VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 33/HD-VKSTC
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 10
năm 2019
|
HƯỚNG DẪN
PHÁT HIỆN VI PHẠM CỦA BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH SƠ THẨM GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC
DÂN SỰ, THỰC HIỆN THẨM QUYỀN KHÁNG NGHỊ NGANG CẤP THEO THỦ TỤC PHÚC THẨM NHẰM
GIẢM TỶ LỆ BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN CẤP SƠ THẨM BỊ TÒA ÁN CẤP PHÚC THẨM HỦY
CÓ TRÁCH NHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NGANG CẤP; ĐỒNG THỜI, NÂNG CAO TỶ LỆ, CHẤT LƯỢNG
KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NGANG CẤP
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày
28/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2019 và Kế hoạch số
01/KH-VKSTC ngày 01/01/2019 của VKSND tối cao về công tác trọng tâm của Viện kiểm
sát nhân dân tối cao năm 2019, Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự,
hôn nhân và gia đình (Vụ 9) được giao nhiệm vụ: “Hướng dẫn phát hiện vi phạm
của bản án, quyết định sơ thẩm giải quyết
các vụ việc dân sự, thực hiện thẩm quyền kháng nghị
ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định của Tòa
án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp
phúc thẩm hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát ngang cấp; đồng thời, nâng cao tỷ lệ, chất lượng kháng nghị phúc thẩm
của Viện kiểm sát ngang cấp”.
Để thực hiện nhiệm
vụ nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 9) hướng dẫn viện kiểm sát nhân
dân cùng cấp với Tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm
giải quyết các vụ việc dân sự để phát hiện vi phạm và thực hiện thẩm quyền
kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm như sau;
I. MỤC ĐÍCH, PHẠM
VI VÀ ĐỐI TƯỢNG
1. Mục đích
Phát hiện vi phạm của bản án, quyết định
giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện quyền kháng nghị
theo thủ tục phúc thẩm nhằm nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm
sát việc giải quyết các vụ việc dân sự; hạn chế tối đa các bản án, quyết định của
Tòa án bị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát; bảo
đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; các bản án, quyết định
của Tòa án được ban hành đúng pháp luật.
Hướng dẫn nhằm giúp các công chức được
phân công kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự nhận diện được một số các vi
phạm của Tòa án trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự ở cấp
sơ thẩm, trên cơ sở đó kiểm sát bản án, quyết định chính xác, kịp thời nhằm
phát hiện vi phạm, nâng cao số lượng và chất lượng kháng nghị phúc thẩm ngang cấp.
2. Phạm
vi
Hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát
cùng cấp với Tòa án ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự ở cấp sơ thẩm
để phát hiện vi phạm, thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
3. Đối tượng
Hướng dẫn này áp dụng đối với Viện kiểm
sát cùng cấp với Tòa án ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự ở cấp
sơ thẩm.
II. NỘI DUNG, PHƯƠNG
PHÁP PHÁT HIỆN VI PHẠM ĐỂ THỰC HIỆN QUYỀN KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM
1. Về nghiên cứu
hồ sơ
Qua công tác kiểm sát bản án, quyết định
giải quyết vụ, việc dân sự của Tòa án nếu phát hiện có vi phạm Viện kiểm sát
ban hành công văn yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ, việc để nghiên cứu. Việc
nghiên cứu hồ sơ được thực hiện theo quy định từ Điều 7 đến Điều
18 của Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia
phiên tòa dân sự sơ thẩm. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ cần lưu ý đối với một
số quan hệ tranh chấp cụ thể sau:
1.1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh
chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất
Đối với các tranh chấp này khi nghiên
cứu hồ sơ cần lưu ý nghiên cứu kỹ các tài liệu sau:
- Thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
Tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, thẩm quyền của Tòa án cấp
tỉnh hay Tòa án cấp huyện khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm; tranh chấp
thuộc thẩm quyền của Tòa án hay thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân (viết tắt
UBND).
- Điều kiện thụ lý vụ án: Vụ án có phải
qua hòa giải không, đặc biệt chú ý về thời hiệu khởi kiện; các chính sách về đất
đai ở miền Bắc và miền Nam (Vụ án tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất
phải qua thủ tục hòa giải (Điều 202 Luật đất đai năm 2013),
tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất thì thủ tục
hòa giải không phải là điều kiện bắt buộc).
- Giấy tờ về nguồn gốc đất tranh chấp:
Đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt
GCNQSD đất) hay chưa, nếu chưa được cấp GCNQSD đất có một trong các giấy tờ
theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 không, việc
xác nhận của UBND về quá trình hình thành, quản lý và sử dụng đất.
- Nghiên cứu hồ sơ cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất: Quá trình kê khai, đăng kí và sử dụng đất, văn bản quy định
về thẩm quyền, quy trình, thủ tục cấp GCNQSDĐ để xem xét
tính hợp pháp của việc cấp giấy GCNQSDĐ.
- Các giao dịch liên quan và sự kiện
pháp lý làm phát sinh tranh chấp (hợp đồng tặng cho, chuyển đổi, chuyển nhượng,
thế chấp... hay được thừa kế).
- Các tài liệu liên quan đến thẩm định,
đo đạc, định giá tài sản tranh chấp nhằm xác định đúng thực
trạng, vị trí, giá trị đất khi bồi thường, tính án phí.
- Xác định tư cách đương sự trong vụ
án tranh chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình hay cá nhân; công sức đóng góp
đầu tư, duy trì, cải tạo quyền sử dụng đất, hiện tại mảnh
đất đang tranh chấp ai là người trực tiếp quản lý, sử dụng.
- Đối với hợp đồng liên quan đến quyền
sử dụng đất cần xem xét ý kiến của đương sự về giải quyết
hậu quả pháp lý của hợp đồng khi bị tuyên vô hiệu theo quy định tại Điểm 2, Mục III Công văn số 01/2017/GĐ- TANDTC ngày 07/4/2017 của
Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ
1.2. Nghiên cứu hồ sơ giải
quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản
Đối với các tranh chấp này khi nghiên
cứu hồ sơ cần lưu ý nghiên cứu kỹ các tài liệu sau:
* Về hợp
đồng
- Hình thức của hợp đồng: Hợp đồng
vay bằng văn bản hay bằng lời nói.
- Nội dung của hợp đồng: Thời điểm
vay, thời hạn vay; vay có lãi hay không có lãi, nếu có lãi thì thỏa thuận của
các bên về lãi có đúng quy định của pháp luật không; vay có thế chấp hay không
có thế chấp tài sản bảo đảm, quy định về phạt hợp đồng...
* Các tài liệu khác: Lời khai của các đương sự trong quá trình thực hiện hợp đồng; giấy tờ
thể hiện việc trả nợ gốc, lãi, chốt nợ.. .cần xác định được
thời điểm quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm để xác định thời hiệu (khi đương sự
yêu cầu áp dụng thời hiệu). Xem xét hình thức nội dung của hợp đồng, có bị đe dọa,
cưỡng ép, nhầm lẫn, vi phạm điều cấm hoặc thỏa thuận giả tạo không.
1.3. Nghiên cứu hồ sơ vụ án về thừa
kế
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án này, cần
lưu ý những vấn đề sau:
- Thừa kế có di chúc hay không có di
chúc. Nếu có di chúc thì di chúc có hợp pháp không. Trường hợp di chúc hợp pháp
thì cần lưu ý những người được hưởng di sản không phụ thuộc
vào nội dung di chúc, gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con
thành niên nhưng không có khả năng lao động. Hình thức của di chúc (theo Điều 628, 629 BLDS) và ngày lập di chúc. Nếu di chúc không hợp
pháp hoặc không có di chúc thì chia thừa kế theo pháp luật.
