VIỆN KIỂM
SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 29/HD-VKSTC
|
Hà Nội, ngày
01 tháng 11 năm 2018
|
HƯỚNG DẪN
PHÁT HIỆN VI PHẠM VÀ THỰC HIỆN QUYỀN KHÁNG NGHỊ ĐỐI VỚI NHỮNG
VI PHẠM TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, VỤ VIỆC KINH DOANH THƯƠNG MẠI,
LAO ĐỘNG, PHÁ SẢN VÀ XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017
của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát
nhân dân năm 2018; Kế hoạch số 03/KH-VKSTC ngày 26/12/2017 của Viện kiểm sát
nhân dân tối cao về công tác trọng tâm năm 2018. Vụ kiểm sát việc giải quyết
các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc
khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) có nhiệm vụ: “Hướng dẫn phát
hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị đối với những vi phạm
trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại,
lao động, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử
lý hành chính tại Tòa án nhân dân”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác năm
2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân cấp
cao, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số nội
dung trong việc phát hiện vi phạm của Tòa án và thực hiện quyền kháng nghị như
sau:
I. VỀ ĐỐI TƯỢNG KHÁNG NGHỊ
1. Theo thủ tục phúc
thẩm
- Đối với vụ án hành chính: Đối tượng
kháng nghị gồm Bản án sơ thẩm; Quyết định tạm
đình chỉ; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án
của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết
lại theo thủ tục phúc thẩm.
- Đối với vụ việc kinh doanh thương mại, lao động: Đối tượng
kháng nghị gồm Bản án sơ thẩm; Quyết
định tạm đình chỉ giải quyết vụ án kinh
doanh thương mại, lao động; Quyết định đình chỉ giải quyết
vụ án kinh doanh thương mại, lao động của Tòa án cấp
sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ
tục phúc thẩm.
- Đối với thủ tục phá sản:
Đối tượng kháng nghị gồm các quyết định giải quyết phá sản của
Tòa án nhân dân: Quyết định mở hoặc không mở thủ
tục phá sản; Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã
phá sản.
- Đối với xem xét, quyết định
áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp
lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình
tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử
lý hành chính tại Tòa án nhân dân, sau đây viết tắt là Pháp lệnh 09): Đối
tượng kháng nghị gồm Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định
không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết
định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
2. Theo thủ
tục giám đốc thẩm, tái thẩm
(Chỉ áp dụng đối với vụ án hành
chính, vụ việc kinh doanh thương mại và lao động)
Đối tượng kháng nghị gồm Bản án; Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp
luật.
II. NỘI DUNG,
PHƯƠNG PHÁP PHÁT HIỆN VI PHẠM ĐỂ THỰC HIỆN QUYỀN KHÁNG NGHỊ
A- ĐỐI VỚI ÁN
HÀNH CHÍNH
1. Phát hiện
vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm
1.1. Kiểm sát quyết định tạm
đình chỉ
Để kiểm sát Quyết định tạm đình chỉ của Tòa án, Kiểm sát viên cần yêu cầu Tòa án cung cấp
hồ sơ vụ án tạm đình chỉ và đối chiếu với các
căn cứ như sau:
* Xem xét về tố tụng
Đối chiếu với quy định tại Khoản 1 Điều 141 Luật tố tụng hành chính để xác định căn cứ Tòa
án ra quyết định tạm đình chỉ:
+ Đương sự là cá nhân đã chết, cơ
quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản mà chưa có
cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng;
+ Đương sự là người mất năng lực
hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo
pháp luật;
+ Đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử
mà một trong các đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng, trừ trường hợp
có thể xét xử vắng mặt đương sự;
+ Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan khác hoặc kết quả giải quyết
vụ, việc khác có liên quan;
+ Cần đợi kết quả giám định bổ
sung, giám định lại; cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập
chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của
Tòa án mới giải quyết được vụ án;
+ Cần đợi kết quả xử lý văn bản
quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến
pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án
đã có văn bản kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc
bãi bỏ văn bản đó.
