Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 60 /2007/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế Nghị định 85/2007/NĐ-CP

Số hiệu: 60/2007/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trương Chí Trung
Ngày ban hành: 14/06/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 60/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2007

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 85/2007/NĐ-CP NGÀY 25/5/2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ các Luật, Pháp lệnh, Nghị định về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế như sau:

Phần A.

QUY ĐỊNH CHUNG

Thông tư này hướng dẫn thi hành các thủ tục hành chính thuế quy định tại Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 năm 2006 và Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.

I.  Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này áp dụng đối với việc quản lý các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế; các khoản phí, lệ phí thuộc Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; các khoản thu khác thuộc Ngân sách Nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu (sau đây gọi chung là thuế).

II. Đối tượng áp dụng

1. Người nộp thuế theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm:

1.1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế, phí, lệ phí hoặc các khoản thu khác thuộc Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

1.2. Tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí thuộc Ngân sách nhà nước.

1.3. Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế, bao gồm:

1.3.1. Tổ chức, cá nhân là bên Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo quy định của pháp luật về đầu tư và không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam;

1.3.2. Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế khi chi trả thu nhập cho người có thu nhập thuộc diện nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;

1.3.3. Tổ chức làm đại lý tàu biển, đại lý cho các hãng vận tải nước ngoài có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển từ các cảng biển Việt Nam ra nước ngoài hoặc giữa các cảng biển Việt Nam;

1.3.4. Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế;

2. Cơ quan thuế gồm: Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế;

3. Công chức thuế;

4. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế.

III. Nội dung quản lý thuế hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm:

1. Khai thuế, tính thuế;

2. Ấn định thuế;

3. Nộp thuế;

4. Uỷ nhiệm thu thuế;

5. Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế;

6. Thủ tục miễn thuế, giảm thuế; xoá nợ tiền thuế, tiền phạt;

7. Thủ tục hoàn thuế, bù trừ thuế;

8. Kiểm tra thuế, thanh tra thuế;

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến thực hiện pháp luật thuế.

IV. Phạm vi và nội dung quản lý thuế không bao gồm trong Thông tư này:

1. Các quy định về quản lý thuế đối với  hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu thô.

2. Nội dung quản lý thuế về đăng ký thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế.

V. Văn bản giao dịch với cơ quan thuế

1. Văn bản giao dịch với cơ quan thuế bao gồm tài liệu kèm theo hồ sơ thuế, công văn, đơn từ và các tài liệu khác do người nộp thuế, tổ chức được uỷ nhiệm thu thuế và các tổ chức, cá nhân khác gửi đến cơ quan thuế.

2. Văn bản giao dịch với cơ quan thuế phải được soạn thảo, ký, ban hành đúng thẩm quyền; thể thức văn bản, chữ ký, con dấu trên văn bản phải thực hiện theo quy định của pháp luật về công tác văn thư.

3. Văn bản giao dịch với cơ quan thuế được thực hiện thông qua giao dịch điện tử thì phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

4. Trường hợp phát hiện văn bản giao dịch với cơ quan thuế không đáp ứng được các yêu cầu nêu trên thì cơ quan thuế yêu cầu người có văn bản giao dịch khắc phục sai sót và nộp bản thay thế. Thời điểm cơ quan thuế nhận được bản thay thế được coi là thời điểm nộp văn bản giao dịch.

5. Ngôn ngữ được sử dụng trong các tài liệu trong hồ sơ thuế là tiếng Việt. Trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài chứng thực theo thẩm quyền.

Việc hợp pháp hoá lãnh sự đối với các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp chỉ bắt buộc trong trường hợp cụ thể hướng dẫn tại Thông tư này.  

VI. Việc tiếp nhận hồ sơ thuế gửi đến cơ quan thuế

1. Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ.

2. Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

3. Trường hợp hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

4. Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo cho người nộp thuế trong ngày nhận hồ sơ đối với trường hợp trực tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu chính hoặc thông qua giao dịch điện tử.

VII. Cách tính thời hạn để thực hiện các thủ tục hành chính thuế

1. Trường hợp thời hạn được tính bằng “ngày” thì tính liên tục theo dương lịch, kể cả ngày nghỉ.

2. Trường hợp thời hạn được tính bằng “ngày làm việc” thì tính theo ngày làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật: là các ngày theo dương lịch trừ ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết (gọi chung là ngày nghỉ).

3. Trường hợp thời hạn được tính từ một ngày cụ thể thì ngày bắt đầu tính thời hạn là ngày tiếp theo của ngày cụ thể đó.

4. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.

5. Ngày đã nộp hồ sơ thuế để tính thời hạn giải quyết công việc hành chính thuế là ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ hợp lệ, đầy đủ giấy tờ, văn bản đúng theo quy định.

Phần B.

KHAI THUẾ, TÍNH THUẾ

I. Quy định chung về khai thuế, tính thuế

1. Nguyên tắc tính thuế, khai thuế:

1.1. Người nộp thuế phải tính số tiền thuế phải nộp Ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp cơ quan thuế ấn định thuế hoặc tính thuế theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật Quản lý thuế.

1.2. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế với cơ quan thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế.

1.3. Đối với loại thuế khai theo tháng, quý hoặc năm, nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc người nộp thuế đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế theo đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp đã chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế.

1.4. Đối với loại thuế khai theo tháng hoặc khai theo quý, kỳ tính thuế đầu tiên được tính từ ngày bắt đầu hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế đến ngày cuối cùng của tháng hoặc quý, kỳ tính thuế cuối cùng được tính từ ngày đầu tiên của tháng hoặc quý đến ngày kết thúc hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế. Kỳ tính thuế năm của thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế tài nguyên được tính theo năm tài chính của người nộp thuế. Kỳ tính thuế năm của các loại thuế khác là năm dương lịch.

2. Hồ sơ khai thuế:

Hồ sơ khai thuế bao gồm tờ khai thuế và các tài liệu liên quan làm căn cứ để người nộp thuế khai thuế, tính thuế với cơ quan thuế.

Người nộp thuế phải sử dụng đúng mẫu tờ khai thuế và các mẫu phụ lục kèm theo tờ khai thuế do Bộ Tài chính quy định, không được thay đổi khuôn dạng, thêm, bớt hoặc thay đổi vị trí của bất kỳ chỉ tiêu nào trong tờ khai thuế. Đối với một số loại giấy tờ trong hồ sơ thuế mà Bộ Tài chính không ban hành mẫu thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:

3.1. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

3.2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quý chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

3.3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế cả năm chậm nhất là ngày thứ ba mươi của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính.

3.4. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ mười, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

3.5. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ chín mươi, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

3.6. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ bốn mươi lăm, kể từ ngày phát sinh các trường hợp đó.

3.7. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thu khác liên quan đến sử dụng đất theo cơ chế một cửa liên thông thì thực hiện theo thời hạn quy định tại văn bản hướng dẫn liên ngành về cơ chế một cửa liên thông đó.

4. Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế:

4.1. Người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ thì được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.

4.2. Thời gian gia hạn không quá ba mươi ngày đối với việc nộp hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế năm, khai thuế tạm tính, khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế; sáu mươi ngày đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế, kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế.

4.3. Người nộp thuế phải gửi đến cơ quan thuế nơi nhận hồ sơ khai thuế văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế trước khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi phát sinh trường hợp được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.

4.4. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế phải trả lời bằng văn bản cho người nộp thuế về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc gia hạn nộp hồ sơ khai thuế; nếu cơ quan thuế không có văn bản trả lời thì coi như đề nghị của người nộp thuế được chấp nhận.

5. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế:

5.1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế. Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

5.2. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp, người nộp thuế tự xác định số tiền phạt chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp và mức xử phạt theo quy định tại Điều 106 Luật Quản lý thuế. Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền phạt chậm nộp thì cơ quan thuế xác định số tiền phạt chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết để thực hiện.

5.3. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số thuế phải nộp, người nộp thuế được điều chỉnh giảm tiền thuế, tiền phạt (nếu có) tại ngày cuối cùng của tháng nộp hồ sơ khai bổ sung;  hoặc được bù trừ số thuế giảm vào số thuế phát sinh của lần khai thuế tiếp theo.

5.4. Mẫu hồ sơ khai bổ sung:

- Tờ khai thuế tương ứng với tờ khai thuế cần được khai bổ sung, điều chỉnh thông tin;

- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS ban hành kèm theo Thông tư này;

- Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh tương ứng với các tài liệu trong hồ sơ thuế của từng phần cụ thể tại Thông tư này.

II. Khai thuế giá trị gia tăng

1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế:

1.1. Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

1.2. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh cùng nơi người nộp thuế có trụ sở chính: nếu đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc thì người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng chung cho cả đơn vị trực thuộc.

Nếu đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra muốn kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng, cấp mã số thuế phụ thuộc và sử dụng hóa đơn riêng.

1.3. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế.

1.4. Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho chi cục thuế quản lý địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai đó.

1.5. Trường hợp người nộp thuế có công trình xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh liên quan tới nhiều địa phương như: xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, dẫn dầu, khí v.v., không xác định được doanh thu của công trình ở từng địa phương cấp huyện thì người nộp thuế khai thuế giá trị gia tăng của doanh thu xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh chung với hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tại trụ sở chính.

2. Khai thuế giá trị gia tăng là loại khai thuế theo tháng và các trường hợp:

- Khai quyết toán năm đối với thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng;

- Khai thuế giá trị gia tăng tạm tính theo từng lần phát sinh đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh.

- Khai thuế giá trị gia tăng  theo từng lần phát sinh đối với thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên doanh số của người kinh doanh không thường xuyên.

3. Khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ:

3.1. Người nộp thuế tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế bao gồm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định; trừ trường hợp áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng quy định tại khoản 4 mục này.

3.2. Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tháng áp dụng phương pháp khấu trừ thuế:

- Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch vụ bán ra theo mẫu số 01-1/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-2/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh theo mẫu số 01-3/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này (áp dụng đối với trường hợp tại kỳ khai thuế người nộp thuế có khai bổ sung, điều chỉnh cho hồ sơ khai thuế của các kỳ khai thuế trước).

- Bảng phân bổ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào được khấu trừ trong tháng theo mẫu số 01-4A/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này (áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế phân bổ số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ  trong tháng theo tỷ lệ (%) doanh thu hàng hoá dịch vụ bán ra chịu thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu hàng hoá dịch vụ bán ra của tháng tính thuế).

- Bảng kê khai điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào phân bổ được khấu trừ năm theo mẫu số 01-4B/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này (áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế tính phân bổ lại số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ trong năm theo tỷ lệ (%) doanh thu hàng hoá dịch vụ bán ra chịu thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu hàng hoá dịch vụ bán ra của năm). Số liệu điều chỉnh tăng, giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào phân bổ được khấu trừ được tổng hợp vào Tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng ba năm tiếp theo.

- Bảng kê số thuế giá trị gia tăng đã nộp của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh theo mẫu số 01-5/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

3.3. Trường hợp người nộp thuế có dự án đầu tư mới phát sinh thuế đầu vào nhưng chưa phát sinh thuế đầu ra thì người nộp thuế lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư. Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tháng của dự án đầu tư bao gồm:

- Tờ khai thuế giá trị gia tăng dành cho dự án đầu tư theo mẫu số 02/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-2/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Khai thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng:

4.1. Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và người nộp thuế kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ lưu giữ được đầy đủ hoá đơn mua vào, hoá đơn bán ra để xác định được giá trị gia tăng thì áp dụng khai thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng.

4.2. Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tháng tính theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 03/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

4.3. Hồ sơ khai quyết toán thuế giá trị gia tăng năm tính theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là Tờ khai quyết toán thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 04/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Khai thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu:

5.1. Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh doanh thực hiện lưu giữ đủ  hoá đơn, chứng từ bán hàng, cung cấp dịch vụ nhưng không có đủ hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá, dịch vụ đầu vào nên không xác định được giá trị gia tăng trong kỳ thì áp dụng khai thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu.

5.2. Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tháng tính theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu là Tờ khai thuế giá trị gia tăng mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

5.3. Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo từng lần phát sinh tính theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu là Tờ khai thuế giá trị gia tăng mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh.

6.1. Người nộp thuế kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh thì khai thuế giá trị gia tăng tạm tính theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%)  trên doanh thu hàng hoá, dịch vụ chưa có thuế giá trị gia tăng với chi cục thuế quản lý địa phương nơi kinh doanh, bán hàng.

6.2. Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh là Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

6.3. Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh được nộp theo từng lần phát sinh doanh thu. Trường hợp phát sinh nhiều lần nộp hồ sơ khai thuế trong một tháng thì người nộp thuế có thể đăng ký với chi cục thuế nơi nộp hồ sơ khai thuế để chuyển sang nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.

6.4.  Khi khai thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, người nộp thuế phải tổng hợp doanh thu phát sinh và số thuế giá trị gia tăng đã nộp của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh trong hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính. Số thuế đã nộp (theo chứng từ nộp tiền thuế) của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh được trừ vào số thuế giá trị gia tăng  phải nộp theo tờ khai thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế tại trụ sở chính.

7. Chuyển đổi áp dụng các phương pháp tính thuế giá trị gia tăng.

7.1. Các trường hợp chuyển đổi áp dụng các phương pháp tính thuế giá trị gia tăng.

 Người nộp thuế đang áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, nếu đáp ứng đủ điều kiện tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ theo quy định tại điểm 3.1 mục này thì có quyền gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp chấp thuận chuyển sang áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ theo mẫu số 07/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

 Người nộp thuế đang áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu, nếu đáp ứng đủ điều kiện tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng theo quy định tại điểm 4.1 mục này thì có quyền gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp chấp thuận chuyển sang áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng theo mẫu số 07/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

7.2. Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị chuyển đổi phương pháp tính thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra và trả lời bằng văn bản cho người nộp thuế về việc đồng ý hay không đồng ý đề nghị của người nộp thuế. Người nộp thuế chỉ được thay đổi phương pháp tính thuế sau khi được cơ quan thuế đồng ý cho chuyển đổi phương pháp tính thuế.

7.3.  Người nộp thuế đã được cơ quan thuế đồng ý chuyển áp dụng từ phương pháp tính thuế trực tiếp sang phương pháp tính thuế khấu trừ hoặc từ phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu sang phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng nếu trong quá trình thực hiện không đáp ứng đủ các điều kiện quy định thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp áp dụng biện pháp ấn định thuế phải nộp và ra thông báo chuyển sang phương pháp tính thuế thích hợp.

8. Hướng dẫn khai thuế giá trị gia tăng, lập bảng kê hoá đơn bán ra, hoá đơn mua vào trong một số trường hợp cụ thể như sau:

8.1. Khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đại lý:

- Người nộp thuế là đại lý bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng phải khai thuế đối với doanh thu bán hàng đại lý và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng.

- Người nộp thuế là đại lý thu mua theo các hình thức phải khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá thu mua đại lý và doanh thu hoa hồng được hưởng.

- Người nộp thuế là đại lý bán vé của dịch vụ bưu điện, xổ số, máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thuỷ hoặc bán bảo hiểm theo đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng thì không phải khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu hàng hóa, dịch vụ nhận bán đại lý và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng.

-  Người nộp thuế là đại lý bán hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng thì không phải khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu hàng hoá, dịch vụ đó và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng.

8.2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng của hoạt động kinh doanh vận tải với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

8.3. Người nộp thuế tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ kê khai thuế giá trị gia tăng như sau:

- Đối với hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tính thuế theo phương pháp khấu trừ, người nộp thuế lập hồ sơ khai thuế theo quy định tại  khoản 3 mục này.

- Đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ, người nộp thuế lập hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 4 hoặc khoản 5 mục này.

8.4. Người nộp thuế kinh doanh dịch vụ cho thuê tài chính không phải nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ cho thuê tài chính, mà chỉ nộp Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra theo mẫu số 01-1/GTGT và Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-2/GTGT, trong đó chỉ tiêu thuế giá trị gia tăng mua vào chỉ ghi tiền thuế giá trị gia tăng của tài sản cho thuê phân bổ phù hợp với hoá đơn giá trị gia tăng lập cho doanh thu của dịch vụ cho thuê tài chính trong kỳ kê khai. Người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế đối với các tài sản cho đơn vị khác thuê mua tài chính.

8.5. Khai thuế đối với cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu có nhập khẩu uỷ thác hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng:

Cơ sở nhận nhập khẩu uỷ thác hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng không phải khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhập khẩu uỷ thác nhưng phải kê khai riêng phần hoá đơn lập cho hàng hoá nhập khẩu uỷ thác đã trả cho cơ sở đi uỷ thác nhập khẩu trong Bảng kê hoá đơn giá trị gia tăng bán ra theo mẫu số 01-1/GTGT ban hành theo Thông tư này và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

8.6. Việc lập các Bảng kê hàng hoá, dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo Tờ khai thuế hàng tháng gửi cho cơ quan thuế trong một số trường hợp được thực hiện như sau:

- Đối với hàng hoá, dịch vụ bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng như: điện, nước, xăng dầu, dịch vụ bưu điện, dịch vụ khách sạn, ăn uống, vận chuyển hành khách, kinh doanh vàng bạc, đá quý, ngoại tệ và bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng khác thì được kê khai tổng hợp doanh số bán lẻ, không phải kê khai theo từng hoá đơn.

- Đối với hàng hoá, dịch vụ mua lẻ, bảng kê tổng hợp được lập theo từng nhóm mặt hàng, dịch vụ cùng thuế suất, không phải kê chi tiết theo từng hoá đơn.

- Đối với cơ sở kinh doanh ngân hàng có các đơn vị hạch toán phụ thuộc tại cùng địa phương thì các đơn vị phụ thuộc phải lập Bảng kê hàng hoá, dịch vụ mua vào, bán ra để lưu tại cơ sở chính. Khi tổng hợp lập Bảng kê hàng hoá, dịch vụ mua vào, bán ra, cơ sở chính chỉ tổng hợp theo số tổng hợp trên Bảng kê của các đơn vị phụ thuộc.

9. Việc khai thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng  phải nộp theo phương pháp khoán thực hiện theo quy định tại mục XI của phần này.

III. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế:

1.1. Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

1.2. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc.

1.3. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán phụ thuộc thì đơn vị trực thuộc đó không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp; khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc.

1.4. Đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty có đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc nếu đã hạch toán được doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế thì đơn vị thành viên phải kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị thành viên.

Trường hợp đơn vị thành viên có hoạt động kinh doanh khác với hoạt động kinh doanh chung của tập đoàn, tổng công ty và hạch toán riêng được thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác đó thì đơn vị thành viên khai thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị thành viên.

Trường hợp cần áp dụng khai thuế khác với hướng dẫn tại điểm này thì tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải báo cáo với Bộ Tài chính để có hướng dẫn riêng.

1.5. Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất cho chi cục thuế quản lý địa phương nơi có đất chuyển quyền.

Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất theo cơ chế một cửa liên thông thì thực hiện theo quy định về cơ chế một cửa liên thông đó.

2. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp là loại khai tạm tính theo quý, khai quyết toán năm hoặc khai quyết toán đến thời điểm chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp và các trường hợp:

- Khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo từng lần chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất áp dụng đối với tổ chức kinh doanh không phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất. 

- Khai thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ thu nhập trên doanh thu theo tháng hoặc theo lần phát sinh thu nhập của người kinh doanh không thường xuyên.

- Khai thuế thu nhập doanh nghiệp khấu trừ từ tiền hoa hồng đại lý theo tháng.

3. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý:

Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý là Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp quý theo mẫu số 01A/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp người nộp thuế không kê khai được chi phí thực tế phát sinh của kỳ tính thuế thì áp dụng Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp quý theo mẫu số 01B/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này. Căn cứ để tính thu nhập doanh nghiệp trong quý là tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu của năm trước liền kề. Trường hợp người nộp thuế đã được thanh tra, kiểm tra và tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu theo kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế khác với tỷ lệ người nộp thuế đã kê khai, thì áp dụng theo kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế.

Trường hợp người nộp thuế khai thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất thì hồ sơ khai thuế bao gồm cả Phụ lục Doanh thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuế đất theo mẫu số 01-1/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất:

4.1. Tổ chức kinh doanh không phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo từng lần phát sinh chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất.

Trường hợp tổ chức kinh doanh phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất muốn nộp thuế theo từng lần phát sinh thì được quyền khai thuế như tổ chức không phát sinh thường xuyên hoạt động  chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất.

4.2.  Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất là Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển quyền sử dụng, chuyển quyền thuê đất theo mẫu số 02/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

4.3. Căn cứ vào hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất, cơ quan thuế ghi nhận số thuế phải nộp theo hồ sơ khai thuế hoặc điều chỉnh số thuế phải nộp hoặc xác nhận  trường hợp không chịu thuế và thông báo cho người nộp thuế biết trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Thông báo được gửi trực tiếp cho người nộp thuế hoặc gửi theo hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất qua cơ quan tài nguyên môi trường theo cơ chế một cửa liên thông.

5. Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp:

5.1. Khai quyết toán thuế  thu nhập doanh nghiệp bao gồm khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm hoặc khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp.

5.2. Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo thông tư này.

- Báo cáo tài chính năm hoặc Báo cáo tài chính đến thời điểm chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp.

- Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai (tuỳ theo thực tế phát sinh của người nộp thuế):

+ Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số 03-1A/TNDN, 03-1B/TNDN, hoặc 03-1C/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

+ Phụ lục chuyển lỗ theo mẫu số 03-2/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

+ Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất theo mẫu số 03-3/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

+ Phụ lục về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo các mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

+ Phụ lục số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ở nước ngoài được trừ trong kỳ tính thuế theo mẫu số 03-5/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ thu nhập trên doanh thu:

6.1. Người nộp thuế đã thực hiện theo quy định về hoá đơn, chứng từ bán hàng hoá, dịch vụ và xác định được doanh thu chịu thuế nhưng không  xác định được chi phí, thu nhập chịu thuế; hoặc người nộp thuế phát sinh doanh thu kinh doanh không thường xuyên, sử dụng hoá đơn bán hàng cung cấp lẻ tại cơ quan thuế  phục vụ cho hoạt động kinh doanh đó thì thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ thu nhập trên doanh thu chịu thuế.

6.2. Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ thu nhập trên doanh thu chịu thuế là Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ thu nhập trên doanh thu theo mẫu số 04/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp khấu trừ từ tiền hoa hồng đại lý:

7.1. Người nộp thuế giao cho hộ gia đình, cá nhân làm dịch vụ đại lý   bán đúng giá, hưởng hoa hồng có trách nhiệm khấu trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp tính bằng 5% trên tiền  hoa hồng trả cho đại lý (bao gồm cả các khoản chi hỗ trợ mà đại lý được hưởng theo hợp đồng ký với người nộp thuế).

7.2. Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp khấu trừ từ tiền hoa hồng đại lý là Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp khấu trừ từ tiền hoa hồng đại lý theo mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Việc khai thuế thu nhập doanh nghiệp để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo phương pháp khoán thực hiện theo quy định tại mục XI của Phần này.

IV. Khai thuế tiêu thụ đặc biệt

1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt cho cơ quan  thuế:

1.1. Người nộp thuế sản xuất hàng hoá, gia công hàng hoá, kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; kinh doanh xuất khẩu mua hàng chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó không xuất khẩu mà bán trong nước phải nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

1.2. Trường hợp người nộp thuế sản xuất hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện bán hàng qua chi nhánh, cửa hàng, đơn vị trực thuộc hoặc bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng, xuất hàng bán ký gửi, người nộp thuế phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt cho toàn bộ số hàng hóa này với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Các chi nhánh, cửa hàng, đơn vị trực thuộc, đại lý, đơn vị bán hàng ký gửi không phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng khi gửi Bảng kê bán hàng về người nộp thuế thì đồng gửi một bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc, đại lý, đơn vị bán hàng ký gửi để theo dõi.

2. Khai thuế tiêu thụ đặc biệt là loại khai theo tháng; đối với hàng hoá mua để xuất khẩu nhưng được bán trong nước thì khai theo lần phát sinh.

3.  Hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm:

- Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo mẫu số 01/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo mẫu số 01-1/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ (nếu có) theo mẫu số 01-2/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Việc khai thuế tiêu thụ đặc biệt để xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp theo phương pháp khoán thực hiện theo quy định tại mục XI của Phần này.

V. Khai thuế tài nguyên 

1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên cho cơ quan thuế:

1.1. Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

1.2. Trường hợp đơn vị thu mua tài nguyên đăng ký nộp thuế tài nguyên thay cho đơn vị khai thác tài nguyên thì nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên cho chi cục thuế quản lý địa phương có tài nguyên khai thác.

2. Khai thuế tài nguyên là loại khai theo tháng và khai quyết toán năm hoặc khai quyết toán đến thời điểm chấm dứt hoạt động khai thác tài nguyên, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp.

3. Hồ sơ khai thuế tài nguyên:

3.1. Hồ sơ khai thuế tài nguyên tháng bao gồm:

- Tờ khai thuế tài nguyên áp dụng đối với cơ sở khai thác tài nguyên theo mẫu số 01/TAIN ban hành kèm theo Thông tư này; hoặc:

- Tờ khai thuế tài nguyên nộp thay người khai thác áp dụng đối với cơ sở thu mua tài nguyên theo mẫu số 02/TAIN ban hành kèm theo Thông tư này.

3.2. Hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên bao gồm:

-  Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên theo mẫu số 03/TAIN ban hành kèm theo Thông tư này.

- Các tài liệu liên quan đến việc miễn, giảm thuế tài nguyên kèm theo.

4.  Việc khai thuế tài nguyên để xác định số thuế tài nguyên phải nộp theo phương pháp khoán thực hiện theo quy định tại mục XI của Phần này.

VI. Khai thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (sau đây gọi là thuế thu nhập cá nhân)

1. Khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập thường xuyên:

1.1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập thường xuyên:

- Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thường xuyên thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế tại nguồn và khai thuế, nộp thuế thay cho người có thu nhập chịu thuế. 

- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tạm tính theo mức 10% trên số thu nhập khi chi trả cho cá nhân vãng lai (không có hợp đồng lao động) khoản thu nhập từ 500.000 đồng/lần trở lên mà khoản thu nhập này có được từ các hoạt động đại lý hưởng hoa hồng, môi giới (kể cả tiền thưởng); tiền nhuận bút, tiền giảng dạy; tiền bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, tác phẩm; tiền thù lao do tham gia dự án, hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên; dịch vụ khoa học, kỹ thuật, dịch vụ tin học, dịch vụ tư vấn, thiết kế, kiến trúc, đào tạo, hoạt động biểu diễn, hoạt động thể dục thể thao và các khoản tiền chi trả khác thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.

- Cá nhân có thu nhập thường xuyên đến mức chịu thuế thu nhập cá nhân đăng ký nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

1.2.  Nơi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập thường xuyên:

- Người nộp thuế có hoạt động sản xuất, kinh doanh nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

- Người nộp thuế không có hoạt động sản xuất kinh doanh nộp hồ sơ khai thuế cho cục thuế  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở đối với tổ chức hoặc nơi thường trú, nơi làm việc chính, nơi có thu nhập phát sinh đối với cá nhân.

1.3. Khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập thường xuyên là loại khai tạm tính theo tháng và khai quyết toán năm.

Trường hợp tổng số thuế phát sinh hàng tháng dưới năm triệu đồng thì người nộp thuế được quyền khai tạm nộp thuế theo quý. Việc khai theo quý được xác định hàng năm và căn cứ vào tổng số thuế phát sinh của tháng đầu tiên trong năm.

Trường hợp cá nhân đăng ký nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế, trong năm xác định được thu nhập ổn định hàng tháng thì tháng đầu tiên nộp hồ sơ khai tạm tính thuế, các tháng tiếp theo không cần nộp hồ sơ khai thuế này mà nộp thuế thu nhập cá nhân theo số thuế đã khai của tháng đầu tiên, trừ trường hợp có sự thay đổi về thu nhập.

1.4. Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp khấu trừ tại nguồn:

1.4.1. Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với thuế khấu trừ theo biểu luỹ tiến từng phần là Tờ khai thuế thu nhập cá nhân khấu trừ theo biểu thuế luỹ tiến theo mẫu số 01/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

1.4.2. Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với thuế khấu trừ 10% trên số thu nhập khi chi trả là Tờ khai thuế thu nhập cá nhân khấu trừ 10% theo mẫu số 02/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

1.4.3. Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với thuế khấu trừ của cá nhân nước ngoài không cư trú tại Việt nam là Tờ khai thuế thu nhập cá nhân khấu trừ của cá nhân nước ngoài không cư trú theo mẫu số 03/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

1.4.4.  Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn bao gồm:

- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn mẫu 04/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng quyết toán chi tiết thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 04-1/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

Cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân uỷ quyền cho bên khấu trừ tại nguồn thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm thì gửi cho Bên khấu trừ văn bản uỷ quyền quyết toán thuế theo mẫu số 04- 2/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này và Bảng kê số ngày cư trú tại Việt Nam (nếu có). Bên khấu trừ tại nguồn quyết toán thay thực hiện lưu giữ các văn bản đó tại trụ sở của mình, không phải nộp cùng hồ sơ khai quyết toán thuế.

1.5. Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp cá nhân khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế:

1.5.1. Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân tháng hoặc quý là Tờ khai thuế thu nhập cá nhân mẫu số 05/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

1.5.2. Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 06A/TNCN hoặc mẫu số 06B/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê số ngày cư trú tại Việt Nam áp dụng đối với cá nhân là người nước ngoài theo mẫu số 06-1/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê các biên lai nộp thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế, các chứng từ xác định số thuế được trừ, được miễn, giảm.

1.6. Trường hợp cá nhân nước ngoài có thu nhập chịu thuế thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước/ vùng lãnh thổ khác thì thực hiện thêm các thủ tục sau:

1.6.1.  Đối với cá nhân là đối tượng cư trú của nước ngoài:

Mười lăm ngày trước khi thực hiện hợp đồng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài gửi cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định mẫu 01-1A/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định;

- Bản sao Hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài (nếu có);

- Bản sao hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại Việt Nam;

- Bản sao hộ chiếu sử dụng cho việc xuất nhập cảnh tại Việt Nam. 

Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định thì các năm tiếp theo chỉ cần thông báo các bản sao hợp đồng lao động ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài mới (nếu có).

Mười lăm ngày trước khi kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam hoặc kết thúc năm tính thuế (tuỳ theo thời điểm nào diễn ra trước) cá nhân gửi Giấy chứng nhận cư trú của năm tính thuế đó và bản sao hộ chiếu cho bên Việt Nam kí kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập.

Trường hợp vào thời điểm trên vẫn chưa có được giấy xác nhận cư trú thì cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ cam kết gửi Giấy chứng nhận cư trú trong quí 1 của năm tiếp theo.

1.6.2. Đối với cá nhân nước ngoài là đối tượng cư trú Việt Nam:

Đối với cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam được hưởng các quy định miễn, giảm thuế đối với thu nhập quy định tại các Điều khoản thu nhập từ phục vụ Chính phủ, thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề và thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu thủ tục như sau:

Mười lăm ngày trước khi thực hiện hợp đồng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài gửi cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định 01-1B/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định;

- Giấy chứng nhận của cơ quan đại diện nhà nước Việt Nam liên quan đến các hoạt động phát sinh thu nhập thông báo miễn thuế theo Hiệp định.

1.6.3.  Đối với vận động viên và nghệ sĩ là đối tượng cư trú của nước ngoài có thu nhập từ biểu diễn văn  hoá, thể dục thể thao tại Việt Nam:

Mười lăm ngày trước khi thực hiện hợp đồng (hoặc chương trình trao đổi văn hoá, thể dục thể thao) với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài gửi cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định 01-1C/TNCN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định;

- Giấy chứng nhận của cơ quan đại diện nhà nước Việt Nam trong các chương trình trao đổi văn hoá, thể dục thể thao về nội dung hoạt động và thu nhập thông báo miễn thuế theo Hiệp định.

Mười lăm ngày trước khi kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam (hoặc chương trình trao đổi văn hoá, thể dục thể thao) hoặc kết thúc năm tính thuế (tuỳ theo thời điểm nào diễn ra trước) cá nhân nước ngoài gửi Giấy chứng nhận cư trú của năm tính thuế đó cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập.

Trường hợp vào thời điểm trên vẫn chưa có được giấy xác nhận cư trú thì cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ cam kết gửi Giấy chứng nhận cư trú trong quý I của năm tiếp theo.

2. Khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập không thường xuyên:

2.1. Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập không thường xuyên thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế tại nguồn, khai thuế và nộp thuế thay cho người nhận thu nhập.

2.2. Nơi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập không thường xuyên:

- Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

- Tổ chức, cá nhân không có hoạt động sản xuất kinh doanh thì nộp hồ sơ khai thuế tại Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đóng trụ sở.

2.3. Khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập không thường xuyên là loại khai theo lần phát sinh chi trả thu nhập. Trường hợp tổ chức chi trả thu nhập trúng thưởng xổ số, trúng thưởng khuyến mại có nhiều lần chi trả thu nhập trong tháng thì có thể đăng ký với cơ quan thuế để nộp hồ sơ khai thuế theo tháng.

2.4. Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập không thường xuyên là Tờ khai thuế thu nhập không thường xuyên theo mẫu số 07/TNCN ban hành kèm theo thông tư này.

VII. Khai thuế môn bài

1. Người nộp thuế môn bài nộp Tờ khai thuế môn bài cho cơ quan  thuế quản lý trực tiếp.

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc (chi nhánh, cửa hàng...) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh thì người nộp thuế thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của các đơn vị trực thuộc đó cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của người nộp thuế.

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc.

 Người nộp thuế kinh doanh không có địa điểm cố định như kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động, hộ xây dựng, vận tải, nghề tự do khác... nộp hồ sơ khai thuế môn bài cho chi cục thuế quản lý địa phương nơi có hoạt động kinh doanh hoặc nơi cư trú.

2. Khai thuế môn bài là loại khai thuế theo năm.

Trường hợp đang kinh doanh, thời hạn nộp Tờ khai thuế môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 của năm đó.

Trường hợp người nộp thuế hoặc đơn vị trực thuộc của người nộp thuế bắt đầu kinh doanh, thời hạn nộp Tờ khai thuế môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh.

3. Hồ sơ khai thuế môn bài là Tờ khai thuế môn bài theo mẫu số 01/MBAI ban hành kèm theo Thông tư này.

VIII. Khai thuế, khoản thu Ngân sách Nhà nước liên quan  đến sử dụng đất đai

1. Khai thuế nhà, đất và xác định số thuế phải nộp:

1.1. Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế nhà, đất cho chi cục thuế nơi có đất chịu thuế nhà đất.

1.2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhà, đất:

- Đối với tổ chức, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhà, đất chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đã thuộc diện chịu thuế và có trong sổ bộ thuế của cơ quan thuế từ năm trước thì  không phải nộp hồ sơ khai thuế nhà, đất của năm tiếp theo.

- Trường hợp trong năm có phát sinh tăng, giảm diện tích chịu thuế nhà, đất thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là mười ngày kể từ ngày phát sinh tăng, giảm diện tích đất.

- Trường hợp người nộp thuế được miễn hoặc giảm thuế nhà, đất thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế nhà, đất cùng giấy tờ liên quan đến việc xác định miễn thuế, giảm thuế của năm đầu tiên và năm tiếp theo năm hết thời hạn miễn thuế, giảm thuế.

1.3. Hồ sơ khai thuế nhà, đất là :

- Tờ khai thuế nhà, đất theo mẫu số 01/NĐAT ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng đối với tổ chức; hoặc :

- Tờ khai thuế nhà, đất theo mẫu số 02/NĐAT ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân.

1.4. Xác định số thuế nhà, đất phải nộp:

- Đối với thuế nhà, đất của người nộp thuế là tổ chức thì người nộp thuế tự xác định số thuế phải nộp trong Tờ khai thuế nhà, đất.

- Đối với thuế nhà đất của hộ gia đình, cá nhân: căn cứ vào sổ thuế của năm trước hoặc Tờ khai thuế nhà đất trong năm, chi cục thuế tính thuế, ra Thông báo nộp thuế nhà đất theo mẫu số 03/NĐAT ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cho người nộp thuế biết.

1.5. Thời hạn cơ quan thuế ra thông báo nộp thuế nhà, đất cho hộ gia đình, cá nhân:

- Chậm nhất là ngày 15 tháng 4 đối với Thông báo nộp thuế nhà đất của kỳ nộp thứ nhất trong năm; thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 1 tháng 5.

- Chậm nhất là ngày 15 tháng 9 đối với Thông báo nộp thuế nhà đất của kỳ nộp thứ hai trong năm; thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 1 tháng 10.

- Trường hợp nhận hồ sơ khai thuế bổ sung sau ngày đã ra thông báo thuế, cơ quan thuế ra thông báo nộp thuế theo hồ sơ khai bổ sung chậm nhất là mười ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ khai thuế.

Trường hợp người nộp thuế muốn nộp thuế nhà đất một lần cho toàn bộ số tiền thuế nhà đất cả năm thì người nộp thuế phải thực hiện nộp thuế nhà đất theo thời hạn của kỳ nộp thứ nhất trong năm.

2. Khai thuế sử dụng đất nông nghiệp

2.1. Người nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp cho chi cục thuế nơi có đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp.

2.2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp:

- Đối với tổ chức, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đã thuộc diện chịu thuế và có trong sổ bộ thuế của cơ quan thuế từ năm trước thì không phải nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp của năm tiếp theo.

- Trường hợp nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp cho diện tích trồng cây lâu năm thu hoạch một lần, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là mười ngày kể từ ngày khai thác sản lượng thu hoạch.

- Trường hợp trong năm có phát sinh tăng, giảm diện tích chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là mười ngày kể từ ngày phát sinh tăng, giảm diện tích đất.

