BỘ CÔNG AN
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 18/2004/TT-BCA(V19)
|
Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2004
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ CÔNG AN SỐ 18/2004/TT-BCA(V19) NGÀY 9 THÁNG 11 NĂM
2004 HƯỚNG DẪN BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO CÁC TRƯỜNG HỢP BỊ OAN DO NGƯỜI CÓ THẨM
QUYỀN TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN GÂY RA
Ngày 17/3/2003, Uỷ ban Thường vụ
Quốc hội ra Nghị quyết số 388/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị
oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (sau đây viết
gọn là Nghị quyết số 388).
Ngày 25/3/2004, lãnh đạo Bộ Công
an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc
phòng và Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư liên tịch số
01/2004/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC hướng dẫn thực hiện một số quy định
của Nghị quyết số 388 (sau đây viết gọn là Thông tư liên tịch số 01).
Để thực hiện thống nhất Nghị quyết
số 388 và Thông tư liên tịch số 01 trong lực lượng Công an nhân dân, Bộ Công an
hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan do người có
thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra như sau:
1.
Các trường hợp được bồi thường gồm:
a) Người bị Cơ quan điều tra ra
quyết định tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố
tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện bất kỳ hành
vi vi phạm pháp luật nào;
b) Người bị Cơ quan điều tra ra
quyết định gia hạn tạm giữ có phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, nhưng hết
thời hạn gia hạn tạm giữ có phê chuẩn mà vẫn tiếp tục bị tạm giữ không có quyết
định tạm giữ, hoặc tuy có quyết định tạm giữ nhưng không được Viện Kiểm sát
nhân dân phê chuẩn, mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động
tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người bị tạm giữ không thực hiện bất
kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào;
c) Người thuộc các trường hợp hướng
dẫn tại điểm a và điểm b mục 1 của Thông tư này bị cơ quan Công an thu giữ, tạm
giữ, kê biên, tịch thu tài sản mà bị thiệt hại.
2. Người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 của Nghị quyết
số 388 và các trường hợp được hướng dẫn tại mục 2 Phần I Thông tư liên tịch số
01 thì không được bồi thường thiệt hại.
3. Cơ quan Công an nhân dân có trách nhiệm bồi thường gồm Cơ
quan An ninh điều tra và Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã ra quyết định tạm
giữ người, đã ra lệnh thu giữ, kê biên tài sản hoặc quyết định tạm giữ, tịch
thu tài sản; các đơn vị An ninh hoặc Cảnh sát là cơ quan khác được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra đã thu giữ vật chứng là tài sản.
Đối với việc tạm giữ oan người bị
bắt theo quyết định uỷ thác điều tra quy định tại Điều 118 Bộ Luật Tố tụng hình
sự thì cơ quan đã quyết định uỷ thác điều tra có trách nhiệm bồi thường. Nếu cơ
quan thực hiện việc uỷ thác mà tạm giữ không đúng người dẫn đến oan thì cơ quan
thực hiện uỷ thác chịu trách nhiệm bồi thường.
Đối với việc tạm giữ oan người bị
bắt trong trường hợp đang bị truy nã, nếu người bị tạm giữ đúng là người đang bị
truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã có trách nhiệm bồi thường;
nếu người bị bắt không phải là người đang bị truy nã thì cơ quan đã ra quyết định
tạm giữ có trách nhiệm bồi thường.
4. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về tinh thần và
thiệt hại về vật chất theo các quy định tại Nghị quyết số 388, Thông tư liên tịch
số 01 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Người bị oan được phục hồi
danh dự; nếu do bị oan mà mất việc làm thì cơ quan trong Công an nhân dân đã
gây ra oan trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp
với cơ quan, tổ chức có liên quan để tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người
bị oan.
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể
từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự
xác định người bị oan, cơ quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm bồi thường
thiệt hại phải xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan và thực hiện việc
đăng báo về nội dung cải chính công khai, khôi phục danh dự theo Điều 4 của Nghị
quyết số 388 và hướng dẫn tại mục 1 Phần V Thông tư liên tịch số 01.
