BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
71/2003/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2003
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 71/2003/TT-BTC NGÀY 30 THÁNG 7 NĂM 2003
HƯỚNG DẪN VỀ PHÍ THUỘC THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH
PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Triển khai thi hành Pháp lệnh
phí và lệ phí, Chính phủ đã có Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 quy định
rõ nguyên tắc xác định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ
phí, đồng thời có phân cấp cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (dưới đây gọi tắt là cấp tỉnh) ban hành một số loại phí.
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP nêu trên, Bộ
Tài chính hướng dẫn thêm một số điểm về các loại phí này như sau:
I. NHỮNG LOẠI
PHÍ THUỘC THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH
Theo quy định của Nghị định
57/2002/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với những loại phí
sau:
1. Phí xây dựng;
2. Phí đo đạc, lập bản đồ địa
chính;
3. Phí thẩm định cấp quyền sử dụng
đất;
4. Phí chợ;
5. Phí đấu thầu, đấu giá (đối với
phí do cơ quan địa phương tổ chức thu);
6. Phí sử dụng đường bộ (đối với
đường thuộc địa phương quản lý);
7. Phí qua cầu (đối với cầu thuộc
địa phương quản lý);
8. Phí qua đò;
9. Phí qua phà (đối với phà thuộc
địa phương quản lý);
10. Phí sử dụng lề đường, bến,
bãi, mặt nước;
11. Phí khai thác và sử dụng tài
liệu đất đai;
12. Phí thư viện (đối với thư viện
thuộc địa phương quản lý);
13. Phí an ninh, trật tự;
14. Phí trông giữ xe đạp, xe
máy, ô tô;
15. Phí tham quan danh lam thắng
cảnh (đối với danh lam thắng cảnh thuộc địa phương quản lý);
16. Phí tham quan di tích lịch sử
(đối với di tích lịch sử thuộc địa phương quản lý);
17. Phí tham quan công trình văn
hoá (đối với công trình văn hoá thuộc địa phương quản lý);
18. Phí dự thi, dự tuyển (đối với
cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc địa phương quản lý);
19. Phí vệ sinh;
20. Phí phòng, chống thiên tai.
II. XÁC ĐỊNH
MỨC THU VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN PHÍ THU ĐƯỢC
Theo quy định tại Điều 5 của Nghị
định 57/2002/NĐ-CP thì Hội đồng nhân dân quy định đối với phí được phân cấp bao
gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng phí
cụ thể. Việc quy định này căn cứ vào nguyên tắc chung sau:
1. Về mức thu: bảo đảm nguyên tắc
xác định mức thu quy định tại Điều 8 của Nghị định 57/2002/NĐ-CP và hướng dẫn tại
phần A, mục III của Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính
hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.
2. Về quản lý, sử dụng tiền phí
thu được: bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 17 của
Nghị định 57/2002/NĐ-CP và hướng dẫn tại phần C và phần D, mục III của Thông tư
số 63/2002/TT-BTC nêu trên.
3. Đối với các loại phí có ý
nghĩa quan trọng của tỉnh, có số thu lớn, có thể quy định mức thu cụ thể được,
như phí cầu, đường bộ thuộc phạm vi tỉnh quản lý, phí xây dựng... thì việc quyết
định mức thu đối với từng loại phí được phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
phải bảo đảm đúng trình tự quy định tại Điều 11 Pháp lệnh phí và lệ phí là Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân quyết định. Tuy nhiên, trong thực
tế cũng có những khoản thu phí nếu ban hành như vậy vừa cụ thể, nhỏ nhặt mà
không kịp thời, không phù hợp với hoạt động của Hội đồng nhân dân, thí dụ như:
phí đò, phí chợ nông thôn,... nếu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ra văn bản cho từng
đò, từng chợ cụ thể sẽ mất thời gian không cần thiết, không kịp thời. Để khắc
phục tình hình trên, dưới đây xin hướng dẫn một số nguyên tắc cụ thể để địa
phương vận dụng, như sau:
a) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
trình Hội đồng nhân dân quyết định khung mức thu cho cả tỉnh về từng loại phí.
