BỘ CÔNG THƯƠNG
TỔNG CỤC QUẢN LÝ
THỊ TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 108/BC-TCQLTT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 12 năm 2020
|
BÁO CÁO
GIẢI
TRÌNH, TIẾP THU Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA VỤ PHÁP CHẾ ĐỐI VỚI DỰ THẢO THÔNG TƯ CỦA BỘ
TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Ngày 25 tháng 12 năm 2020, Vụ Pháp chế có Báo cáo số
2205/PC-TH thẩm định đối với Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy
định chế độ báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Dự thảo
Thông tư).
Báo cáo thẩm định của Vụ Pháp chế đối với Dự thảo
Thông tư nhất trí với sự cần thiết ban hành văn bản nhằm bảo đảm sự phù hợp với
yêu cầu thực tiễn thực hiện công tác báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường.
Nội dung Dự thảo Thông tư phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; đảm bảo
tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành,
không trái với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo
Thông tư đảm bảo tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển
của xã hội và đủ điều kiện bảo đảm để thực hiện.
Trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản đã đảm bảo theo
đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định
số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về một số ý kiến góp ý của Vụ Pháp chế đối với nội
dung của Dự thảo Thông tư tại Báo cáo thẩm định số 2205/PC-TH, Tổng cục Quản lý
thị trường, cơ quan chủ trì soạn thảo, xin được tiếp thu, giải trình cụ thể như
sau:
1.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Vụ Pháp chế đề nghị rà soát lại về phạm vi điều
chỉnh của Thông tư quy định về chế độ báo cáo trong nội bộ của lực lượng Quản
lý thị trường (QLTT) hay bao gồm cả việc báo cáo giữa lực lượng QLTT với các cơ
quan khác (do việc thực hiện các chế độ báo cáo do các cơ quan khác ban hành đã
được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan ban hành chế độ báo
cáo đó quy định).
Tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Tổng cục
Quản lý thị trường đã thực hiện rà soát và chỉnh sửa tại dự thảo như sau:
“Thông tư này quy định về chế độ báo cáo của lực
lượng Quản lý thị trường và việc thực hiện chế độ báo cáo do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền ban hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng
Quản lý thị trường.”
2.
Về các loại báo cáo (Điều 4)
Vụ Pháp chế đề nghị lược bớt các nội dung yêu cầu
báo cáo tại Phụ lục I đối với chế độ báo cáo tuần để giảm bớt gánh nặng báo cáo
cho lực lượng. Bên cạnh đó, cần có sự phân biệt giữa yêu cầu thực hiện các nội
dung báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục I và yêu cầu cập nhật số liệu, bảng
biểu trong hệ thống báo cáo điện tử hằng tuần do việc cập nhật số liệu trên hệ
thống báo cáo điện tử thao tác nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, thay vì phải thực
hiện nhiều thủ tục để báo cáo bằng văn bản.
Tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Tổng cục
Quản lý thị trường đã chỉnh lý nội dung chính của Phụ lục I gồm:
“1. Các hoạt động đã thực hiện trong tuần của
đơn vị (Nêu các hoạt động nổi bật về chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật; công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan liên
quan)
2. Kết quả hoạt động kiểm tra thị trường, xử lý
các hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của lực lượng
Quản lý thị trường.
- Số liệu tổng hợp: số vụ kiểm tra; số vụ xử lý;
số tiền thu phạt; trị giá hàng hóa vi phạm (đối với tài sản có căn cứ xác định
thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là đơn vị tính khác thì thực hiện tổng hợp
số liệu theo đơn vị tính đó).
- Số liệu báo cáo chi tiết thực hiện qua Hệ thống
báo cáo điện tử.”
3. Về nội dung báo cáo (Điều 5)
Vụ Pháp chế có ý kiến:
- Hiện dự thảo đang quy định nội dung báo cáo
chuyên đề nhưng lại mang tính chất của báo cáo đột xuất, cần có sự chỉnh lý lại
cho phù hợp.
- Tại khoản 3, đề nghị quy định theo hướng: Đối
với các nội dung báo cáo là các số liệu, bảng biểu, Tổng cục trưởng Tổng cục
QLTT ban hành mẫu bảng biểu, yêu cầu về số liệu, thông tin căn cứ nhu cầu, tình
hình thực tiễn.
Tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Tổng cục
Quản lý thị trường đã chỉnh lý tại Dự thảo Thông tư:
- Khoản 2 Điều 3: “Báo cáo chuyên đề của lực lượng
Quản lý thị trường là báo cáo được cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường thực hiện
để đáp ứng yêu cầu thông tin trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên sâu về một vấn
đề liên quan đến tình hình hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường và phải thực
hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định”
- Khoản 3 Điều 5: “Nội dung báo cáo chuyên đề do
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Cục trưởng
Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quyết
định theo từng báo cáo chuyên đề cụ thể.”
- Khoản 3 Điều 5: “Đối với nội dung báo cáo là số
liệu, bảng biểu và các nội dung yêu cầu báo cáo khác không thuộc khoản 1, 2 và
3 Điều này, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường ban hành mẫu bảng biểu,
yêu cầu về số liệu, nội dung yêu cầu báo cáo trên Hệ thống báo cáo điện tử căn
cứ nhu cầu, tình hình thực tiễn.”
4.
Về cơ quan, đơn vị gửi, nhận báo cáo và phương thức gửi nhận báo cáo (Điều 6)
Vụ Pháp chế có ý kiến:
- Tại điểm a khoản 1, đề nghị làm rõ quy định về
việc Tổng cục QLTT gửi báo cáo bằng văn bản điện tử theo mẫu quy định thông qua
hệ thống báo cáo điện tử của QLTT tới Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan.
- Đề nghị quy định về cơ quan, đơn vị gửi, nhận
trong chế độ báo cáo định kỳ tại khoản 1 Điều 6 theo hướng: Đối với các nội
dung báo cáo theo mẫu quy định từ Phụ lục I đến Phụ lục IV, cơ quan, đơn vị
QLTT thực hiện báo cáo và gửi cơ quan QLTT cấp trên trực tiếp; Đối với các nội
dung báo cáo là bảng biểu, số liệu, cơ quan, đơn vị QLTT thực hiện báo cáo trên
hệ thống báo cáo điện tử của lực lượng QLTT.
- Trường hợp xác định phạm vi điều chỉnh của dự
thảo Thông tư bao gồm cả việc thực hiện chế độ báo cáo của lực lượng QLTT với
các cơ quan khác, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về cơ quan gửi, nhận đối
với các trường hợp này.
- Đề nghị quy định phương thức gửi nhận báo cáo
cụ thể đối với từng loại báo cáo trong chế độ báo cáo định kỳ (ví dụ: chế độ
báo cáo tuần chỉ thực hiện bằng phương thức gửi qua thư điện tử hoặc trên hệ thống
báo cáo điện tử). Bên cạnh đó, việc báo cáo đối với mỗi loại báo cáo chỉ nên thực
hiện 01 phương thức gửi, nhận, chủ thể thực hiện báo cáo có quyền lựa chọn
phương thức gửi báo cáo.
- Đề nghị bổ sung quy định về hình thức, kỹ thuật,
thể thức của văn bản báo cáo thể hiện dưới dạng văn bản điện tử phải đảm bảo
theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính
phủ về công tác văn thư.
Tiếp thu ý kiến thẩm định, Tổng cục Quản lý thị trường
đã chỉnh sửa Dự thảo Thông tư tại Điều 6 quy định về cơ quan, đơn vị thực hiện
báo cáo và cơ quan nhận báo cáo, Điều 7 quy định về phương thức gửi, nhận báo
cáo, theo ý kiến góp ý của Vụ Pháp chế.
5.
Về trình tự, thời gian chốt số liệu và gửi báo cáo (Điều 7)
Vụ Pháp chế có ý kiến:
- Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm
hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định
trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc xây dựng báo cáo định kỳ 06
tháng và hằng năm về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và
gửi Bộ Tư pháp tổng hợp. Để phục vụ cho chế độ báo cáo này, đề nghị quy định về
thời điểm chốt số liệu (và cả thời gian gửi báo cáo cũng như nội dung của báo
cáo) đối với báo cáo định kỳ về nội dung này theo hướng dẫn chiếu đến việc thực
hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp
thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Tại khoản 2 Điều 7: Đề nghị quy định thời hạn
gửi báo cáo tại điểm b khoản 2 Điều 7 để đảm bảo tính hợp lý và khả thi do cơ
quan cấp trên cần căn cứ vào báo cáo của cơ quan cấp dưới để tổng hợp báo cáo.
Tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Tổng cục
Quản lý thị trường đã rà soát và chỉnh sửa thời gian chốt số liệu (Điều 8 Dự thảo
Thông tư) và thời hạn gửi báo cáo (Điều 9 Dự thảo Thông tư) đảm bảo đáp ứng quy
định của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP (trước 25/12 hằng năm Bộ báo cáo Chính phủ
và cấp có thẩm quyền).
Đối với chế độ báo cáo công tác theo dõi thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP có mục tiêu và nội dung cơ bản tương đồng đối với
nội dung báo cáo quy định tại dự thảo Thông tư về tình hình kiểm tra, xử lý vi
phạm hành chính. Số liệu báo cáo sẽ được số hoá và đáp ứng việc kết xuất thông
tin tại bất kỳ thời điểm nào. Do vậy, việc quy định thời điểm chốt số liệu báo
cáo theo Nghị định 09/2019/NĐ-CP đảm bảo thời hạn của đa số yêu cầu các cơ quan
liên quan tiếp nhận báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường và đảm bảo nguyên
tắc áp dụng của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Khoản
3 Điều 156). Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng đã có quy định trường hợp
báo cáo định kỳ có sự khác biệt về thời điểm chốt số liệu và phương thức báo
cáo thì thực hiện theo quy định của cơ quan yêu cầu báo cáo.
6.
Về tổ chức thực hiện (Điều 9)
Vụ Pháp chế đề nghị bổ sung quy định giao cho Tổng
cục trưởng Tổng cục QLTT có trách nhiệm xây dựng Hệ thống báo cáo điện tử, xây
dựng cơ sở dữ liệu, quy định các nội dung, thông tin, yêu cầu về số liệu, biểu
mẫu trong Hệ thống báo cáo điện tử.
Tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, Tổng cục
Quản lý thị trường đã tiếp thu, chỉnh sửa tại Dự thảo Thông tư:
- “Điều 10. Cơ sở dữ liệu điện tử của lực lượng
Quản lý thị trường
1. Cơ sở dữ liệu điện tử của lực lượng Quản lý
thị trường được xây dựng, cập nhật, khai thác, quản lý và sử dụng trong Hệ thống
báo cáo điện tử.
2. Nội dung báo cáo, thông tin, dữ liệu, hình thức,
thể thức, kỹ thuật và việc cập nhật, truy cập, khai thác, quản lý, sử dụng Cơ sở
dữ liệu điện tử trong Hệ thống báo cáo điện tử do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản
lý thị trường quy định.
3. Cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo, cơ quan nhận
báo cáo, nội dung, trình tự, thủ tục, thời gian chốt số liệu, thời hạn cập nhật
và gửi báo cáo trong Hệ thống báo cáo điện tử do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản
lý thị trường quy định.
4. Cơ
quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp, công chức Quản lý thị trường có trách
nhiệm thực hiện cập nhật dữ liệu trong Hệ thống báo cáo điện tử theo quy định.”
- Khoản 3 Điều 11: “Tổng cục trưởng Tổng cục Quản
lý thị trường có trách nhiệm xây dựng Hệ thống báo cáo điện tử, xây dựng Cơ sở
dữ liệu điện tử, quy định các nội dung, thông tin, yêu cầu về số liệu, biểu mẫu,
dữ liệu trong Hệ thống báo cáo điện tử và quy định việc tổ chức thực hiện Điều
10 Thông tư này.”
Trên đây là Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường
về việc tổng hợp và giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế đối với
Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo của lực
lượng Quản lý thị trường./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c)
- TT. Đặng Hoàng An (để b/c);
- Vụ Pháp chế (để phối hợp);
- Các Phó Tổng cục trưởng (để biết);
- Vụ CSPC (Tổng cục QLTT);
- Lưu: VT, THKHTC (05).
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Trần Hữu Linh
|