VIỆN KIỂM
SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 39/HD-VKSTC
|
Hà Nội, ngày
30 tháng 12 năm 2022
|
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, VỤ
VIỆC KINH DOANH, THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG VIỆC KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP
LUẬT NĂM 2023
Thực hiện Chỉ thị số
01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về
công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 (sau đây viết tắt là Chỉ thị số
01/CT-VKSTC) với phương châm công tác: “Đoàn kết, trách nhiệm – kỷ cương,
liêm chính – bản lĩnh, hiệu quả”; để hoàn thành tốt nhiệm vụ Kiểm sát
việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động
và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2023, VKSND tối cao (Vụ 10)
hướng dẫn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc
kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật
năm 2023, như sau:
I. NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM
1. Quán triệt, triển
khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ
án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác
theo quy định của pháp luật được nêu trong Chỉ thị số 01/CT- VKSTC; Chỉ thị số
07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục tăng cường
công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ
việc kinh doanh, thương mại, lao động (Chỉ thị số 07); Chỉ thị số 05/CT-VKSTC
ngày 18/10/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc thực hiện các biện
pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ
án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật
(Chỉ thị số 05) và các văn bản có liên quan.
2. Tăng cường công tác
kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết vụ
án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác
theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, đặc
biệt là kháng nghị phúc thẩm án hành chính. Chú trọng việc kiểm sát các quyết
định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh,
thương mại, lao động để phát hiện vi phạm, kịp thời thực hiện kháng nghị
phúc thẩm.
3. Rà soát, tổng hợp những
vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động tạm đình chỉ kéo
dài từ năm 2022 trở về trước và thực hiện kiến nghị Tòa án tiếp tục giải quyết
khi lý do tạm đình chỉ không còn.
4. Kiểm sát chặt chẽ, thận
trọng việc giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, tránh dẫn đến tranh
chấp quốc tế phức tạp gây ảnh hưởng, thiệt hại cho Nhà nước hoặc ảnh hưởng đến
quan hệ ngoại giao.
5. Triển khai thực
hiện Nghị quyết số 40-NQ/BCSĐ ngày 30/3/2022 của Ban cán sự đảng VKSND tối
cao, Chỉ thị số 01, Chỉ thị số 05 của Viện trưởng VKSND tối cao về phân công,
bố trí, sắp xếp, đào tạo cán bộ trong lĩnh vực công tác kiểm sát việc giải
quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Về công
tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
- Yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm
sát các cấp tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo, chủ động đề ra các giải
pháp, biện pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các
vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác
theo quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình nhằm khắc phục
hạn chế, tồn tại của đơn vị trong khâu công tác này để có chuyển biến tích
cực, đảm bảo đạt chỉ tiêu công tác của Quốc hội và Ngành giao. Tiếp tục thực
hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về việc yêu cầu Viện trưởng
Viện kiểm sát các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác kiểm sát việc
giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và
những việc khác theo quy định của pháp luật. Thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn,
trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát này.
- Quán triệt và chỉ đạo Kiểm
sát viên, công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành
chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định
của pháp luật thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tổ chức VKSND,
BLTTDS, Luật TTHC, văn bản pháp luật có liên quan và các quy định, hướng dẫn của
VKSND tối cao; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT; Chỉ thị số 07/CT-VKSTC của
Viện trưởng VKSND tối cao.
- Phân công, bố trí, sắp xếp,
đào tạo, tự đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên, công chức có năng lực chuyên môn,
kinh nghiệm, có bản lĩnh để phân công làm công tác kiểm sát việc giải quyết
các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc
khác theo quy định của pháp luật. Có kế hoạch xây dựng đội ngũ công chức bảo đảm
đáp ứng yêu cầu công việc, ổn định và có tính kế thừa. Có chính sách cán bộ
phù hợp nhằm động viên, khích lệ cán bộ yên tâm công tác.
