CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/2015/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày
tháng năm 2016
|
DỰ THẢO
|
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG, LUẬT THUẾ TIÊU THỤ
ĐẶC BIỆT VÀ LUẬT QUẢN LÝ THUẾ VÀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TẠI CÁC NGHỊ ĐỊNH.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; Luật
số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số
13/2008/QH12; Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế
giá trị gia tăng;
Căn cứ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số
27/2008/QH12; Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế
tiêu thụ đặc biệt;
Căn cứ Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật
quản lý thuế;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết
thi hành Luật số ......../2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế
giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, như sau:
Điều 1. Sửa đổi,
bổ sung Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng đã được sửa
đổi bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ như
sau:
1. Đoạn đầu Điều 3 và Khoản 1 Điều
3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều
3. Đối tượng không chịu thuế
Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thực
hiện theo quy định tại Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng, Khoản 1
Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Khoản 1 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
1. Đối với các sản phẩm quy định tại Khoản 1 Điều
5 Luật thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1
Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị
gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế qua sơ chế
thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt,
ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.”.
2. Khoản 3, Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
“3. Dịch vụ khám, chữa bệnh quy định tại Khoản 9
Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng bao gồm cả vận chuyển, xét nghiệm, chiếu, chụp,
máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.
Dịch vụ chăm sóc người cao
tuổi, người khuyết tật quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều
1 Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia
tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế bao gồm chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể
thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người
khuyết tật.”
3. Khoản 6, Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
“6. Vận chuyển hành khách công cộng quy định tại
Khoản 16 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng gồm vận chuyển hành khách công cộng
bằng xe buýt, xe điện, tàu điện theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và
các tuyến lân cận ngoại tỉnh theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
4. Khoản 11 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
“11. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản
khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu
là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng
trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng bao gồm chi
phí: nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan hướng dẫn nội dung quy định tại Khoản này.”
5. Khoản 4, Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
“4. Đối với điện của các nhà máy thủy điện hạch
toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bao gồm cả điện của các nhà máy thủy
điện hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt
Nam, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại
địa phương nơi có nhà máy được tính bằng 40% giá bán điện thương phẩm bình quân
năm trước chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.”
6. Điểm đ, Khoản 1, Điều 6 được sửa đổi như sau:
“đ) Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất
thuế giá trị gia tăng 0% gồm:
- Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở
hữu trí tuệ ra nước ngoài;
- Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;
- Dịch vụ cấp tín dụng ra nước ngoài;
- Chuyển nhượng vốn ra nước ngoài;
- Đầu tư chứng khoán
ra nước ngoài;
- Dịch vụ tài chính phát sinh;
- Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
- Sản phẩm xuất khẩu quy định tại Khoản 1 Điều 1
Nghị định này;
- Hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không
đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan;
- Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu.”
7. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 10. Hoàn thuế giá trị gia tăng
1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng
theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được
khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý
(đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường
hợp lũy kế đến thời điểm kết thúc kỳ tính thuế thu nhập doanh
nghiệp mà vẫn còn số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ hết thì cơ sở
kinh doanh được lựa chọn hạch toán số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ
hết vào chi phí được trừ để xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế
đối với dự án đầu tư như sau:
a) Cơ sở kinh doanh mới
thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế giá trị gia
tăng theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu
khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ
01 năm trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ sử dụng
cho đầu tư theo từng năm, trừ trường hợp quy định tại điểm c Khoản
này. Trường hợp, nếu số thuế giá trị gia tăng lũy kế của hàng hóa, dịch
vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá
trị gia tăng.
b) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng
nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới (trừ dự
án đầu tư xây dựng nhà để bán) tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, đang trong giai đoạn đầu
tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế, nếu có số
thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300
triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng, trừ trường
hợp quy định tại điểm c Khoản này. Cơ sở kinh doanh phải kê khai, lập hồ
sơ hoàn thuế riêng đối với dự án đầu tư mới.