- Về hàng thừa kế
và diện thừa kế, có thừa kế thế vị không, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (Điều 644);
đối với yêu cầu của các bên đương sự có hay không hoặc nhường kỷ phần của mình
cho ai và trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của người chết
để lại di sản.
- Thời điểm mở thừa kế (ngày, tháng,
năm người có tài sản chết hoặc ngày được Tòa án xác định của người bị tuyên bố
là đã chết, địa điểm mở thừa kế).
- Lưu ý những trường hợp từ chối nhận
di sản (việc từ chối này có nhằm trốn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản của
mình với người khác không), không được quyền hưởng di sản, thừa kế thế vị, người
thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.
- Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa
kế.
- Di sản thừa kế gồm những gì.
- Lưu ý đối với di sản dùng vào việc
thờ cúng, thì hạn chế phân chia di sản bằng hiện vật.
- Nghĩa vụ về tài sản mà người chết để
lại.
- Công sức của người bảo quản, tôn tạo
di sản thừa kế.
- Nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp,
nguyện vọng của đương sự trong việc giải quyết tranh chấp.
- Yêu cầu của các đương sự về việc hưởng
di sản thừa kế bằng hiện vật hay bằng giá trị (tiền); nếu phải chia bằng hiện vật
là quyền sử dụng đất thì diện tích đất tối thiểu được chia có đủ điều kiện để
tách thửa, điều kiện xây dựng công trình theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh
hay không?
- Đối với di sản là quyền sử dụng đất
phải xác định đất là di sản thừa kế là loại đất gì (đất thổ cư, đất nông nghiệp,
đất lâm nghiệp....); diện tích đất đó đã được Nhà nước giao cho người khác, đưa
vào tập đoàn, hợp tác xã... trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa trước đây
chưa. Đất đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa. Nếu có giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định diện tích được cấp và diện tích
thực tế đang sử dụng. Nếu chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có các loại giấy tờ theo quy định tại Khoản
1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Điều 100 Luật đất đai 2013 hay
không.
1.4. Nghiên cứu hồ sơ vụ án về hôn
nhân gia đình
Khi nghiên cứu hồ sơ cần lưu ý các
tài liệu sau:
- Ai là người nộp đơn xin ly hôn, nếu
là chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang
có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (theo Khoản
3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)
- Hôn nhân có đăng kí kết hôn không.
Lưu ý trường hợp hôn nhân thực tế (hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng
trước ngày 03/01/1987 nhưng không đăng ký kết hôn), chính sách về hôn nhân và
gia đình của cán bộ, bộ đội đã có vợ, có chồng ở trong Nam tập kết ra Bắc lấy vợ,
lấy chồng khác.
- Con chung của vợ chồng (con đã
thành niên, con trên 7 tuổi, con dưới 36 tháng tuổi). Trường hợp Tòa án giao
cho một bên trực tiếp nuôi, nếu con từ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng
của con; con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường
hợp người mẹ không đủ điều kiện về thu nhập, hoàn cảnh kinh tế, môi trường sống...
- Nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn.
- Con có nguyện vọng ở với bố hay với
mẹ.
- Ai có nguyện vọng nuôi con và việc
giao con cho bố hoặc mẹ trực tiếp nuôi và việc cấp dưỡng nuôi con có phù hợp không.
- Tài sản chung của vợ chồng gồm những
gì.
- Nợ chung của vợ chồng (nợ phải trả
và nợ phải thu).
- Nguồn gốc hình thành tài sản chung,
xác định thời gian hình thành tài sản, tài sản riêng của vợ chồng, công sức
đóng góp vào khối tài sản chung.
- Việc phân chia tài sản chung, đặc biệt là phân chia nhà và quyền sử dụng
đất của Tòa án cho vợ, chồng đã phù hợp chưa.
2. Kiểm sát bản
án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự của Tòa án
2.1.
Kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự
- Kiểm sát bản án giải quyết vụ án
dân sự sơ thẩm: Được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định
giải quyết vụ án dân sự của Tòa án ban hành kèm theo Quyết định 399/QĐ-VKSTC
ngày 06/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.
- Kiểm sát quyết định giải quyết vụ
án dân sự sơ thẩm: Được thực hiện theo quy định tại
các điều 8, 9, 10, 11 Quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản
án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án ban hành kèm theo Quyết định
399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 của Viện trường VKSND tối cao.
2.2. Kiểm sát quyết định giải quyết
việc dân sự
- Về
thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Căn cứ Điều 27, Điều
29 và các điều từ Điều 35 đến Điều 40 BLTTDS để xác định Tòa án thụ lý, giải
quyết yêu cầu của đương sự có đúng thẩm quyền không.
- Về sự
có mặt của những người tham gia tố tụng
Căn cứ Điều 367
BLTTDS để xem xét việc vắng mặt của của những người tham gia tố tụng mà Tòa án vẫn tiến hành phiên họp có hay
không có căn cứ, có đảm bảo quyền lợi của người yêu cầu và của người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan không. Đồng thời căn cứ vào giấy ủy quyền để xem xét việc
Tòa án chấp nhận người được ủy quyền tham gia tố tụng có đúng không.
- Về
năng lực chủ thể của người yêu cầu và người tham gia tố tụng khác
Nghiên cứu các tài liệu có trong hồ
sơ việc dân sự để xem xét người yêu cầu và người tham gia tố tụng có năng lực
dân sự để tham gia tố tụng theo quy định không, việc ủy quyền đã đúng quy định
chưa...
- Về thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu yêu cầu được thực hiện theo
quy định của Bộ luật dân sự và quy định tại Khoản 1 Điều 184
BLTTDS. Trong trường hợp người yêu cầu áp dụng thời hiệu thì yêu cầu này phải
được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định giải quyết việc dân sự
theo quy định tại Khoản 2 Điều 184 BLTTDS và Khoản
2 Điều 149 BLDS.
- Về nội
dung yêu cầu
Trên cơ sở đơn và các tài liệu trong
hồ sơ xem xét các yêu cầu của người yêu cầu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên
quan đã được Tòa án xem xét ghi nhận đầy đủ chưa. Các yêu cầu này được quy định
tại các Điều 27, Điều 29 BLTTDS.
- Về
phần Nhận định của Tòa án
Trên cơ sở hồ sơ cần nghiên cứu xem
Nhận định của Tòa án có trên cơ sở các chứng cứ và kết quả thẩm tra tại phiên họp
không. Tòa án có nhận định, phân tích từng vấn đề của người yêu cầu hay không,
yêu cầu nào là có căn cứ, các vấn đề Tòa án nhận định có căn cứ và phù hợp với
tài liệu trong hồ sơ không.
- Về
phần Quyết định
+ Về áp dụng căn
cứ pháp luật: Căn cứ vào các yêu cầu cụ thể để xem xét việc áp dụng pháp luật của
Tòa án đúng hay không. Quyết định phải nêu rõ điểm, khoản, điều của văn bản
pháp luật được áp dụng.
+ Về nội dung của
quyết định: Các nội dung của người yêu cầu có được Tòa án chấp nhận không, yêu
cầu nào không được chấp nhận và việc chấp nhận hay không chấp nhận có đảm bảo
căn cứ pháp luật không. Tòa án đã giải quyết đúng, đầy đủ các yêu cầu của đương
sự chưa, có nội dung nào vượt quá yêu cầu của đương sự không.
+ Về lệ phí và
các chi phí tố tụng khác: Căn cứ vào Điều 149, Điều 153, Điều
156, Điều 160, Điều 161, Điều 165, BLTTDS và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH
ngày 30/12/2016 để xác định việc tuyên lệ phí và các chi phí tố tụng khác của
Tòa án có đúng và đảm bảo quyền lợi của người yêu cầu, người
có quyền lợi, nghĩa vụ, liên quan và của Nhà nước không.
