BỘ
TÀI CHÍNH - BỘ CÔNG AN
TỔNG CỤC HẢI QUAN - TỔNG CỤC CẢNH SÁT
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
Số:
5341/QCPH/TCHQ-TCCS
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2007
|
QUY CHẾ PHỐI HỢP
GIỮA LỰC LƯỢNG HẢI QUAN VÀ LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN TRONG
ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
Căn cứ vào Luật Công an nhân
dân ngày 12/12/2005;
Căn cứ vào Luật Hải quan ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của
Luật Hải quan ngày 14/06/2005;
Căn cứ Luật quản lý thuế 01/7/2007;
Căn cứ Nghị định số 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Quyết định 1438/2004/QĐ-BCA(X13) ngày 14/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Công
an, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Cảnh
sát nhân dân;
Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an thống nhất ban
hành Quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các
hành vi khác vi phạm pháp luật, với những nội dung sau:
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Mục
đích phối hợp:
Quy chế này quy định sự phối hợp
hoạt động giữa Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công
an (sau đây gọi chung là hai lực lượng), nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng
cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
2. Nội
dung phối hợp:
Hai lực lượng phối hợp trao đổi
thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, điều
tra, xử lý đối với các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền
tệ qua biên giới; gian lận thương mại, trốn thuế; buôn bán, vận chuyển trái
phép các chất ma túy; buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, chất nổ, chất
cháy, chất độc; nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phế thải hoặc không đảm
bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và các hành vi khác vi phạm pháp luật có liên
quan đến công tác hải quan (gọi chung là vi phạm và tội phạm). Lực lượng Cảnh
sát hỗ trợ lực lượng Hải quan trong công tác điều tra, xử lý các vi phạm pháp
luật về Hải quan. Phối hợp thực hiện cưỡng chế hành chính để thu hồi nợ đọng
thuế, truy tìm các đối tượng không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, bỏ trốn khỏi địa
chỉ đăng ký kinh doanh để chiếm đoạt tiền thuế
3. Nguyên
tắc phối hợp
- Quan hệ phối hợp phải dựa trên
cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, và quyền hạn đã được pháp luật quy định
cho từng lực lượng. Nghiêm cấm việc lợi dụng Quy chế này để làm trái pháp luật
và ảnh hưởng đến uy tín của mỗi lực lượng;
- Hoạt động phối hợp phải đảm bảo
nguyên tắc và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi lực lượng, khi phối hợp thực hiện một
công việc cụ thể phải có kế hoạch và được lãnh đạo có thẩm quyền của hai lực lượng
phê duyệt. Những vướng mắc phát sinh phải được bàn bạc, giải quyết theo quy định
của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi lực lượng. Trong trường hợp không thống
nhất phương hướng giải quyết thì phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền xem xét
quyết định.
4. Hình thức
phối hợp:
- Trực tiếp gặp gỡ để thông báo,
trao đổi thông tin, tài liệu
- Trao đổi thông qua văn bản.
- Thông qua các phương tiện
thông tin liên lạc để trao đổi.
- Cử cán bộ tham gia trực tiếp
các hoạt động phối hợp ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý, cưỡng chế đối với
các hành vi vi phạm pháp luật.
II. QUY ĐỊNH
CỤ THỂ
A. TRAO ĐỔI
THÔNG TIN, TÀI LIỆU NGHIỆP VỤ
1. Nguyên tắc
trao đổi:
- Việc trao đổi, cung cấp tài liệu
nghiệp vụ, hồ sơ vụ, việc và các tài liệu mật phải đảm bảo đúng quy định của
Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, các văn bản hướng dẫn và theo đúng chế độ
công tác hồ sơ của mỗi lực lượng và phải được phê duyệt của lãnh đạo có thẩm
quyền.
- Việc trao đổi thông tin và xử
lý tin báo, tin tố giác tội phạm phải thực hiện theo Thông tư liên ngành số
03/TTLN ngày 15/5/1992 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ
Công an), Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn) và Tổng cục Hải quan.
2. Nội dung
trao đổi:
- Những quy định của pháp luật,
chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động của hai lực lượng; Tình hình
chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của mỗi lực lượng liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Những thông tin liên quan đến
tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,
hàng giả và tội phạm công nghệ cao.
- Những tổ chức và cá nhân sau
khi nhập khẩu hàng hóa không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ
đăng ký kinh doanh để chiếm đoạt tiền thuế;
- Những doanh nghiệp nợ đọng thuế
xuất khẩu, nhập khẩu kéo dài, có dấu hiệu lừa đảo, trốn thuế hoặc chiếm đoạt tiền
thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
- Phối hợp trao đổi thông tin
nghiệp vụ phục vụ quản lý rủi ro:
+ Các đơn vị Hải quan các cấp
trao đổi, cung cấp kịp thời những thông tin nghiệp vụ, liên quan đến tội phạm về
hải quan; đồng thời thông qua các hoạt động trao đổi thông tin cung cấp cho lực
lượng Cảnh sát về nội dung chuyển đổi phương thức quản lý hải quan, các quy định
liên quan về áp dụng quản lý rủi ro; đề nghị lực lượng cảnh sát các cấp phối hợp
triển khai thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng phương pháp
quản lý rủi ro, phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng
việc áp dụng phương pháp này để buôn lậu, gian lận, gian lận thương mại và các
vi phạm khác về hải quan.
