HƯỚNG DẪN
LẬP
HỒ SƠ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ, VIỆC DÂN SỰ
Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo
pháp luật theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011
(sau đây gọi tắt là BLTTDS); Quy chế về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ,
việc dân sự, Vụ 5 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc lập hồ sơ kiểm
sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (gọi tắt là vụ,
việc dân sự) để thực hiện thống nhất trong ngành Kiểm sát như sau:
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LẬP HỒ
SƠ
1. Mục đích:
- Phục vụ công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc
dân sự của Viện kiểm sát các cấp theo quy định của BLTTDS. Tạo sự thống nhất
trong nhận thức và tác nghiệp của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên
(sau đây gọi tắt là cán bộ, Kiểm sát viên) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm
sát giải quyết đối với vụ, việc dân sự cụ thể được phân công.
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, trích ghi tài liệu
trong hồ sơ vụ, việc dân sự, giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên nắm chắc các thủ tục
tố tụng Tòa án đã áp dụng và các chứng cứ, nội dung vụ, việc dân sự. Qua đó cán
bộ, Kiểm sát viên, Lãnh đạo đơn vị có căn cứ để thể hiện rõ quan điểm trong kiểm
sát giải quyết vụ, việc dân sự trước, trong và sau khi tham gia phiên tòa,
phiên họp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết
các vụ, việc dân sự.
- Phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra của Viện kiểm
sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới; phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo,
đánh giá chất lượng công việc của Lãnh đạo đơn vị đối với cán bộ, Kiểm sát viên
khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ lưu trữ hồ sơ
theo quy định; phục vụ công tác nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm trong kiểm
sát giải quyết vụ, việc dân sự khi cần thiết.
2. Yêu cầu:
- Hồ sơ kiểm sát phải phản ánh tính khách quan,
trung thực các tài liệu có trong hồ sơ do Tòa án lập; phản ánh các tác nghiệp của
cán bộ, Kiểm sát viên, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị từ khi kiểm sát thụ
lý đến khi kết thúc kiểm sát giải quyết.
- Hồ sơ cấp nào kiểm sát giải quyết, cấp đó có
trách nhiệm lập. Hồ sơ kiểm sát giải quyết vụ án dân sự; hồ sơ kiểm sát giải
quyết việc dân sự có yêu cầu về nội dung khác nhau, nhưng đều phải đảm bảo hình
thức, bố cục và nội dung như sau:
Về hình thức: Bìa hồ sơ và các thông tin ghi
tại trang 1, trang 2, trang 3 bìa hồ sơ theo mẫu hướng dẫn chung của ngành. Tài
liệu khi kết thúc chuyển lưu trữ được đánh số, đóng dấu bút lục của Viện kiểm
sát ở góc phải phía trên cùng của từng trang, theo thứ tự từ trang số 01 của tập
01 đến trang cuối cùng của tập cuối cùng. Người lập hồ sơ ghi ngày, tháng, năm
kết thúc, có chữ ký, ghi rõ họ và tên.
Về bố cục: Các tài liệu có trong hồ sơ được
phân thành từng tập và được sắp xếp theo trình tự thời gian:
Về nội dung: Phản ánh trung thực tài liệu
trong hồ sơ do Tòa án lập, do đương sự cung cấp và các tác nghiệp của Kiểm sát
viên; phản ánh việc tuân theo pháp luật tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng,
người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; các chứng cứ thể hiện nội dung
vụ, việc dân sự; các tài liệu chứng cứ chứng minh quan điểm của các bên đương sự;
các yêu cầu của người yêu cầu...thông qua việc trích cứu hoặc sao chụp tài liệu.
Trường hợp cần thiết cán bộ, Kiểm sát viên có thể minh họa bằng biểu đồ, sơ đồ
về mối quan hệ giữa các đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; đối tượng
tranh chấp và giải quyết tranh chấp để dễ nhận biết, so sánh.
Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ phải viện dẫn rõ
căn cứ pháp luật (nếu áp dụng quy định trong Bộ luật, Luật thì chỉ cần nêu rõ điều,
khoản; còn áp dụng quy định trong văn bản hướng dẫn pháp luật như Thông tư, Nghị
quyết của Hội đồng Thẩm phán...thì phải trích nguyên văn điều, khoản của văn bản
pháp luật đó).