3. Kiểm sát về áp
dụng pháp luật
Các yêu cầu và các tranh chấp trong dân sự là một trong các vấn đề phức tạp và kéo dài vì vậy
trong quá trình Kiểm sát việc giải quyết của Tòa án cần lưu ý thời điểm đương sự
có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, thời điểm xác lập giao dịch,
thời điểm xảy ra hanh chấp, thời điểm xuất hiện sự kiện pháp lý để áp dụng pháp
luật giải quyết cho phù hợp.
Các văn bản pháp luật để áp dụng: Bộ
luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình,
Luật các tổ chức tín dụng, Luật tương trợ tư pháp, các hiệp định và công ước quốc
tế mà Việt Nam đã kí kết hoặc tham gia, Pháp lệnh, Nghị
quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Quyết định, Nghị định của Chính phủ,
các Thông tư liên tịch, Thông tư liên bộ, Thông tư của các bộ, của Tổng cục địa
chính, của Ngân hàng Nhà nước, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao, các án lệ...
Đặc biệt lưu ý đến các văn bản của Quốc
hội, của Chính phủ về chính sách cải tạo đất đai qua các thời kỳ, chính sách đất
đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các điều luật chuyển tiếp của
các bộ luật, luật; hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, của Hội đồng Thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao về lãi suất; chính sách của nhà nước về hôn nhân và gia
đình đối với cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, thời hiệu chia thừa kế theo pháp lệnh
thừa kế năm 1990, theo Bộ luật dân sự năm 1995, năm 2005
và năm 2015.
Đối với từng vụ việc cụ thể, nghiên cứu,
xem xét việc giải quyết yêu cầu, giải quyết quan hệ tranh chấp trên cơ sở áp dụng
quy định của pháp luật nào (Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật
nhà ở, Luật hôn nhân và gia đình... và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn
thi hành quy định của các Bộ luật, Luật đó). Đối với những tranh chấp mà pháp
luật quy định áp dụng luật chuyên ngành giải quyết thì phải áp dụng luật chuyên
ngành.
4. Một số vi phạm
trong bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án
4.1. Vi phạm về thủ tục tố
tụng
4.1.1. Về điều kiện thụ lý vụ án (Tòa án thụ lý khi
đương sự chưa có đủ điều kiện khởi kiện)
Trường hợp này thường xảy ra đối với
các tranh chấp về quyền sử dụng đất, Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án khi tranh
chấp của đương sự chưa được thực hiện hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn.
4.1.2. Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Trong một số trường hợp Tòa án thụ lý
vụ án không đúng thẩm quyền: Vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh nhưng
Tòa án cấp huyện lại thụ lý để giải quyết hoặc vụ án của Tòa án cấp tỉnh nhưng
Tòa án cấp tỉnh lại chuyển Tòa án cấp huyện giải quyết; hoặc tranh chấp đương sự
đã yêu cầu UBND giải quyết nhưng Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn C và bà Nguyễn Thị Toàn M kết
hôn năm 2006. Ngày 16/6/2018, ông C nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh
QN, trong đơn khởi kiện ông C ghi rõ ông có quốc tịch Việt Nam và Hoa Kỳ (trong
hồ sơ có tài liệu thể hiện ông C mang hộ chiếu Hoa Kỳ). Theo xác nhận của Công
an xã ĐNĐ, huyện ĐB thì ông C có đăng ký tạm trú tại địa phương từ ngày
28/02/2018 đến ngày 25/12/2018. Như vậy, tuy ông C có quốc tịch Việt Nam và thời
điểm nộp đơn khởi kiện ông C cũng có mặt tại Việt Nam nhưng trường hợp này thì
ông C vẫn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo quy định tại Điểm C, Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 vụ án này
thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Nhưng sau khi nhận được
đơn khởi kiện của ông C, Tòa án nhân dân tỉnh QN lại chuyển đơn cho Tòa án nhân
dân huyện ĐB thụ lý và giải quyết.
Ví dụ 2:
Nguyên đơn anh Nguyễn Duy L có đơn xin ly hôn với chị Ngụy Thị H yêu cầu TAND
huyện VY giải quyết. Ngày 09/12/2016 anh L có “Đơn xin rút đơn khởi kiện”. Tòa
án nhân dân huyện VY căn cứ vào đơn trên, nhưng không thu thập chứng c theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 97 BLTTDS
xác định nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện và ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 45/2016/QĐST-HNGĐ ngày 13/12/2016 là không
đúng quy định của pháp luật.
Theo tài liệu trong hồ sơ vụ án thì
hiện nguyên đơn và bị đơn đang sống và học tập, lao động tại nước ngoài; do đó
áp dụng Khoản 3 Điều 35, Điều 37 BLTTDS thẩm quyền giải quyết
thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
4.1.3. Về người tham gia tố tụng
Tòa án không đưa đầy đủ người có quyền
lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Trường hợp này thường xảy ra trong
các vụ tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất; đất cấp cho hộ nhưng khi giải
quyết Tòa án không đưa những người trong hộ vào tham gia tố tụng hoặc không đưa
những người đang thuê nhà trên đất khi giải quyết tranh chấp
hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất.
Vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng:
Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tại thời điểm thế
chấp theo số hộ khẩu gồm bố mẹ, con đẻ và con dâu nhưng khi giải
quyết Tòa án không hỏi ý kiến của họ và không đưa họ vào tham gia tố tụng, cụ
thể:
Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa
nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh huyện
BX với bị đơn là ông Đỗ Văn Th và bà Nguyễn Thị Ph. Ngày 25/12/2013 Ngân hàng
Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Th và bà
Ph trả khoản tiền vay là 1.500.000.000 đồng, tài sản thế
chấp quyền sử dụng đất và nhà ở theo GCNQSD đất và quyền sở hữu nhà số DD924978
ngày 22/6/2004 do UBND huyện BX cấp cho hộ ông Đỗ Văn Th. Tòa án các cấp chấp
nhận yêu cầu khởi kiện buộc ông vợ chồng ông Th và bà Ph phải trả khoản tiền
trên cùng với lãi suất cho Ngân hàng Thương Mại cổ phần Công thương Việt Nam.
Theo số hộ khẩu (có công chứng) ngoài vợ chồng ông Th và bà Ph còn có 5 người
con, khi thế chấp hộ gia đình ông Th và bà Ph còn có các con. Theo tài liệu trong
hồ sơ thể hiện các con có đóng góp tiền mua đất và tiền mua vật liệu xây nhà.
Quá trình giải quyết Tòa án cấp sơ thẩm không đưa các con của ông Th và bà Ph
vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan,
không làm rõ công sức đóng góp của họ đối với tài sản đem thế chấp là vi phạm Khoản 4, Điều 68, BLTTDS nam 2015.
4.1.4. Về thu thập chứng cứ không đầy đủ
Một số vụ án Tòa án không thu thập đầy đủ chứng cứ nhưng đã ra bản án, quyết định; không thu thập hồ sơ cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất,
không thu thập về nguồn gốc hình thành tài sản, công sức tôn tạo làm tăng giá
trị tài sản trong các vụ án ly hôn, thừa kế, không thu thập giấy tờ về việc chốt
nợ...trong vụ án về vay tài sản.
