BỘ CÔNG AN - VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ QUỐC PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 02 năm 2018
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG
DẪN VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN GHI ÂM HOẶC GHI HÌNH CÓ ÂM THANH; SỬ DỤNG, BẢO
QUẢN, LƯU TRỮ KẾT QUẢ GHI ÂM HOẶC GHI HÌNH CÓ ÂM THANH TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU
TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ
Căn cứ Bộ luật Tố
tụng hình sự ngày 21 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc
hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự;
Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội
về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số
12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ
luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ
chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật
Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13;
Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban
hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình
có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn trình tự, thủ tục
thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả
ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong quá trình điều tra,
truy tố, xét xử.
2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;
người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thực
hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi
âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội.
3. Những quy định của Thông tư liên tịch này được
áp dụng trong các trường hợp lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự;
đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là việc
sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại âm thanh hoặc hình ảnh có âm
thanh trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân thương mại phạm tội; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại,
đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi
âm hoặc ghi hình có âm thanh là phương tiện, thiết bị ghi âm thanh hoặc ghi
hình có âm thanh gồm: Thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, đầu ghi hình, máy chủ,
các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh theo quy định của Thông tư liên tịch này.
3. Sự cố kỹ thuật là việc phương tiện, thiết
bị kỹ thuật bị lỗi, hỏng dẫn đến gây gián đoạn hoặc không thể thực hiện việc
ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; hoặc nếu có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh nhưng không bảo đảm chất lượng; các nguyên nhân khách quan khác dẫn đến
không thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được như: mất điện,
cháy nổ...
4. Phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại
cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm
vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là phòng chuyên dụng bảo đảm đủ điều kiện
về diện tích, ánh sáng, an toàn và được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật
sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đạt chất lượng về âm thanh và hình ảnh.
5. Cán bộ chuyên môn là cán bộ thuộc biên chế
của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và sử dụng thành thạo các
phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, có trách nhiệm
quản lý hệ thống phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình
có âm thanh và bảo quản, lưu trữ kết quả dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng
1. Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải bảo đảm
tính khách quan, minh bạch, nguyên vẹn của dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh. Dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là một bộ phận của hồ sơ vụ án
hình sự được sử dụng, bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về sử dụng,
bảo quản và lưu trữ hồ sơ vụ án hình sự.
2. Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng,
bảo quản, lưu trữ, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều
tra, truy tố, xét xử phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và theo đúng trình tự,
thủ tục hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
3. Bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của
người tham gia tố tụng được quy định trong Bộ luật
Tố tụng hình sự.
Điều 4. Hành vi bị nghiêm cấm
1. Tự ý chỉnh sửa, cắt, ghép, giả mạo, hủy trái
phép, làm sai lệch, làm hư hỏng, làm thất lạc dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có
âm thanh; sao chép, phát tán, khai thác, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình
có âm thanh ngoài các mục đích quy định tại Điều 7 và Điều 8
Thông tư liên tịch này; làm lộ, lọt thông tin vụ án hoặc xâm phạm quyền, lợi
ích hợp pháp, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Phá hủy cơ sở vật chất, cố ý làm hư hỏng hoặc sử
dụng không đúng mục đích các phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm
hoặc ghi hình có âm thanh.
3. Người thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và
khoản 2 Điều này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý trách nhiệm theo
quy định của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Trình tự, thủ tục thực
hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai
người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội
1. Cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội quyết định lựa chọn hình
thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
2. Trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình
có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân thương mại phạm tội tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra,
Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
như sau:
a) Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải đăng ký với cán bộ chuyên
môn tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để được bố trí phòng
chuyên dụng, hướng dẫn về quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm,
ghi hình có âm thanh. Sau đó, cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội làm thủ tục trích xuất đối với
bị can bị tạm giam hoặc triệu tập bị can đang tại ngoại (hoặc người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội) theo quy định của pháp luật
(không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở cơ sở giam giữ, trừ trường hợp
đối chất với bị can đang bị tạm giam). Khi được bố trí phòng làm việc, cán bộ hỏi
cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại
phạm tội đến phòng làm việc, thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân thương mại phạm tội biết về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh, việc thông báo phải ghi vào biên bản sau đó tiến hành làm việc;
b) Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bắt đầu từ
khi cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp
nhân thương mại phạm tội nhấn nút bắt đầu, cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời
khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải đọc
thời gian bắt đầu và ghi rõ trong biên bản. Trong quá trình hỏi cung hoặc lấy lời
khai có thể tạm dừng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bằng cách nhấn nút tạm dừng.