- Xem xét về quyền kháng cáo, ủy
quyền kháng cáo.
* Xem xét về nội dung
- Nghiên cứu kỹ các nội dung trong
phần “xét thấy” của Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
- Đối chiếu các tài liệu, chứng cứ
trong hồ sơ với quy định của pháp luật để Tòa án làm
căn cứ ban hành quyết định tạm đình chỉ.
Trường hợp phát hiện Quyết định tạm
đình giải quyết vụ án của Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh
hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc không có căn cứ thì Viện
kiểm sát quyết định kháng nghị phúc thẩm.
1.2. Kiểm sát Quyết định đình
chỉ
Để kiểm sát Quyết
định đình chỉ của Tòa án, Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ vụ án
đình chỉ giải quyết và đối chiếu với các căn cứ như sau:
* Xem xét về tố tụng
- Đối chiếu với các quy định tại Khoản 1 Điều 143 Luật tố tụng hành chính
+ Người khởi kiện là cá nhân đã chết
mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc
tuyên bố phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ
tố tụng;
+ Người khởi kiện rút đơn khởi kiện
trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của
mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người
khởi kiện đã rút;
+ Người khởi kiện rút đơn khởi kiện,
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập;
+ Người khởi kiện không nộp tiền tạm
ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không nộp tiền tạm ứng chi phí định
giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Luật này thì Tòa án đình
chỉ việc giải quyết yêu cầu độc lập của họ;
+ Người khởi kiện đã được triệu tập
hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử
vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
+ Người bị kiện hủy bỏ quyết định
hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại
về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi
kiện và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu;
+ Thời hiệu khởi kiện đã hết;
+ Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này mà Tòa án đã
thụ lý.
- Xem xét về quyền kháng cáo, ủy
quyền kháng cáo.
* Xem xét về nội dung
- Nghiên cứu kỹ nội dung phần “xét
thấy” của Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
- Đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ với quy định của pháp luật để
Tòa án làm căn cứ ban hành Quyết định đình chỉ.
- Xem xét hậu
quả của Quyết định đình chỉ về quyền khởi kiện và xử lý tiền tạm ứng án phí, lệ
phí của Tòa án theo quy định tại Điều 144 Luật tố tụng hành
chính.
Trường hợp phát hiện Quyết định
đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh
hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc không có căn cứ thì Viện
kiểm sát quyết định kháng nghị phúc thẩm.
1.3. Đối với vụ án đã xét xử sơ
thẩm
* Xem xét về tố tụng
- Xem xét thời hiệu khởi kiện, nội
dung khởi kiện, khởi kiện bổ sung, đối tượng
khởi kiện, phạm vi khởi kiện, quyền khởi kiện của các đương sự và xác định tư
cách tham gia tố tụng của đương sự.
- Xác định đối tượng bị khởi
kiện để xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án.
- Đối với việc thụ lý, giải quyết
yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Cần phải xem đương
sự có thực hiện đúng thời điểm, trình tự, thủ
tục, nội dung yêu cầu độc lập.
- Xem xét những người tiến hành tố
tụng, thành phần Hội đồng xét xử, tư cách pháp lý của những người tham gia tố tụng
tại phiên tòa, phiên họp.
- Xem xét việc cung cấp tài liệu,
chứng cứ của các đương sự theo yêu cầu của Tòa án về trình tự, thủ tục và thời
hạn, lý do cung cấp không đúng thời hạn. Việc Tòa án sử dụng tài liệu, chứng cứ
mà đương sự cung cấp không đúng thời hạn (làm căn cứ) để ban hành bản án, quyết
định.
- Việc thu thập tài liệu, chứng cứ
của Tòa án không đầy đủ, Viện kiểm sát đã yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ tại
phiên tòa nhưng Tòa án không chấp nhận, vẫn tiến hành xét xử.
