BỘ
TÀI CHÍNH- BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------
|
Số:
19/2009/TTLT-BTC-BNV
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2009
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG
DẪN CHẾ ĐỘ THU NỘP THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM VIỆC TRONG TỔ CHỨC
CƠ YẾU.
Căn cứ Luật Thuế Thu nhập cá
nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007;
Căn cứ Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết
một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân;
Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Để phù hợp với tính chất cơ mật
đặc biệt của ngành cơ yếu, liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thu nộp
thuế thu nhập cá nhân đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu có thu nhập
chịu thuế từ tiền lương, tiền công theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân
như sau:
I. PHẠM VI ÁP
DỤNG
1. Thông tư này hướng dẫn việc
thu và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu, gồm:
các đối tượng hưởng lương trong các cơ quan, đơn vị, công ty quốc phòng – an
ninh thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ và người làm công tác cơ yếu không phải là quân
nhân, công an nhân dân đang công tác tại các Bộ, ngành và các địa phương có thu
nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền
công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền, nhận được từ các cơ
quan đơn vị, công ty quốc phòng – an ninh thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; các Bộ,
ngành và các địa phương (sau đây gọi tắt là đơn vị trả thu nhập).
Người làm việc trong tổ chức cơ
yếu có các khoản thu nhập chịu thuế khác (ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền
công) thì kê khai nộp thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày
30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập
cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (sau đây
gọi tắt là Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính).
2. Người làm việc trong tổ chức
cơ yếu Bộ Quốc phòng thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Tài chính – Bộ Quốc
phòng; người làm việc trong tổ chức cơ yếu Bộ Công an thực hiện theo hướng dẫn
của liên Bộ Tài chính – Bộ Công an.
II. THU NHẬP CHỊU THUẾ TỪ TIỀN
LƯƠNG, TIỀN CÔNG
1. Thu nhập chịu thuế từ tiền
lương, tiền công là các khoản thu nhập mà đối tượng hưởng lương nhận được từ
đơn vị chi trả thu nhập dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền bao gồm:
1.1 Tiền lương, tiền công và các
khoản có tính chất tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động hoặc ghi
trong quyết định tuyển dụng, quyết định nâng lương, nâng bậc, thăng quân hàm.
1.2 Các khoản phụ cấp, trợ cấp kể
cả sinh hoạt phí mà đối tượng hưởng lương nhận được, trừ một số khoản phụ cấp,
trợ cấp theo quy định tại điểm 2 dưới đây.
1.3 Các khoản tiền thù lao, tiền
thưởng và các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền bao gồm:
a) Tiền tham gia các đề tài khoa
học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút do viết sách,
báo, dịch tài liệu; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy, biểu diễn văn nghệ,
thể dục, thể thao, các dịch vụ quảng cáo;
b) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc
không bằng tiền, trừ một số khoản thưởng sau đây:
- Tiền thưởng kèm theo các danh
hiệu được Nhà nước phong tặng bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi
đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng,
cụ thể:
+ Tiền thưởng kèm theo các danh
hiệu thi đua gồm: Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành,
đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ
sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến;
+ Tiền thưởng kèm theo các hình
thức khen thưởng gồm: Huân chương, Huy chương các loại;
+ Tiền thưởng kèm theo các danh
hiệu vinh dự nhà nước như danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, danh hiệu Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu Anh hùng, danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc,
Nghệ sỹ Nhân dân...
+ Tiền thưởng kèm theo giải thưởng
Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước;
+ Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương,
Huy hiệu;
+ Tiền thưởng kèm theo Bằng
khen, Giấy khen;
Thẩm quyền ra quyết định khen
thưởng, mức tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
nêu trên phải phù hợp với quy định của Luật Thi đua khen thưởng.
- Tiền thưởng kèm theo các giải
thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận;
- Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật,
sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
- Tiền thưởng về phát hiện, khai
báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
c) Các khoản lợi ích khác mà đối
tượng hưởng lương nhận được từ đơn vị chi trả thu nhập.
