BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 68 /2006/TTLT-BTC-BTP
|
Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2006
|
THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ
TÀI CHÍNH VỀ KINH PHÍ TỔ CHỨC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự
ngày 14/1/2004;
Căn cứ Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ
tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá
tài sản;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Tư
pháp hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành
án dân sự như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng: Thông tư này hướng dẫn
về cơ chế quản lý tài chính đối với kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự do cơ
quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện.
2. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành
án, người được thi hành án nộp theo quy định tại khoản 1, khoản
2 Điều 28 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, trừ trường
hợp được miễn, giảm theo quy định. Ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí cưỡng chế
thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định số
173/2004/NĐ-CP nêu trên.
3. Trong trường hợp các đối tượng phải chịu chi phí cưỡng
chế thi hành án chưa nộp chi phí cưỡng chế thi hành án cho cơ quan thi hành án
dân sự, cơ quan thi hành án dân sự tạm ứng từ kinh phí ngân sách cấp hàng năm để
thực hiện cưỡng chế thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thu
hồi để hoàn trả khoản tiền đã tạm ứng kinh phí cưỡng chế thi hành án.
4. Các cơ quan thi hành án dân sự phải có trách nhiệm quản
lý, sử dụng, quyết toán kinh phí chi cưỡng chế thi hành án đúng quy định hiện
hành và các quy định tại Thông tư này.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Nội dung chi cưỡng chế thi
hành án:
a) Chi phí cho việc kê biên tài
sản:
- Tiền bồi dưỡng cho Hội đồng cưỡng
chế: Họp bàn cưỡng chế thi hành án, trực tiếp tổ chức cuộc cưỡng chế thi hành
án.
- Chi phí bảo vệ cưỡng chế: Chi
cho những người trực tiếp tham gia bảo vệ (chấp hành viên, cảnh sát bảo vệ,
nhân viên y tế, cán bộ thi hành án, kiểm sát viên, dân quân tự vệ, đại diện
chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội...); chi phí mua nhiên liệu,
thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, thiết bị y tế cần thiết phục vụ cuộc cưỡng
chế thi hành án.
- Chi phí phòng cháy, nổ (nếu
có): Thuê xe cứu hoả, thuê thiết bị phòng cháy chữa cháy; thuê rà, phá bom, mìn
và các phương tiện, thiết bị phòng cháy, nổ cần thiết khác.
- Chi phí xây ngăn: Chi phí nhân
công, vật liệu, máy thi công và các khoản chi cần thiết khác phục vụ cho việc
xây ngăn.
- Chi đo đạc, trích lục bản đồ
trong trường hợp đất đai không rõ ràng để thực hiện cưỡng chế thi hành án.
b) Chi phí cho việc định giá, định
giá lại tài sản, chi phí bán đấu giá tài sản:
- Chi phí định giá, định giá lại
tài sản:
+ Chi cho các thành viên của Hội đồng định giá họp định giá tài sản.
+ Chi giám định tài sản (nếu có).
- Chi phí bán đấu giá tài sản:
+ Tiền thuê địa điểm, phương tiện phục vụ tổ chức bán đấu giá, niêm yết,
thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản trong trường hợp cơ quan thi hành
án dân sự trực tiếp tổ chức tiến hành bán đấu giá tài sản để thi hành án.
+ Phí bán đấu giá theo quy định và các chi phí thực tế, hợp lý cho việc
bán đấu giá trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự ủy quyền cho tổ chức
bán đấu giá tài tài sản.
c) Chi phí cho việc thuê, trông
coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản.
d) Chi phí thông báo về cưỡng chế:
Chi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát
thanh, báo chí); chi cho những người có trách nhiệm tham gia vào buổi thông báo
cưỡng chế thi hành án (cán bộ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương, đại
diện tổ chức xã hội và các thành phần khác).
đ) Các khoản chi phí cần thiết
khác (nếu có).
2. Mức chi cưỡng chế thi hành án.
a) Chi
cho các thành viên tham gia họp bàn cưỡng chế thi hành án, các thành viên của Hội đồng định giá họp định giá
và định giá lại giá tài sản: Mức chi 25.000đ/người/buổi.
b) Chi
bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án được thực hiện
theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
c) Các
chi phí: Thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ cưỡng chế; chi phí phòng cháy, nổ; thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá;
phí bán đấu giá; thuê trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận
chuyển tài sản và các khoản chi khác có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành
án được thực hiện căn cứ theo hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hoá đơn, chứng từ
chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được Thủ trưởng cơ quan thi
hành án dân sự phê duyệt.