- Trường hợp được miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp cùng giấy tờ liên quan đến việc xác định miễn thuế, giảm thuế của năm đầu tiên và năm tiếp theo năm hết thời hạn miễn thuế, giảm thuế.

2.3. Hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp là Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này:

- Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp dùng cho tổ chức theo mẫu số 01/SDNN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp dùng cho hộ gia đình, cá nhân theo mẫu số 02/SDNN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp dùng cho khai thuế đối với đất trồng cây lâu năm thu hoạch một lần theo mẫu số 03/SDNN ban hành kèm theo Thông tư này.

2.4. Xác định số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp:

- Đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp của người nộp thuế là tổ chức thì người nộp thuế tự xác định số thuế phải nộp trong Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp.

-  Đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân: căn cứ vào sổ thuế của năm trước hoặc Tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp trong năm, chi cục thuế tính thuế, ra Thông báo nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp  theo mẫu số 04/SDNN ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cho người nộp thuế biết.

- Đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch một lần, người nộp thuế tự xác định số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp. Trường hợp người nộp thuế không xác định được số thuế phải nộp thì cơ quan thuế sẽ ấn định thuế và thông báo cho người nộp thuế biết.

2.5. Thời hạn cơ quan thuế ra thông báo nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân:

- Chậm nhất là ngày 15 tháng 4 đối với Thông báo nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp của kỳ nộp thứ nhất trong năm; thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 1 tháng 5.

- Chậm nhất là ngày 15 tháng 9 đối với Thông báo nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp của kỳ nộp thứ hai trong năm; thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 1 tháng 10.

- Trường hợp nhận hồ sơ khai thuế bổ sung sau ngày đã ra thông báo thuế, cơ quan thuế ra thông báo nộp thuế theo hồ sơ khai bổ sung chậm nhất là mười ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ khai thuế.

Trường hợp địa phương có mùa vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp không trùng với thời hạn nộp thuế quy định tại điểm này thì chi cục thuế được phép lùi thời hạn thông báo nộp thuế và thời hạn nộp thuế không quá ba mươi ngày so với thời hạn quy định tại điểm này. Trường hợp người nộp thuế có yêu cầu nộp thuế một lần cho toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp cả năm thì người nộp thuế phải thực hiện nộp tiền thuế theo thời hạn của kỳ nộp thứ nhất trong năm.

3. Khai tiền thuê đất, thuê mặt nước và thông báo nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước:

3.1. Người thuê đất, thuê mặt nước thực hiện khai tiền thuê đất, thuê mặt nước theo mẫu số 01/TMĐN ban hành kèm theo Thông tư này và nộp cùng hồ sơ thuê đất, thuê mặt nước cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên môi trường.

3.2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên môi trường có trách nhiệm chuyển hồ sơ khai tiền thuê đất, thuê mặt nước cho chi cục thuế địa phương nơi có đất, mặt nước cho thuê.

Trường hợp người được thuê đất, thuê mặt nước từ (những) năm trước và đã nộp hồ sơ khai tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cơ quan thuế thì không phải nộp hồ sơ khai tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Trường hợp có thay đổi diện tích trong hợp đồng thuê đất, thuê mặt nước thì người được thuê đất, thuê mặt nước phải khai lại hồ sơ nộp tiền thuê đất mới và nộp hồ sơ theo quy định tại điểm 3.1 mục này.

3.3. Đối với trường hợp thuê đất, thuê mặt nước mới, trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ khai tiền thuê đất hợp lệ, cơ quan thuế xác định số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp, ra và gửi Thông báo nộp tiền thuê đất theo mẫu số 02/TMĐN ban hành kèm theo Thông tư này thông qua Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên môi trường cho người thuê đất, thuê mặt nước biết để nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước vào Ngân sách Nhà nước.

3.4. Đối với trường hợp người được thuê đất, thuê mặt nước từ (những) năm trước, cơ quan thuế gửi thông báo nộp tiền thuê đất cho người thuê đất, thuê mặt nước như sau:

- Chậm nhất là ngày 15 tháng 4 đối với Thông báo nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước của kỳ nộp thứ nhất trong năm; thời hạn nộp chậm nhất là ngày 1 tháng 5.

- Chậm nhất là ngày 15 tháng 9 đối với Thông báo nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước của kỳ nộp thứ hai trong năm; thời hạn nộp chậm nhất là ngày 1 tháng 10.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh đơn giá thuê đất, thuê mặt nước thì cơ quan thuế phải xác định lại tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp và thông báo cho người có nghĩa vụ thực hiện.

Trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước muốn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước một lần cho toàn bộ số tiền thuê đất, thuê mặt nước cả năm thì phải thực hiện nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước theo thời hạn của kỳ nộp thứ nhất trong năm.

4. Khai tiền sử dụng đất:

4.1. Người sử dụng đất thực hiện khai tiền sử dụng đất theo mẫu số 01/TSDĐ ban hành kèm theo Thông tư này và nộp cùng các giấy tờ liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên môi trường.

4.2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chuyển hồ sơ khai tiền sử dụng đất của người sử dụng đất cho chi cục thuế nơi có đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

4.3. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ khai tiền sử dụng đất, cơ quan thuế xác định số tiền sử dụng đất phải nộp, ra và gửi Thông báo nộp tiền sử dụng đất theo mẫu số 02/TSDĐ ban hành kèm theo Thông tư này thông qua Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên môi trường để gửi cho người sử dụng đất.

4.4. Thời hạn nộp tiền sử dụng đất chậm nhất là ba mươi ngày kể từ ngày người nộp thuế nhận được Thông báo nộp tiền.

5.  Khai thuế chuyển quyền sử dụng đất:

5.1. Người nộp thuế thực hiện khai thuế chuyển quyền sử dụng đất  theo mẫu số 01/CQSD ban hành kèm theo Thông tư này và nộp cùng hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất (theo quy định của pháp luật) cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên môi trường.

5.2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chuyển hồ sơ khai thuế chuyển quyền sử dụng đất cho chi cục thuế địa phương nơi có đất chuyển quyền.

5.3. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ khai thuế chuyển quyền sử dụng đất, cơ quan thuế xác định số thuế chuyển quyền sử dụng đất phải nộp, ra và gửi Thông báo nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất theo mẫu số 02/CQSD ban hành kèm theo Thông tư này thông qua Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường  để gửi cho người nộp thuế.

5.4. Thời hạn nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất chậm nhất là ba mươi ngày kể từ ngày người nộp thuế nhận được Thông báo nộp thuế.

IX. Khai phí, lệ phí

1. Khai lệ phí trước bạ:

1.1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai lệ phí trước bạ và nơi nộp hồ sơ khai lệ phí trước bạ:

Tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc diện phải nộp lệ phí trước bạ có trách nhiệm kê khai và nộp hồ sơ khai lệ phí trước bạ cho cơ quan thuế.

- Hồ sơ khai lệ phí trước bạ nhà đất được nộp cho chi cục thuế địa phương nơi có nhà, đất; Trường hợp nộp hồ sơ khai  lệ phí trước bạ nhà đất theo cơ chế một cửa liên thông thì thực hiện theo quy định về cơ chế một cửa liên thông đó.

- Hồ sơ khai lệ phí trước bạ của tài sản khác như phương tiện vận tải, súng... nộp tại chi cục thuế địa phương nơi đăng ký quyền sở hữu, sử dụng.

1.2. Hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ nhà, đất, gồm:

- Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu 01/LPTB ban hành kèm theo Thông tư này;

- Giấy tờ chứng minh nhà, đất có nguồn gốc hợp pháp, như: hoá đơn kèm theo bản sao hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất hoặc giấy tờ chuyển nhượng nhà, đất; hoặc quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp...;

- Các giấy tờ chứng minh tài sản (hoặc chủ tài sản) thuộc đối tượng không phải nộp lệ phí trước bạ hoặc được miễn lệ phí trước bạ (nếu có).

1.3. Hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ tàu thuyền, ôtô, xe máy, súng săn, súng thể thao (trừ tàu thuyền đánh cá, tàu thuyền vận tải thủy nội địa có trọng tải dưới 50 tấn hoặc dưới 20 ghế hành khách thiếu hồ sơ gốc nêu tại điểm 1.4 mục này), gồm:

- Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu số 02/LPTB ban hành kèm theo Thông tư này;

- Giấy tờ xác minh tài sản có nguồn gốc hợp pháp, như: tờ khai hải quan hàng nhập khẩu có xác nhận của hải quan cửa khẩu (đối với tài sản trực tiếp nhập khẩu); hoặc giấy chứng nhận đăng ký tài sản do người giao tài sản bàn giao cho người nhận tài sản (đối với tài sản đã đăng ký quyền sở hữu);

- Hoá đơn mua tài sản hợp pháp (đối với trường hợp mua bán, chuyển nhượng, trao đổi tài sản mà bên giao tài sản là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh); hoặc hoá đơn bán hàng tịch thu (đối với trường hợp mua hàng tịch thu); hoặc quyết định chuyển giao, chuyển nhượng, thanh lý tài sản (đối với trường hợp cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, cơ quan tư pháp nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện chuyển giao tài sản cho tổ chức, cá nhân khác); hoặc giấy tờ chuyển giao tài sản được ký kết giữa bên giao tài sản và bên nhận tài sản có xác nhận của Công chứng nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp chuyển giao tài sản giữa các cá nhân, thể nhân không hoạt động sản xuất, kinh doanh);

- Các giấy tờ chứng minh tài sản hoặc chủ tài sản thuộc đối tượng không phải nộp lệ phí trước bạ hoặc được miễn lệ phí trước bạ (nếu có).

1.4. Hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ  tàu thuyền đánh cá, tàu thuyền vận tải thủy nội địa có trọng tải dưới 50 tấn hoặc dưới 20 ghế hành khách, nếu thiếu hồ sơ gốc thì phải có:

- Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu số 02/LPTB ban hành kèm theo Thông tư này;

- Phiếu báo hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc tàu thuyền thuộc đối tượng được đăng ký sở hữu (nhằm bảo đảm quyền lợi cho người nộp lệ phí trước bạ trong trường hợp đã nộp lệ phí trước bạ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, sử dụng).

1.5. Chi cục thuế ra thông báo nộp lệ phí trước bạ trong thời hạn ba  ngày làm việc (đối với nhà, đất) hoặc trong một ngày làm việc (đối với tàu thuyền, ôtô, xe máy, súng săn, súng thể thao) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì chi cục thuế trả lại hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường (đối với hồ sơ lệ phí trước bạ nhà, đất), hoặc cho người có tài sản (đối với hồ sơ trước bạ tài sản khác) theo thời hạn tại điểm này.

Thông báo nộp lệ phí trước bạ đối với nhà, đất theo mẫu 01-1/LPTB ban hành kèm theo Thông tư này; Thông báo nộp lệ phí trước bạ của tài sản khác được ghi ngay trên Tờ khai nộp lệ phí trước bạ của tài sản đó.

1.6. Thời hạn nộp lệ phí trước bạ chậm nhất là ba mươi ngày kể từ ngày người nộp thuế nhận được Thông báo nộp tiền.

2. Khai phí xăng dầu:

2.1. Người nộp phí xăng dầu thực hiện nộp hồ sơ khai phí xăng dầu với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

2.2. Khai phí xăng dầu là loại khai theo tháng.

2.3. Hồ sơ khai phí xăng dầu là Tờ khai phí xăng dầu theo mẫu số 01/PHXD ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Khai phí bảo vệ môi trường đối với trường hợp khai thác khoáng sản.

3.1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải  nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trường hợp tổ chức thu mua gom khoáng sản đăng ký nộp thay người khai thác thì tổ chức đó có trách nhiệm nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với chi cục thuế quản lý nơi có khoáng sản khai thác.

3.2. Khai phí bảo vệ môi trường là loại khai theo tháng.

3.3. Hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường bao gồm:

- Tờ khai phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với cơ sở khai thác khoáng sản theo mẫu số 01/BVMT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Tờ khai phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với cơ sở thu mua khoáng sản nộp phí thay người khai thác theo mẫu số 02/BVMT ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Khai phí, lệ phí khác thuộc Ngân sách Nhà nước:

4.1. Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thu  phí, lệ phí thuộc Ngân sách Nhà nước nộp hồ sơ khai phí, lệ phí cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. 

4.2. Khai phí, lệ phí thuộc Ngân sách Nhà nước là loại khai theo tháng và khai quyết toán năm.

4.3. Hồ sơ khai phí, lệ phí thuộc Ngân sách Nhà nước theo tháng là Tờ khai phí, lệ phí theo mẫu số 01/PHLP ban hành kèm theo Thông tư này.

4.4. Hồ sơ khai quyết toán năm phí, lệ phí thuộc Ngân sách Nhà nước là Tờ khai quyết toán phí, lệ phí năm theo mẫu số 02/PHLP ban hành kèm theo Thông tư này.

X. Khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt nam và cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt nam (sau đây gọi là nhà thầu nước ngoài); Khai thuế khấu trừ và nộp thay cho các hãng vận tải nước ngoài.

1. Trường hợp nhà thầu nước ngoài thực hiện chế độ kế toán Việt Nam:

1.1. Nhà thầu nước ngoài thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quy định tại mục II Phần này.

1.2. Nhà thầu nước ngoài thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại mục III Phần này. Trường hợp nhà thầu nước ngoài thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước/ vùng lãnh thổ khác thì thực hiện thêm thủ tục sau:

1.2.1. Đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh:

Khi tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế gửi hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định cho cơ quan thuế cùng Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp quý theo mẫu số 01A/TNDN hoặc mẫu số 01B/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định theo mẫu số 03-6A/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định;

- Bản sao đăng ký kinh doanh và/hoặc giấy chứng nhận đăng ký thuế do nước cư trú cấp trong trường hợp là tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh;

- Bản sao hợp đồng ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài.

Trường hợp năm trước đó người nộp thuế đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định thì các năm tiếp theo chỉ cần thông báo các bản sao hợp đồng ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài mới (nếu có).

Khi khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế gửi Giấy chứng nhận cư trú của năm tính thuế đó và xác nhận về việc thực hiện hợp đồng của các bên ký kết hợp đồng cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

1.2.2. Đối với thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

- Khi tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế gửi hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định cho cơ quan thuế cùng Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp quý theo mẫu số 01/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định theo mẫu số 03-6B/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định;

- Bản sao đăng ký kinh doanh và/hoặc giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký thuế do nước cư trú cấp;

- Bản sao đăng ký kinh doanh và/hoặc giấy phép hành nghề, do Việt Nam cấp đối với các ngành nghề pháp luật Việt Nam yêu cầu phải đăng kí kinh doanh hoặc có giấy phép hành nghề;

- Bản sao hộ chiếu sử dụng cho việc xuất nhập cảnh tại Việt Nam;

- Bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ ngành nghề độc lập tại Việt Nam (nếu có).

Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định thì các năm tiếp theo chỉ cần thông báo các bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ ngành nghề độc lập tại Việt Nam ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài mới (nếu có).

2. Trường hợp nhà thầu nước ngoài không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam:

2.1. Bên Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam phải khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài và nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam.

Đối với hợp đồng nhà thầu là hợp đồng xây dựng, lắp đặt thì nộp hồ sơ khai thuế cho cục thuế quản lý địa phương nơi diễn ra hoạt động xây dựng, lắp đặt.

2.2. Khai thuế khấu trừ của nhà thầu nước ngoài là loại khai theo lần phát sinh thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài và khai quyết toán khi kết thúc hợp đồng nhà thầu.

 Trường hợp bên Việt Nam thanh toán cho nhà thầu nước ngoài nhiều lần trong tháng thì có thể đăng ký khai thuế theo tháng thay cho việc khai theo từng lần phát sinh thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài.

2.3. Hồ sơ khai thuế khấu trừ của nhà thầu nước ngoài theo lần phát sinh thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài hoặc theo tháng bao gồm:

- Tờ khai thuế theo mẫu số 01/NTNN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ và bản tóm tắt hợp đồng bằng tiếng Việt Nam với những nội dung liên quan đến số thuế kê khai (đối với lần khai thuế đầu tiên của hợp đồng nhà thầu);

- Bản sao giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề.

Trường hợp nhà thầu nước ngoài thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước/ vùng lãnh thổ khác thì thực hiện thêm các thủ tục sau:

2.3.1. Đối với thu nhập từ hành nghề độc lập:

Mười lăm ngày trước khi thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ ngành nghề độc lập tại Việt Nam (nếu có) với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, nhà thầu nước ngoài gửi cho bên Việt Nam kí kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định theo mẫu số 01-1A/NTNN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định;

- Bản sao đăng ký kinh doanh và/hoặc giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký thuế do nước cư trú cấp;

- Bản sao hộ chiếu sử dụng cho việc xuất nhập cảnh tại Việt Nam.

Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định thì các năm tiếp theo chỉ cần thông báo các bản sao hợp đồng kinh tế mới kí kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài (nếu có).

Mười lăm ngày trước khi kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam hoặc kết thúc năm tính thuế (tuỳ theo thời điểm nào diễn ra trước) nhà thầu nước ngoài gửi Giấy chứng nhận cư trú của năm tính thuế đó và bản sao hộ chiếu cho bên Việt Nam kí kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập.

Trường hợp vào thời điểm trên vẫn chưa có được giấy xác nhận cư trú thì người nộp thuế có nghĩa vụ cam kết gửi Giấy chứng nhận cư trú trong vòng Quí 1 của năm tiếp theo.

2.3.2. Đối với thu nhập từ vận tải hàng không:

Mười lăm ngày trước khi được phép khai thác thị trường Việt Nam hoặc bắt đầu năm tính thuế (tuỳ theo thời điểm nào diễn ra trước), văn phòng tại Việt Nam của hãng hàng không nước ngoài gửi cho cơ quan thuế Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định theo mẫu số 01-1B/NTNN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định.

- Bản sao giấy phép khai thác thị trường Việt Nam (phép bay) của Cục hàng không dân dụng cấp theo quy định của Luật Hàng không dân dụng.

Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định thì các năm tiếp theo chỉ cần thông báo các bản sao giấy phép khai thác thị trường Việt Nam (phép bay) của Cục hàng không dân dụng mới (nếu có).

Mười lăm ngày trước khi kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam hoặc kết thúc năm tính thuế (tuỳ theo thời điểm nào diễn ra trước) văn phòng tại Việt Nam của hãng hàng không nước ngoài gửi Giấy chứng nhận cư trú của năm tính thuế đó cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập và Bảng kê doanh thu bán vé tại thị trường Việt Nam của năm tính thuế liên quan làm căn cứ áp dụng miễn, giảm thuế TNDN từ hoạt động vận tải quốc tế của hãng hàng không nước ngoài.

2.3.3. Đối với các loại thu nhập khác:

Mười lăm ngày trước khi thực hiện hợp đồng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, nhà thầu nước ngoài gửi cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định mẫu số 01-1C/NTNN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định;

- Bản sao đăng ký kinh doanh và/hoặc giấy chứng nhận đăng ký thuế do nước cư trú cấp trong trường hợp là tổ chức kinh doanh;

- Bản sao hợp đồng ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định thì các năm tiếp theo chỉ cần thông báo các bản sao hợp đồng mới ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài (nếu có).

Mười lăm ngày trước khi kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam hoặc kết thúc năm tính thuế (tuỳ theo thời điểm nào diễn ra trước) nhà thầu nước ngoài gửi Giấy chứng nhận cư trú của năm tính thuế đó cho bên Việt Nam kí kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập.

Trường hợp vào thời điểm trên vẫn chưa có được giấy xác nhận cư trú thì nhà thầu nước ngoài có nghĩa vụ cam kết gửi Giấy chứng nhận cư trú trong quý I của năm tiếp theo.

2.4. Hồ sơ khai quyết toán thuế khấu trừ của nhà thầu nước ngoài bao gồm:

- Tờ khai Quyết toán thuế nhà thầu theo mẫu số 02/NTNN ban hành kèm theo thông tư này;

- Bảng kê các Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ tham gia thực hiện hợp đồng nhà thầu  theo mẫu số 02-1/NTNN ban hành kèm theo thông tư này;

- Bảng kê chứng từ nộp thuế theo các lần thanh toán;

- Bản thanh lý hợp đồng nhà thầu.

3. Trường hợp nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thực hiện được chế độ hoá đơn, chứng từ phản ánh trên sổ kế toán đầy đủ về doanh thu hàng hoá và dịch vụ bán ra; giá trị hàng hoá và dịch vụ mua vào, thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ, thuế giá trị gia tăng phải nộp thì nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ theo quy định tại khoản 1 mục này; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 mục này.

4. Khai thuế khấu trừ và nộp thay cho các hãng vận tải nước ngoài (sau đây gọi là thuế cước):

4.1. Tổ chức làm đại lý tàu biển hoặc đại lý giao nhận hàng hoá vận chuyển cho các hãng vận tải nước ngoài có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế cước thay cho các hãng vận tải nước ngoài.

4.2. Hồ sơ khai thuế cước được nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp bên đại lý tàu biển hoặc đại lý giao nhận hàng hoá.

4.3. Khai thuế cước là loại khai  theo tháng.

4.4. Hồ sơ khai thuế cước bao gồm:

- Tờ khai thuế cước theo mẫu số 01/CUOC ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê thu nhập vận tải quốc tế áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp trực tiếp điều hành phương tiện vận tải theo mẫu số 01-1A/CUOC, Bảng kê thu nhập vận tải quốc tế áp dụng cho trường hợp hoán đổi/ chia chỗ theo mẫu số 01-1B/CUOC, Bảng kê doanh thu lưu công-ten-nơ theo mẫu số 01-1C/CUOC ban hành kèm theo Thông tư này.

Tại Tờ khai thuế cước của kỳ tính thuế đầu tiên của năm, hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài phải gửi cho cơ quan thuế hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định theo mẫu số 01-2/CUOC ban hành kèm theo Thông tư này ;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú do cơ quan thuế của nước nơi hãng tàu nước ngoài cư trú cấp cho năm tính thuế ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định;

- Bản sao đăng ký kinh doanh và/hoặc giấy chứng nhận đăng ký thuế do nước cư trú cấp ;

- Tài liệu chứng minh doanh nghiệp điều hành trực tiếp tàu, là một trong các tài liệu sau:

+ Bản sao Giấy đăng ký sở hữu tàu;

+ Bản sao Hợp đồng thuê tàu (trường hợp doanh nghiệp đi thuê hoặc được trao quyền sử dụng);

+ Bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cảng vụ Giấy phép khai thác tàu định tuyến;

+ Bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cảng vụ giấy phép tàu vào cảng ;

+ Bản chính giấy xác nhận của cảng vụ về các tàu của hãng vào cảng Việt Nam ;

+ Các tài liệu khác.

Trường hợp hãng tàu nước ngoài có các hoạt động liên danh, hoán đổi, cho thuê chỗ, cho thuê tàu trống… thì cần cung cấp thêm các chứng từ có liên quan (như hợp đồng liên danh cùng khai thác, điều hành phương tiện vận tải, hợp đồng hoán đổi chỗ, hợp đồng cho thuê tàu trống…).

Kết thúc năm, hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài phải gửi cơ quan thuế Giấy chứng nhận cư trú của hãng tàu cho năm đó.

Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định, thì các năm tiếp theo hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài chỉ cần thông báo bất kỳ sự thay đổi nào về tình trạng kinh doanh như thay đổi về đăng ký kinh doanh, thay đổi về sở hữu hoặc điều hành phương tiện vận tải (nếu có)...và cung cấp các tài liệu tương ứng với việc thay đổi.

Trường hợp các hãng vận tải nước ngoài có đại lý chính/trụ sở chính của đại lý và các đại lý phụ/chi nhánh tại nhiều địa phương ở Việt Nam, các đại lý/hãng vận tải nước ngoài nộp bản chính Giấy xác nhận cư trú và Giấy chứng nhận đăng ký thuế/đăng ký kinh doanh đã hợp pháp hoá lãnh sự cho cục thuế quản lý địa phương nơi hãng vận tải nước ngoài có đại lý chính/trụ sở chính của đại lý và bản sao (có dấu sao y của đại lý chính hoặc bản sao đã công chứng) tại các Cục thuế quản lý địa phương nơi hãng vận tải nước ngoài có đại lý phụ/chi nhánh và ghi rõ nơi đã nộp bản chính trong Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định.  

XI. Khai thuế và xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán

1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên nộp thuế theo phương pháp khoán (gọi chung là hộ nộp thuế khoán) bao gồm:

1.1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh hoặc không phải đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, đã được cơ quan thuế đôn đốc nhưng quá thời hạn theo thông báo đôn đốc của cơ quan thuế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn không thực hiện đăng ký thuế.

1.2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán hoá đơn, chứng từ.

1.3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện nộp tờ khai  thuế theo quy định.

1.4. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mở sổ sách kế toán, nhưng qua kiểm tra của cơ quan thuế thấy thực hiện không đúng chế độ kế toán, không thực hiện đúng và đầy đủ hoá đơn, chứng từ khi mua bán hàng hoá, dịch vụ, kê khai thuế không chính xác, trung thực; cơ quan thuế không thể căn cứ vào sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ để xác định số thuế phải nộp phù hợp với thực tế kinh doanh.

1.5. Hộ gia đình, cá nhân khai thác tài nguyên thủ công, phân tán, lưu động, không thường xuyên.

2. Loại thuế, phí áp dụng theo phương pháp khoán bao gồm:

2.1. Thuế tiêu thụ đặc biệt;

2.2. Thuế tài nguyên;

2.3. Thuế giá trị gia tăng;

2.4. Thuế thu nhập doanh nghiệp;

2.5. Phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

3. Hồ sơ khai thuế khoán được nộp cho chi cục thuế quản lý địa phương nơi có hoạt động kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên.

3.1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán khai theo mẫu Tờ khai số 01/THKH ban hành kèm theo Thông tư này.

3.2. Hộ, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản nộp thuế khoán khai theo mẫu Tờ khai số 02/THKH ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán:

4.1. Hộ nộp thuế khoán thực hiện khai thuế theo năm (một năm khai một lần). Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng 12 của năm trước.

4.2. Trường hợp mới ra kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên, khoáng sản thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là mười ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên, khoáng sản.

5. Xác định số thuế khoán phải nộp của hộ kinh doanh:

 Căn cứ tài liệu kê khai của người nộp thuế về doanh thu, thu nhập, sản lượng và giá bán tài nguyên khai thác, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, chi cục thuế phối hợp với hội đồng tư vấn thuế xã, phường kiểm tra xác định tính đúng đắn, trung thực của hồ sơ khai thuế, tổ chức điều tra xác định lại doanh thu, thu nhập những trường hợp có nghi vấn khai không đúng để ấn định lại doanh thu kinh doanh, sản lượng và giá bán tài nguyên khai thác. Để đảm bảo việc xác định thuế được công bằng, trước khi thông báo số thuế phải nộp của từng hộ, cá nhân, chi cục thuế phải công khai dự kiến doanh thu, số thuế phải nộp của từng hộ, cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán để lấy ý kiến các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên; sau đó tham khảo ý kiến hội đồng tư vấn thuế xã, phường để xác định và thông báo cho hộ, cá nhân nộp thuế biết và thực hiện.

Số thuế khoán được xác định cho từng tháng và ổn định khoán trong một năm, trừ trường hợp hộ nộp thuế khoán có thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh hoặc quy mô khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Trường hợp trong tháng, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nghỉ kinh doanh cả tháng thì được miễn số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp trong tháng, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nghỉ kinh doanh từ mười lăm ngày trở lên thì được xét giảm 50% số thuế phải nộp của tháng.

6. Thời hạn thông báo thuế và thời hạn nộp thuế:

Cơ quan thuế gửi Thông báo nộp thuế khoán theo mẫu số 03/THKH ban hành kèm theo Thông tư này tới hộ nộp thuế khoán chậm nhất là ngày 20 tháng 1. Thông báo một lần áp dụng cho các tháng nộp thuế ổn định trong năm.

Căn cứ vào Thông báo nộp thuế khoán, hộ nộp thuế nộp tiền thuế hàng tháng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng. Trường hợp hộ nộp thuế khoán lựa chọn nộp thuế theo quý thì thời hạn nộp thuế cho cả quý là ngày cuối cùng của tháng đầu quý.

Đối với thuế tài nguyên, cơ quan thuế có thể thông báo nộp thuế theo mùa vụ; cơ quan thuế phải ghi rõ thời hạn nộp thuế trên thông báo thuế và gửi đến hộ nộp thuế khoán tối thiểu là mười ngày trước ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế.

7. Trường hợp hộ nộp thuế khoán có thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh hoặc quy mô, sản lượng khai thác tài nguyên khoáng sản thì phải kê khai bổ sung  với cơ quan thuế kể từ tháng phát sinh thay đổi quy mô, để cơ quan thuế xác định số thuế khoán cho phù hợp với thực tế phát sinh nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Hồ sơ khai lại là Tờ khai theo mẫu số 01/THKH hoặc Tờ khai theo mẫu số 02/THKH ban hành kèm theo Thông tư này.

Cơ quan thuế xác định lại số thuế khoán phải nộp cho các tháng có thay đổi về ngành nghề, quy mô kinh doanh hoặc thay đổi về quy mô, sản lượng khai thác tài nguyên khoáng sản và thông báo số thuế khoán phải nộp cho người nộp thuế biết.

Trường hợp hộ kinh doanh không khai báo sự thay đổi về ngành nghề, quy mô kinh doanh với cơ quan thuế hoặc khai báo không trung thực, hoặc cơ quan thuế có tài liệu chứng minh có sự thay đổi về quy mô của hộ kinh doanh dẫn đến tăng doanh số  thì cơ quan thuế có quyền ấn định mức thuế phải nộp cho phù hợp với tình hình kinh doanh.

XII- Ấn định thuế đối với trường hợp người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai vi phạm pháp luật thuế

1. Ấn định số thuế phải nộp:

Người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định số thuế phải nộp trong các trường hợp sau:

1.1. Không đăng ký thuế theo qui định tại Điều 22 của Luật Quản lý thuế.

1.2. Người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quản lý thuế không nộp hồ sơ khai thuế trong thời hạn quy định.

1.3. Người nộp thuế đã nộp hồ sơ khai thuế, nhưng qua kiểm tra của cơ quan thuế thấy hồ sơ khai thuế không đầy đủ, không chính xác, đã yêu cầu khai, nộp bổ sung hồ sơ khai thuế nhưng người nộp thuế không khai, nộp bổ sung, cơ quan thuế không thể căn cứ vào từng yếu tố của hồ sơ khai thuế để xác định số thuế phải nộp theo hồ sơ khai thuế là đúng.

1.4.  Đã hết thời hạn kiểm tra, thanh tra nhưng người nộp thuế không xuất trình tài liệu kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu liên quan đến việc xác định các yếu tố làm căn cứ tính thuế phải nộp.

1.5. Người nộp thuế từ chối hoặc tìm cách trì hoãn để không chấp hành quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế.

1.6. Qua kiểm tra, thanh tra thuế có căn cứ chứng minh người nộp thuế không hạch toán kế toán hoặc có hạch toán kế toán nhưng số liệu trên sổ kế toán không đầy đủ, không chính xác, trung thực dẫn đến không xác định đúng các yếu tố làm căn cứ tính số thuế phải nộp.

1.7. Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế.

2. Ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp:

Người nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp trong các trường hợp sau:

2.1. Trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế có căn cứ chứng minh người nộp thuế hạch toán kế toán không đúng quy định, số liệu trên sổ kế toán không đầy đủ, không chính xác, trung thực dẫn đến không xác định đúng các yếu tố làm căn cứ tính số thuế phải nộp trừ trường hợp bị ấn định số thuế phải nộp.

2.2. Qua kiểm tra hàng hoá mua vào, bán ra thấy người nộp thuế hạch toán giá trị hàng hoá mua vào, bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường.

Giá giao dịch thông thường trên thị trường là giá giao dịch theo thỏa thuận khách quan giữa các bên không có quan hệ liên kết.

Cơ quan thuế có thể tham khảo giá hàng hoá, dịch vụ do cơ quan quản lý nhà nước công bố cùng thời điểm, hoặc giá mua, giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng hoặc giá bán của doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng có qui mô kinh doanh và số khách hàng lớn tại địa phương để xác định giá giao dịch thông thường làm căn cứ ấn định giá bán, giá mua và số thuế phải nộp.

3. Căn cứ ấn định thuế:

Cơ quan thuế ấn định thuế đối với người nộp thuế theo kê khai có vi phạm pháp luật thuế dựa vào một hoặc đồng thời các căn cứ sau:

3.1. Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế thu thập từ:

- Người nộp thuế khai báo với cơ quan thuế về doanh thu, chi phí, thu nhập, số thuế phải nộp trong các kỳ khai thuế trước.

- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến người nộp thuế.

- Các cơ quan quản lý Nhà nước khác.

3.2. Tham khảo, đối chiếu số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng, cùng qui mô tại địa phương. Trường hợp không có cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng, cùng qui mô thì so sánh với số thuế phải nộp bình quân của một số cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng tại địa phương.

4. Khi ấn định thuế, cơ quan thuế phải gửi Quyết định ấn định thuế cho người nộp thuế theo mẫu số 01/AĐTH ban hành kèm theo Thông tư này. Quyết định ấn định thuế bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Lý do của việc ấn định (nêu cụ thể hành vi vi phạm);

- Căn cứ ấn định thuế;

- Số thuế cơ quan thuế ấn định;

- Số thuế mà người nộp thuế phải nộp thêm (bằng số thuế ấn định trừ số thuế người nộp thuế đã tự khai);

- Thời hạn người nộp thuế có quyền khiếu nại kể từ ngày cơ quan thuế ra thông báo ấn định thuế;

- Thời hạn nộp thuế.

Thời hạn nộp thuế là mười ngày kể từ ngày cơ quan thuế ra Quyết định ấn định thuế. Trường hợp cơ quan thuế ấn định thuế với số tiền thuế ấn định từ năm trăm triệu đồng trở lên, thời hạn nộp thuế là ba mươi ngày kể từ ngày cơ quan thuế ra quyết định ấn định thuế.

Trường hợp sau khi cơ quan thuế ra quyết định ấn định thuế, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế của kỳ khai thuế hoặc lần khai thuế đã bị ấn định thuế thì người nộp thuế vẫn thực hiện nộp thuế theo quyết định ấn định thuế của cơ quan thuế.

Số thuế đã khai trong hồ sơ khai thuế nộp chậm sẽ được cơ quan thuế ghi nhận là số phát sinh của kỳ khai thuế hoặc lần khai thuế đó để làm cơ sở xác định việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, trừ trường hợp cơ quan thuế không chấp nhận số đã kê khai thì cơ quan thuế sẽ có văn bản thông báo cho người nộp thuế biết.

Phần C.

NỘP THUẾ

I. Thời hạn nộp thuế

1. Người nộp thuế có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn vào ngân sách Nhà nước.

2. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

3. Trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.

II. Đồng tiền nộp thuế

1. Đồng tiền nộp thuế là đồng Việt Nam.

2. Trường hợp nộp thuế bằng ngoại tệ:

2.1. Người nộp thuế chỉ được nộp thuế bằng các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2.2. Số ngoại tệ nộp thuế được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước công bố có hiệu lực tại thời điểm tiền thuế được nộp vào Kho bạc Nhà nước.

2.3. Việc quản lý ngoại tệ nộp thuế thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

III. Địa điểm và thủ tục nộp thuế

1. Người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước:

1.1. Tại  Kho bạc Nhà nước;

1.2. Tại cơ quan thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;

1.3. Thông qua tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu thuế;

1.4. Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, tổ chức được uỷ nhiệm thu có trách nhiệm bố trí địa điểm, phương tiện, cán bộ thu tiền thuế, bảo đảm cho người nộp thuế nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước thuận lợi và kịp thời.

2. Thủ tục nộp thuế:

2.1. Người nộp thuế có thể nộp thuế bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Cơ quan thuế cấp chứng từ và hướng dẫn cách lập chứng từ nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước cho người nộp thuế đối với từng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản. Người nộp thuế phải ghi đầy đủ, chi tiết các thông tin trên chứng từ nộp tiền thuế do Bộ Tài chính quy định.

2.2. Trường hợp người nộp thuế nộp bằng tiền mặt:

- Trường hợp người nộp thuế đến nộp tiền trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước phải xác nhận trên chứng từ nộp thuế về số thuế đã thu.

- Trường hợp người nộp thuế nộp bằng tiền mặt tại cơ quan thuế, ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu thuế: các tổ chức, cá nhân khi nhận tiền thuế phải cấp cho người nộp thuế chứng từ thu tiền thuế theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

2.3. Trường hợp nộp thuế bằng chuyển khoản: Ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước phải xác nhận trên chứng từ nộp tiền thuế của người nộp thuế. Ngân hàng, tổ chức tín dụng phải phản ánh đầy đủ các nội dung của chứng từ nộp tiền thuế trên chứng từ phục hồi gửi Kho bạc Nhà nước nơi thu Ngân sách Nhà nước.

3. Trường hợp thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế:

3.1. Thực hiện bằng hình thức trích chuyển tài khoản: căn cứ vào Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản có trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế để nộp Ngân sách Nhà nước.

3.2. Thực hiện bằng hình thức kê biên tài sản, bán tài sản của người bị cưỡng chế để thu đủ tiền thuế, tiền phạt thì cơ quan thực hiện cưỡng chế phải thực hiện các thủ tục kê biên, bán tài sản theo quy định để thu đủ tiền thuế, tiền phạt nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước.

4. Trong thời hạn tám giờ làm việc kể từ khi đã nhận tiền thuế của người nộp thuế, cơ quan, tổ chức nhận tiền thuế phải chuyển tiền vào Ngân sách Nhà nước.

Trường hợp thu thuế bằng tiền mặt tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đi lại khó khăn, thời hạn chuyển tiền thu thuế vào Ngân sách Nhà nước chậm nhất không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thu được tiền thuế.