c) Cơ sở kinh doanh không được
hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế
chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo
đối với các trường hợp:
- Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh
không được hoàn thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 13 Luật
thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 106/2016/QH13 là dự
án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng
ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng
cơ sở kinh doanh chưa được cấp phép kinh doanh ngành nghề có điều kiện theo
quy định của Luật đầu tư hoặc trong quá trình hoạt động cơ sở
kinh doanh bị thu hồi giấy phép đầu tư kinh doanh ngành nghề có điều kiện;
- Dự án đầu tư khai thác tài
nguyên, khoáng sản gồm dự án đầu tư khai thác khoáng sản kim loại và không kim
loại được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản
phẩm hàng hóa mà tổng giá trị khoáng sản kim loại và không kim loại cộng với
chi phí năng lượng bao gồm chi phí: nhiên
liệu, điện năng, nhiệt năng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở
lên theo dự án đầu tư theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
- Dự án đầu tư của cơ sở kinh
doanh chưa khai hoàn thuế giá trị gia tăng sau 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt
động sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp cơ sở kinh doanh bắt đầu sản xuất kinh
doanh khi dự án đầu tư vẫn còn hạng mục dở dang được hoàn thuế giá trị gia tăng
đối với số thuế giá trị gia tăng đầu vào của dự án đầu tư chưa khấu trừ hết từ
300 triệu đồng trở lên.
3. Cơ sở kinh doanh trong
tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai
theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào
chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia
tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu
vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý
tiếp theo; trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa thì cơ sở kinh doanh phải hạch
toán riêng số thuế giá trị gia tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh
hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế
đầu vào xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên
tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn
thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất
khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định
của Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn.
Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế
trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi
phạm pháp luật về thuế, hải quan trong thời gian hai năm liên tục; người nộp
thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế.
4. Cơ sở kinh doanh nộp thuế
giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng
khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách,
giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc
số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.
Cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu tư chưa đi
vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt
động chưa phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu ra của hoạt động kinh doanh chính
theo dự án đầu tư thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đã kê
khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn. Việc kê khai, tính nộp thuế trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài
sản của dự án đầu tư hoặc chuyển đổi mục đích sản xuất, kinh doanh của dự án đầu
tư thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
5. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các
chương trình; dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không
hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo được quy định như sau:
a) Chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính,
tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự
án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại được hoàn số
thuế giá trị gia tăng đã trả cho hàng hóa, dịch vụ mua tại Việt Nam để phục vụ
cho chương trình, dự án;
b) Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ
không hoàn lại, tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua
hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện
trợ nhân đạo tại Việt Nam thì được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả cho
hàng hóa, dịch vụ đó.
6. Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ
ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng
hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả
ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh
toán đã có thuế giá trị gia tăng.
7. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước
ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài
cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.
8. Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế giá
trị gia tăng của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp
hoàn thuế giá trị gia tăng theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam là thành viên.”.
Điều 2. Sửa đổi,
bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10
năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu
thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt
như sau:
“Điều 4. Giá tính thuế:
1. Đối với hàng hóa sản xuất trong
nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Trường
hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra không theo giá giao dịch
thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định
của Luật quản lý thuế. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như
sau:
Giá tính thuế
tiêu thụ đặc biệt
|
=
|
Giá bán chưa có
thuế giá trị gia tăng
|
-
|
Thuế bảo vệ môi
trường (nếu có)
|
1 + Thuế suất
thuế tiêu thụ đặc biệt
|
Trong đó, giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng
được xác định theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
a) Trường hợp cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu
hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua các cơ sở trực thuộc hạch
toán phụ thuộc thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở hạch
toán phụ thuộc bán ra. Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán hàng thông qua đại
lý bán đúng giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu quy định và chỉ hưởng hoa hồng
thì giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở
sản xuất, cơ sở nhập khẩu quy định chưa trừ hoa hồng.
b) Trường hợp hàng hóa chịu thuế
tiêu thụ đặc biệt được bán cho các cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan
hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở
sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan
hệ liên kết thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn mức tỷ lệ
(%) so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của
cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra. Trường hợp cơ sở sản xuất, cơ sở thành lập
nhiều cơ sở thương mại trung gian có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các
công ty con trong cùng công ty mẹ hoặc có mối quan hệ liên kết thì giá tính thuế
tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) so với giá bình quân của
các cơ sở thương mại bán cho cơ sở kinh doanh thương mại không có quan hệ công
ty mẹ, công ty con, hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ, hoặc có mối
quan hệ liên kết với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu. Riêng mặt hàng xe
ôtô giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là giá bán xe
ôtô chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh
thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu của khách hàng.
