BỘ QUỐC PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 27/2018/TT-BQP
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 03 năm 2018
|
THÔNG TƯ
BAN
HÀNH NỘI QUY CƠ SỞ GIAM GIỮ TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Căn cứ Luật thi
hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng
12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tra hình sự
Bộ Quốc phòng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư ban
hành Nội quy cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này “Nội quy cơ sở giam giữ trong
Quân đội nhân dân”.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 4 năm
2018.
Điều 3. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chỉ huy
các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- BTTM, TCCT;
- Các Tổng cục;
- Các Quân khu, Quân đoàn;
- Các Quân chủng, Binh chủng;
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
- Cục Điều tra hình sự BQP;
- Tòa án quân sự trung ương;
- Viện kiểm sát quân sự trung ương;
- Cục Bảo vệ an ninh QĐ/TCCT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL/Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng;
- Vụ Pháp chế BQP;
- Lưu: VT, PC; Hg 43.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Lê Chiêm
|
NỘI QUY
CƠ
SỞ GIAM GIỮ TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BQP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Nội quy cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân quy
định về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế; nhận thư, gửi thư; nhận tiền, nhận quà
và đồ dùng mang vào buồng giam, giữ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
(sau đây viết gọn là người bị tạm giữ, tạm giam); việc thăm gặp; đồ vật cấm đưa
vào cơ sở giam giữ và xử lý đồ vật cấm trong cơ sở giam giữ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nội quy này áp dụng đối với người bị tạm giữ, tạm
giam tại các cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
1. Tuân thủ pháp luật và quy định tại Nội quy này.
2. Nghiêm chỉnh chấp hành lệnh, quyết định của Cơ
quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Thủ trưởng cơ sở giam giữ; tuân thủ sự Điều
hành, hướng dẫn và kiểm tra của cán bộ cơ sở giam giữ.
3. Tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm
của mình và của người khác; bảo vệ tài sản của cơ sở giam giữ, của người bị tạm
giữ, tạm giam; tố giác các hành vi sai trái, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong
cơ sở giam giữ.
4. Thực hiện đúng quy định về thời gian, hiệu lệnh
và các quy định trong sinh hoạt, ngủ, nghỉ.
Điều 4. Những hành vi bị nghiêm
cấm
1. Vi phạm quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Nội quy cơ sở
giam giữ; không chấp hành hoặc cản trở việc chấp hành lệnh, quyết định của cơ
quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù người phản
ánh những hành vi sai trái của mình hoặc của người khác.
2. Đe dọa, đánh đập, ức hiếp, làm lây nhiễm vi rút
HIV cho người khác, cưỡng đoạt tài sản của người khác, hủy hoại thân thể mình,
tự xăm trổ hoặc xăm trổ lên thân thể người khác, đeo đồ vật lên cơ thể.
3. Các hình thức đồng tính luyến ái, quan hệ tình dục.
4. Lập hoặc tham gia hội, băng, nhóm dưới bất kỳ
hình thức nào.
5. Bói toán, cúng lễ, truyền đạo, các hành vi mê
tín, dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức.
6. Ném, vứt bừa bãi đồ ăn, uống; thuê, bắt ép người
khác phục vụ mình.
7. Thực hiện hoặc bao che, dung túng, ủng hộ đối với
những âm mưu, hành động nhằm trốn khỏi cơ sở giam giữ.
8. Thông tin sai lệch nhằm kích động người khác gây
mất trật tự trong cơ sở giam giữ.
9. Giả vờ ốm, đau hoặc không chấp hành chỉ định, hướng
dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ và cơ sở khám, chữa bệnh.
Chương II
CHẾ ĐỘ CỦA NGƯỜI BỊ TẠM
GIỮ, TẠM GIAM
Điều 5. Thời gian ăn uống và việc
ăn thêm
1. Đến giờ ăn người bị tạm giữ, tạm giam nhận tiêu
chuẩn ăn và ăn đúng thời gian do cơ sở giam giữ quy định.
2. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc người
bị tạm giữ, tạm giam sử dụng quà, tiền gửi lưu ký để ăn thêm, mua đồ ăn là thực
phẩm đã qua chế biến để dùng ngay được nhưng không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn
ngày thường.