Ví dụ 1: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa
nguyên đơn là bà Lâm Thị L và bị đơn là bà Nguyễn Thị Bích Ph. Nguyên đơn khởi
kiện yêu cầu bị đơn trả nợ theo biên nhận nợ kí tháng 02/2015 số tiền vay 560 triệu
đồng và 2 chỉ vàng 24k lãi suất theo quy định. Bị đơn thừa nhận có ký biên nhận
do nguyên đơn cung cấp nhưng thực tế ký theo yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn chỉ
thừa nhận vay 125 triệu đồng và 2 chỉ vàng 24k, đã trả lãi 2 năm với tổng số tiền
hơn 600 triệu đồng. Do không còn khả năng trả lãi nên nguyên đơn cộng dồn lãi lại
viết và yêu cầu bị đơn ký vào biên nhận (thực chất đây là lãi chồng lãi). Vụ án
này, Tòa án chưa làm rõ hợp đồng ký ngày nào vì hai bên thừa nhận ký vào năm
2014 nhưng giấy biên nhận thể hiện ký năm 2015. Bị đơn cho rằng nhiều lần nhờ
người khác trả giùm lãi, tuy nhiên Tòa án không lấy lời khai của những người
này và cũng không đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là
người làm chứng để làm rõ thời gian vay, việc trả lãi là không thu thập chứng cứ
đầy đủ để giải quyết vụ án.
Ví dụ
2: Nguyên đơn ông Trần Văn D và bà Đoàn Thị T khởi kiện
yêu cầu bị đơn ông Nguyễn Hữu H và bà Phạm Thị Th trả lại 6,3m2 đất
lấn chiếm xây nhà ở. Bị đơn cho rằng đất lấn chiếm trên là của ông Nguyễn Hữu x
và bà Dương Thị Đ tặng cho. Ngày 26/12/2014 Tòa án nhân dân huyện PV có Thông
báo số 68/2014/TB-CCCC yêu cầu nguyên đơn cung cấp chứng cứ và ngày 22/01/2015
có giấy triệu tập số 37/GTT đối với nguyên đơn để làm việc
vào ngày 30/01/2015, nhưng hồ sơ không có biên bản làm việc nên không thể hiện
được nội dung làm việc. Ngày 03/02/2015 Tòa án nhân dân
huyện PV ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân
sự sơ thẩm số 01/2015/QĐST-DS (Lý do Tòa án đình chỉ, chưa đủ điều kiện khởi kiện). Trường hợp này, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ không chỉ của nguyên đơn mà cả bị đơn, cụ thể: Tòa án cần yêu
cầu bị đơn cung cấp giấy tờ về đất đai để chứng minh nguồn
gốc đất tranh chấp là của vợ chồng ông X, bà Đ. Khi hết thời hạn cung cấp chứng
cứ theo Thông báo trên của Tòa án, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm khi triệu tập
nguyên đơn đến làm việc, cần phải có biên bản ghi lại kết
quả về việc nguyên đơn thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ của Tòa án, có yêu cầu
Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hay không, đồng thời cũng phải yêu cầu bị đơn
cung cấp chứng cứ theo quy định của pháp luật. Trong khi chưa tiến hành các
công việc nêu trên, Tòa án nhân dân huyện PV đã ban hành Quyết định đình chỉ giải
quyết vụ án dân sự sơ thẩm nêu trên là chưa đủ căn cứ, làm ảnh hưởng đến quyền
lợi hợp pháp của nguyên đơn.
4.1.5. Về sử dụng chứng cứ
Trong nhiều trường hợp, Tòa án căn cứ vào tài liệu phô tô không có công chứng, chứng
thực hợp pháp hoặc không đối chiếu với tài liệu gốc để giải quyết vụ án.
Ví dụ: Trong thời gian từ 8/2012 đến
21/6/2013 chị Nguyễn Huỳnh M cho chị Trần Kim Đ vay 692.000.000 đồng. Các giấy
vay tiền và các tài liệu liên quan đến khoản vay trên là tài liệu phô tô nhưng
Thẩm phán chủ tọa phiên Tòa không đối chiếu với bản gốc mà căn cứ vào những tài
liệu này để giải quyết vụ án. Theo quy định tại Điều 93, Khoản
1 Điều 95 BLTTDS năm 2015 thì các tài liệu trên chưa được coi là chứng cứ.
4.1.6. Về giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của đương sự
Trong nhiều trường hợp, Tòa án giải
quyết không hết yêu cầu của đương sự. Ví dụ: Vụ án “Ly hôn” giữa ông Dương Văn
Th và bà Võ Thị Kiều A: Trong phần yêu cầu giải quyết về tài sản bà A có
yêu cầu bổ sung chia tài sản chung với số tiền 850 triệu đồng và
đã được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý bổ sung, tuy nhiên trong quá trình giải quyết
Tòa án lại tách yêu cầu này ra thành vụ kiện khác là không đúng, không giải quyết
hết yêu cầu của đương sự.
4.1.7. Áp dụng không đúng quy định
của pháp luật
Một số vụ việc, Tòa án áp dụng không
chính xác các điều luật để giải quyết:
Ví dụ: Bà
Huỳnh Thị Thu V “Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực
hành vi dân sự” đối với ông Đỗ Văn T. Tòa án đã thụ lý việc dân sự số
314/2018/TLST-VDS và người yêu cầu đã nộp tiền tạm ứng án phí. Do trong quá
trình giải quyết vụ án bà V có đơn rút đơn yêu cầu, Tòa án nhân dân huyện BC
căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 364 của BLTTDS năm 2015 ban hành
Quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự số
218/2018/QĐST-VDS, hoàn trả số tiền 300.000đ mà bà V nộp tạm ứng án phí. Lẽ ra
trong trường hợp trên, Tòa án phải áp dụng Điểm C Khoản 2 Điều
366 BLTTDS năm 2015 để đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu
nhưng Tòa án lại căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 364 BLTTDS năm 2015
để đình chỉ giải quyết việc dân sự là không đúng. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 5, Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của
Ủy ban thường vụ Quốc hội, trường hợp trên số tiền tạm ứng án phí phải sung vào
công quỹ Nhà nước. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện BC trả lại số tiền tạm ứng án
phí cho bà V là không phù hợp với quy định của pháp luật.
4.1.8. Về sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định không đúng qui định
Khoản 1 Điều 268
BLTTDS quy định: “Sau khi tuyên án xong thì không
được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả,
về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai…”
Tuy nhiên, thực tế có trường hợp sau khi ban hành bản án, Thẩm phán chủ tọa phiên Tòa ban
hành công văn thông báo việc sửa chữa, bổ sung bản án, nhưng lại quyết định
thêm nội dung mới. Ví dụ trường hợp khi tuyên án Thẩm phán không tuyên rõ ràng
về tứ cận thửa đất, không xác định ranh giới những diện tích đất được công nhận
với diện tích đất sử dụng chung, dẫn đến khó khăn cho việc thi hành án; sau khi
có bản án Thẩm phán lại ra nhiều công văn thông báo sửa chữa, bổ sung bản án hoặc
giải thích bản án trên; như vậy việc thông báo, sửa chữa, bổ sung bản án của Thẩm
phán không phù hợp với Khoản 1, Điều 268 BLTTDS.
4.2. Vi phạm về nội dung
4.2.1. Vi phạm của bản án, quyết định giải quyết
tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng
liên quan đến quyền sử dụng đất.
- Về giải
quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu
Trong nhiều trường hợp Tòa án xác định
hợp đồng vô hiệu là đúng pháp luật, nhưng giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu
không đúng quy định.
Ví dụ:
Năm 2009, ông Phan Thành N được Ủy ban nhân dân tỉnh K cấp GCNQSD đất. Ngày
12/01/2014 bà Phạm Thị L (vợ ông N) bán ngôi nhà trên cho vợ chồng ông Huỳnh Bửu
K và bà Lê Thị H với giá 300.000.000 đồng; bà L đã nhận 100.000.000 đồng và ký
giả chữ ký của ông N. Ngày 29/5/2014, bà H được sang tên nhà đất nêu trên. Khi
xảy ra tranh chấp, ông N bà L yêu cầu hủy hợp đồng; vợ chồng
ông K, bà H yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán trên.
