VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4909/BC-VPCP
|
Hà Nội,
ngày 03 tháng 7 năm 2023
|
BÁO CÁO
TÌNH
HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA QUY ĐỊNH LIÊN QUAN
ĐẾN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023, VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 6
THÁNG CUỐI NĂM
Kính gửi: Chính phủ
Qua theo dõi, tổng hợp tình
hình, kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm đơn giản hóa các quy định liên
quan đến hoạt động kinh doanh (viết tắt là QĐKD) tại các bộ, cơ quan, địa phương[1], Văn phòng Chính
phủ báo cáo Chính phủ tình
hình, kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023 như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH
1. Về cải cách QĐKD
a) Việc cập nhật, công khai QĐKD: Tính
đến ngày 30/6/2023, các Bộ
đã cập nhật là 17.807[2] QĐKD tại 2168 văn bản quy phạm
pháp luật (viết tắt là VBQPPL) đang có hiệu lực thi hành, trong đó đã công
khai 15.741 QĐKD, chưa công khai 2.066 QĐKD trên Cổng tham vấn và
tra cứu QĐKD. Đồng thời, đã cập nhật 352 QĐKD dự kiến ban hành tại
73 dự thảo VBQPPL và 1.025 phương án cắt giảm, đơn
giản hóa QĐKD để hiệp
hội, doanh nghiệp theo dõi quá trình thực hiện sửa đổi VBQPPL, QĐKD.
b) Việc trình Thủ tướng Chính phủ Quyết
định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD: Trong 6 tháng
đầu năm 2023, có
02 Bộ Khoa học và Công nghệ, Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 QĐKD tại 10 VBQPPL[3]. Tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành
13 Quyết định phê
duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1,146
QĐKD[4] tại 211
VBQPPL[5] Bộ Tư pháp đang hoàn
thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ; các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD thuộc phạm vi quản lý.
c) Về kết quả cắt giảm, đơn
giản hóa QĐKD: Trong 6 tháng đầu 2023, các Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa là 210 QĐKD tại 20
VBQPPL[6],
nâng tổng số quy định đã được cắt giảm, đơn
giản hóa từ năm 2021 đến nay lên 2352
QĐKD[7]
tại 191 VBQPPL[8].
Tính đến thời điểm hiện tại, các Bộ, cơ quan cần
tiếp tục tập trung thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 676 QĐKD theo Quyết
định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt[9].
d) Về hoạt động thẩm định các VBQPPL có QĐKD:
Thông qua hợp
đồng thẩm định
VBQPPL, Bộ Tư pháp và Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã chú trọng loại bỏ nhiều quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh
trong quá trình thẩm định. Một số Bộ đã đề xuất
cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD ngay trong quá trình thẩm định văn bản[10]; thực hiện giảm số VBQPPL thông qua
việc ban hành một văn bản bãi bỏ, sửa đổi, thay thế nhiều văn bản[11].
đ) Việc tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động về phương án cắt giảm, đơn giản hóa
QĐKD và QĐKD dự kiến ban hành
trong dự án, dự thảo VBQPPL đã được quan tâm thực hiện trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD.
Trong 6 tháng đầu năm, các Bộ đã tham vấn 135 QĐKD
dự kiến ban hành (gồm: 98 TTHC;
26 YCĐK; 8 CBBC; 3
TCQC) trong 27 dự thảo VBQPPL.
e) Nhiều vướng mắc, khó khăn, đề xuất, kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp đã được gửi trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD.
Một số Bộ[12] đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đáp ứng
ngày một tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số Bộ chưa
báo cáo cụ thể kết quả xử lý các vướng mắc, đề xuất tại Phụ lục 7.2 Báo cáo số
16/BC-VPCP ngày 02/01/2023 của Văn phòng Chính phủ theo chỉ đạo của Chính phủ tại
Nghị quyết 05/NQ-CP ngày 09/01/2023 của Chính phủ. Văn phòng Chính phủ
tiếp tục tổng hợp vướng mắc, đề xuất của hiệp hội, doanh nghiệp tại Phụ lục I
kèm theo Báo cáo.
g) Việc rà soát, tính chi phí tuân thủ, đề
xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD
là nhiệm vụ cần thực hiện để xác định lợi ích của việc cắt giảm nhưng
việc thực hiện còn hình thức, tổng số QĐKD đang rà
soát là 1.956 quy định,
số QĐKD chưa rà soát là 2.178 quy định.
