BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/2016/TT-BTC
|
Hà Nội,
ngày tháng năm 2016
|
DỰ THẢO
|
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH THU, NỘP PHÍ BẢO ĐẢM HÀNG HẢI VÀ PHÍ SỬ DỤNG VỊ TRÍ
NEO ĐẬU TẠI KHU NƯỚC, VÙNG NƯỚC ĐỐI VỚI LUỒNG HÀNG HẢI CHUYÊN DÙNG, KHU NEO ĐẬU,
KHU CHUYỂN TẢI DO DOANH NGHIỆP TỰ ĐẦU TƯ, KHAI THÁC
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23
tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Luật Phí và Lệ phí ngày ngày 25 tháng
11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
/2016/NĐ-CP ngày… tháng … năm 2016 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phí và Lệ phí;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính
doanh nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy
định thu, nộp phí bảo đảm hàng hải và phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước,
vùng nước đối với luồng hàng hải chuyên dùng, khu neo đậu do doanh nghiệp đầu
tư, khai thác.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định thu, nộp
phí bảo đảm hàng hải và phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước thu
được tại luồng hàng hải chuyên dùng, khu neo đậu, khu chuyển tải do doanh nghiệp
tự đầu tư, khai thác.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Doanh nghiệp đầu tư, khai
thác luồng hàng hải thuộc danh mục luồng hàng hải chuyên dùng do Bộ Giao thông
vận tải công bố.
2. Doanh nghiệp đầu tư, khai
thác khu neo đậu, khu chuyển tải được cơ quan có thẩm quyền công bố đủ điều kiện
để đưa vào hoạt động.
3. Các tổ chức, cá nhân và cơ
quan nhà nước có liên quan đến hoạt động hàng hải.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Luồng hàng hải chuyên
dùng là luồng hàng hải được đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác phục vụ
hoạt động của cảng chuyên dùng.
2. Khu neo đậu là vùng
nước được thiết lập và công bố để tàu thuyền neo đậu chờ cập cầu, cập kho chứa
nổi, chờ vào khu chuyển tải, chờ đi qua luồng hoặc thực hiện các dịch vụ khác.
3. Khu chuyển tải là
vùng nước được thiết lập và công bố để tàu thuyền neo đậu thực hiện chuyển tải
hàng hóa, hành khách hoặc thực hiện các dịch vụ khác.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Mức
thu phí và tổ chức thu phí
1. Doanh nghiệp quy định tại
khoản 1 Điều 2 Thông tư này được thu phí bảo đảm hàng hải của các tàu thuyền sử
dụng luồng hàng hải chuyên dùng do doanh nghiệp đầu tư, khai thác để vào, rời cầu,
bến cảng biển theo quy định. Mức thu phí bảo đảm hàng hải thực hiện theo Thông
tư quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Bộ
Tài chính ban hành.
2. Doanh nghiệp quy định tại
khoản 2 Điều 2 Thông tư này được thu phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước,
vùng nước đối với tàu thuyền, hàng hóa sang mạn có sử dụng khu neo đậu, khu
chuyển tải do doanh nghiệp đầu tư, khai thác để làm hàng. Mức thu phí sử dụng vị
trí neo đậu tại khu nước, vùng nước thực hiện theo Thông tư quy định về phí, lệ
phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Bộ Tài chính ban hành.
3. Doanh nghiệp quy định tại
khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm tổ chức thực hiện thu phí
hoặc có thể ủy quyền cho Cảng vụ hàng hải tại khu vực thu phí thông qua hợp đồng
ủy nhiệm thu. Trường hợp ủy quyền cho Cảng vụ hàng hải thu phí, Cảng vụ hàng hải
được để lại tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền phí thu được để trang trải
cho hoạt động thu phí; trong đó, tỷ lệ được để lại đối với phí bảo đảm hàng hải
không thấp hơn tỷ lệ để lại khi Cảng vụ hàng hải thu phí bảo đảm hàng hải của
các luồng hàng hải công cộng.
