VIỆN KIỂM
SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/HD-VKSTC
|
Hà Nội, ngày
07 tháng 01 năm 2019
|
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH
SỰ NĂM 2019
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28
/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành
Kiểm sát nhân dân và Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 01/01/2019 về công tác trọng
tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; tiếp tục quán triệt thực hiện
phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”;
để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình
sự, VKSND các cấp cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Quán triệt nghiêm túc và tổ chức triển khai thực
hiện đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam
và thi hành án hình sự trong toàn Ngành được quy định trong các Quy chế, Chỉ thị,
Kế hoạch của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi
hành án hình sự thực hiện đúng quy định của pháp luật, thực chất, hiệu quả, bảo
đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người bị tạm giữ, người
bị tạm giam, người chấp hành án không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo
vệ; nâng cao vị thế, uy tín của ngành Kiểm sát.
2. Yêu cầu
Đổi mới tư duy công
tác, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tiến hành đồng bộ các giải pháp, biện pháp,
phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao và hệ thống chỉ tiêu cơ bản
đánh giá công tác nghiệp vụ của Ngành.
Tăng cường trách nhiệm
của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ
trọng tâm, đột phá; gắn trách nhiệm của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong thực
hiện nhiệm vụ được giao. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong
việc phát hiện vi phạm pháp luật, sơ hở, thiếu sót trong công tác tạm giữ, tạm
giam và thi hành án hình sự; xác định nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm,
tội phạm; kiên quyết kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục và chấm dứt vi phạm.
Đề ra các biện pháp khắc
phục những tồn tại, yếu kém; thường xuyên rà soát, định kỳ kiểm tra, đánh giá
và báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chủ động
phát hiện, tổng hợp khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hướng dẫn, tháo gỡ.
II. NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM
Thực hiện chủ trương gắn
hoạt động của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự với
các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam. Toàn Ngành tiếp tục triển khai các
biện pháp, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày
15/5/2018 “Về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong kiểm sát việc bắt,
tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự”, Kế hoạch số 93/KH-VKSTC
ngày 17/8/2018 triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 và
Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành
kèm theo Quyết định số 501/QĐ - VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao. Thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu công tác kiểm sát việc
tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự theo Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá
kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân được ban hành kèm theo
Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Tham mưu, đề ra các giải
pháp đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động kiểm sát việc
tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự từ đó tạo ra chuyển biến rõ nét về kết
quả kiểm sát.
III. NHIỆM
VỤ CỤ THỂ
1. Thực hiện nghiêm
quy định tại Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015,
Điều 141 Luật Thi hành án hình sự năm 2010, VKSND các cấp phải
chủ động tăng cường kiểm sát cơ sở giam giữ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời vi
phạm pháp luật trong thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù, cụ thể:
Nâng cao chất lượng kiểm sát hàng ngày tại nhà tạm giữ, hàng tuần kiểm sát ít
nhất 02 lần tại trại tạm giam, hàng tháng kiểm sát ít nhất 01 lần tại trại
giam.
Mọi trường hợp người bị
tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn, chết (do tự sát, treo cổ, tai nạn,
bị gây thương tích hoặc bị giết), phạm tội mới hoặc khi phát hiện có dấu hiệu
vi phạm nghiêm trọng thì phải tiến hành kiểm sát đột xuất.
Năm 2019, toàn Ngành tập
trung kiểm sát nhằm bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thời
hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam cũng như quyền thăm gặp, nhận quà của người bị tạm
giữ, người bị tạm giam và phạm nhân; việc giảm án, tha tù trước thời hạn có điều
kiện bảo đảm sự công bằng, thống nhất, đúng quy định của pháp luật.
Kiểm sát chặt chẽ việc
tổ chức thi hành đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; việc
xét đề nghị rút ngắn thời gian thử thách tha tù trước thời hạn có điều kiện,
rút ngắn thời gian thử thách đối với án treo; việc miễn, giảm thời hạn chấp
hành án phạt cải tạo không giam giữ; các trường hợp người chấp hành án treo,
tha tù trước hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ; việc ủy thác thi hành án của
Tòa án các cấp.
VKSND các địa phương
quan tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của VKS
trong việc xem xét quyết định hoãn, miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ
hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại
theo Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
tại Tòa án.
2. Quản lý chặt chẽ, kịp
thời tình hình chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam, thi hành
án hình sự và kết quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án
hình sự của VKSND các địa phương; Tăng cường công tác hướng dẫn và kiểm tra
nghiệp vụ đối với VKS cấp dưới, kịp thời rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc
trong thi hành quy định mới của pháp luật để kịp thời tháo gỡ; nâng cao chất lượng,
hiệu quả thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ.
