VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT QUẢN LÝ
THUẾ
Luật quản
lý thuế đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01/7/2007. Luật quy định nội dung quản lý các loại thuế, các
khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu
theo quy định của pháp luật. Luật có phạm vi điều chỉnh toàn diện, bao gồm thuế
liên quan đến việc xuất, nhập khẩu hàng hoá và các loại thuế phát sinh trong nội
địa; các khoản thu về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các khoản thu
khác mang tính bắt buộc như thuế.
Để triển khai thực hiện Luật Quản
lý thuế, Uỷ ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật thuế; đồng thời cùng với
các tổ chức, cá nhân liên quan tập trung triển khai thực hiện một số nội dung
trọng tâm sau:
1. Đối với
người nộp thuế
- Chấp hành nghiêm chỉnh quy định
về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế được quy định trong Luật Quản lý thuế;
chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ, chế độ thống kê theo đúng quy định của Pháp
luật.
- Thực hiện tự khai, tự nộp thuế
vào ngân sách nhà nước đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm theo quy định của
Luật Quản lý thuế.
2. Cơ quan
quản lý thuế (Cục Thuế; Cục Hải quan)
- Thực hiện nghiêm chỉnh trách
nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế được quy định trong Luật Quản lý
thuế.
- Tập huấn về nội dung Luật Quản
lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành cho toàn thể cán bộ, công chức trong
đơn vị, các ban ngành, đoàn thể, cấp uỷ, chính quyền địa phương và người nộp
thuế.
- Công khai các thủ tục về thuế,
thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan quản lý thuế tạo mọi điều kiện
cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
- Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở
Văn hoá - Thông tin, Hội Luật gia tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể
chính trị - xã hội, Báo Quảng Ninh, Đài PTTH Quảng Ninh tổ chức tuyên truyền
sâu rộng về Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý
thuế.
- Triển khai thực hiện các quy
chế phối hợp đã ký với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể của
tỉnh; Tiếp tục xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện quy chế phối hợp với
các cơ quan, ban ngành khác.
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan
3.1. Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố:
Chỉ đạo các cơ quan có liên
quan tại địa phương phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong công tác triển khai
thực hiện Luật Quản lý thuế, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế; lập dự
toán thu ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước
trên địa bàn.
3.2. Công an tỉnh , Thanh
tra tỉnh :
- Công an tỉnh cung cấp trao đổi
thông tin về đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế; thông tin về cá nhân xuất
cảnh, nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng; danh sách các tổ chức,
cá nhân có nhà cho người nước ngoài thuê; thông tin về
hoạt động của khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ; thông tin về đăng ký, quản lý
phương tiện giao thông theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Phối hợp với cơ
quan quản lý thuế trong giải quyết xuất nhập cảnh của các cá nhân khi chưa hoàn
thành nghĩa vụ nộp thuế ( tạm dừng việc xuất cảnh của cá nhân khi chưa hoàn
thành nghĩa vụ nộp thuế ).
- Thanh tra tỉnh cung cấp thông tin liên quan đến việc chấp hành pháp luật
thuế của đối tượng bị thanh tra là người nộp thuế theo đề nghị của cơ quan quản
lý thuế.
3.3. Sở Kế hoạch - Đầu tư,
Ban quản lý các khu công nghiệp:
Có trách nhiệm cung cấp trao đổi
thông tin về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận thay đổi nội dung
đăng ký kinh doanh, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản của người
nộp thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế; Tham mưu xét cấp chứng nhận ưu đãi đầu tư đúng quy định của pháp luật thuế.
3.4. Sở Thương mại:
- Cung cấp
cho cơ quan quản lý thuế các thông tin về chính sách quản lý đối với hoạt động
mua bán hàng hoá quốc tế, bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm
xuất tái nhập, chuyển khẩu, các hoạt động uỷ thác và nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập
khẩu, đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá của Việt Nam và nước
ngoài.
- Tăng cường
phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra phát
hiện và xử lý các trường hợp gian lận thương mại, vi phạm chế độ đăng ký kinh
doanh, trốn lậu thuế; Phối hợp với cơ quan quản lý thuế
nắm bắt tình hình chấp hành thu nộp thuế để giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu
theo quy định.
3.5. Sở Tài nguyên và Môi
trường, Sở Xây dựng:
Có trách
nhiệm cung cấp thông tin thay đổi về hiện trạng sử dụng đất, sở hữu nhà của tổ
chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến quản lý thuế theo định kỳ hoặc khi có
đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Có trách nhiệm yêu cầu mọi tổ chức cá nhân
hoàn thành các nghĩa vụ thuế có liên quan đến nhà, đất trước khi hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà,
quyền sử dụng đất theo quy định của Pháp luật.
3.6. Các cơ quan Tài chính,
Kho bạc Nhà nước:
Thực hiện tốt
Quy chế phối hợp giữa Thuế - Hải quan - Kho bạc Nhà nước trong công tác quản lý
thu thuế theo Quyết định số 1081/QĐ-BTC ngày 06/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính; có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản
lý thuế về số tiền thuế đã nộp, đã hoàn của người nộp thuế; Hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước thực hiện nghiêm
chỉnh chế độ hoá đơn, chứng từ trong chi tiêu sử dụng ngân sách nhà nước.
3.7. Ngân hàng Nhà nước tỉnh:
Hướng dẫn
các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin có
liên quan đến người có nghĩa vụ phải nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý
thuế; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm chỉnh
việc trích chuyển từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách
nhà nước đối với số tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế của người nộp
thuế phải nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
3.8. Sở Văn hoá - Thông tin;
Sở Tư pháp; Đài phát thanh truyền hình Quảng Ninh; Báo Quảng Ninh:
- Phối hợp với cơ quan quản lý
thuế trong công tác quản lý thuế, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
thuế; Biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt pháp luật về thuế; phản ánh
và phê phán mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật thuế.
- Sở Văn hoá - Thông tin có
trách nhiệm cung cấp cho cơ quan quản lý thuế toàn bộ hồ sơ đã cấp giấy phép hoạt
động biểu diễn để cơ quan thuế quản lý thu thuế. Có các biện pháp quản lý thuộc
thẩm quyền để yêu cầu các đơn vị biểu diễn cung cấp cho cơ quan thuế danh sách
các ca sỹ, nghệ sỹ tham gia chương trình, mã số thuế cá nhân và khấu trừ thuế
trước khi chi trả các khoản thu nhập….Phối hợp với cơ quan quản lý thuế phát hiện
và thu hồi giấy phép hoạt động biểu diễn của những ca sỹ, nghệ sỹ có thu nhập đến
mức chịu thuế nhưng cố tình không thực hiện nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế.
3.9. Các Sở ban ngành, các tổ
chức và cá nhân khác:
Cung cấp
thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo đề nghị của cơ quan quản
lý thuế. Phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện các quyết định xử lý vi phạm
pháp luật về thuế.
4. Tổ chức
thực hiện:
- Giao Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh
là cơ quan thường trực phối hợp với Cục Hải quan, các ngành và đơn vị có liên
quan để triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế và tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân
dân tỉnh kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh theo định kỳ.
- Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các ngành và đơn vị liên quan chịu trách
nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung nêu tại Chỉ thị này; Định kỳ 6 tháng và
hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và gửi về Cục
Thuế tỉnh Quảng Ninh để tổng hợp chung toàn tỉnh; Trong quá trình tổ chức thực
hiện nếu có vướng mắc phát sinh các đơn vị phản ánh kịp thời về Cục Thuế tỉnh để
tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét giải quyết/.