VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 27/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 01 năm 2019
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC
THUẾ NĂM 2018
Ngày 10 tháng 01 năm 2019, tại Trụ sở Tổng cục Thuế,
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác
thuế năm 2019. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Lãnh
đạo Tổng cục Thuế và Cục thuế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua cầu
truyền hình trực tuyến. Sau khi nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam
báo cáo tổng kết nhiệm vụ công tác thuế năm 2018, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
công tác thuế năm 2019, ý kiến của một số lãnh đạo Cục thuế địa phương, Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
1. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết
quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018 của cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động ngành Thuế; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và sự vào
cuộc quyết liệt, khẩn trương ngay từ đầu năm của cấp ủy, chính quyền địa phương
đã góp phần quan trọng vào thực hiện thành công, toàn diện, có trọng tâm, trọng
điểm ở cả Tổng cục thuế và các chi cục thuế địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm
vụ thu ngân sách nhà nước, đóng góp vào thành công của ngành tài chính nói
riêng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
năm 2018 nói chung, tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội trong năm 2019.
2. Các kết quả nổi bật của ngành
thuế trong năm 2018 là:
a) Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán do Quốc hội
giao, kế hoạch do Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01
năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đặc biệt, khác với các năm trước,
năm 2018 tăng thu ngân sách nhà nước từ cả tăng thu ngân sách trung ương (4,3%)
và tăng thu ngân sách địa phương (12,5%).
b) Có 61/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt
mức dự toán được giao, trong đó 40/63 địa phương vượt trên 7,3% dự toán. Có
60/63 địa phương tăng thu so với cùng kỳ, trong đó có 15/63 địa phương tăng thu
ở mức cao từ 15% trở lên.
c) Sau 10 năm, số thu do ngành Thuế thực hiện tăng
lên gấp 3,4 lần. Trong đó, 62/63 địa phương có số thu trên 1.000 tỷ, 40 địa
phương có số thu trên 5.000 tỷ đồng (năm 2009 chỉ có 9 địa phương), 19 địa
phương có số thu trên 10.000 tỷ (năm 2009 chỉ có 03 địa phương).
d) Tỷ trọng thu nội địa 03 năm 2016 - 2018 chiếm khoảng
76,2% trong tổng thu ngân sách nhà nước, cao hơn so với bình quân giai đoạn
2011 - 2015 (khoảng 68%), góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng
tích cực, bền vững hơn.
đ) Công tác hiện đại hóa ngành Thuế, nhất là quản
lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế
của mình thông qua thực hiện rộng rãi và nâng cao chất lượng khai, nộp thuế điện
tử, hoàn thuế điện tử, đồng thời chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong
quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam,
tăng xếp hạng chỉ số nộp thuế của Việt Nam trong báo cáo Môi trường kinh doanh
của Ngân hàng thế giới trong năm 2019 lên từ 7-10 bậc so với năm 2018.
e) Đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế đã có bước
trưởng thành, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, thích ứng tốt hơn với yêu
cầu của đổi mới, hội nhập. Ngành thuế đã và đang thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ
chức bộ máy đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của
Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp
tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động
hiệu lực, hiệu quả.
3. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày
01 tháng 01 năm 2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ đã xác định
năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu tổng
quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất,
chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế và tinh thần
phấn đấu năm 2019 khá hơn năm 2018 về mọi phương diện. Để thực hiện được yêu cầu
này, trong năm 2019 Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tập trung triển khai các giải
pháp chủ yếu sau:
a) Quán triệt và thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị
quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân
sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của
Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi
trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng
đến năm 2021 và các Chương trình hành động của ngành tài chính thực hiện Nghị
quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; Chiến lược phát triển
ngành Thuế giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn
2016 - 2020 với phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt
phá, hiệu quả".
b) Tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, chính
sách, pháp luật về thuế, trong đó:
- Lắng nghe, cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến
đóng góp đối với Dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế của các đại biểu Quốc hội,
các hiệp hội, các nhà khoa học, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Dự án Luật
để khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện hành, hướng tới quản lý thuế trên cơ
sở đánh giá rủi ro, giải quyết được các mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm
quyền của Nhà nước trong việc quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của
từng cơ quan, không chồng chéo, gây phiền hà, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp
pháp của người nộp thuế, xử lý được tình trạng nợ đọng thuế hiện nay, góp phần
nâng cao hiệu lực, hiệu quả ngành thuế theo hướng hiện đại, tiếp cận với thông
lệ quốc tế. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và
các cơ quan liên quan để hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án
Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế.