* Xem xét về nội dung
- Xem xét việc đánh giá chứng cứ của Tòa án.
- Xem xét việc Tòa án áp dụng hoặc
không áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Quyết định về án phí, giá ngạch trong trường hợp có yêu cầu về dân sự có gây thiệt hại nghiêm
trọng cho Nhà nước. Các trường hợp được miễn án phí
theo quy định.
- Xem xét, đối
chiếu biên bản phiên tòa với phần nội dung bản án, quyết định để phát hiện
sự mâu thuẫn giữa nội dung bản án và biên bản phiên tòa.
- Nghiên cứu,
xem xét, đối chiếu phần nhận định và phần quyết định của bản án để phát hiện mâu thuẫn trong bản án.
- Khi xem xét
phần quyết định của bản án phải xem các tài liệu, chứng cứ Tòa
án dùng làm căn cứ để Tòa án quyết định
không chấp nhận yêu cầu khởi kiện hoặc chấp nhận một phần hay toàn bộ yêu cầu
khởi kiện.
- Việc áp dụng quy định của pháp
luật về nội dung và các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan.
Trong quá trình kiểm sát, từ kết
quả nghiên cứu, xem xét, đối chiếu với các quy định của pháp luật về tố tụng và
nội dung như trên, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại đến quyền
và lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba hoặc của Nhà nước thì Viện kiểm sát quyết định kháng nghị phúc thẩm.
2. Phát hiện
vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
2.1. Đối với Quyết định công nhận
kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án
* Xem xét về tố tụng
- Xem xét về thời hạn, trình tự,
thủ tục ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ giải quyết vụ
án theo quy định tại Điều 140 Luật tố tụng hành chính.
* Xem xét về nội dung
- Xem xét kỹ nội dung các chứng cứ, tài liệu mà
các bên đương sự gửi cho Tòa án như: Quyết định hành chính mới thông báo về việc
chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu kiện, việc rút đơn khởi kiện kèm theo cam
kết tại phiếu đối thoại.
- Nghiên cứu, xem xét nội dung của
Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ giải quyết vụ án mà các
đương sự đã thống nhất và cam kết có bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái
pháp luật, trái đạo đức xã hội.
- Nghiên cứu, xem xét các tài liệu
để Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành gồm: Biên bản phiên họp
kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; nội dung biên bản đối thoại
theo quy định tại Điều 139 Luật tố tụng hành chính.
Từ kết quả nghiên cứu, xem xét, đối
chiếu với quy định của pháp luật về tố tụng và nội dung như trên, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích
hợp pháp của đương sự, của nhà nước thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
2.2. Đối với vụ án đã xét xử và
có hiệu lực pháp luật
* Xem xét đơn đề nghị, thông
báo, kiến nghị
- Xem xét đơn đề nghị kháng nghị
giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự. Xem xét về thời hạn gửi đơn đề nghị kháng
nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 256 Luật tố tụng hành chính.
- Xem xét thông báo, kiến nghị
phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật đề nghị kháng nghị giám đốc
thẩm, tái thẩm của các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Khoản
2, Điều 256 Luật tố tụng hành chính.
* Xem xét hồ sơ vụ án
- Xem xét về tố tụng
+ Nghiên cứu đơn khởi kiện của
đương sự để xác định yêu cầu khởi kiện của đương sự và xác định tư cách tham gia
tố tụng của đương sự.
+ Xác định quyền khởi kiện của
đương sự, thời hiệu khởi kiện, các điều kiện khởi kiện
+ Xác định thẩm quyền thụ lý,
giải quyết vụ án: Xác định đối tượng bị khởi kiện để đối chiếu với các quy định về thẩm quyền của Tòa án tại các Điều 30, 31, 32, 33 của Luật tố tụng hành chính để xem xét về thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ
án.
+ Xem xét tư cách người tiến hành
tố tụng, thành phần Hội đồng xét xử, tư cách người tham gia tố tụng khác.