5. Trường hợp nộp thuế bằng hình thức chuyển khoản, khi Ngân hàng, tổ chức tín dụng chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước bằng chứng từ phục hồi gửi Kho bạc Nhà nước, trên chứng từ phục hồi phải phản ánh đầy đủ các nội dung ghi trên giấy nộp tiền.

6. Bộ Tài chính có hướng dẫn riêng đối với hình thức nộp thuế thông qua tổ chức dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

IV. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt

1. Trường hợp người nộp thuế vừa có số tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền phạt thì người nộp thuế phải ghi rõ trên chứng từ nộp tiền thuế, tiền phạt theo trình tự sau đây: tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền phạt.

Trong mỗi một loại tiền thuế, tiền phạt, thứ tự thanh toán được thực hiện theo thứ tự thời gian phát sinh của khoản tiền thuế, tiền phạt, khoản phát sinh trước, thanh toán trước.

Cơ quan thuế hướng dẫn và yêu cầu người nộp thuế nộp tiền theo đúng trình tự trên đây. Khi nộp thuế, Kho bạc Nhà nước căn cứ chứng từ nộp tiền thuế để hạch toán thu Ngân sách Nhà nước và thông báo cho cơ quan thuế. Trường hợp người nộp thuế nộp tiền không đúng trình tự trên thì cơ quan thuế lập lệnh điều chỉnh khoản thuế đã thu, gửi Kho bạc Nhà nước để điều chỉnh, đồng thời thông báo cho người nộp thuế biết về số tiền thuế, tiền phạt được điều chỉnh.

Trường hợp người nộp thuế không ghi cụ thể trên chứng từ nộp tiền số tiền nộp cho từng khoản thì cơ quan thuế hạch toán số tiền thuế đã thu theo thứ tự thanh toán nêu trên, đồng thời thông báo cho Kho bạc Nhà nước biết để hạch toán thu Ngân sách Nhà nước và thông báo cho người nộp thuế biết theo mẫu số 01/NOPT ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Các khoản tiền thuế đều phải nộp vào Ngân sách Nhà nước. Kho bạc Nhà nước ghi thu Ngân sách Nhà nước và luân chuyển chứng từ, thông tin chi tiết các khoản nộp cho cơ quan thuế biết để theo dõi và quản lý.

Các khoản tiền truy thu thuế, phạt chậm nộp tiền thuế, phạt trốn thuế, gian lận thuế và phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế được nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thuế mở tại Kho bạc Nhà nước. Cơ quan thuế chuyển tiền từ tài khoản tạm giữ vào Ngân sách Nhà nước theo các quyết định đã hết thời hiệu khiếu nại.

V. Xác định ngày đã nộp thuế

Ngày đã nộp thuế được xác định là ngày:

1. Kho bạc Nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng xác nhận trên Giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước bằng chuyển khoản trong trường hợp nộp thuế bằng chuyển khoản.

2. Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế hoặc tổ chức, cá nhân được uỷ nhiệm thu thuế xác nhận việc thu tiền trên chứng từ thu thuế bằng tiền mặt.

VI. Gia hạn nộp thuế

1. Trường hợp được gia hạn nộp thuế:

Người nộp thuế được gia hạn nộp thuế, nộp phạt đối với số tiền thuế, tiền phạt còn nợ nếu không có khả năng nộp thuế đúng hạn trong các trường hợp sau đây:

1.1. Bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ làm thiệt hại vật chất và không có khả năng nộp thuế đúng hạn;

1.2. Di chuyển địa điểm kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà phải ngừng hoạt động hoặc giảm sản xuất, kinh doanh, tăng chi phí đầu tư ở nơi sản xuất, kinh doanh mới;

1.3. Do chính sách của nhà nước thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.

1.4. Gặp khó khăn đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Phạm vi số tiền thuế, tiền phạt được gia hạn nộp:

2.1. Người nộp thuế gặp khó khăn theo quy định tại điểm 1.1 mục này thì được gia hạn một phần hoặc toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt còn nợ tính đến thời điểm xảy ra thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ.

2.2.  Người nộp thuế gặp khó khăn theo quy định tại điểm 1.2, điểm 1.3 và điểm 1.4 mục này thì được gia hạn một phần hoặc toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt phát sinh do các nguyên nhân nêu tại các điểm đó.

3. Thời gian gia hạn nộp thuế:

3.1. Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá hai năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp theo quy định tại điểm 1.1 mục này.

- Nếu tài sản của người nộp thuế thiệt hại đến 50% thì gia hạn nộp tiền thuế, tiền phạt tương ứng với tỷ lệ thiệt hại trong thời hạn một năm.

- Nếu tài sản của người nộp thuế thiệt hại trên 50% đến 70% thì gia hạn nộp toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt trong thời hạn một năm.

- Nếu tài sản của người nộp thuế thiệt hại trên 70% thì gia hạn nộp thuế toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt phải nộp trong thời hạn hai năm.

3.2. Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá một năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp theo quy định tại điểm 1.2, điểm 1.3 và điểm 1.4 mục này.

4. Thủ tục gia hạn nộp thuế:

4.1. Để được gia hạn nộp thuế theo quy định tại mục này, người nộp thuế phải gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp tiền thuế, tiền phạt tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị gia hạn nộp tiền thuế, tiền phạt theo mẫu số 02/NOPT ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó nêu rõ lý do đề nghị  gia hạn nộp thuế, số tiền thuế, tiền phạt đề nghị gia hạn, thời hạn đề nghị gia hạn, kế hoạch và cam kết việc nộp số tiền thuế, tiền phạt;

- Tài liệu chứng minh lý do đề nghị gia hạn nộp thuế.

+ Đối với trường hợp bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ thì phải có: Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng định giá do Sở Tài thành lập, hoặc các công ty định giá chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ định giá theo hợp đồng, hoặc Trung tâm định giá của Sở tài chính; văn bản xác nhận của chính quyền cấp xã nơi xảy ra sự việc thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ.

+ Đối với trường hợp di chuyển địa điểm kinh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải có Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di chuyển địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

4.2. Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực tế khó khăn của người nộp thuế để ra văn bản chấp thuận hay không chấp thuận việc gia hạn nộp thuế.

Văn bản chấp nhận đề nghị gia hạn nộp thuế theo mẫu số 03/NOPT ban hành kèm theo Thông tư này.

Văn bản không chấp nhận đề nghị gia hạn nộp thuế theo mẫu số 04/NOPT ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp hồ sơ gia hạn nộp thuế chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế hoàn chỉnh hồ sơ. Người nộp thuế phải hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo bổ sung hồ sơ của cơ quan quản lý thuế; nếu người nộp thuế không hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế thì không được gia hạn nộp thuế.

4.3. Đối với trường hợp đề nghị gia hạn nộp tiền thuế, tiền phạt quy định tại điểm 1.4 mục này, cơ quan thuế quản lý trực tiếp tiếp nhận hồ sơ xin gia hạn của người nộp thuế, sau đó chuyển hồ sơ xin gia hạn lên cơ quan thuế cấp trên để trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ.

5. Trong thời gian được gia hạn nộp thuế, người nộp thuế không bị phạt hành chính về hành vi chậm nộp tiền thuế đối với số thuế được gia hạn. Khi hết thời gian gia hạn nộp thuế, người nộp thuế phải nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước theo quy định; nếu không nộp thuế thì người nộp thuế sẽ bị xử phạt hành chính đối vi hành vi vi phạm pháp luật thuế hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

VII. Xử lý số tiền thuế nộp thừa

1. Tiền thuế được coi là nộp thừa khi:

1.1. Người nộp thuế có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp.

1.2. Người nộp thuế có số tiền thuế được hoàn theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, phí xăng dầu.

2. Người nộp thuế có quyền giải quyết số tiền thuế nộp thừa theo các cách sau:

2.1. Bù trừ số tiền thuế nộp thừa với số tiền thuế, tiền phạt còn nợ, kể cả bù trừ giữa các loại thuế với nhau.

2.2. Trừ vào số tiền thuế phải nộp của lần nộp tiếp theo.

2.3. Hoàn trả khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền phạt.

Trường hợp tiền thuế nộp thừa được để lại trừ vào số tiền thuế phải nộp của lần tiếp theo trong cùng một loại thuế thì được thực hiện tự động trong hệ thống quản lý của cơ quan thuế, người nộp thuế không phải làm thủ tục bù trừ.

Trường hợp bù trừ giữa các loại tiền thuế, tiền phạt khác nhau hoặc hoàn thuế thì người nộp thuế phải thực hiện theo thủ tục hoàn thuế, bù trừ thuế theo quy định tại Phần G của Thông tư này. Khi bù trừ thuế, cơ quan thuế ra quyết định hoàn thuế và lệnh thu thuế cho các khoản tiền thuế, tiền phạt theo thứ tự quy định tại khoản 1 mục IV Phần này.

Phần D.

UỶ NHIỆM THU THUẾ

I. Thẩm quyền và phạm vi uỷ nhiệm thu thuế

1. Cơ quan thuế uỷ nhiệm cho tổ chức, cá nhân thực hiện thu một số khoản thuế thuộc phạm vi quản lý của cơ quan thuế sau đây:

- Thuế sử dụng đất nông nghiệp;

- Thuế nhà đất;

- Thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán;

- Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Đối với các loại thuế khác, nếu cơ quan thuế uỷ nhiệm cho tổ chức, cá nhân khác thu thì phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Việc ủy nhiệm thu thuế phải được thực hiện thông qua hợp đồng giữa thủ trưởng cơ quan quản lý thuế với đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc trực tiếp với cá nhân được ủy nhiệm thu thuế.

3. Hợp đồng uỷ nhiệm thu thuế được lập theo mẫu số 01/UNTH ban hành kèm theo Thông tư này và phải đảm bảo có các nội dung về:

- Loại thuế được uỷ quyền thu;

- Địa bàn được uỷ nhiệm thu;

- Phạm vi công việc được uỷ nhiệm như: Hướng dẫn người nộp thuế khai thuế; đôn đốc người nộp thuế nộp tờ khai thuế, nộp thuế; thu tờ khai thuế, thu thuế từ người nộp thuế và nộp tờ khai thuế cho cơ quan thuế; nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước; rà soát và báo cáo các trường hợp thuộc diện khai thuế, nộp thuế mà không chấp hành; cung cấp thông tin về tình hình phát sinh mới hoặc thay đổi thông tin về người nộp thuế trên địa bàn được uỷ nhiệm thu; thu tiền thuế từ người nộp thuế và nộp vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước.

- Quyền hạn và trách nhiệm của bên uỷ nhiệm và bên được uỷ nhiệm;

- Chế độ báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng; chế độ thanh toán biên lai, ấn chỉ thu thuế, kinh phí uỷ nhiệm thu;

- Thời hạn uỷ nhiệm thu. Khi hết thời hạn uỷ nhiệm thu hai bên phải thực hiện thanh lý hợp đồng uỷ nhiệm thu và lập biên bản thanh lý theo mẫu số 02/UNTH ban hành kèm theo Thông tư này.

II. Trách nhiệm của bên được uỷ nhiệm thu

Bên được uỷ nhiệm thu thuế có trách nhiệm thực hiện hợp đồng uỷ nhiệm thu đã ký kết với cơ quan thuế. Bên được ủy nhiệm thu thuế không được quyền uỷ nhiệm lại cho bất cứ bên thứ ba nào việc thực hiện hợp đồng uỷ nhiệm thu đã ký với  cơ quan thuế. Đối với một số nội dung cụ thể của hợp đồng uỷ nhiệm thu, thực hiện theo hướng dẫn sau:

1. Trường hợp phải thu tờ khai thuế từ người nộp thuế:

Bên uỷ nhiệm thu có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn người nộp thuế về các quy định của pháp luật thuế, trách nhiệm đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế; cung cấp mẫu tờ khai thuế và hướng dẫn cách kê khai thuế; đôn đốc người nộp thuế khai thuế và thu tờ khai thuế từ người nộp thuế để nộp cho cơ quan thuế theo đúng thời hạn quy định.

2. Gửi thông báo nộp thuế và đôn đốc người nộp thuế thực hiện nộp thuế:

Bên được uỷ nhiệm thu khi nhận thông báo nộp thuế phải thực hiện đối chiếu với sổ bộ thuế, nếu thông báo nộp thuế không đúng, không đủ so với sổ bộ thuế thì phản ảnh kịp thời để cơ quan thuế phát hành lại thông báo nộp thuế cho đúng với sổ bộ thuế.

Bên được ủy nhiệm thu phải gửi thông báo nộp thuế cho người nộp thuế  trước ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế ghi trên thông báo thuế ít nhất là năm ngày. Khi gửi thông báo nộp thuế cho người nộp thuế, bên được uỷ nhiệm thu phải yêu cầu người nhận thông báo ký xác nhận, đôn đốc người nộp thuế nộp thuế đúng thời hạn.

Đối với trường hợp uỷ nhiệm thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì không phải gửi thông báo nộp thuế, bên uỷ nhiệm thu thuế có trách nhiệm đôn đốc người nộp thuế thực hiện nộp thuế theo tờ khai thuế của người nộp thuế.

3. Tổ chức thu nộp thuế và cấp chứng từ cho người nộp thuế:

Khi thu thuế, bên uỷ nhiệm thu phải viết biên lai thu thuế và viết một lần cho cả ba liên ghi rõ số tiền thuế, loại thuế, kỳ nộp thuế và các nội dung khác trên biên lai thu. Biên lai thu thuế phải viết từ số nhỏ đến số lớn, không viết nhảy số và phải viết đầy đủ, rõ ràng theo các nội dung yêu cầu trong biên lai thuế, đồng thời ký, ghi rõ họ tên người trực tiếp thu. Sau khi đã kiểm tra và nhận đủ tiền thuế, người trực tiếp thu phải giao biên lai thu thuế cho người nộp thuế.

4. Nộp tiền thuế đã thu vào Ngân sách Nhà nước:

Bên được uỷ nhiệm thu thuế có trách nhiệm nộp đầy đủ, kịp thời tiền thuế và các khoản thu khác đã thu vào Ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước. Số tiền thuế phải nộp vào Ngân sách Nhà nước là tổng số tiền đã ghi thu trên các biên lai thu thuế.

Khi nộp tiền thuế về Kho bạc Nhà nước, bên được uỷ nhiệm thu phải lập bảng kê chứng từ thu và lập giấy nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt; Kho bạc Nhà nước chuyển chứng từ cho cơ quan thuế về số tiền uỷ nhiệm thu đã nộp để theo dõi và quản lý.

Cơ quan thuế ký hợp đồng uỷ nhiệm thu quy định thời gian và mức tiền thuế đã thu mà bên được uỷ nhiệm thu thuế phải nộp vào Kho bạc Nhà nước phù hợp với số thu và địa bàn thu thuế theo hướng dẫn của Tổng cục thuế. Thời gian bên được uỷ nhiệm thu thuế phải nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước tối đa không quá năm ngày kể từ ngày thu tiền đối với địa bàn thu thuế là các xã vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn; không quá ba ngày đối với các địa bàn khác; trường hợp số tiền thuế đã thu vượt quá mười triệu đồng thì phải nộp ngay vào Ngân sách Nhà nước.

5. Quyết toán số tiền thuế thu được và biên lai thu thuế với cơ quan thuế:

5.1. Quyết toán số tiền thuế thu được:

Chậm nhất ngày 5 của tháng sau, bên được uỷ nhiệm thu thuế phải lập báo cáo số đã thu, đã nộp của tháng trước gửi cơ quan thuế theo mẫu số 03/UNTH ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo thu nộp phải phản ánh được số phải thu, số đã thu, số còn tồn đọng, nguyên nhân tồn đọng và các giải pháp đôn đốc thu nộp tiếp. Chi cục thuế nhận được báo cáo thu nộp của bên được uỷ nhiệm thu thuế phải kiểm tra cụ thể từng biên lai đã thu, số thuế đã thu, số thuế đã nộp ngân sách, đối chiếu với số thuế đã thực nộp có xác nhận của Kho bạc, nếu có số chênh lệch phải lập biên bản xác định rõ nguyên nhân để qui  trách nhiệm cụ thể.

5.2. Quyết toán biên lai thuế:

Mỗi tháng một lần, chậm nhất ngày 5 của tháng sau, bên được uỷ nhiệm thu thuế  phải lập bảng thanh toán các loại biên lai thuế, phí, lệ phí đã sử dụng, số còn tồn theo từng loại biên lai với cơ quan thuế theo đúng quy định.

Sau mười ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, bên được uỷ nhiệm thu thuế phải lập báo cáo quyết toán sử dụng biên lai thuế với cơ quan thuế về số biên lai thuế, phí, lệ phí đã sử dụng và chuyển tồn các loại biên lai sang năm sau theo mẫu số 04/UNTH ban hành kèm theo Thông tư này.

Mọi hành vi chậm thanh toán biên lai, chậm nộp tiền thuế đã thu vào ngân sách nhà nước đều coi là hành vi xâm tiêu tiền thuế; thu thuế không viết biên lai, hoặc viết không đúng chủng loại biên lai thuế phù hợp, bên được uỷ nhiệm thu thuế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Theo dõi và báo cáo với cơ quan thuế các trường hợp phát sinh người nộp thuế mới hoặc thay đổi quy mô, ngành hàng của người nộp thuế trên địa bàn ủy nhiệm thu.

III. Trách nhiệm của Cơ quan thuế uỷ nhiệm thu

Cơ quan thuế chịu trách nhiệm về việc thực hiện chính sách và quản lý các loại thuế trên địa bàn.

1. Thông báo công khai về các trường hợp thuộc diện ủy nhiệm thu để người nộp thuế biết và thực hiện.           

2. Phát hành thông báo nộp thuế giao cho bên được uỷ nhiệm thu thuế cùng với sổ bộ thuế đã duyệt. Thời gian giao thông báo nộp thuế cho uỷ nhiệm thu thuế trước khi hết thời hạn gửi thông báo nộp thuế theo quy định tại Phần C Thông tư này tối thiểu là mười ngày.

3. Cấp phát đầy đủ, kịp thời biên lai thu thuế cho bên được uỷ nhiệm thu thuế và hướng dẫn bên được uỷ nhiệm thu thuế quản lý, sử dụng biên lai đúng quy định. Bên được uỷ nhiệm thu thuế khi xin cấp biên lai thuế phải có văn bản đề nghị và giấy giới thiệu giao cho người được uỷ quyền đi nhận biên lai.

4. Chi trả  kinh phí uỷ nhiệm thu theo hợp đồng uỷ nhiệm thu đã ký.

5. Kiểm tra tình hình thu nộp tiền thuế của bên được uỷ nhiệm thu thuế:

Căn cứ vào biên lai thuế do bên uỷ nhiệm thu đã thu thuế và thanh toán với cơ quan thuế và căn cứ giấy nộp tiền vào ngân sách đã phát hành, xác nhận đã nộp tiền của kho bạc nhà nước, cơ quan thuế thực hiện kế toán thuế và xác định số nợ thuế để có biện pháp quản lý thích hợp.

Cơ quan thuế ra quyết định phạt chậm nộp thuế đối với các trường hợp nộp chậm thuế và chuyển cho bên được uỷ nhiệm thu thuế để bên được uỷ nhiệm thu chuyển cho người nộp thuế. Bên được uỷ nhiệm thu thuế có trách nhiệm đôn đốc người nộp thuế nộp đủ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp vào Ngân sách Nhà nước.

IV. Kinh phí uỷ nhiệm thu

Bên được uỷ nhiệm thu thuế được hưởng kinh phí uỷ nhiệm thu trích từ kinh phí hoạt động của cơ quan thuế.

Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, Thủ trưởng cơ quan thuế sẽ quyết định kinh phí uỷ nhiệm thu phù hợp nhưng  tối đa không được vượt quá 8% tổng số thuế do bên được ủy nhiệm đã thu đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất, thuế nộp theo phương pháp khoán; tối đa không vượt quá 1% số thuế thu được đối với thuế thu nhập cá nhân.

Phần Đ.

TRÁCH NHIỆM HOÀN THÀNH NGHĨA VỤ NỘP THUẾ

I. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh

1. Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

2. Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh dừng việc xuất cảnh khi người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế trong các trường hợp sau:

2.1. Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài;

2.2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

2.3. Người nước ngoài hết thời hạn làm việc tại Việt Nam hoặc kết thúc hoạt động cung cấp dịch vụ, hành nghề độc lập tại Việt Nam;

2.4. Người nộp thuế là cá nhân có dấu hiệu bỏ trốn khỏi Việt Nam mà chưa hoàn thành  nghĩa vụ nộp thuế.

3. Ngay khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc dừng xuất cảnh trong trường hợp cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm dừng việc xuất cảnh của cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho đến khi cá nhân đó hoàn thành xong nghĩa vụ nộp thuế và được cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ thuế tại Việt Nam hoặc có bảo lãnh bằng tài sản hoặc các biện pháp khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

II. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động

1. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật Quản lý thuế và của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã và pháp luật về phá sản.

Chủ doanh nghiệp tư nhân, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, hội đồng quản trị công ty cổ phần hoặc tổ chức thanh lý doanh nghiệp chịu trách nhiệm về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp trong trường hợp giải thể.

 Hội đồng giải thể hợp tác xã chịu trách nhiệm về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của hợp tác xã trong trường hợp giải thể.

Tổ quản lý, thanh lý tài sản chịu trách nhiệm về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp trong trường hợp phá sản.

2. Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp người nộp thuế chấm dứt hoạt động không thực hiện thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật:

2.1. Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động không theo thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, trưởng ban quản trị của hợp tác xã chịu trách nhiệm nộp phần thuế nợ còn lại .

2.2. Hộ gia đình, cá nhân chấm dứt hoạt động kinh doanh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế nợ còn lại do chủ hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm nộp. 

2.3. Tổ hợp tác chấm dứt hoạt động chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần nợ thuế còn lại do tổ trưởng tổ hợp tác chịu trách nhiệm nộp.

2.4. Những người có trách nhiệm nộp thuế đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ nộp thuế theo quy định tại điểm 2.1, điểm 2.2 và điểm 2.3 khoản này có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình theo quy định của pháp luật dân sự.

III. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp bị chia có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi thực hiện chia doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp bị chia chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì các doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp bị chia có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

2. Doanh nghiệp bị tách, bị hợp nhất, bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp bị tách và các doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp bị tách, doanh nghiệp hợp nhất, doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

3. Doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển đổi; trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp chuyển đổi có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

4. Việc tổ chức lại doanh nghiệp không làm thay đổi thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp bị tổ chức lại. Trường hợp doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc các doanh nghiệp thành lập mới không nộp thuế đầy đủ theo thời hạn nộp thuế đã quy định thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

5. Cơ quan thuế có quyền yêu cầu một trong các doanh nghiệp có nghĩa vụ liên đới phải hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế. Trường hợp một doanh nghiệp đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thuế thì có quyền yêu cầu những doanh nghiệp có nghĩa vụ liên đới phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình theo quy định của pháp luật dân sự.

IV. Việc kế thừa nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân là người đã chết, người mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người mất tích theo quy định của pháp luật dân sự

1. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người được pháp luật coi là đã chết do những người hưởng thừa kế thực hiện trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Trường hợp di sản chưa được chia thì việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện.

Trong trường hợp di sản đã được chia thì việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế do người chết để lại được những người thừa kế thực hiện tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình được nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng từ chối nhận di sản thì việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người chết để lại được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người bị tuyên bố mất tích, người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự do người được Toà án giao quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích, người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thực hiện trong phạm vi tài sản được giao quản lý.

3. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì số tiền thuế nợ đã xoá theo quy định tại Điều 65 của Luật Quản lý thuế được phục hồi lại, nhưng không bị tính tiền phạt chậm nộp cho thời gian bị coi là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

V. Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế

1. Người nộp thuế có quyền đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của từng loại thuế hoặc của tất cả các loại thuế; hoặc đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác nhận số tiền thuế, tiền phạt còn phải nộp đến thời điểm đề nghị xác nhận.

Trường hợp cá nhân, nhà thầu nước ngoài nộp thuế qua tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ tại nguồn thì đề nghị với cơ quan thuế quản lý trực tiếp bên khấu trừ tại nguồn xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

2. Văn bản đề nghị xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nêu rõ các nội dung:

- Tên người nộp thuế, mã số thuế;

- Số thuế phát sinh của từng loại thuế bao gồm cả số thuế do người nộp thuế khai trong hồ sơ thuế đã nộp cho cơ quan thuế và số thuế khoán, số thuế ấn định theo quyết định của cơ quan thuế;

- Số tiền phạt hành chính do vi phạm pháp luật thuế;

- Số tiền thuế, tiền phạt đã nộp;

- Số tiền thuế, tiền phạt còn nợ (nếu có).

3. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cơ quan  thuế có trách nhiệm ra văn bản xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Trường hợp cần kiểm tra, đối chiếu lại các thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế gửi thông báo cho người nộp thuế biết lý do chưa xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Phần E.

THỦ TỤC MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ; XOÁ NỢ TIỀN THUẾ, TIỀN PHẠT

I. Trường hợp người nộp thuế tự xác định số tiền thuế được miễn thuế, giảm thuế

1. Người nộp thuế tự xác định số thuế được miễn thuế, giảm thuế hoặc không phải nộp thuế và khai báo với cơ quan thuế trong hồ sơ khai thuế, trừ các trường hợp quy định tại mục II Phần này.

2. Tài liệu liên quan đến việc xác định miễn thuế, giảm thuế là một phần của hồ sơ khai thuế.

II. Trường hợp cơ quan thuế quyết định miễn thuế, giảm thuế

Cơ quan thuế trực tiếp kiểm tra hồ sơ và ra quyết định miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp sau đây:

1. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp  cho hợp tác xã có mức thu nhập bình quân tháng trong năm của mỗi lao động dưới mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định đối với công chức nhà nước. Hồ sơ đề nghị miễn thuế là Văn bản đề nghị miễn thuế theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó nêu rõ số thuế đề nghị được miễn, số thuế đã nộp (nếu có), lý do đề nghị được miễn thuế và danh mục tài liệu gửi kèm. 

2. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán có mức thu nhập thấp. Hồ sơ đề nghị miễn thuế là Văn bản đề nghị miễn thuế của hộ gia đình, cá nhân theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó nêu rõ số thuế đề nghị được miễn, số thuế đã nộp (nếu có), lý do đề nghị được miễn thuế và danh mục tài liệu gửi kèm. 

3. Miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cá nhân, hộ cá thể kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu nghỉ kinh doanh liên tục từ mười lăm ngày trở lên trong tháng được xét giảm 50% số thuế phải nộp; nếu nghỉ cả tháng thì được xét miễn thuế của tháng đó. Hồ sơ đề nghị miễn hoặc giảm thuế là Văn bản đề nghị miễn hoặc giảm thuế của hộ gia đình, cá nhân theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này trong đó nêu rõ số thuế phải nộp; số thuế đề nghị được miễn, giảm; số thuế đã nộp (nếu có); số thuế còn phải nộp; lý do đề nghị được miễn, giảm thuế và danh mục tài liệu gửi kèm. 

4. Miễn thuế tài nguyên đối với sản phẩm rừng tự nhiên do dân cư trên địa bàn xã có rừng được phép khai thác.

Hồ sơ miễn thuế gồm: Văn bản đề nghị miễn thuế tài nguyên theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó nêu rõ loại tài nguyên, địa điểm, hình thức khai thác, nơi tiêu thụ và danh mục tài liệu gửi kèm. 

Văn bản đề nghị miễn thuế phải có ý kiến xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã và cơ quan kiểm lâm trực tiếp quản lý rừng.

5. Miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế nhà, đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ, bị lỗ hoặc không có khả năng nộp thuế.

 Hồ sơ đề nghị miễn hoặc giảm thuế  bao gồm:

- Văn bản đề nghị miễn hoặc giảm thuế theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó nêu rõ thời gian, lý do bị thiệt hại, giá trị tài sản bị thiệt hại, số lỗ do thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ gây ra, số thuế phải nộp, số thuế đề nghị miễn, giảm và danh mục tài liệu gửi kèm; 

- Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi xảy ra thiên tai, địch hoạ, tai nạn theo mẫu số 02/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản quyết toán tài chính (nếu là doanh nghiệp) kèm theo giải trình phân tích xác định số bị thiệt hại, số lỗ do bị thiệt hại.

6. Thời hạn giải quyết hồ sơ miễn thuế, giảm thuế:

- Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế ra quyết định miễn thuế, giảm thuế theo mẫu số 03/MGTH hoặc thông báo cho người nộp thuế lý do không thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế theo mẫu số 04/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này.

- Trường hợp cần kiểm tra thực tế để có đủ căn cứ giải quyết hồ sơ thì thời hạn ra quyết định miễn thuế, giảm thuế là sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

III. Xoá nợ tiền thuế, tiền phạt

1. Trường hợp được xoá nợ tiền thuế, tiền phạt bao gồm:

1.1. Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt.

1.2. Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ.

2. Hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền phạt bao gồm:

2.1. Văn bản đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền phạt của cơ quan thuế  quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xoá nợ tiền thuế, tiền phạt theo mẫu số 01/XNTH ban hành kèm theo thông tư này;

2.2. Tờ khai quyết toán thuế đến thời điểm Toà án ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp (đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản);

2.3. Tài liệu liên quan đến việc đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền phạt: Bản sao quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Toà án; giấy tờ chứng minh cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự.

3. Trình tự giải quyết hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền phạt:

3.1. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp lập hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền phạt gửi đến cơ quan thuế cấp trên theo trình tự sau:

- Chi cục thuế gửi cho cục thuế hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền phạt của người nộp thuế thuộc phạm vi quản lý của chi cục thuế.

- Cục thuế gửi cho Tổng cục thuế hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền phạt của người nộp thuế thuộc phạm vi quản lý của cục thuế và hồ sơ do chi cục thuế chuyển đến.

3.2. Trường hợp hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền phạt chưa đầy đủ thì trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế cấp trên phải thông báo cho cơ quan đã lập hồ sơ để hoàn chỉnh hồ sơ theo mẫu số 02/XNTH ban hành kèm theo Thông tư này.

3.3. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, người có thẩm quyền phải ra quyết định xoá nợ theo mẫu số 03/XNTH hoặc thông báo trường hợp không thuộc diện được xoá nợ tiền thuế, tiền phạt theo mẫu số 04/XNTH ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền phạt và báo cáo Quốc hội:

4.1. Bộ trưởng Bộ Tài chính uỷ quyền Tổng cục trưởng Tổng cục thuế xem xét hồ sơ và ra quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền phạt theo quy định tại khoản 1 mục này. Quyết định xoá nợ tiền thuế, tiền phạt phải bao gồm các nội dung:

- Tên người nộp thuế được xoá nợ tiền thuế, tiền phạt;

- Số tiền thuế được xoá nợ tương ứng với loại thuế và kỳ tính thuế hoặc thời gian phát sinh số thuế;

- Số tiền phạt được xoá nợ;

- Cơ quan thuế có trách nhiệm chấp hành quyết định.

4.2. Trên cơ sở quyết định xoá nợ, cơ quan thuế quản lý số tiền thuế nợ, tiền phạt được xoá nợ có trách nhiệm tổng hợp vào số quyết toán thu Ngân sách năm, đồng thời thông báo với cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trong báo cáo quyết toán Ngân sách của địa phương.

4.3. Tổng cục trưởng Tổng cục thuế có trách nhiệm tổng hợp số tiền thuế, tiền phạt đã xóa nợ theo quyết toán Ngân sách các cấp trình Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội khi Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách nhà nước.

Phần G.

THỦ TỤC HOÀN THUẾ, BÙ TRỪ THUẾ

I. Hồ sơ hoàn thuế

1. Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp trong ba tháng liên tục có số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết, hoặc đối với trường hợp đang trong giai đoạn đầu tư chưa có thuế giá trị gia tăng đầu ra:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế nêu rõ lý do, số thuế đề nghị được hoàn và thời gian phát sinh số thuế đề nghị hoàn theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đầu ra, số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế đã nộp (nếu có), số thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra đề nghị hoàn theo theo mẫu số 01-1/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp có điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra so với số thuế tại Tờ khai đã nộp cho cơ quan thuế thì người nộp thuế phải giải trình rõ lý do.

2. Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp xuất khẩu:

2.1. Trường hợp xuất khẩu thanh toán bằng tiền, hồ sơ hoàn thuế bao gồm:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế nêu rõ lý do, số thuế đề nghị được hoàn và thời gian phát sinh số thuế đề nghị hoàn theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đầu ra, số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế đã nộp (nếu có), số thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra đề nghị hoàn theo theo mẫu số 01-1/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp có điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra so với số thuế tại Tờ khai đã nộp cho cơ quan thuế thì người nộp thuế phải giải trình rõ lý do.

- Bảng kê các hồ sơ có chữ ký và đóng dấu của cơ sở, ghi rõ:

+ Số, ngày tờ khai xuất khẩu của hàng hóa xuất khẩu (trường hợp uỷ thác xuất khẩu phải ghi số, ngày tờ khai xuất khẩu của cơ sở nhận uỷ thác);

+ Số, ngày hợp đồng xuất khẩu hoặc số, ngày hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, uỷ thác gia công đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu, uỷ thác gia công xuất khẩu;

+ Hình thức thanh toán, số, ngày, số tiền của chứng từ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu;

- Biên bản thanh lý hợp đồng uỷ thác xuất khẩu hoặc uỷ thác gia công hàng xuất khẩu (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc Biên bản đối chiếu công nợ định kỳ giữa bên uỷ thác xuất khẩu và bên nhận uỷ thác xuất khẩu (đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu hoặc uỷ thác gia công xuất khẩu).

2.2. Trường hợp xuất khẩu thanh toán bằng hàng, hồ sơ hoàn thuế gồm:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế nêu rõ lý do, số thuế đề nghị được hoàn và thời gian phát sinh số thuế đề nghị hoàn theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đầu ra, số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế đã nộp (nếu có), số thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra đề nghị hoàn theo theo mẫu số 01-1/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp có điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra so với số thuế tại Tờ khai đã nộp cho cơ quan thuế thì người nộp thuế phải giải trình rõ lý do.

- Bảng kê các hồ sơ có chữ ký và đóng dầu của cơ sở, ghi rõ:

+ Số, ngày hợp đồng xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ký với nước ngoài;

+ Số, ngày hợp đồng mua hàng hoá, dịch vụ của nước ngoài thanh toán bù trừ với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu;

+ Số, ngày Tờ khai xuất khẩu của hàng hoá xuất khẩu;

+ Số, ngày Tờ khai nhập khẩu của hàng hoá nhập khẩu;

+ Số, ngày văn bản xác nhận với phía nước ngoài về số tiền thanh toán bù trừ;

+ Số, ngày chứng từ thanh toán qua ngân hàng, số tiền thanh toán (nếu có chênh lệch sau khi thanh toán bù trừ hàng hoá).

2.3. Trường hợp xuất khẩu tại chỗ, hồ sơ hoàn thuế bao gồm:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế nêu rõ lý do, số thuế đề nghị được hoàn và thời gian phát sinh số thuế đề nghị hoàn theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đầu ra, số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế đã nộp (nếu có), số thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra đề nghị hoàn theo theo mẫu số 01-1/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp có điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra so với số thuế tại Tờ khai đã nộp cho cơ quan thuế thì người nộp thuế phải giải trình rõ lý do.

- Bảng kê hồ sơ có chữ ký và đóng dấu của cơ sở, ghi rõ:

+ Số, ngày hợp đồng xuất khẩu ký với nước ngoài;

+ Số, ngày Tờ khai hải quan hàng hoá xuất nhập khẩu tại chỗ;

+ Số, ngày, số tiền của chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu tại chỗ qua ngân hàng.

2.4. Trường hợp hàng hoá gia công chuyển tiếp, hồ sơ hoàn thuế bao gồm:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế nêu rõ lý do, số thuế đề nghị được hoàn và thời gian phát sinh số thuế đề nghị hoàn theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đầu ra, số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế đã nộp (nếu có), số thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra đề nghị hoàn theo theo mẫu số 01-1/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp có điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra so với số thuế tại Tờ khai đã nộp cho cơ quan thuế thì người nộp thuế phải giải trình rõ lý do.

- Bảng kê hồ sơ có chữ ký và đóng dấu của cơ sở, ghi rõ:

+ Số, ngày hợp đồng gia công giao; số, ngày hợp đồng gia công nhận;

+ Số, ngày tờ khai hàng gia công chuyển tiếp;

+ Số, ngày, số tiền của chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu tại chỗ qua ngân hàng.

2.5. Trường hợp hàng hoá xuất khẩu để thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài, hồ sơ hoàn thuế bao gồm:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế nêu rõ lý do, số thuế đề nghị được hoàn và thời gian phát sinh số thuế đề nghị hoàn theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đầu ra, số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế đã nộp (nếu có), số thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra đề nghị hoàn theo theo mẫu số 01-1/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp có điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra so với số thuế tại Tờ khai đã nộp cho cơ quan thuế thì người nộp thuế phải giải trình rõ lý do.

- Bảng kê hồ sơ có chữ ký và đóng dấu của cơ sở, ghi rõ:

+ Số, ngày giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài;

+ Số, ngày văn bản chấp thuận dự án đầu tư  hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

+ Danh mục hàng hoá xuất khẩu để thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài do Bộ Thương mại cấp (trong đó ghi rõ: chủng loại, số lượng và trị giá hàng hoá).

3. Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án ODA:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế nêu rõ lý do hoàn thuế, số thuế đề nghị hoàn, thời gian phát sinh số thuế đề nghị hoàn theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê khai tổng hợp thuế đầu vào được hoàn;

- Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch vụ mua vào mẫu số 01-2/GTGT ban hành  kèm theo Thông tư này;

- Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại, dự án sử dụng vốn ODA vay ưu đãi được Ngân sách Nhà nước cấp phát (bản sao có đóng dấu và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền của dự án). Trường hợp hoàn thuế nhiều lần thì chỉ xuất trình lần đầu.