Tòa án cấp sơ thẩm hủy hợp đồng chuyển
nhượng nhà đất; buộc bà L trả cho vợ chồng ông K và bà H
100.000.000 đồng. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại giải quyết hậu quả hợp đồng
vô hiệu của các đương sự giải quyết thành vụ án khác khi có yêu cầu. Tòa án cấp
sơ thẩm không giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu mà tách ra giải quyết bằng vụ
án khác là không đúng, chưa giải quyết triệt để vụ án (vụ án này giải quyết khi
theo BLDS 2005 và BLTTDS năm 2004 sửa đổi năm 2011 đang có hiệu lực).
Trong trường hợp đương sự yêu cầu
tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng
vô hiệu thì áp dụng Bộ luật dân sự 2015 và quy định tại Mục 2
Phần III Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối
cao Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ.
- Về công
nhận hợp đồng chuyển nhượng QSD đất khi việc giao kết hợp đồng có vi phạm
Ngày 12/02/2013 vợ chồng ông Nguyễn
Văn H, bà Đỗ Thị Ph do có nhu cầu vay vốn Ngân hàng để làm ăn nên làm giấy thoả
thuận với bà Ngô Thị M và ông Phạm Công C nội dung ông H, bà Ph đồng ý sang tên
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông C, bà M 02 lô đất, giả chuyển nhượng
500.000.000 đồng. Sau khi vợ chồng ông H, bà Ph trả hết nợ
cho bà M, ông C thì phía bà M có trách nhiệm làm lại giấy GCNQSD đất đổi tên lại
cho vợ chồng bà Ph, ông H. Giấy thoả thuận có chữ ký của vợ chồng ông H, bà Ph
và ông C, bà M. Sau đó, ông H lại yêu cầu đến hai năm, nếu ông H, bà Ph trả bớt
50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng thì ông, bà vẫn còn quyền sử dụng đất; bà
M, ông C chấp nhận và tiến hành làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và đã được
cấp giấy chứng nhận năm 2013. Ngày 31/12/2013, ông C, bà M khởi kiện yêu cầu
ông H, bà Ph phải giao hai thừa đất trên cho ông, bà. Ông H, bà Ph cho rằng chỉ
nhận 90.000.000 đồng của ông C, bà M và yêu cầu ông C, bà M phải làm thủ tục trả
lại cho ông bà hai lô đất trên.
Toà án cấp sơ thẩm đã công nhận hợp đồng
chuyển nhượng quyển sử dụng đất nêu trên, buộc ông H, bà Ph giao cho bà M, ông
C hai lô đất trên, về bản chất đây không phải là quan hệ chuyển nhượng quyền sử
dụng đất, mục đích vợ chồng ông C, bà M đứng tên diện tích đất trên là để vay
tiền từ Ngân hàng giúp ông H, bà Ph. Nguyên đơn cho rằng đã giao đủ số tiền
500.000.000 đồng cho ông H, bà Ph nhưng ông, bà không cung cấp được tài liệu chứng
minh, phía bà Ph vẫn đang quản lý, sử dụng đất. Lẽ ra Toà án cấp sơ thẩm phải
áp dụng quy định của pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu
do giả tạo (Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015) để không công nhận hợp đồng
trên mới đúng; việc Toà án cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng trên là không đúng
quy định của pháp luật.
- Về thanh
toán bằng ngoại tệ khi thực hiện hợp đồng
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng
đất được ký kết có đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng khi
thực hiện hợp đồng các bên lại thanh toán bằng ngoại tệ. Khi giải quyết tranh
chấp có Thẩm phán cho rằng việc thanh toán bằng ngoại tệ
tuy vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối nhưng ở giai đoạn thực hiện hợp đồng
nên không nhất thiết phải hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên
mà chỉ cần buộc các bên phải thực hiện lại giai đoạn thực hiện hợp đồng. Quan
điểm này là không đúng qui định của pháp luật: Căn cứ Khoản 2
Điều 1 của Nghị Định 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ và Điểm m Khoản 2 Mục II của Thông tư số 01/1999/TT-NHNN7 ngày
16/4/1999 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý ngoại hối; căn cứ Điều
22 của Pháp lệnh ngoại hối ban hành ngày 13/12/2005 của UBTVQH11 qui định: Trên
lãnh thổ Việt
Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người
không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối,
trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua
trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường
hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Do đó, các bên trong quá trình tham
gia giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã vi phạm vào điều cấm của pháp
luật nên phải xác định giao dịch vô hiệu.
- Về
giải quyết hợp đồng có đặt cọc
Trong một số vụ án giải quyết tranh
chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có đặt cọc, Thẩm phán xác định hợp
đồng vô hiệu và xác định giao dịch đặt cọc trước đó của các bên cũng vô hiệu là
không đúng. Đặt cọc cũng là một giao dịch dân sự và là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được áp dụng phổ biến trong giao dịch
chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trường hợp giao dịch đặt
cọc chỉ bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng (có trước hợp đồng chuyển nhượng quyền
sử dụng đất và độc lập với hợp đồng) nên giao kết đặt cọc này không bị vô hiệu.
- Về
áp dụng thời hiệu
Vụ án “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu
tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”, giữa nguyên đơn là ông Vũ Huy Q với bị
đơn là bà Lâm Kiều Th. Ngày 19/6/2013 tại Văn phòng công chứng Nguyễn Thị T, ông Vũ Huy Q và bà Lâm Kiều Th có ký “Văn bản thỏa thuận
tài sản riêng vợ chồng”, hai bên thỏa thuận thống nhất toàn bộ nhà đất số
681/53 Quang Trung, P11, Quận GV, thành phố H là tài sản
riêng của bà Th. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định văn bản công chứng trên đã vi phạm
điều cấm vì khi thỏa thuận nhà đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất (nhà đất mới ký hợp đồng mua bán với công ty Đầu
tư- Xây dựng GV). Văn bản công chứng trên căn cứ vào hợp đồng mua bán nhà, các
giấy tờ liên quan và ý chí của hai bên thỏa thuận tài sản trên là của bà Th vì
tiền mua là của riêng bà Th là có căn cứ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố
văn bản Công chứng trên vô hiệu là không đúng theo quy định của Điều
128 BLDS năm 2005 (nay là Điều 123 BLDS năm 2015).
Mặt khác, tại phiên Tòa sơ thẩm, bị
đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện do đã hết thời hiệu, đề nghị hội đồng
xét xử đình chỉ giải quyết vụ án. Căn cứ “Văn bản thỏa thuận tài sản riêng vợ chồng”
công chứng ngày 19/6/2013, ngày 29/8/2016 nguyên đơn mới khởi kiện. Theo quy định
tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 159 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ
sung năm 2011), Điểm e Khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 về
áp dụng thời hiệu, Điều 429 BLDS năm 2015 do đương sự có
yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải
quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết nên Tòa án cấp
sơ thẩm giải quyết là không đúng mà phải Đình chỉ giải quyết vụ án.
4.2.2. Vi phạm của bản án, quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
- Về tính lãi
Ngày 27/6/2011 Ngân hàng Đông Á ký hợp
đồng vay vốn số K2340/1 với anh Vũ Tiến H và chị Phạm Thị V nội dung anh H và
chị V vay Ngân hàng 295.000.000 đồng, lãi suất trong hạn là 28%/năm, thời hạn từ
ngày 27/11/2011 đến 27/01/2013 (hợp đồng có thể hiện về mục đích vay và tài sản
thế chấp là nhà và quyền sử dụng đất). Do không trả được nợ
nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu vợ chồng anh H, chị V trả nợ cho Ngân hàng. Tòa
án cấp sơ thẩm quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Đông Á, buộc
anh H, chị V phải trả cho Ngân hàng nợ gốc: 295.000.000 đồng, lãi trong hạn là:
41.988.333 đồng, lãi quá hạn là: 171.739.166 đồng (295.000.000 đồng x 1,5 x 28%
/12/30 x 499 ngày). Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Khoản 2 Điều 305
BLDS năm 2005 buộc anh H, chị V phải trả lãi suất trong hạn là 28% và lãi suất quá hạn là 150% của 28% là không đúng. Trường hợp này cần áp dụng Khoản 1, Khoản 2 Điều 476 BLDS năm 2005 quy định lãi suất các
bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà
nước công bố đối với loại cho vay tương ứng và trường hợp không xác định rõ lãi
suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng
Nhà nước công bố (Vụ án này xét xử theo quy định của BLDS 2005).