II. HỒ SƠ KIỂM SÁT Ở CÁC GIAI ĐOẠN
TỐ TỤNG
1. Hồ sơ kiểm sát giải quyết
vụ án dân sự
1.1. Hồ sơ kiểm sát ở cấp sơ thẩm:
a) Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên
tòa, hồ sơ kiểm sát gồm các tài liệu sau:
Tập 1: Các thủ tục tố tụng của vụ án
(được sắp xếp theo trình tự thời gian), bao gồm:
- Thủ tục tố tụng do Tòa án gửi bản chính cho Viện
kiểm sát theo quy định của Bộ luật TTDS như: Thông báo về việc thụ lý vụ án (Điều 174 BLTTDS); Quyết định đưa vụ án ra xét xử (Điều
195 BLTTDS);
- Các thủ tục tố tụng khác nếu có như: Văn bản trả
lại đơn khởi kiện (Điều 168 BLTTDS); Quyết định giải quyết
khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 170 BLTTDS);
Quyết định chuyển vụ án (Điều 37 BLTTDS); Quyết định tách,
nhập vụ án (Điều 38 BLTTDS); Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc
hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 123 BLTTDS);
Quyết định hoãn phiên tòa (Điều 208 BLTTDS); Thông báo kháng
cáo (Điều 249 BLTTDS);
- Các thủ tục tố tụng khác BLTTDS không quy định
Tòa án phải gửi cho Viện kiểm sát nhưng thấy cần thiết phải photo như: Quyết định
ủy thác thu thập chứng cứ; Quyết định trưng cầu giám định; Quyết định định giá
tài sản…;
- Biên bản bàn giao hồ sơ vụ án; Thống kê tài liệu
trong hồ sơ vụ án.
- Quyết định phân công Kiểm sát viên.
- Bản án (Điều 241 BLTTDS) hoặc
Quyết định công nhân sự thỏa thuận của đương sự (Điều 187
BLTTDS), Quyết định đình chỉ, Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 194 BLTTDS) nếu có.
- Phiếu kiểm sát do cán bộ, Kiểm sát viên lập.
Tập 2: Các tài liệu chứng cứ (photo),
được sắp xếp theo thứ tự gồm: Tài liệu nguyên đơn; tài liệu bị đơn; tài liệu
người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; tài liệu cơ quan, tổ chức xã hội cá
nhân cung cấp...có giá trị trong việc xác định nội dung khởi kiện; việc thực hiện
quyền và nghĩa vụ của các đương sự và hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa
án...mà Kiểm sát viên thấy cần thiết phải photo (Ví dụ: Đối với vụ án tranh chấp
quyền sử dụng đất, tranh chấp chia thừa kế cần thiết phải photo tài liệu thể hiện
nguồn gốc thửa đất, hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc
chuyển nhượng quyền sử dụng đất như hợp đồng tặng cho, di chúc chia thừa kế...;
Biên bản định giá, thẩm định tại chỗ; Tài liệu chứng cứ do cơ quan chức năng
cung cấp, phúc đáp yêu cầu của Tòa án...)
Tập 3: Tài liệu do Viện kiểm sát ban
hành và do cán bộ, Kiểm sát viên lập, bao gồm:
- Tài liệu trích cứu (cần trích ghi tóm tắt những nội
dung chính của các tài liệu quan trọng trong hồ sơ vụ án dân sự. Kết quả trích
cứu phải thể hiện được tên tài liệu, ngày...tháng... năm lập; nội dung trích cứu;
số bút lục tài liệu) theo thứ tự sau:
Tài liệu nguyên đơn;
Tài liệu bị đơn;
Tài liệu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...;
Các tài liệu liên quan khác thấy cần thiết...
- Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự (do
cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp nghiên cứu lập để báo cáo, đề xuất quan điểm giải
quyết vụ án với Lãnh đạo đơn vị; ý kiến Lãnh đạo đơn vị).
- Dự kiến nội dung Kiểm sát viên cần hỏi tại phiên
tòa.
- Bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên
tòa (bao gồm bản dự thảo và bản có chữ ký đóng dấu gửi cho Tòa án sau phiên
tòa).