Trước khi tạm dừng cán bộ hỏi cung, lấy lời khai phải đọc rõ thời gian tạm dừng,
lý do tạm dừng, khi tiếp tục làm việc cũng phải đọc rõ thời gian tiếp tục, quá
trình này được ghi rõ trong biên bản. Kết thúc buổi làm việc, cán bộ hỏi cung,
lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
thương mại phạm tội biết buổi hỏi cung hoặc lấy lời khai kết thúc và nhấn nút kết
thúc, thời gian kết thúc ghi rõ trong biên bản;
c) Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội. Trường hợp đang hỏi cung
hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội
mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải dừng
ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai. Việc này ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của
cán bộ chuyên môn.
3. Trường hợp hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội tại địa điểm khác được
ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, người đại diện theo
pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội hoặc cơ quan, người có thẩm quyền
tiến hành tố tụng. Trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được thực
hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh thì cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can,
người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết, nếu họ đồng
ý thì tiến hành làm việc, trường hợp họ không đồng ý thì không được hỏi cung, lấy
lời khai. Trường hợp đang hỏi cung, lấy lời khai mà thiết bị ghi âm hoặc ghi
hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông
báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội
biết, nếu họ đồng ý tiếp tục làm việc thì vẫn tiến hành hỏi cung, lấy lời khai.
Trường hợp bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm
tội không đồng ý tiếp tục làm việc thì dừng buổi hỏi cung, lấy lời khai. Việc
này phải ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.
4. Việc lập biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai
người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được thực hiện
theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 6. Bảo quản, lưu trữ kết
quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội
1. Hệ thống máy chủ đặt tại trụ sở Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra do các cơ quan này cử cán bộ chuyên môn quản lý, bảo quản; Hệ thống máy chủ
đặt tại cơ sở giam giữ do Cơ quan điều tra có thẩm quyền cử cán bộ chuyên môn của
Cơ quan điều tra quản lý, bảo quản. Đối với các phương tiện, thiết bị ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh di động thì đơn vị nào đang thụ lý, giải quyết vụ án thì
đơn vị đó có trách nhiệm quản lý, bảo quản.
2. Kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi
cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại
phạm tội phải được bảo quản lưu trữ đầy đủ tại hệ thống máy chủ để đảm bảo an
toàn, bí mật.
Khi kết thúc giai đoạn điều tra vụ án hình sự, giai
đoạn truy tố, cán bộ chuyên môn sao chép dữ liệu kết quả ghi âm hoặc ghi hình
có âm thanh vào thiết bị ngoại vi lưu trữ dữ liệu và bàn giao cho cán bộ hỏi
cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại
phạm tội. Cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân thương mại phạm tội bàn giao thiết bị ngoại vi lưu trữ dữ liệu
cùng hồ sơ vụ án phục vụ điều tra, truy tố, xét xử.
3. Trường hợp các vụ án, vụ việc chuyển để điều tra
xử lý theo thẩm quyền thì cơ quan chuyển giao vụ án, vụ việc có trách nhiệm
chuyển cả thiết bị ngoại vi lưu dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thu thập
được cùng với hồ sơ vụ án, vụ việc đến cơ quan tiếp nhận để tiếp tục khai thác,
sử dụng và bảo quản, lưu trữ theo quy định của Thông tư liên tịch này. Khi trả
hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, điều tra lại thì các thiết bị ngoại vi lưu trữ
dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh cũng được trả lại và bàn giao cùng hồ sơ vụ
án hình sự.