- Xác nhận của cơ quan chủ quản dự án ODA về hình thức cung cấp dự án ODA là ODA không hoàn lại hay ODA vay được Ngân sách Nhà nước cấp phát ưu đãi thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng (bản sao có xác nhận của cơ sở) và việc không được Ngân sách Nhà nước cấp vốn đối ứng để trả thuế giá trị gia tăng. Người nộp thuế chỉ phải nộp tài liệu này với hồ sơ hoàn thuế lần đầu của dự án.

Trường hợp nhà thầu chính lập hồ sơ hoàn thuế thì ngoài những tài liệu nêu tại điểm này, còn phải có xác nhận của chủ dự án về việc dự án không được Ngân sách Nhà nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán cho nhà thầu theo giá có thuế giá trị gia tăng; giá thanh toán theo kết quả thầu không có thuế giá trị gia tăng và đề nghị hoàn thuế cho nhà thầu chính.

4. Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với tổ chức Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hoá tại Việt Nam để viện trợ:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế nêu rõ lý do, số thuế đề nghị và thời gian phát sinh số thuế đề nghị hoàn theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bảng kê khai tổng hợp số thuế  đầu vào được hoàn.

- Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch vụ mua vào mẫu số 01-2/GTGT ban hành  kèm theo Thông tư này;

- Quyết định phê duyệt các khoản viện trợ của cấp có thẩm quyền (bản sao có xác nhận của người nộp thuế);

- Văn bản xác nhận của Bộ Tài chính về khoản tiền viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài nêu rõ: tên tổ chức viện trợ, giá trị khoản viện trợ, cơ quan tiếp nhận, quản lý tiền viện trợ.

5. Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao:

- Công hàm đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan đại diện;

- Văn bản đề nghị hoàn thuế theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này có xác nhận của Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao);

- Bản gốc kèm theo 2 bản sao có đóng dấu cơ quan đại diện của các hoá đơn giá trị gia tăng. Cơ quan thuế sẽ trả lại các hoá đơn gốc cho cơ quan đại diện sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.

6. Hồ sơ hoàn thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân;

- Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập; Biên lai thuế thu nhập (bản chính);

- Chứng từ xác định tình trạng kết thúc thời gian làm việc như: Quyết định nghỉ hưu, Quyết định thôi việc, Biên bản thanh lý hợp đồng, Bảng kê xác định ngày cư trú (nếu có);

- Giấy uỷ quyền trong trường hợp uỷ quyền thoái trả tiền thuế.

7. Hồ sơ hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế theo Hiệp định theo mẫu số 02/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này đối với tổ chức, cá nhân là đối tượng cư trú của nước ngoài hoặc theo mẫu số 03/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này đối với tổ chức, cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp (ghi rõ là đối tượng cư trú trong năm tính thuế nào);

- Bản sao đăng ký kinh doanh và/hoặc giấy chứng nhận đăng ký thuế do nước cư trú cấp trong trường hợp là tổ chức kinh doanh; hoặc bản sao đăng ký kinh doanh và/hoặc giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký thuế do nước cư trú cấp và hộ chiếu sử dụng cho việc xuất nhập cảnh tại Việt Nam trong trường hợp là cá nhân hành nghề độc lập; hoặc bản sao hợp đồng lao động và hộ chiếu sử dụng cho việc xuất nhập cảnh tại Việt Nam trong trường hợp là cá nhân hành nghề phụ thuộc;

- Bản sao hợp đồng kinh tế, hợp đồng cung cấp dịch vụ, hợp đồng đại lý, hợp đồng uỷ thác, hợp đồng chuyển giao công nghệ, chứng từ chứng minh cho việc doanh nghiệp điều hành trực tiếp phương tiện vận tải (trong trường hợp doanh nghiệp vận tải quốc tế) hay hợp đồng lao động ký với tổ chức, cá nhân Việt Nam, giấy chứng nhận tiền gửi tại Việt Nam, giấy chứng nhận góp vốn vào Công ty tại Việt Nam (tuỳ theo loại thu nhập trong từng trường hợp cụ thể);

- Chứng từ nộp thuế có xác nhận của kho bạc nhà nước hoặc cơ quan thuế khi thu tiền thuế; hoặc bản sao chứng từ nộp thuế và giấy xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi tổ chức, cá nhân nộp thuế về số thuế đã nộp.

- Xác nhận của tổ chức, cá nhân Việt Nam ký kết hợp đồng về thời gian và tình hình  hoạt động thực tế theo hợp đồng.

8. Hồ sơ hoàn phí xăng dầu bao gồm:

- Văn bản đề nghị hoàn phí theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê xác định số phí xăng dầu đề nghị hoàn trong đó ghi rõ số lượng xăng, dầu thực mua đã chịu phí xăng dầu, số lượng xăng, dầu diezen thực tế xuất khẩu, số tiền phí xăng dầu đề nghị hoàn trả, số tài khoản của đơn vị tại ngân hàng hoặc kho bạc giao dịch tỉnh, thành phố... theo mẫu số 01-2/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Hợp đồng và hoá đơn mua xăng, dầu diezen của tổ chức, cá nhân bán xăng dầu;

- Giấy phép  xuất khẩu xăng dầu diezen do Bộ Thương mại cấp;

- Hợp đồng xuất khẩu xăng, dầu diezen ký với nước ngoài; trường hợp uỷ thác xuất khẩu thì còn phải có hợp đồng uỷ thác xuất khẩu xăng, dầu diezen;

- Hoá đơn bán hàng xăng, dầu diezen cho nước ngoài, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất;

- Tờ khai Hải quan hàng hoá xuất khẩu, có thanh khoản và xác nhận của cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại xăng dầu diezen thực tế xuất khẩu.

9. Hồ sơ hoàn thuế, phí nộp thừa đối với người nộp thuế sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản,  chuyển đổi sở hữu, chấm dứt hoạt động:

- Văn bản đề nghị hoàn thuế, phí theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chấm dứt hoạt động;

- Hồ sơ quyết toán thuế hoặc hồ sơ khai thuế đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chấm dứt hoạt động.

10. Hồ sơ hoàn các loại thuế, phí khác là văn bản đề nghị hoàn thuế hoặc phí, trong đó nêu rõ căn cứ đề nghị hoàn, số tiền thuế hoặc đề nghị hoàn, chuyển số tiền được hoàn để nộp các loại thuế, phí khác (nếu có). 

II. Giải quyết hồ sơ hoàn thuế

1. Tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế:

1.1. Đối với hồ sơ hoàn thuế của tổ chức, cá nhân là người nộp thuế và có mã số thuế thì được nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của tổ chức, cá nhân đó.

1.2. Hồ sơ hoàn thuế của tổ chức, cá nhân không phải là người nộp thuế thì nộp tại cục thuế quản lý địa bàn nơi tổ chức có trụ sở điều hành, nơi cá nhân có địa chỉ thường trú.

1.3. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức quản lý thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận các tài liệu trong hồ sơ.

 1.4. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế được gửi qua đường bưu chính, công chức quản lý thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

1.5. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế được nộp thông qua giao dịch điện tử thì việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ hoàn thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

1.6. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế chưa đầy đủ, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo cho người nộp thuế để hoàn chỉnh hồ sơ.

2. Trách nhiệm giải quyết hồ sơ hoàn thuế:

2.1. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì chậm nhất là mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan  thuế phải ra quyết định hoàn thuế theo mẫu số 04/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này hoặc thông báo bằng văn bản về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau hoặc thông báo lý do không hoàn thuế.

2.2. Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan  thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo lý do không hoàn thuế.

2.3. Căn cứ vào số thuế người nộp thuế được hoàn, số thuế còn nợ, cơ quan thuế thực hiện theo một trong hai trường hợp sau:

- Ra quyết định hoàn thuế trong trường hợp người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền phạt của tất cả các loại thuế.

- Ra quyết định hoàn thuế và ra Lệnh thu Ngân sách trong trường hợp người nộp thuế được hoàn thuế theo hồ sơ hoàn thuế và còn nợ tiền thuế, tiền phạt của các loại thuế khác

Trong quyết định hoàn thuế phải nêu rõ tên người nộp thuế được hoàn thuế, số thuế được hoàn, nơi nhận tiền hoàn thuế.

2.4. Trường hợp cơ quan thuế kiểm tra xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn khác số thuế đề nghị hoàn thì xử lý như sau:

- Nếu số thuế đề nghị hoàn lớn hơn số thuế đủ điều kiện được hoàn thì người nộp thuế được hoàn bằng số thuế đủ điều kiện được hoàn.

- Nếu số thuế đề nghị hoàn nhỏ hơn số thuế đủ điều kiện được hoàn thì người nộp thuế được hoàn bằng số thuế đề nghị hoàn.

2.5. Trường hợp giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm do lỗi của cơ quan  thuế thì ngoài số tiền thuế được hoàn theo quy định, người nộp thuế còn được trả tiền lãi tính cho thời gian chậm giải quyết hoàn thuế. Lãi suất tính tiền lãi do hoàn thuế chậm là lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định có hiệu lực tại thời điểm ra quyết định trả tiền lãi. Số ngày tính tiền lãi kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định đến ngày ra quyết định hoàn thuế, bao gồm cả ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết).

Số tiền lãi được ghi trong quyết định hoàn thuế và người nộp thuế được thanh toán tiền lãi cùng với số tiền hoàn thuế.

2.6. Hồ sơ hoàn thuế thuộc đối tượng kiểm tra trước khi hoàn thuế thuộc một trong các trường hợp:

- Hoàn thuế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu.

- Người nộp thuế đã bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận về thuế trong thời hạn 2 năm tính từ thời điểm đề nghị hoàn thuế trở về trước.

- Người nộp thuế không thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng theo quy định.

- Doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia  tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động;  giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.

- Hết thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế theo yêu cầu.

- Hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý của Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.

III. Thủ tục hoàn thuế, bù trừ thuế

1. Trường hợp người nộp thuế được hoàn thuế mà không phải nộp bù trừ với các loại thuế khác:

1.1. Đối với thuế giá giá trị gia tăng: Cơ quan thuế gửi quyết định hoàn thuế cho Kho bạc Nhà nước đồng cấp. Kho bạc Nhà nước thực hiện hoàn trả cho người nộp thuế và báo nợ về kho bạc nhà nước cấp trên để trích từ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng của Ngân sách Trung ương để chi trả.

1.2. Đối với hoàn trả các khoản thuế khác: Cơ quan thuế gửi quyết định hoàn thuế cho Kho bạc Nhà nước  nơi người được hoàn trả đã nộp thuế trước đó. Kho bạc Nhà nước thực hiện hoàn trả tiền cho người được hoàn trả. Việc hạch toán hoàn trả thực hiện theo 2 trường hợp:

1.2.1. Hoàn trả khoản thu chưa quyết toán Ngân sách Nhà nước: Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán thoái thu đối với từng cấp ngân sách, theo đúng mục lục Ngân sách Nhà nước của các khoản đã thu.

1.2.2. Hoàn trả các khoản thu đã quyết toán vào niên độ ngân sách năm trước: Kho bạc Nhà nước hạch toán chi ngân sách các cấp theo số tiền tương ứng với tỷ lệ khoản thu đã phân chia cho từng cấp ngân sách trước đó.

1.3. Luân chuyển chứng từ: Kho bạc Nhà nước gửi chứng từ hoàn trả tiền thuế cho cơ quan thuế nơi quyết định hoàn thuế, cơ quan tài chính cùng cấp (hoặc cơ quan tài chính cấp trên nếu chi hoàn trả từ ngân sách cấp trên) để theo dõi, kiểm tra, đối chiếu. Hàng tháng, Kho bạc Nhà nước thông báo cho cơ quan tài chính đồng cấp về số tiền đã hoàn để kiểm tra, đối chiếu.

2. Trường hợp người nộp thuế được hoàn thuế và phải nộp bù trừ cho các khoản thuế khác.

2.1. Trường hợp hoàn trả thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế gửi quyết định hoàn thuế và lệnh thu thuế cho Kho bạc Nhà nước cùng cấp; trường hợp hoàn trả các khoản thu khác, cơ quan thuế gửi quyết định hoàn thuế và lệnh thu thuế cho Kho bạc Nhà nước nơi người được hoàn trả đã nộp thuế.

2.2. Việc xử lý hạch toán hoàn thuế và thu Ngân sách Nhà nước của Kho bạc Nhà nước được thực hiện:

2.2.1. Trường hợp Kho bạc Nhà nước nơi hoàn thuế đồng thời là Kho bạc Nhà nước thực hiện thu khoản thuế còn phải nộp: Kho bạc Nhà nước  hạch toán hoàn trả thuế theo quy định tại khoản 1 mục này; hạch toán thu Ngân sách Nhà nước theo lệnh thu của cơ quan thuế và phân chia cho các cấp ngân sách; thanh toán tiền hoàn thuế còn thừa (nếu có) cho người nộp thuế.

2.2.2. Trường hợp Kho bạc Nhà nước nơi hoàn thuế khác với Kho bạc Nhà nước nơi thu khoản thuế còn phải nộp: Kho bạc Nhà nước nơi hoàn trả hạch toán hoàn trả theo quy định tại khoản 1 mục này; chuyển số tiền được hoàn trả cùng với lệnh thu Ngân sách Nhà nước của cơ quan thuế cho Kho bạc Nhà nước nơi thu thuế để làm căn cứ hạch toán thu Ngân sách Nhà nước theo đúng nội dung ghi trên lệnh thu; thanh toán tiền hoàn thuế còn thừa (nếu có) cho người nộp thuế.

Phần H.

KIỂM TRA, THANH TRA THUẾ

I. Kiểm tra thuế

Theo quy định tại Điều 77 và Điều 78 Luật Quản lý thuế, các hồ sơ thuế gửi đến cơ quan thuế đều được kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, tài liệu trong hồ sơ thuế nhằm đánh giá sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế.

Việc kiểm tra thuế được thực hiện tại trụ sở cơ quan thuế hoặc tại trụ sở của người nộp thuế.

1. Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế

1.1. Công chức thuế thực hiện việc kiểm tra nội dung kê khai trong hồ sơ thuế, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của người nộp thuế và tài liệu có liên quan về người nộp thuế, so sánh với dữ liệu của người nộp thuế cùng ngành nghề, mặt hàng kinh doanh để  phân tích, đánh giá tính tuân thủ  hoặc  phát hiện các trường hợp khai chưa đầy đủ dẫn tới việc thiếu thuế hoặc trốn thuế, gian lận thuế.

Sau khi kiểm tra, công chức thuế xác nhận kết quả kiểm tra thuế vào hồ sơ thuế theo một trong các trường hợp:

- Đối với hồ sơ khai đầy đủ nội dung trong hồ sơ và bảo đảm tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, tài liệu trong hồ sơ thuế, không có dấu hiệu vi phạm thì chấp nhận;

- Trường hợp phát hiện trong hồ sơ chưa đủ tài liệu theo quy định hoặc khai chưa đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định thì cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế biết để hoàn chỉnh hồ sơ. Đối với trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn trực tiếp cho người nộp hồ sơ. Đối với trường hợp tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu chính hoặc thông qua giao dịch điện tử, cơ quan thuế phải ra thông báo bằng văn bản trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

- Đối với hồ sơ cần được làm rõ thì ghi rõ nội dung để kiểm tra tiếp.

1.2. Kiểm tra để làm rõ nội dung cần bổ sung trong hồ sơ thuế:

1.2.1. Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu, so sánh, phân tích xét thấy có nội dung khai chưa đúng, số liệu khai không chính xác hoặc có những nội dung cần xác minh liên quan đến số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, cơ quan thuế ra Thông báo bằng văn bản đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu theo mẫu số 01/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này.

Thời gian giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu trong hồ sơ thuế không quá mười ngày. Người nộp thuế có thể đến cơ quan thuế giải trình trực tiếp hoặc bổ sung thông tin, tài liệu hoặc bằng văn bản.

Trường hợp người nộp thuế giải trình trực tiếp tại cơ quan thuế thì phải lập Biên bản làm việc theo mẫu số 02/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này.

1.2.2. Sau khi người nộp thuế đã giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan thuế:

- Trường hợp người nộp thuế đã giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan thuế và chứng minh số thuế đã khai là đúng thì hồ sơ thuế được chấp nhận.

- Trường hợp người nộp thuế đã giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu mà không đủ căn cứ chứng minh số thuế đã khai là đúng thì cơ quan thuế yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung. Thời hạn khai bổ sung là năm ngày kể từ ngày cơ quan thuế có thông báo yêu cầu khai bổ sung.

- Trường hợp hết thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu; hoặc không khai bổ sung hồ sơ thuế; hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng thì cơ quan thuế:

+ Ấn định số thuế phải nộp và thông báo cho người nộp thuế biết theo mẫu 01/AĐTH ban hành kèm theo Thông tư này; hoặc

+ Ra quyết định kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế nếu không đủ căn cứ để ấn định số thuế phải nộp. Quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế theo mẫu số 03/KTTT  ban hành kèm theo Thông tư này. 

2. Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế

2.1. Các trường hợp kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế:

2.1.1. Trường hợp người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu; không khai bổ sung hồ sơ thuế hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng; hoặc cơ quan thuế không đủ căn cứ để ấn định số thuế phải nộp.

2.1.2. Trường hợp kiểm tra trước khi hoàn thuế theo quy định, bao gồm:

- Hoàn thuế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu.

- Người nộp thuế đã có hành vi trốn thuế, gian lận về thuế trong thời hạn 2 năm tính từ thời điểm đề nghị hoàn thuế trở về trước.

- Người nộp thuế không thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng theo quy định.

- Doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia  tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động;  giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.

2.2. Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế:

2.2.1. Cơ quan thuế ra quyết định kiểm tra thuế đối với trường hợp quy định tại điểm 2.1 mục này. Việc kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế chỉ được thực hiện khi có quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Người nộp thuế có quyền từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra thuế.

Quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế do thủ trưởng cơ quan thuế ban hành. 

Quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế phải có những nội dung cơ bản sau đây:

- Căn cứ pháp lý để kiểm tra;

- Đối tượng kiểm tra (trường hợp đối tượng kiểm tra là người nộp thuế có các đơn vị thành viên thì nội dung Quyết định kiểm tra phải ghi cụ thể danh sách đơn vị thành viên thuộc đối tượng kiểm tra theo Quyết định);

- Nội dung, phạm vi kiểm tra;

- Thời gian tiến hành kiểm tra;

- Trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên khác của đoàn kiểm tra.

- Quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn kiểm tra và đối tượng kiểm tra.

2.2.2. Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế:

- Chậm nhất là năm ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định, Quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế phải được gửi cho người nộp thuế. 

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định kiểm tra thuế hoặc trước thời điểm tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế mà người nộp thuế chứng minh được với cơ quan thuế số thuế đã khai là đúng hoặc nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo tính toán của cơ quan thuế, thì Thủ trưởng cơ quan thuế ra Quyết định bãi bỏ Quyết định kiểm tra thuế.

- Việc kiểm tra theo Quyết định kiểm tra thuế phải được tiến hành chậm nhất là mười  ngày làm việc, kể từ ngày ban hành Quyết định. Khi bắt đầu tiến hành kiểm tra thuế, trưởng đoàn kiểm tra thuế có trách nhiệm công bố Quyết định kiểm tra thuế và giải thích nội dung Quyết định kiểm tra để đối tượng kiểm tra hiểu và có trách nhiệm chấp hành Quyết định kiểm tra. Trường hợp khi nhận được Quyết định kiểm tra, người nộp thuế đề nghị hoãn thời gian tiến hành kiểm tra thì phải có văn bản gửi cơ quan thuế nêu rõ lý do và thời gian hoãn để xem xét quyết định. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hoãn thời gian kiểm tra, cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế biết về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc hoãn thời gian kiểm tra.

- Trong quá trình thực hiện Quyết định kiểm tra, Đoàn kiểm tra thực hiện việc đối chiếu nội dung trong hồ sơ thuế với sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu có liên quan, tình trạng thực tế trong phạm vi nội dung của Quyết định kiểm tra thuế.

Trường hợp xét thấy cần thiết phải tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế, Trưởng đoàn kiểm tra báo cáo bằng văn bản để người ra quyết định kiểm tra quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định.

Người nộp thuế có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Đối với các thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra; thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước, người nộp thuế có quyền từ chối cung cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Thời hạn kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất là một ngày trước khi kết thúc thời hạn kiểm tra theo quy định, Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo bằng văn bản với người ra Quyết định kiểm tra để gia hạn kiểm tra. Quyết định kiểm tra chỉ được gia hạn một  lần, dưới hình thức văn bản. Thời gian gia hạn không quá năm ngày làm việc.

2.2.3. Biên bản kiểm tra thuế:

Biên bản kiểm tra thuế phải được lập theo mẫu số 04/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này và được ký trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra.

Biên bản kiểm tra gồm các nội dung chính sau:

- Các căn cứ pháp lý để thiết lập biên bản.

- Mô tả thực trạng diễn biến của sự việc theo nội dung đã kiểm tra; nêu cụ thể kết quả đối chiếu của đoàn kiểm tra với số liệu kê khai, báo cáo của người nộp thuế; giải thích lý do, nguyên nhân;

- Kết luận về từng nội dung đã tiến hành kiểm tra, xác định hành vi vi phạm, mức độ vi phạm; xử lý vi phạm theo thẩm quyền; kiến nghị biện pháp xử lý không thuộc thẩm quyền của Đoàn kiểm tra.

Biên bản kiểm tra phải được công bố công khai trước Đoàn kiểm tra và người nộp thuế được kiểm tra. Biên bản kiểm tra phải được Trưởng đoàn kiểm tra và người nộp thuế (hoặc đại diện hợp pháp của người nộp thuế) ký vào từng trang, đóng dấu của người nộp thuế (nếu có). 

Người nộp thuế được quyền nhận biên bản kiểm tra thuế, yêu cầu giải thích nội dung Biên bản kiểm tra thuế và bảo lưu ý kiến trong Biên bản kiểm tra thuế.

2.2.4. Xử lý kết quả kiểm tra thuế:

- Chậm nhất năm ngày làm việc kể từ ngày ký Biên bản kiểm tra với người nộp thuế, Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo người ra quyết định kiểm tra thuế về kết quả kiểm tra. Trường hợp kết quả kiểm tra dẫn đến phải xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính thì trong thời hạn không quá mười ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản, Thủ trưởng cơ quan thuế phải ra quyết định xử lý thuế, xử phạt vi phạm hành chính. Người nộp thuế có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử lý kết quả kiểm tra về thuế.

- Trường hợp mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của người nộp thuế vượt quá thẩm quyền xử phạt của người ra quyết định kiểm tra thuế, trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản kiểm tra thuế, người ra quyết định kiểm tra có văn bản đề nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế (kèm theo Biên bản kiểm tra) và thông báo cho người nộp thuế biết.

Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, người nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thuế phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế; hoặc thông báo và chuyển hồ sơ lại cơ quan thuế đã đề nghị về việc không thuộc thẩm quyền xử phạt.

Trường hợp qua kiểm tra thuế mà phát hiện hành vi vi phạm về thuế  có dấu hiệu trốn thuế, gian lận về thuế thì trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện, đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan thuế để chuyển hồ sơ sang bộ phận thanh tra thuế và bổ sung vào kế hoạch thanh tra theo trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật Quản lý thuế.

II. Thanh tra thuế

1. Việc thanh tra thuế chỉ được tiến hành đối với các trường hợp quy định tại Điều 81 của Luật Quản lý thuế. Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, chỉ được tiến hành thanh tra khi có căn cứ xác định người nộp thuế khai thiếu nghĩa vụ thuế, trốn thuế, gian lận thuế nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Việc thanh tra thuế được thực hiện căn cứ vào kế hoạch thanh tra hàng năm trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 81 của Luật Quản lý thuế (thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế; thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính).

 Việc lập kế hoạch thanh tra phải dựa trên cơ sở phân tích thông tin về người nộp thuế, từ đó phát hiện, lập danh sách người nộp thuế có dấu hiệu bất thường trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế để lựa chọn đối tượng lập kế hoạch thanh tra. Kế hoạch thanh tra bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: đối tượng thanh tra, kỳ thanh tra, loại thuế thuộc diện thanh tra, thời gian dự kiến tiến hành thanh tra.

Kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế cấp dưới phải được gửi đến cơ quan thuế cấp trên. Trường hợp có sự trùng lặp về đối tượng thanh tra thì cơ quan thuế cấp trên sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra với đối tượng thanh tra đó.

Trường hợp cơ quan thanh tra nhà nước có kế hoạch thanh tra về thuế trùng với kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế thì ưu tiên kế hoạch thanh tra thuế của cơ quan thanh tra nhà nước.

3. Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp có thẩm quyền ra Quyết định thanh tra thuế theo mẫu số 03/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này.

Quyết định thanh tra thuế phải có các nội dung sau đây:

- Căn cứ pháp lý để thanh tra;

- Đối tượng thanh tra (trường hợp đối tượng thanh tra là người nộp thuế có các đơn vị thành viên thì nội dung Quyết định thanh tra phải ghi cụ thể danh sách đơn vị thành viên thuộc đối tượng thanh tra theo Quyết định);

- Nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra;

- Thời hạn tiến hành thanh tra;

- Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn thanh tra có Phó trưởng đoàn thanh tra để giúp Trưởng Đoàn thực hiện một số nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi thực hiện thanh tra thuế, Đoàn thanh tra thuế phải có tối thiểu một thành viên là thanh tra viên thuế.

Quyết định thanh tra thuế phải được gửi cho đối tượng thanh tra chậm nhất là ba ngày làm việc, kể từ ngày ký. 

4. Thời hạn một lần thanh tra thuế không quá ba mươi ngày, kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra thuế. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất năm ngày làm việc trước khi kết thúc thời hạn thanh tra theo quy định, Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra để gia hạn thanh tra. Quyết định thanh tra chỉ được gia hạn một lần, dưới hình thức văn bản. Thời gian gia hạn không quá ba mươi ngày.

5. Tiến hành thanh tra:

5.1. Công bố Quyết định thanh tra:

Quyết định thanh tra thuế phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày ban hành.

Trước khi công bố Quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra thông báo với đối tượng thanh tra về thời gian, thành phần tham dự, địa điểm công bố Quyết định. Khi công bố Quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải đọc toàn văn Quyết định thanh tra; giải thích rõ về nội dung quyết định thanh tra đối tượng thanh tra hiểu rõ và có trách nhiệm chấp hành Quyết định thanh tra; thông báo chương trình làm việc giữa Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra và những công việc khác có liên quan đến hoạt động thanh tra.

Việc công bố Quyết định thanh tra phải được lập biên bản theo mẫu số 05/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp khi nhận được Quyết định thanh tra, người nộp thuế đề nghị hoãn thời gian tiến hành thanh tra thì phải có văn bản gửi cơ quan thuế, nêu rõ lý do và thời gian hoãn để xem xét quyết định. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hoãn thời gian thanh tra, cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế biết về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc hoãn thời gian thanh tra.

5.2. Thực hiện thanh tra:

- Khi bắt đầu tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra yêu cầu người nộp thuế cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra như hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, tình trạng đăng ký sửa dụng hoá đơn, sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế... Người nộp thuế có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra theo yêu cầu của cơ quan thuế. Đối với những thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế, thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, người nộp thuế có quyền từ chối cung cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi tiếp nhận các tài liệu do người nộp thuế cung cấp, Đoàn thanh tra có trách nhiệm kiểm đếm, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu đúng mục đích, không để thất lạc tài liệu. Trường hợp có căn cứ xác định người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế, Trưởng đoàn thanh tra ra quyết định niêm phong một phần hoặc toàn bộ tài liệu có liên quan tới nội dung thanh tra. Việc niêm phong, mở niêm phong khai thác tài liệu hoặc huỷ bỏ niêm phong thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Trong quá trình thực hiện Quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra thực hiện việc đối chiếu thông tin trong hồ sơ khai thuế với sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu có liên quan, khi cần thiết có thể tiến hành kiểm kê tài sản của người nộp thuế trong phạm vi nội dung của Quyết định thanh tra thuế để phát hiện, làm rõ các vấn đề, các sự kiện và kết luận chính xác, trung thực, khách quan về nội dung thanh tra.

- Đối với những sự việc, tài liệu phản ánh chưa rõ, chưa đủ cơ sở kết luận, Đoàn thanh tra chuẩn bị chi tiết nội dung yêu cầu người nộp thuế giải trình bằng văn bản. Trường hợp giải trình bằng văn bản của người nộp thuế chưa rõ, Đoàn thanh tra tổ chức đối thoại, chất vấn người nộp thuế để làm rõ nội dung và trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Cuộc đối thoại, chất vấn phải được lập biên bản có chữ ký xác nhận của các bên và được ghi âm trong trường hợp cần thiết.

- Trường  hợp cần thiết phải giám định tài liệu, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định. Đoàn thanh tra lập biên bản thu giữ tài liệu ghi rõ tình trạng của tài liệu đó (kể cả hiện vật nếu có) để chuyển cơ quan giám định.

- Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến tổ chức, cá nhân khác, hoặc dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế có tính chất phức tạp thì cơ quan thuế có quyền áp dụng các biện pháp trong thanh tra theo quy định tại Điều 89, Điều 90, Điều 91 của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn tại mục III Phần này.

- Đoàn thanh tra thực hiện lập hồ sơ chứng lý thanh tra làm tài liệu gốc để lập Biên bản thanh tra, gồm có các biên bản ghi nhận kết quả đối chiếu; các bản sao chụp các tài liệu có liên quan (kể cả tài liệu ghi âm, ghi hình); biên bản kiểm kê kho quỹ và ghi nhận kết quả làm việc của thành viên Đoàn thanh tra, với các đối tượng có liên quan của doanh nghiệp; các tài liệu, báo cáo của doanh nghiệp lập theo yêu cầu của Đoàn thanh tra hoặc các bảng kê tài liệu, số liệu mà đoàn thanh tra lập cùng với người nộp thuế...

5.3. Lập biên bản thanh tra thuế:

Biên bản thanh tra thuế phải được lập theo mẫu số 04/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này và được ký trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thanh tra.

Biên bản thanh tra thuế phải có các nội dung sau đây:

- Các căn cứ pháp lý để lập biên bản.

- Mô tả nội dung đã thanh tra, kết quả đối chiếu của đoàn thanh tra với số liệu kê khai, báo cáo của người nộp thuế; giải thích lý do, nguyên nhân; đưa ra các bằng chứng thanh tra.

- Kết luận về từng nội dung đã tiến hành thanh tra, xác định hành vi vi phạm, mức độ vi phạm; xử lý vi phạm theo thẩm quyền; kiến nghị biện pháp xử lý không thuộc thẩm quyền của Đoàn thanh tra.

 Biên bản thanh tra phải được công bố công khai trước Đoàn thanh tra và người nộp thuế được thanh tra. Biên bản thanh tra phải được Trưởng đoàn thành tra và người nộp thuế (hoặc đại diện hợp pháp của người nộp thuế) ký vào từng trang, đóng dấu của người nộp thuế (nếu có). 

Người nộp thuế được quyền nhận Biên bản thanh tra thuế, yêu cầu giải thích nội dung Biên bản thanh tra thuế và bảo lưu ý kiến trong Biên bản thanh tra thuế.

6. Báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra:

6.1. Chậm nhất mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo Kết luận thanh tra gửi người ra quyết định thanh tra.

6.2. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau đây:

- Kết luận cụ thể về từng nội dung đã tiến hành thanh tra;

- Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);

- Ý kiến khác nhau giữa thành viên Đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra (nếu có);

- Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng; kiến nghị biện pháp xử lý;

- Các quy định của pháp luật làm căn cứ để xác định tính chất, mức độ vi phạm và kiến nghị biện pháp xử lý.

Báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra trình người ra kết luận thanh tra phải có đầy đủ ý kiến tham gia bằng văn bản của các thành viên trong đoàn thanh tra. Ý kiến tham gia phải khẳng định có đồng ý hay không đồng ý với báo cáo, dự thảo kết luận của trưởng đoàn về nội dung công việc của bản thân mình trực tiếp làm và các nội dung do người khác thực hiện; trường hợp không đồng ý thì phải nêu rõ lý do.

7. Kết luận thanh tra và lưu hành quyết định thanh tra

7.1. Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả thanh tra thuế, Thủ trưởng cơ quan thuế đã ra Quyết định thanh tra thuế phải có văn bản Kết luận thanh tra thuế theo mẫu số 06/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này.

7.2. Kết luận thanh tra thuế phải có các nội dung sau đây:

- Đánh giá việc thực hiện pháp luật về thuế của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra thuế;

- Kết luận về nội dung được thanh tra thuế;

- Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);

- Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

7.3. Trong quá trình ra văn bản Kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thuế đã ra Quyết định thanh tra thuế có quyền yêu cầu trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra Kết luận thanh tra thuế.

7.4. Kết luận thanh tra phải được gửi cho người nộp thuế là đối tượng thanh tra, cơ quan thuế quản lý trực tiếp (trong trường hợp cơ quan thuế cấp trên ra quyết định thanh tra) hoặc cơ quan thuế cấp trên (trong trường hợp cơ quan thuế quản lý trực tiếp ra quyết định thanh tra).

8. Trường hợp người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật thuế, căn cứ kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp ra quyết định ấn định thuế và quyết định xử phạt hành chính đối với người nộp thuế.

Trường hợp mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của người nộp thuế vượt quá thẩm quyền xử phạt của người ra quyết định thanh tra, trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ký Kết luận thanh tra, người  ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế (kèm theo Biên bản thanh tra, Kết luận thanh tra thuế) và thông báo cho người nộp thuế biết. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, người nhận đề nghị xử phạt vi phạm hành chính về thuế phải chuyển lại hồ sơ và có văn bản thông báo lý do cho người ra quyết định thanh tra biết. Nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của mình, người nhận đề nghị xem xét để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời hạn ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày ký Biên bản thanh tra.

III. Thủ tục áp dụng các biện pháp trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế

1. Thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế:

Thủ trưởng cơ quan thuế có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp.

1.1. Cung cấp thông tin bằng văn bản:

- Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin được lập theo mẫu số 07/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này và phải được gửi trực tiếp đến tổ chức, cá nhân được yêu cầu  cung cấp thông tin.

- Thời điểm để tính thời hạn cung cấp thông tin là thời điểm giao văn bản yêu cầu cung cấp thông tin cho người có trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc cho người thứ ba có trách nhiệm chuyển văn bản đến người có trách nhiệm cung cấp thông tin.

- Văn bản cung cấp thông tin phải bảo đảm định danh được người có trách nhiệm cung cấp thông tin. Trường hợp người cung cấp thông tin là đại diện của tổ chức nộp thuế thì văn bản phải có chữ ký, họ tên, chức danh của người cung cấp thông tin và đóng dấu của tổ chức. Trường hợp người cung cấp thông tin là cá nhân thì văn bản phải có chữ ký, họ tên, số giấy chứng minh nhân dân hoặc thông tin tương đương khác của người cung cấp thông tin.

- Cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thời hạn cơ quan thuế yêu cầu; trường hợp không thể cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

1.2. Cung cấp thông tin bằng trả lời trực tiếp:

- Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin bằng trả lời trực tiếp được lập theo mẫu số 08/KTTT  ban hành kèm theo Thông tư này và phải có các nội dung chủ yếu sau:  Tên tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, nội dung thông tin cần cung cấp, tài liệu cần mang theo, thời gian, địa điểm có mặt.

- Thanh tra viên thuế được giao nhiệm vụ thu thập thông tin phải xuất trình thẻ thanh tra viên thuế khi thu thập thông tin.

- Địa điểm thu thập thông tin là trụ sở cơ quan thuế .

-  Khi thu thập thông tin, thanh tra viên thuế phải lập biên bản mẫu số 09/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó có các nội dung chính sau đây:

+ Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, nội dung hỏi và trả lời, tài liệu cung cấp, việc ghi âm, ghi hình, chữ ký của người cung cấp thông tin và chữ ký của thanh tra viên thuế thực hiện khai thác thông tin.

+ Người cung cấp thông tin  được đọc hoặc nghe nội dung biên bản, ghi ý kiến trong biên bản.

+ Người cung cấp thông tin được giữ một bản biên cung cấp thông tin.

- Người có trách nhiệm cung cấp thông tin được cơ quan thuế chi trả chi phí đi lại, ăn ở theo chế độ quy định.

- Cơ quan thuế có trách nhiệm giữ bí mật về người cung cấp thông tin,  văn bản, tài liệu, bút tích, chứng cứ thu thập được từ người cung cấp thông tin.

2. Tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế:

2.1. Thủ trưởng cơ quan thuế, Trưởng đoàn thanh tra thuế có quyền quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

 Quyết định tạm giữ tang vật, tài liệu phải được lập theo mẫu số 10/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này và thể hiện các nội dung chính sau: tài liệu, tang vật bị tạm giữ, người thực hiện tạm giữ, cách thức tạm giữ (niêm phong tại chỗ, đưa đến nơi tạm giữ khác), thời gian tạm giữ. Quyết định tạm giữ được giao cho người có tài liệu, tang vật bị tạm giữ.

2.2. Việc tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế được áp dụng khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để có quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

2.3. Trong quá trình thanh tra thuế, nếu đối tượng thanh tra có biểu hiện tẩu tán, tiêu hủy tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì thanh tra viên thuế đang thi hành nhiệm vụ được quyền tạm giữ tài liệu, tang vật đó.