- Bút ký phiên tòa;
- Báo cáo kết quả Kiểm sát xét xử sơ thẩm;
- Kháng nghị phúc thẩm hoặc kiến nghị; báo cáo Viện
kiểm sát cấp trên kháng nghị phúc thẩm; các tài liệu do Viện kiểm sát yêu cầu
các cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ làm cơ sở cho việc kháng nghị (nếu có).
Tập 4: Các tài liệu khác Viện kiểm
sát tiếp nhận (nếu có) như: đơn khiếu nại của đương sự, tài liệu do các ngành,
các cấp, tổ chức xã hội và ý kiến người liên quan phản ánh, kiến nghị về việc
giải quyết vụ án...
b) Trường hợp Viện kiểm sát không tham gia
phiên tòa:
Tập 1: Các tài liệu do Tòa án chuyển cho
Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật TTDS như: Thông báo về việc thụ lý vụ
án (Điều 174 BLTTDS); Quyết định đưa vụ án ra xét xử (Điều 195 BLTTDS); Bản án, quyết định...
Tập 2: Phiếu kiểm sát do cán bộ, Kiểm
sát viên lập; các tài liệu do Kiểm sát viên lập hoặc do Viện kiểm sát ban hành
sau khi kiểm sát bản án, quyết định như kiến nghị, kháng nghị (nếu có).
Tập 3: Các tài liệu do đương sự, cơ
quan, tổ chức, cá nhân cung cấp cho Viện kiểm sát (nếu có).
1.2. Hồ sơ kiểm sát ở cấp phúc thẩm:
Về cơ bản việc lập và sắp xếp như hồ sơ kiểm sát đối
với trường hợp Viên kiểm sát tham gia phiên tòa ở cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, cần
chú ý tính chất, phạm vi xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm và công tác kiểm
sát việc tuân theo pháp luật ở giai đoạn phúc thẩm để lập hồ sơ cho phù hợp.
Tập 1: Ngoài các tài liệu tố tụng thấy
cần thiết phải photo như ở Tập 1 điểm a, mục 1.1 (hồ sơ kiểm sát ở cấp sơ thẩm
đối với trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa) nêu trên, Kiểm sát viên cần
photo thêm các tài liệu sau:
- Đơn kháng cáo, quyết định giải quyết đơn kháng
cáo quá hạn; Đơn thay đổi, bổ sung, rút một phần kháng cáo trước khi mở phiên
tòa; Tài liệu chứng cứ đương sự gửi kèm theo đơn kháng cáo (nếu có).
- Bản án sơ thẩm; Biên bản phiên tòa; Biên bản nghị
án sơ thẩm;
- Phát biểu của Luật sư, người bào chữa tại phiên
tòa sơ thẩm (nếu có);
- Bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên
tòa sơ thẩm (nếu có);
- Quyết định phân công Thẩm phán;
- Quyết định phân công Kiểm sát viên; thay đổi Kiểm
sát viên (nếu có);
- Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm; quyết định
giám đốc thẩm (đối với vụ án bị Tòa án cấp trên có quyết định hủy án để xét xử
lại);
- Văn bản của Tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ;
- Bản án phúc thẩm.
Tập 2: Các tài liệu chứng cứ (photo):
Ngoài các tài liệu thấy cần thiết phải photo như ở
Tập 2 điểm a, mục 1.1 (hồ sơ kiểm sát ở cấp sơ thẩm đối với trường hợp Viện kiểm
sát tham gia phiên tòa) nêu trên, Kiểm sát viên cần photo thêm các tài liệu, chứng
cứ Tòa án thu thập hoặc đương sự cung cấp bổ sung ở giai đoạn phúc thẩm (nếu
có) và những văn bản, tài liệu khác thấy cần thiết;
Tập 3: Tài liệu do Viện kiểm sát ban
hành và cán bộ, Kiểm sát viên lập:
- Trích cứu nội dung chính trong hồ sơ vụ án dân sự:
Về cơ bản yêu cầu trích cứu như cấp sơ thẩm. Đồng thời cần nghiên cứu kỹ và
trích cứu các văn bản, tài liệu mới phát sinh ở cấp phúc thẩm ...
- Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự (do
cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp nghiên cứu lập để báo cáo đề xuất quan điểm giải
quyết vụ án với Lãnh đạo đơn vị, ý kiến Lãnh đạo đơn vị).
- Văn bản trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp
trên (nếu có);
- Tài liệu, chứng cứ do cơ quan tổ chức cung cấp
cho Viện kiểm sát làm căn cứ kháng nghị (nếu có);
- Quyết định kháng nghị phúc thẩm (trường hợp VKS
kháng nghị); Quyết định rút kháng nghị, bổ sung, thay đổi kháng nghị (nếu có);
- Dự kiến nội dung Kiểm sát viên cần hỏi tại phiên
tòa phúc thẩm.
- Bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên
tòa (bao gồm bản dự thảo và bản có chữ ký đóng dấu gửi cho Tòa án sau phiên
tòa).
- Bút ký phiên tòa phúc thẩm;
- Báo cáo kết quả kiểm sát xét xử phúc thẩm;
- Báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị giám đốc
thẩm (nếu có).
1.3. Hồ sơ kiểm sát vụ án ở cấp giám đốc thẩm,
tái thẩm
a) Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát kháng
nghị
Tập 1: Ngoài các tài liệu tố tụng như
ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm thấy cần thiết phải photo, do tính chất cấp giám đốc
thẩm, Kiểm sát viên cần photo, sắp xếp các tài liệu tố tụng phát sinh ở giai đoạn
giám đốc thẩm, tái thẩm như sau:
- Đơn đề nghị của đương sự hoặc văn bản thông báo của
cá nhân, cơ quan, tổ chức; báo cáo đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của
Viện kiểm sát cấp dưới (nếu có) về việc phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản
án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 284 hoặc 306 BLTTDS;
- Bản án, quyết định có hiệu lực sơ thẩm, phúc thẩm,
giám đốc thẩm;
- Biên bản phiên tòa sơ, phúc thẩm; biên bản nghị
án (thấy cần thiết);
- Công văn rút hồ sơ để nghiên cứu;
- Công văn của Viện kiểm sát yêu cầu đương sự, cá
nhân, cơ quan tổ chức cung cấp tài liệu để xác định vi phạm xem xét kháng nghị
(nếu có);
- Đơn đề nghị hoãn thi hành án và Công văn yêu cầu
hoãn thi hành án (nếu có);
- Quyết định phân công Kiểm sát viên; thay đổi Kiểm
sát viên (nếu có);
- Thống kê tài liệu có trong hồ sơ vụ án do Tòa án
lập ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm.
Tập 2: Các tài liệu chứng cứ (photo):
Ngoài các tài liệu thấy cần thiết phải photo ở Tập
2 hồ sơ sơ thẩm và phúc thẩm, Kiểm sát viên cần photo thêm các tài liệu, chứng
cứ do Viên kiểm sát thu thập hoặc đương sự cung cấp bổ sung ở giai đoạn giám đốc
thẩm; những văn bản, tài liệu khác thấy cần thiết để làm căn cứ cho việc kháng
nghị và bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát;
Tập 3: Tài liệu Viện kiểm sát ban
hành và cán bộ, Kiểm sát viên lập:
- Tài liệu trích cứu: Yêu cầu và nội dung trích cứu
cơ bản như ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Lưu ý trích cứu tóm tắt đơn khiếu nại của
đương sự; các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và
nghĩa vụ liên quan xuất trình có ý nghĩa đến việc giải quyết vụ án; những nhận
định, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm và những vấn đề liên quan đến
nội dung khiếu nại của đương sự đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm; những vấn đề
liên quan đến vi phạm được xác định để làm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái
thẩm...
- Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự (do
cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp nghiên cứu lập để báo cáo đề xuất quan điểm giải
quyết vụ án với Lãnh đạo đơn vị; ý kiến Lãnh đạo đơn vị).
- Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm
sát;
- Đề xuất của Kiểm sát viên về căn cứ và Quyết định
thay đổi, bổ sung hoặc rút kháng nghị (nếu có).
- Bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên
tòa (gồm bản dự thảo trước phiên tòa, bản có chữ ký đóng dấu gửi cho Tòa án sau
phiên tòa).
- Bút ký phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm;
- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm;
- Đề xuất của Kiểm sát viên trong trường hợp Tòa án
bác kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc những vấn đề cần phải giải quyết sau
phiên tòa.