Căn cứ vào khung mức thu đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Uỷ ban
nhân dân tỉnh sẽ quy định mức thu cụ thể cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của
từng địa bàn có xuất hiện, phát sinh hoặc cần thiết phải thu phí để áp dụng, thực
hiện ngay.
b) Đối với một số loại phí mà
Chính phủ hoặc Bộ Tài chính đã có văn bản quy định, gồm: phí đấu thầu, đấu giá,
phí sử dụng đường bộ, phí qua cầu, phí qua phà, phí dự thi, dự tuyển thì mức
thu được áp dụng theo quy định tại các văn bản đó cho đến khi có hướng dẫn thay
thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản mới (thí dụ như: phí sử dụng
đường bộ, từ ngày 01/3/2003 thực hiện theo quy định tại Thông tư số
109/2002/TT-BTC ngày 06/12/2002 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản
lý sử dụng phí sử dụng đường bộ). Trường hợp mức thu của loại phí nào không phù
hợp với điều kiện thực tế tại địa phương thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản
trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
quyết định.
c) Đối với các loại phí khác
(ngoài các loại phí đã nêu tại tiết b, điểm này): tuỳ từng điều kiện, tình hình
cụ thể của địa phương nơi phát sinh hoạt động thu phí, cần lưu ý một số điểm về
nội dung và mức thu như sau:
c.1. Đối với phí xây dựng
- Phí xây dựng là khoản thu vào
chủ đầu tư xây dựng công trình để sản xuất, kinh doanh hoặc làm nhà ở, nhằm mục
đích hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng công cộng trên địa bàn mà chủ
đầu tư xây dựng công trình.
- Mức thu phí: có thể được tính
bằng tỷ lệ % trên giá trị công trình xây dựng (không bao gồm giá trị thiết bị lắp
đặt), tuỳ thuộc vào loại công trình xây dựng (là nhà ở hoặc là công trình xây dựng
để sản xuất, kinh doanh) và khu vực dân cư mà áp dụng mức thu khác nhau cho phù
hợp. Mức thu áp dụng đối với công trình xây dựng làm nhà ở thấp hơn đối với
công trình xây dựng để sản xuất, kinh doanh. Mức thu tối đa không quá 0,5% đối
với công trình có mức vốn xây dựng nhóm A, không quá 1% đối với công trình có mức
vốn xây dựng nhóm B và không quá 2% đối với công trình có mức vốn xây dựng nhóm
C.
c.2. Đối với phí đo đạc, lập bản
đồ địa chính
- Phí đo đạc, lập bản đồ địa
chính là khoản thu vào các chủ dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mới hoặc được phép thực hiện
việc chuyển mục đích sử dụng đất, nhằm hỗ trợ thêm cho chi phí đo đạc, lập bản
đồ địa chính ở những nơi chưa có bản đồ địa chính có toạ độ.
- Mức thu phí: căn cứ vào các bước
công việc, yêu cầu công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và tuỳ thuộc vào vị
trí, diện tích đất được giao, được thuê hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng
lớn hay nhỏ của từng dự án, nhưng mức thu tối đa không quá 1.000 đồng/m2.
c.3. Đối với phí thẩm định cấp
quyền sử dụng đất
- Phí thẩm định cấp quyền sử dụng
đất là khoản thu vào các đối tượng đăng ký, nộp hồ sơ cấp quyền sử dụng đất có
nhu cầu hoặc cần phải thẩm định theo quy định, nhằm bù đắp chi phí thẩm định hồ
sơ, các điều kiện cần và đủ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho
thuê đất như: điều kiện về hiện trạng sử dụng đất, điều kiện về quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất, điều kiện về sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh... Phí thẩm định
cấp quyền sử dụng đất áp dụng đối với cả trường hợp chuyển quyền sở hữu nhà gắn
liền với quyền sử dụng đất.
- Mức thu: tuỳ thuộc vào diện
tích đất cấp quyền sử dụng, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ cấp quyền sử
dụng đất, như cấp mới, cấp lại; việc sử dụng đất vào mục đích khác nhau (làm
nhà ở, để sản xuất, kinh doanh) và các điều kiện cụ thể của địa phương mà áp dụng
mức thu khác nhau cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc mức thu đối với đất sử dụng
làm nhà ở thấp hơn đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, mức thu cao
nhất không quá 5.000.000 đồng/hồ sơ.
c.4. Đối với phí chợ
- Phí chợ là khoản thu về sử dụng
diện tích bán hàng đối với những người buôn bán trong chợ nhằm bù đắp chi phí đầu
tư, quản lý chợ của ban quản lý, tổ quản lý hoặc doanh nghiệp quản lý chợ.