Trong thời hạn hai mươi bốn giờ, kể từ khi tạm giữ tài liệu, tang vật, thanh tra viên thuế phải báo cáo thủ trưởng cơ quan thuế hoặc trưởng đoàn thanh tra thuế ra quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật.

Trong thời hạn tám giờ làm việc, kể từ khi được báo cáo, người có thẩm quyền phải xem xét và ra quyết định tạm giữ. Trường hợp người có thẩm quyền không đồng ý việc tạm giữ thì thanh tra viên thuế phải trả lại tài liệu, tang vật trong thời hạn tám giờ làm việc.

2.4. Khi tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế, thanh tra viên thuế phải lập Biên bản tạm giữ theo mẫu số 11/KTTT  ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản tạm giữ phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại của tài liệu, tang vật bị tạm giữ; chữ ký của người thực hiện tạm giữ, người đang quản lý tài liệu, tang vật vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tài liệu, tang vật tạm giữ và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tài liệu, tang vật bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng.

Trong trường hợp tài liệu, tang vật cần được niêm phong thì việc niêm phong phải được tiến hành trước mặt người có tài liệu, tang vật; nếu người có tài liệu, tang vật vắng mặt thì việc niêm phong phải được tiến hành trước mặt đại diện gia đình hoặc đại diện tổ chức và đại diện chính quyền cấp xã, người chứng kiến.

2.5. Tang vật là tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý và những vật thuộc diện quản lý đặc biệt phải được bảo quản theo quy định của pháp luật; tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay để tránh tổn thất; tiền thu được phải được gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước để bảo đảm cho việc thu đủ tiền thuế, tiền phạt.

2.6. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải ra Quyết định xử lý tài liệu, tang vật bị tạm giữ theo mẫu số 12/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này, xử lý những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tài liệu, tang vật bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tài liệu, tang vật có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh, nhưng tối đa không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày tạm giữ tài liệu, tang vật. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tài liệu, tang vật phải do người có thẩm quyền theo quy định tại điểm 2.1 mục này quyết định. Việc trả lại tài liệu, tang vật tạm giữ cho người có tang vật phải được lập thành biên bản ghi nhận giữa các bên theo mẫu số 13/KTTT ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với tài liệu người nộp thuế sử dụng hàng ngày, cơ quan thuế được giữ tối đa là ba ngày làm việc; Đối với tài liệu lưu trữ thì cơ quan thuế được giữ tối đa là mười ngày làm việc. Trường hợp trả tài liệu tạm giữ theo thời hạn này thì cơ quan thuế không phải ra quyết định xử lý tài liệu.

2.7. Cơ quan thuế phải giao một bản Quyết định tạm giữ, Biên bản tạm giữ, Quyết định xử lý tài liệu, tang vật, biên bản trả tài liệu, tang vật cho tổ chức, cá nhân có tài liệu, tang vật bị tạm giữ.

2.8. Trường hợp tài liệu, tang vật bị mất, đánh tráo, hư hỏng hoặc trả quá thời hạn, gây thiệt hại cho người có tài liệu, tang vật thì cơ quan thuế có trách nhiệm bồi thường  thiệt hại cho người có tài liệu, tang vật bị tạm giữ theo quy định của pháp luật.

3. Khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế:

3.1. Việc khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật được tiến hành khi có căn cứ về việc cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

3.2. Thủ trưởng cơ quan thuế có quyền quyết định khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Trường hợp nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế là nơi ở thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý địa bàn nơi có địa điểm bị khám.

Quyết định khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật được lập theo mẫu số 14/KTTT  ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm nội dung chủ yếu sau đây: địa điểm khám, thành phần của đoàn khám, thời gian khám, hiệu lực của quyết định.

3.3. Không được khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế vào ban đêm, ngày lễ, ngày tết, khi người chủ nơi bị khám có việc hiếu, việc hỉ, trừ trường hợp phạm pháp quả tang và phải ghi rõ lý do vào biên bản.

3.4. Khi khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật phải có mặt người chủ nơi bị khám và người chứng kiến. Khi khám tại trụ sở của cơ quan, tổ chức thì phải có mặt của đại diện cơ quan, tổ chức. Trường hợp người chủ nơi bị khám, người đại diện của cơ quan, tổ chức vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người chứng kiến.

3.5. Những người có mặt khi khám không được rời khỏi nơi khám, không được trao đổi, liên lạc với nhau cho đến khi khám xong.

3.6. Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế đều phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản theo mẫu số 15/KTTT  ban hành kèm theo Thông tư này. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật phải được giao cho người chủ nơi bị khám một bản.

3.7. Biên bản khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế bao gồm các nội dung chính sau đây:

- Lý do khám, số quyết định khám hoặc tên thủ trưởng cơ quan thuế đồng ý cho tiến hành khám. Văn bản của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý địa bàn nơi có địa điểm bị khám (nếu là nơi ở).

- Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc;

- Người thực hiện khám;

- Địa điểm khám;

- Chủ nơi khám hoặc người quản lý nơi khám;

- Những tài liệu, tang vật phát hiện sau khi khám;

- Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền xử lý tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Phần I.

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHỞI KIỆN

I. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, khởi kiện

1. Người nộp thuế, cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với các quyết định hành chính sau của cơ quan thuế:

1.1. Quyết định ấn định thuế; Thông báo nộp thuế;

1.2. Quyết định miễn thuế, giảm thuế;

1.3. Quyết định hoàn thuế;

1.4. Quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế;

1.5. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

1.6. Kết luận thanh tra thuế;

1.7. Quyết định giải quyết khiếu nại;

1.8. Các quyết định hành chính khác theo quy định của pháp luật.

Các văn bản của cơ quan thuế được ban hành dưới hình thức công văn, thông báo... nhưng chứa đựng nội dung quyết định của cơ quan thuế áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý thuế cũng được coi là quyết định hành chính của cơ quan thuế.

2. Người nộp thuế, cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với các hành vi hành chính của cơ quan thuế, công chức quản lý thuế, người được giao nhiệm vụ trong công tác quản lý thuế khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Hành vi hành chính được thể hiện bằng hành động hoặc không hành động.

3. Đối tượng bị tố cáo, cơ quan thuế, công chức quản lý thuế, người được giao nhiệm vụ trong công tác quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, nếu thấy trái pháp luật thì kịp thời sửa chữa, khắc phục để tránh phát sinh khiếu nại.

II. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan thuế các cấp

1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế các cấp được thực hiện như sau:

1.1. Chi cục trưởng Chi cục thuế có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

1.2. Cục trưởng Cục thuế có thẩm quyền:

1.2.1. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình; của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

1.2.2. Giải quyết khiếu nại mà Chi cục trưởng Chi cục thuế đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại.

1.3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có thẩm quyền:

1.3.1. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình; của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

1.3.2. Giải quyết khiếu nại mà Cục trưởng Cục thuế đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại.

1.4. Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền:

1.4.1. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình; của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

1.4.2. Giải quyết khiếu nại mà Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại.

2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan thuế các cấp được thực hiện như sau:

2.1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan thuế nào thì cơ quan thuế đó có trách nhiệm giải quyết.

2.2. Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan thuế nào thì người đứng đầu cơ quan thuế đó có trách nhiệm giải quyết.

2.3. Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan thuế nào thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan thuế đó có trách nhiệm giải quyết.

III. Thời hạn, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thời hạn, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra Quyết định giải quyết khiếu nại theo mẫu số 01/KNTC ban hành kèm theo Thông tư này.

IV. Tiếp người đến khiếu nại, tố cáo

1. Thủ trưởng cơ quan thuế có trách nhiệm trực tiếp tiếp và tổ chức việc tiếp người đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo; bố trí cán bộ có phẩm chất tốt, có kiến thức và am hiểu chính sách, pháp luật, có ý thức trách nhiệm làm công tác tiếp người đến khiếu nại, tố cáo.

Việc tiếp người đến khiếu nại, tố cáo phải được lập biên bản theo mẫu số 02/KNTC ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Việc tiếp người đến khiếu nại, tố cáo, đưa đơn khiếu nại, tố cáo được tiến hành tại nơi tiếp công dân. Cơ quan thuế phải bố trí nơi tiếp công dân thuận tiện, bảo đảm các điều kiện để người đến khiếu nại, tố cáo trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo được dễ dàng, thuận lợi.

Tại nơi tiếp công dân phải niêm yết lịch tiếp công dân, nội quy tiếp công dân.

3. Thủ trưởng cơ quan thuế có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định sau đây:

3.1. Chi cục trưởng Chi cục thuế mỗi tuần ít nhất một ngày;

3.2. Cục trưởng Cục thuế mỗi tháng ít nhất hai ngày;

3.3. Tổng cục trưởng Tổng cục thuế mỗi tháng ít nhất một ngày.

4. Người đứng đầu bộ phận làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại tố cáo có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định sau đây:

4.1. Ở cấp Chi cục thuế mỗi tuần ít nhất ba ngày;

4.2. Ở cấp Cục thuế mỗi tuần ít nhất hai ngày;

4.3. Ở cấp Tổng cục mỗi tháng ít nhất bốn ngày. 

V. Khởi kiện

Việc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuế, công chức thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

VI. Xử lý số thuế nộp thừa, số thuế nộp thiếu sau khi có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền

1. Cơ quan thuế phải hoàn trả tiền thuế, số tiền phạt thu không đúng và trả tiền lãi tính trên số tiền nộp thừa của tiền thuế, tiền phạt thu không đúng cho người nộp thuế, bên thứ ba trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ra quyết định giải quyết khiếu nại hoặc từ ngày nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Tiền lãi được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Quyết định của cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp số thuế phải nộp xác định tại quyết định giải quyết khiếu nại cao hơn so với số thuế phải nộp xác định tại quyết định hành chính bị khiếu nại thì người nộp thuế phải nộp đầy đủ số thuế còn thiếu trong thời hạn mười  ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại.

Phần K.

HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Các quy định khai thuế tháng bắt đầu áp dụng cho khai thuế của kỳ tính thuế tháng 7 năm 2007.

Các quy định khai thuế theo quý bắt đầu áp dụng cho khai thuế của kỳ tính thuế quý 3 năm 2007.

 Trong thời gian từ ngày 1 tháng 7 năm 2007 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008, chuyên viên chính, kiểm soát viên chính của cơ quan thuế được sử dụng các quyền hạn như thanh tra viên thuế trong quá trình thực hiện thanh tra thuế.

2. Bãi bỏ các nội dung hướng dẫn về quản lý thuế do Bộ Tài chính ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Ban bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- VP BCĐ TW về phòng chống tham nhũng ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;                   
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;

- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Sở Tài chính, Cục thuế các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Bộ Tài chính: các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, Website Bộ Tài chính;                     
- Lưu: VT, Vụ PC, TCT (VT, PCCS).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

THE MINISTRY OF FINANCE
 -------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

 No. 60/2007/TT-BTC

Hanoi, June 14, 2007

 

CIRCULAR

GUIDING THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON TAX ADMINISTRATION AND GUIDING THE IMPLEMENTATION OF THE GOVERNMENT’S DECREE No. 85/2007/ND-CP OF MAY 25, 2007, DETAILING THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON TAX ADMINISTRATION

THE MINISTRY OF FINANCE

Pursuant to November 29, 2006 Law No. 78/2006/QH11 on Tax Administration;
Pursuant to the laws, ordinances and decrees on taxes, charges, fees and other revenues of the state budget;
Pursuant to the Government’s Decree No. 85/2007/ND-CP of May 25, 2007, detailing the implementation of a number of articles of the Law on Tax Administration;
Pursuant to the Government’s Decree No. 77/2003/ND-CP of July 1, 2003, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance,
The Minister of Finance guides the implementation of a number of articles of the Law on Tax Administration and the Government’s Decree No. 85/2007/ND-CP of May 25, 2007, detailing the implementation of a number of articles of the Law on Tax Administration as follows:

Part A

GENERAL PROVISIONS

This Circular guides the implementation of tax administrative procedures specified in 2006 Law No. 78/2006/QH11 on Tax Administration and the Government’s Decree No. 85/2007/ND-CP of May 25, 2007, detailing the implementation of a number of articles of the Law on Tax Administration.

I. SCOPE OF REGULATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



II. SUBJECTS OF APPLICATION

1. Taxpayers defined in Article 2 of the Government’s Decree No. 85/2007/ND-CP include:

1.1. Organizations, households and individuals that pay taxes, charges, fees or other revenues of the state budget according to law.

1.2. Organizations that are tasked to collect charges and fees belonging to the state budget.

1.3. Organizations and individuals that withhold tax, including:

1.3.1 Organizations and individuals being Vietnamese parties to contracts with foreign organizations and individuals that carry on business in Vietnam not under the Investment Law and do not apply the Vietnamese accounting system;

1.3.2. Organizations and individuals withholding tax when paying incomes to persons who have incomes liable to income tax on high-income earners;

1.3.3. Organizations acting as shipping agents or foreign carriers’ agents and responsible for withholding business income tax on the shipping of cargoes from Vietnamese seaports to overseas seaports or between Vietnamese seaports;

1.3.4. Organizations providing tax procedure services;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Tax officials;

4. Other state agencies, organizations and individuals involved in the implementation of tax lawss.

III. CONTENTS OF TAX ADMINISTRATION GUIDED IN THIS CIRCULAR INCLUDE:

1. Tax declaration, tax calculation;

2. Tax assessment;

3. Tax payment;

4. Authorization of tax collection;

5. Responsibility to fulfill the tax obligation;

6. Procedures for tax exemption or tax reduction; remission of tax and fine arrears;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. Tax examination and tax inspection;

9. Settlement of complaints, denunciations and legal actions related to the implementation of tax laws.

IV. SCOPE AND CONTENTS OF TAX ADMINISTRATION NOT COVERED BY THIS CIRCULAR:

1. Provisions on administration of duties on exports and imports; administration of taxes on exploitation and export of crude oil.

2. Tax administration contents regarding tax registration and enforcement of tax-related administrative decisions and handling of tax laws violations.

V. DOCUMENTS FOR TRANSACTION WITH TAX AUTHORITIES

1. Documents for transaction with tax authorities include documents enclosed with tax dossiers; official letters, applications, requests and other documents sent by taxpayers, organizations authorizedd to collect taxes and other organizations and individuals to tax authorities.

2. Documents for transaction with tax authorities must be compiled, signed and issued by competent persons; the format of, signatures and seals appended on documents must comply with the provisions of law on paperwork.

3. Documents for transaction with tax authorities that are transmitted electronically must comply with the provisions of law on e-transactions.   

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The language used in tax dossier documents is Vietnamese. Foreign-language documents must be translated into Vietnamese and certified by district-level People’s Committees or overseas diplomatic missions or consular offices of the Socialist Republic of Vietnam according to their respective competence.

Consular legalization of papers and documents issued by competent foreign authorities is only compulsory in specific cases guided in this Circular.

VI. RECEIPT OF TAX DOSSIERS SENT TO TAX AUTHORITIES

1. If dossiers are submitted directly at tax authorities, tax officials shall receive and append seals of dossier receipt and record the time of dossier receipt and number of documents in dossiers.

2. If dossiers are sent by post, tax officials shall append seals showing the date of dossier receipt and record them in incoming-mail books of tax authorities.

3. If tax declaration dossiers are submitted electronically, tax authorities shall receive, check and accept them through the electronic data processing system.

4. In case of necessity to supplement dossiers, tax authorities shall notify such to taxpayers on the date of receipt of dossiers which are direct submitted to them, or within three working days from the date of receipt of dossiers sent by post or electronically.

VII. METHOD OF COUNTING TIME LIMITS FOR COMPLETING TAX ADMINISTRATIVE PROCEDURES

1. If a time limit is counted in days, those days are counted consecutively according to the calendar year, including weekends and holidays.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. If a time limit is counted from a given day, the starting date of the time limit is the day following the given day.

4. If the last day of the time limit for completing administrative procedures falls on a holiday provided by law, it is the day following that holiday.

5. The date on which a tax dossier is regarded as having been submitted for counting a time limit for performing tax-related administrative jobs is the date a tax agency receives a valid dossier with all required papers and documents.

Part B

TAX DECLARATION AND TAX CALCULATION

I. GENERAL PROVISIONS ON TAX DECLARATION AND TAX CALCULATION

1. Principles for tax calculation and tax declaration

1.1. Taxpayers shall calculate tax amounts payable into the state budget, except when tax authorities assess or calculate tax under the provisions of Articles 37 and 38 of the Law on Tax Administration.

1.2. Taxpayers shall fill in tax returns to be submitted to tax authorities according to forms set by the Ministry of Finance and in an accurate, honest and adequate manner, and submit all required documents of tax declaration dossiers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.4. For taxes to be declared on a monthly or quarterly basis, the first tax period is counted from the date of commencement of activities that give rise to tax liability to the last day of a month or quarter, and the last tax period is counted from the first day of a month or quarter to the date of termination of activities that give rise to tax liability. The annual tax period for business income tax or royalties tax is counted according to the fiscal year used by taxpayers. The annual taxation period for other taxes is the calendar year.

2. Tax declaration dossiers:

A tax declaration dossier consists of a tax return and relevant documents used by a taxpayer to declare and calculate tax to a tax agency.

Taxpayers shall use the set form of tax return and forms of annexes to the tax return set by the Ministry of Finance, may not change the format, add, put out or change the position of, any element in the tax return. Those kinds of paper in the tax dossier, of which forms are not set by the Ministry of Finance, must comply with relevant provisions of law.

3. Deadlines for submission of tax declaration dossiers

3.1. Deadline for submission of monthly tax declaration dossiers is the twentieth day of the month following the month in which the tax liability arises.

3.2. Deadline for submission of quarterly tax declaration dossiers is the thirtieth day of the quarter following the quarter in which the tax liability arises.

3.3. Deadline for submission of annual tax declaration dossiers is the thirtieth day of the first month of the calendar year or fiscal year.

3.4. Deadline for submission of tax declaration dossiers for each time of arising of tax liability is the tenth day from the date the tax liability arises.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.6. Deadline for submission of tax finalization dossiers in the case of termination of operation, expiration of contracts, corporate ownership transformation or reorganization is the forty fifth day from the date of termination, expiration, transformation or reorganization.

3.7. Deadline for submission of dossiers for declaration of taxes or other levies on land use under the inter-agency one-stop-shop mechanism is the deadline set in inter-branch guiding documents on the inter-agency one-stop-shop mechanism.

4. Extension of time limit for submission of tax declaration dossiers:        

4.1. Taxpayers who are unable to submit their tax declaration dossiers on time due to natural disasters, fires or accidents will enjoy an extension of the time limit for submission of tax declaration dossiers given by heads of tax authorities directly managing them.

4.2. An extension must not exceed thirty days for the submission of dossiers for monthly or annual tax declaration, temporarily calculated tax declaration or tax declaration for each time of arising of tax liability; or sixty days for the submission of dossiers for declaration for tax finalization, from the original deadline for submission of tax declaration dossiers.

4.3. Before the submission deadline, taxpayers shall send written requests for extension of the time limit for submission of tax declaration dossiers to tax authorities that receive tax declaration dossiers, clearly stating the extension reason certified by People’s Committees or police offices of communes, wards or townships where occurred the events that necessitate the extension.

4.4. Within five working days after receiving written requests for extension of the time limit for submission of tax declaration dossiers, tax authorities shall reply in writing taxpayers whether they approve the extension. If tax authorities make no written reply, taxpayers’ requests are considered approved.

5. Making additional declarations in tax declaration dossiers:

5.1. If taxpayers detect errors in their tax declaration dossiers already submitted to tax authorities which affect their payable tax amounts, they may make additional declarations in these tax declaration dossiers. Tax declaration dossiers with additional declarations may be submitted to tax authorities on any working day, not depending on the time limit for submission of subsequent tax declaration dossiers, before tax authorities announce their decisions on tax examination or inspection at taxpayers’ offices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5.3. If additional declarations in tax declaration dossiers lead to a decrease in their payable tax amounts, taxpayers may reduce tax and fine amounts (if any) on the last day of the month of submission of additionally declared dossiers, or clear decreased tax amounts against tax amounts arising in the next tax declaration.

5.4. Dossier forms for additional declaration:

- Tax return corresponding to the tax return subject to additional declaration or changes in declared information;

- Written explanation of additional declarations and changes, made according to form No. 01/KHBS enclosed with this Circular;

- Enclosed documents explaining figures in the written explanation of additional declarations and changes, corresponding to documents in a tax dossier guided in specific sections of this Circular.

II. DECLARATION OF VALUE-ADDED TAX

1. Responsibility to submit value-added tax declaration dossiers to tax authorities:

1.1. Taxpayers shall submit value-added tax declaration dossiers to tax authorities directly managing them.

1.2. For taxpayers that have subsidiary units conducting business in the province or city where taxpayers’ head offices are located: If these subsidiary units conduct independent accounting, they shall submit value-added tax declaration dossiers to tax authorities directly managing them. If these subsidiary units conduct dependent accounting, taxpayers shall make a common value-added tax declaration for both themselves and their subsidiary units.     

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.3. For taxpayers that have subsidiary units conducting business outside province or city where taxpayers’ head offices are located, these subsidiary units shall submit value-added tax declaration dossiers to tax authorities directly managing them. If these subsidiary units do not directly sell goods and have no sale turnover, they shall all make tax declaration at taxpayers’ head offices.

1.4. If taxpayers conduct business activities of construction, installation or itinerary goods sale without establishing subsidiary units outside the province or city where their head offices are located (below referred to as extra-provincial mobile construction, installation or goods sale business), they shall submit tax declaration dossiers to district-level tax departments of the localities where such construction, installation or goods sale activities are conducted.

1.5. For extra-provincial construction and installation work, which are carried out in many localities, such as roads, power transmission lines, water or petroleum pipelines, etc., thus making it impossible to determine the turnover of each work in each locality, taxpayers shall declare value-added tax on extra-provincial construction and installation turnover in value-added tax declaration dossiers at their head offices.

2. Value-added tax declaration is made on a monthly basis and the following cases:

- Annual finalization declaration for value-added tax calculated directly on the basis of added value;

- Declaration of temporarily calculated value-added tax for each time of arising of tax liability for extra-provincial mobile construction, installation or goods sale business activities;

- Declaration of value-added tax for each time of arising of tax liability for value-added tax calculated directly on the basis of sale turnover of persons engaged in irregular business.

3. Declaration of value-added tax calculated by the credit method:

3.1. Taxpayers that calculate value-added tax by the tax credit method include enterprises, economic organizations and their subsidiary units conducting accounting and using invoices and documents according to regulations, except those applying the method of calculating tax directly on the basis of added value defined in Clause 4 of this Section.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A value-added tax return, made according to form No. 01/GTGT enclosed with this Circular;

- A list of invoices and vouchers of sold goods and services, made according form No. 01-1/GTGT enclosed with this Circular;

- A list of invoices and vouchers of purchased goods and services, made according to form No. 01-2/GTGT enclosed with this Circular;

- An explanation of additional declarations and information changes, made according to form No. 01-3/GTGT enclosed with this Circular (applicable to taxpayers that make, in the tax declaration period, additional declarations or changes in the tax declaration dossier of the previous tax declaration period);

- A table of allocation of value-added tax amounts of purchased goods and services creditable in the month, made according to form No. 01-4/GTGT enclosed with this Circular (applicable to taxpayers that allocate value-added tax amounts creditable in the month according to the ratio (%) of turnover of sold value-added tax-liable goods and service to total turnover of sold goods and services in the tax month);

- A list of adjustments to allocated input value-added tax amounts creditable in the year, made according to form No. 01-4/GTGT enclosed with this Circular (applicable to taxpayers that re-allocate value-added tax amounts creditable in the year according to ratio (%) of turnover of sold value-added tax-liable goods and service to total turnover of sold goods and services in the year). Adjusted (increased or decreased) figures of creditable allocated value-added tax amounts shall be reflected in monthly value-added tax returns of three subsequent years.

- A list of paid value-added tax amounts for turnover from extra-provincial mobile construction, installation or goods sale, made according to form No. 01-5/GTGT enclosed with this Circular.

3.3. Taxpayers that have new investment projects for which only input tax arises shall make separate tax declaration dossiers for these investment projects. A dossier of monthly declaration of value-added tax for an investment project comprises:

- A value-added tax return for the investment project, made according to form No. 02/GTGT enclosed with this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Declaration of value-added tax calculated directly on the basis of added value:

4.1. Business households and individuals and taxpayers trading in gold, silver, gems or foreign currencies and keeping adequate purchase and sale invoices for added value determination may declare value-added tax calculated directly on the basis of added value.

4.2. Dossiers of monthly declaration of value-added tax calculated directly on the basis of added value are value-added tax returns made according to form No. 03/GTGT enclosed with this Circular.

4.3. Dossiers of declaration for annual finalization of value-added tax calculated directly on the basis of added value are value-added tax finalization returns made according to form No. 04/GTGT enclosed with this Circular.

 5. Declaration of value-added tax calculated directly on the basis of turnover:

5.1. Business households, individuals and organizations that keep adequate invoices and vouchers of goods sold or service provided but inadequate purchase invoices and vouchers of input goods or services and, therefore, cannot determine added value in the period may declare value-added tax calculated directly on the basis of turnover.

5.2. Dossiers of monthly declaration of value-added tax calculated directly on turnover are value-added tax returns made according to form No. 05/GTGT enclosed with this Circular.

5.3. Dossiers of value-added tax declaration for each time of arising of tax liability calculated directly on the basis of turnover are value-added tax returns made according to form No. 05/GTGT enclosed with this Circular.

6. Declaration of value-added tax for extra-provincial mobile construction, installation or goods sale business activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6.2. Dossiers of value-added tax declaration for extra-provincial mobile construction, installation or goods sale business activities are value-added tax returns, made according to form No. 06/GTGT enclosed with this Circular.

6.3. Dossiers of value-added tax declaration for extra-provincial mobile construction, installation or goods sale business activities shall be submitted for each time of arising of turnover. If tax declaration dossiers need to be submitted many times in a month, taxpayers may register monthly submission of value-added tax declaration dossiers with district-level tax departments where tax declaration dossiers are submitted.

6.4. When declaring tax with tax authorities directly managing them, taxpayers shall reflect all turnover amounts arising from extra-provincial mobile construction, installation or goods sale business and value-added tax amounts paid for these turnover amounts in tax declaration dossiers of their head offices. Tax amounts (according to tax receipts) paid for turnover from extra-provincial mobile construction, installation or goods sale will be subtracted from payable value-added tax amounts stated in taxpayers’ value-added tax returns of their head offices.

7. Change of applied value-added tax calculation methods.

7.1. Cases of change of applied value-added tax calculation methods.

Taxpayers currently applying the method of calculating value-added tax directly on the basis of added value and satisfying all the conditions for application of the credit method specified at Point 3.1 of this Section may send written requests, made according to form No. 07/GTGT enclosed with this Circular, to tax authorities directly managing them for permission to apply the credit method. 

Taxpayers currently applying the method of calculating value-added tax directly on the basis of turnover and satisfying all the conditions for application of the method of calculating value-added tax directly on the basis of added value specified at Point 4.1 of this Section may send written requests, made according to form No. 07/GTGT enclosed with this Circular, to tax authorities directly managing them for permission to apply the method of calculating value-added tax directly the basis of on added value.

7.2. Within ten working days from the date of receipt of taxpayers’ written requests for change of value-added tax calculation methods, tax authorities shall check and reply in writing to taxpayers on approval or disapproval of taxpayers’ requests. Taxpayers may change their tax calculation methods only after obtain tax authorities’ approval.

7.3. If taxpayers that have changed, with tax authorities’ approval, from the direct tax calculation method to the credit tax calculation method or from the method of calculating tax directly on the basis of turnover to the method of calculating tax directly on the basis of added value fail to maintain the required conditions in the course of application, tax authorities directly managing them shall apply the method of tax assessment and issue notices requiring them to change to an appropriate tax calculation method.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8.1. Declaration of value-added tax for agency activities:

- Taxpayers that are sale agents for goods or services liable to value-added tax shall declare tax on turnover from consigned goods sale and their agent commissions.

- Taxpayers that are collection and purchase agents in various forms shall declare value-added tax on goods they have collected and purchased and their commissions.

- Taxpayers that are ticket sale agents for postal services, lotteries, airfares, car, train or ship fares or insurance agents and sell these services, fares or insurance at prices set by their principals for commissions are not required to declare value-added tax on turnover from goods or services they have sold and their agent commissions.

- Taxpayers that are sale agents for goods or services not liable to value-added tax are not required to declare value-added tax on turnover from those goods or services and their agent commissions.

8.2. Transportation business enterprises shall submit dossiers of declaration of value-added tax on transportation business activities to tax authorities directly managing them.

8.3. Taxpayers that calculate tax by the tax credit method and trade in gold, silver, gems and foreign currencies shall make value-added tax declaration as follows:

- For activities of dealing in goods or services on which tax is calculated by the credit method, taxpayers shall make tax declaration dossiers under the provisions of Clause 3 of this Section.

- For activities of trading in gold, silver, gems and foreign currencies, taxpayers shall make tax declaration dossiers under the provisions of Clause 4 or 5 of this Section.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8.5. Tax declaration by import or export business establishments undertaking entrusted import of goods liable to value-added tax:

Establishments that undertake entrusted import of goods liable to value-added tax are not required to declare value-added tax on goods they have imported under entrustment but shall separately declare invoices made for these goods which have been delivered to import-entrusting parties in the list of added value invoices for goods sold, made according to form No. 01-1/GTGT enclosed with this Circular and submit them to tax authorities directly managing them.

8.6. In some cases, lists of purchased or sold goods or services to be enclosed with monthly tax returns submitted to tax authorities are made as follows:

- For goods and services retailed directly to consumers, such as electricity, water, petrol, oil, postal services, hotel and catering services, passenger transportation services, trading of gold, silver, gems and foreign currencies and other retailed goods and services, retail sale turnover may be declared in total amounts instead of amounts stated in separate invoices.

- For goods and services purchased in small quantities, general lists of different groups of goods or services subject to the same tax rate may be made instead of detailed listing according to separate invoices.

- For banking service establishments with dependent accounting units located in the same locality, these dependent units shall make lists of purchased or sold goods and services for keeping at the head offices. When making general lists of purchased or sold goods and services, head offices shall sum up only aggregate figures on lists of made by dependent units.

9. Declaration of value-added tax for determining payable value-added tax amounts by the presumption method complies with the provisions of Section XI of this Section.

III. DECLARATION OF BUSINESS INCOME TAX

1. Responsibility to submit business income tax declaration dossiers to tax authorities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.2. If taxpayers have subsidiary units that conduct independent accounting, these subsidiary units shall submit dossiers of declaration of business income tax arising at their units to tax authorities directly managing them.

1.3. If taxpayers have subsidiary units that conduct dependent accounting, these subsidiary units are not required to submit business income tax declaration dossiers. When submitting business income tax declaration dossiers, taxpayers shall make for their head offices common declarations that also include tax amounts arising at their subsidiary units.     

1.4. For economic groups and corporations that have member units conducting dependent accounting, if these member units can account their turnovers, expenditures and taxable incomes, they shall declare and pay business income tax to tax authorities directly managing them.

If member units conduct business activities different from common business lines of groups or corporations and can separately account incomes from these business activities, they shall declare business income tax to tax authorities directly managing them.

In case of necessity to make tax declaration at variance with the guidance at this Point, economic conglomerates and corporations shall report it to the Ministry of Finance for separate guidance.

1.5. Taxpayers shall submit dossiers of declaration of business income tax on incomes from transfer of land use rights or land lease right to district-level tax departments of localities where exists the land in question.

If dossiers of declaration of business income tax on incomes from transfer of land use rights or land lease right are submitted under the inter-agency one-stop-shop mechanism, regulations on the inter-agency one-stop-shop mechanism must be complied with.

2. Business income tax declaration is declaration of tax temporarily calculated on a quarterly basis, declaration for annual finalization or declaration for finalization up to the time of termination of business operation or contracts, transformation of corporate ownership or corporation reorganization, and declaration in the following cases:

- Declaration of temporarily calculated business income tax for each transfer of land use rights or land lease right, applicable to business organizations not regularly transferring land use rights or land lease right.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Declaration of business income tax withheld from monthly agent commissions.

3. Declaration of business income tax temporarily calculated on a quarterly basis:

Dossiers of declaration of business income tax temporarily calculated on a quarterly basis are quarterly business income tax returns, made according to form No. 01A/TNDN enclosed with this Circular.

If taxpayers cannot declare expenses actually arising in the tax period, form No. 01B/TNDN of quarterly business income tax returns enclosed with this Circular will be used. The basis for calculation of business incomes in a quarter is the previous year’s ratio of taxable income to turnover. If taxpayers have been examined or inspected by tax authorities and the ratio of taxable income to turnover according to the examination or inspection results is different from that declared by taxpayers, the tax authorities’ examination or inspection results must be followed.

For taxpayers declaring business income tax on transfer of land use rights or land lease right, a tax declaration dossier contains also an annex of turnover from transfer of land use rights or land lease right, made according to form No. 01-1/TNDN enclosed with this Circular.

4. Declaration of business income tax for each time of transfer of land use rights or land lease right:

4.1. Business organizations not regularly involved in transfer of land use rights or land lease right shall declare business income tax temporarily calculated for each time of transfer of land use rights or land lease right.

Business organizations regularly involved in transfer of land use rights or land lease right and wishing to pay tax for each time of transfer may declare tax like those not regularly involved in transfer of land use rights or land lease right.

4.2. Dossiers of declaration of business income tax for each time of transfer of land use rights or land lease right are returns of business income tax on transfer of land use rights or land lease right, made according to form 02/TNDN enclosed with this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Declaration for finalization of business income tax:

5.1. Declaration for finalization of business income tax includes declaration for annual finalization of business income tax or declaration for finalization of business income tax up to the time of termination of business operation or contracts, transformation of corporate ownership or corporate reorganization.

5.2. A dossier of declaration for finalization of business income tax comprises:

- A business income tax return for finalization, made according to form 03/TNDN enclosed with this Circular;

- An annual financial statement or a financial statement up to the time of termination of business operation or contracts, transformation of corporate ownership or corporate reorganization;

- One or several annexes to the return (depending on the taxpayer’s actually arising tax liability):

+ Annex of production and business operation results, made according to forms No. 03-1A/TNDN, No. 03-1B/TNDN, No. 03-1C/TNDN enclosed with this Circular.

+ Annex of losses carried forward, made according to form No. 03-2/TNDN enclosed with this Circular.

+ Annex of business income tax on transfer of land use rights or land lease right, made according to form No. 03-3/TNDN enclosed with this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Annex of business income tax amounts already paid abroad and creditable in the taxation period, made according to form No. 03-5/TNDN enclosed with this Circular.

6. Declaration of business income tax calculated according to the ratio of income to turnover:

6.1. Taxpayers that properly comply with regulations on goods or service sale invoices or vouchers and can determine taxable turnover but cannot determine expenses and taxable incomes; or taxpayers that generate turnover from irregular business activities and use goods sale invoices supplied on a case-by-case basis at tax authorities for these business activities shall declare business income tax calculated according to the ratio of income to taxable turnover.

6.2. Dossiers of declaration of business income tax calculated according to the ratio of income to taxable turnover are returns of business income tax calculated based on the ratio to income on turnover, made according to form No. 04/TNDN enclosed with this Circular.

7. Declaration of business income tax withheld from agent commissions:

7.1. Taxpayers that sign agency contracts with households or individuals acting as service agents to sell their goods at set prices for commissions shall withhold business income tax equal to 5% of commission amounts to be paid to agents (including also supports for agents under contracts signed with taxpayers).

7.2. Dossiers of declaration of business income tax withheld from agent commissions are returns of business income tax withheld from agent commissions, made according to form No. 05/TNDN enclosed with this Circular.

8. Declaration of business income tax for determining payable business income tax amounts by the presumption method complies with the provisions of Section XI of this Part.

IV. DECLARATION OF SPECIAL CONSUMPTION TAX

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.1. Taxpayers that produce or process goods or provide services liable to special consumption tax; are engaged in export business and purchase goods for which special consumption tax has not been paid, and then do not export but sell goods at home shall submit special consumption tax declaration dossiers to tax authorities directly managing them.

1.2. If taxpayers producing goods liable to special consumption tax sell goods through their branches, stores, subsidiary units or sale agents that sell goods at set prices for commissions, or consign goods for sale, they shall declare special consumption tax on the whole quantity of these goods with tax authorities directly managing them. Branches, stores, subsidiary units, agents or units selling consigned goods are not required to declare special consumption tax but shall send lists of goods sold to both taxpayers and tax authorities directly managing branches, subsidiary units, agents or units selling consigned goods for monitoring.

2. Declaration of special consumption tax is made on a monthly basis. For goods purchased for export but sold at home, declaration must be made for each time of arising of tax liability.

3. A special consumption tax declaration dossier comprises:

- A special consumption tax declaration return, made according to form No. 01/TTDB enclosed with this Circular;

- A list of invoices of goods and services liable to special consumption tax, made according to form No. 01-1/TTDB enclosed with this Circular;    

- A list of creditable special consumption tax amounts (if any), made according to form No. 01-2/TTDB enclosed with this Circular;

4. Declaration of special consumption tax for determining payable special consumption tax amounts by the presumption method complies with the provisions of Section XI of this Part.

V. DECLARATION OF ROYALTIES TAX

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.1. Taxpayers shall submit their royalties tax declaration dossiers to tax authorities directly managing them.

1.2. If units collecting and purchasing natural resources register for payment of royalties tax on behalf of units exploiting natural resources, they shall submit royalties tax declaration dossiers to district-level tax departments of localities where natural resources are exploited.

2. Declaration of royalties tax is monthly declaration and declaration for annual finalization or declaration for finalization up to the time of termination of natural resources exploitation or business activities or contracts, transformation of corporate ownership or corporate reorganization.