- Báo cáo kết quả phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm.
b) Trường hợp Chánh án Tòa án kháng nghị
Về cơ bản, việc lập hồ sơ như hồ sơ kiểm sát vụ án
Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm những tài liệu
sau:
- Photo đơn của đương sự gửi Chánh án Tòa án có thẩm
quyền đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (đơn có dấu tiếp nhận
của Tòa án).
- Quyết định kháng nghị của Chánh án và những tài
liệu Tòa án mới thu thập để làm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu
có).
- Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự (do
cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp nghiên cứu lập để báo cáo đề xuất quan điểm giải
quyết vụ án với Lãnh đạo đơn vị; ý kiến Lãnh đạo đơn vị) về việc nhất trí hay
không nhất trí kháng nghị của Chánh án Tòa án; nhất trí từng phần hay toàn bộ nội
dung nêu trong kháng nghị hoặc ý kiến khác với kháng nghị của Tòa án.
- Quyết định bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị của
Chánh án Tòa án (nếu có); Quyết định giám đốc thẩm.
- Văn bản đề xuất của Kiểm sát viên về những vấn đề
cần phải giải quyết sau phiên tòa;
- Báo cáo kết quả phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm...
2. Hồ sơ kiểm sát giải quyết
việc dân sự
Căn cứ quy định tại Phần thứ năm, Chương
XX BLTTDS quy định về thủ tục giải quyết việc dân sự, việc lập hồ sơ kiểm
sát giải quyết việc dân sự cơ bản như hồ sơ kiểm sát giải quyết vụ án dân sự.
Kiểm sát viên sắp xếp thành 3 tập, theo trình tự thời gian và theo tài liệu, chứng
cứ của người yêu cầu; người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu; kết
quả giải quyết của Tòa án...
Tập 1: Tài liệu thủ tục tố tụng.
Tập 2: Tài liệu chứng cứ (photo).
Tập 3: Tài liệu do Viện kiểm sát ban
hành và do cán bộ, kiểm sát viên nghiên cứu lập, bao gồm: Tài liệu trích cứu
tài liệu photo. Cụ thể:
2.1. Hồ sơ kiểm sát giải quyết việc dân sự sơ
thẩm
Tập 1: Các thủ tục tố tụng (được sắp
xếp theo trình tự thời gian), bao gồm cả thủ tục do Tòa án gửi cho Viện kiểm
sát theo quy định của BLTTDS và thủ tục Kiểm sát viên thấy cần thiết phải photo
như:
- Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự; Văn bản
ủy quyền của người yêu cầu cho người đại diện hợp pháp họ;
- Các quyết định, thông báo của Tòa án trong quá
trình giải quyết việc dân sự theo quy định của BLTTDS;
- Văn bản yêu cầu của Tòa án và công văn phúc đáp
(nếu có);
- Văn bản của Tòa án thỉnh thị cấp trên và trả lời
thỉnh thị (nếu có);
- Quyết định phân công Kiểm sát viên; thay đổi Kiểm
sát viên (nếu có);
- Quyết định giải quyết việc dân sự;
- Kháng cáo của người yêu cầu, của cá nhân, cơ
quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...
Tập 2: Tài liệu chứng cứ (photo): như
hướng dẫn lập hồ sơ kiểm sát vụ án dân sự sơ thẩm.
Tập 3: Tài liệu do Viên kiểm sát ban
hành và do cán bộ, kiểm sát viên nghiên cứu lập gồm:
- Tài liệu trích cứu nội dung chính trong hồ sơ việc
dân sự: Về cơ bản trích cứu như ở mục hồ sơ kiểm sát giải quyết vụ án dân sự ở
cấp sơ thẩm. Phần đầu bản trích cứu, cán bộ, Kiểm sát viên tóm tắt nội dung việc
dân sự, các yêu cầu của đương sự, sau đó trích cứu theo trình tự thời gian như
sau:
Tài liệu người yêu cầu: Ngày...tháng... năm người
yêu cầu, bản tự khai, lời khai của người yêu cầu; nội dung tài liệu, chứng cứ
người yêu cầu xuất trình (số bút lục).