Điều 6. Đồ dùng, tư trang mang
vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam
1. Người bị tạm giữ, tạm giam được mang quần áo,
chăn, màn, chiếu và các đồ dùng do cơ sở giam giữ cấp hoặc cho mượn theo quy định
của Chính phủ, đồ dùng gia đình tiếp tế, giấy tờ liên quan đến vụ án, các đồ
dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân và đồ dùng cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi
nếu ở cùng với mẹ là người bị tạm giữ, tạm giam.
2. Đồ dùng và tư trang phải được xếp đặt đúng nơi
quy định, đảm bảo sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp.
3. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc cho
người bị tạm giữ, tạm giam mượn hoặc mang thêm đồ dùng, tư trang trong trường hợp
cần thiết và những đồ dùng cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi được mang vào buồng tạm
giữ, buồng tạm giam.
Điều 7. Quy định trong buồng tạm
giữ, buồng tạm giam
1. Người bị tạm giữ, tạm giam phải ở đúng vị trí đã
quy định, giữ gìn vệ sinh, không viết vẽ lên tường, lên cửa hoặc có hành vi gây
mất trật tự tại cơ sở giam giữ;
2. Người bị tạm giữ, tạm giam chịu sự điểm danh, kiểm
diện của cán bộ cơ sở giam giữ.
Điều 8. Khám bệnh, chữa bệnh
1. Người bị tạm giữ, tạm giam khi ốm, đau phải báo
cáo kịp thời và chấp hành nghiêm chỉ định, hướng dẫn của cán bộ y tế, cán bộ cơ
sở giam giữ, nội quy, quy định của cơ sở khám, chữa bệnh.
2. Người bị tạm giữ, tạm giam được nhận thuốc chữa bệnh
từ thân nhân và phải có đơn thuốc của cơ sở khám, chữa bệnh; thuốc phải được
bàn giao cho cán bộ y tế cơ sở giam giữ quản lý để tiêm, cấp uống theo đơn dưới
sự giám sát của cán bộ y tế.
Điều 9. Quy định thời gian sinh
hoạt tinh thần
1. Hàng ngày người bị tạm giữ, tạm giam được cơ sở
giam giữ cấp 01 (một) tờ báo Quân đội nhân dân để đọc và thu lại. Căn cứ số lượng
người bị tạm giữ, tạm giam tại cơ sở giam giữ, Thủ trưởng cơ sở giam giữ quy định
thời gian đọc báo của người bị tạm giữ, tạm giam.
2. Hàng ngày người bị tạm giữ, tạm giam được cơ sở
giam giữ mở Đài Tiếng nói Việt Nam để nghe bản tin thời sự (buổi sáng, buổi
trưa, buổi chiều). Căn cứ thời gian làm việc của cơ sở giam giữ, Thủ trưởng cơ
sở giam giữ quyết định cho người bị tạm giữ, tạm giam nghe thêm các Chương
trình phát sóng khác của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chương III
QUY ĐỊNH THĂM GẶP THÂN
NHÂN, NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN GIAO DỊCH DÂN SỰ; NGƯỜI BÀO CHỮA;
NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN KHÁC; NHẬN THƯ, GỬI THƯ;
NHẬN TIỀN, NHẬN QUÀ
Điều 10. Thủ tục thăm gặp, làm
việc
1. Thân nhân đến thăm gặp người bị tạm giữ, tạm
giam phải xuất trình giấy tờ sau:
a) Đơn đề nghị thăm gặp, có xác nhận về quan hệ với
người bị tạm giữ, tạm giam của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc
của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập;
b) Một trong những giấy tờ tùy thân: Thẻ căn cước
công dân, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh lực lượng vũ trang hoặc hộ
chiếu; trường hợp không có một trong những giấy tờ tùy thân nêu trên thì đơn đề
nghị phải được dán ảnh, được Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan, tổ chức xác nhận,
đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
2. Người bào chữa đến gặp người bị tạm giữ, tạm
giam phải xuất trình giấy tờ sau:
a) Văn bản thông báo người bào chữa;
b) Một trong những giấy tờ tùy thân: Thẻ luật sư,
Thẻ trợ giúp viên pháp lý, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc hộ
chiếu.