3. Royalties tax declaration dossiers:

3.1. A dossier of monthly royalties tax declaration comprises:

- A royalties tax return applicable to natural resources-exploiting establishments, made according to form No. 01/TAIN enclosed with this Circular; or

- A return of royalties tax paid on behalf of exploiters applicable to natural resources-collecting and –purchasing establishments, made according to form No. 02/TAIN enclosed with this Circular.

3.2. A dossier of declaration for royalties tax finalization comprises:

- A royalties tax return for finalization, made according to form No. 03/TAIN enclosed with this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Declaration of royalties tax for determining payable royalties tax amounts by the presumption method complies with the provisions of Section XI of this Part.

VI. DECLARATION OF INCOME TAX ON HIGH-INCOME EARNERS (BELOW REFERRED TO AS PERSONAL INCOME TAX)

1. Declaration of personal income tax on regular incomes:

1.1. Responsibility to submit dossiers of declaration of personal income tax on regular incomes:

- Organizations and individuals that pay regular incomes liable to personal income tax shall withhold tax at source, and declare and pay tax on behalf of taxable income earners.

- Organizations and individuals shall withhold personal income tax temporarily calculated at the rate of 10% of income amounts of VND 500,000 or more each which are paid to individuals having no labor contracts, including agency or brokerage commissions (including bonuses), copyright royalties, lecturing remunerations; patent, mark or copyrighted work licensing fees; remunerations for participation in projects, business associations, boards of directors or members’ councils; scientific, technical, informatics, consultancy, designing, architectural or training services, performing activities, sports and physical training activities, and other payments liable to personal income tax.

- Individuals who have regular incomes at a level liable to personal income tax shall register for tax payment directly with tax authorities.

1.2. Places of submission of dossiers of declaration of personal income tax on regular incomes:

- Taxpayers engaged in production or business activities shall submit their tax declaration dossiers to tax authorities directly managing them.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.3. Declaration of personal income tax on regular incomes is declaration of tax temporarily calculated on a monthly basis and declaration for annual finalization.

A taxpayer who has a total monthly tax amount of less than five million dong may declare tax for temporary tax payment on a quarterly basis. Whether tax payment declaration can be made on a quarterly basis must be determined annually and based on the total tax amount arising in the first month of the year.

If individuals who register for tax payment directly with tax authorities and can determine stable monthly incomes in a year, they shall submit their dossiers of declaration of temporarily calculated tax for only the first month and pay personal income tax amounts for subsequent months according to the tax amount declared for the first month, except when there is a change in their incomes.

1.4. Personal income tax declaration dossiers for tax withheld at source:

1.4.1. Personal income tax declaration dossiers for tax withheld according to the partially progressive tariff are personal income tax returns for tax withheld according to the partially progressive tariff, made according to form No. 01/TNCN enclosed with this Circular.

1.4.2. Personal income tax declaration dossiers for tax withheld at the rate of 10% of paid income amounts are personal income tax returns for tax withheld at the rate of 10%, made according to form No. 02/TNCN enclosed with this Circular.

1.4.3. Personal income tax declaration dossiers for withheld tax of foreign individuals not residing in Vietnam are personal income tax returns for withheld tax of foreign individuals not residing in Vietnam, made according to form No. 03/TNCN enclosed with this Circular.

1.4.4. A dossier of declaration of withheld personal income tax for finalization comprises:

- A return of withheld personal income tax for finalization, made according to form No. 04/TNCN enclosed with this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Individuals who earn incomes liable to personal income tax and authorize withholding parties to conduct annual finalization of personal income tax shall send to withholding parties written authorizeds for tax finalization, made according to form No. 04-2/TNCN enclosed with this Circular, and written declarations of number of days of residence in Vietnam (if any). Withholding parties that conduct finalization on income earners’ behalf shall keep those documents at their offices and are not required to submit them together with dossiers of tax declaration for finalization.

1.5. Personal income tax declaration dossiers for individuals declaring tax directly to tax authorities:

1.5.1. Monthly or quarterly personal income tax declaration dossiers are personal income tax returns, made according to form No. 05/TNCN enclosed with this Circular.

1.5.2. A dossier of declaration of personal income tax for finalization comprises:

- A personal income tax finalization return, made according to form No. 06A/TNCN or No. 06B/TNCN enclosed with this Circular.

- A written declaration of number of days of residence in Vietnam for foreign individuals, made according to form No. 06-1/TNCN enclosed with this Circular.

- A list of tax receipts or tax withholding documents and documents showing subtracted, exempted or reduced tax amounts.

1.6. If foreign individuals who earn taxable incomes are eligible for tax exemption or reduction under double taxation agreements between Vietnam and foreign countries/territories, the following procedures shall be additionally carried out:

1.6.1. For individuals being residents of foreign countries:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A notice on eligibility for tax exemption or reduction under an agreement, made according to form No. 01-1A/TNCN enclosed with this Circular;

- The original certificate of residence granted by a tax agency of the country of residence in the year preceding the year of notification of eligibility for tax exemption or reduction under the agreement;

- A copy of the labor contract with the foreign employer (if any);

- A copy of the labor contract with the employer in Vietnam;

- A copy of the passport used for entry into or exit from Vietnam.

If the tax exemption or reduction under an agreement has been notified, only copies of new labor contracts signed with foreign and Vietnamese organizations or individuals (if any) are required for subsequent years.

Fifteen days before the expiration of the contract for working in Vietnam or the end of the tax year, whichever is earlier, an individual shall send a certificate of residence of that year of taxation and a copy of his/her passport to the Vietnamese contracting or income-paying party.

If by that time a foreign individual cannot obtain a certificate of residence, he/she is obliged to commit to sending this certificate in the first quarter of the following year.

1.6.2. For foreign individuals being residents of Vietnam:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Fifteen days before performing contracts with Vietnamese organizations or individuals, foreign individuals shall send dossiers of notification of eligibility for tax exemption or reduction to Vietnamese contracting or income-paying parties. A dossier comprises:

- A notice on eligibility for tax exemption or reduction under an agreement, made according to form No. 01-1B/TNCN enclosed with this Circular.

- The original certificate of residence granted by a tax agency of the country of residence in the year preceding the year of notification of eligibility for tax exemption or reduction under the agreement;

- A certificate granted by the agency representing the Vietnamese State of income-generating activities stated in the notice on tax exemption under the agreement.

1.6.3. For athletes and artists being residents of foreign countries and having incomes from cultural performance, sports or physical training activities in Vietnam:

Fifteen days before performing contracts (or cultural or sport or physical training exchange programs) with Vietnamese organizations or individuals, foreign individuals shall send to Vietnamese contracting or income-paying parties dossiers of notification of eligibility for tax exemption or reduction under agreements. A dossier comprises:

- A notice on eligibility for tax exemption or reduction under an agreement, made according to form No. 01-1C/TNCN enclosed with this Circular.

- The original certificate of residence granted by a tax agency of the country of residence in the year preceding the year of notification of eligibility for tax exemption or reduction under the agreement;

- A certificate granted by the agency representing the Vietnamese State in the cultural or sport or physical training exchange program of activities and incomes stated in the notice on tax exemption under the agreement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If by that time a foreign individual cannot obtain a certificate of residence, he/she is obliged to commit to sending this certificate in the first quarter of the following year.

2. Declaration of personal income tax on irregular incomes:

2.1. Organizations and individuals that pay irregular incomes liable to personal income tax shall withhold tax at source, and declare and pay tax on behalf of taxable income earners.

2.2. Places of submission of dossiers of declaration of personal income tax on irregular incomes:

- Taxpayers engaged in production or business activities shall submit their tax declaration dossiers to tax authorities directly managing them.

- Taxpayers not engaged in production or business activities shall submit their tax declaration dossiers to tax departments of provinces or centrally run cities where their offices are located.

2.3. Declaration of personal income tax on irregular incomes is made for each time of income payment. Organizations that pay incomes being lottery prizes or sales promotion prizes many times in a month may register with tax authorities for submission of monthly tax declaration dossiers.

2.4. Dossiers of declaration of personal income tax on irregular incomes are returns of personal income tax on irregular incomes, made according to form No. 07/TNCN enclosed with this Circular.

VII. DECLARATION OF EXCISE TAX

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Taxpayers that have their subsidiary units (branches, shops, etc.) conducting business in the same province or city shall submit excise tax returns of these subsidiary units to tax authorities directly managing taxpayers.

If taxpayers have subsidiary units located outside the province or city where taxpayers' head offices are located, these subsidiary units shall submit their excise tax returns to tax authorities directly managing them.

Taxpayers that conduct business activities without fixed places of business, such as shipment goods trading or mobile business, or are households engaged in construction, transportation or other self-employed activities, shall submit their excise declaration dossiers to district-level tax departments of localities where their business activities are conducted or they reside.

2. Declaration of excise tax is made on an annual basis.

For taxpayers currently conducting business, the deadline for submission of excise tax returns for a year is January 30th of the year.

For taxpayers or their subsidiary units that have newly commenced business operation, the deadline for submission of excise tax returns is the last day of the month of business operation commencement.

3. Excise tax declaration dossiers are excise tax returns made according to form No. 01/MBAI enclosed with this Circular.

VIII. DECLARATION OF TAXES AND STATE BUDGET REVENUES RELATED TO LAND USE

1. Declaration of housing and land tax and determination of payable tax amounts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.2. Deadlines for submission of housing and land tax declaration dossiers:

- For organizations, the deadline for submission of housing and land tax declaration dossiers is January 30 every year.

- Households and individuals that use land liable to tax and recorded in tax registers of tax authorities in a year are not required to submit housing and land tax declaration dossiers for the following year.

- If in a year there is an increase or decrease in the land area liable to housing and land tax, taxpayers shall submit tax declaration dossiers within ten days after the land area increases or decreases.

- Taxpayers entitled to housing and land tax exemption or reduction shall still submit housing and land tax declaration dossiers together with documents related to determination of the tax exemption or reduction of the first year and the year following the year of expiration of the tax exemption or reduction duration.

1.3. Housing and land tax declaration dossiers are:

- Housing and land tax returns made according to form No. 01/NDAT enclosed with this Circular, applicable to organizations; or

- Housing and land tax returns made according to form No. 02/NDAT enclosed with this Circular, applicable to households and individuals.

1.4. Determination of payable housing and land tax amounts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- For housing and land tax of households and individuals: district-level tax departments shall, based on tax amounts of the previous year or housing and land tax returns of the year, calculate tax amounts and issue notices on housing and land tax payment according to form No. 03/NDAT enclosed with this Circular to taxpayers.

1.5. Deadlines for tax authorities to issue notices on housing and land tax payment to households and individuals:

- April 15th for notices on housing and land tax payment of the first payment period in the year; the deadline for tax payment is May 1st.

- September 15th for notices on housing and land tax payment of the second payment period in the year; the deadline for tax payment is October 1st.

- If they receive supplemented tax declaration dossiers after the date of issuance of tax notices, tax authorities shall issue tax payment notices based on these supplemented declaration dossiers within ten days from the date of receipt of these tax declaration dossiers.

If taxpayers wish to pay the housing and land tax amount once for the whole year, they shall pay it according to the deadline for the first tax payment of the year.

2. Declaration of agricultural land use tax

2.1. Agricultural land use taxpayers shall submit agricultural land use tax declaration dossiers to district-level tax departments of localities where exists land liable to agricultural land use tax.

2.2. Deadlines for submission of agricultural land use tax declaration dossiers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Households and individuals that use land liable to tax and recorded in tax registers of tax authorities in a year are not required to submit agricultural land use tax declaration dossiers for the following year.

- If agricultural land use tax is paid for land areas under perennial crops to be harvested only once, the time limit for submission of tax declaration dossiers is ten days from the date of harvest.

- If in a year there is an increase or decrease in the land area liable to agricultural land use tax, taxpayers shall submit tax declaration dossiers within ten days after that land area increases or decreases.

- Taxpayers entitled to agricultural land use tax exemption or reduction shall still submit housing and land tax declaration dossiers together with documents related to determination of the tax exemption or reduction of the first year and the year following the year of expiration of the tax exemption or reduction duration.

2.3. Agricultural land use tax declaration dossiers are:

- Agricultural land use tax returns made according to form No. 01/SDNN enclosed with this Circular, applicable to organizations; 

- Agricultural land use tax returns made according to form No. 02/SDNN enclosed with this Circular, applicable to households and individuals; or

- Agricultural land use tax returns made according to form No. 03/SDNN enclosed with this Circular, applicable to tax declaration for land areas under perennial crops to be harvested only once.

2.4. Determination of payable agricultural land use tax amounts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- For agricultural land use tax of households and individuals: district-level tax departments shall, based on tax amounts of the previous year or agricultural land use tax returns of the year, calculate tax amounts and issue notices on agricultural land use tax payment made according to form No. 04/SDNN enclosed with this Circular to taxpayers.

- For agricultural land use tax on land areas under perennial crops to be harvested only once, taxpayers shall determine their payable agricultural land use tax amounts. If taxpayers cannot determine their payable tax amounts, tax authorities shall assess payable tax amounts and notify them to taxpayers.

2.5. Deadlines for tax authorities to issue notices on agricultural land use tax payment to households and individuals:

- April 15th for notices on agricultural land use tax payment for the first payment period of the year; the deadline for tax payment is May 1st.

- September 15th for notices on agricultural land use tax payment for the second payment period of the year; the deadline for tax payment is October 1st.

- If receiving supplemented tax declaration dossiers after the date of issuance of tax notices, tax authorities shall issue tax payment notices based on these supplemented declaration dossiers within ten days from the date of receipt of these tax declaration dossiers.

For localities where the agricultural product harvest time does not coincide with the tax payment deadlines specified at this Point, district-level tax departments may set other deadlines for tax payment notification and tax payment not more than 30 days later than the deadlines specified at this Point. If taxpayers wish to pay the agricultural land use tax amount once for the whole year, they shall pay it according to the deadline for the first tax payment of the year.

3. Declaration of land and water surface rents and notices on land and water surface rent payment:

3.1. Land and water surface lessees shall make land and water surface rent declarations according to form No. 01/TMDN enclosed with this Circular together with land and water surface rent dossiers to land use rights registry offices or natural resources and environment agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Those who have leased land and water surface areas since the previous year(s), submitted land and water surface rent declaration dossiers to tax authorities are not required to submit land and water surface rent declaration dossiers.    

In case of a change in areas stated in land and water surface lease contracts, land and water surface lessees shall make and submit new land rent payment dossiers according to the provisions of Point 3.1 of this Section.

3.3. For new land and water surface lessees, tax authorities shall, within five working days from the date of receipt of valid land rent declaration dossiers, determine payable land and water surface rents and send notices on land rent payment, made according to form No. 02/TMDN enclosed with this Circular, through land use rights registry offices or natural resources and environment agencies to land and water surface lessees for information and payment of land and water surface rents into the state budget.

3.4. For persons who have leased land and water surface areas since the previous year(s), tax authorities shall send notices on land rent payment to them by the following deadlines:

- April 15th for notices on land and water surface rent payment for the first payment period of the year; the payment deadline is May 1st.

- September 15th for notices on land and water surface rent payment for the second payment period of the year; the payment deadline is October 1st.

If a competent agency adjusts land and water surface rent rates, tax authorities shall re-determine payable land and water surface rents and notify them to concerned rent payers.

If land and water surface lessees wish to pay land and water surface rents once for the whole year, they shall pay these rents by the deadline for the first payment of the year.

4. Declaration of land use levy:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4.2. Land use rights registry offices or natural resources and environment agencies shall transfer land use levy declaration dossiers of land users to district-level tax departments of localities where exist land areas with land use rights certificates.

4.3. Within three working days from the date of receipt of complete land use levy declaration dossiers, tax authorities shall determine payable land use levy amounts and send notices on land use levy payment, made according to form No. 02/TSDD enclosed with this Circular, to land use rights registry offices or natural resources and environment agencies for delivery to land users.

4.4. The time limit for payment of land use levy is 30 days from the date taxpayers receive payment notices.

5. Declaration of land use right transfer tax:  

5.1. Taxpayers shall make land use right transfer tax declarations according to form No. 01/CQSD enclosed with this Circular together with land use right transfer dossiers (as specified by law) to land use rights registry offices or natural resources and environment agencies.

5.2. Land use rights registry offices or natural resources and environment agencies shall transfer land use right transfer tax declaration dossiers to district-level tax departments of localities where exist land areas subject to land use right transfer.

5.3. Within three working days from the date of receipt of complete land use right transfer tax declaration dossiers, tax authorities shall determine payable land use right transfer tax amounts and send notices on land use right transfer tax payment, made according to form No. 02/CQSD enclosed with this Circular, to land use rights registry offices or natural resources and environment agencies for delivery to taxpayers.

5.4. The time limit for payment of land use right transfer tax is 30 days from the date taxpayers receive tax payment notices.

IX. DECLARATION OF CHARGES AND FEES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.1. Responsibility to submit registration fee declaration dossiers and places where registration fee declaration dossiers are submitted:

Organizations and individuals that have assets liable to registration fee shall declare registration fees and submit registration fee declaration dossiers to tax authorities.

- Dossiers of declaration of registration fee for houses and land shall be submitted to district-level tax departments of localities where exist those houses and land. If house and land registration fee declaration dossiers are submitted under the inter-agency one-stop-shop mechanism, regulations on the one-stop-shop mechanism must be complied with.

- Dossiers of declaration of registration fee for other assets, such as means of  transport, guns, etc., shall be submitted to district-level tax departments where the ownership or use right of these assets is registered.

1.2. A house and land registration fee declaration dossier comprises:

- A registration fee return, made according to form No. 01/LPTB enclosed with this Circular;

- Papers evidencing the lawful origin of the house and land, such as invoices accompanied with a copy of the house and land transfer contract or paper; or a competent state agency’s decision on land assignment or construction permit, etc.;

- Papers proving that the property (or property owner) is not subject to or is exempt from registration fee (if any).

1.3. A dossier of declaration of registration fee for ships, boats, cars, motorcycles, hunting rifles, sports guns (except for fishing or inland waterway ships and boats of a tonnage of under 50 tons or of less than 20 passenger seats, for which original dossiers are unavailable, as defined at Point 1.4 of this Section) comprises:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Papers evidencing the lawful origin of the asset, such as imports customs declaration certified by a border-gate customs office (for directly imported assets); asset registration certificate handed by the asset assignor to the asset assignee (for assets for which ownership right has been registered);

- Lawful asset purchase invoice (in case of purchase and sale, transfer or exchange of assets in which the asset deliverer is a production or business organization or individual); or sale invoice of confiscated goods (in case of purchase of confiscated goods); or decision on assignment, transfer or liquidation of assets (in case a state administrative and non-business agency, state judicial agency, administrative and non-business agency of a political organization, socio-political organization, social organization or socio-professional organization not engaged in production or business activities assigns assets to another organization or individual); or paper on asset assignment signed between the asset assignor and the asset assignee certified by a state notary public or a competent state agency (in case of asset assignment between individuals not engaged in production or business activities).

- Papers proving that the asset or the asset owner is not liable to or is exempt from registration fee (if any).

1.4. A dossier of declaration of registration fee for fishing ships and boats or inland waterway ships and boats of a tonnage of under 50 tons or of less than 20 passenger seats, for which original dossiers are unavailable, comprises:

- A registration fee return, made according to form No. 02/LPTB enclosed with this Circular;

- A competent agency’s notice or certification of the ship or boat's eligibility for ownership registration (for securing the interests of those that have paid registration fees but are not granted an ownership or use right registration certificate by a competent state agency).

1.5. District-level tax departments shall issue notices on registration fee payment within three working days (for houses and land) or one working day (for ships, boats, cars, motorcycles, hunting rifles and sports guns) from the date of receipt of valid dossiers. They shall return invalid dossiers to land use rights registry offices or natural resources and environment agencies (for house and land registration fee dossiers), or to asset owners (for dossiers of registration fee for other assets) within the time limit specified at this Point.

Notices on payment of registration fee for houses and land shall be made according to form No. 01-1/LPTB enclosed with this Circular. Notices on payment of registration fee for other assets shall be written on registration fee returns for those assets.

1.6. The time limit for registration fee payment is 30 days from the date taxpayers receive payment notices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.1. Petrol and oil charge payers shall submit petrol and oil charge declaration dossiers to tax authorities directly managing them.

2.2. Petrol and oil charge declaration is made on a monthly basis.

2.3. Petrol and oil charge declaration dossiers are petrol and oil charge returns made according to form No. 01/PHXD enclosed with this Circular.

3. Declaration of environmental protection charge for mineral exploitation.

3.1. Organizations and individuals engaged in mineral exploitation shall submit environmental protection charge declaration dossiers to tax authorities directly managing them. If organizations collecting and purchasing minerals have registered for payment of environmental protection charge on behalf of exploiters, they shall submit environmental protection charge declaration dossiers to district-level tax departments of localities where minerals are exploited.

3.2. Environmental protection charge declaration is made on a monthly basis.

3.3. An environmental protection charge declaration dossier comprises:

- An environmental protection charge return, made according to form No. 01/BVMT enclosed with this Circular, applicable to mineral exploiting establishments;

- An environmental protection charge return, made according to form No. 02/BVMT enclosed with this Circular, applicable to mineral collecting and purchasing establishments that pay the charge on exploiters’ behalf.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4.1. Agencies and organizations tasked to collect charges and fees belonging to the state budget shall submit charge and fee declaration dossiers to tax authorities directly managing them.

4.2. Declaration of charges and fees belonging to the state budget is made on a monthly basis and finalized on an annual basis.

4.3. Dossiers of monthly declaration of charges and fees belonging to the state budget are charge and fee returns made according to form No. 01/PHLP enclosed with this Circular.

4.4. Dossiers of declaration for annual finalization of charges and fees belonging to the state budget are charge and fee returns made according to form No. 02/PHLP enclosed with this Circular.

X. DECLARATION OF VALUED-ADDED TAX AND BUSINESS INCOME TAX OF FOREIGN ORGANIZATIONS WITHOUT THE VIETNAMESE LEGAL ENTITY STATUS AND FOREIGN INDEPENDENT PRACTITIONERS CONDUCTING BUSINESS OR EARNING INCOMES IN VIETNAM (BELOW REFERRED TO AS FOREIGN CONTRACTORS); DECLARATION OF TAXES WITHHELD AND PAID FOR FOREIGN CARRIERS.

1. For foreign contractors applying the Vietnamese accounting system:

1.1. Foreign contractors shall make value-added tax declaration according to the provisions of Section II of this Part.

1.2. Foreign contractors shall make business income tax declaration according to the provisions of Section III of this Part. For foreign contractors eligible for tax exemption or reduction under double taxation avoidance agreements between Vietnam and other countries/territories, the following procedures are additionally carried out:

1.2.1. For incomes from production or business activities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A notice of eligibility for tax exemption or reduction under an agreement, made according to form No. 03-6A/TNDN enclosed with this Circular;

- The original certificate of residence granted by a tax agency of the country of residence in the year preceding the year of notification of eligibility for tax exemption or reduction under the agreement;

- Copy(ies) of the business registration certificate and/or the tax registration certificate granted by the country of residence, for business organizations and individuals.

- Copies of the contracts signed with organizations and individuals in Vietnam and abroad.

If in the previous year taxpayers already notified their eligibility for tax exemption or reduction under agreements, they should send only copies of contracts signed with new organizations and individuals in Vietnam and abroad (if any) for subsequent years.

When making business income tax declaration for finalization, taxpayers shall send their certificates of residence for the year of taxation and certifications of performance of contracts by contracting parties together with business income tax returns for finalization, made according to form No. 03/TNDN enclosed with this Circular.

1.2.2. For incomes from independent professional practice:

- When temporarily calculating business income tax, taxpayers shall send dossiers notifying their eligibility for tax exemption or reduction under agreements to tax authorities together with quarterly business income tax returns, made according to form No. 01/TNDN enclosed with this Circular. A dossier comprises:

- A notice of eligibility for tax exemption or reduction under an agreement, made according to form No. 03-6B/TNDN enclosed with this Circular;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A copy(ies) of the business registration certificate and/or the practice license or the tax registration certificate granted by the country of residence;

- A copy(ies) of the business registration certificate and/or the practice license granted by Vietnam, for business lines or occupations subject to business registration or practice license under Vietnamese law;

- A copy of the passport used for entry into or exit from Vietnam;

- A copy of the contract on provision of independent professional services in Vietnam (if any).

If in the previous year taxpayers already notified their eligibility for tax exemption or reduction under agreements, they should only send copies of contracts signed with new organizations and individuals in Vietnam and abroad (if any) for subsequent years.

2. For foreign contractors that do not practice the Vietnamese accounting system:

2.1. Vietnamese parties entering into contracts with foreign contractors that do not practice the Vietnamese accounting system shall withhold and pay taxes for foreign contractors and submit tax declaration dossiers to tax authorities directly managing them.

For construction and installation contracts, tax declaration dossiers shall be submitted to provincial-lever tax departments of localities where construction and installation activities are conducted.

2.2. Declaration of withheld tax amounts of foreign contractors is made for each time of payment to foreign contractors and finalized upon expiration of contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.3. A dossier of declaration of withheld tax of a foreign contractor for each time of payment to that foreign contractor or on a monthly basis comprises:

- A tax return, made according to form No. 01/NTNN enclosed with this Circular;

- Copies of the contract, sub-contract(s) and their Vietnamese brief contents related to the declared tax amount (for the first-time tax declaration of the contract);

- A copy of the business license or the practice license.

For foreign contractors eligible for tax exemption or reduction under double taxation avoidance agreements between Vietnam and other countries/territories, the following additional procedures shall be carried out:

2.3.1. For incomes from independent professional practice:

Fifteen days before the performance of contracts on provision of independent professional services in Vietnam (if any) with Vietnamese organizations and individuals, foreign contractors shall send to Vietnamese contracting or income-paying parties their dossiers notifying their eligibility for tax exemption or reduction under agreements. A dossier comprises:

- A notice of eligibility for tax exemption or reduction under an agreement, made according to form No. 01-1A/NTNN enclosed with this Circular;

- The original certificate of residence granted by a tax agency of the country of residence in the year preceding the year of notification of eligibility for tax exemption or reduction under the agreement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A copy of the passport used for entry into or exit from Vietnam;

If in the previous year foreign contractors already notified their eligibility for tax exemption or reduction under agreements, they are only required to send copies of contracts newly signed with organizations and individuals in Vietnam and abroad (if any) for subsequent years.

Fifteen days before the expiration of their contracts for working in Vietnam or the end of the year of taxation, whichever is earlier, foreign contractors shall send residence certificates of the year of taxation and copies of their passports to Vietnamese contracting or income-paying parties.

If no certificates of residence are available at that time, taxpayers are obliged to commit to sending these certificates within the first quarter of the following year.

2.3.2. For incomes from air transportation:

Fifteen days before being licensed to exploit the Vietnamese market or the beginning of the year of taxation, whichever is earlier, Vietnam-based offices of foreign airlines shall send to tax authorities their dossiers notifying their eligibility for tax exemption or reduction under agreements. A dossier comprises:

- A notice of eligibility for tax exemption or reduction under an agreement, made according to form No. 01-1B/NTNN enclosed with this Circular;

- The original certificate of residence granted by a tax agency of the country of residence in the year preceding the year of notification of eligibility for tax exemption or reduction under the agreement;

- A copy of the license for exploitation of the Vietnamese market (flight license) granted by the Civil Aviation Administration of Vietnam under the Law on Civil Aviation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Fifteen days before the expiration of their contracts for working in Vietnam or the end of the tax year, whichever is earlier, Vietnam-based offices of foreign airlines shall send certificates of residence of the year of taxation to Vietnamese contracting or income-paying parties and the relevant year of taxation’s lists of turnovers from air ticket sale in the Vietnamese market as a basis for effecting business income tax exemption or reduction for foreign airlines’ incomes from international transportation.

2.3.3. For other kinds of income:

Fifteen days before the performance of their contracts with Vietnamese organizations and individuals, foreign contractors shall send to Vietnamese contracting or income-paying parties their dossiers notifying their eligibility for tax exemption or reduction under agreements. A dossier comprises:

- A notice of eligibility for tax exemption or reduction under an agreement, made according to form No. 01-1C/NTNN enclosed with this Circular;

- The original certificate of residence granted by a tax agency of the country of residence in the year preceding the year of notification of eligibility for tax exemption or reduction under the agreement;

- A copy(ies) of the business registration certificate and/or the tax registration certificate granted by the country of residence, for taxpayers being business organizations;

- Copies of contracts signed with Vietnamese organizations and individuals. If in the previous year foreign contractors already notified their eligibility for tax exemption or reduction under agreements, they should only send copies of contracts newly signed with Vietnamese organizations and individuals (if any) for subsequent years.

Fifteen days before the expiration of their contracts for working in Vietnam or the end of the year of taxation, whichever is earlier, foreign contractors shall send certificates of residence of the year of taxation to Vietnamese contracting or income-paying parties.

If no certificates of residence are available at that time, foreign contractors are obliged to commit to sending these certificates within the first quarter of the following year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A contractor tax return for finalization, made according to form No. 02/NTNN enclosed with this Circular;

- A list of foreign contractors and sub-contractors involved in the performance of the contract, made according to form No. 02-1/NTNN enclosed with this Circular;

- A list of tax receipts for different times of payment;

- A written record of liquidation of the contract.

3. Foreign contractors and sub-contractors that have permanent establishments in Vietnam, and can fully reflect on accounting books invoices and vouchers of all turnovers from goods and services sold, values of goods and services purchased, output value-added tax, creditable input value-added tax and payable value-added tax amounts may pay value-added tax by the credit method under the provisions of Clause 1 of this Section, and pay business income tax under the provisions of Clause 2 of this Section.

4. Declaration of taxes withheld and paid for foreign carriers (below referred to as freight tax):

4.1. Organizations acting as shipping or forwarding agents for foreign carriers shall withhold and pay freight tax for foreign carriers.

4.2. Dossiers of declaration of freight tax shall be submitted to tax authorities directly managing shipping or forwarding agents.

4.3. Declaration of freight tax is made on a monthly basis.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A freight tax return, made according to form No. 01/CUOC enclosed with this Circular;

- A list of international transportation incomes, made according to form No. 01-1A/CUOC applicable to enterprises that directly operate means of transport, or form No. 01-1B/CUOC, applicable to the case of booking swap or division, or a list of turnovers from container keeping, made according to form No.01-1C/CUOC.

In freight tax returns for the first period of taxation of the year, foreign carriers or their agents shall send to tax authorities dossiers notifying their eligibility for tax exemption or reduction under agreements. A dossier comprises:

- A notice of eligibility for tax exemption or reduction under an agreement, made according to form No. 01-2/CUOC enclosed with this Circular;

- The original certificate of residence granted by a tax agency of the country where the foreign carrier resides for the tax year preceding the year of notification of eligibility for tax exemption or reduction under the agreement;

- A copy(ies) of the business registration certificate and/or the tax registration certificate granted by the country of residence;

- A document evidencing the carrier's direct operation of ships, which is one of the following documents:

+ A copy of the ship ownership registration;

+ A copy of the ship charter contract (if the carrier charters or is given the right to use the ship);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The original port entry permit or its copy, certified by the port authority;

+ The port authority’s original certificate of the carrier’s ships entering a Vietnamese port;

+ Other documents.

If foreign carriers are involved in partnership, space swap or lease or bareboat charter, etc., they shall additionally supply relevant documents (such as partnership contract for joint operation of means of transport, contracts on space swap or contracts on bareboat charter, etc.).

At the end of a year, foreign carriers or their agents shall send to tax authorities their certificates of residence for the year.

If in the previous year foreign carriers or their agents notified their eligibility for tax exemption or reduction under agreements, they are only required to notify any change in the business situation, such as change in business registration or change in ownership or operation of means of transport (if any), and supply documents evidencing such change.

Foreign carriers that have main agents/head offices of agents and subsidiary agents/branches in different localities of Vietnam, agents/foreign carriers shall submit their original certificates of residence and tax registration certificates/business registration certificates which have been consularly legalized to provincial-level tax departments of localities where main agents/head offices of agents are located and their copies (with true copy seals of main agents or certified by notary public) to provincial-level tax departments of localities where foreign carriers’ subsidiary agents/branches are located, and clearly state the places where they have submitted the originals in their notices of eligibility for tax exemption or reduction under an agreement.

XI. TAX DECLARATION AND DETERMINATION OF PAYABLE TAX AMOUNTS BY THE PRESUMPTION METHOD

1. Households and individuals engaged in business activities or exploitation of natural resources and paying tax by the presumption method (below collectively referred to as households paying presumptive tax) include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.2. Business households and individuals that do not practice the invoice- and voucher-based accounting.

1.3. Business households and individuals that do not submit tax returns according to regulations.

1.4. Business households and individuals that keep accounting books but are detected through inspection by tax authorities to have improperly observed the accounting regulations or improperly and inadequately kept invoices and vouchers of purchased goods and services, or made inaccurate and untruthful tax declaration; and therefore, tax authorities cannot base on those accounting books, invoices and vouchers to determine payable tax amounts suitable to their actual business situation.

1.5. Households and individuals engaged in manual, scattered, mobile or irregular exploitation of natural resources.

1.6. Taxes and charge which can be collected by the presumption method include:

2.1. Special consumption tax;

2.2. Royalties tax;

2.3. Value-added tax;                  

2.4. Business income tax;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Presumptive tax declaration dossiers shall be submitted to district-level tax departments of localities where natural resource-trading or –exploiting activities are conducted.

3.1. Business households and individuals paying presumptive tax shall make tax declaration according to form No. 01/THKH enclosed with this Circular.

3.2. Households and individuals exploiting natural resources and minerals and paying presumptive tax shall make tax declaration according to form No. 02/THKH enclosed with this Circular.

4. Deadline and time limit for submission of presumptive tax declaration dossiers:

4.1. Households paying presumptive tax shall make tax declaration on an annual basis (making tax declaration once a year). The deadline for submission of a tax declaration dossier for a year is December 30th of the preceding year.

4.2. For those newly engaged in business activities or natural resource and mineral exploitation, the time limit for submission of presumptive tax declaration dossiers is ten days from the date of commencement of business or natural resource and mineral exploitation activities.

5. Determination of payable presumptive tax amounts for business households:

Based on taxpayers’ documents declaring turnovers, incomes, outputs and sale prices of exploited natural resources and tax authorities’ database, district-level tax departments shall coordinate with commune/ward tax consultancy councils in checking and verifying the accuracy and truthfulness of tax declaration dossiers, investigating and re-calculate turnovers and incomes in cases they doubt that declarations are incorrect in order to re-determine business turnovers, outputs and sale prices of exploited natural resources. In order to assure fair tax determination, district-level tax departments shall publicly announce projected turnovers and payable tax amounts of households and individuals engaged in business or natural resource exploitation and paying tax by the presumption method for their comments, then consult commune/ward tax consultancy councils before determining and notifying payable tax amounts to tax-paying households and individuals for information and implementation.

Presumptive tax amounts are monthly tax amounts kept unchanged throughout a year, except when households paying presumptive tax change their business lines or scale or natural resource and mineral exploitation scale.      

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Deadline and time limit for tax notification and tax payment:

The deadline for tax authorities to send presumptive tax payment notices, made according to form No. 03/THKH enclosed with this Circular, to households paying presumptive tax is January 20th. One-time notices are applicable to monthly tax amounts throughout a year.

Based on presumptive tax payment notices, tax-paying households shall pay the tax amount of a month no later than the last day of the month. If they choose to pay tax on a quarterly basis, the deadline for tax payment for a quarter is the last day of the first month of the quarter.

For royalties tax, tax authorities may issue tax payment notices on a seasonal basis. Tax authorities shall state the tax payment deadline in tax notices and send those notices to households paying presumptive tax at least ten days before the tax payment deadline.

7. If households paying presumptive tax change their business lines or scale or natural resource and mineral exploitation scale or outputs, they shall make additional declaration with tax authorities in the month the scale is changed so that tax authorities can determine presumptive tax amounts suitable to taxpayers’ actually arising tax liability.

Dossiers of re-declaration are returns made according to form No. 01/THKH or No. 02/THKH enclosed with this Circular.

Tax authorities shall re-determine payable presumptive tax amounts for months in which the business line or scale or natural resource and mineral exploitation scale or output is changed and notify them to taxpayers.

If business households fail to declare the change of business lines or scale with tax authorities or make untruthful declaration or tax authorities have documents evidencing the business households’ scale change which leads to an increase in their turnover, tax authorities may assess payable tax amounts suitable to these households’ business situation.

XII. TAX ASSESSMENT FOR TAXPAYERS THAT PAY TAX BY THE DECLARATION METHOD AND COMMIT TAX-LAW VIOLATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Taxpayers that pay tax by the declaration method are subject to tax assessment in the following cases:

1.1. They fail to make tax registration according to the provisions of Article 22 of the Law on Tax Administration.

1.2. They are ineligible for extension of the time limit for submission of tax declaration dossiers according to the provisions of Clause 1, Article 33 of the Law on Tax Administration and fail to submit their tax declaration dossiers within the set time limit.

1.3. They have submitted tax declaration dossiers which are considered incomplete and inaccurate through examination by tax authorities, and they are requested by tax authorities to make additional declarations or submit additional dossier documents but still fail to do so, and therefore, tax authorities cannot base themselves on specific elements in tax declaration dossiers to conclude that payable tax amounts stated in those dossiers are correct.

1.4. Upon expiration of the time limit for examination or inspection, they still fail to produce accounting documents, invoices, vouchers and documents related to the identification of elements used as a basis for calculation of payable tax amounts.

1.5. They refuse to comply with or delay the compliance with tax examination or tax inspection decisions.

1.6. They are proved, through tax examination or inspection, as having not conducted accounting or having accounted and recorded inadequate, inaccurate and untruthful figures in accounting books, thus leading to incorrect identification of elements used as a basis for calculation of payable tax amounts.