+ Lực lượng Cảnh sát cung cấp
thường xuyên kịp thời cho lực lượng Hải quan các thông tin về phương thức, thủ
đoạn mới về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và các vi phạm khác về hải
quan để lực lượng Hải quan điều chỉnh, bổ sung kịp thời chương trình áp dụng quản
lý rủi ro; phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, hỗ trợ có hiệu
quả cho hoạt động quản lý rủi ro.
- Những sơ hở, thiếu sót hoặc những
thay đổi trong thực hiện quy trình nghiệp vụ của hai lực lượng; Tình hình,
phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên phạm vi cả nước và trên những tuyến, địa
bàn trọng điểm; những thông tin liên quan đến công tác quản lý phân luồng các
doanh nghiệp thực hiện kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hóa trong cả nước khi lực
lượng Cảnh sát có yêu cầu và ngược lại lực lượng Cảnh sát cung cấp cho lực lượng
Hải quan những thông tin có liên quan tới những hoạt động của các doanh nghiệp
thực hiện kinh doanh xuất, nhập khẩu trên địa bàn có những biểu hiện nghi vấn
vi phạm pháp luật về hải quan; những đối tượng, đường dây, ổ nhóm tội phạm có
liên quan đang hoạt động trên địa bàn; Những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm
trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Những thông tin của Tổ chức Cảnh
sát quốc tế, Tổ chức Hải quan thế giới và các tổ chức quốc tế khác có liên quan
về hoạt động của tội phạm quốc tế và trong nước.
- Các tài liệu nghiệp vụ, hồ sơ
vụ, việc khi có yêu cầu của mỗi bên.
- Những tài liệu, thông tin để
phục vụ tuyên truyền về pháp luật, về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
những gương người tốt việc tốt của mỗi lực lượng.
B. PHỐI HỢP
TRONG HOẠT ĐỘNG
1. Trong địa
bàn hoạt động Hải quan:
- Trong quá trình thực thi nhiệm
vụ, khi các đơn vị thuộc lực lượng Hải quan có yêu cầu, lãnh đạo các đơn vị thuộc
lực lượng Cảnh sát tổ chức tăng cường, hỗ trợ lực lượng, phương tiện, biện pháp
nghiệp vụ để phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, bắt giữ, xử lý tội phạm
và các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với các vụ, việc chống người thi
hành công vụ nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong địa bàn hoạt động hải
quan.
- Trong quá trình thực thi nhiệm
vụ, khi lực lượng Cảnh sát có yêu cầu tiến hành các hoạt động điều tra, bắt giữ,
xử lý tội phạm buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển
trái phép hàng hóa, tiền tệ, các chất ma túy qua biên giới cũng như các hành vi
khác vi phạm pháp luật Hải quan thì lãnh đạo các đơn vị Hải quan có trách nhiệm
tổ chức phối hợp thực hiện.
2. Ngoài địa
bàn hoạt động Hải quan:
- Khi lực lượng Cảnh sát có yêu
cầu bằng văn bản, lực lượng Hải quan các cấp có trách nhiệm hỗ trợ lực lượng,
phương tiện, biện pháp để phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, bắt giữ, xử
lý tội phạm và các hành vi khác vi phạm pháp luật.
- Khi lực lượng Hải quan có yêu
cầu hỗ trợ trinh sát bí mật, bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn
thuế, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy ở
ngoài địa bàn hoạt động của lực lượng Hải quan thì các đơn vị Cảnh sát các cấp
có trách nhiệm thực hiện phối hợp trinh sát, xác minh, truy đuổi, truy tìm, bắt
giữ tội phạm hoặc đối tượng có hành vi khác vi phạm pháp luật
3. Đối với
những việc cụ thể:
a. Những vụ án điều tra, xử
lý theo trình tự tố tụng hình sự: Thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng
hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004.
- Các chuyên án, vụ án do lực lượng
Hải quan xác lập, điều tra theo thẩm quyền, khi có yêu cầu phối hợp bằng văn bản
và đã được lãnh đạo lực lượng Cảnh sát có thẩm quyền phê duyệt thì lực lượng Cảnh
sát phải thực hiện theo đúng quy định phối hợp được nêu tại các Điểm 1, 2 Phần
B, Mục II nêu trên. Trong trường hợp phải tạm giữ, tạm giam đối tượng vi phạm
thì lực lượng Cảnh sát có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của Luật tố
tụng hình sự. Khi lực lượng Hải quan chuyển giao hồ sơ vụ án thì lực lượng Cảnh
sát có trách nhiệm tiếp nhận, điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Kết thúc điều
tra, lực lượng Cảnh sát phải thông báo bằng văn bản kết quả điều tra, xử lý cho
lực lượng Hải quan được biết.