- Xem xét về nội dung
+ Xem xét các tài liệu, chứng cứ bổ
sung (nếu có).
+ Xem xét các tài liệu, chứng cứ
có trong hồ sơ vụ án; Đối chiếu các tài liệu, chứng cứ với
kết luận trong bản án, quyết định để phát hiện mâu thuẫn
giữa kết luận với tình tiết khách quan của vụ án.
+ Xem xét biên bản phiên tòa,
đối chiếu với bản án có hiệu lực pháp luật và các chứng cứ có
trong hồ sơ vụ án để phát hiện mâu thuẫn giữa nội dung bản án và biên bản
phiên tòa, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
+ Xem xét các tài liệu, chứng
cứ chứng minh việc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố
ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.
+ Xem xét việc áp dụng pháp luật của
Hội đồng xét xử khi ban hành bản án, quyết định. Hậu
quả của việc ban hành bản án quyết định gây thiệt hại đến quyền
và lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến quyền, lợi ích của người thứ ba
và của Nhà nước.
Từ kết quả nghiên cứu, xem xét nêu
trên, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật.
B- ĐỐI VỚI ÁN
KINH DOANH - THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG
1. Phát hiện
vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm
1.1. Kiểm sát Quyết định tạm
đình chỉ
Tương tự như Mục 1.1 phần A
1.2. Kiểm sát Quyết định đình
chỉ giải quyết vụ án
Tương tự như Mục 1.2 phần A
1.3. Đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm
Tương tự như Mục 1.3 phần A
2. Phát hiện
vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Tương tự như mục 2 phần A
* Lưu ý: Riêng đối với Quyết định
công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám
đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe
dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Khoản 2, Điều 213 Bộ luật tố tụng dân sự).
C- ĐỐI VỚI THỦ
TỤC PHÁ SẢN
1. Viện kiểm
sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ
tục phá sản
Viện kiểm sát nhân dân có quyền
kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản trong quá trình
kiểm sát tuân theo pháp luật đối với việc giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp
tác xã khi có căn cứ chứng minh quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản có
vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 21 Luật phá sản năm
2014.
1.1. Xem xét về tố tụng
1.1.1. Xem xét về chủ thể nộp
đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Viện kiểm sát kiểm sát thụ lý về
việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án, nếu có căn cứ chứng minh
chủ thể có quyền hoặc chủ thể có nghĩa vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản không thuộc
các trường hợp dưới đây, thì có quyền kháng nghị:
- Chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu
mở thủ tục phá sản (theo quy định tại Khoản 1, 2, 5, 6
Điều 5 Luật phá sản năm 2014):
+ Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ
có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá
sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp
tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
+ Người lao động, công đoàn cơ sở,
công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành
lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn
03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn
đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ
thanh toán.
+ Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu
từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng
có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng
thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ dưới 20% số cổ phần phổ thông
trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở
thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều
lệ công ty quy định.
+ Thành viên hợp tác xã hoặc người
đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có
quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất
khả năng thanh toán.
- Chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu
cầu mở thủ tục phá sản (theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều
5 Luật phá sản năm 2014): Khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả
năng thanh toán thì:
+ Người đại diện
theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công
ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành
viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên
hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
1.1.2. Xem xét về thẩm quyền giải quyết mở hoặc không mở thủ
tục phá sản
- Thẩm quyền giải quyết phá sản của
TAND cấp tỉnh quy định tại Khoản 1, Điều 8 Luật phá sản
năm 2014: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp
đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc
đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Vụ việc phá sản có tài sản ở nước
ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả
năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
khác nhau;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả
năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
+ Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền
của TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà TAND cấp tỉnh lấy lên
để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
- Thẩm quyền giải quyết phá sản của
TAND cấp huyện quy định tại Khoản 2, Điều 8 Luật phá sản
năm 2014
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm
quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định
tại khoản 1 Điều này.