3. Người tiến hành tố tụng đến làm việc với người bị
tạm giữ, tạm giam phải xuất trình giấy tờ sau:
a) Quyết định phân công giải quyết vụ án; trường hợp
không có quyết định phân công giải quyết vụ án thì phải có giấy giới thiệu của
cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ án;
b) Một trong các giấy tờ tùy thân: Giấy chứng nhận
của ngành Điều tra, kiểm sát, tòa án; Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh lực
lượng vũ trang, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
c) Người tiến hành tố tụng nếu cần làm việc với người
bị tạm giữ, tạm giam ở vụ án khác phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ
trưởng cơ quan hoặc người có thẩm quyền đang thụ lý vụ án đó.
4. Người đại diện hợp pháp đến gặp người bị tạm giữ,
tạm giam để thực hiện giao dịch dân sự phải xuất trình giấy tờ sau:
a) Văn bản thể hiện là người đại diện hợp pháp để
thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự.
b) Văn bản đồng ý của Cơ quan tiến hành tố tụng
đang thụ lý vụ án.
c) Một trong các giấy tờ tùy thân: Thẻ căn cước
công dân, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh lực lượng vũ trang hoặc hộ
chiếu.
5. Đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đến
thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam phải xuất trình giấy tờ sau:
a) Văn bản đồng ý của cơ quan tiến hành tố tụng
đang thụ lý vụ án.
b) Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nếu là người
đại diện của cơ quan, tổ chức.
c) Giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh lực lượng
vũ trang, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Điều 11. Trách nhiệm của cán bộ
tổ chức thăm, gặp
1. Cán bộ khi làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp phải chấp
hành nghiêm pháp luật, Điều lệnh, quy định của cơ sở giam giữ. Không được gây
phiền hà cho người bị tạm giữ, tạm giam và người đến thăm gặp, làm việc; không
tự ý nhận, chuyển thư, tiền, quà, các đồ vật khác cho người bị tạm giữ, tạm
giam.
2. Cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp có trách
nhiệm:
a) Tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ của người đến thăm gặp,
làm việc; lập danh sách người bị tạm giữ, tạm giam được thăm gặp hoặc không được
thăm gặp theo quy định của Luật thi hành tạm giữ,
tạm giam đề xuất, trình Thủ trưởng cơ sở giam giữ ký duyệt trước khi thực hiện;
b) Kiểm tra người, thư, tiền, quà, đồ vật, giám sát
người bị tạm giữ, tạm giam từ khi nhận đến khi đưa về bàn giao cho cán bộ trực
khu giam, ký Sổ xuất, nhập người bị tạm giữ, tạm giam;
c) Trường hợp có nhiều thân nhân của người bị tạm
giữ, tạm giam đến thăm gặp cùng một thời điểm, phải đề nghị Thủ trưởng cơ sở
giam giữ tăng cường lực lượng giám sát việc thăm gặp.
d) Vào Sổ theo dõi thăm gặp, cập nhật đầy đủ thông
tin, phản ánh tình hình thăm gặp với Thủ trưởng cơ sở giam giữ;
đ) Bàn giao ngay tiền, thuốc chữa bệnh và những đồ
vật không được mang vào buồng giam mà người bị tạm giữ, tạm giam nhận được
trong khi thăm gặp (nếu có) cho người có trách nhiệm quản lý.
3. Giám sát quá trình thăm gặp, làm việc không để
người bị tạm giữ, tạm giam thông cung hoặc thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm.
Khi phát hiện người bị tạm giữ, tạm giam và người đến thăm gặp, làm việc vi phạm
nội quy cơ sở giam giữ thì dừng ngay việc thăm gặp, làm việc; lập biên bản và
báo cáo Thủ trưởng cơ sở giam giữ.