1.7. They show signs of fleeing away or dispersing their assets to shirk their tax liability.

2. Assessment of each element related to determination of payable tax amounts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.1. Tax authorities obtain, through tax examination or tax inspection, grounds to prove that taxpayers have conducted accounting at variance with regulations, or have inadequately, inaccurately and untruthfully recorded figures in accounting books, thus leading to incorrect identification of elements used as a basis for calculation of payable tax amounts, except for the case of tax assessment.

2.2. Tax authorities detect, through inspection of goods purchased or sold, that taxpayers have accounted the values of these goods not at ordinary transaction prices on the market.

Ordinary transaction prices on the market are transaction prices under objective agreements between parties that have no association relations.

Tax authorities may refer to goods and service prices announced by state management agencies at the time of inspection, or purchase or sale prices of enterprises engaged in the same business line, dealing in the same goods items, or sale prices of enterprises dealing in the same goods items on a large scale and with large numbers of customers in localities in order to identify ordinary transaction prices used as a basis for determining purchase or sale prices and assessing payable tax amounts.

3. Bases for tax assessment:

Tax authorities shall make assess tax amounts for taxpayers that pay tax by the declaration method and commit tax laws violations on one or all of the following bases:

3.1. Databases of tax authorities collected from:

- Taxpayers’ declarations with tax authorities on turnovers, expenses, incomes and payable tax amounts for previous tax declaration periods.

- Organizations and individuals related to taxpayers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.2. Payable tax amounts of establishments engaged in the same business line or dealing in the same goods or doing business on the same scale in localities. If there exists no establishment engaged in the same business line or dealing in the same goods or doing business on the same scale, reference may be made to average payable tax amount of some establishments engaged in the same business line or dealing in the same goods in localities.

4. When making tax assessment, tax authorities shall send tax assessment decisions, made according to form No. 01/ADTH enclosed with this Circular to taxpayers. A tax assessment decision has the following principal contents:

- Reason for assessment (stating the act of violation);

- Tax assessment bases;

- Tax amount assessed by the tax agency;

- Tax amount which must be additionally paid by the taxpayer (equal to the assessed tax amount less the tax amount declared by the taxpayer);

- Time limit for the taxpayer to lodge a complaint from the date the tax agency issues the tax assessment decision;

- Tax payment time limit.

The tax payment time limit is ten days from the date a tax agency issues a tax assessment decision. If the tax amount assessed by the tax agency is VND five hundred million or more, the tax payment time limit is thirty days from the tax agency issues the tax assessment decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The tax agency shall record the tax amount stated in the late submitted tax declaration dossier as the tax amount due in that tax declaration period or time for verification of the performance of the tax obligation by the taxpayer, except when the tax agency does not accept the declared amount and notify such in writing to the taxpayer.

Part C

TAX PAYMENT

I. TAX PAYMENT DEADLINES AND TIME LIMITS

1. Taxpayers are obliged to pay taxes fully and on time into the state budget.

2. If taxpayers conduct tax calculation, the tax payment deadline is the last day of the time limit for submission of tax declaration dossiers.

3. If tax authorities conduct tax calculation or tax assessment, the tax payment time limit is stated in notices of tax authorities.

II. CURRENCY FOR TAX PAYMENT

1. Currency for tax payment is Vietnam dong.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.1. Taxpayers may pay taxes only in freely convertible foreign currencies according to the State Bank's regulations.

2.2. Paid tax amounts in a foreign currency must be converted into Vietnam dong at the foreign exchange rate announced by the State Bank and effective at the time those tax amounts are remitted into the State Treasury.

2.3. The management of foreign currencies used for tax payment complies with the Ministry of Finance's regulations.

III. TAX PAYMENT PLACES AND PROCEDURES

1. Taxpayers shall pay taxes into the state budget:

1.1. At the State Treasury;

1.2. At tax authorities that receive tax declaration dossiers;

1.3. Through organizations authorized by tax administration agencies to collect taxes;

1.4. Through commercial banks, other credit institutions and service organizations defined by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Tax payment procedures:

2.1. Taxpayers may pay taxes in cash or by account transfer.

Tax authorities shall issue tax receipts to taxpayers and guide them in making tax receipts when paying taxes into the state budget in cash or by account transfer. Taxpayers shall fully and specifically fill in tax receipts according to the Ministry of Finance's regulations.

2.2. For taxpayers paying taxes in cash:

- If taxpayers directly come to the State Treasury to pay taxes in cash, the State Treasury shall give certification of collected tax amounts in tax receipts.

- If taxpayers pay taxes in cash at tax authorities, banks, credit institutions or to organizations or individuals authorized by tax authorities to collect taxes: Upon receiving tax amounts, organizations or individuals shall issue to taxpayers tax receipts according to the Ministry of Finance's regulations.

2.3. For taxpayers paying taxes by account transfer: Banks or credit institutions that deduct and transfer money from taxpayers' accounts into the State Treasury's account shall give certification in taxpayers' tax receipts. Banks or credit institutions shall reflect all contents of tax receipts on recourse receipts to be sent to the State Treasury that collects state budget revenues.

3. For application of coercive tax payment measures:

3.1. Application of account deduction and transfer: Based on decisions on enforcement of tax administrative decisions, the State Treasury, banks or credit institutions where organizations or individuals open their accounts shall deduct and transfer money from accounts of taxpayers subject to enforcement into the state budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Within eight working hours after receiving tax amounts from taxpayers, tax-receiving agencies or organizations shall remit those tax amounts into the state budget.

If tax amounts are collected in cash in mountainous, deep-lying or remote areas, islands or areas difficult to access, the time limit for remittance of collected tax amounts into the state budget is five working days from the date of tax collection.

5. For tax payment by account transfer, when banks or credit institutions transfer money from taxpayers' accounts into the state budget by sending recourse receipts to the State Treasury, these recourse receipts must fully reflect the contents of remittance papers.

6. The Ministry of Finance shall provide specific guidance on the mode of tax payment through other service organizations defined by law.

IV. ORDER OF PAYING TAXES AND FINES

1. If taxpayers concurrently have tax arrears, tax amounts to be retrospectively collected, amounts of tax due and fine amounts, they shall clearly state these amounts in tax and fine payment receipts in the following order: tax arrears, tax amount to be retrospectively collected, amount of tax due and fine amount.

For each kind of tax or fine, the applicable payment order follows the order of arising time of tax or fine amounts, e.g., amounts arising earlier will be paid earlier.

Tax authorities shall guide and request taxpayers to pay tax and fine amounts in the above order. Upon tax payment, the State Treasury shall base itself on tax receipts to account state budget revenues and notify them to tax authorities. If taxpayers pay tax and fine amounts not in the above order, tax authorities shall make and send orders of adjustment of collected tax and fine amounts to the State Treasury for adjustment, and concurrently notify taxpayers of adjusted tax and fine amounts.

If taxpayers do not specify on payment receipts which sums of money paid for which tax or fine, tax authorities shall account collected tax amounts in the above payment order and concurrently notify such to the State Treasury for accounting of state budget revenues and issuance of notices thereon, made according to form No. 01/NOPT enclosed with this Circular, to taxpayers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Retrospectively collected tax amounts and fine amounts for late tax payment, tax evasion or fraud and violations of tax administrative procedures shall be remitted into tax authorities’ custody accounts opened at the State Treasury. At the end of the time limit for lodging complaints about sanctioning decisions, tax authorities shall transfer money from their custody accounts into the state budget.

V. DETERMINATION OF TAX PAYMENT DATE

Tax payment date is determined to be the date on which:

1. The State Treasury, banks or credit institutions give certification on papers of remittance into the state budget by account transfer in case of tax payment by account transfer.

2. The State Treasury, tax authorities or organizations and individuals authorized to collect taxes give certification of money collection on receipts of tax amounts paid in cash.

VI. EXTENSION OF TAX PAYMENT TIME LIMIT

1. Cases eligible for extension:

Taxpayers are entitled to an extension of the time limit for payment of tax or fine arrears if they are unable to pay taxes within that time limit in the following cases:

1.1. They suffer from material loss caused by natural disasters, fires or unexpected accidents that render them unable to pay taxes within the set time limit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.3. There is a state policy change that directly affects their production or business results;

1.4. They encounter other exceptional difficulties. In this case, extension of the payment time limit shall be decided by the Prime Minister at the proposal of the Minister of Finance.

2. Tax and fine amounts eligible for payment time limit extension:

2.1. Taxpayers that encounter difficulties caused by events specified at Point 1.1 of this Section are entitled to payment time limit extension for part or the whole of tax and fine amounts owed by the date of occurrence of a natural disaster, fire or unexpected accident.

2.2. Taxpayers that encounter difficulties caused by events specified at Points 1.2, 1.3 and 1.4 of this Section are entitled to payment time limit extension for part or the whole of tax and fine amounts arising due to these events.

3. Tax payment time limit extension:

3.1. A tax payment time limit extension must not exceed two years from the date of expiration of the tax payment time limit, for the case specified at Point 1.1 of this Section.

- If up to 50% of taxpayers’ assets are damaged, the payment time limit extension for tax and fine amounts in proportion to the damage ratio is one year.

- If between 50% and 70% of taxpayers’ assets are damaged, the payment time limit extension for all tax and fine amounts is one year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.2. A tax payment time limit extension must not exceed one year from the date of expiration of the tax payment time limit, for the cases specified at Points 1.2, 1.3 and 1.4 of this Section.

4. Procedures for tax payment time limit extension:

4.1. To be entitled to tax payment time limit extension under this Section, taxpayers shall send their dossiers of application for tax and fine payment time limit extension to tax authorities directly managing them. A dossier comprises:

- An application for a tax and fine payment time limit extension, made according to form No. 02/NOPT enclosed with this Circular, clearly stating the reason for tax payment time limit extension, tax and fine amounts for which a payment time limit extension is sought, proposed extension duration, plan and commitment on payment of tax and fine amounts;

- Documents evidencing the reason for tax payment time limit extension:

+ In case of damage caused by a natural disaster, fire or unexpected accident, there must be a written record of the degree and value of asset damage made by a competent agency, such as a valuation council set up by the provincial/municipal Finance Service or a professional valuation company providing contractual valuation services or a valuation center of the provincial/municipal Finance Service; and a written certification by the commune-level administration of the locality where the natural disaster, fire or unexpected accident occurs.

+ In case of relocation of place of business at the request of a competent state agency, there must be that competent state agency’s decision on relocation of the enterprise’s place of business.

4.2. Within ten working days from the date of receipt of taxpayers’ complete dossiers of application for tax payment time limit extension, tax authorities directly managing these taxpayers shall examine the dossiers and verify taxpayers’ actual difficulties before deciding to approve or disapprove tax payment time limit extension.

Written approval and written disapproval of tax payment time limit extension are made according to forms No. 03/NOPT and No. 04/NOPT enclosed with this Circular respectively.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4.3. For the case of application for tax and fine payment time limit extension specified at Point 1.4 of this Section, tax authorities directly managing taxpayers shall receive taxpayers’ dossiers of extension application, then forward them to their superiors for subsequent submission to the Ministry of Finance and the Prime Minister.

5. Within the extended tax payment time limit, taxpayers are not administratively sanctioned for acts of delaying tax payment for tax amounts for which the payment time limit is extended. Upon the expiration of the extended tax payment time limit, taxpayers shall pay taxes into the state budget according to regulations. Failing to do so, taxpayers will be administratively sanctioned for acts of tax laws violation or examined for penal liability according to law.

VII. HANDLING OF OVERPAID TAX AMOUNTS

1. Tax amounts are considered overpaid when:

1.1. Taxpayers have paid tax amounts larger than payable tax amounts.

1.2. Taxpayers have refundable tax amounts under the provisions of law on value-added tax, special consumption tax, income tax on high-income earners and petrol and oil charge.

2. Taxpayers may handle overpaid tax amounts by:

2.1. Clearing overpaid tax amounts against tax or fine arrears, or clearing overpaid amounts of a tax against payable amounts of another tax.

2.2. Clearing overpaid tax amounts against payable tax amounts of the subsequent payment time.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If overpaid tax amounts are retained to be cleared against payable tax amounts of the subsequent tax payment time for the same kind of tax, the clearing will be automatically made within tax authorities’ management systems and taxpayers are not required to carry out clearing procedures.

For clearing amounts of different kinds of tax and fine or tax refund, taxpayers shall carry out tax refund or tax clearing procedures under the provisions of Part G of this Circular. When making tax clearing, tax authorities shall issue tax refund decisions and tax collection orders for tax and fine amounts in the order specified in Clause 1, Section IV of this Part.

Part D

AUTHORIZED OF TAX COLLECTION

I. COMPETENCE FOR AND SCOPE OF AUTHORIZED OF TAX COLLECTION

1. Tax authorities may authorize organizations and individuals to collect the following taxes which fall under their management:

- Agricultural land use tax;

- Housing and land tax;

- Tax on business households paying tax by the presumption method;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For other taxes, tax authorities may authorize other organizations and individuals to collect them only after obtaining the Minister of Finance’s approval.

2. Tax collection authorization must be made under contracts between heads of tax administration agencies and lawful representatives of agencies or organizations, or directly with individuals.

3. A contract on tax collection authorization must be made according to form No. 01/UNTH enclosed with this Circular and have the following contents:

- Tax of which collection is authorized;

- Geographical area where the tax collection is authorized;

- Scope of authorized activities, covering: guiding taxpayers to make tax declaration; urging taxpayers to submit tax returns and pay taxes; collecting tax returns and taxes from taxpayers and submitting tax returns to tax authorities; paying tax amounts into the state budget; reviewing and reporting on cases subject to tax declaration and payment where taxpayers fail to make tax declaration and payment; supplying information on new taxpayers or change in information on taxpayers in the geographical are where the tax collection is authorized; collecting tax amounts from taxpayers and remitting them into the state budget.

- Powers and responsibilities of the mandating party and the authorized party;

- Regime of reporting on the contract performance; regime of payment with tax receipts and prints, and collection authorization fund;

- Collection authorization duration. Upon the expiration of the collection authorization duration, the two parties shall liquidate the collection authorization contract and make a written record of liquidation according to form No. 02/UNTH enclosed with this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The party authorized to collect taxes shall perform the collection authorization contract signed with tax authorities and may not sub-authorize any third party to perform this contract. For some specific contents of the collection authorized contract, the following guidance must be complied with:

1. In case of necessary to collect tax returns from taxpayers:

The collection-mandating party shall explain and guide taxpayers on the tax laws, responsibility to make tax registration, declaration and payment; supply tax return forms and guide the tax declaration method; urge taxpayers to make tax declaration and collect tax returns from taxpayers for submission to tax authorities within a set time limit.

2. To send tax payment notices to taxpayers and urge them to pay taxes:

When receiving tax payment notices, the authorizedd party shall compare them with tax registers. If tax payment notices are incorrect and contain insufficient amounts as compared with tax registers, the authorizedd party shall promptly report to tax authorities for issuance of new tax payment notices of tax amounts consistent with those stated in tax registers.

The authorizedd party shall send tax payment notices to taxpayers at least five days before the tax payment deadline stated in those notices. When sending tax payment notices to taxpayers, the authorizedd party shall request notice recipients to sign for certification and urge taxpayers to pay taxes within the set time limit.

In case of authorized of collection of income tax on high-income earners, tax payment notices are not required to be sent but the authorizedd party shall urge taxpayers to pay taxes according to their tax returns.

3. To organize tax collection and remittance and issue receipts to taxpayers:

Upon tax collection, the collection-mandating party shall clearly write on tax receipts, once for all three originals of each receipt, tax amounts, kind of tax, tax payment period and other contents. Tax receipts must be numbered consecutively, contain sufficient and clear compulsory contents, and bear the signature and full name of the collector. After checking and receiving full tax amounts, collectors shall hand tax receipts to taxpayers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The party authorizedd to collect taxes shall fully and promptly remit collected tax and other revenue amounts into the state budget at the State Treasury. Tax amounts remittable into the state budget are total amounts recorded as collected amounts in tax receipts.

When remitting tax amounts into the State Treasury, the authorizedd party shall make a list of receipts and a paper of tax remittance in cash into the state budget. The State Treasury shall transfer to the tax agency documents of tax amounts collected under authorized and remitted for monitoring and management.

The tax agency that signs the collection authorized contract shall set a time limit and level of collected tax amounts which must be remitted by the authorizedd party into the State Treasury and consistent with tax amounts to be collected and geographical area of tax collection guided by the General Department of Taxation. The time limit for the party authorizedd to collect taxes to remit collected tax amounts into the State Treasury is five days from the date of collection for tax collection in deep-lying and remote communes difficult to access, or three days for the collection in geographical areas. Any collected tax amount exceeding ten million dong must be promptly remitted into the state budget.

5. To finalize colleted tax amounts and tax receipts with tax authorities:

5.1. Finalization of collected tax amounts:

By the 5th day of a month at the latest, the party authorizedd to collect taxes shall make a report on tax amounts collected and remitted in the last month according to a set form No. 03/UNTH enclosed with this Circular and send it to the tax agency. The report on collected and remitted amounts must reflect amounts to be collected, collected amounts, uncollected amounts, the reason for failure to collect them and solutions to full collection. The district-level tax department that receives this report shall check receipts of collected tax amounts and tax amounts remitted into the state budget, and compare them with actually remitted tax amounts certified by the State Treasury. In case of any difference, it shall make a written record thereof, and identify the reason and responsibility for the difference.

5.2. Finalization of tax receipts:

Once a month (by the 5th day of a month at the latest), the party authorizedd to collect taxes shall make a table for finalization of used tax, charge and fee receipts and unused receipts of each kind for the last month with the tax agency according to regulations.

Within ten days from the last day of a calendar year, the party authorizedd to collect taxes shall make a report for finalization of use of tax receipts with the tax agency, made according to form No. 04/UNTH enclosed with this Circular on used tax, charge and fee receipts and carry forward various unused receipts to the next year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To monitor and report to the tax agency on new taxpayers or changes in business scale and lines of taxpayers in the geographical area of tax collection under authorized.

III. RESPONSIBILITIES OF THE COLLECTION-MANDATING TAX AGENCY

The tax agency is responsible for the implementation of the tax policy and management of taxes in its geographical area.

1. To publicly notify cases of tax collection under authorized to taxpayers for information and implementation.

2. To issue and hand tax payment notices to the party authorizedd to collect taxes together with approved tax registers. The time limit for handing tax payment notices to the party authorizedd to collect taxes before the expiration of the time limit for sending of tax payment notices specified in Part C of this Circular is ten days.

3. To supply sufficiently and promptly tax receipts to the party authorizedd to collect taxes and guide the latter in properly managing and using these receipts. To be supplied with tax receipts, the party authorizedd to collect taxes shall make a written request and issue a paper of introduction to the person authorized to get tax receipts.

4. To pay collection authorized expenses under the signed collection authorized contract.

5. To inspect the collection and remittance of tax amounts by the party authorizedd to collect taxes:

Based on tax receipts used for collected tax amounts and paid by the authorizedd party with the tax agency and issued papers of remittance into the state budget with the State Treasury’s certification, the tax agency shall conduct tax accounting and determine tax arrears in order to take appropriate management measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



IV. COLLECTION AUTHORIZED FUND

The party authorizedd to collect taxes enjoys the collection authorized fund deducted from the tax agency’s operation fund.

Based on the practical conditions of each locality, the head of the tax agency shall decide on an appropriate collection authorized fund which must not exceed 8% of the total tax amount collected by the authorizedd party, for agricultural land use tax, housing and land tax and tax paid by the presumption method; or 1% of the collected personal income tax amount.

Part E

RESPONSIBILITY TO FULFILL THE TAX OBLIGATION

I. FULFILLMENT OF THE TAX OBLIGATION BY PERSONS ON EXIT

1. Before their exit from Vietnam, Vietnamese who leave the country to reside permanently abroad, overseas Vietnamese and foreigners shall fulfill the tax obligation.

2. Tax authorities shall notify and request in writing the immigration office to stop the exit of taxpayers who have not yet fulfilled the tax obligation in the following cases:

2.1. They are Vietnamese who leave the country to reside permanently abroad;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.3. They are foreigners who leave the country upon the expiration of their working duration in Vietnam or the termination of activities of providing services or working as independent practitioners in Vietnam;

2.4. They are individuals who show signs of fleeing away from Vietnam to shirk the tax obligation.

3. Upon receipt of notices of tax authorities, the immigration office shall stop the exit of individuals who have not yet fulfilled the tax obligation until those individuals completely fulfill the tax obligation and obtain certification of fulfillment of their tax obligation in Vietnam by tax authorities directly managing them, or until they get property guarantee or take other measures to secure the tax obligation fulfillment under Vietnamese law.

II. FULFILLMENT OF THE TAX OBLIGATION IN CASE OF DISSOLUTION, BANKRUPTCY OR TERMINATION OF OPERATION

1. The fulfillment of the tax obligation in case of dissolution or bankruptcy complies with the provisions of Article 54 of the Law on Tax Administration, and the laws on enterprises, cooperatives and bankruptcy.

Owners of private enterprises, members’ councils or owners of limited liability companies, boards of directors of joint-stock companies or enterprise liquidation organizations are responsible for fulfillment of the tax obligation by dissolved enterprises.

Cooperative dissolution councils are responsible for fulfillment of the tax obligation by dissolved cooperatives.

Asset management and liquidation teams are responsible for fulfillment of the tax obligation by bankrupt enterprises.

2. Responsibility to fulfill the tax obligation of taxpayers that terminate their operation without carrying out procedures for dissolution or bankruptcy according to law:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.2. Outstanding tax arrears of households or individuals that terminate their business activities without fulfilling their tax obligation shall be paid by heads of those households or those individuals themselves.

2.3. Outstanding tax arrears of cooperative groups that terminate their operation without fulfilling their tax obligation shall be paid by heads of those cooperative groups.

2.4. Persons with the responsibility to pay taxes who have completely fulfilled the tax obligation under the provisions of Points 2.1, 2.2 and 2.3 of this Clause may request other persons with joint obligations to fulfill their respective joint obligation proportions toward them according to the provisions of civil law.

III. FULFILLMENT OF THE TAX OBLIGATION IN CASE OF REORGANIZATION OF ENTERPRISES

1. Divided enterprises shall fulfill their tax obligation before the division is conducted. If a divided enterprise has not yet fulfilled the tax obligation, enterprises newly founded from the divided enterprise shall fulfill the tax obligation.

2. Split-up, consolidated or merged enterprises shall fulfill their tax obligation before the splitting up, consolidation or merger is conducted. If a split-up, consolidated or merged enterprise has not yet fulfilled its tax obligation, it and enterprises newly founded from it, consolidating or merging enterprise shall fulfill the tax obligation.

3. Enterprises undergoing ownership transformation shall fulfill their tax obligation before the transformation is conducted. If a transformed enterprise has not yet fulfilled its tax obligation, the enterprise newly founded from the transformed enterprise shall fulfill the tax obligation.

4. Reorganization of enterprises does not change the tax payment time limit applicable to reorganized enterprises. If reorganized enterprises or newly founded enterprises fail to fully pay taxes within the set time limit, they shall be sanctioned according to the provisions of law.

5. Tax authorities may request one of enterprises having a joint obligation to fulfill the whole tax obligation. The enterprise that has fulfilled the whole tax obligation may request other enterprises with the joint obligation to perform their respective joint obligation proportions toward it the provisions of civil law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The tax obligation of persons regarded by law as being deceased shall be fulfilled by their heirs within the value of estates left by the deceased.

For undivided estates, the tax obligation of the deceased shall be fulfilled by estate managers.

For divided estates, the tax obligation of the deceased shall be jointly fulfilled by the heirs within the values of estate parts they receive, unless otherwise agreed by the heirs.

The State, agencies or organizations enjoying estates according to testaments shall also fulfill the tax obligation left by the deceased like individual heirs.

In case of no heirs, either by will or by law, or heirs renounce estates, the fulfillment of the tax obligation left by the deceased complies with the provisions of civil law.

2. The tax obligation of persons declared missing or having lost their civil act capacity shall be fulfilled by persons assigned by the court to manage assets of persons declared missing or having lost civil act capacity within the value of assets they are assigned to manage.

3. When a competent state agency cancels a decision declaring a person as deceased, missing or having lost his/her civil act capacity, his/her tax arrears previously written off under Article 65 of the Law on Tax Administration will be restored and no fine will be imposed for late tax payment for the duration that person is regarded as being deceased or missing or having lost the civil act capacity.

V. CERTIFICATION OF FULFILLMENT OF THE TAX OBLIGATION

1. Taxpayers may request tax authorities directly managing them to certify the fulfillment of the tax obligation for each kind of tax or all kinds of tax; or request tax authorities directly managing them to certify tax and fine amounts they shall pay up to the time of certification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. A written request for certification of fulfillment of the tax obligation must clearly state:

- The taxpayer's name and tax identification number;

- Amounts of each tax due, including the tax amount declared by the taxpayer in the tax dossier submitted to the tax agency and the presumptive tax amount or the assessed tax amount under a decision of the tax agency;

- Fine amounts for tax laws violations;

- Paid tax and fine amounts;

- Tax and fine arrears (if any).

3. Within three working days after receiving taxpayers' written requests for certification of fulfillment of the tax obligation, tax authorities shall give written certification of taxpayers' fulfillment of the tax obligation. In case of necessity to verify and check information on the performance of the tax obligation by taxpayers, tax authorities shall notify in writing taxpayers of the reason for delayed certification of taxpayers' fulfillment of the tax obligation.

Part F

PROCEDURES FOR TAX EXEMPTION OR REDUCTION; REMISSION OF TAX AND FINE ARREARS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Taxpayers shall determine by themselves tax amounts eligible for exemption, reduction or non-collection and declare them in tax declaration dossiers to tax authorities, except for the cases specified in Section II of this Part.

2. Documents related to the determination of tax exemption or reduction constitute part of a tax declaration dossier.

II. IF TAX AUTHORITIES DECIDE ON TAX EXEMPTION OR REDUCTION

Tax authorities shall directly examine dossiers and issues decisions on tax exemption or reduction for the following cases:

1. Business income tax exemption for cooperatives in which each laborer earns a monthly income in a year lower than the common minimum wage level set by the State for state employees. A dossier of request for tax exemption is a written request for tax exemption made according to form No. 01/MGTH enclosed with this Circular, clearly stating the tax amount requested to be exempted, the paid tax amount (if any), the reason for tax exemption and a list of enclosed documents.

2. Business income tax exemption for households and individuals that pay tax by the presumption method and earn low incomes. A dossier of request for tax exemption is a written request for tax exemption made by a household or individual according to form No. 01/MGTH enclosed with this Circular, clearly stating the tax amount requested to be exempted, the paid tax amount (if any), the reason for tax exemption and a list of enclosed documents.

3. Business income tax exemption or reduction for business individuals or private households that pay tax by the presumption method: If they cease their business activities for fifteen or more consecutive days in a month, they will be considered for 50% reduction of payable tax amounts; if they cease their business activities for the whole month, they will be considered for tax exemption for that month. A dossier of request for tax exemption or reduction is a written request for tax exemption or reduction made by a household or individual according to form No. 01/MGTH enclosed with this Circular, clearly stating the payable tax amount; the tax amount requested to be exempted or reduced; the paid tax amount (if any); the tax amount to be paid; the reason for tax exemption or reduction, and a list of enclosed documents.

4. Royalties tax exemption for natural forest products exploited by permitted inhabitants in communes where exist forests.

A dossier of request for tax exemption comprises: A written request for royalties tax exemption, made according to form No. 01/MGTH enclosed with this Circular, clearly stating the type of exploited natural resources, the place and form of exploitation, the place where exploited natural resources are sold, and a list of enclosed documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Special consumption tax, royalties tax, personal income tax, land and water surface rent, housing and land tax and agricultural land use tax exemption or reduction shall be granted to taxpayers that encounter difficulties caused by natural disasters, enemy sabotage, unexpected accidents, suffer from losses or are unable to pay taxes.

A dossier of request for tax exemption or reduction comprises:

- A written request for tax exemption or reduction, made according to form No. 01/MGTH enclosed with this Circular, clearly stating the time of and reason for damage, value of damaged assets, loss amount caused by a natural disaster, enemy sabotage or unexpected accident, the payable tax amount, the tax amount requested to be exempted or reduced, and a list of enclosed documents;

- A written record determining the degree and value of asset damage made by a competent agency according to form No. 02/MGTH enclosed with this Circular and certified by the commune-level administration of the locality where the natural disaster, enemy sabotage or accident occurs;

- A financial finalization sheet (for enterprises) accompanied with explanations and analyses for determining damaged assets and loss amount caused by the damage.

6. Time limit for processing tax exemption or reduction dossiers:

- Within thirty days after receiving complete dossiers, tax authorities shall issue decisions on tax exemption or reduction, made according to form No. 03/MGTH enclosed with this Circular, or send to taxpayers notices of reasons for their ineligibility for tax exemption or reduction, made according to form No. 04/MGTH enclosed with this Circular.

- In case of necessity to conduct actual inspection to collect sufficient grounds for processing dossiers, the time limit for issuance of tax exemption or reduction decisions is sixty days from the date of receipt of complete dossiers.

III. REMISSION OF TAX AND FINE ARREARS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.1. Enterprises that are declared bankrupt, have made payments under the provisions of law on bankruptcy and have no assets to pay tax and fine amounts.

1.2. Individuals who are regarded by law as being dead or missing or having lost their civil act capacity and have no assets to pay tax and fine arrears.

2. A dossier of request for remission of tax and fine arrears comprises:

2.1. A written request for remission of tax and fine arrears made according to form No. 01/XNTH enclosed with this Circular by the tax agency directly managing the taxpayer eligible for remission of tax and fine arrears;

2.2. A tax return for finalization up to the time a court issues a decision on opening of the procedures for settling the request for declaration of business bankruptcy (for enterprises declared bankrupt);

2.3. Documents related to the request for remission of tax and fine arrears, including: a copy of the court's decision on declaration of business bankruptcy; written evidence to the effect that the individual is regarded by law as being dead or missing or having lost the civil act capacity under the provisions of civil law and civil procedure law.

3. Order of processing of dossiers of request for remission of tax and fine arrears:

3.1. Tax authorities directly managing taxpayers shall make and send dossiers of request for remission of tax and fine arrears to their superiors as follows:

- District-level tax departments shall send to provincial-level tax departments dossiers of request for remission of tax and fine arrears of taxpayers under district-level tax departments’ management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.2. If dossiers of request for remission of tax and fine arrears are incomplete, superior tax authorities shall, within ten working days after receiving the dossiers, send notices on dossier incompleteness, made according to form No. 02/XNTH enclosed with this Circular, to tax authorities that have made the dossiers for completion of dossiers.

3.3. Within sixty days after receiving complete dossiers of request for remission of tax and fine arrears, competent persons shall issue decisions on remission of arrears, made according to form No. 03/XNTH enclosed with this Circular, or notices of ineligibility for remission of tax and fine arrears, made according to form No. 04/XNTH enclosed with this Circular.

4. Competence to remit tax and fine arrears and report to the National Assembly:

4.1. The Minister of Finance may authorize the General Director of Taxation to examine dossiers and issue decisions on remission of tax and fine arrears according to the provisions of Clause 1 of this Section. A decision on remission of tax and fine arrears must have the following contents:

- Name of the taxpayer entitled to remission of tax and fine arrears;

- Tax arrear eligible for remission corresponding to a given tax and taxation period or the time of arising of tax liability;

- Fine arrear eligible for remission;

- Tax agency responsible for complying with the decision.

4.2. Based on arrear remission decisions, tax authorities that manage tax and fine arrears eligible for remission shall incorporate these arrears in figures for finalization of annual state budget revenues, and concurrently notify them to finance agencies of the same level for incorporation in reports on local budget finalization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Part G

PROCEDURES FOR TAX REFUND OR CLEARING

I. TAX REFUND DOSSIERS

1. A value-added tax refund dossier for the case the input value-added tax amount is not fully credited in three consecutive months or the case no output value-added tax amount arises at the investment stage:

- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular, clearly stating the reason for refund, the tax amount requested to be refunded and the time that tax amount arises.

- A general list of creditable input tax and output tax amounts, paid tax amount (if any), the input tax amount larger than the output tax amount requested to be refunded, made according to form No. 01-1/HTBT enclosed with this Circular. In case input and output value-added tax amounts are adjusted as compared with those stated in the tax return submitted to the tax agency, the taxpayer shall clearly state the reason for adjustment.

2. Value-added tax refund dossiers for exports:

2.1. For exports paid in cash, a tax refund dossier comprises:

- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular, clearly stating the reason for refund, the tax amount requested to be refunded and the time that tax amount arises.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A list of documents bearing the enterprise’s signature and seal, clearly stating:

+ Serial number and date of the declaration of exports (for entrusted exportation, the serial number and date of the export declaration of the entrusted exporter must be stated);

+ Serial number and date of the export contract or serial number and date of the entrusted export contract or the entrusted processing contract for case of entrusted exportation or entrusted processing;

+ Mode of payment, serial number, date of the voucher of payment for exported goods or services and the money amount stated therein;

- A written record of liquidation of the entrusted export contract or the entrusted processing contract (in case of expiration of contract term) or a written record of periodical debt comparison between the export-entrusting party and the entrusted exporter (for case of entrusted exportation or entrusted processing of exports).

2.2. For exports paid in kind, a tax refund dossier comprises:

- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular, clearly stating the reason for refund, the tax amount requested to be refunded and the time that tax amount arises.

- A general list of creditable input tax and output tax amounts, paid tax amount (if any), the input tax amount larger than the output tax amount requested to be refunded, made according to form No. 01-1/HTBT enclosed with this Circular. In case input and output value-added tax amounts are adjusted as compared with those stated in the tax return submitted to the tax agency, the taxpayer shall clearly state the reason for adjustment.

- A list of documents bearing the enterprise’s signature and seal, clearly stating:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 + Serial number and date of the contract of purchase of goods or services from the foreign party in clearing payment for exported goods or services;

+ Serial number and date of the export declaration of exports;

+ Serial number and date of the import declaration of imports;

+ Serial number and date of the foreign party’s written certification of the money amount involved in clearing payment;

+ Serial number and date of the voucher of via-bank payment and the paid amount (in case of a difference after the clearing payment for goods).

2.3. For on-spot exportation, a tax refund dossier comprises:

- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular, clearly stating the reason for refund, the tax amount requested to be refunded and the time that tax amount arises.

- A general list of creditable input tax and output tax amounts, paid tax amount (if any), the input tax amount larger than the output tax amount requested to be refunded, made according to form No. 01-1/HTBT enclosed with this Circular. In case input and output value-added tax amounts are adjusted as compared with those stated in the tax return submitted to the tax agency, the taxpayer shall clearly state the reason for adjustment.

- A list of documents bearing the enterprise’s signature and seal, clearly stating:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Serial number and date of the customs declaration of goods imported or exported on the spot;

+ Serial number and date of the voucher of via-bank payment for goods exported on the spot and the money amount stated therein.

2.4. For goods involved in transitional processing, a tax refund dossier comprises:

- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular, clearly stating the reason for refund, the tax amount requested to be refunded and the time that tax amount arises.

- A sum-up list of creditable input tax and output tax amounts, paid tax amount (if any), the input tax amount larger than the output tax amount requested to be refunded, made according to form No. 01-1/HTBT enclosed with this Circular. In case input and output value-added tax amounts are adjusted as compared with those stated in the tax return submitted to the tax agency, the taxpayer shall clearly state the reason for adjustment.

- A list of documents bearing the enterprise’s signature and seal, clearly stating:

+ Serial number and date of the output processing contract; serial number and date of the input processing contract;

+ Serial number and date of the declaration of goods involved in transitional processing;

+ Serial number and date of the voucher of via-bank payment for goods exported on the spot and the money amount stated therein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular, clearly stating the reason for refund, the tax amount requested to be refunded and the time that tax amount arises.

- A general list of creditable input tax and output tax amounts, paid tax amount (if any), the input tax amount larger than the output tax amount requested to be refunded, made according to form No. 01-1/HTBT enclosed with this Circular. In case input and output value-added tax amounts are adjusted as compared with those stated in the tax return submitted to the tax agency, the taxpayer shall clearly state the reason for adjustment.

- A list of documents bearing the enterprise’s signature and seal, clearly stating:

+ Serial number and date of the offshore investment certificate;

+ Serial number and date of the written approval of the investment project or a document of equivalent legality according to the law of the country receiving the investment;

+ A list of goods exported for execution of the offshore investment project promulgated by the Ministry of Trade (clearly specifying types, quantities and values of goods).

3. A value-added tax refund dossier for an ODA-funded project comprises:

- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular, clearly stating the reason for refund, the tax amount requested to be refunded and the time that tax amount arises.

- A general list of refundable input tax amounts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A competent authority’s decision on approval of the project funded with non-refundable ODA or preferential ODA loan capital allocated by the state budget (a copy bearing the seal and certification signature of the authorized person of the project). In case of tax refund in multiple times, this decision is only required at the first time.

- The ODA-funded project managing agency’s certification of ODA source, i.e. non-refundable ODA or ODA loan preferentially allocated by the state budget, funding the project which is eligible for value-added tax refund (a copy certified by the agency) and the fact that the State does not allocate domestic fund for paying value-added tax. The taxpayer shall only submit this document together with the first-time tax refund dossier of the project.

If the main contractor makes the tax refund dossier, apart from the documents specified at this Point, there must also be the project owner’s certification of non-allocation of domestic fund by the state budget to the project for payment to the contract at the value-added tax-inclusive price, the value-added tax-exclusive payment price based on the bidding result and a request for tax refund to the main contractor.

4. A value-added tax refund dossier for a Vietnamese organization that uses foreign humanitarian or non-refundable aid to purchase goods in Vietnam for use as aid:

- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular, clearly stating the reason for refund, the tax amount requested to be refunded and the time that tax amount arises;

- A general list of refundable input tax amounts;

- A list of invoices and vouchers of goods and services purchased, made according to form No. 01-2/GTGT enclosed with this Circular;

- A competent authority’s decision approving the aid (a copy certified by the taxpayer);

- The Ministry of Finance’s written certification of the aid amount of the foreign non-governmental organization, clearly stating the name of the aid-providing organization, the value of the aid, the agency receiving and managing the aid.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- A representative mission’s diplomatic note requesting value-added tax refund;

- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular and certified by the Protocol Department (the Ministry of Foreign Affairs);     

- Originals, each enclosed with two copies bearing the representative mission’s seal, of added value invoices. The tax agency shall return original invoices to the representative mission after making value-added tax refund.