Những tài liệu do người đại diện hợp pháp, người bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu, người có quyền lợi và nghĩa vụ
liên quan; người làm chứng, người giám định, người phiên dịch; cơ quan chuyên
môn cung cấp; ngày tháng năm, người cung cấp, nội dung tài liệu (số bút lục).
- Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ việc dân sự (do
cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp nghiên cứu lập để báo cáo đề xuất quan điểm giải
quyết việc dân sự với Lãnh đạo đơn vị; ý kiến Lãnh đạo đơn vị).
- Bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên về giải
quyết việc dân sự tại phiên họp (bao gồm bản dự thảo và bản có chữ ký đóng dấu
gửi cho Tòa án sau phiên họp).
- Bút ký phiên họp;
- Phiếu kiểm sát giải quyết việc dân sự;
- Báo cáo kết quả phiên họp.
- Kháng nghị phúc thẩm (nếu có)
- Báo cáo Viện kiểm sát cấp trên đề nghị kháng nghị
(nếu có)
2.2. Hồ sơ kiểm sát giải quyết việc dân sự phúc
thẩm
Về cơ bản lập hồ sơ kiểm sát giải quyết việc dân sự
phúc thẩm tương tự như hồ sơ kiểm sát việc dân sự sơ thẩm. Tuy nhiên, do tính
chất của Kiểm sát giải quyết việc dân sự ở giai đoạn phúc thẩm nên cần bổ sung:
- Đơn kháng cáo của người yêu cầu hoặc cá nhân, cơ
quan tổ chức có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc kháng nghị của Viên kiểm sát
theo quy định tại Điều 316 BLTTDS; Đơn rút kháng cáo; Quyết
định bổ sung, thay đổi hoặc rút kháng nghị (nếu có);
- Bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên về giải
quyết việc dân sự; Phiếu kiểm sát giải quyết việc dân sự.
III. VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ BẢO
QUẢN HỒ SƠ KIỂM SÁT VỤ, VIỆC DÂN SỰ:
Hồ sơ kiểm sát vụ, việc dân sự cần phải được quản
lý theo quy định của ngành về bảo quản hồ sơ.
1. Về nguyên tắc cấp nào kiểm sát giải quyết vụ án
thì cấp đó có trách nhiệm lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ kiểm sát.
2. Những vụ, việc dân sự có kháng cáo, kháng nghị
thì Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm
có trách nhiệm lập hồ sơ. Tùy theo tính chất vụ, việc, nếu Viện Kiểm sát cấp
trên có yêu cầu thi Viện kiểm sát cấp dưới phải phúc đáp yêu cầu để chuyển ngay
hồ sơ kiểm sát lên Viện Kiểm sát cấp trên, đảm bảo thời hạn giải quyết, sau khi
giải quyết xong, Viện kiểm sát cấp trên phải hoàn trả lại hồ sơ kiểm sát cho cấp
dưới lưu trữ.
3. Trường hợp vụ án đã có hiệu lực pháp luật mà Viện
kiểm sát cấp dưới phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải kháng nghị
thì kịp thời có văn bản báo cáo kèm theo những tài liệu liên quan lên Viện kiểm
sát cấp trên để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
4. Hàng năm hồ sơ kiểm sát vụ việc dân sự phải nộp
cho bộ phận lưu trữ theo đúng nguyên tắc chế độ lưu trữ hồ sơ.
Trên đây là hướng dẫn lập hồ sơ kiểm sát giải quyết
các vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật TTDS sửa đổi năm 2011. Hướng dẫn
này thay thế Hướng dẫn số 15/HD-VKSTC-V5 ngày 10/6/2005. Trong quá trình thực
hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có điểm nào chưa rõ, các đơn vị cần phản
ánh kịp thời về Viện kiểm sát tối cao (Vụ 5) để xem xét hướng dẫn bổ sung./.
Nơi nhận:
- Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC; Để báo
cáo
- Đ/c Nguyễn Thị Thủy Khiêm- PVT; Để báo cáo
- VKSND 63 tỉnh, thành phố;
- Vụ 12, Viện phúc thẩm 1, 2, 3;
- Viện khoa học công tác kiểm sát;
- Lưu VP; VT (Vụ 5).
(73b)
|
TL.VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
Trần Đình Khánh
|