Điều 12. Gặp thân nhân; người
đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; đại diện cơ quan, tổ chức và
cá nhân khác
1. Người bị tạm giữ, tạm giam được gặp thân nhân,
người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; đại diện cơ quan, tổ chức
và cá nhân khác theo quy định của Luật thi hành
tạm giữ, tạm giam; trước khi gặp người bị tạm giữ, tạm giam phải vệ sinh cá
nhân sạch sẽ, mặc quần áo dài, đi dép, đầu tóc gọn gàng, móng tay, móng chân cắt
ngắn; nam phải để tóc ngắn, không cạo trọc đầu, không để râu, ria mép.
2. Thủ trưởng cơ sở tạm giữ, tạm giam quyết định cụ
thể thời điểm thăm gặp và thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết; trường
hợp cơ quan đang thụ lý vụ án yêu cầu cùng giám sát thì cơ quan đang thụ lý vụ
án cử người phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát việc thăm gặp.
3. Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức cho người bị tạm
giữ, tạm giam gặp thân nhân vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ,
ngày Lễ, Tết; gặp người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân khác
vào ngày làm việc; thời gian thăm gặp theo giờ làm việc của cơ sở giam giữ.
4. Số lần gặp và thời gian mỗi lần gặp thân nhân thực
hiện theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm
giam. Trường hợp vượt quá số lần theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam hoặc gặp người
không phải là thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải được cơ quan đang
thụ lý vụ án đồng ý bằng văn bản.
5. Người bị tạm giữ, tạm giam được bố trí gặp thân
nhân hoặc đại diện các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác tại nhà (buồng) thăm gặp.
6. Trong quá trình thăm gặp, phải cách ly người đến
thăm gặp với người bị tạm giữ, tạm giam; quá trình thăm gặp phải được cơ sở
giam giữ giám sát.
Điều 13. Quy định đối với thân
nhân của người bị tạm giữ, tạm giam
1. Thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam gồm:
a) Vợ hoặc chồng của người bị tạm giữ, tạm giam;
b) Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp;
c) Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ nuôi hợp pháp; bố, mẹ vợ (hoặc
chồng);
d) Ông, bà nội hoặc ngoại;
đ) Anh, chị, em ruột;
e) Cháu nội, cháu ngoại của người bị tạm giữ, tạm
giam.
2. Người đến thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam phải
chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ; không mang đồ vật cấm
quy định tại Điều 21 Nội quy này trừ đồng hồ không có chức
năng, ghi âm, ghi hình và thu phát tín hiệu; dây lưng và các đồ vật thuộc sở hữu
của người đến thăm gặp quy định tại các Khoản 7, 8 Điều 21 Nội
quy này vào nơi thăm gặp.
3. Khi gặp người bị tạm giữ, tạm giam thân nhân người
bị tạm giữ, tạm giam phải chấp hành sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức
thăm gặp.
4. Thân nhân và người bị tạm giữ, tạm giam phải sử
dụng tiếng Việt trong quá trình giao tiếp, trường hợp không biết tiếng Việt mà
sử dụng ngôn ngữ khác thì phải có người phiên dịch theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Nhận, gửi thư, nhận
quà
1. Người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được gửi thư, nhận
thư, sách, báo và tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép.
2. Thư, sách, báo và tài liệu phải để mở và chịu sự
kiểm tra, kiểm duyệt của cán bộ cơ sở giam giữ.
3. Người bị tạm giữ, tạm giam được nhận và mang vào
buồng giam quà là các loại thực phẩm đã chế biến, sử dụng được ngay; cán bộ cơ
sở giam giữ phải kiểm tra trước khi cho người bị tạm giữ, tạm giam nhận.
4. Cơ sở giam giữ có thể tổ chức căng tin bán các
hàng hóa thiết yếu cho người bị tạm giữ, tạm giam. Giá bán hàng hóa phải được
Thủ trưởng cơ sở giam giữ duyệt, niêm yết công khai và không được cao hơn giá
bán lẻ thời điểm đó tại địa phương.
Điều 15. Quản lý đồ lưu ký
1. Người bị tạm giữ, tạm giam nếu có tiền mặt, ngoại
tệ, giấy tờ có giá; đá quý, kim loại quý, đồng hồ, đồ trang sức quý, hiếm; quần
áo chưa sử dụng hoặc đồ vật có giá trị khác; các loại giấy tờ nêu tại Khoản 8 Điều 21 Nội quy này thì phải gửi vào lưu ký của cơ sở
giam giữ và được nhận lại khi được trả tự do hoặc bàn giao khi chuyển đến cơ sở
giam giữ khác.