1.2. Xem xét về nội dung quyết
định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
Tòa án ra quyết định mở thủ tục
phá sản khi có các tài liệu, chứng cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất
khả năng thanh toán (Khoản 2 Điều 42 Luật phá sản năm 2014).
Trong quá trình tiến hành kiểm sát quyết định mở thủ tục phá sản, Viện kiểm sát
nhân dân thực hiện quyền kháng nghị khi phát hiện Tòa án ra quyết định mở thủ tục
phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mất khả năng thanh toán.
Tòa án ra quyết định không mở thủ
tục phá sản khi có các tài liệu, chứng cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã
chưa mất khả năng thanh toán (Khoản 5 Điều 42 Luật phá sản năm
2014). Trong quá trình tiến hành kiểm sát quyết định mở thủ tục phá sản, Viện
kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị khi phát hiện Tòa án ra quyết định
không mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã đã mất khả năng thanh
toán.
Căn cứ vào nội dung Quyết định mở
hoặc không mở thủ tục phá sản và các tài liệu có trong hồ sơ kiểm sát vụ việc từ
khi thụ lý đơn yêu cầu đến khi Tòa án giải quyết, Viện kiểm sát cần xác định
trường hợp nào doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và trường hợp
nào doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mất khả năng thanh toán.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả
năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn
03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (Khoản 1, Điều 4 Luật
phá sản năm 2014). Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở
thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
(Khoản 1, Điều 42 Luật phá sản năm 2014).
- Trong quá trình kiểm sát việc
tuân theo pháp luật phải xem xét toàn diện, đầy đủ về các tài liệu, chứng cứ
quan trọng chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo quy
định tại khoản 3, Điều 28: Báo cáo tài chính của doanh nghiệp,
hợp tác xã trong 03 năm gần nhất hoặc toàn bộ thời gian hoạt động nếu doanh
nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động chưa đủ 3 năm; Bảng kê chi tiết
tài sản, địa điểm có tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; Bản giải trình
nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; Báo cáo kết quả thực hiện
các biện pháp khắc phục doanh nghiệp, hợp tác xã mà vẫn không khắc phục được
tình trạng mất khả năng thanh toán…
2. Viện kiểm
sát tiến hành xem xét để thực hiện kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản của
doanh nghiệp, hợp tác xã
Trong quá trình kiểm sát tuân theo
pháp luật đối với việc giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã của Tòa án,
Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh
nghiệp, hợp tác xã phá sản khi có căn cứ chứng minh Tòa án ban hành quyết định
tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã có vi phạm pháp luật (theo quy định tại Điều 21 Luật phá sản năm 2014).
2.1. Xem xét về tố tụng
- Xem xét thẩm quyền của Tòa án
trong việc giải quyết vụ việc phá sản.
- Xem xét tư cách người tham gia tố
tụng giải quyết vụ việc phá sản.
2.2. Xem xét về nội dung
2.2.1. Xem xét căn cứ của việc
tuyên bố phá sản
* Thứ nhất, trường hợp kháng
nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản khi Hội nghị chủ nợ
không thành
Điều 106 Luật phá
sản năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày nhận được báo cáo kết quả họp Hội nghị chủ nợ, Tòa án nhân dân ra quyết định
tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trong các trường hợp quy định tại khoản
3 Điều 80, khoản 4 Điều 83 và khoản 6 Điều 91 của Luật này”
Theo quy định trên, Kiểm sát viên
khi kiểm sát Quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp Hội nghị chủ nợ
không thành cần nắm rõ các căn cứ để Tòa án ra quyết định trong đó:
- Trường hợp không tổ chức được Hội
nghị chủ nợ do không đáp ứng điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ (Điều 79, Khoản 3 Điều 80 Luật phá sản năm 2014);
- Trường hợp Hội nghị chủ nợ không
thông qua được Nghị quyết theo quy định (Khoản 2 Điều 81, Khoản
4 Điều 83 Luật phá sản năm 2014);
- Trường hợp không tổ chức lại được
Hội nghị chủ nợ hoặc Hội nghị chủ nợ không thông qua được Nghị quyết về phương
án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã (Điều
90; Khoản 5, Khoản 6 Điều 91 Luật phá sản năm 2014).