2. Các khoản phụ cấp, trợ cấp
không tính vào thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.1.Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng
tháng và trợ cấp một lần, bao gồm:
a) Phụ cấp, trợ cấp cho thương
binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ; phụ cấp, trợ cấp cho cán bộ hoạt động cách
mạng; phụ cấp, trợ cấp cho anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động và
các đối tượng được hưởng phụ cấp, trợ cấp theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với
cách mạng;
b) Trợ cấp khó khăn đột xuất; trợ
cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Trợ cấp một lần khi sinh con,
nhận con nuôi;
d) Trợ cấp do suy giảm khả năng
lao động;
đ) Trợ cấp hưu trí một lần; tiền
tuất hàng tháng;
e) Các khoản trợ cấp thôi việc,
trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp;
g) Trợ cấp để giải quyết tệ nạn
xã hội theo quy định của pháp luật;
h) Trợ cấp phục viên; trợ cấp xuất
ngũ; trợ cấp tạo việc làm; trợ cấp một lần khi sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp
thôi phục vụ tại ngũ; trợ cấp một lần khi người làm công tác cơ yếu thôi làm việc
trong tổ chức cơ yếu;
i) Các khoản trợ cấp khác do Bảo
hiểm xã hội chi trả.
2.2. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm
đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy
hiểm.
2.3. Phụ cấp thu hút đối với
vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc
biệt khó khăn.
2.4. Phụ cấp khu vực theo quy định
của pháp luật đối với người làm việc ở vùng xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu.
2.5. Phụ cấp quốc phòng, an
ninh, bao gồm:
a) Phụ cấp thâm niên nghề cơ yếu;
b) Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an
ninh đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
c) Phụ cấp trách nhiệm công việc
bảo vệ cơ mật mật mã;
d) Phụ cấp trách nhiệm công việc
cơ yếu khác;
đ) Các khoản phụ cấp đặc thù an
ninh, quân sự khác trong ngành cơ yếu (nếu có).
3. Giảm thuế:
Trường hợp đối tượng nộp thuế gặp
khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả
năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không
vượt quá số thuế phải nộp. Việc xác định số thuế được giảm, hồ sơ, thủ tục xét
giảm thuế thực hiện theo quy định tại điểm 1,2, Mục IV Phần A
Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính. Thủ trưởng các đơn
vị, giám đốc công ty quốc phòng – an ninh thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ xem xét,
ra quyết định giảm thuế và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
III. ĐĂNG KÝ THUẾ, KHẤU TRỪ
THUẾ, KHAI THUẾ, NỘP THUẾ, QUYẾT TOÁN THUẾ
Việc đăng ký thuế, khấu trừ thuế,
kê khai thuế, nộp thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với người làm việc
trong tổ chức cơ yếu áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
1. Đối với người làm công tác cơ
yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân đang công tác tại các Bộ, ngành
và các địa phương thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 84/2008/TT – BTC
ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính. Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu
nhập chịu thuế thực hiện theo quy định tại điểm 2, Mục II của Thông tư này.
2. Đối với các đối tượng hưởng
lương trong các cơ quan, đơn vị, công ty quốc phòng – an ninh thuộc Ban Cơ yếu
Chính phủ:
2.1 Đăng ký thuế:
Đối tượng hưởng lương trong các
cơ quan, đơn vị, công ty quốc phòng – an ninh thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ tạm thời
chưa phải đăng ký thuế.
2.2 Khấu trừ thuế:
a) Các đơn vị chi trả thu nhập
có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và nộp về Ban Cơ yếu Chính phủ.
Việc khấu trừ thuế đối với thu
nhập từ tiền lương, tiền công được thực hiện hàng tháng. Căn cứ vào thu nhập chịu
thuế từ tiền lương tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công thực
trả cho đối tượng hưởng lương; đơn vị chi trả thu nhập thực hiện tính số tạm giảm
trừ gia cảnh cho đối tượng hưởng lương, người phụ thuộc theo đăng ký của từng
người. Trên cơ sở thu nhập còn lại và biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại
Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính, đơn vị chi trả thu
nhập tính thuế, khấu trừ thuế và giữ lại số thuế đã khấu trừ để nộp về Ban Cơ yếu
Chính phủ.
Trường hợp đơn vị chi trả thu nhập
phát sinh việc chi trả thu nhập cho các cá nhân bên ngoài đơn vị mình thì phải
có nghĩa vụ khấu trừ thuế tại nguồn theo hướng dẫn tại Thông tư số
84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:
Khi trả tiền công, tiền
thù lao, tiền chi khác cho cá nhân thực hiện các dịch vụ mà không ký hợp đồng
lao động như tiền nhuận bút; tiền dịch sách; tiền giảng dạy; tiền tham gia các
Hiệp hội, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban quản lý; tiền thực hiện
các dịch vụ khoa học kỹ thuật; dịch vụ văn hoá; thể dục thể thao; các dịch vụ
tư vấn thiết kế xây dựng, dịch vụ pháp lý có tổng mức trả thu nhập từ 500.000 đồng/lần
trở lên thì phải khấu trừ thuế trước khi trả cho cá nhân theo các mức sau:
- Khấu trừ 10% trên thu nhập áp
dụng đối với các cá nhân đã có mã số thuế, các cá nhân làm việc trong tổ chức
cơ yếu, các cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
- Khấu trừ 20% trên thu nhập áp
dụng đối với các cá nhân không có mã số thuế.