2. Người bị tạm giữ, tạm giam có nhu cầu chuyển tiền,
đồ vật cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp cơ sở giam giữ có trách nhiệm
thông báo cho thân nhân của họ đến nhận trực tiếp tại cơ sở giam giữ hoặc gửi
qua đường bưu điện. Người bị tạm giữ, tạm giam phải chịu cước phí nếu chuyển tiền,
đồ vật qua đường bưu điện.
3. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết, số
tiền lưu ký còn lại chưa sử dụng, đồ vật gửi lưu ký và những đồ vật cá nhân
khác của người bị tạm giữ, tạm giam được bàn giao cho thân nhân, nếu không còn
thân nhân hoặc thân nhân không đến nhận thì giải quyết theo quy định của pháp
luật. Việc giao, nhận phải được lập biên bản.
Điều 16. Nhận tiền và sử dụng
tiền mặt
1. Người bị tạm giữ, tạm giam không được trực tiếp
nhận, quản lý và sử dụng tiền mặt. Việc mua hàng hóa để phục vụ sinh hoạt cá
nhân bằng hình thức thanh toán qua sổ theo dõi tiền gửi lưu ký và mua hàng căng
tin. Sổ do người bị tạm giữ, tạm giam quản lý.
2. Khi người bị tạm giữ, tạm giam được thân nhân cho
tiền trong khi thăm gặp thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp có trách nhiệm
nhận và ghi giấy biên nhận có chữ ký của người cho, người nhận. Trường hợp gửi
qua đường bưu điện thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ cử cán bộ đến bưu điện nhận tiền.
3. Tiền thân nhân cho người bị tạm giữ, tạm giam
trong khi thăm gặp hoặc gửi qua bưu điện phải được ghi vào sổ theo dõi tiền gửi
lưu ký và mua hàng căng tin của người bị tạm giữ, tạm giam và bàn giao ngay cho
cán bộ tài chính của cơ sở giam giữ để quản lý qua hệ thống sổ kế toán, tài
chính theo quy định của pháp luật.
4. Khi người bị tạm giữ, tạm giam được chuyển đến
cơ sở giam giữ khác thì số tiền gửi lưu ký phải được bàn giao cùng với người bị
tạm giữ, tạm giam cho đơn vị tiếp nhận. Việc giao, nhận phải được lập biên bản,
có chữ ký của bên giao, bên nhận và người bị tạm giữ, tạm giam.
Điều 17. Gặp người bào chữa
1. Người bị tạm giữ, tạm giam được gặp người bào chữa
tại phòng làm việc do cơ sở giam giữ bố trí. Quá trình gặp phải được cơ sở giam
giữ giám sát.
2. Người bào chữa chỉ được gặp người bị tạm giữ, tạm
giam vào thời gian quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nội quy này.
Khi gặp người bị tạm giữ, tạm giam, người bào chữa phải chấp hành nghiêm chỉnh
pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ. Trường hợp phát hiện người bị tạm giữ, tạm
giam hoặc người bào chữa vi phạm nội quy cơ sở giam giữ thì cán bộ làm nhiệm vụ
tổ chức thăm gặp dừng ngay việc gặp, lập biên bản và báo cáo Thủ trưởng cơ sở
giam giữ để thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án.
Điều 18. Gặp, làm việc với người
tiến hành tố tụng.
1. Người tiến hành tố tụng đến gặp, làm việc với
người bị tạm giữ, tạm giam phải có đủ thủ tục quy định tại Khoản
3 Điều 10 Nội quy này.
2. Cán bộ làm nhiệm vụ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp
của cơ sở giam giữ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ của người đến làm
việc, nếu thấy đúng người và có đầy đủ giấy tờ theo quy định mới lập danh sách
người bị tạm giữ, tạm giam trình Thủ trưởng cơ sở giam giữ ký duyệt trước khi
cho làm việc.