- Đối với các chuyên án do lực
lượng Cảnh sát xác lập, điều tra, khi có yêu cầu phối hợp bằng văn bản và được
lãnh đạo lực lượng Hải quan có thẩm quyền phê duyệt thì lực lượng Hải quan phải
thực hiện theo đúng những quy định phối hợp được nêu tại các Điểm 1, 2 Phần B,
Mục II nêu trên. Khi kết thúc điều tra, lực lượng Cảnh sát phải thông báo bằng
văn bản kết quả điều tra, xử lý những vấn đề liên quan cho lực lượng Hải quan để
phối hợp.
- Trong trường hợp khẩn cấp để
ngăn chặn hành vi phạm tội, bắt giữ đối tượng, phương tiện, tang vật phạm pháp,
lực lượng được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng kịp thời, đồng thời báo cáo ngay
lên cơ quan cấp trên trực tiếp.
b. Những vụ việc xử lý hành
chính:
Với những vụ, việc vi phạm hành
chính hoặc những vụ, việc chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự mà hai lực
lượng phải phối hợp điều tra thì phải bàn bạc để thống nhất hình thức, mức độ xử
lý theo đúng các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp
không thống nhất, phải báo cáo cấp trên trực tiếp của các đơn vị hai lực lượng
để chỉ đạo.
C. NHỮNG
QUAN HỆ PHỐI HỢP KHÁC
- Trong quá trình thực hiện nhiệm
vụ theo thẩm quyền, nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ của mỗi lực lượng có dấu hiệu,
hành vi tiêu cực hoặc vi phạm pháp luật thì thông báo kịp thời cho lãnh đạo trực
tiếp của cán bộ, chiến sĩ đó để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giáo dục,
quản lý và xử lý.
- Quá trình xử lý cán bộ, chiến
sĩ vi phạm hai lực lượng hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan và
tham gia ý kiến xử lý khi có đề nghị. Mỗi bên phải có trách nhiệm về những
thông tin, tài liệu đã cung cấp cho nhau trong quá trình xử lý kỷ luật cán bộ,
chiến sỹ đảm bảo bí mật thông tin đã cung cấp.
- Hai lực lượng hỗ trợ, phối hợp
huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành liên quan đến phòng, chống tội phạm.
- Hỗ trợ tư vấn trang bị, huấn
luyện sử dụng những phương tiện nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị mới
được trang bị
- Hỗ trợ trong công tác giám định
hình sự.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Tại hai Tổng cục: Giao Cục
trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Cảnh sát
điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Tổng cục Cảnh sát
giúp lãnh đạo hai Tổng cục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế
này.
- Định kỳ 6 tháng/1 lần, Cục Điều
tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế
và chức vụ có trách nhiệm tổ chức trao đổi, đánh giá kết quả phối hợp, kiến nghị
và giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền
- Định kỳ hàng năm, Tổng cục Hải
quan và Tổng cục Cảnh sát sơ kết kết quả thực hiện Quy chế và đề ra phương hướng
tiếp tục phối hợp.
- Tại cấp tỉnh, thành phố: Giao
cho đồng chí Giám đốc Công an và Cục trưởng Hải quan các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp này, định kỳ 3 tháng/1 lần
tổ chức trao đổi, đánh giá kết quả phối hợp, kiến nghị và giải quyết những vấn
đề phát sinh theo thẩm quyền; đồng thời có báo cáo kết quả thực hiện lên lãnh đạo
hai Tổng cục (qua Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm
về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) để tập hợp, báo cáo lãnh đạo hai Tổng cục;
lãnh đạo hai lực lượng Hải quan và Công an các tỉnh, thành phố định kỳ hoặc đột
xuất căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn
và đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình triển khai thực
hiện Quy chế, tổ chức, cá nhân có thành tích thì được khen thưởng; nếu vi phạm
thì bị xử lý kỷ luật
3. Quy chế này có hiệu lực kể từ
ngày ký và thay thế Quy chế phối hợp số 3012/QCPH/TCCS-TCHQ ngày 23/6/2003 giữa
Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Hải quan. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung thì báo cáo lãnh đạo hai Tổng cục
giải quyết.
TỔNG
CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Lê Mạnh Hùng
|
TỔNG
CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC CẢNH SÁT
Trần Văn Thảo
|
Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính (để
báo cáo);
- Các đơn vị thuộc TCCS, TCHQ (để thực hiện);
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu (TCCS, TCHQ).
|
|