(Chi tiết tại
Phụ lục I kèm theo)
2. Cải cách việc thực
hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện TTHC nhằm
tiếp tục cắt giảm, đơn
giản hóa TTHC;
tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đã thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm
và công bố, công khai
danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ,
gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, giấy
tờ, yêu cầu điều kiện
không đúng quy định
trong quá trình tiếp
nhận, giải quyết TTHC[13]. Theo kết quả đánh giá dựa
trên dữ liệu theo thời
gian thực của Bộ Chỉ số phục vụ
người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến tháng 26/6/2023, kết quả
thực hiện cụ thể của các bộ, ngành,
địa phương như sau:
a) Về công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC:
Theo yêu cầu của Chính phủ 100% TTHC, hồ sơ TTHC phải được công khai, minh bạch
thông tin để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện và theo dõi, giám sát, đánh
giá. Mặc dù, 6
tháng đầu năm
2023 đã có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2022 nhưng kết quả thực hiện ở hầu hết các bộ, ngành,
địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu này của Chính phủ, nhất các bộ, ngành đạt tỷ lệ rất thấp, ảnh
hưởng rất lớn đến việc tổ chức thực hiện
TTHC tại địa phương. Từ đầu năm đến tháng 6/2023, các bộ, ngành chỉ đạt 1,4% TTHC công bố
đúng hạn, 19% hồ sơ TTHC được
đồng bộ, công khai quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; tại các địa phương, tỷ lệ này tương
ứng là 60,2% TTHC
công bố đúng hạn, 42,8% hồ sơ TTHC được đồng bộ, công khai quá
trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Một số địa phương thực hiện tốt, gần đạt mục tiêu của Chính
phủ như: Cà Mau, Yên Bái, Hòa Bình, Bình Định,
TP. Hải Phòng, Thái Nguyên,...
b) Về thực hiệu dịch vụ công trực tuyến (DVCTT): Có 4.422/6.423
TTHC đã cung cấp DVCTT (chiếm 68,8%), trong đó, bộ, ngành có 55,7% TTHC thuộc
thẩm quyền giải
quyết đã cung cấp
DVCTT (trong đó, DVCTT toàn
trình 33,3%, DVCTT một phần 22,4% - chưa đáp ứng được yêu cầu
của Chính phủ đến đầu năm
2023 tối thiểu 70% TTHC phải cung cấp DVCTT), với 82% hồ sơ trực tuyến trong tổng số hồ
sơ tiếp nhận, giải quyết (tăng 1,5 lần so với năm 2022); địa phương có 68,9%
TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đã cung cấp DVCTT (DVCTT toàn trình 59,9%,
DVCTT một phần 9% - cơ bản đáp ứng mục tiêu của Chính phủ), với 61,36% hồ sơ trực tuyến trong tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết (tăng 1,7 lần so với năm 2022), một số bộ, địa phương thực hiện tốt như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và
Truyền thông, Tài
chính (Thuế, Hải quan), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, An
Giang, Long An, Bắc Giang,…
c) Việc thực hiện thanh toán trực
tuyến cũng có sự cải thiện rõ rệt, từ đầu năm đến 26/6/2023, có 2,5 triệu
giao dịch thành công, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có số
bộ, ngành, địa phương đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra (tối thiểu 30% trong
tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính) như: Bộ Công an, Tổng Cục thuế,
Nam Định, Hà Nam, Lào Cai, Bắc Giang, Bình Định, TP Đà Nẵng.
d) Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết
TTHC: Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực
hiện TTHC theo hướng tập trung số hóa, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân,
doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin, giấy tờ một lần trong thực hiện TTHC.