- Mức thu: tuỳ thuộc vào quy mô
chợ, tính chất hoạt động của từng loại chợ, diện tích bán hàng của người buôn
bán tại chợ và tình hình cụ thể của địa phương mà áp dụng mức thu khác nhau cho
phù hợp, như:
+ Đối với chợ có hộ đặt cửa
hàng, cửa hiệu buôn bán cố định, thường xuyên tại chợ, mức thu phí có thể quy định
cho cả tháng, nhưng tối đa không quá 200.000 đồng/m2/tháng;
+ Đối với chợ có người buôn bán
không thường xuyên, không cố định tại chợ, mức thu phí có thể tính theo từng
người đem hàng hoá vào bán hoặc tính theo số lượng hàng hoá nhập chợ. Mức thu tối
đa không quá 8.000 đồng/người/ngày. Trường hợp tính theo số lượng hàng hoá nhập
chợ, tuỳ thuộc vào tính chất, giá trị của hàng hoá nhập chợ, mức thu có thể
tính theo kg, con... hoặc theo trọng tải của xe chở hàng hoá nhập chợ, nhưng
không quá 100.000 đồng/xe hoặc lô hàng hoá nhập chợ.
c.5. Đối với phí qua đò
- Phí qua đò là khoản thu của chủ
đò hoặc bến khách đối với người thuê đò để chở khách, hàng hoá ngang qua sông,
kênh hoặc đi dọc sông, kênh, hồ hoặc cập vào tàu khách để đón, trả hành khách
trong khi tàu khách đang hành trình. Khoản phí này dùng để bù đắp chi phí để chạy
đò và chi phí quản lý của bến khách (nếu có).
- Mức thu phí: tuỳ thuộc vào loại
đò (chuyển động bằng chèo, buồm, dây kéo hoặc bằng máy), tính chất hoạt động là
đò ngang, đò dọc hay đò màn, khoảng cách chạy đò và tình hình cụ thể của địa
phương mà áp dụng mức thu khác nhau cho phù hợp, như:
+ Đối với đò ngang: mức thu đối
với hành khách tối đa không quá 5.000 đồng/người; đối với hành khách có đem
theo xe đạp, xe máy thì có thể thu thêm nhưng không quá 5.000 đồng/xe; đối với
hàng hoá qua đò chỉ thu đối với hàng hoá có khối lượng từ 50 kg trở lên (dưới
50 kg được tính như đối với xe đạp, xe máy đi kèm theo hành khách) với mức thu
tuỳ thuộc vào trọng lượng của hàng hoá qua đò, nhưng tối đa không quá 5.000 đồng/một
đơn vị tính là 50 kg. Trường hợp là hàng hoá cồng kềnh thì mức thu có thể cao
hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức thu đối với hàng hoá thông thường.
+ Đối với đò dọc: do hành khách
hoặc chủ hàng thoả thuận với chủ đò hoặc bến khách cho phù hợp với điều kiện,
tình hình cụ thể, nhưng tối đa không quá 5.000 đồng/km/người hoặc 50 kg hàng
hoá.
+ Đối với đò màn: mức thu tối đa
không quá 10.000 đồng/người.
c.6. Đối với phí sử dụng lề đường,
bến, bãi, mặt nước
- Phí sử dụng lề đường, bến,
bãi, mặt nước là khoản thu vào các đối tượng được phép sử dụng lề đường, bến,
bãi, mặt nước (hồ, ao, sông, kênh, rạch...) vào mục đích đi lại, sinh hoạt, sản
xuất, kinh doanh, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và quy định của Nhà nước về
quản lý, sử dụng lề đường, bến, bãi, mặt nước.
- Mức thu phí: tuỳ thuộc vào
tình hình cụ thể của từng địa phương về việc quản lý, sử dụng lề đường, bến,
bãi, mặt nước mà quy định mức thu cho phù hợp, như:
+ Đối với việc tạm dừng, đỗ xe ô
tô ở những lề đường được phép đỗ theo quy hoạch sử dụng đất, giao thông đường bộ,
đô thị, mức thu không quá 5.000 đồng/xe/lần tạm dừng và không quá 100.000 đồng/xe/tháng.