*Thứ hai, trường hợp kháng nghị
quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có Nghị quyết của
Hội nghị chủ nợ
Các trường hợp Tòa án ra quyết định
tuyên bố phá sản căn cứ vào Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được quy định tại Điều 107 Luật phá sản năm 2014:
- Trường hợp Hội nghị chủ nợ đưa
ra Nghị quyết kết luận đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (điểm c khoản 1 Điều 83, điểm b khoản 2 Điều 107 Luật phá sản năm
2014). Lưu ý, kết luận trong Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua
khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng
số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành (Khoản
4 Điều 91 Luật phá sản năm 2014).
- Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác
xã không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn
quy định (Khoản 1 Điều 87, điểm a Khoản 2 Điều 107 Luật phá sản
năm 2014).
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày
Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt
động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng
phương án phục hồi hoạt động kinh doanh (bao gồm: các biện pháp để phục hồi hoạt
động kinh doanh, các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ)
và gửi cho Thẩm phán, chủ nợ, Quản trị viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài
sản cho ý kiến. Nếu phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp
tác xã mất khả năng thanh toán không được Hội nghị chủ nợ thông qua, Tòa án ban
hành quyết định công nhận phương án phục hồi hoạt động kinh doanh thì Tòa án tiếp
tục tiến hành thủ tục tuyên bố phá sản.
- Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác
xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh (điểm
c Khoản 2 Điều 107; điểm b, c Khoản 1 Điều 95; Khoản 2 Điều 96 Luật phá sản năm
2014)
Thời hạn thực hiện phương án phục
hồi hoạt động kinh doanh do Hội nghị chủ nợ quy định trong từng trường hợp cụ
thể. Nếu Hội nghị chủ nợ không xác định được thời hạn thực hiện phương án phục
hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
thì thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là không quá 3
năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh
doanh. Hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi kinh doanh mà doanh nghiệp, hợp
tác xã vẫn mất khả năng thanh toán hoặc không thực hiện được các nội dung trong
phương án phục hồi kinh doanh theo quyết định công nhận của Tòa án thì Tòa án
đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Sau đó Tòa án tiến hành thủ tục
để ban hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
2.2.2. Xem xét các nội dung của quyết định tuyên bố phá sản
Do thủ tục tuyên bố phá sản được
thực hiện trước thủ tục thanh lý tài sản, nên ngoài căn cứ của việc tuyên bố
phá sản như trên, Kiểm sát viên khi kiểm sát Quyết định tuyên bố phá sản của
Tòa án cần lưu ý các nội dung khác, trong đó:
- Danh
sách chủ nợ
- Các
khoản nợ mà doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản phải thanh toán cho các chủ nợ (kể
cả chủ nợ có bảo đảm và chủ nợ không có bảo đảm)
- Xem
xét về thứ tự phân chia tài sản: Khi xem xét phương án phân chia giá trị
tài sản trước và sau khi tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã trong
Quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án Kiểm sát viên phải đối chiếu với quy định
tại Điều 54 Luật phá sản năm 2014 về thứ tự phân chia tài sản.
- Xem xét việc chấm dứt hoạt động
doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; đình chỉ giao dịch liên quan đến doanh nghiệp,
hợp tác xã; chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi đối với doanh nghiệp, hợp tác
xã; giải quyết hậu quả của giao dịch đình chỉ; tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải
quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu; chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động;
giải quyết quyền lợi của người lao động; thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản
còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã đã được Tòa án xem xét đầy đủ chưa?