Từ đầu năm đến 26/6/2023, việc cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử ở các bộ,
ngành là 22,8% (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), ở các địa phương là 32%
(tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022); việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC
đã được triển khai ở Bộ phận một cửa các cấp, đạt 6% trong tổng số hồ sơ; 63/63
địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp
dịch vụ công như: xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy,… Một số
bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt như: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ
Khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam,
Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Tây Ninh, Khánh Hòa, Cà
Mau,…
đ) Về kết quả giải quyết TTHC: Chất lượng giải quyết
TTHC đã có sự cải thiện so với năm 2022,
tuy nhiên vẫn còn thấp so với mục tiêu đề
ra của Chính phủ (tối thiểu 90% hồ sơ TTHC trở lên giải quyết
đúng hoặc sớm hạn). Theo đó, từ đầu năm đến 26/6/2023,
các địa phương có 83,5% hồ sơ TTHC giải quyết
đúng hoặc sớm hạn; bộ, ngành kết quả này chỉ đạt 40,2%,
trong đó
có một số bộ,
địa phương kết quả thực hiện rất thấp như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, TP Đà Nẵng, Gia Lai, Đồng Nai,...
(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo)
II. MỘT SỐ HẠN CHẾ, TỒN
TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Trong cải cách
QĐKD
a) Việc cập nhật QĐKD hiện
hành đã được các bộ, ngành thực hiện trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD, nhưng
vẫn cần phải rà soát thường xuyên bảo đảm cập nhật đầy đủ, công khai kịp thời,
chính xác để phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người dân, doanh nghiệp và
công tác quản lý nhà nước. Số QĐKD chậm công khai[14] vẫn chiếm tỷ lệ cao, 11,60% trên tổng
số QĐKD đã cập nhật vào hệ thống;
việc cập nhật quy định dự kiến ban hành trong dự thảo VBQPPL, kết quả rà soát và phương án cắt giảm, đơn
giản hóa QĐKD trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD vẫn rất ít.
b) Tỉ lệ số QĐKD được rà
soát, tính chi phí tuân thủ theo biểu mẫu điện tử trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD phục vụ
xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD thấp so với tổng số QĐKD của từng Bộ, việc
thực hiện còn hình thức, cụ
thể: có 18,19% TTHC; 26,84% tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 25,81% yêu cầu, điều
kiện; 35,11% chế độ báo cáo; 25,28% thủ tục kiểm tra chuyên ngành; 37,97% quy định
cấm chưa rà
soát. Một số Bộ có
số QĐKD chưa rà soát cao như: Bộ
Công Thương (47,58%); Bộ Công an (62,5%); Bộ Giáo dục và Đào tạo (52,08%); Bộ
Khoa học và Công nghệ
(72,31 %) Bộ Tài nguyên và Môi trường
(47,14%). Số QĐKD chưa
tính chi phí tuân thủ còn nhiều[15] (26,8% tiêu chuẩn,
quy chuẩn; 5,2% chế độ báo cáo;
1,2% thủ tục kiểm tra chuyên
ngành) nên chưa xác định được tỉ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ theo yêu cầu
của Chính phủ.
c) Việc đề xuất, trình Thủ tướng
Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD cũng như thực thi phương án đã
được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt còn chậm, thậm chí một số Bộ vẫn chưa có phương án cắt giảm,
đơn giản hóa trình Thủ
tướng Chính phủ[16].
d) Việc tham vấn, lấy ý kiến hiệp hội,
doanh nghiệp, người dân trong quá
trình xây dựng phương án cắt giảm,
đơn giản hoá QĐKD cũng như xây dựng quy định dự kiến ban hành trong
các dự thảo VBQPPL chưa thực hiện rộng rãi, thường xuyên. Số dự thảo VBQPPL và số
QĐKD dự kiến ban hành được đưa lên tham vấn tỉ lệ vẫn còn thấp. Ý
kiến góp ý và vướng mắc, đề xuất của
các hiệp hội, doanh nghiệp gửi trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD chưa được quan tâm
phản hồi.