4. Việc bàn giao dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của
pháp nhân thương mại phạm tội phải được lập biên bản.
Điều 7. Sử dụng kết quả ghi âm
hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy
tố
1. Trong giai đoạn điều tra: Thủ trưởng, Phó Thủ
trưởng Cơ quan điều tra; Cấp trưởng, cấp phó cơ quan được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên, cán bộ điều tra; Viện trưởng,
Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi
hình có âm thanh để phục vụ công tác điều tra trong trường hợp bị can hoặc người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thay đổi lời khai so
với lời khai đã khai trước đó; Sử dụng, đánh giá chứng cứ để làm rõ hành vi phạm
tội của bị can, pháp nhân thương mại và đồng phạm khác (nếu có), đảm bảo cho việc
giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành
pháp luật của Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp
nhân thương mại phạm tội.
2. Trong giai đoạn truy tố: Viện trưởng, Phó Viện
trưởng Viện kiểm sát; Kiểm sát viên sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh để phục vụ truy tố và làm cơ sở xác định tính khách quan trong hỏi cung bị
can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm
tội của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra; sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc
lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội để
đánh giá chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm. Kiểm tra,
phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục
hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra.
3. Kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh cũng được
sử dụng trong quá trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều
tra, truy tố, xét xử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thẩm định vụ án hình sự.
4. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1,
khoản 2 Điều này có thể sao chép kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại hệ
thống máy chủ để phục vụ công tác điều tra, truy tố.
Điều 8. Sử dụng kết quả ghi âm
hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn xét xử
1. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán chủ tọa
phiên tòa phải chủ động xem xét, nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ
sơ vụ án. Trường hợp có chứng cứ, tài liệu được ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh mà không thể nghe, xem được cần đề nghị Viện kiểm sát sao chép lại và
cung cấp cho Tòa án dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
2. Hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội
dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại phiên tòa trong các trường hợp
sau:
a) Kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến
vụ án mà Hội đồng xét xử thấy cần thiết phải kiểm tra công khai tại phiên tòa;
b) Bị cáo tố cáo bị bức cung, nhục hình trong quá
trình hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
thương mại phạm tội hoặc bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
thương mại phạm tội thay đổi lời khai;
c) Khi có đề nghị của Kiểm sát viên, Điều tra viên
và những người tiến hành tố tụng khác.
3. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì Tòa
án cần phải có kế hoạch chuẩn bị cho việc nghe hoặc xem nội dung được ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh tại phiên tòa.
Điều 9. Việc thực hiện ghi âm
hoặc ghi hình có âm thanh trong các trường hợp khác
1. Khi lấy lời khai người làm chứng, người bị hại,
đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
thì có thể được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định tại các điều 146, 187, 188 và 189 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trình tự, thủ
tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ dữ
liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh như đối với hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai
người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định tại
Thông tư liên tịch này. Trường hợp đang ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh buổi
làm việc mà xảy ra sự cố kỹ thuật thì vẫn tiến hành làm việc bình thường và ghi
rõ lý do vào biên bản.
2. Trường hợp tiến hành đối chất có sự tham gia của
bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội tại cơ
sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra thì phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Trình tự, thủ tục thực hiện theo điểm b và điểm c khoản 2 Điều 5
Thông tư liên tịch này.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 18 tháng 3 năm 2018.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa
án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Kinh phí để bảo đảm thực hiện ghi âm hoặc ghi
hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh được thực hiện theo quy định của Nhà nước.
3. Bộ Công an phối hợp với các Bộ, Ngành có liên
quan quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình
có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử. Chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm
2020 thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra,
truy tố, xét xử trên phạm vi toàn quốc.
4. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch, nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng để có hướng dẫn kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Lê Chiêm
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Lê Quý Vương
|
KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Hải Phong
|
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Trí Tuệ
|
Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Bộ Công an;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ tài chính;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành: BCA, VKSNĐTC, TANDTC, BQP;
- Lưu: VT (BCA, VKSNDTC, TANDTC, BQP).
|
|