6. A dossier of refund of income tax on high-income earners comprises:

- A written request for tax refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular;

- A copy of the identity card or passport;

- A declaration of personal income tax for finalization;

- Documents evidencing income tax credit; income tax receipts (originals);

- Documents evidencing the expiration of the working duration, such as: retirement decision, decision on relief from office, written record of contract liquidation, list of days of residence (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. A dossier of tax refund under a double taxation avoidance agreement:

- A written request for tax refund under the agreement, made according to form No. 02/HTBT or No. 03/HTBT enclosed with this Circular applicable to organizations and individuals being residents of foreign countries or Vietnam;

- The original certificate of residence granted by the tax agency of the country of residence (clearly stating the year of residence);

- Copies of the business registration certificate and/or the tax registration certificate granted by the country of residence, for business organizations; or copies of the business registration certificate and/or the practice license and the tax registration certificate granted by the country of residence and the passport for entry into and exit from Vietnam, for independent practitioners; or copies of the labor contract and the passports for entry into and exit from Vietnam, for dependent practitioners;

- Copies of the economic contract, service provision contract, agency contract, entrustment contract, technology transfer contract and documents evidencing the enterprise’s direct operation of means of transport (for enterprises engaged in international transportation) or labor contract signed with a Vietnamese organization or individual, certificate of bank deposit in Vietnam or certificate of capital contribution to a company in Vietnam (depending on type of income in specific cases);

- Tax receipts with the State Treasury’s or the tax agency’s certification; or copies of tax payment receipts and written certification of paid tax amounts by the State Treasury where the organization or individual pays tax.

- Contracting Vietnamese organization or individual’s certification of the performance duration and actual activities under the contract.

8. A petrol and oil charge refund dossier comprises:

- A written request for charge refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The purchase contract and invoice of petrol and diesel oil of the petrol and oil-selling organization or individual;

- The petrol and diesel oil export permit granted by the Ministry of Finance;

- The petrol and diesel oil export contract signed with the foreign party. For entrusted exportation, a contract for entrusted export of petrol and diesel oil is also required;

- Invoices of petrol and diesel oil sold to foreign parties, export processing zones and export processing enterprises;

- A customs declaration of exports, with the customs office’s account liquidation and certification of volume and category of actually exported petrol and diesel oil.

9. A dossier for overpaid tax or charge refund for a taxpayer that is merged, divided, split up, dissolved, falls bankrupt, undergoes ownership transformation or terminates operation:

- A written request for tax or charge refund, made according to form No. 01/HTBT enclosed with this Circular;

- A competent authority’s decision on merger, consolidation, division, splitting up, dissolution, bankruptcy, ownership transformation or termination of operation;

- Documents for tax finalization or tax declaration up to the time of merger, consolidation, division, splitting up, dissolution, bankruptcy, ownership transformation or termination of operation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



II. PROCESSING OF TAX REFUND DOSSIERS

1. Receipt of tax refund dossiers:

1.1. Organizations or individuals that are taxpayers having tax identification numbers shall submit tax refund dossiers to tax authorities directly managing them.

1.2. Tax refund dossiers of organizations or individuals that are not taxpayers shall submit tax refund dossiers to provincial-level tax departments of localities where organizations locate their executive offices or individuals permanently reside.

1.3. If tax refund dossiers are submitted directly to tax authorities, tax officials shall receive these dossiers, append seals of receipt of dossiers and record the time of receipt of dossiers and dossier documents.

1.4. If tax refund dossiers are submitted electronically, tax authorities shall receive, check and accept these dossiers through their electronic data processing systems.

1.6. If tax refund dossiers are incomplete, tax authorities shall, within three working days from the date of receipt of dossiers, notify such to taxpayers for completion of dossiers.

2. Responsibility to process tax refund dossiers:

2.1. For dossiers eligible for tax refund before examination, tax authorities shall, within fifteen working days after receiving complete tax refund dossiers, issue tax refund decisions, made according to form No. 04/HTBT enclosed with this Circular, or notify in writing that dossiers shall be examined prior to tax refund or notify the reason for refusal of tax refund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.3. Based on tax amounts to be refunded to taxpayers and tax arrears, tax authorities shall:

- Issue tax refund decisions in case taxpayers have no tax or fine arrears of all taxes; or,

- Issue tax refund decisions and state budget revenue collection orders in case taxpayers are refunded tax under tax refund dossiers and still have tax or fine arrears of other taxes.

In a tax refund decision, the name of the taxpayer entitled to tax refund, refunded tax amount and place of receipt of refunded tax amount must be clearly stated.

2.4. If tax authorities check and determine that refundable tax amounts are different from those requested to be refunded, they shall handle the case as follows:

- If tax amounts requested to be refunded are larger than refundable ones, refundable tax amounts will be refunded to taxpayers.

- If tax amounts requested to be refunded are smaller than refundable ones, tax amounts requested will be refunded to taxpayers.

2.5. If the processing of tax refund dossiers is delayed due to the fault of tax authorities, apart from refunded tax amounts, taxpayers will also be paid interests on the duration of delayed tax refund. The interest rate used to calculate interests for delayed tax refund is the base one prescribed by the State Bank and effective at the time of issuance of interest payment decisions. The number of days for interest calculation is counted from the date following the set deadline for processing tax refund dossiers to the date of issuance of the tax refund decision, including weekends and holidays.

Interest amounts are stated in tax refund decisions and taxpayers will be paid interest amounts together with refunded tax amounts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Tax refund under treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

- Taxpayers request tax refund for the first time.

- Taxpayers were handled for their acts of tax evasion or tax fraud within two years before they make tax refund requests.

- Taxpayers fail to conduct via-bank payment transactions according to regulations.

- Enterprises are merged, consolidated, divided, split up or dissolved, falls bankrupt, undergo ownership transformation or terminate operation; state enterprises are assigned, sold, contracted or leased.

- Taxpayers fail to explain or supplement their tax refund dossiers as requested within the time limit stated in tax authorities’ notices.

- Imports are subject to state management according to the Ministry of Finance’s regulations.

III. PROCEDURES FOR TAX REFUND OR TAX CLEARING

1. For taxpayers entitled tax refund but not required to clear refunded tax amounts against other taxes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.2. For other taxes: Tax authorities shall send tax refund decisions to the State Treasury where taxpayers eligible for tax refund have paid taxes. The State Treasury shall refund tax amounts to eligible taxpayers. Refund accounting is conducted in the following two cases:

1.2.1. Refund of revenues not yet finalized: The State Treasury shall account the return of collected revenues for each budget level and according to the state budget index.

1.2.2. Refund of revenues already finalized in the annual budget of the previous year: The State Treasury shall account as expenditures of budgets at all levels these amounts in proportion to revenues previously divided to each budget level.

1.3. Transfer of documents: The State Treasury shall send tax refund documents to tax authorities that have decided on tax refund and finance agencies of the same level (or finance agencies of the superior level if the refund source comes from the budget of the superior level) for monitoring, inspection and comparison. The State Treasury shall report on a monthly basis to finance agencies of the same level on refunded tax amounts for checking and comparison.

2. For taxpayers entitled tax refund but required to clear refunded tax amounts against other taxes:

2.1. For refund of value-added tax, tax authorities shall send tax refund decisions and tax collection orders to the State Treasury of the same level. For refund of other revenues, tax authorities shall send tax refund decisions and tax collection orders to the State Treasury where taxpayers entitled to tax refund have paid taxes.

2.2. Accounting of tax refund and state budget revenues of the State Treasury shall be conducted as follows:

2.2.1. If the State Treasury that makes tax refund concurrently collects other payable tax amounts, it shall account the tax refund under the provisions of Clause 1 of this Section; account state budget revenues according to collection orders of tax authorities and divide them to budgets at all levels; and pay remaining refunded tax amounts (if any) to taxpayers.

2.2.2. If the State Treasury that makes tax refund does not collect other payable tax amounts, the State Treasury that makes tax refund shall account the refund under the provisions of Clause 1 of this Section; transfer refunded amounts together with state budget revenue collection orders of tax authorities to the State Treasury that collects taxes for use as a basis for accounting of state budget revenues according to the collection orders; and pay remaining refunded tax amounts (if any) to taxpayers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



TAX EXAMINATION AND INSPECTION

I. TAX EXAMINATION

Pursuant to Articles 77 and 78 of the Law on Tax Administration, all tax dossiers submitted to tax authorities are subject to examination of the completeness and accuracy of their information and documents in order to assess the observance of tax laws by taxpayers.

Tax examination may be conducted at tax authorities’ offices or taxpayers’ offices.

1. Tax examination at tax authorities’ offices:

1.1. Tax officials shall examine the contents declared in tax dossiers and compare them with taxpayers’ databases and related documents on taxpayers, data of taxpayers conducting the same business line or dealing in the goods for the purpose of analyzing and assessing their compliance or detecting incomplete declarations which may lead to tax underpayment, evasion or fraud.

After examination, tax officials shall certify tax examination results in tax dossiers in the following cases:

- Dossiers with full declarations, containing sufficient and accurate information and documents and showing no sign of law violation will be accepted;

- For dossiers detected to lack required documents or have some elements not yet fully declared according to regulations, tax authorities shall notify such to taxpayers for completion. For dossiers submitted directly to tax authorities, tax officials receiving dossiers shall notify or give guidance directly to dossier submitters. For dossiers sent by post or electronically, tax authorities shall issue written notices within three working days from the date of dossier receipt.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.2. Examination to clarify tax dossiers’ contents that must be supplemented:

1.2.1. When tax authorities detect, through examination, comparison or analysis, improperly declared contents, inaccurately declared figures or want to verify contents related to payable, exempted, reduced or refundable tax amounts which must be verified, they shall issue written notices, made according to form No. 01/KTTT enclosed with this Circular, requesting taxpayers to explain or supplement those information or documents.

The time limit for explaining or supplementing information or documents in tax dossiers is ten days. Taxpayers may come to tax authorities to directly give verbal explanations or provide written ones.

If taxpayers give explanations directly at tax authorities, written records of those explanations shall be made according to form No. 02/KTTT enclosed with this Circular.

1.2.2. After taxpayers explain or supplement information or documents at the request of tax authorities:

- If taxpayers’ information or document explanations or supplements are satisfactory to tax authorities and taxpayers can prove that declared tax amounts are correct, their tax dossiers will be accepted.

- If taxpayers, after explaining or supplementing information or documents, still fail to produce sufficient grounds to prove that declared tax amounts are correct, tax authorities shall request taxpayers to make additional declarations. The time limit for making additional declarations is five days after tax authorities issue notices requesting additional declarations.

- If taxpayers fail to explain or supplement information or documents within the time limit stated in tax authorities’ notices or fail to make additional declarations in tax dossiers or are unable to prove that declared tax amounts are correct through their explanations or additional declarations, tax authorities shall:

+ Assess tax and issue notices of payable tax amounts, made according to form No. 01/ATTH enclosed with this Circular, to taxpayers; or,

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Tax examination at taxpayers’ offices:

2.1. Cases subject to tax examination at taxpayers’ offices:

2.1.1. Taxpayers fail to explain or supplement information or documents, fail to make additional declarations in tax dossiers or are unable to prove that declared tax amounts are correct through making additional declarations in tax dossiers; or tax authorities have insufficient grounds for tax assessment.

2.1.2. Cases subject to examination before tax refund:

- Tax refund is made under treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

- Taxpayers request tax refund for the first time.

- Taxpayers commit acts of tax evasion or tax fraud within two years before they request tax refund.

- Taxpayers fail to make via-bank payments according to regulations.

- Enterprises are merged, consolidated, divided, split up, dissolved, fall bankrupt, undergo ownership transformation, or terminate operation; state enterprises are assigned, sold, contracted or leased.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.2.1. Tax authorities shall issue tax examination decisions for the case specified at Point 2.1 of this Section. Tax examination can only be conducted at taxpayers’ offices upon the issuance of decisions on tax examination at taxpayers’ offices. Taxpayers may decline the examination if no tax examination decision is shown.

Decisions on tax examination at taxpayers’ offices are issued by heads of tax authorities.

A decision on tax examination at a taxpayer’s office must at least state:

- Legal grounds for examination;

- Examined subject (if the examined subject is a taxpayer having member units, the examination decision must contain a list of member units of the examined subject under the decision);

- Examination contents and scope;

- Examination duration;

- Head and other members of the examination team;

- Powers and responsibilities of the examination team and the examined subject.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Within five working days from the date of its signing, a decision on tax examination at a taxpayer’s office shall be sent to the taxpayer.

- Within three working days from the date of receipt of the tax examination decision or before the time the examination is conducted at the taxpayer’s office, if the taxpayer can prove with the tax agency that the declared tax amount is correct or can fully pay the tax amount assessed by the tax agency, the head of the tax agency shall issue a decision to cancel the tax examination decision.

- Examination under a tax examination decision shall be conducted within ten working days from the date of issuance of the decision. To start the tax examination, the head of the tax examination team shall announce the tax examination decision and explain its contents to the examined subject for compliance. If the taxpayer, upon receiving the examination decision, requests examination postponement, it shall send to the tax agency a written request, clearly stating the reason for postponement and a proposed postponement duration for consideration and decision. Within five working days after receiving the written request for examination postponement, the tax agency shall notify the taxpayer of whether it approves or disapproves the request.

- In the course of implementing the examination decision, the examination team shall compare the tax dossier contents with accounting books and documents, financial statements and relevant documents and the real situation within the scope of the tax examination decision.

In case of necessity to temporarily seize documents or material evidence related to acts of tax evasion or tax fraud, the head of the examination team shall report in writing to the examination decision issuer for the latter to decide on application of the measure of temporary seizure of documents or material evidence related to acts of tax evasion or tax fraud according to regulations.

The taxpayer shall supply adequate and accurate information and documents relevant to examination contents at the request of the examination team in a timely manner, and take responsibility before law for the accuracy of supplied information and documents. The taxpayer may refuse to supply information and documents irrelevant to examination contents and those pertaining to state secrets, unless otherwise provided for by law.

- The time limit for tax examination at a taxpayer’s office is five working days from the date of commencement of examination. In case of necessity to further verify and gather evidence, the head of the examination team shall, at least one day before the expiration of this time limit, report such in writing to the examination decision issuer for extension of the examination time limit. The examination time limit stated in an examination decision may be extended once under a written decision. The time limit extension must not exceed five working days.

2.2.3. Written records of tax examination:

A written record of tax examination shall be made according to form No. 04/KTTT enclosed with this Circular and signed within five working days after the examination is finished.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Legal grounds for making the written record.

- Description of the actual development of the case according to examined contents; results of comparison of figures found by the examination team with those declared and reported by the taxpayer; reasons for difference;

- Conclusion on each examined content, identification of act(s) and severity of violation; handling of violation(s) according to the examination team’s competence; proposed remedy(ies) that are beyond the examination team’s competence  

The written record of examination shall be publicly notified to the examination team and the examined taxpayer, and appended with signatures of the head of the examination team and the taxpayer (or its lawful representative) and the taxpayer’s seal (if any) on every page.

Taxpayers may receive written records of tax examination, request explanations of contents of these records and reserve their opinions in these records.

2.2.4. Handling of tax examination results:

- Within five working days from the date of signing of a written record of examination with a taxpayer, the head of the examination team shall report to the tax examination decision issuer on examination results. If examination results necessitate the tax handling or sanctioning of administrative violations, the head of the tax agency shall, within ten working days from the date of signing of the written record, issue a tax handling or administrative violation sanctioning decision. The taxpayer is obliged to abide by this decision.

- If the sanctioning level for the taxpayer’s act of violation goes beyond the sanctioning competence of the tax examination decision issuer, the tax examination decision issuer shall, within ten working days from the date of signing of the written record of tax examination, propose in writing a competent person to sanction the tax administrative violation (the written proposal is enclosed with the written record of examination) and notify such to the taxpayer.

Within ten working days after receiving the tax agency’s written proposal for issuance of a decision on sanctioning of tax administrative violation, the proposal recipient shall issue such decision, or notify that the violation is beyond his/her sanctioning competence and return the dossier to the proposing tax agency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



II. TAX INSPECTION

1. Tax inspection is conducted only in the cases specified in Article 81 of the Law on Tax Administration. For a case showing signs of tax laws violation, tax inspection will be conducted only when there are grounds to believe that a taxpayer declares inadequate tax liability or commits tax evasion or tax fraud, which is not severe enough for examination for penal liability.

2. Tax inspection is conducted on the basis of annual inspection plans, except for the cases specified in Clauses 2 and 3, Article 81 of the Law on Tax Administration (inspection is conducted when there is a sign of a tax laws violation or inspection to settle complaints or denunciations or upon request of heads of tax administration agencies at all levels or of the Minister of Finance).

An inspection plan shall be made on the basis of the analysis of information on taxpayers, the detection and listing of taxpayers showing abnormal signs in performing the tax obligation, and the selection of taxpayers to be inspected. An inspection plan must state the inspected subject, inspection period, tax subject to inspection and projected inspection duration.

Inspection plans of a tax agency must be sent to its superior. If inspection plans of a tax agency and its superior have the same inspected subject, the superior tax agency shall realize its inspection plan on that inspected subject.

If the State Inspectorate has a tax inspection plan identical to a tax agency’s inspection plan, the State Inspectorate’s tax inspection plan is prioritized.

3. Heads of tax authorities at all levels are competent to issue tax inspection decisions, made according to form No. 03/KTTT enclosed with this Circular.

A tax inspection decision must state:

- Legal grounds for inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Inspection contents and scope;

- Inspection duration;

- Head and other members of the inspection team. In case of necessity, the inspection team may have a deputy head who assists the head in performing some assigned tasks and is answerable to the head for the performance of his/her assigned tasks. In the course of tax inspection, the inspection team must have at least one member being a tax inspector.

The tax inspection decision must be sent to the inspected subject within three working days from the date of its signing.

4. The time limit for a tax inspection is thirty days from the date of announcement of the tax inspection decision. In case of necessity to further verify and gather evidence, the head of the inspection team shall, at least five working days before the expiration of the set inspection time limit, report such in writing to the inspection decision issuer for extension of the inspection time limit. The inspection time limit stated in an inspection decision may be extended once under a written decision. The time limit extension must not exceed thirty days.

5. Inspection procedures:

5.1. Announcement of inspection decisions:

A tax inspection decision must be announced within fifteen days from the date of its issuance.

Before announcing the inspection decision, the head of the inspection team shall notify the inspected subject of the time, participants and place of decision announcement. When announcing the inspection decision, the head of the inspection team shall read the full text of the inspection decision, clearly explain its contents to the inspected subject so that the latter can understand and abide by the inspection decision, and announce a working agenda between the inspection team and the inspected subject as well as other matters related to the inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A taxpayer that, upon receiving an inspection decision, requests inspection postponement shall send to the tax agency a written request, clearly stating the postponement reason and duration for the latter’s consideration and decision. Within five working days after receiving a written request for inspection postponement, the tax agency shall notify the taxpayer of whether it approves or disapproves of the inspection postponement.

5.2. Inspection:

- To start the inspection, the inspection team shall request the taxpayer to supply information and documents relevant to inspection contents, such as business registration and tax registration dossiers, registrations for use of invoices, accounting books and documents, financial statements, tax declaration dossiers, etc. The taxpayer shall supply in a timely manner sufficient and accurate information and documents relevant to inspection contents at the request of the tax agency. The taxpayer may refuse to supply information and documents irrelevant to tax inspection contents or those pertaining to state secrets, unless otherwise provided for by law. When receiving documents supplied by the taxpayer, the inspection team shall check, count, preserve and use them for proper purposes and may not lose or misplace them. When there are grounds to determine that the taxpayer commits a tax laws violation, the head of the inspection team shall issue a decision on sealing several or all documents related to inspection contents. The sealing, seal removal or cancellation of sealing strictly comply with the provisions of law.

- In the course of implementing the inspection decision, the inspection team shall compare information in the tax declaration dossier with accounting books and documents, financial statements and relevant documents and, when necessary, inventory the taxpayer’s assets within the scope of the inspection decision in order to detect and verify matters and events, and make accurate, truthful and objective conclusions on inspection contents.

- For unclear events or documents, in order to have enough grounds to make conclusions, the inspection team shall prepare in detail contents which it requires the taxpayer to explain in writing. If the taxpayer’s written explanation is till unclear, the inspection team shall organize a questioning session for the taxpayer to clarify unclear contents and identify collective and personal responsibilities. The questioning session must be recorded in a minutes signed by both sides and sound-recorded in case of necessity.

- In case of necessity to expertise documents, the head of the inspection team shall report to the inspection decision issuer for decision on soliciting expertise. The inspection team shall make a written record of seizure of documents, clearly stating the actual state of those documents (and material objects, if any), before transferring them to the expertise agency.

- In the course of inspection, if the taxpayer is detected to show signs of tax evasion or tax fraud related to other organizations or individuals or signs of a complicated case of tax evasion or tax fraud, the tax agency may apply permitted inspection measures specified in Articles 89, 90 and 91 of the Law on Tax Administration and the guidance in Section III of this Part.

- The inspection team shall make a dossier of inspection evidence to serve as a basis for making a written record of inspection, which consists of written records of comparison results; copies of relevant documents (including audio and video recordings); written records of warehouse and fund inventory and work results of the inspection team’s members with concerned subjects of the enterprise; documents and reports made by the enterprise at the request of the inspection team or lists of documents and figures made by the inspection team together with the taxpayer.

5.3. Making of written records of tax inspection:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A written record of tax inspection must contain:

- Legal grounds for its making.

- Description of inspected contents, results of comparison by the inspection team of found figures with those declared and reported by the taxpayer; reason(s) for any difference; inspection evidence.

- Conclusion on each inspected content, identification of acts of violation and their severity; handling of violations according to the inspection team’s competence; proposed remedy(ies) that are beyond the inspection team’s competence  

The written record of inspection shall be publicly notified to the inspection team and the inspected taxpayer, and appended with signatures of the head of the inspection team and the taxpayer (or its lawful representative) and the taxpayer’s seal (if any) on each page.

Taxpayers may receive written records of tax inspection, request explanation of contents of these records and reserve their opinions in these records.    

6. Reports on inspection results and inspection conclusions:

6.1. Within fifteen days after the inspection is finished, the head of the inspection team shall make a written report on inspection results and draft inspection conclusions, and send them to the inspection decision issuer.

6.2. A report on inspection results must have the following contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Clear identification of the nature, severity and cause of violation, liability of the agency, organization or individual that commits the act of violation (if any);

- Disparity between opinions of the inspection team’s members and those of the inspection team’s head on contents of the report on inspection results (if any);

- Applied handling measures according to the inspection team’s competence; proposed remedies;

- Provisions of law serving as a ground for identification of the nature and severity of the violation and proposed remedies.

The report on inspection results and draft inspection conclusion submitted to the inspection conclusion maker must contain all written opinions of the inspection team’s members. Opinions of a team member must express his/her agreement or disagreement to the report or draft conclusion made by the team head on his/her and other members’ work performance. In case of disagreement, reasons must be clearly stated.

7. Inspection conclusions and circulation of inspection conclusions

7.1. Within fifteen days after receiving reports on tax inspection results, heads of tax authorities that have issued tax inspection decisions shall make written tax inspection conclusions according to form No. 06/KTTT enclosed with this Circular.

7.2. A tax inspection conclusion must have the following contents:

- Assessment of tax laws observance by the inspected subject within the scope of tax inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Clear identification of the nature, severity and cause of the violation, and liability of the agency, organization or individual that commits the act of violation (if any);

- Handling of the administrative violation according to the inspection team’s competence or request for handling by a competent person according to the provisions of law.

7.3. In making written inspection conclusions, heads of tax authorities that have issued tax inspection decisions may request heads and members of inspection teams to report or inspected subjects to explain and further clarify matters necessary for making tax inspection conclusions.

7.4. Inspection conclusions must be sent to inspected taxpayers, tax authorities directly managing them (in case superior tax authorities issue inspection decisions) or superior tax authorities (in case tax authorities directly managing taxpayers issue inspection decisions).

8. If taxpayers commit acts of tax laws violation, heads of tax authorities directly managing them shall base themselves on inspection conclusions to issue decisions on tax assessment and decisions on administrative sanctioning of taxpayers.

If sanctions against acts of violation of taxpayers are beyond their sanctioning competence, the inspection decision issuers shall, within three days from the date of signing of inspection conclusions, make written proposals to competent persons to sanction tax administrative violations (enclosed with written records of tax inspection and tax inspection conclusions) and notify such to taxpayers. Within three working days after receiving proposals for issuance of decisions on sanctioning of tax administrative violations, if the cases fall beyond their sanctioning competence proposal recipients shall return the dossiers to inspection decision issuers and notify them of the reason for return. If the cases fall within their competence, proposal recipients shall consider them and issue decisions on sanctioning of tax administrative violations within thirty working days from the date of signing of written records of inspection.

III. PROCEDURES FOR APPLICATION OF TAX INSPECTION MEASURES TO CASES SHOWING SIGNS OF TAX EVASION OR TAX FRAUD

1. Collection of information on acts of tax evasion or tax fraud:

Heads of tax administration agencies may request organizations or individuals that have information on acts of tax evasion or tax fraud to supply such information in writing or verbally.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Written requests for information supply must be made according to form No. 07/KTTT enclosed with this Circular and sent directly to organizations or individuals requested to supply information.

- The time limit for information supply is counted from the time a written request for information supply is handed to a person responsible for information supply or a third party responsible for forwarding the request to the person responsible for information supply.

- An information supply document must clearly state the person responsible for information supply. If the information supplier is a taxpayer’s representative, that document must bear the signature, full name and title of the information supplier and the seal of the managing organization. If the information supplier is an individual, that document must bear the signature, full name, serial number of the identity card or other equivalent information of the information supplier.

- Individuals or organizations are obliged to supply information within the time limit set by tax authorities. If unable to supply information, they shall reply in writing, clearly stating the reason.

1.2. Supply of information in verbal form:

- A written request for supply of information in verbal form must be made according to form No. 08/KTTT enclosed with this Circular and have the following principal contents: Name of the organization or individual responsible for information supply, information requested to be supplied, documents which must be carried along by the information supplier, time and place of information supply.

- A tax inspector tasked to collect information shall produce the tax inspector’s card when conducting information collection.

- The place of information collection is the tax agency’s office.

- When collecting information, the tax inspector shall make a written record according to form No. 09/KTTT enclosed with this Circular which must state:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The information supplier may read or listen to the written record, and write his/her opinions in the written record.

+ The information supplier may keep one copy of the written record of information supply.

- Persons responsible for information supply get travel and accommodations expenses paid by tax authorities according to regulations.

- Tax authorities shall keep confidential information on information suppliers, documents, autographs and evidence obtained from information suppliers.

2. Temporary seizure of documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud

2.1. Heads of tax authorities or tax inspection teams may decide on temporary seizure of documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud.

A decision on temporary seizure of documents and exhibits must be made according to form No. 10/KTTT enclosed with this Circular and state: documents and exhibits to be temporarily seized, the person conducting the temporary seizure, mode of temporary seizure (sealing on the spot or transport to another place of temporary seizure) and temporary seizure duration. Decisions on temporary seizure shall be handed to owners of temporarily seized documents and exhibits.

2. Temporary seizure of documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud is applied when it is necessary to verify circumstances for making decisions on handling or prompt prevention of acts of tax evasion or tax fraud.

3. In the course of tax inspection, if inspected subjects show signs of dispersion or destruction of documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud, tax inspectors on duty may temporarily seize those documents and exhibits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within eight working hours after receiving the reports, competent persons shall consider and issue temporary seizure decisions. If competent persons disagree with the temporary seizure, tax inspectors shall return documents and exhibits within eight working hours.

2.4. When temporarily seizing documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud, tax inspectors shall make written records of temporary seizure according to form No. 11/KTTT enclosed with this Circular. Such a written record must clearly state the names, quantity and types of temporarily seized documents and exhibits, and bear signatures of the person who temporarily seizes and the person who manages documents and exhibits. Issuers of temporary seizure decisions shall preserve temporarily seized documents and exhibits and be held responsible before law if those documents and exhibits are lost, sold, exchanged or damaged.

In case of necessity to seal up documents and exhibits, the sealing must be conducted in the presence of owners of those documents and exhibits. When owners of documents and exhibits are absent, the sealing shall be conducted in the presence of representatives of their families or organizations, local administration and witnesses.

2.5. Exhibits being Vietnamese currency, foreign currencies, gold, silver, gems, precious metals and objects under special management must be preserved according to law; for exhibits being perishable goods or articles, temporary seizure decision issuers shall make written records thereof and promptly sell them to avoid any loss. Proceeds from the sale of exhibits shall be transferred into custody accounts opened at the State Treasury so as to ensure full collection of tax and fine amounts.

2.6. Within ten working days from the date of temporary seizure, temporary seizure decision issuers shall issue decisions on disposal of temporarily seized documents and exhibits according to form No. 12/KTTT enclosed with this Circular, take measures stated in the disposal decisions or return temporarily documents and exhibits to individuals and organizations when confiscation of temporarily seized documents and exhibits is not applied. The time limit for temporary seizure of documents and exhibits may be prolonged for complicated cases which need verification but must not exceed sixty days after the date documents and exhibits are temporarily seized. The prolongation of the time limit for temporary seizure of documents and exhibits shall be decided by competent persons defined at Point 2.1 of this Section. The return of temporarily seized documents and exhibits to their owners must be stated in written records between parties, made according to form No. 13/KTTT enclosed with this Circular.

Tax authorities may keep documents used everyday by taxpayers for no more than three working days and archival documents for no more than ten working days. If tax authorities return temporarily seized documents within that time limit, they are not required to issue decisions on disposal of documents.

2.7. Tax authorities shall send copies of the temporary seizure decision, temporary seizure written record and decision on disposal of documents and exhibits and written record of return of documents and exhibits to organizations or individuals whose documents and exhibits are temporarily seized.

2.8. If temporarily seized documents and exhibits are lost, fraudulently exchanged, damaged or returned late, thus causing damage to their owners, tax authorities shall pay compensations for damage to those persons according to provisions of law.

3. Search of hiding places of documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.2. Heads of tax authorities may decide on search of hiding places of documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud. If the hiding place of documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud is a place of residence, written approval of the president of the district-level People's Committee managing the locality where exists the searched place is required.

A decision on search of a hiding place of documents and exhibits must be made according to form No. 14/KTTT enclosed with this Circular and state the place to be searched, composition of the search team, search time and its effect.

3.3. Search of hiding places of documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud shall not be conducted at night, on holidays or when owners of searched places proceed with weddings or funerals, except when illegal acts are caught on flagrant delicto and the reasons for the search shall be clearly stated in written records.

3.4. Search of a hiding place of documents and exhibits shall be conducted in the presence of its owner and witnesses. Search of the office of an agency or organization shall be conducted in the presence of a representative of this agency or organization. When the owner of the searched place or the representative of the agency or organization is absent and the search cannot be delayed, the presence of representatives of the local administration and two witnesses is required.

3.5. Persons present at the searched place when the search in conducted may neither leave the place nor talk with one another until the search is finished. 

3.6. All cases of search of hiding places of documents and exhibits related to acts of tax evasion or tax fraud must be decided and recorded in writing according to form No. 15/KTTT enclosed with this Circular. A copy of the search decision and a copy of the written record of search of a hiding place of documents and exhibits shall be handed to the owner of the searched place.    

3.7. A written record of search of a hiding place of documents and exhibits related to an act of tax evasion or tax fraud must have the following principal contents:

- Search reason, serial number of the search decision or name of the head of the tax agency approving the search. Written approval of the president of the district-level People's Committee managing the locality where exists the searched place (for search of places of residence);   

- Starting time and finishing time of the search;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Searched place;

- Owner or manager of the searched place;

- Documents and exhibits found through the search;

- Handling of documents and exhibits related to the act of tax evasion or tax fraud according to the tax agency's competence or request for handling by a competent person.

Part I

COMPLAINTS, DENUNCIATIONS AND INSTITUTION OF LEGAL ACTIONS

I. ADMINISTRATIVE DECISIONS AND ACTS SUBJECT TO COMPLAINTS AND INSTITUTION OF LEGAL ACTIONS

1. Taxpayers, individuals and organizations may lodge complaints about the following administrative decisions of tax authorities:

1.1. Tax assessment decision; tax payment notice;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.3. Tax refund decision;

1.4. Decision on administrative sanctioning of act of tax laws violation;

1.5. Decision on enforcement of tax administrative decision;

1.6. Tax inspection conclusion;

1.7. Complaint settlement decision;

1.8. Other administrative decisions defined by law.

Tax authorities' documents issued in the form of official letter, notice, etc., but expressing tax authorities' decisions on some specific matters in tax administration activities and applicable to one or several specific subjects only once are also considered tax authorities' administrative decisions.

2. Taxpayers, individuals and organizations may lodge complaints about administrative acts of tax authorities, tax administration officials, persons assigned to perform tax administration duties when they have grounds to believe that those acts are unlawful or infringe upon their lawful rights and benefits. Administrative acts appear in the form of action or inaction.

3. Denounced subjects, tax authorities, tax administration officials and persons assigned to perform tax administration duties shall check and review their administrative decisions or acts and promptly amend or remedy unlawful ones in order to avoid complaints.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Competence of tax authorities at all levels to settle complaints is as follows:

1.1. Directors of district-level tax departments are competent to complaints about their own administrative decisions and acts or administrative decisions and acts of responsible persons under their direct management.

1.2. Directors of provincial-level tax departments are competent to:

1.2.1. Settle complaints about their own administrative decisions and acts or administrative decisions and acts of responsible persons under their direct management.

1.2.2. Settle complaints which are further lodged after they have been settled by directors of district-level tax departments.

1.3. The General Director of Taxation is competent to:

1.3.1. Settle complaints about his/her own administrative decisions and acts or administrative decisions and acts of responsible persons under his/her direct management.

1.3.2. Settle complaints which are further lodged after they have been settled for the first time by directors of provincial-level tax departments.

1.4. The Minister of Finance is competent to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.4.2. Settle complaints which are further lodged after they have been settled for the first time by the General Director of Taxation.

2. Competence of tax authorities at all levels to settle denunciations is as follows:

2.1. Tax authorities shall settle denunciations against illegal acts of persons under their respective management.

2.2. Heads of tax authorities shall settle denunciations against acts of violation of regulations on tasks and official duties of staffs of their agencies.

2.3. Heads of tax authorities shall settle denunciations against acts of violation of regulations on tasks and official duties of heads of their subordinate agencies.

III. TIME LIMIT AND PROCEDURES FOR SETTLING COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS

Time limits and procedures for lodging and settling complaints and denunciations comply with the provisions of law on complaints and denunciations.

Persons competent to settle complaints shall issue complaint settlement decisions according to form No. 01/KNTC enclosed with this Circular.

IV. RECEPTION OF COMPLAINANTS AND DENOUNCERS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The reception of complainants and denouncers must be recorded in writing according to form No. 02/KNTC enclosed with this Circular.

2. The reception of complainants, denouncers or persons filing written complaints or denunciations is conducted at places of citizen reception. Tax authorities shall arrange convenient places for reception of citizens and ensure conditions for complainants and denouncers to make their complaints and denunciations or present their proposals or reports related to complaints and denunciations in an easy and convenient manner.

Citizen reception timetables and internal rules must be posted up at places of citizen reception.

3. Heads of tax authorities shall personally receive citizens according to the following regulations:

3.1. Directors of district-level tax departments shall receive citizens on at least one day a week;

3.2. Directors of provincial-level tax departments shall receive citizens on at least two days a month;

3.3. The General Director of Taxation shall receive citizens on at least one day a month.

4. Heads of sections in charge of settlement of complaints and denunciations shall personally receive citizens according to the following regulations:

4.1. At district-level tax departments, they shall receive citizens on at least three days a week;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.3. At the General Department of Taxation, he/she shall receive citizens on at least four days a month.

V. INSTITUTION OF LEGAL ACTIONS

The institution of legal actions against administrative decisions and acts of tax authorities and tax administration officials shall comply with the provisions of law on procedures for handling administrative cases.

VI. HANDLING OF OVERPAID TAX AMOUNTS OR UNDERPAID TAX AMOUNTS AFTER SETTLEMENT DECISIONS ARE ISSUED BY COMPETENT AGENCIES

1. Tax authorities shall refund incorrectly collected tax and fine amounts and pay interests on overpaid portions of incorrectly collected tax and fine amounts to taxpayers or third parties within fifteen days from the date of issuance of complaint settlement decisions or receipt of handling decisions of competent agencies. Interests are calculated at a base interest rate announced by the State Bank.

Handling decisions of competent agencies include: decisions of competent state administrative management agencies or judgments or rulings of competent courts according to law.

2. If payable tax amounts stated in complaint settlement decisions are larger than those stated in complained administrative decisions, taxpayers shall fully pay outstanding tax amounts within ten days from the date of receipt of complaint settlement decisions.

Part J

IMPLEMENTATION EFFECT

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The provisions on monthly tax declaration apply to tax declaration from the tax period of July 2007.

The provisions on quarterly tax declaration apply to tax declaration from the tax period of the third quarter of 2007.

In the period from July 1st, 2007, to the end of December 31, 2008, senior experts and senior controllers of tax authorities may have the powers of tax inspectors in tax inspection.  

2. To annul all guidance on tax administration issued by the Ministry of Finance before the effective date of this Circular which is inconsistent with the guidance in this Circular.

 

 

FOR THE MINISTER OF FINANCE
VICE MINISTER




Truong Chi Trung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 60/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế và Nghị định 85/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế do Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


66.092

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.108.185
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!