3. Nguồn kinh phí thực hiện cưỡng chế thi hành án:
a) Người
phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án bao gồm các nội dung chi, mức
chi quy định tại khoản 1 và khoản 2 mục II Thông tư này. Trường hợp nếu bản án
xác định rõ người được thi hành án phải chịu một phần hoặc toàn bộ chi
phí xây ngăn thì người phải thi hành án không phải chịu khoản chi phí xây ngăn
này.
b) Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:
- Chi phí định giá lại tài sản
quy định tại gạch đầu dòng thứ nhất điểm b khoản 1 mục II Thông tư này nếu người
được thi hành án yêu cầu định giá lại trừ trường hợp định giá lại theo quy định
tại điểm a, điểm c khoản 5 Điều 43 Pháp lệnh Thi hành án dân sự.
- Một phần hoặc toàn bộ chi phí
xây ngăn quy định tại gạch đầu dòng thứ tư điểm a khoản 1 mục II Thông tư này
trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu
chi phí xây ngăn.
Người phải thi hành án, người được
thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của
Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong
thi hành án dân sự.
Trước khi tổ chức cưỡng chế thi
hành án, chấp hành viên phải thông báo về dự toán chi phí cưỡng chế thi hành án
cho đương sự biết.
c) Ngân sách nhà nước bảo đảm
các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án bao gồm:
- Các nội dung chi quy định tại điểm
đ khoản 1 mục II Thông tư này.
- Chi phí định giá lại tài sản
quy định tại gạch đầu dòng thứ nhất điểm b khoản 1 mục II Thông tư này nếu có
căn cứ xác định vi phạm thủ tục định giá theo quy định tại khoản
1 Điều 24 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
- Chi phí khi đang tiến hành tổ
chức cưỡng chế nhưng phải tạm dừng vì lý do khách quan (thiên tai, hoả hoạn...),
hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoãn theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Pháp lệnh Thi hành án dân sự, tạm ngừng, tạm
đình chỉ thi hành án.
- Toàn bộ chi phí cưỡng chế và
chi phí định giá tài sản đã thực hiện nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền huỷ
toàn bộ quá trình cưỡng chế.
- Khoản chi phí cưỡng chế thi
hành án mà người phải thi hành án, người được thi hành án được miễn, giảm theo
quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 30 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP
ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
Người có lỗi trong việc vi phạm
thủ tục về định giá tài sản, quyết định cho miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi
hành án sai quy định dẫn đến ngân sách nhà nước phải chịu chi phí cưỡng chế phải
có trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền đó cho ngân sách nhà nước theo quy định tại
Pháp lệnh cán bộ công chức.
4. Về tạm ứng chi phí cưỡng chế thi
hành án khi chưa thu được của các đương sự:
a) Tạm ứng chi phí tổ chức cưỡng chế thi hành án:
- Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành
án, người được thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản
đã bị kê biên hoặc khấu trừ vào tài sản của
người phải thi hành án đang do người khác giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa.
Trong khi chưa thu được chi phí cưỡng
chế thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án, cơ quan thi
hành án dân sự thực hiện ứng trước kinh phí cho các chấp hành viên để tổ chức
cưỡng chế thi hành án từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao cho
cơ quan thi hành án dân sự.
- Để cơ quan thi hành án dân sự có
nguồn kinh phí tạm ứng cho chi phí cưỡng chế thi hành án, ngân sách nhà nước bố
trí một khoản kinh phí trong dự toán của cơ quan thi hành án dân sự. Mức bố trí
cụ thể cho từng cơ quan thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp giao sau khi thống nhất
với Bộ Tài chính trong phạm vi dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
b) Thủ tục chấp hành viên tạm ứng
và hoàn tạm ứng kinh phí hỗ trợ tổ chức cưỡng chế thi hành án:
- Tạm ứng
chi phí cưỡng chế thi hành án:
Trước
khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, chấp hành viên phải lập và trình Thủ trưởng
cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt kế hoạch cưỡng chế gồm các nội dung: thời
gian, lực lượng tham gia (số lượng người, thành phần tham gia), phương án tiến
hành cưỡng chế, dự toán chi phí phục vụ cho cưỡng chế.
Dự
toán chi phục vụ cưỡng chế được lập căn cứ vào nội dung chi, mức chi quy
định tại khoản 1, 2 mục II Thông tư này và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành
đồng thời thông báo cho đương sự biết trước ngày tiến hành cưỡng chế.