Lưu ý trong quá trình kiểm sát
thủ tục phá sản: nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng
gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, của nhà nước thì Viện
kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị đối với Quyết định mở hoặc không mở thủ tục
phá sản; Quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án. Tuy nhiên, Luật
phá sản năm 2014 không quy định Thẩm phán hoặc Tổ thẩm phán phải chuyển hồ sơ
việc phá sản cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu, xác định tính hợp pháp về
các quyết định do Thẩm phán, Tổ thẩm phán ban hành, để đảm bảo cho việc kháng
nghị của Viện kiểm sát đúng pháp luật. Do vậy, trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa
Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị các Viện kiểm sát
nhân dân địa phương cần nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá
trình kiểm sát giải quyết việc phá sản và thực hiện quyền kháng nghị của theo
quy định của Điều 21 Luật phá sản năm 2014.
D- ĐỐI VỚI VIỆC
XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
(PHÁP LỆNH 09)
Viện kiểm sát cùng cấp có quyền
kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính
khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật quy định tại Khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh số 09. Để thực hiện thẩm
quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với những quyết định cần chú ý:
1. Đối với
Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Quyết định không áp dụng biện
pháp xử lý hành chính
1.1. Về tố tụng
- Cần xem xét về
thẩm quyền của Tòa án khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành
chính theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh 09:
Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành
chính là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ sở. Tòa án nhân
dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị
khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
- Về thành phần tham gia phiên họp:
thẩm phán, thư ký phiên họp, kiểm sát viên tham gia phiên họp; đại diện cơ quan
đề nghị theo quy định tại Điều 17 Pháp lệnh 09.
- Về thời hiệu áp dụng biện pháp xử
lý hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Luật xử
lý vi phạm hành chính.
- Xem xét các trường hợp Thẩm phán
yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung tài liệu chứng cứ theo quy định của Khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh 09:
Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị
bổ sung tài liệu, chứng cứ trong các trường hợp: Khi phát hiện tài liệu chứng
minh hành vi vi phạm của người bị đề nghị, tài liệu về nhân thân, tình trạng sức
khỏe của người bị đề nghị chưa rõ hoặc có mâu thuẫn mà không thể bổ sung, làm
rõ tại phiên họp; Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục đề
nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
1.2. Về nội dung
- Sau khi nghiên cứu hồ sơ và các
tài liệu, chứng cứ liên quan, đối chiếu với các quy định của
pháp luật để xem xét, đánh giá tính có căn cứ và hợp pháp
của các Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định không áp dụng
biện pháp xử lý hành chính nhằm phát hiện vi phạm. Khi xác định vi phạm
của Tòa án đến mức nghiêm trọng thì Viện kiểm sát cùng cấp thực
hiện quyền kháng nghị.
- Xem xét nội dung các Quyết định áp
dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành
chính theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh 09 về lý do và căn cứ để ra quyết định, chú ý về thời
gian chấp hành bắt đầu từ khi nào, kết thúc khi nào, hiệu lực của quyết định.
- Xem xét việc Tòa án xác định người
bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính về đối tượng, cụ thể:
+ Đối tượng bị áp dụng biện
pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Điều 92 Luật xử
lý vi phạm hành chính năm 2012: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có
dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật
hình sự; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của
một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự; Người từ đủ
14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm
trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần
trở lên trong 6 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật
tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp
dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
Không áp dụng
biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây: Người không
có năng lực trách nhiệm hành chính; người đang mang thai có chứng nhận của bệnh
viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp
xã nơi người đó cư trú xác nhận.
+ Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt
buộc theo quy định tại Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính
năm 2012: là người thực
hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản,
sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự,
an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách
nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc
chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định;
Không áp dụng biện
pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với các trường hợp sau đây: Người
không có năng lực trách nhiệm hành chính; Người chưa đủ 18 tuổi; Nữ trên 55 tuổi,
nam trên 60 tuổi; Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; Phụ nữ hoặc
người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư
trú xác nhận.
