Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 775/QĐ-UBND 2015 thuế tài nguyên phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản Lâm Đồng

Số hiệu: 775/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Nguyễn Văn Yên
Ngày ban hành: 30/03/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 775/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 30 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ THUẾ TÀI NGUYÊN, PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH K.XI ngày 16/12/2002 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Xét đề nghị của Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 656/TTr-CT ngày 20 tháng 3 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án “Quản lý thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2.

1. Giao Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Quản lý Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

2. Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp với ngành Thuế chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án thuộc phạm vi ngành và địa phương quản lý.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 1020/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế; Giám đốc các Sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./-

 

 

Nơi nhận:
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- PVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, TC, ĐC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Yên

 

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ THUẾ TÀI NGUYÊN, PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 775/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Trong những năm qua công tác quản lý và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những thành tích đáng khích lệ; công tác quản lý thuế đã được đổi mới và cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế; thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán trung ương giao, góp phần tích cực vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 có hiệu lực từ 01/7/2011 và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 20/01/2014 đây là chính sách lớn của nhà nước nhằm quản lý, sử dụng tài nguyên hiệu quả và tiết kiệm, đồng thời bổ sung nguồn thu Ngân sách nhà nước tại địa phương Lâm Đồng.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và công tác quản lý thu thuế, phí đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: như khai thác tài nguyên trái phép gây ô nhiễm môi trường; một số tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản chưa tự giác kê khai, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản có lúc chưa đồng bộ và chặt chẽ; việc triển khai Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ vẫn còn những hạn chế nhất định....

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ, quản lý và sử dụng tốt tài nguyên, khoáng sản, thực hiện nghiêm pháp luật, chống thất thu thuế có hiệu quả. UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Đề án “Quản lý Thuế Tài nguyên, Phí Bảo vệ môi trường và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ TÀI NGUYÊN, PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

I. Tình hình quản lý thuế đối với khai thác tài nguyên khoáng sản:

1. Quản lý tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản:

Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh đã quản lý thu thuế 325 đơn vị, bao gồm các đơn vị kê khai thuế tài nguyên là rừng, nước thủy điện và các đơn vị không có giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản nộp thay cho người khai thác khi mua tài nguyên khoáng sản, cụ thể:

a) Đối với tài nguyên nước: Đến 31/12/2014 có 6 đơn vị ngành điện thuộc tập đoàn Điện lực, nộp Thuế Tài nguyên nước thủy điện, đây là những doanh nghiệp nhà nước; các doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ chế độ hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán; tự kê khai, tự nộp thuế đúng luật định.

b) Đối với tài nguyên rừng: Đến 31/12/2014 có 9 Công ty Lâm nghiệp, 18 ban quản lý rừng hoạt động khai thác tài nguyên theo chỉ tiêu được nhà nước giao, việc kiểm tra, kiểm soát có sự tham gia của các ngành như Kiểm lâm, Công an, Thanh tra tỉnh, Kiểm toán Nhà nước và chưa phát hiện vi phạm trong việc kê khai, nộp thuế theo khối lượng khai thác.

c) Đối với tài nguyên - khoáng sản: Đến 31/12/2014 trên toàn tỉnh có 221 cơ sở kinh doanh hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản với 294 giấy phép do UBND Tỉnh Lâm Đồng cấp;

d) Đến 31/12/2014 có 163 tổ chức, cá nhân (gọi chung là cơ sở) khai thác tài nguyên khoáng sản, gồm 149 doanh nghiệp, 14 hộ cá thể. Số giấy phép khai thác cấp mới và còn hiệu lực là 193 giấy phép, trong đó: 95 giấy phép khai thác đá các loại, 61 giấy phép khai thác cát sông, suối, bãi bồi, 26 giấy phép khai thác sét làm gạch, ngói, Sét Bentonit và sét trầm tích; 07 giấy phép khai thác cao lanh và 04 giấy phép khai thác than bùn; các mỏ khai thác và doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên từng địa bàn, cụ thể:

- Cấp tỉnh: Văn phòng Cục Thuế quản lý 29 đơn vị gồm 48 giấy phép.

- Cấp huyện, thành phố: Chi cục Thuế các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc quản lý 134 đơn vị gồm 145 giấy phép; chi tiết từng Chi cục Thuế như sau:

+ Đà Lạt 13 đơn vị gồm 14 giấy phép.