3. Khi gặp người bị tạm giữ, tạm giam, người tiến
hành tố tụng phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ. Trường
hợp phát hiện người bị tạm giữ, tạm giam hoặc người tiến hành tố tụng vi phạm nội
quy cơ sở giam giữ thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp dừng ngay việc gặp,
làm việc, lập biên bản, báo cáo Thủ trưởng cơ sở giam giữ để thông báo cho cơ
quan đang thụ lý vụ án.
Chương IV
QUẢN LÝ NGƯỜI BỊ KẾT ÁN
TỬ HÌNH ĐANG BỊ TẠM GIAM
Điều 19. Chế độ thăm gặp
1. Người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực
pháp luật thì chế độ thăm gặp được thực hiện như đối với người đang bị tạm giam
theo quy định tại Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và
tại các Điều 9, 12, 13, 14, 15, 16 Nội quy
này.
2. Việc thăm gặp của người bị kết án tử hình mà bản
án đã có hiệu lực pháp luật, đang chờ thi hành án thực hiện theo quy định tại
các Điều 10, 12 Nội quy này và do Giám thị trại tạm giam quyết
định; chỉ cho gặp thân nhân khi có đủ các Điều kiện đảm bảo an toàn. Thời gian
không quá một giờ mỗi lần gặp.
3. Quá trình thăm gặp phải có hai cán bộ giám sát
và vệ binh hỗ trợ.
Điều 20. Quản lý người bị kết
án tử hình
1. Người bị kết án tử hình phải được giam giữ riêng
tại Buồng giam đối với người có án tử hình, ngoài cửa buồng giam phải treo biển
“Buồng giam người có án tử hình”.
2. Buồng giam người bị kết án tử hình phải có hệ thống
cửa bảo đảm chắc chắn, an toàn, trang bị khóa, suốt để cùm một chân và hệ thống
ghi hình.
3. Khi đưa người bị kết án tử hình ra khỏi phòng
giam đến gặp thân nhân, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải
xích chân, khóa tay. Chỉ mở khóa một bên khóa tay khi đã vào khu vực cách ly và
một bên khóa tay phải móc vào vị trí cố định, không mở xích chân trong suốt quá
trình thăm gặp, làm việc.
Chương V
ĐỒ VẬT CẤM VÀ XỬ LÝ ĐỒ VẬT
CẤM ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIAM GIỮ
Điều 21. Đồ vật cấm đưa vào cơ
sở giam giữ
1. Các loại vũ khí gồm: Vũ khí quân dụng các loại;
các loại súng săn; vũ khí thô sơ; vũ khí thể thao, vũ khí tự chế và các loại vũ
khí khác có tính năng, tác dụng tương tự; vật liệu nổ gồm thuốc nổ và phụ kiện
nổ các loại.
2. Công cụ hỗ trợ gồm các loại súng bắn đạn nhựa, đạn
cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu
và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; các loại phương tiện sử dụng để
xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, gây ngứa; các loại lựu đạn khói,
lựu đạn hơi cay, quả nổ; các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại,
bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, mũ chống đạn,
cung, tên, nỏ, ná, khóa số 8 và các loại công cụ hỗ trợ khác.
3. Chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây cháy,
chất gây ngứa, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược.
4. Các chất ma túy; thuốc tân dược có chất gây nghiện
(trừ trường hợp có chỉ định của cơ quan y tế có thẩm quyền).
5. Rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào và các chất kích
thích khác.
6. Các đồ dùng bằng kim loại và các đồ vật khác như
dây lưng, dây điện, dây đàn, các loại dây khác có thể dùng để gây nguy hiểm đến
tính mạng, sức khoẻ của người bị tạm giữ, tạm giam, đồ làm bằng sành, sứ, đá, đất
nung, thủy tinh, phích nước, đồ vật sắc nhọn và các đồ vật có thể làm hung khí.
7. Tiền mặt, ngoại tệ, các loại giấy tờ có giá, đá
quý, kim loại quý.
8. Các loại giấy tờ gồm chứng minh nhân dân, chứng
minh lực lượng vũ trang, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận nghề, các loại
thẻ, bằng cấp, chứng chỉ và các loại giấy tờ chứng nhận khác.