- Rà soát, tham mưu cho Chính phủ trong việc sửa đổi,
hoàn thiện các luật về chính sách thuế hiện hành, bảo đảm bám sát Chiến lược
phát triển ngành Thuế giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch cải cách hệ thống thuế
giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ
Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ
công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, phù hợp với thông lệ
quốc tế và phản ánh đúng bản chất các loại thuế.
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2019
về thực trạng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó báo
cáo rõ tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI và các
ưu đãi về thuế hiện hành mà các doanh nghiệp này đang được hưởng. Trên cơ sở
đó, đề xuất các giải pháp để xử lý các nội dung khác nhau giữa các quy định
pháp luật hiện hành về thuế và đầu tư, thực hiện kiểm tra, giám sát tình trạng
chuyển giá ngay từ khâu cấp phép đầu tư, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa các
doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI, góp phần đẩy mạnh và thu hút
chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình hình mới theo
hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp,
lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham
gia chuỗi giá trị toàn cầu.
- Hoàn thiện các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật
Thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, báo cáo Chính phủ để trình
Quốc hội xem xét, thông qua.
- Chủ động đề xuất ban hành hoặc thí điểm thực hiện
các thể chế, chính sách để đáp ứng được yêu cầu phát sinh của cuộc cách mạng
công nghệ lần thứ tư như nền kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới, mô hình
thanh toán mới, hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt, giao dịch xuyên biên
giới…
- Rà soát các Nghị định, Thông tư, các văn bản hướng
dẫn hiện hành liên quan đến công tác quản lý thuế và thực hiện bãi bỏ theo thẩm
quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay các văn bản chưa phù hợp với
nội dung quy định tại các Luật hiện hành về thuế.
c) Thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong quản
lý thu như sau:
- Rà soát để giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước
tích cực hơn để tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa
phương, nhất là ở một số địa bàn có dư địa để tăng thu.
- Xây dựng và triển khai Đề án mở rộng cơ sở thuế
và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư để đánh giá và thống kê đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực
kinh tế chưa được quan sát.
- Triển khai tích cực Nghị định số 119/2018/NĐ-CP
ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung
cấp dịch vụ, bảo đảm hoàn thành áp dụng hóa đơn điện tử trong năm 2019 ở Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các
giải pháp để hình thành văn hóa hóa đơn tại các lĩnh vực kinh tế tư nhân như hộ
kinh doanh, dịch vụ ăn uống,....
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất
thu thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro về thuế của doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa
các đoàn thanh tra, kiểm tra, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.
- Giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo
phương pháp khoán; rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với
tình hình thực tế.
- Tham mưu để từng bước hoàn thiện công tác lập dự
toán thu theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm
2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước,
quản lý nợ công.
d) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính,
rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại
hóa phương thức quản lý thuế tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục
hành chính thuế, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh,
hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; chủ động báo cáo về thực trạng doanh nghiệp và
đề xuất các giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; Phấn đấu
tăng thứ hạng nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới
7 - 9 bậc trong năm 2019 và 30 - 40 bậc đến năm 2021, hướng tới mục tiêu giảm
thời gian nộp thuế ngang bằng với các nước OECD; Phối hợp với Tổng cục Thống
kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xuất bản Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam.
đ) Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thuế, chú trọng
giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức thuế, đảm bảo tuân
thủ nghiêm quy định của pháp luật, quy chế, kỷ luật trong thực thi công vụ. Thực
hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, đảm bảo đúng quy định, công khai,
minh bạch.
e) Kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy ngành Thuế
theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII; đưa ra các tiêu chí đánh giá
cán bộ, công chức thuế trong thực hiện nhiệm vụ được giao ở từng cấp, từng đơn
vị; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học
cho đội ngũ cán bộ thuế; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành Thuế theo
Nghị quyết Trung ương 4, chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là trong thanh tra,
kiểm tra thuế; xử lý nghiêm cán bộ, công chức thuế tham nhũng, tiêu cực trong
thực thi công vụ.
g) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thuế; chủ động trong
đàm phán quốc tế về thuế; đánh giá tác động của hội nhập tới phát triển kinh tế
- xã hội và tài chính - ngân sách để có giải pháp, đối sách cho phù hợp. Nghiên
cứu, đề xuất việc tổ chức Hội nghị, hội thảo quốc tế về thuế để nâng cao vị thế
của ngành thuế Việt Nam trên trường quốc tế.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết,
thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Bộ Tài chính;
- Tổng cục Thuế;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, TKBT, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH (3)H.Dương
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|