2. Về nâng
cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc
kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật
- Kiểm sát viên, công chức phát
huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực, ý thức trách nhiệm trong việc nghiên
cứu, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh
doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Nắm
chắc các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, các văn bản
pháp luật chuyên ngành khác có liên quan, các quy chế, quy trình, hướng dẫn
nghiệp vụ của Ngành đối với khâu công tác này; đồng thời phải nghiên cứu, cập
nhật và vận dụng đúng các quy định của pháp luật nội dung liên quan, các án lệ
của TAND tối cao.
- Chú trọng việc nghiên cứu hồ
sơ và chất lượng báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ án hành chính, vụ
việc kinh doanh, thương mại, lao động, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên
tòa, phiên họp. Tích cực áp dụng phương pháp sơ đồ tư duy trong nghiên cứu hồ
sơ, báo cáo .
- Thực hiện kiểm sát (100%) bản
án, quyết định giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao
động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm tra biên bản phiên
tòa; thực hiện quyền yêu cầu, tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị yêu cầu
khắc phục vi phạm.
- Nâng cao chất lượng kháng nghị
của VKSND, tăng cường công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm,
tái thẩm:
+ Nâng cao kỹ năng xây dựng
quyết định kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đảm bảo quy định về
hình thức theo biểu mẫu tố tụng của Ngành; nội dung kháng nghị có căn cứ, đúng
quy định pháp luật, lập luận chặt chẽ, sắc bén, có tính thuyết phục cao. Khi
tham gia phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải nghiên cứu, nắm chắc hồ sơ vụ
việc, chuẩn bị đủ các văn bản pháp luật, tài liệu, chứng cứ… để thuận lợi cho
việc phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp; bảo vệ quan điểm
kháng nghị của Viện kiểm sát và chủ động xử lý linh hoạt tình huống liên quan
đến việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị theo quy định.
+ Tăng cường công tác kháng nghị
phúc thẩm, đặc biệt là kháng nghị phúc thẩm án hành chính, nhằm giảm tỷ lệ bản
án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy, sửa mà không có kháng nghị của Viện kiểm
sát. Trường hợp khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực
pháp luật có vi phạm pháp luật, nếu không còn đủ thời gian để kháng nghị phúc
thẩm thì thông báo bản án, quyết định có vi phạm ngay cho Viện kiểm sát cấp
trên trực tiếp để xem xét kháng nghị phúc thẩm; trường hợp bản án, quyết định
của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện vi phạm thì thông báo đề
nghị VKSND có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
+ Tiếp nhận, phân loại, xử lý
và giải quyết kịp thời, đúng tiến độ, quản lý chặt chẽ đơn đề nghị kháng nghị
giám đốc thẩm, tái thẩm theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Ngành.
Đối với những đơn do cơ quan Đảng, Nhà nước kiến nghị, yêu cầu VKSND tối cao
xem xét; đơn sắp hết thời hạn kháng nghị; đơn bức xúc, kéo dài thì phải khẩn
trương nghiên cứu, báo cáo, đề xuất ngay với lãnh đạo đơn vị để chỉ đạo tập
trung xem xét, giải quyết kịp thời. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giải
quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đảm bảo tỷ lệ giải quyết
đơn đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội và của Ngành.
3. Về công
tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị và thông báo rút kinh nghiệm
Tăng cường công tác sơ kết, tổng
kết, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ và pháp luật cho VKS cấp dưới;
Viện kiểm sát cấp trên, trong đó 03 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực
hiện tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ và trả lời thỉnh thị nhằm tháo gỡ kịp
thời khó khăn, vướng mắc của Viện kiểm sát cấp dưới; ban hành thông báo rút
kinh nghiệm đối với các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao
động và những việc khác theo quy định của pháp luật có thiếu sót, vi phạm; phổ
biến những cách làm hay, sáng tạo; tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm
tra nghiệp vụ.
