BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1966/QĐ-BTC
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 10 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC THANH
TRA - KIỂM TRA THUẾ TRỰC THUỘC TỔNG CỤC THUẾ
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01
tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP
ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số
41/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài
chính;
Căn cứ Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi,
bổ sung khoản 1 Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25
tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Thuế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và
chức năng
1. Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế là
đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, có chức năng tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục
Thuế thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn
ngành thuế; thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra thuế đối với người nộp thuế;
thanh tra, kiểm tra giải quyết tố cáo về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của
người nộp thuế trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục Thuế.
2. Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế là
đơn vị có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ,
quyền hạn
1. Thực hiện chức năng tham mưu, giúp
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế các nhiệm vụ sau:
a) Xây dựng chiến lược, kế hoạch dài
hạn, trung hạn và hàng năm về công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
b) Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm
tra thuế hàng năm của cơ quan Tổng cục Thuế; hướng dẫn, rà soát, tổng hợp trình
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế của
các Cục thuế.
c) Xây dựng các quy định, quy trình
nghiệp vụ về công tác thanh tra, kiểm tra thuế, quy trình Nhật ký điện tử, quy
chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, kiểm tra thuế.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám
sát cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật,
quy định, quy trình nghiệp vụ về công tác thanh tra, kiểm tra thuế, quy trình
Nhật ký điện tử, quy chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, kiểm tra thuế.
3. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc
xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế và tổng hợp kế hoạch thanh tra, kiểm
tra thuế của ngành thuế.
4. Tổ chức triển khai thực hiện theo
thẩm quyền công tác thanh tra, kiểm tra thuế hàng năm: thực hiện thanh tra, kiểm
tra thuế theo kế hoạch đã được phê duyệt; thanh tra, kiểm tra thuế đột xuất;
thanh tra, kiểm tra thuế chuyên đề và các hình thức thanh tra, kiểm tra thuế
khác theo quy định của pháp luật.
5. Chỉ đạo ngành thuế về công tác
thanh tra, kiểm tra thuế đối với toàn bộ người nộp thuế, bao gồm cả người nộp
thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, gian lận thuế, trốn thuế.
6. Chỉ đạo, theo dõi, phối hợp, kiểm
tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo việc thực hiện các kết luận,
kiến nghị về thuế của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính
phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cơ
quan Công an.
7. Tổ chức thanh tra lại kết quả
thanh tra, thanh tra kết quả kiểm tra thuế của cơ quan thuế các cấp theo quy định
của pháp luật.
8. Tổng hợp, theo dõi, rà soát kết luận
thanh tra, kiểm tra thuế, quyết định xử lý về thuế trong toàn ngành thuế.
9. Chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện giải
quyết tố cáo về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế theo quy định
của pháp luật.
10. Tổ chức xử lý theo thẩm quyền hoặc
kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp
luật trong lĩnh vực thuế. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ
việc thi hành, hoặc hủy bỏ những quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật;
kiến nghị sửa đổi bổ sung các chế độ, chính sách không còn
phù hợp được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế.
11. Trình cấp có thẩm quyền ban hành
các văn bản hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc về công tác thanh tra, kiểm tra
trong toàn ngành thuế.
12. Chủ trì và phối hợp với các đơn vị
liên quan tổ chức thực hiện giám định tư pháp về thuế theo quy định của pháp luật.
13. Chủ trì về nghiệp vụ và phối hợp
với các đơn vị có liên quan xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ
công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế và cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm
tra thuế đối với người nộp thuế thuộc lĩnh vực quản lý của ngành thuế.
14. Chủ trì về nghiệp vụ và phối hợp
với các đơn vị có liên quan xây dựng tiêu chí, biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi
ro thuộc lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thuế; phân tích đánh giá mức độ tuân thủ
pháp luật thuế của người nộp thuế phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế,
xác định các lĩnh vực rủi ro, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện thanh tra,
kiểm tra thuế; triển khai việc thu thập, xử lý, sử dụng thông tin từ người nộp
thuế, cơ quan thuế và từ bên thứ ba thuộc lĩnh vực quản lý.
15. Tổ chức thực hiện hướng dẫn, tổng
hợp, báo cáo, phân tích, đánh giá kết quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế
trong toàn ngành thuế; nghiên cứu đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả công
tác thanh tra, kiểm tra thuế.
16. Phối hợp với các đơn vị có liên
quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra
thuế cho các công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra.
17. Thực hiện quản lý công chức theo
quy định của pháp luật, phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính và Tổng cục
Thuế.
18. Thực hiện việc bảo quản và lưu trữ
hồ sơ nghiệp vụ, tài liệu của cơ quan theo quy định.
19. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng
cục trưởng Tổng cục Thuế giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ
chức
Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế được tổ
chức 05 phòng:
a) Phòng Tổng hợp.
b) Phòng Thanh tra - Kiểm tra giá
chuyển nhượng.
c) Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số
1.
d) Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số
2.
đ) Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số
3.
Quy chế hoạt động, nhiệm vụ cụ thể của
các phòng thuộc Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
quy định.
Điều 4. Lãnh đạo
Cục
1. Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế có Cục
trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng; Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Tổng cục
trưởng Tổng cục Thuế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục.
Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước
Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức
Cục trưởng, Phó Cục trưởng và các chức danh lãnh đạo khác của Cục Thanh tra -
Kiểm tra thuế thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ
của Bộ Tài chính.
Điều 5. Biên chế
và kinh phí
1. Biên chế của Cục Thanh tra - Kiểm
tra thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quyết định trong tổng số biên chế của Tổng cục Thuế.
2. Kinh phí hoạt động của Cục Thanh
tra - Kiểm tra thuế được Tổng cục Thuế bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và
các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Hiệu lực
và trách nhiệm thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng
Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế và Thủ trưởng các đơn vị
thuộc Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCCB (9b).
|
BỘ TRƯỞNG
Hồ Đức Phớc
|