lý; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức
năng (Công an, cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường...) xử lý các trường hợp
gian lận thuế; trốn lậu thuế theo quy định.
3. Giám đốc Kho
bạc Nhà nước tại địa phương có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm
soát chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ các nhiệm vụ như: tổ chức hội
nghị, tổng kết, gặp mặt đón mừng năm mới; chi mua sắm trang thiết bị, đầu tư
xây dựng cơ bản; chi mua quà biếu, quà tặng, công tác phí; không thanh toán các
khoản chi không đúng quy định; đồng thời, yêu cầu thủ trưởng đơn vị hành chính
sự nghiệp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc quyết định
và chịu trách nhiệm về các khoản chi tiêu của đơn vị theo quy định của pháp luật.
4. Cục trưởng Cục
Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo, giải quyết thông quan hàng hoá kịp thời, đúng
quy định; tăng cường lực lượng, phương tiện, tổ chức tuần tra, kiểm soát trong
địa bàn hoạt động hải quan; phối hợp với các cơ quan chức năng ngoài địa bàn hoạt
động hải quan kiểm tra kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu,
gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bình
ổn giá ở thị trường trong nước.
5. Các đơn vị
thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính và tất cả các đơn vị trong hệ thống ngành Tài
chính từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiêm cấm việc sử dụng
công quỹ, ngân sách nhà nước để mua quà biếu, quà tặng; tổ chức tốt công tác
chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn
vị, đặc biệt là gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng;
Các đơn vị sau
đây, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị
trong và ngoài Bộ Tài chính thực hiện tốt các công việc sau đây:
a) Vụ Ngân sách
nhà nước có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, theo dõi tình hình triển khai thực
hiện, tổng hợp báo cáo Bộ về tình hình hỗ trợ kinh phí đối với các doanh nghiệp
dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm 2010 của các địa phương; chủ trì
cùng Vụ Đầu tư, Kho bạc Nhà nước điều hành đảm bảo nguồn ngân sách đáp ứng yêu
cầu chi của ngân sách trung ương và địa phương tiết kiệm, hiệu quả; kịp thời
trình Bộ xử lý việc tăng tiến độ chuyển số bổ sung từ ngân sách trung ương cho
ngân sách địa phương năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ giao để có nguồn thực hiện
tạm ứng cho các đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất, chế biến và tổ chức dự trữ
hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán đối với các địa phương có khó khăn về
nguồn.
b) Cục Quản lý
giá chủ trì phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Cục Tài chính doanh nghiệp và các
đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả hàng hoá, dịch vụ trên
thị trường thế giới và trong nước; tham mưu kịp thời các giải pháp bình ổn giá
và điều hành giá hàng hoá, dịch vụ cụ thể phù hợp với cơ chế giá thị trường.
c) Vụ Tài chính
ngân hàng và các tổ chức tín dụng chủ trì tham mưu cho Bộ đảm bảo phối hợp chặt
chẽ giữa điều hành phát hành trái phiếu Chính phủ với công tác điều hành chính
sách cung ứng tiền tệ, chính sách lãi suất để đảm bảo thực hiện kế hoạch huy động
vốn và ổn định kinh tế vĩ mô.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG:
1. Đại diện Văn
phòng Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi và tổng hợp tình hình giá cả thị
trường Tết đối với các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào, gửi báo cáo về Cục
Quản lý giá để tổng hợp chung theo quy định.
2. Sở Tài chính
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Từ ngày
01/01/2010, trong báo cáo thường kỳ (ngày, tuần, tháng) của Sở Tài chính các tỉnh
gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) theo quy định hiện hành cần bổ sung nội
dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đánh giá khả năng cung ứng
hàng hóa và việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương, trước hết là đối với các
vật tư, nguyên liệu quan trọng; các loại thịt (lợn, gà, bò); cá; gạo (nếp, tẻ);
thực phẩm chế biến; bánh mứt kẹo; đường, sữa; hoa quả; thuốc phòng và chữa bệnh
cho người; giá cước vận chuyển hành khách; phí tham quan, trông giữ xe đạp, xe
máy, ô tô...
- Từ ngày
10/02/2010 đến ngày 24/02/2010 (tức ngày 10 Tết Âm lịch), Sở Tài chính các tỉnh,
thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng,
Điện Biên, Hoà Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng,
Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang) thực hiện chế độ báo cáo
nhanh mỗi ngày một lần (qua Fax, thư điện tử) về giá thị trường các mặt hàng
theo quy định tại Quyết định số 1712/QĐ-BTC ngày 25/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính về việc ban hành Chế độ báo cáo giá cả thị trường và danh mục hàng hoá dịch
vụ phục vụ Tết theo Công văn hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài
chính.
- Trước ngày
26/02/2010 (tức ngày 13 Tết Âm lịch), Sở Tài chính các tỉnh báo cáo tổng hợp
đánh giá tình hình giá cả thị trường (trước, trong và sau Tết) gửi về Bộ Tài
chính (Cục Quản lý Giá) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Cục Thuế,
Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo thực
hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này về cơ quan cấp trên theo hệ thống (đồng
gửi Cục Quản lý giá bằng văn bản và thư điện tử theo địa chỉ sau:
[email protected]):
- Đợt 1: Báo
cáo tổng hợp tình hình nhiệm vụ chuẩn bị Tết, trước ngày 14/02/2010.
- Đợt 2: Báo
cáo tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ sau Tết, trước ngày 26/2/2010 (tức
ngày 13 Tết Âm lịch).
4. Cục trưởng Cục
Quản lý giá chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện, tổng hợp tình hình diễn
biến giá cả thị trường báo cáo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định
về thời gian, báo cáo kịp thời những vấn đề đột xuất phát sinh để có biện pháp
xử lý./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng,
các Phó TTg (để báo cáo);
- Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT, NHNNVN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc
TW;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân,
Thời báo Tài chính;
- Lưu: VT, QLG.
|
BỘ TRƯỞNG
Vũ Văn Ninh
|