Trên
cơ sở kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, chấp hành viên làm thủ tục tạm ứng
kinh phí cho hoạt động cưỡng chế từ nguồn kinh phí được ngân sách nhà nước giao
cho cơ quan thi hành án dân sự.
- Hoàn
tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án:
Khi xử
lý tài sản hoặc thu được tiền của người phải thi hành án, người được thi hành
án, chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng chi
cưỡng chế thi hành án trước đó cho cơ quan.
Cơ quan thi hành án dân sự có trách
nhiệm theo dõi, đôn đốc các đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án để
thu hồi kinh phí đã tạm ứng. Cuối quý, năm, cơ quan thi hành án dân sự tổng hợp
báo cáo việc sử dụng kinh phí tạm ứng tổ chức thi hành án (số kinh phí đã tạm ứng,
số kinh phí đã thu hồi được; số kinh phí tạm ứng chưa thu hồi, nguyên nhân chưa
thu hồi...) với cơ quan quản lý cấp trên. Bộ Tư pháp tổng hợp, gửi Bộ Tài chính
cùng với báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm.
5. Lập dự toán,
chấp hành và quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án:
Việc lập
dự toán, chấp hành, quyết toán chi phí cưỡng chế thi hành án thuộc nhiệm vụ
ngân sách nhà nước chi thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và
các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm một số điểm
sau:
a) Lập dự toán:
- Đối với năm đầu tiên thực hiện:
Trên cơ sở dự toán kinh phí cần thiết để tạm ứng thực hiện cưỡng chế thi hành
án do cơ quan thi hành án dân sự xây dựng, Bộ Tư pháp tổng hợp chung vào
dự toán chi ngân sách năm của Bộ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước gửi
Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách trình Thủ tướng Chính phủ để
trình Quốc hội phê duyệt.
- Đối với các năm tiếp theo: Cơ
quan thi hành án dân sự chỉ lập dự toán kinh phí tạm ứng cho cưỡng chế thi hành
án trong các trường hợp do chia tách tỉnh, huyện hoặc một số trường hợp
đặc biệt khác cần phải tăng hoặc giảm mức tạm ứng ban đầu gửi Bộ Tư pháp để tổng
hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm theo quy định.
b) Chấp
hành dự toán, quyết toán:
- Phân
bổ dự toán: Trên cơ sở kinh phí thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế thi hành án đã được
bố trí trong dự toán hàng năm, Bộ Tư pháp phân bổ và giao kinh phí ngân sách để
tạm ứng chi cưỡng chế thi hành án cho các cơ quan thi hành án dân sự vào phần
kinh phí không thực hiện tự chủ, chi tiết theo các nhóm mục chi theo quy định
sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.
- Điều
chỉnh dự toán: Trong trường hợp xét thấy cần điều chỉnh dự toán kinh phí tạm ứng
cưỡng chế thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự đã được giao, Bộ Tư
pháp quyết định điều chỉnh phân bổ dự toán giữa các cơ quan thi hành án dân sự
trong phạm vi nguồn kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án đã được ngân sách
nhà nước giao sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Tài chính.
- Kinh
phí bố trí tạm ứng chi cưỡng chế thi hành án được chuyển sang năm sau tiếp tục
thực hiện.
- Việc
quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự thực hiện theo quy định hiện
hành.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông
tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế mục
I Thông tư liên tịch số 15/2002/TTLT-BTC-BTP ngày 08/02/2002 của Liên tịch Bộ
Tài chính, Bộ Tư pháp “Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức
cưỡng chế thi hành án dân sự, kinh phí để lại cho Uỷ ban nhân dân xã, phường
tham gia thực hiện công tác thi hành án đã thu được nộp vào ngân sách Nhà nước”.
Đối với
kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự đã tạm ứng
từ nguồn thu hoạt động thi hành án phải nộp ngân sách; cơ quan thi hành án dân
sự có trách nhiệm thu hồi để nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Trong
quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài
chính và Bộ Tư pháp để nghiên cứu giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG
Lê Thị Thu Ba
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
Nơi
nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ:
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát ND tối cao;
- Toà án ND tối cao;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở TC, Tư pháp, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cơ quan Thi hành án dân sự các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Bộ Tài
chính;
- Lưu: VT, Vụ HCSN (BTC); VT, Cục THA (BTP).