3. Tham mưu triển khai
thi hành Luật đặc xá; triển khai hội nghị tập huấn toàn Ngành hướng dẫn kiểm
sát về tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định mới của pháp luật; tập
huấn chuyên sâu về kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ; những nội
dung mới của Luật Đặc xá, hướng dẫn kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực
hiện quyết định đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá.
4. Sơ kết 01 năm thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm
giam, đề ra biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác.
5. Phối hợp với đơn vị
trong Ngành để lựa chọn, nghiên cứu, xây dựng một số chuyên đề có tính ứng dụng
cao về quy trình, kỹ năng kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam; kiểm
sát về tha tù trước thời hạn có điều kiện, về thi hành án treo, cải tạo không
giam giữ theo quy định mới của pháp luật; hướng dẫn kiểm sát việc lập hồ sơ đề
nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá... để hướng
dẫn cấp dưới thực hiện thống nhất nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành
động.
6. Phối hợp chặt chẽ với
Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong việc cung cấp, xử lý thông tin, nguồn tin
có dấu hiệu tội phạm liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý tạm giữ,
tạm giam và thi hành án hình sự theo thẩm quyền, như các trường hợp vi phạm
nghiêm trọng về thời hạn trong tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; các trường
hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn, chết (do tự sát, treo
cổ, tai nạn hoặc bị giết) và phạm tội mới; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng
VKSND tối cao về việc không nắm được, không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời
các vi phạm nói trên cho Cơ quan Điều tra VKSND tối cao.
Duy trì mối quan hệ phối
hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong công tác kiểm tra, giám
sát việc chấp hành pháp luật trong tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Nghiên cứu xây dựng,
ký Quy chế phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc,
trường giáo dưỡng (Cục C10) ; Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi
hành án hình sự tại cộng đồng (Cục C11) - Bộ Công an. VKSND cấp tỉnh tiếp tục
rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp với trại giam đóng trên địa
bàn và các cơ quan tư pháp, để phù hợp với các quy định mới của pháp luật và
quan hệ công tác.
IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ vào nhiệm vụ
công tác của Ngành năm 2019, Hướng dẫn của VKSND tối cao và thực tế tình hình của
đơn vị, địa phương, VKSND các cấp tổ chức thực hiện các nội dung:
1. VKSND cấp tỉnh xây dựng Hướng dẫn công tác đối với
VKSND cấp huyện; xây dựng Chương trình công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm
giam, thi hành án hình sự năm 2019, chú ý phân công đối với từng chỉ tiêu, nhiệm
vụ cụ thể, thời gian hoàn thành và biện pháp tổ chức thực hiện, gửi (thay báo
cáo) về VKSND tối cao (Vụ 8) trước ngày 25/01/2019.
2. Trên cơ sở công tác quản lý tình hình, VKS các cấp lựa chọn
cách thức kiểm sát phù hợp với thực tế tình hình địa phương, đảm bảo thực hiện
đủ số lượng, đạt chất lượng theo Hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành. Tăng cường
kiểm tra đối với VKSND cấp dưới để kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót
trong chỉ đạo, điều hành đối với công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và
thi hành án hình sự.
3. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo và quản lý
công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số
279/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 và Quy chế số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
4. VKSND cấp tỉnh rà soát, kiện toàn lại biên chế công
chức làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, đảm bảo
đủ về số lượng, trình độ năng lực nghiệp vụ cũng như về chức danh tư pháp, tăng
cường Kiểm sát viên có kinh nghiệm về công tác này để nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác kiểm sát.
5. Thời gian hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ xong trước
ngày 30/11/2019.
Nhận được Hướng dẫn
này, VKSND cấp tỉnh; Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình
sự, Viện kiểm sát quân sự trung ương nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Trong quá
trình triển khai công tác và thực hiện nhiệm vụ nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề
nghị kịp thời báo cáo bằng văn bản về VKSND tối cao (Vụ 8) để chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSND tối cao (để
b/c);
- Các đ/c Phó Viện trưởng VKSTC (để b/c);
- VKSQSTW (để chỉ đạo th/hiện);
- Các VKSND cấp cao (để phối hợp);
- VKSND cấp tỉnh (để tổ chức th/hiện);
- Văn phòng VKSTC (để tổng hợp);
- Trường Đại học kiểm sát Hà Nội &Trường ĐTBDNVKS tại TPHCM;
- Lãnh đạo Vụ 8 và các Phòng;
- Lưu: VT, Vụ 8.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Lương Minh Thống
|