+ Bảo Lộc 7 đơn vị gồm 8 giấy phép.

+ Bảo Lâm 22 đơn vị gồm 23 giấy phép.

+ Đức Trọng 16 đơn vị gồm 16 giấy phép.

+ Đơn Dương 11 đơn vị gồm 11 giấy phép.

+ Di Linh 10 đơn vị gồm 10 giấy phép.

+ Lạc Dương 6 đơn vị gồm 7 giấy phép.

+ Lâm Hà 15 đơn vị gồm 16 giấy phép.

+ Đạ Huoai 8 đơn vị gồm 8 giấy phép.

+ Đạ Tẻh 13 đơn vị gồm 14 giấy phép.

+ Cát Tiên 10 đơn vị gồm 14 giấy phép.

+ Đam Rông 3 đơn vị gồm 4 giấy phép.

2. Quản lý thu Thuế Tài nguyên và Phí Bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản:

* Tổng số thuế đã kê khai và nộp vào NSNN từ năm 2011 đến năm 2014, là: 1.271.164 tr đồng, cụ thể:

- Năm 2011 đã kê khai nộp các loại thuế: 239.157 triệu đồng trong đó:

Nước thủy điện 182.673 triệu đồng bằng 140% so cùng kỳ; nước sinh hoạt 945 triệu đồng; sản phẩm rừng tự nhiên 8.084 triệu đồng; Bô xit: 51 triệu đồng; Tài nguyên, khoáng sản 47.455 triệu đồng, trong đó: cát, đá, đất: 22.734 triệu đồng; tài nguyên khác: 24.721 triệu đồng;

- Năm 2012 đã kê khai nộp các loại thuế: 395.631 triệu đồng bằng 165% so cùng kỳ, trong đó: Nước thủy điện 286.856 triệu đồng bằng 157% so cùng kỳ; nước sinh hoạt 843 triệu đồng bằng 89% so cùng kỳ; sản phẩm rừng tự nhiên 10.297 triệu đồng bằng 127% so cùng kỳ; Bô xit: 22.813 triệu đồng tăng 45 lần so cùng kỳ; Tài nguyên, khoáng sản 97.635 triệu đồng bằng 206% so cùng kỳ, trong đó: cát, đá, đất: 74.793 triệu đồng bằng 162% so cùng kỳ; tài nguyên khác: 22.842 triệu đồng bằng 92% so cùng kỳ;

- Năm 2013 đã kê khai nộp các loại thuế: 288.121 triệu đồng bằng 73% so cùng kỳ, trong đó: Nước thủy điện 163.852 triệu đồng bằng 57% so cùng kỳ; nước sinh hoạt 2.824 triệu đồng bằng 335% so cùng kỳ; sản phẩm rừng tự nhiên 22.835 triệu đồng bằng 222% so cùng kỳ; Bô xit: 20.717 triệu đồng bằng 91% so cùng kỳ; Tài nguyên, khoáng sản 98.610 triệu đồng bằng 101% so cùng kỳ, trong đó: cát, đá, đất: 77.869 triệu đồng bằng 104% so cùng kỳ; tài nguyên khác: 20.741 triệu đồng bằng 91% so cùng kỳ; năm 2013 mặc dù các loại tài nguyên đều giảm sản lượng khai thác nhưng số thuế vẫn tăng (trừ nước thủy điện 57%).

- Năm 2014 đã kê khai nộp các loại thuế: 348.255 triệu đồng bằng 161% so cùng kỳ, trong đó: Nước thủy điện 139.045 triệu đồng bằng 85% so cùng kỳ; nước sinh hoạt 15.341 triệu đồng tăng 5,4 lần so cùng kỳ; sản phẩm rừng tự nhiên 5.848 triệu đồng bằng 39% so cùng kỳ; Tài nguyên, khoáng sản 187.270 triệu đồng bằng 253% so cùng kỳ, trong đó: Bô xit: 102.278 triệu đồng tăng 5,6 lần so cùng kỳ; cát, đá, đất: 50.980 triệu đồng bằng 116% so cùng kỳ; tài nguyên khác (mây, tre, lồ ô): 247 triệu đồng.