Cơ sở sở sản
xuất, cơ sở nhập khẩu và cơ sở kinh doanh thương mại có mối quan hệ liên kết
theo quy định tại khoản này khi:
- Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp
hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
- Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất
20% vốn đầu tư của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
- Cả hai doanh nghiệp đều nắm giữ
trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của một bên thứ
ba.
Trường hợp giá bán của cơ sở sản
xuất, cơ sở nhập khẩu hàng hóa hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn mức tỷ lệ (%) so với giá bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại
bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo
quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Mức tỷ lệ (%) quy định tại Điểm này được áp dụng
như sau:
- Mặt hàng ô tô: 7%;
- Mặt hàng chịu thuế TTĐB khác: 10%.
2. Đối với
hàng nhập khẩu tại khâu nhập khẩu, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định
như sau:
Giá tính thuế
tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu.
Giá tính thuế
nhập khẩu được xác định theo các quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính
thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm.”
Điều 3. Sửa đổi,
bổ sung điểm a, Khoản 2, Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12
năm 2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu
nhập doanh nghiệp đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP như
sau:
“ a) Doanh
nghiệp có dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với dự án đầu tư trong nước gắn với
việc thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng và không thuộc
Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện) nếu đang trong thời gian hưởng ưu đãi
thuế TNDN theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN trước
thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục hưởng ưu đãi cho thời
gian còn lại theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đó. Trường hợp mức
ưu đãi tại Nghị định này cao hơn mức ưu đãi đang hưởng (kể cả trường hợp thuộc
diện nhưng chưa được hưởng) thì được chuyển sang áp dụng ưu đãi theo Nghị định
này cho thời gian còn lại. Trường hợp đang hưởng ưu đãi theo đầu tư mới thì tiếp
tục hưởng ưu đãi theo đầu tư mới; trường hợp đang hưởng ưu đãi theo đầu tư mở rộng
thì tiếp tục hưởng ưu đãi theo đầu tư mở rộng hoặc theo đầu tư mới nếu đáp ứng
điều kiện là dự án đầu tư mới theo quy định của Nghị định này.
Trường hợp doanh nghiệp có dự
án đầu tư trước ngày 01/01/2015 nhưng không thuộc diện được hưởng ưu đãi theo
quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN trước thời điểm Nghị định
này có hiệu lực thi hành nhưng thuộc diện hưởng ưu đãi theo quy định của Luật số
71/2014/QH13 thì được chuyển sang áp dụng ưu đãi theo quy
định của Nghị định này cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2015”.
Điều 4. Sửa đổi,
bổ sung Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP
và Nghị định số 12/2015/ NĐ-CP về quản lý thuế:
1. Sửa đổi, bổ
sung Điều 28a như sau:
“Điều 28a. Xử lý đối với
việc chậm nộp thuế
a) Các trường hợp phải nộp tiền chậm
nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp
Nếu người nộp thuế chậm nộp tiền
thuế so với thời hạn quy định và thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong
thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan
quản lý thuế
Người nộp thuế nộp thiếu tiền thuế
do khai sai số thuế phải nộp, số thuế được miễn, số thuế được giảm, số thuế được
hoàn của các kỳ kê khai trước.
Ngân hàng thương
mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật,
Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, tổ chức được cơ quan thuế
ủy nhiệm thu thuế thu tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của
người nộp thuế nhưng chậm nộp số tiền đã thu vào ngân sách nhà nước theo quy định
thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế đã thu nhưng chưa nộp ngân
sách nhà nước.
Đối với các khoản nợ tiền thuế
phát sinh trước ngày 01/7/2016 mà người nộp thuế chưa nộp vào ngân sách nhà nước
(NSNN), kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra
của cơ quan có thẩm quyền thì cũng được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm
nộp theo tỷ lệ quy định tại khoản này từ ngày 01/7/2016.