9. Các loại thiết bị kỹ thuật, điện tử gồm các loại
máy ghi âm, ghi hình, máy nghe, nhìn, điện thoại, bộ đàm, đồng hồ và các loại
máy thu phát tín hiệu khác (trừ những thiết bị y tế theo chỉ định của cơ quan y
tế có thẩm quyền).
10. Các loại ấn phẩm sách báo bằng tiếng nước
ngoài, các ấn phẩm về tôn giáo, tín ngưỡng chưa được kiểm duyệt; tranh, ảnh,
phim, băng, đĩa, USB có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy; các loại
bài lá và các loại sách báo, ấn phẩm ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý người bị
tạm giữ, tạm giam.
11. Các đồ vật khác có thể gây mất an toàn cơ sở
giam giữ, gây nguy hại cho bản thân người bị tạm giữ, tạm giam và người khác; ảnh
hưởng xấu đến vệ sinh môi trường hoặc để sử dụng vào Mục đích vi phạm pháp luật.
Điều 22. Thu giữ, bảo quản đồ
vật cấm
1. Khi phát hiện đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ,
cán bộ cơ sở giam giữ phải lập biên bản, yêu cầu người vi phạm làm bản tường
trình, ghi lời khai người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm, người làm chứng (nếu
có). Trong biên bản phải mô tả cụ thể, đúng thực trạng về số lượng, trọng lượng,
chủng loại, hình dáng, kích thước, màu sắc và các đặc điểm khác của vật cấm,
niêm phong đồ vật cấm (nếu cần).
2. Đồ vật cấm đã được thu giữ phải được bảo quản chặt
chẽ, có biên bản giao nhận, có sổ theo dõi, không để mất, hư hỏng.
3. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm bố trí kho lưu giữ,
bảo quản và người quản lý đồ vật cấm.
Điều 23. Xử lý đồ vật cấm
1. Việc thu giữ, xử lý khi phát hiện đồ vật cấm vào
cơ sở giam giữ thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Việc xử lý đồ vật cấm phải thành lập Hội đồng xử
lý gồm những thành viên sau:
a) Hội đồng xử lý đồ vật cấm ở Trại tạm giam do
Giám thị làm chủ tịch, Phó giám thị, Đội trưởng đội quản giáo, Đội trưởng đội vệ
binh - hỗ trợ tư pháp, cán bộ y tế, trợ lý giam giữ kiêm hồ sơ, nhân viên tài
chính làm thành viên.
b) Hội đồng xử lý đồ vật cấm ở nhà tạm giữ do Thủ
trưởng Cơ quan Điều tra hình sự khu vực làm chủ tịch, Phó thủ trưởng Cơ quan Điều
tra hình sự khu vực, Trưởng nhà tạm giữ, trợ lý tổng hợp, đại diện vệ binh là
thành viên.
c) Hội đồng xử lý đồ vật cấm ở Đồn biên phòng do Đồn
trưởng làm chủ tịch, các thành viên khác và thư ký do Đồn trưởng quyết định.
Điều 24. Hồ sơ xử lý đồ vật cấm
1. Hồ sơ xử lý đồ vật cấm bao gồm:
a) Biên bản thu giữ, niêm phong (nếu đồ vật có niêm
phong);
b) Bản tường trình của người vi phạm;
c) Biên bản ghi lời khai người vi phạm và người làm
chứng (nếu có);
d) Kết luận của cơ quan Điều tra trong trường hợp
hành vi vi phạm không bị xử lý về hình sự;
đ) Báo cáo của cán bộ thu giữ đồ vật cấm và đề nghị
hình thức kỷ luật người vi phạm;
e) Biên bản họp của Hội đồng kỷ luật cơ sở giam giữ;
g) Quyết định kỷ luật người vi phạm;
h) Biên bản xử lý đồ vật cấm (biên bản bàn giao,
biên bản hủy bỏ, biên bản trả đồ vật cho người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm).
2. Hồ sơ xử lý đồ vật cấm phải được lưu trong hồ sơ
quản lý người bị tạm giữ, tạm giam./.