- Về xác
định không đúng quan hệ tranh chấp
Vụ “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”,
giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Ngọc M với bị đơn là bà Đào Thị B, chị Đinh Thị
Trúc H, anh Đinh Phước C. Ông M căn cứ vào giấy biên nhận
nợ giữa ông với ông Đinh Phước H (ông H là chồng bà B và là bố của chị H và anh
C đều là bị đơn) lập ngày 28/9/2009, ông H có vay của ông là 300.000.000 đồng,
thời hạn là 10 ngày. Do ông H không trả nợ đúng hẹn nên ngày 25/7/2014 ông M khởi
kiện. Ông H chết ngày 30/6/2013 nên Tòa án cấp sơ thẩm đã ra Quyết định đình chỉ
số 32/QĐST-DS ngày 21/7/2015 với lý do ông H đã chết trước khi bị khởi kiện.
Ngày 25/7/2015 ông M lại tiếp tục khởi kiện yêu cầu vợ con ông H trả nợ cho ông
theo giấy biên nhận nợ trên.Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2016/DSST ngày
24/02/2016 đã quyết định buộc bà Đào Thị B, chị Đinh Thị Trúc H, anh Đinh Phước
C trả cho ông M số tiền gốc và lãi theo quy định của pháp luật. Thực chất đây
là tranh chấp hợp đồng vay tài sản, nhưng khi ông M khởi
kiện lần 2 thì ông H đã chết, lẽ ra Tòa án phải hướng dẫn ông M khởi kiện về
“Thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại” theo Điều 637 Bộ luật
dân sự 2005 đối với hàng thừa kế và người thừa kế quản lý tài sản của ông H
chết để lại. Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định quan hệ “Tranh chấp hợp đồng vay
tài sản” và buộc vợ con ông H phải trả số tiền Vay trên cho ông M là không có
căn cứ.
4.2.3. Vi phạm của bản án, quyết định
giải quyết vụ án tranh chấp thừa kế
- Về xác
minh nguồn gốc, các di sản thừa kế, công sức bảo quản,
duy trì khối tài sản, tính sai án phí
Nguyên đơn ông Nguyễn Văn N căn cứ
GCNQSD đất số 950/QSDĐ ngày 24/4/1995 của Ủy ban nhân dân huyện BC cấp cho hộ
ông Nguyễn Văn Đ yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích đất 5.751m2 tọa lạc tại xã VL A, huyện BC, thành phố H cho 5 thành
viên trong gia đình. Bị đơn ông Nguyễn Văn T không đồng ý chia vì đất là của
cha bị đơn là ông Nguyễn Văn Đ để lại và sau năm 1995 ông giao lại cho con trai
là Nguyễn Thanh T sử dụng cho đến nay là 2.753m2. Tòa án cấp sơ thẩm
chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn và buộc ông T phải chịu án phí có
giá ngạch.
Ủy ban nhân dân huyện BC có văn bản
xác định nguồn gốc đất là của cụ Nguyễn Văn D (cha của ông Đ) để lại cho ông Đ.
Ngày 24/4/1995 Ủy ban nhân dân huyện BC cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
cho ông Nguyễn Văn Đ, hồ sơ cấp giấy chứng nhận của hộ ông
Đ hiện không còn lưu trữ đầy đủ. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ đất có
nguồn gốc của cụ D để lại cho ông Đ thì tại sao lại cấp cho hộ ông Đ mà không cấp
cho cá nhân ông Đ. Nếu Ủy ban nhân dân huyện BC xác định cấp
cho hộ ông Đ là đúng thì tại thời điểm cấp giấy chứng nhận thì hộ ông Đ có bao
nhiêu thành viên, gồm những ai, trong giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất không thể hiện, cần phải xác minh làm rõ vấn đề trên, từ đó mới xác
định di sản của ông Đ để lại và xem
xét yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào trình bày của nguyên đơn để chấp nhận yêu cầu khởi
kiện của nguyên đơn là chưa đủ căn cứ vững chắc. Trong vụ án này Tòa án không
chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Thanh T là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên
quan có yêu cầu độc lập công nhận phần đất 2.753m2 mà cha ông và ông
sử dụng từ năm 1975 đến nay (phần đất này nằm trong 5.751m2
chia thừa kế), nhưng Tòa án không xem xét công sức quản lý, tôn tạo di sản thừa
kế là trái với Án lệ số 05/2016/AL của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố
ngày 06/4/2016. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông T công nhận
phần đất 2.753m2, không tranh chấp giá trị quyền sử dụng đất, nhưng
buộc ông T phải chịu án phí có giá ngạch là không đúng quy định theo Điều 22 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp,
quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án.
- Về
xác định thời điểm di chúc có hiệu lực
Cố Nguyễn Viết Gh (chết lúc các con
còn nhỏ) và cố Trần Thị G (chết năm 1988) có 8 người con chung là: Cụ Nguyễn Thị
Tr (có con là Nguyễn Thị S), cụ Nguyễn Văn Ng, cụ Nguyễn Văn Nh; cụ Nguyễn Thị
N, cụ Nguyễn Thị Th; Cụ Nguyễn Thị Kh, cụ Nguyễn Thị H; cụ Nguyễn Văn Q. Sau
khi các con trưởng thành cố G sống với cụ Ng, cụ Th và bà s. Sau khi cố G chết, cụ Ng, cụ Th, bà S cùng chung sống (cả 3 không lập gia đình).
Ngày 01/6/1998, cụ Ng di chúc để lại toàn bộ tài sản (gồm diện tích đất:
1.789,4m2, 02 căn nhà) của cụ Ng sau khi cụ Th, bà S chết thì cụ Q
được trọn quyền sử dụng, kể cả khi cụ Q yếu hoặc bệnh tật, cụ Q có quyền di
chúc cho con cụ Q nhưng vẫn phải thực hiện theo lời di chúc của cụ Ng. Ngày
20/6/1999, cụ Ng lập giấy ủy quyền cho cụ Q được sử dụng
diện tích đất 1.789,4m2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất. Tháng 7 năm 2010 cụ Ng chết. Ngày 21/5/2014, cụ Q khởi kiện yêu cầu chia
thừa kế và được Tòa án chấp nhận.
Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu chia
thừa kế của cụ Q là không đúng vì theo nội dung di chúc, đây là trường hợp hạn
chế phân chia di sản theo ý chí của người lập di chúc theo
quy định của Điều 661 BLDS. Theo đó, cụ Q chỉ được quyền sở
hữu nhà và quyền sử dụng đất khi cụ Th và bà S chết. Do đó, khi cụ Th và bà S
chưa chết thì di chúc chưa có hiệu lực.