Trường hợp người nộp thuế cung ứng
hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh
toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp
tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ. Tuy nhiên, số tiền chậm nộp thuế
mà doanh nghiệp được miễn trừ chỉ giới hạn trong phạm vi không vượt quá số tiền
NSNN chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian NSNN chưa thanh toán.
Đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà
nước là đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước được giao dự toán chi ngân
sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
b) Người nộp thuế khai sai dẫn đến
làm thiếu số tiền phải nộp nếu tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền
thuế phải nộp trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì phải nộp tiền chậm
nộp, nhưng không bị xử phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn
thuế.
c) Người nộp thuế tự xác định số
tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp và mức tiền chậm
nộp theo quy định tại điểm a khoản này.
Trường hợp người nộp thuế không tự
xác định hoặc xác định không đúng số tiền chậm nộp thì cơ quan quản lý thuế xác
định số tiền chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết.
d) Trường hợp sau ba mươi ngày, kể
từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và tiền chậm nộp
thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế nợ và
tiền chậm nộp.
đ) Người nộp
thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định tại khoản này có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp thiên
tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất
khả kháng khác. Danh mục về bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định tại các văn
bản quy phạm pháp luật khác.
Mức miễn tiền chậm nộp tối đa
không quá: giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại do các nguyên nhân nêu trên; chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp
cá nhân bị bệnh hiểm nghèo.
Bất khả kháng
là những tác động không phải do người nộp thuế tự gây ra mà chịu tác động ngoài
ý muốn của người nộp thuế như: tác động do cơ quan hành chính nhà nước gây ra
(chính sách chưa rõ ràng, chậm trả lời); tác động của bên thứ 3 (vay tổ chức
tín dụng lãi suất cao trên 15% dẫn đến sản xuất kinh doanh không hiệu
quả...). ”
2. Bổ sung Khoản 6 vào Điều
29 như sau:
“6. Trường hợp người nộp thuế có
khoản nộp thừa lớn hơn hoặc bằng khoản nợ thì tạm thời không thực hiện cưỡng chế
đối với người nợ thuế này. Cơ quan thuế thực hiện bù trừ, điều chỉnh theo đúng
quy định để người nộp thuế không phát sinh nợ”.
3. Sửa đổi điểm a Khoản 2 Điều
51 như sau:
“a) Quyết định ấn định thuế;
thông báo nộp tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp;”
4. Khoản 2 Điều 39 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Trách nhiệm của người nộp thuế được nộp dần
tiền thuế nợ.
Trong thời gian nộp dần tiền thuế nợ, người nộp
thuế vẫn phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03% trên ngày trên số tiền thuế chậm
nộp;
Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế,
tiền chậm nộp đã cam kết.”
5. Bãi bỏ Điều 38 (liên quan đến thời hạn xuất
nhập khẩu)
6. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và điểm
b, điểm h Khoản 2 Điều 41 như sau:
“1. Cơ quan quản lý thuế thực
hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo quy định của pháp luật về thuế, trừ: trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu mua bán thành phẩm,
nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, dịch vụ viễn thông, nước có hóa
đơn điện tử và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; và các
trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Các trường hợp thuộc diện kiểm tra trước khi
hoàn thuế:”
“b) Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu, trừ
trường hợp đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân và hoàn thuế giá trị gia tăng cho
dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đã thực hiện giao dịch điện tử
trong lĩnh vực thuế, sử dụng hóa đơn điện tử. Trường hợp người nộp thuế
có hồ sơ hoàn thuế gửi cơ quan quản lý thuế lần đầu nhưng không thuộc diện được
hoàn thuế theo quy định thì lần đề nghị hoàn thuế kế tiếp vẫn xác định là đề
nghị hoàn thuế lần đầu;”
“h) Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, hàng hóa
nhập khẩu phải đảm bảo các quy định quản lý nhà nước về kiểm dịch, vệ sinh an
toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa, trừ hàng hóa là nguyên liệu nhập
khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu”.