+ Đối với việc sử dụng bến, bãi,
mặt nước (không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất thu tiền sử dụng đất và cho
thuê đất), mức thu tối đa một năm bằng 50% mức giá mặt đất, mặt nước do Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định trong khung giá của
Chính phủ hoặc không quá 3% doanh thu thu được từ việc sản xuất, kinh doanh của
tổ chức, cá nhân được phép sử dụng bến, bãi, mặt nước vào sản xuất, kinh doanh.
c.7. Đối với phí khai thác và sử
dụng tài liệu đất đai
- Phí khai thác và sử dụng tài
liệu đất đai là khoản thu đối với người có nhu cầu khai thác và sử dụng tài liệu
về đất đai của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý hồ sơ, tài liệu về đất
đai (như: cơ quan địa chính, Uỷ ban nhân dân xã, phường, quận, huyện,...) nhằm
bù đắp chi phí quản lý, phục vụ việc khai thác và sử dụng tài liệu đất đai của
người có nhu cầu.
- Mức thu phí: tối đa không quá
200.000 đồng/hồ sơ, tài liệu (không bao gồm chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ, tài
liệu).
c.8. Đối với phí thư viện
- Phí thư viện là khoản thu nhằm
bù đắp các chi phí cần thiết cho hoạt động của thư viện khi cung cấp các dịch vụ
phục vụ bạn đọc vốn tài liệu của thư viện.
- Mức thu phí: tuỳ thuộc tình
hình cụ thể, điều kiện và phương thức hoạt động, cung cấp các dịch vụ phục vụ bạn
đọc mà có mức thu khác nhau cho phù hợp. Về nguyên tắc, phí thư viện bao gồm:
+ Phí thẻ đọc tài liệu, tối đa
không quá 20.000 đồng/thẻ/năm đối với bạn đọc là người lớn; không quá 10.000 đồng/thẻ/năm
đối với bạn đọc là thiếu nhi.
+ Phí sử dụng phòng đọc đa
phương tiện, phòng đọc tài liệu quý hiếm và các phòng đọc đặc biệt khác (nếu
có), tối đa không quá 02 lần mức thu phí thẻ đọc tài liệu.
Đối với các hoạt động dịch vụ
khác, như: dịch thuật, sao chụp tài liệu, khai thác sử dụng mạng thông tin thư
viện trong nước và quốc tế, lập danh mục tài liệu theo chuyên đề, cung cấp các
sản phẩm thông tin đã được xử lý theo yêu cầu bạn đọc, vận chuyển tài liệu cho
bạn đọc trực tiếp hoặc qua bưu điện... là giá dịch vụ, thực hiện trên cơ sở thoả
thuận giữa thư viện và bạn đọc có nhu cầu.
c.9. Đối với phí an ninh, trật tự
- Phí an ninh, trật tự là khoản
thu đối với các tổ chức, hộ gia đình cư trú trên địa bàn địa phương, là một
trong những nguồn kinh phí của Quỹ an ninh, trật tự của địa phương, nhằm mục
đích hỗ trợ thêm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương của công
an xã, phường, đội dân phòng, tổ tuần tra.
- Mức thu phí: tuỳ thuộc tình
hình cụ thể của từng địa phương như tổ chức hoạt động của đội dân phòng, tổ tuần
tra, quy mô, địa bàn của từng phường, xã, mật độ dân cư, điều kiện về thu nhập
của các hộ gia đình mà áp dụng mức thu cho phù hợp:
+ Đối với hộ gia đình không sản
xuất kinh doanh, mức thu tối đa không quá 5.000 đồng/hộ/tháng;
+ Đối với hộ gia đình có hoạt động
sản xuất kinh doanh, mức thu tối đa không quá 20.000 đồng/hộ/tháng;
+ Đối với đơn vị hành chính, sự
nghiệp, mức thu tối đa không quá 50.000 đồng/đơn vị/tháng;
+ Đối với cơ sở sản xuất, kinh
doanh, mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/cơ sở/tháng.
c.10. Đối với phí trông giữ xe đạp,
xe máy, ô tô
- Phí trông giữ xe đạp, xe máy,
ô tô là khoản thu vào chủ phương tiện có nhu cầu trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô
tại các điểm đỗ, bãi trông giữ phương tiện công cộng phù hợp với quy hoạch và
quy định về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị của địa phương.