b) Đầu năm, chậm nhất là ngày 30
tháng 01, từng đối tượng hưởng lương kê khai, đăng ký số người phụ thuộc được
tính giảm trừ gia cảnh và nộp tờ khai đăng ký cho đơn vị trực tiếp quản lý và
chi trả thu nhập để đơn vị chi trả thu nhập làm căn cứ tính tạm giảm trừ người
phụ thuộc. Trong năm có sự thay đổi về người phụ thuộc thì phải khai báo lại.
Trường hợp đối tượng hưởng lương
có chung người phụ thuộc với đối tượng nộp thuế khác như vợ hoặc chồng, anh, chị,
em ruột... thì phải thoả thuận để khai người phụ thuộc theo nguyên tắc mỗi người
phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế trong năm
tính thuế; nếu đối tượng hưởng lương và các đối tượng nộp thuế khác có chung
người phụ thuộc phải nuôi dưỡng đều khai giảm trừ gia cảnh thì sẽ bị xử phạt vi
phạm theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Đối tượng hưởng lương chỉ phải nộp
tờ khai đăng ký người phụ thuộc, có xác nhận của cơ quan tổ chức cán bộ mà
không phải nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc, đồng thời chịu trách nhiệm về
tính trung thực khi kê khai giảm trừ.
2.3 Nộp thuế.
- Hàng tháng, đơn vị chi
trả thu nhập phải nộp số thuế đã khấu trừ về Ban Cơ yếu Chính phủ.
- Hàng quý, chậm nhất ngày 30 của
tháng đầu quý tiếp theo, Ban Cơ yếu Chính phủ chuyển số thuế thu nhập cá nhân của
các đơn vị đã nộp vào ngân sách Nhà nước.
- Hết năm, chậm nhất là ngày 30
tháng 5 của năm tiếp theo, trên cơ sở quyết toán của các đơn vị chi trả thu nhập,
Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm xác định tổng số thuế thu nhập cá nhân phải
nộp, số đã nộp và nộp hết số còn phải nộp vào Ngân sách nhà nước.
2.4 Quyết toán thuế:
- Các đối tượng hưởng lương
không phải lập hồ sơ quyết toán thuế.
- Các đơn vị chi trả thu nhập, thực
hiện quyết toán thuế thay cho từng cá nhân và báo cáo quyết toán chung với quyết
toán ngân sách hàng năm gửi Ban Cơ yếu Chính phủ .
- Trường hợp khi quyết toán thuế
thu nhập cá nhân đối với từng trường hợp cụ thể, có cá nhân số thuế đã khấu trừ
trong năm lớn hơn số thuế phải nộp thì đơn vị chi trả thực hiện tự bù trừ vào tổng
số thuế phải khấu trừ chung của cả đơn vị. Nếu bù trừ không hết thì trừ tiếp
vào số thuế phát sinh của cá nhân đó vào tháng tiếp theo. Trường hợp đối tượng
nộp thuế muốn hoàn lại số thuế nộp thừa thì phải làm đơn đề nghị hoàn thuế gửi
cho đơn vị chi trả thu nhập để làm căn cứ hoàn thuế, đơn vị chi trả lấy số thuế
thu nhập cá nhân khấu trừ trong tháng để hoàn trả, số còn lại nộp về Ban Cơ yếu
Chính phủ.
- Ban Cơ yếu Chính phủ tổng hợp
quyết toán thuế thu nhập cá nhân của toàn Ban và báo cáo quyết toán chung với
quyết toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Nội vụ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng đối với việc thu và nộp thuế thu nhập
cá nhân từ tiền lương, tiền công đối với người làm việc trong tổ chức Cơ yếu kể
từ ngày 01/01/2009.
Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Nội vụ
hướng dẫn hệ thống mẫu biểu báo cáo kê khai thuế, quyết toán thuế; hướng dẫn,
kiểm tra việc kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thực hiện
theo Thông tư này và Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài
chính.
Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ
Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Duy Thăng
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước, VPQH ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở TC, Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.