Việc xác định thiệt haị và mức
được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, tính mạng, sức khoẻ, tài sản,
thu nhập thực tế và việc trả lại tài sản của người bị oan được thực hiện theo
quy định tại các điều 5, 6, 7, 8 và 9 của Nghị quyết số 388 và hướng dẫn tại Phần
II của Thông tư liên tịch số 01.
5. Thủ trưởng cơ quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm bồi
thường phải chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại và khôi phục danh
dự cho các trường hợp bị oan theo đúng các quy định của Nghị quyết số 388,
Thông tư liên tịch số 01 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi nhận được quyết định của cơ
quan có thẩm quyền xác định người bị oan và đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của
người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ,
thì Thủ trưởng cơ quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm bồi thường phải khẩn
trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thu thập tài liệu cần thiết
để xác định thiệt hại xảy ra do bị oan và mức độ thiệt hại cũng như dự kiến
kinh phí phải đền bù để chủ động giải quyết khi thương lượng với người bị oan,
với thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ. Trình tự giải quyết
bồi thường thiệt hại bằng thương lượng thực hiện theo quy định tại Điều 11 của
Nghị quyết số 388 và hướng dẫn tại mục 2 Phần V của Thông tư liên tịch số 01.
Trường hợp người được bồi thường
không đồng ý với mức bồi thường và yêu cầu Toà án nhân dân xem xét, giải quyết
thì Thủ trưởng cơ quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm bồi thường hoặc
người được uỷ quyền hợp pháp phải tham gia vào quá trình xem xét, giải quyết vụ
việc tại Toà án.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ
ngày có quyết định bồi thường thiệt hại (trong trường hợp thương lượng thành)
hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án nhân dân về
việc bồi thường thiệt hại (trong trường hợp phải giải quyết việc bồi thường tại
Toà án), cơ quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm bồi thường phải trả tiền
bồi thường thiệt hại cho người bị oan hoặc thân nhân của họ. Việc chi trả được
thực hiện một lần tại trụ sở cơ quan Công an nhân dân có trách nhiệm bồi thường
hoặc tại nhà của người bị oan theo đề nghị của họ, trừ trường hợp pháp luật có
quy định khác hoặc các bên có thoả thuận khác.
Đối với khoản cấp dưỡng cho những
người mà bị oan đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại khoản 3 Điều 6
và khoản 3 Điều 7 của Nghị quyết số 388, nếu người được cấp dưỡng đồng ý nhận bồi
thường một lần thì tiến hành bồi thường một lần cho người đó; nếu họ không đồng
ý nhận bồi thường một lần, thì thực hiện cấp dưỡng hàng tháng trong thời gian họ
được cấp dưỡng.
6. Người được Thủ trưởng cơ quan trong Công an nhân dân có
trách nhiệm bồi thường uỷ quyền hợp pháp để thực hiện việc xin lỗi người bị
oan, tiến hành việc thương lượng bồi thường thiệt hại theo hướng dẫn tại Phần V
của Thông tư liên tịch số 01 hoặc tham gia vào quá trình xem xét, giải quyết việc
bồi thường thiệt hại tại Toà án, bao gồm:
- Phó Thủ trưởng Cơ quan điều
tra các cấp; Trưởng phòng, Phó trưởng phòng nghiệp vụ của Cơ quan điều tra ở Bộ
Công an; Đội trưởng, Đội phó của Cơ quan điều tra ở Công an cấp tỉnh hoặc của của
cơ quan Cảnh sát điều tra ở Công an cấp huyện, được Thủ trưởng Cơ quan điều tra
uỷ quyền. Đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp, cán bộ được uỷ quyền là
người thuộc đơn vị hoặc bộ phận đã trực tiếp thụ lý vụ án có người bị oan được
bồi thường thiệt hại.