4. Doanh nghiệp tự tổ chức thu
phí được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng để cung cấp cho chủ tàu khi thực hiện
thu phí. Trường hợp ủy quyền cho Cảng vụ hàng hải thu phí, Cảng vụ hàng hải sử
dụng biên lai thu phí theo quy định hiện hành khi thực hiện thu phí.
Điều 5.
Trích nộp và sử dụng phí
1. Nguồn thu phí bảo đảm
hàng hải thu được hàng năm tại luồng hàng hải chuyên dùng được phân phối, sử dụng
như sau:
a) Thực hiện trích nộp 30% tổng
số phí thu được để đóng góp vào công tác bảo đảm an toàn hàng hải chung quốc
gia;
b) Giữ lại 70% tổng số phí thu
được để bù đắp chi phí đầu tư, khai thác và vận hành luồng hàng hải chuyên dùng
đảm bảo chuẩn tắc theo quy định.
2. Nguồn thu phí sử dụng vị trí
neo đậu thu được hàng năm tại khu neo đậu, khu chuyển tải được phân phối, sử dụng
như sau:
a) Thực hiện trích nộp 30% tổng
số phí thu được để đóng góp vào công tác quản lý, đảm bảo trật tự, an toàn, an
ninh hàng hải tại vùng nước cảng biển;
b) Giữ lại 70% tổng số phí thu
được để bù đắp chi phí đầu tư, duy trì và bảo dưỡng đối với khu neo đậu, khu
chuyển tải để đảm bảo hoạt động theo quy định.
Điều 6.
Thông báo, chuyển số phí phải trích nộp
1. Căn cứ vào danh mục luồng
hàng hải chuyên dùng và danh sách, số lượng tàu thuyền được làm thủ tục, cấp
phép vào, rời cảng biển, khu neo đậu, chuyển tải của doanh nghiệp, hàng tháng
(trong vòng 10 ngày đầu của tháng kế tiếp) Cảng vụ hàng hải xác định số phí phải
trích nộp tháng trước theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và thông báo cho
các doanh nghiệp. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của
cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện chuyển số phí phải
trích nộp cho cảng vụ hàng hải khu vực.
2. Đối với số phí bảo đảm hàng
hải nhận được từ doanh nghiệp, Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm quản lý và chuyển
cho các cơ quan, đơn vị thụ hưởng theo quy định hiện hành.
3. Đối với số phí sử dụng vị
trí neo đậu tại khu nước, vùng nước nhận được từ doanh nghiệp, Cảng vụ hàng hải
được sử dụng và nộp ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
Điều 7. Quyết
toán thu, trích nộp phí
1. Cục Hàng hải Việt Nam thực
hiện quyết toán số thu phí bảo đảm hàng hải, phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu
nước, vùng nước được trích nộp về các cảng vụ hàng hải; số chi phí sử dụng vị
trí neo đậu tại khu nước, vùng nước của cảng vụ hàng hải khi thẩm định, xét duyệt
quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của cảng vụ theo quy định hiện hành.
2. Cục Hàng hải Việt Nam thực
hiện quyết toán số chi phí bảo đảm hàng hải được trích nộp trong tổng nguồn chi
phí bảo đảm hàng hải hàng năm để chi cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn
hàng hải và các nhiệm vụ khác theo cơ chế tài chính hiện hành.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Tổ
chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
2. Bãi bỏ Quyết định số
65/2006/QĐ-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban
hành mức trích nộp phí bảo đảm hàng hải đối với luồng hàng hải do doanh nghiệp
đầu tư, khai thác.
3. Bộ Giao thông vận tải có
trách nhiệm công bố danh mục luồng hàng hải chuyên dùng trên toàn quốc.
4. Cục Hàng hải Việt Nam có trách
nhiệm triển khai tổ chức, thực hiện Thông tư này.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về Bộ Tài chính để xem
xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- UBND, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính
- Cục Hàng hải Việt Nam, các Cảng vụ hàng hải;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Cục TCDN (200)
|