đ) Hiệp hội, doanh nghiệp có nhiều khó khăn, vướng
mắc, đề xuất, kiến nghị về QĐKD nhưng chưa được các bộ, cơ quan nghiên cứu, tổng hợp,
theo dõi, thường
xuyên trao đổi, thảo luận
giữa các bên liên quan để
sớm có giải
pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, phản hồi hoặc giải trình cho hiệp hội,
doanh nghiệp và người dân.
2. Trong cải cách việc
thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công
a) Việc công khai, minh bạch thông tin
trong thực hiện TTHC của một
số bộ, ngành, địa
phương chưa thực hiện nghiêm, nhất là việc công bố, công khai TTHC và đồng bộ, công khai tiến
trình giải quyết hồ sơ TTHC của các bộ, ngành, làm ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận thông
tin và thực hiện TTHC của các địa phương, người dân, doanh nghiệp.
b) Mặc dù số lượng DVCTT và số hồ sơ
trực tuyến tăng cao nhưng chất lượng cung cấp DVCTT còn thấp, thậm chí có trường hợp đến
98% hồ sơ trực tuyến của một số bộ, ngành xử lý quá hạn; nhiều bộ, ngành, địa
phương chưa quan tâm
tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm; số lượng hồ sơ
trực tuyến ở nhiều địa
phương do cán bộ, công chức
hỗ trợ người dân là chủ yếu;
mức độ DVCTT
chưa đảm bảo trong quá trình cung cấp,
đặc biệt là các DVCTT công bố toàn trình nhưng thực chất theo quy định
vẫn phải thực hiện kiểm
tra, đánh giá, thẩm định điều kiện trực tiếp tại cơ sở (ví dụ: các thủ tục cấp giấy chứng
nhận đủ điều kiện
hoạt động) hoặc yêu cầu người dân hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc thực
hiện quy trình trước mặt cán bộ,
công chức tiếp nhận, giải quyết (ví dụ: đăng ký kết hôn).
c) Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm, nhất
là việc kết nối, chia sẻ, tái sử
dụng kết quả số hóa để người
dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần.
d) Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, làm
phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ, yêu cầu điều kiện ngoài quy định ở một số cơ quan, đơn vị trong quá trình tiếp nhận,
giải quyết TTHC[17];
kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, chưa thực hiện
nghiêm túc việc thường xuyên kiểm tra, định kỳ hàng tháng công bố, công khai
danh sách cán bộ, công chức,
viên chức, cơ quan,
đơn vị giải quyết
TTHC chậm trễ, gây phiền
hà theo đúng chỉ đạo của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
3. Nguyên nhân: Nguyên nhân của hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan và
khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu (thiếu sự chỉ đạo quyết liệt,
sâu sắc trong tổ chức thực hiện; thiếu chủ động trong công tác phối hợp giữa
các bộ ngành, cơ quan, đơn vị; chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, việc tuân thủ
kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; thiếu
sự gắn kết, hỗ trợ, tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội,
doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật). Bên cạnh đó,
còn có nguyên nhân khách quan là do thiếu cơ chế pháp lý bảo đảm hiệu lực và hiệu
quả trong triển khai quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Cổng tham vấn và tra
cứu QĐKD như một công cụ để thúc đẩy cải cách thể chế thực chất, hiệu quả.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU 6 THÁNG CUỐI NĂM
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, tạo
đột phá trong đổi mới thể chế, trọng tâm là đổi mới thể chế về QĐKD và thực
thi TTHC phục vụ người dân và doanh
nghiệp năm 2023 và những năm tiếp theo, Văn phòng Chính phủ trân
trọng đề nghị các bộ, ngành,
địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm
sau đây:
1. Về cải cách QĐKD
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ,
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam
tập trung chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ
cụ thể sau:
a) Khẩn trương ban hành theo thẩm quyền
hoặc trình cấp có thẩm
quyền VBQPPL để thực thi ngay phương án cắt giảm, đơn giản hóa
QĐKD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng một văn bản sửa nhiều văn
bản. Bảo đảm thời gian hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/9/2023 đối với các văn bản quy
định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng;
b) Tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp
và đối tượng chịu sự tác động phương
án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD, những
quy định đang tạo gánh
nặng hành chính và khó khăn cho hoạt động sản
xuất kinh doanh, xã hội quan tâm có nhiều ý kiến phản ánh và quy định dự kiến ban hành trong dự thảo VBQPPL
trên Cổng tham vấn
QĐKD (https://thamvanquydinh.gov.vn);
c) Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các QĐKD
đang còn hiệu lực và dự kiến ban hành có nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng
mắc, khó khăn
trong thực hiện hoặc tạo rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh;
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản
hóa QĐKD thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành trước ngày 30/9/2023;
d) Thường xuyên rà soát, kiểm tra, cập nhật đầy đủ, chính xác và
công khai kịp thời dữ liệu QĐKD (gồm cả
hiện hành và
dự kiến ban hành); kết quả rà soát, tính chi phí tuân thủ, phương án cắt giảm, đơn giản
hóa QĐKD vào Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD.