+ Đối
tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định tại Điều 96 Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012: là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện
pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Không áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây: Người
không có năng lực trách nhiệm hành chính; Người đang mang thai có chứng nhận của
bệnh viện; Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được
Ủy ban nhân dân cấp xã
nơi người đó cư trú xác nhận.
Điều 3 Nghị định
136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ quy định
chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn
định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn
01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo
dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện; Người nghiện
ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết
định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; Người nghiện ma túy từ
đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.
- Xem xét việc quyết định áp dụng
biện pháp xử lý hành chính về biện pháp, thời hạn áp dụng theo quy định tại các
Điều 91, Điều 93, Điều 95 Luật xử lý vi phạm hành chính.
+ Đối với Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: là
biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật
quy định tại Điều 92 của Luật này nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề,
lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Thời hạn áp dụng
biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 24 tháng (Điều 91 Luật xử lý vi phạm hành chính).
+ Đối với Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: là
biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật
quy định tại Điều 94 của Luật này để lao động, học văn hoá, học nghề, sinh hoạt
dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục bắt buộc. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào
cơ sở giáo dục bắt buộc từ 06 tháng đến 24 tháng (Điều
93 Luật xử lý vi phạm hành chính).
+ Đối với biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: là
biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định tại
Điều 96 của Luật này để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản
lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng (Điều 95 Luật xử
lý vi phạm hành chính).
2. Đối với
Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính
2.1. Về tố tụng
- Cần nắm rõ việc
Tòa án xem xét, quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp
xử lý hành chính đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 3 của
Pháp lệnh 09.
- Về thành phần tham gia phiên họp:
thẩm phán, thư ký phiên họp, kiểm sát viên tham gia phiên họp; đại diện cơ quan
đề nghị theo quy định tại Điều 17 Pháp lệnh 09.
2.2. Về nội
dung
Cần xem xét căn cứ để Tòa án ban
hành Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành
chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh 09:
- Hết thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Người bị đề nghị đã chết;
- Người bị đề nghị không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành
chính quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 92, khoản 1
Điều 94 hoặc khoản 1 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành
chính;
- Người bị đề nghị thuộc trường hợp quy định tại khoản
5 Điều 92, khoản 2 Điều 94 hoặc khoản 2 Điều 96 của Luật xử
lý vi phạm hành chính;
- Cơ quan đề nghị rút đề nghị;
- Người bị đề nghị đã có bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu
lực pháp luật đối với hành vi bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Người
bị đề nghị đang chấp hành hình phạt tù, đang chờ chấp hành hình phạt tù hoặc
hình phạt tử hình theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
*
Lưu ý: Để thực hiện tốt công tác kháng nghị,
Viện kiểm sát các cấp ngoài việc vận dụng nội dung và phương pháp phát hiện vi phạm
đã được hướng dẫn ở trên thì Viện kiểm sát phải yêu cầu Tòa án gửi đầy đủ, kịp
thời bản án, quyết định và hồ sơ vụ án. Trong trường hợp Tòa án không gửi bản
án,quyết định và hồ sơ vụ án thì Viện kiểm sát thực hiện kiến nghị để đảm bảo
thời hạn ban hành kháng nghị.
Trên đây là Hướng dẫn ban đầu phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị đối với những vi phạm
trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động,
phá sản và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa
án nhân dân để Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp
tỉnh nghiên cứu vận dụng. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc
thì tổng hợp, phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) để xem xét, bổ
sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng
VKSNDTC (để b/c);
- Đ/c Trần Công Phàn, PVT VKSTC (để b/c);
- VKSND cấp cao 1, 2, 3; VKSND tỉnh,
TP trực thuộc TW (để t/hiện);
- Văn phòng VKSTC (để theo dõi);
- Lãnh đạo, công chức Vụ 10 (để
t/hiện);
- Lưu VT, V10.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, VỤ VIỆC
KINH DOANH THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG VIỆC
KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
Phương Hữu Oanh
|