- Phó Thủ trưởng các đơn vị
trong lực lượng Cảnh sát nhân dân và lực lượng An ninh nhân dân là cơ quan khác
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, được Thủ trưởng các đơn
vị này uỷ quyền.
Việc uỷ quyền phải được lập
thành văn bản, có chữ ký của người uỷ quyền và đóng dấu cơ quan trong Công an
nhân dân có trách nhiệm bồi thường.
7. Kinh phí bồi thường thiệt hại được bố trí trong dự toán ngân
sách nhà nước hàng năm giao cho Bộ Công an, Vụ Tài chính có trách nhiệm quản
lý, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại cho Cơ quan điều
tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc
Công an các cấp để thực hiện bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục về lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại và
thủ tục chi trả tiền bồi thường thiệt hại thực hiện theo hướng dẫn tại Phần VI
của Thông tư liên tịch số 01 và các quy đinh khác của pháp luật có liên quan.
8. Cơ quan điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành
một số hoạt động điều tra thuộc Công an các cấp cử cán bộ theo dõi việc giải
quyết bồi thường thiệt hại trong các trường hợp xảy ra oan của cơ quan mình; lập
sổ sách và mở hồ sơ để quản lý đầy đủ các tài liệu có liên quan đến việc xem
xét, giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự.
Hồ sơ giải quyết bồi thường thiệt
hại gồm các tài liệu sau đây:
- Quyết định của cơ quan có thẩm
quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan và trách nhiệm phải
bồi thường thiệt hại của cơ quan Công an;
- Bản tóm tắt nội dung sự việc dẫn
đến oan;
- Đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại
của người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của
họ;
- Biên bản thương lượng giữa cơ
quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm bồi thường với người bị oan, thân
nhân của người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ về bồi thường thiệt hại;
- Kết luận giám định hoặc các
tài liệu khác xác định thiệt hại (nếu có);
- Quyết định bồi thường thiệt hại
của Thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền; bản án hoặc quyết định của Toà án
về việc bồi thường thiệt hại (trong trường hợp giải quyết việc bồi thường tại
Toà án);
- Biên nhận tiền bồi thường của
người được bồi thường, thân nhân của họ hoặc người đại diện hợp pháp, người được
uỷ quyền của người được bồi thường;
- Tài liệu về việc cải chính
công khai, phục hồi danh dự cho người bị oan và các tài liệu khác có liên quan.
Hồ sơ giải quyết bồi thường thiệt
hại được lưu trữ, quản lý, khai thác theo chế độ hồ sơ nghiệp vụ.
9.
Việc bồi thường thiệt hại do bị oan trong các trường
hợp sau đây sẽ được hướng dẫn bằng văn bản quy phạm pháp luật khác:
a) Người bị tạm giữ oan do bị bắt
trong trường hợp khẩn cấp mà lệnh bắt khẩn cấp đó đã được Viện kiểm sát nhân
dân phê chuẩn theo quy định tại Điều 81 của Bộ Luật Tố tụng hình sự;
b) Người bị oan trong trường hợp
thi hành hình phạt tù, thi hành hình phạt tử hình và thi hành các hình phạt
khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân như trục
xuất, quản chế, cấm cư trú...;
c) Người bị oan trong các hoạt động
tố tụng hình sự khác có liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của Viện kiểm sát
nhân dân, Toà án nhân dân và các cơ quan khác không thuộc lực lượng Công an
nhân dân như Quân đội nhân dân, Hải quan, Kiểm lâm mà chưa xác định rõ trách
nhiệm cơ quan nào phải bồi thường thiệt hại.
10.
Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục
An ninh, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Vụ Tài chính, Thanh tra
Bộ kiểm tra, đôn đốc các Cơ quan điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra thuộc Công an các cấp và Công an các đơn vị, địa
phương có liên quan thực hiện Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng
mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương cần báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh
sát) để có hướng dẫn kịp thời./.