7. Điểm a, Khoản 2 Điều 42 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
“a) Miễn, giảm thuế tiêu thụ
đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế bị thiên
tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ không có khả năng nộp thuế theo quy định của
pháp luật; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp,
tiền thuê đất, thuê mặt nước, lệ phí trước bạ cho người nộp thuế theo quy định
của pháp luật; miễn thuế đối với hộ gia
đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ
50.000 đồng trở xuống. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc miễn, giảm thuế
quy định tại Điểm này;”
8. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều
48 như sau:
“1. Người nộp
thuế là tổ chức kinh doanh sử dụng các dịch vụ điện tử do cơ quan thuế cung cấp
(đăng ký thuế, khai, nộp thuế, tra cứu và gửi thông tin về thuế), trừ trường hợp
đặc biệt theo quy định của Bộ Tài chính.
Người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức
và cá nhân) có quy mô kinh doanh lớn, kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách
sạn, siêu thị và một số hàng hóa, dịch vụ khác phải thực hiện sử dụng hóa đơn
hoặc sử dụng hệ thống máy tính tiền, cơ quan thuế thực hiện các biện pháp giám
sát quản lý.
Người nộp thuế dưới đây đáp ứng điều
kiện về hạ tầng công nghệ thông tin theo quy định phải sử dụng hóa đơn điện tử
và định kỳ thực hiện chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế theo lộ trình của
cơ quan thuế gồm:
- Tổ chức kinh doanh được thành lập
theo quy định của pháp luật có quy mô kinh doanh lớn, địa bàn kinh doanh rộng,
kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất, kinh doanh khác, phát
sinh khối lượng lớn hóa đơn.
- Doanh nghiệp kinh doanh thương mại
dịch vụ; vận chuyển hành khách, hàng hóa; doanh nghiệp bán hàng miễn thuế;
doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu;
doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Đối với doanh nghiệp sản xuất
kinh doanh sản phẩm thuốc lá, rượu, bia thực hiện công nghệ in tem, tem điện tử
theo quy định: Tem thuốc lá, tem rượu, tem bia phải thực hiện kết nối giữa cơ sở
sản xuất, cơ sở nhập khẩu với cơ quan Thuế để phục vụ công tác quản lý.
Trường hợp người nộp thuế theo quy
định nêu trên không tự thực hiện đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng
hóa đơn điện tử thì thực hiện hóa đơn điện tử qua Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa
đơn điện tử.
Một số trường hợp khác quy định về
thực hiện hóa đơn điện tử và chuyển dữ liệu hóa đơn theo hướng dẫn của Bộ Tài
chính.
Người nộp thuế là tổ chức kinh
doanh không thuộc đối tượng thực hiện hóa đơn điện tử có chuyển dữ liệu hoá đơn
cho cơ quan thuế thì phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã số xác thực của cơ quan
thuế qua Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã số xác thực.
Người nộp thuế là cá nhân kinh
doanh có quy mô lớn thực hiện hóa đơn điện tử có mã số xác thực của cơ quan thuế
qua Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã số xác thực và theo lộ trình
của cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã số xác thực qua Tổ chức cung
cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã số xác thực.
Cơ quan thuế khi xem xét hoàn thuế
đối với tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có chuyển
dữ liệu hoá đơn cho cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã số xác thực của cơ
quan thuế thì được xem xét miễn kiểm tra thực tế đối với số thuế GTGT đầu vào sử
dụng hóa đơn điện tử có chuyển dữ liệu hoá đơn cho cơ quan thuế, hóa đơn điện tử
có mã số xác thực của cơ quan thuế. Bộ Tài chính quy định chi tiết nội dung
này.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, kiểm
toán hoặc kiểm tra, giám sát hàng hóa đi trên đường phải có trách nhiệm xây dựng
hệ thống và sử dụng phương tiện, dữ liệu điện tử để kiểm tra hóa đơn mà không
yêu cầu tổ chức, cá nhân phải chuyển đổi hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã
số xác thực sang giấy. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết nội dung này.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức
cung cấp dịch vụ TVAN theo quy định được tham gia cung cấp dịch vụ hóa đơn điện
tử, hóa đơn điện tử có mã số xác thực của cơ quan thuế.