* Tổng phí bảo vệ môi trường đã kê khai và nộp vào NSNN từ năm 2011 đến năm 2014: 200.155 triệu đồng; chi tiết từng năm cụ thể:

- Năm 2011 đã kê khai nộp phí bảo vệ môi trường: 43.990 triệu đồng

- Năm 2012 đã kê khai nộp phí bảo vệ môi trường: 52.636 triệu đồng bằng 120% so cùng kỳ;

- Năm 2013 đã kê khai nộp phí bảo vệ môi trường: 29.313 triệu đồng bằng 56% so cùng kỳ (giảm do điều chỉnh mức thu phí quặng Boxit theo chỉ đạo của Chính phủ).

- Năm 2014: Phí bảo vệ môi trường kê khai nộp NSNN: 74.316 triệu đồng tăng 2,4 lần so cùng kỳ.

3. Quản lý thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:

Đến thời điểm 31/12/2014, Hội đồng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của tỉnh đã tính và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thu tiền của 156 Doanh nghiệp, hộ kinh doanh với số tiền cấp quyền khai thác 686.404 triệu đồng, thời gian nộp tiền từ 2 năm đến 25 năm. Trong đó: phải thu trong năm 2014 là: 53.794 triệu đồng, các doanh nghiệp đã nộp tiền vào NSNN là 9.094 triệu đồng bằng 17% số phải thu.

II. Những mặt làm được:

- Triển khai Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 15/4/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thành lập Hội đồng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; Hội đồng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tiến hành họp tính toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định làm cơ sở tổ chức đôn đốc thu nộp kịp thời vào Ngân sách nhà nước;

- Cấp ủy, chính quyền địa phương có sự quan tâm, chỉ đạo đối với các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện biện pháp quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản.

- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kịp thời, đầy đủ chính sách thuế được thực hiện thường xuyên để người nộp thuế hiểu rõ và tự giác thực hiện nghiêm nghĩa vụ với NSNN.

- Trong công tác quản lý thu thuế, cơ quan thuế đã thường xuyên kiểm tra, rà soát, đối chiếu hồ sơ khai thuế với giấy phép được cấp của các cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản để đưa vào quản lý thuế đầy đủ.

- Công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế trên lĩnh vực khai thác khoáng sản được tăng cường; qua đó đã quản lý sát đúng thực tế hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác.

- Có sự phối, kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước: Thuế, Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố đã hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý thu thuế và huy động các khoản thu vào NSNN.

III. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:

- Tình trạng gian lận về thuế ở các khoản thu, sắc thuế nhưng chưa được phát hiện truy thu kịp thời vào NSNN, bên cạnh đó tình trạng nợ đọng thuế, chiếm dụng tiền thuế vẫn còn tiếp diễn.

- Qua công tác thanh, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân khai thác chưa thực hiện kê khai đúng giá tính Thuế Tài nguyên và Phí Bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế Tài nguyên và giá thu Phí Bảo vệ môi trường do UBND tỉnh ban hành.

Nguyên nhân tồn tại hạn chế:

- Theo Luật quy định, tổ chức, cá nhân không có chức năng khai thác tài nguyên, khoáng sản nhưng vẫn được kê khai, nộp Thuế tài nguyên, Phí Bảo vệ môi trường thay cho người khai thác, đây cũng là điều kiện để các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

- Việc kê khai Thuế Tài nguyên, Phí Bảo vệ môi trường theo đơn vị khai thác dẫn đến cơ quan thuế các cấp không theo dõi được số lượng giữa giấy phép được cấp và số lượng đã kê khai, nộp thuế theo từng địa bàn trong tỉnh.

- Thực hiện nguyên tắc tự kê khai, tự tính thuế và nộp thuế của các tổ chức, cá nhân đã nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm, tạo thuận lợi cho người nộp thuế nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng kê khai thiếu thuế hoặc tìm cách gian lận thuế.

- Về mặt quản lý tài nguyên, khoáng sản giữa ngành và địa phương chưa có sự gắn kết.

- Tính tự giác chấp hành pháp luật của các cơ sở khai thác tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, nhất là đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên làm vật liệu xây dựng.

Phần thứ hai

NỘI DUNG QUẢN LÝ THU THUẾ, PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

I. Mục tiêu của đề án:

1. Tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản, khuyến khích sử dụng tài nguyên, khoáng sản tiết kiệm, đúng mục đích, có hiệu quả; động viên sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân được nhà nước cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản vào ngân sách nhà nước đầy đủ, kịp thời.

2. Đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế đối với Thuế Tài nguyên, Phí Bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và đảm bảo sự công bằng trong việc xác định nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.