- Về
xác định tính hợp pháp của di chúc
Cố Nguyễn Văn C và cố Trương Thị T có
6 người con là cụ Nguyễn Văn Ng (chết ngày 05/3/1989 có con là ông Nguyễn Văn
Ngh); cụ Nguyễn Văn Nh không có vợ con (đã chết ngày 23/01/2008); cụ Nguyễn Thị
H, cụ Nguyễn Thị Q, cụ Nguyễn Thị Chi H đều không có chồng con và đã chết; cụ
Nguyễn Thị G (có chồng đã chết) có 01 con là ông Nguyễn Minh H. Sinh thời hai cố
tạo lập được căn nhà tại 218 và 220 ĐT, Quận 1, thành phố
H. Cố C chết ngày 09/8/1957, không để lại di chúc. Ngày
25/10/1969 cố T lập chúc thư có đồng ý và ký tên của 5 người con là cụ Ng, cụ
H, cụ Q, cụ Chi H và cụ G với nội dung để lại nhà 218 ĐT cho cụ Ng và nhà 220
ĐT cho cụ Nh. Ngày 17/01/1979 cố T chết.
Ngày 24/9/2003, cụ Nh đang sống tại
Pháp lập di chúc để toàn bộ tài sản của cụ Nh cho ông Nguyễn Minh H. Cụ Nh chết
ngày 23/01/2008. Phần di sản tại Pháp ông H đã nhận. Riêng
căn nhà số 220 ĐT, khi ông H về Việt Nam làm thủ tục kê khai, thì phát hiện ông
Ngh (người được cụ Nh giao quản lý nhà 220 ĐT vào khoảng năm 1984) đang làm thủ
tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Nên ông H khởi kiện đòi lại nhà.
Tòa án sơ thẩm bác yêu cầu của ông H,
với lý do di chúc của cụ Nh ngày 24/9/2003 (lập tại Pháp) không hợp pháp là
không đúng bởi lẽ: Di chúc cụ Nh lập tại Văn phòng công chứng của Pháp, cho ông
H toàn bộ tài sản, Di chúc này đã được hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt
Nam tại Cộng hòa Pháp, nên phải công nhận.
- Về
xác định di sản thừa kế không đúng
Ông Dương Bá A và bà Trần Thị H có 6
người con là chị Dương Thùy Tr, chị Dương Cẩm T, anh Dương
Bá Th, anh Dương Thanh K, anh Dương Thành V, chị Dương Thanh U. Năm 1983, ông A và bà H ly hôn. Từ năm 1984, ông A sống tại ấp 2 xã
NP chung sống như vợ chồng với bà Tạ Thị N ở ấp 6 xã NP. Quá trình chung sống
ông A, bà N có 02 người con chung là Dương Bá L và Dương Tuấn Kh; năm 1995 nhà
nước cấp 17.165m2 đất nông nghiệp do bà N đứng tên tại ấp 6 xã NP.
Năm 2007, ông A chết. Ngày 17/3/2008, chị Tr yêu cầu chia di sản thừa kế của
ông A theo pháp luật với diện tích đất nêu trên.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định ông A chết
không để lại di chúc, nên hàng thừa kế của ông A là 9 người gồm các con của ông
A với và bà H (6 người), các con của ông A với bà N (2 người), và bà N. Chấp nhận
yêu cầu chia thừa kế của chị Tr, xác định 1/2 diện tích đất
trên là di sản và chia cho 9 người thừa kế của ông A. Việc
chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của Tòa án là không đúng vì: Tại Điều
6 Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ quy định về việc giao đất
nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản
xuất nông nghiệp quy định: “Đối tượng
giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài là
nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương, kể cả những người đang làm
nghĩa vụ quân sự”. Do ông A không có cùng hộ khẩu thường
trú với bà N tại ấp 6 xã NP, nên ông A không thuộc diện được cấp đất nông nghiệp
tại ấp 6 xã NP. Trong vụ án này Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định diện tích đất
nêu trên là di sản thừa kế của ông A là không chính xác.
- Về
chia và xác định giá trị thực tế của mỗi kỷ phần
Cố Nguyễn Văn T (chết năm 1939) và cố
Nguyễn Thị Đ (chết năm 1962) có 08 người con là các cụ Nguyên Văn Kh, cụ Nguyễn
Thị L, cụ Nguyễn Văn Ph, cụ Nguyễn Văn Th, cụ Nguyễn Thị N, cụ Nguyễn Thị H, cụ
Nguyễn Thị V, cụ Nguyễn Thị L. Di sản thừa kế là 01 ngôi nhà gạch 2 tầng trên
diện tích 286m2 (chiều ngang mặt phố là 5m, chiều dài 51m) hiện do hai cháu nội cụ Kh đang quản lý sử dụng. Ngày 03/12/1997, bà
Hoàng Thị Bích Ng (con duy nhất của cụ Nguyễn Thị N) khởi kiện yêu cầu chia thừa
kế theo pháp luật. Tại bản án dân sự sơ thẩm quyết định chia hiện vật cho hàng
thừa kế của cố T và cố Đ (con của hai cố chết, các cháu được hưởng). Chia cho
nguyên đơn chiều ngang mặt phố là 1,8m x 10,30m chiều dài = 18,54m2, phần diện tích đất còn lại là của bị
đơn.
Trong vụ án này việc chia thừa kế cho
kỷ phần của cụ N là 1,8m chiều ngang mặt phố là ảnh hưởng quyền lợi của người
thừa kế khác. Mặc dù kỷ phần được chia của nguyên đơn ít hơn so với các kỷ phần
thừa kế khác 286m2/8 kỷ phần là 35,75m2/01 kỷ phần, nhưng
nguyên đơn lại được chia 1,8m chiều ngang mặt đường, diện
tích 18,54m2 (trong khi mỗi kỷ phần chỉ được
0,6m ngang mặt đường) là ảnh hưởng đến quyền lợi của kỷ phần thừa kế khác (về thực tế đất mặt đường có giá trị hơn rất nhiều lần đất
phía trong). Ngoài ra, diện tích đất chia cho nguyên đơn, có chiều rộng nhỏ hơn
3m, do đó không đủ điều kiện để xây dựng công trình theo quy định của Điều 6
Quyết định số 79/2007/QĐ-UBND ngày 11/7/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố H.
4.2.4. Vi phạm của bản án, quyết định
giải quyết vụ án hôn nhân gia đình
- Về
thay đổi người trực tiếp nuôi con
Ngày 01/7/2008, Tòa án sơ thẩm ra Quyết
định số 50/2008/QĐ-ST-HNGĐ công nhận thuận tình ly hôn của anh Nguyễn Đức Tr và
chị Khổng Thị H theo đó hai con chung, anh Tr nuôi cháu Nguyễn Đức Th sinh ngày
18/10/2006, chị H nuôi cháu Nguyễn Thị Như Ph sinh ngày 21/9/2000. Sau khi ly
hôn, anh Tr và cháu Th ở cùng ông K, bà Đ (ông bà nội của cháu Th). Ngày
09/7/2018, anh Tr chết, chị H có làm đơn yêu cầu thay đổi
người trực tiếp nuôi cháu Th. Tại bản án sơ thẩm quyết định công nhận cho ông K
và bà Đ được trực tiếp nuôi dưỡng cháu Th. Việc quyết định của Tòa án là không
đúng quy định vì: Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình cha mẹ là người
có quyền và nghĩa vụ trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Tại Điểm b,
Khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình quy định về thay đổi người trực
tiếp nuôi con sau khi ly hôn khi: “Người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện
trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con mặt khác Điều
104, Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình quy định ông bà nội chỉ có nghĩa vụ
chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Th trong trường hợp cha mẹ hoặc anh, chị em
của cháu không còn. Anh Tr đã chết do đó cần phải giao
cháu Th cho chị H nuôi.