đ) Thực hiện công bố, công khai kết quả
cắt giảm, đơn giản
hóa số QĐKD và chi phí tuân thủ QĐKD của các bộ, ngành trên Cổng tham vấn và tra cứu
QĐKD trước ngày 30/12/2023.
2. Về cải cách việc
thực hiện TTHC tại các bộ, ngành, địa phương
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ,
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt
Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc
trung ương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:
a) Tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu
quả Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 về việc tháo gỡ các điểm nghẽn
triển khai Đề án 06 và Công văn số
493/TTg-KSTT ngày 01/6/2023 về việc cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh
doanh.
b) Thực hiện nghiêm việc kiểm soát quy
định TTHC trong dự thảo VBQPPL không để phát sinh TTHC không cần thiết,
không hợp lý, không hợp pháp.
c) Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải
quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị
định số 107/2021/NĐ-CP và hướng dẫn của VPCP tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP, gắn
việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, trong quá trình giải
quyết TTHC; không yêu cầu người dân, doanh
nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả
giải quyết TTHC đã được số hóa theo đúng
quy định.
d) Thực hiện rà soát tái cấu trúc
quy trình, DVCTT theo hướng lấy người
dùng làm trung tâm (bao gồm cả cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp),
trong đó bao gồm việc
rà soát, chuẩn
hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20%
thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.
đ) Tăng cường kỷ luật, kỷ
cương hành chính; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC,
cung cấp dịch vụ công. Công khai
kết quả đánh giá chất lượng
phục vụ người dân, doanh
nghiệp trong giải quyết TTHC, cung
cấp DVC theo Quyết định số 766/QĐ-TTg
ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tổ chức, không để tình trạng giải
quyết chậm, muộn,
nhũng nhiễu, tiêu cực, phát
sinh thêm thủ tục, giấy tờ, yêu cầu điều
kiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.
IV. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT,
KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở nội dung Báo cáo, Văn phòng
Chính phủ kiến nghị Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ:
1. Yêu cầu các Bộ ngành, địa phương có
liên quan xem xét, xử lý kịp
thời dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đang là rào cản đối với hoạt động
sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; trước mắt tập trung xử lý ngay các phản
ánh, kiến nghị tại Mục
X.2 và XI của Phụ lục
I đính kèm Báo cáo này; định kỳ hàng tháng gửi
báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
2. Văn phòng Chính phủ định kỳ hàng
tháng công bố và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ báo cáo đánh giá chất lượng của các Bộ, ngành, địa
phương về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung
cấp dịch vụ công theo Quyết định
766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là Báo cáo về tình hình thực
hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản
hóa QĐKD 6 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023,
Văn phòng Chính phủ kính trình Chính phủ./.
Nơi nhận:
-
Như
trên;
- TTgCP, các Phó TTgCP
(để b/c);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký TTg, các PTTg; các Vụ, Cục:
TH, KTTH, PL. KGVX, NC, CN, NN, ĐMDN, Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, KSTT, TT (2b)
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Trần Văn Sơn
|