3. Chống thất thu về thuế và phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đảm bảo thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật.

4. Đảm bảo thu ngân sách đúng, đủ đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên từng địa bàn, thu hàng năm tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán do HĐND và UBND tỉnh giao hàng năm.

II. Nội dung đề án:

1. Quản lý các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản:

Cơ quan Thuế, Tài nguyên và Môi trường từ tỉnh đến các huyện, thành phố thường xuyên đối chiếu rà soát giữa số lượng tổ chức kê khai nộp Thuế Tài nguyên, Phí Bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với số lượng cấp giấy phép khai thác, nhằm quản lý thu thuế 100% tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được cấp giấy phép.

Đồng thời, phối hợp với UBND các cấp kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác trên địa bàn, trường hợp phát hiện các đối tượng khai thác trái phép phải có biện pháp đình chỉ khai thác, lập hồ sơ đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng pháp luật và truy thu các khoản thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

2. Quản lý sản lượng khai thác nộp thuế, phí:

a) Thuế tài nguyên:

- Sản lượng tính thuế: Đối với tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

Đối với tài nguyên khai thác chưa xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của từng chất thu được sau khi sàng tuyển, phân loại.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, xây dựng có thu mua tài nguyên là khoáng sản nhưng không có chứng từ chứng minh người bán đã nộp đầy đủ Thuế tài nguyên và Phí bảo vệ môi trường thì áp dụng thu nộp thay thuế và phí cho người khai thác theo Luật Quản lý thuế.

Đối với tài nguyên khai thác không bán mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm.

Định mức sử dụng tài nguyên phải tương ứng với tiêu chuẩn công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm đang ứng dụng và được người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế vào kỳ khai thuế đầu tiên.

Các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản khi nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải gởi kèm báo cáo sản lượng khoáng sản thực tế khai thác trong kỳ tính thuế theo từng địa bàn và từng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (theo mẫu đính kèm).

b) Phí Bảo vệ môi trường:

Xác định Phí Bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ căn cứ vào số lượng từng loại khoáng sản khai thác và mức thu tương ứng với khối lượng khai thác theo quy định của pháp luật, cụ thể:

- Số lượng khoáng sản khai thác để xác định số Phí Bảo vệ môi trường phải nộp là số lượng khoáng sản nguyên khai thác thực tế trong kỳ nộp phí (không phân biệt số lượng đã tiêu thụ hoặc đang còn trong kho). Căn cứ định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm đăng ký với cơ quan thuế, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải quy đổi về loại tài nguyên, khoáng sản nguyên khai để kê khai nộp Phí bảo vệ môi trường.

- Mức thu Phí Bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo Nghị định của Chính phủ quy định về Phí bảo vệ môi trường và Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc quy định mức thu, nộp Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tại từng thời điểm.

c) Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:

- Xác định Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ căn cứ vào trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; giá tính tiền cấp cấp quyền khai thác khoáng sản, hệ số thu hồi khoáng sản liên quan và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

- Trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản căn cứ quy định tại Điều 6 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của chính phủ.

- Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định theo nhóm, loại khoáng sản có giá trị từ 1% đến 5%, được thể hiện tại Phụ lục 1 kèm theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

- Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành, công bố tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu lực.

3. Quản lý giá:

- Giá tính thuế: Giá tính Thuế Tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng được thể hiện trên chứng từ bán hàng, nhưng không được thấp hơn giá tính Thuế Tài nguyên do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Trường hợp giá bán thấp hơn giá do UBND tỉnh quy định thì áp dụng giá tính thuế của UBND tỉnh để tính thuế.

Thường xuyên cập nhật, đối chiếu giá bán từng loại khoáng sản theo từng thời điểm trên cùng địa bàn của các tổ chức, cá nhân khai thác bán ra. Trường hợp giá bán cùng loại sản phẩm khoáng sản có chênh lệch bất hợp lý, các ngành chức năng kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh giá tính Thuế Tài nguyên cho phù hợp với giá bán thực tế trên thị trường khu vực trong phạm vi địa bàn tỉnh của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại.

4. Quản lý trên khâu lưu thông:

Hàng hóa là khoáng sản vận chuyển tiêu thụ phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ đúng quy định chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Cơ quan có chức năng kiểm tra phát hiện khoáng sản tiêu thụ không có nguồn gốc hợp pháp, tùy mức độ hoặc loại khoáng sản để Bảo vệ môi trường... và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản theo luật quy định.