- Về
tính công sức đóng góp của các bên khi chia tài sản
Vụ án “Tranh chấp tài sản sau ly hôn”
giữa nguyên đơn là Bà Bùi Thị Ph và bị đơn là ông Trần Đình Kh. Tài sản tranh
chấp trong vụ án này là phần đất có diện tích 132,2 m2, trên đất có 2
căn nhà cấp 4 tọa lạc tại 271 PCT, thành phố BMT. Bà Ph
cho rằng, nhà là tài sản chung còn phần đất này là tài sản riêng của bà do bà mua trước khi kết hôn với ông
Kh. Ông Kh thì cho rằng nhà, đất đều là tài sản chung của hai người vì ông có
đóng góp tiền mua cùng bà Ph. Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 01/01/1990 bà Ph nhận
chuyển nhượng lô đất trên của bà Bùi Thị T với giá 16 chỉ vàng. Đến ngày 29/12/1990, bà Ph kết hôn với ông Kh. Sau khi kết hôn hai người
cùng xây nhà chung sống trên diện tích đất này. Ngày 06/9/1999, bà Ph và ông Kh
cùng viết “Giấy bán đất ở”, bán cho vợ chồng ông Phan B V2 lô đất (diện tích
125m2) nói trên. Diện tích đất còn lại, bà Ph làm thủ tục kê khai cấp
GCNQSD đất và ngày 15/9/2006, Ủy ban nhân dân thành phố BMT đã cấp GCNQSD đất số
AG871092 cho hộ bà Bùi Thị Ph và chồng là Trần Đình Kh đối với diện tích đất
132,2m2 tại số 271 PCT, thành phố BMT. Sau khi được cấp GCNQSD đất
có tên ông Kh bà Ph không có khiếu nại (do Ph bà đứng tên kê khai). Tại bản án
sơ thẩm của TAND thành phố BMT, xác định nhà đất số 271 PCT, thành phố BMT có tổng trị giá là 2.320.742.800 đồng là tài sản chung của ông Kh
và bà Ph và chia cho bà Ph được hưởng toàn bộ nhà, đất; bà có trách nhiệm bù
chênh lệch tài sản cho ông Kh là 1.100.000.000 đồng. Việc Tòa án các sơ thẩm
xác định nhà tranh chấp là tài sản chung của bà Ph và ông Kh là đúng vì có cơ sở
xác định bà Ph đã tự nguyện nhập phần đất nêu trên vào khối tài sản chung của vợ
chồng. Qua định giá xác định trị giá quyền sử dụng đất và nhà là 2.320.742.800
Tòa án chia cho bà Ph được hưởng 1.220.742.800 đồng, ông Kh được hưởng 1.100.000.000đồng là không đúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền
lợi của bà Ph vì bà Ph là người có công lớn trong việc tạo dựng khối tài sản
chung (quyền sử dụng đất)
- Về
tuyên án không rõ nên không thi hành án được
Vụ án “xin ly hôn” giữa nguyên đơn là
anh Lê Xuân S với bị đơn là chị Nguyễn Thị H. Tài sản tranh chấp là căn nhà cấp
4 và một số công trình phụ khác nằm trên diện tích đất 120m2. Theo
anh S, trước khi kết hôn với chị H, anh được anh trai là
Lê Văn T cho mượn một căn nhà cấp 4 xây trên diện tích 120m2. Sau
khi kết hôn, vợ chồng có xây thêm một gian bếp, công trình phụ, bờ kè, tường, cổng
sắt. Chị H cho rằng, khi về sống chung vợ chồng có xây các công trình như anh S
khai, ngoài ra còn xây thêm bể nước, đổ 100 xe đất xuống mương nước vào vườn
nhà, khai phá được 250m2. Chị yêu cầu anh S
chia cho chị một gian nhà mà vợ chồng xây thêm, 1/2 diện
tích đất khai phá.
Tòa án cấp sơ thẩm quyết định:
"... tạm giao cho chị H sử dụng một gian nhà 7,81 m2, một bể nước
phía trước và phần đất 36 m2 (vườn tạp) trước thửa 21, tờ bản đồ số
28 trong so địa chính mang tên anh Lê Văn S có kích thước dài 06 m sát bờ kè
phía trước giáp nhà anh Trung, rộng 06m kéo từ kè sân nhà anh S ra phía bờ suối,
đi theo lối sau nhà ngang phía vườn cạnh nhà anh Tr... ”,
Căn cứ các tài liệu kèm theo, cũng
như các tài liệu trong hồ sơ vụ án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, khi
phân chia tài sản chung là bất động sản, Tòa án cấp sơ thẩm
quyết định tạm giao cho chị H sử dụng 01 gian nhà diện tích 7,81m2 và 01 bể nước, nhưng không xác định cụ thể các tài sản
này nằm trên phần đất ở vị trí nào, không xác định cụ thể lối đi vào phần nhà,
đất mà chị H được tạm giao. Đối với diện tích đất 36m2 (vườn tạp), Tòa
án tuyên tạm giao cho chị H sử dụng có vị trí, tứ cận hai bên nhưng không xác định
được ranh giới trên thực địa, dẫn đến quyết định của bản
án không thể thi hành được.
III. XỬ LÝ ĐỐI VỚI
VI PHẠM ĐÃ PHÁT HIỆN
Trên cơ sở nghiên
cứu hồ sơ giải quyết vụ việc dân sự và kết quả kiểm sát bản án, quyết định sơ
thẩm giải quyết vụ án dân sự của Tòa án, trường hợp phát hiện vi phạm thì thực
hiện theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 Quy định về quy
trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án
ban hành kèm theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Về căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm: BLTTDS
năm 2015 không quy định cụ thể căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với
bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Tuy
nhiên, có thể vận dụng quy định tại các Điều 309, 310 BLTTDS
năm 2015 là căn cứ để Viện kiểm sát thực hiện thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm.
- Điều 309 BLTTDS năm
2015 quy định: Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án
sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong các trường
hợp sau đây:
+ Việc thu thập chứng cứ và chứng
minh đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật
này;
+ Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên
tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ.
Nghĩa là, việc thu thập chứng cứ và
chứng minh đã được thực hiện đúng, đầy đủ theo đúng quy định của BLTTDS, nhưng
bản án sơ thẩm lại quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện,
yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự không đúng pháp luật, không phù hợp
với chứng cứ, chứng minh đã được thu thập trong hồ sơ vụ án hoặc quyết định áp
dụng án phí không đúng.
- Điều 310 BLTTDS năm
2015 quy định: Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản
án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án
theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Việc thu thập chứng cứ và chứng
minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật
này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực
hiện bổ sung được;
+ Thành phần của Hội đồng xét xử sơ
thẩm không đúng quy định của Bộ luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về
thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của
đương sự.
Nghĩa là, khi phát hiện việc chưa thu
thập đúng và đầy đủ chứng cứ và chứng minh nhưng bản án sơ
thẩm đã quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản
tố, yêu cầu độc lập của đương sự không đúng pháp luật hoặc có vi phạm nghiêm trọng
khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp
pháp của đương sự, cần xác định đó là căn cứ để Viện kiểm sát thực hiện thẩm
quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Trên đây là Hướng dẫn phát hiện vi phạm
của bản án, quyết định sơ thẩm giải quyết các vụ việc dân sự, thực hiện thẩm
quyền kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm nhằm giảm
tỷ lệ bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy có
trách nhiệm của Viện kiểm sát ngang cấp; đồng thòi, nâng cao tỷ lệ, chất lượng
kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp. Quá trình thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc Viện kiểm sát nhân dân các cấp tổng hợp, phản ánh về Viện
kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 9) để xem xét, bổ sung cho
phù hợp với thực tiễn./.
Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng
VKSNDTC (để b/c);
- Đ/c Trần Công Phàn, PVT VKSNDTC (để b/c);
- VKSND cấp cao 1,2,3;
- VKSND tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện);
- Văn phòng VKSNDTC (để theo dõi);
- Lãnh đạo,công chức Vụ 9;
- Lưu: VT, Vụ 9.
|
TL.
VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ, VIỆC DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Vương Văn Bép
|