- Mức thu phí: tuỳ thuộc vào
phương thức nhận trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô mà có mức thu tương ứng với các
hình thức thu cho phù hợp, như:
+ Mức thu phí lượt ban ngày đối
với xe đạp không quá 500 đồng/lượt, đối với xe máy không quá 1.000 đồng/lượt, đối
với ô tô thì tuỳ theo số ghế hoặc trọng tải của xe, nhưng cũng không quá 10.000
đồng/lượt.
+ Mức thu phí trông giữ ban đêm
có thể cao hơn mức thu phí ban ngày, nhưng tối đa không quá hai lần mức thu phí
ban ngày. Trường hợp trông giữ cả ngày và đêm thì mức thu phí cả ngày và đêm tối
đa bằng mức thu phí ban ngày cộng với mức thu phí ban đêm.
+ Mức thu phí theo tháng tối đa
không quá năm mươi lần mức thu phí ban ngày.
+ Đối với các điểm, bãi trông giữ
ở các bệnh viện, trường học, chợ... là những nơi có nhiều nhu cầu trông giữ
phương tiện cần áp dụng mức thu phí thấp hơn các nơi khác.
+ Đối với các điểm, bãi trông giữ
ô tô có điều kiện trông giữ những xe ô tô có chất lượng cao, yêu cầu về điều kiện
phục vụ cao hơn những điều kiện trông giữ thông thường và các điểm, bãi trông
giữ xe tại các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn
hoá mà khách tham quan thường có nhu cầu gửi xe nhiều giờ, thực hiện công việc
trông giữ khó khăn hơn những nơi khác, thì có thể sử dụng hệ số điều chỉnh từ 1
đến 2 đối với những trường hợp có nhu cầu.
c.11. Đối với phí tham quan danh
lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá
- Phí tham quan danh lam thắng cảnh,
di tích lịch sử, công trình văn hoá là khoản thu nhằm bù đắp một phần hoặc toàn
bộ chi phí về duy tu, bảo dưỡng, quản lý đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch
sử, công trình văn hoá đó.
- Mức thu phí: tuỳ thuộc vào điều
kiện thực tế, quy mô, hình thức hoạt động tổ chức tham quan của từng danh lam
thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá mà có mức thu phí khác nhau cho
phù hợp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc sau:
+ Mức thu được áp dụng thống nhất
đối với người Việt Nam và người nước ngoài đến tham quan;
+ Đối với người lớn, mức thu
không quá 15.000 đồng/lần/người.
+ Đối với trẻ em, mức thu không
quá 7.000 đồng/lần/người.
+ Đối với những danh lam thắng cảnh,
di tích lịch sử, công trình văn hoá được tổ chức quốc tế công nhận có thể áp dụng
mức thu cao hơn, nhưng tối đa không quá hai lần mức thu quy định tại điểm này.
c.12. Đối với phí vệ sinh
- Phí vệ sinh là khoản thu nhằm
bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đầu tư cho hoạt động thu gom và xử lý rác
thải trên địa bàn địa phương, như: chi phí cho tổ chức hoạt động của đơn vị thu
gom, vận chuyển và xử lý rác thải...
- Mức thu phí: có thể được phân
biệt theo các loại đối tượng là cá nhân cư trú, hộ gia đình, đơn vị hành chính,
sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nơi có tổ chức hoạt động thu
gom và xử lý rác thải để quy định cho phù hợp, như:
+ Đối với các cá nhân, hộ gia
đình, mức thu tối đa không quá 2.000 đồng/người/tháng hoặc không quá 20.000 đồng/hộ/tháng.
+ Đối với các hộ kinh doanh buôn
bán nhỏ, trường học, nhà trẻ, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, cơ quan
hành chính, sự nghiệp, mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/đơn vị/tháng.
+ Đối với các cửa hàng, khách sạn,
nhà hàng kinh doanh hàng ăn uống, tuỳ theo quy mô của từng đối tượng mà có mức
thu cho phù hợp nhưng tối đa không quá 200.000 đồng/cửa hàng/tháng hoặc không
quá 120.000 đồng/m3 rác.