Định kỳ, VKSND các cấp tổng hợp,
đánh giá kết quả xét xử đối với các vụ án VKS tham gia phiên tòa để rút kinh
nghiệm về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc
kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật;
những vụ việc Viện kiểm sát kháng nghị không được Tòa án chấp nhận để rút
kinh nghiệm về công tác kháng nghị, đặc biệt trong công tác kháng nghị phúc
thẩm án hành chính; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kháng nghị của
VKS cấp dưới theo phạm vi thẩm quyền.
4. Về công
tác kiểm tra nghiệp vụ
Thực hiện nghiêm việc kiểm
tra của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 của Viện trưởng VKSND tối cao theo Kế
hoạch số 02/KH-VKSTC ngày 27/12/2022, VKSND các cấp thực hiện các hình thức
kiểm tra phù hợp như: Tự kiểm tra, trực tiếp kiểm tra, kiểm tra đột xuất, kiểm
tra chuyên đề, kiểm tra chéo giữa các đơn vị trong cùng cấp kiểm sát ..., sau
kiểm tra ban hành kết luận kiểm tra đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao
thường xuyên theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của
VKSND cấp dưới để chủ động tham mưu lãnh đạo VKSND tối cao lựa chọn các VKSND
cấp dưới để kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, làm rõ nguyên nhân, rút kinh
nghiệm và hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị được kiểm tra. Tăng cường kiểm
tra đột xuất, nhất là khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành
chính để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, đặc biệt là công tác kháng nghị
phúc thẩm án hành chính.
5. Về công
tác phối hợp, tranh thủ sự lãnh đạo của Cấp ủy địa phương
VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp
huyện chủ động tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban
hành và tổ chức thực hiện các chủ trương trong quản lý hành chính Nhà nước để
hạn chế đến mức tối đa khiếu nại, khiếu kiện, nhằm đảm bảo trật tự quản lý
hành chính, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền lợi ích hợp pháp của
công dân; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy địa phương trong thực
hiện nhiệm vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ
việc kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc
có yếu tố nước ngoài theo tinh thần Chỉ thị số 26- CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ
Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
VKSND các cấp cần chủ động xây
dựng quan hệ phối hợp công tác với Tòa án và các cơ quan liên quan trong công
tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương
mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; chủ động xây
dựng quy chế phối hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá
trình giải quyết vụ việc. Đẩy mạnh việc tổ chức các phiên tòa rút kinh
nghiệm, đặc biệt đối với các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
VKSND các cấp phối hợp chặt chẽ
với các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo; tọa đàm
trao đổi kinh nghiệm; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho Kiểm sát
viên, công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ
việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của
pháp luật; tăng cường công tác thông tin, báo cáo, trao đổi nghiệp vụ.
6. Về công
tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Chủ động rà soát, đánh giá đúng
thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị; đề xuất, kiến nghị đối với
ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt
động nghiệp vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và hoạt
động nghiệp vụ.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Viện trưởng VKSND cấp cao,
Viện trưởng VKSND cấp tỉnh căn cứ vào Hướng dẫn này và tình hình thực tế ở địa
phương, đơn vị mình, xây dựng Chương trình, Kế hoạch công tác năm 2023 và hướng
dẫn công tác cho Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền, gửi về VKSND tối cao
(Vụ 10) trước ngày 15/01/2023.
Trong quá trình triển khai
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về VKSND tối cao (Vụ
10) để được hướng dẫn, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Đ/c Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND
tối cao (để b/cáo);
- Các đ/c Phó Viện trưởng VKSND tối cao (để b/cáo);
- VKSND cấp cao 1, 2, 3 (để t/hiện);
- VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để t/hiện);
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao (để p/hợp);
- Lãnh đạo, công chức Vụ 10 (để t/hiện);
- Lưu: VT, V10.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, VỤ VIỆC KINH DOANH,
THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG VIỆC KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
Lê Tiến
|