III. Các giải pháp đảm bảo thực hiện Đề án:

1. Công tác tuyên truyền:

- Tăng cường các hình thức tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế, phí cho các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được nhà nước cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; đồng thời hướng dẫn kịp thời, đầy đủ về chính sách thuế và thủ tục kê khai để người nộp thuế hiểu rõ và tự giác thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

- Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các phương tiện truyền thông thông tin một cách phong phú, dễ hiểu và thường xuyên để mọi người luôn được tiếp cận với chính sách pháp luật, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, của cá nhân trong việc bảo vệ tài nguyên quốc gia.

- Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế, nâng cao chất lượng tư vấn hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; duy trì đường dây nóng, hòm thư điện tử để nắm bắt kịp thời các thông tin từ người nộp thuế.

2. Công tác kiểm tra:

Cơ quan thuế các cấp tiến hành kiểm tra 100% hồ sơ khai Thuế Tài nguyên, Phí Bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gởi đến cơ quan thuế. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, chú trọng thực hiện việc đối chiếu, so sánh các chỉ tiêu trên tờ khai thuế với bảng kê và báo cáo sản lượng khoáng sản thực tế khai thác trong kỳ tính thuế theo từng địa bàn và từng giấy phép khai thác khoáng sản gởi kèm theo; qua kiểm tra hồ sơ thuế nội dung khai chưa đúng, số liệu khai không rõ ràng, chính xác thì yêu cầu người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu theo đúng quy định.

Trên cơ sở hồ sơ quản lý thuế, cơ quan thuế phân loại tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nghi vấn trong việc kê khai thuế để lập kế hoạch, ban hành Quyết định thành lập các đoàn kiểm tra thực tế tại trụ sở người nộp thuế, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi gian lận trốn thuế, chây ỳ nợ đọng thuế, phí.

Việc kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế phải được coi trọng và tạo ra sự chuyển biến thật sự về chất để phát hiện kịp thời các rủi ro về thuế.

3. Công tác thanh tra:

Tăng cường công tác thanh tra, xác minh và kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm khai thác không được cấp phép, không kê khai nộp thuế, từ đó tạo nên sự thống nhất các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật, trên cơ sở đó để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

Tiến hành khảo sát, phân tích rủi ro về thuế chọn những đối tượng có nghi vấn hành vi gian lận, trốn thuế và mua bán hóa đơn bất hợp pháp, để lập kế hoạch thanh tra. Cơ quan thuế chủ động phối hợp cơ quan chức năng các cấp để lập kế hoạch thanh tra tại trụ sở các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản. Tùy theo điều kiện cụ thể tập trung lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để thực hiện kiểm tra thực tế tại nơi khai thác nhằm chống thất thu ngân sách có hiệu quả; trong quá trình thanh tra tại trụ sở người nộp thuế, phối hợp với các ngành, các cơ quan chức năng, tiến hành xác minh phát hiện việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế, liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản thì tiến hành xem xét, kiểm tra làm rõ hành vi, mức độ vi phạm và xử lý theo chức năng và thẩm quyền của mỗi ngành.

Trường hợp đơn vị sử dụng khoáng sản như cát, đá đưa vào xây dựng nhà xưởng, đường giao thông.... thì đối chiếu với khối lượng XDCB hoàn thành quyết toán để xác định sản lượng tài nguyên thực tế khai thác tính thuế.

4. Công tác triển khai thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:

- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực (tên mỏ) theo đúng thẩm quyền quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ.

- Sau khi khoản thu Ngân sách nhà nước có Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực (tên mỏ) của UBND tỉnh, (Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng thông báo nộp tiền khai thác khoáng sản theo đúng quy định về quản lý thuế).

+ Cung cấp thông tin liên quan đến nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường theo thẩm quyền cấp phép biết, theo dõi;

+ Tổng hợp, hạch toán, báo cáo số thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo chế độ hiện hành.

5. Công tác quản lý và cưỡng chế nợ thuế:

Tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế tối đa phát sinh nợ; Thực hiện việc phân loại nợ và phân tích cụ thể nguyên nhân nợ đến từng doanh nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm việc phạt chậm nộp tiền thuế, phí; tổ chức triển khai các biện pháp cưỡng chế thu hồi các khoản nợ đọng do người nộp thuế chây ỳ. Tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ thường xuyên sự biến động của các khoản nợ thuế. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thu nợ và cưỡng chế thu nợ. Kịp thời báo cáo UBND các cấp để chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện phối hợp với cơ quan thuế trong việc đôn đốc, thu hồi nợ đọng và thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.