+ Đối với các nhà máy, bệnh viện,
cơ sở sản xuất, chợ, nhà ga, bến tàu, bến xe, mức thu tối đa không quá 120.000
đồng/m3 rác.
+ Đối với các công trình xây dựng
có thể tính theo số lượng rác thải ra hoặc tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá
trị xây lắp công trình, nhưng tối đa không quá 120.000 đồng/m3 rác
hoặc không quá 0,05% giá trị xây lắp công trình.
+ Riêng rác thải nguy hại (rác
thải công nghiệp, y tế nguy hại...) cần phải bảo đảm thực hiện quy định nghiêm
ngặt từ khâu thu gom đến vận chuyển và xử lý rác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với điều kiện của địa
phương.
c.13. Đối với phí phòng, chống
thiên tai
- Phí phòng, chống thiên tai là
khoản thu đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình (nếu cần thiết)
trên địa bàn nơi có nguy cơ hoặc thường xuyên bị thiên tai nhằm phục vụ cho việc
phòng, chống thiên tai của địa phương.
- Mức thu phí:
+ Đối với các cơ sở sản xuất,
kinh doanh: tuỳ thuộc vào tính chất hoạt động của từng cơ sở mà áp dụng mức thu
phí khác nhau cho phù hợp, như:
* Không có tác động xấu đến môi
trường, mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/năm.
* Có tác động xấu, trực tiếp đến
môi trường, như khai thác tài nguyên, khoáng sản... thì mức thu có thể cao hơn,
nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng/năm.
+ Đối với các hộ gia đình, mức
thu tối đa không quá 5.000 đồng/hộ/năm.
III. NHỮNG VẤN
ĐỀ KHÁC CÓ LIÊN QUAN
1. Việc quyết định thu phí, phạm
vi, đối tượng điều chỉnh của từng loại phí (bao gồm cả đối tượng không thu, đối
tượng được miễn, giảm phí) nêu tại Thông tư này do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
quyết định cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đối với cơ quan, đơn
vị được phép thu phí, do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phù hợp nhưng
phải bảo đảm theo đúng quy định tại Điều 6 Pháp lệnh phí và lệ phí và Điều 4 của
Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành Pháp lệnh phí và lệ phí.
2. Việc quản lý, sử dụng tiền
phí thu được phải dựa trên cơ sở xác định rõ khoản phí đó là khoản thu thuộc
ngân sách nhà nước hay không thuộc ngân sách nhà nước. Nếu là khoản thu thuộc
ngân sách nhà nước thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định luôn tỷ lệ phần
trăm trên số phí thu được để lại cho đơn vị thu để trang trải chi phí cho việc
thu phí. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa quy định phần phí để lại
cho đơn vị thu phí để trang trải chi phí cho việc thu phí thì Uỷ ban nhân dân cấp
tỉnh có thể quyết định tạm thời tỷ lệ phần trăm trên số phí thu được để lại cho
đơn vị thu để trang trải chi phí cho việc thu phí và phải báo cáo Hội đồng nhân
dân tại phiên họp gần nhất.
3. Việc áp dụng mức thu phí của
một hoạt động cụ thể cần phải được quy định áp dụng thống nhất cho cả phí thuộc
ngân sách nhà nước và phí không thuộc ngân sách nhà nước. Trường hợp là phí
không thuộc ngân sách nhà nước thì mức phí đó (mức phí áp dụng thống nhất) đã
bao gồm thuế giá trị gia tăng.
4. Về chứng từ thu phí: Đối với
phí thuộc ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân khi thu phí phải lập và cấp biên
lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát
hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế. Đối với phí không thuộc ngân sách nhà nước,
tổ chức, cá nhân khi thu phí phải lập và giao hoá đơn cho đối tượng nộp phí
theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn
bán hàng. Trường hợp tổ chức, cá nhân thu phí có nhu cầu sử dụng hoá đơn tự in,
chứng từ thu phí khác với mẫu chứng từ quy định chung hoặc chứng từ đặc thù như
tem, vé in sẵn mức thu phí thì phải có văn bản đề nghị cơ quan thuế có thẩm quyền
giải quyết theo chế độ quy định.
5. Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài
chính để xem xét, giải quyết.