Cơ quan quản lý thuế, công chức
thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc khởi tạo, phát hành và sử dụng
hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã số xác thực của cơ quan thuế phải giữ bí
mật thông tin của người nộp thuế trên hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử có mã số
xác thực của cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Giao dịch
điện tử.
Bộ Tài chính quy định chi tiết Khoản
này”.
Điều 5. Sửa đổi,
bổ sung Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 như sau:
1. Bổ sung Khoản 3a, Khoản 3b vào Điều
36 như sau:
“3a. Sau khi hết thời hiệu thi
hành của quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị
sử dụng, nếu người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ vào ngân
sách nhà nước và cơ quan thuế chưa thực hiện được biện pháp cưỡng chế tiếp theo
thì cơ quan thuế tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông
báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
3b. Trường hợp đang áp dụng biện
pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng, nếu người nộp thuế
có văn bản đề nghị sử dụng từng hóa đơn lẻ cho từng lô hàng, hạng mục công
trình hoàn thành để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các
khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế thực
hiện tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng từng hóa đơn lẻ với điều kiện người nộp
thuế có văn bản cam kết thực hiện nộp ngay toàn bộ số thuế phát sinh trên hóa
đơn lẻ được sử dụng và nộp một phần tiền thuế nợ ít nhất bằng 10% doanh thu
trên hóa đơn được sử dụng.
Đối với một số trường hợp đặc thù,
người nộp thuế có văn bản đề nghị 1 một lần nhưng được sử dụng nhiều hóa
đơn, thì cơ quan thuế thực hiện tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn
theo đề nghị với điều kiện người nộp thuế có văn bản cam kết thực hiện nộp ngay
toàn bộ số thuế phát sinh trên hóa đơn lẻ được sử dụng và toàn bộ số thuế nợ
theo cam kết.
Nếu người nộp thuế vi phạm cam kết
thì cơ quan thuế dừng ngay việc sử dụng hóa đơn lẻ của người nộp thuế.”
2. Bổ sung Khoản 4 vào Điều
54 như sau:
“4. Trường hợp đối tượng bị cưỡng
chế chưa nộp đủ số tiền thuế nợ theo các quyết định cưỡng chế vào ngân sách nhà
nước, nếu đối tượng bị cưỡng chế thực hiện làm thủ tục hải quan đối với hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan thuế gửi văn bản yêu cầu cơ quan Hải quan nơi
đối tượng bị cưỡng chế có trụ sở chính ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế
dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.”
Điều 6. Sửa đổi,
bổ sung Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc
lá về kinh doanh thuốc lá như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 37 như
sau:
“ Điều 37. Tem sản phẩm thuốc
lá
1. Sản phẩm thuốc lá sản xuất để
tiêu thụ trong nước phải dán tem trên bao gói theo quy định hiện hành của Nhà
nước.
2. Sản phẩm thuốc lá sản xuất để
xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài không phải dán tem theo quy định của
Việt Nam.
3. Tem sản phẩm thuốc lá sản xuất
để tiêu thụ tại Việt Nam được bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất thuốc
lá. Số lượng tem bán cho doanh nghiệp hàng năm không được vượt quá sản lượng được
phép sản xuất.
4. Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu để
tiêu thụ tại Việt Nam phải được dán tem nhập khẩu trên bao gói. Tem sản phẩm
thuốc lá nhập khẩu được bán cho doanh nghiệp có Giấy phép nhập khẩu thuốc lá. Số
lượng tem sử dụng của các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc lá hàng năm
không được vượt quá sản lượng được phép nhập khẩu.
5. Bộ Tài chính in, phát hành và tổ
chức bán tem cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Giá bán tem bảo đảm bù đắp đủ
chi phí đặt in tem và chi phí phát hành theo quy định.
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể Điều
này.”
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều
46 như sau:
“1. Tổ chức in, phát hành và bán
tem cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này và các quy định hiện
hành.”
Điều 7. Hiệu lực và trách
nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7
năm 2016.
2. Khoản
6 Điều 4 của Nghị định này này
có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2016.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn
thi hành Nghị định này.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư,….
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|