6. Công tác phối hợp:

Để ngăn chặn các hành vi kê khai thiếu thuế, các hành vi gian lận trốn thuế, chây ỳ nợ đọng tiền thuế và phí một cách có hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước: Thuế, Công an, Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn phải tăng cường phối hợp thường xuyên có hiệu quả để vừa thực hiện đầy đủ quyền hạn và nhiệm vụ của mình, vừa hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý thuế nhằm quản lý tốt tài nguyên khoáng sản trên địa bàn và huy động đúng, đủ các khoản thu vào NSNN.

Cấp ủy, chính quyền phải thực sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt đối với các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn các hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép và không thực hiện nghĩa vụ với NSNN

7. Biện pháp chế tài:

- Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng quá thời hạn cho phép mà không triển khai thực hiện thì cơ quan quản lý tài nguyên có kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác.

- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn phải có biện pháp đình chỉ hoạt động khai thác; Xử lý hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm đúng pháp luật quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành đối với khai thác khoáng sản trái phép.

IV. Hiệu quả của Đề án:

1. Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý thu thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tăng cường và có hiệu quả.

2. Về công tác Quản lý thuế sẽ giám sát được tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản trên từng địa bàn.

3. Gắn công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Gắn công tác quản lý tài nguyên khoáng sản với công tác quản lý thuế giữa ngành và lãnh thổ.

4. Thu ngân sách hàng năm tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán do HĐND và UBND tỉnh giao.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở quán triệt công tác quản lý, chống thất thu NSNN trong hoạt động khai thác chế biến tài nguyên khoáng sản là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp chính quyền, đoàn thể, các sở, ban ngành từ tỉnh đến cơ sở và để đề án đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Đối với ngành Thuế: tổ chức quản lý thu thuế, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kê khai nộp Thuế Tài nguyên và Phí Bảo vệ môi trường. Chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng có liên quan như: Công an, Thanh tra tỉnh tổ chức kiểm tra chấp hành pháp luật thuế đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản. Qua thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản hoặc có hành vi gian lận trốn thuế, chây ỳ nợ đọng thuế theo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ thông báo tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Cục Thuế có trách nhiệm đôn đốc các tổ chức, cá nhân nộp kịp thời tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào NSNN. Trường hợp các tổ chức, cá nhân không chấp hành nộp tiền, Cục Thuế có văn bản báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo cho các ngành chức năng tiến hành thu hồi giấy phép khai thác. Định kỳ tổng hợp báo cáo UBND cùng cấp kết quả thực hiện Đề án

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra toàn bộ hồ sơ cấp phép khai thác, kiểm tra việc khai thác tài nguyên, khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo quy định. Báo cáo UBND tỉnh để thu hồi giấy phép khai thác đối với các tổ chức, cá nhân chây ỳ không chấp hành nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo từ các ban, ngành của địa phương đến UBND xã, phường, thị trấn rà soát, xác định diện tích thực tế sử dụng của các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.

4. Sở Tài chính: Tổ chức khảo sát tình hình về giá bán tài nguyên trên thị trường địa phương và lập phương án định giá tính thuế tài nguyên, mức thu Phí bảo vệ môi trường để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời điều chỉnh theo quy định.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, các ngành kiểm tra rà soát các quyết định đầu tư, điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của các dự án.

6. Sở Công thương: Tổ chức và phối hợp với các ngành có chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa là tài nguyên khoáng sản trong kinh doanh, hàng còn trong kho hoặc đang lưu thông trên thị trường trên phạm vi toàn tỉnh; xử lý, phối hợp xử lý hoặc đề xuất xử lý theo quy định đối với tài nguyên khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và không có hóa đơn, chứng từ.

7. Công an tỉnh: Có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản; tiến hành điều tra, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc khai thác và quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

8. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản phải chấp hành việc khai thác theo quy định đã được cấp phép đăng ký; kê khai, nộp Thuế Tài nguyên, Phí Bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và quyết toán thuế theo quy định của pháp luật./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 775/QĐ-UBND ngày 30/03/2015 về Đề án “Quản lý thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.549

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.255.116
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!