Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Công ước
Nơi ban hành: *** Người ký: ***
Ngày ban hành: 18/03/1970 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

CÔNG ƯỚC HAGUE VỀ CHỨNG CỨ 1

CÁC NƯỚC THAM GIA KÍ KẾT CÔNG ƯỚC NÀY,

MONG MUỐN tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao và thực hiện Thư Yêu cầu và thúc đẩy tìm ra các biện pháp khác nhau nhằm sử dụng cho mục đích này,

MONG MUỐN nâng cao hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế về các vấn đề dân sự và thương mại. Đã quyết định việc kí Công ước và đã thống nhất về những điều khoản dưới đây:

CHƯƠNG I

THƯ YÊU CẦU

Điều 1

Về các vấn đề dân sự hoặc thương mại, cơ quan tư pháp của một nước kí kết có thể, phù hợp với quy định của pháp luật của nước đó, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước kí kết khác, thông qua Thư yêu cầu để thu thập chứng cứ hoặc thực hiện một số hành vi mang tính tư pháp khác.

Một bức Thư bình thường sẽ không được sử dụng để thu thập chứng cứ mà không có ý định sử dụng trong thủ tục tố tụng, đã được bắt đầu hay sẽ được thực hiện.

Cụm từ "hành vi mang tính tư pháp khác" không bao gồm việc tống đạt giấy tờ hoặc quy trình qua đó bản án, lệnh được thực thi hoặc quy trình đối với việc thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc mang tính bảo vệ.

Điều 2

Nước kí kết sẽ chỉ định một Cơ quan có thẩm quyền Trung ương thực hiện việc tiếp nhận Thư yêu cầu từ cơ quan tư pháp của một nước kí kết khác và chuyển Thư yêu cầu đó đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện. Mỗi nước sẽ tổ chức Cơ quan Thẩm quyền Trung ương đó phù hợp với quy định của pháp luật nước đó.

Thư yêu cầu phải được gửi tới Cơ quan Trung ương của nước thi hành chứ không được chuyển qua bất kì một cơ quan có thẩm quyền khác của nước đó.

Điều 3

Thư yêu cầu phải chỉ rõ

a) cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thi hành và cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu thi hành Thư yêu cầu đó, nếu cơ quan yêu cầu biết;

b) tên và địa chỉ của các bên tham gia vào quá trình tố tụng và đại diện của các bên, nếu có;

c) bản chất tố tụng qua đó chứng cứ được yêu cầu, cung cấp tất cả những thông tin có liên quan;

d) Chứng cứ cần được thu thập hoặc hành vi tư pháp khác cần được thực hiện. Trong trường hợp cần thiết, Thư yêu cầu phải chỉ rõ, bên cạnh những thông tin khác:

e) tên và địa chỉ của những người cần được thẩm tra;

f) những câu hỏi cần đặt đối với người bị thẩm tra hoặc tuyên bố về vấn đề chính yếu mà liên quan tới nó những người đó sẽ bị thẩm tra;

g) tài liệu hoặc tài sản khác, thực tế hoặc cá nhân, cần phải được thanh tra;

h) bất kì một yêu cầu nào đối với chứng cứ đó phải được cung cấp trên cơ sở tuyên thệ hoặc khẳng định, và bất kì hình thức đặc biệt nào khác cần được sử dụng;

i) bất kì một biện pháp hoặc thủ tục đặc biệt nào cần tuân theo Điều 9.

Thư Yêu cầu cũng có thể đề cập đến bất kì một thông tin nào cần thiết cho việc áp dụng Điều 11.

Không yêu cầu việc hợp pháp hóa hoặc các thủ tục tương tự nào khác.

Điều 4

Ngôn ngữ của Thư yêu cầu phải là ngôn ngữ của nước được yêu cầu để thi hành thư đó hoặc được gửi kèm với bản dịch sang ngôn ngữ của nước đó.

Tuy nhiên, Nước kí kết phải chấp nhận Thư yêu cầu bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, hoặc bản dịch sang một trong 2 ngôn ngữ đó, ngoại trừ nước đó đã bảo lưu theo Điều 33.

Nước kí kết có nhiều hơn một ngôn ngữ chính thức và không thể chấp nhận thư viết bằng một trong những ngôn ngữ này trên toàn bộ lãnh thổ vì những lí do của quy định pháp luật trong nước, thông qua tuyên bố, sẽ chỉ rõ ngôn ngữ theo đó Thư yêu cầu hoặc bản dịch sẽ được thi hành tại những địa điểm cụ thể trên lãnh thổ của nước đó. Trong trường hợp không tuân theo tuyên bố này mà không có lí do hợp lí, chi phí dịch sang ngôn ngữ của nước được yêu cầu sẽ phải do nước gốc chịu.

Nước tham gia kí kết, thông qua tuyên bố, có thể chỉ rõ một hoặc nhiều ngôn ngữ bên cạnh những ngôn ngữ đã được đề cập ở những đoạn nêu trên mà theo đó Thư yêu cầu có thể được gửi tới Cơ quan có thẩm quyền trung ương.

Bất kì một bản dịch nào đi kèm theo thư yêu cầu phải được chứng thực, thông qua một viên chức ngoại giao hoặc đại diện lãnh sự hoặc một dịch giả đã tuyên thệ hoặc bởi bất kì một người nào khác được uỷ quyền tại mỗi nước.

Điều 5

Nếu Cơ quan thẩm quyền trung ương cho rằng Thư yêu cầu không tuân thủ theo những quy định của Công ước này, cơ quan đó sẽ nhanh chóng thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước gốc chuyển thư yêu cầu đó, chỉ rõ những lí do không đồng ý với Thư yêu cầu đó.

Điều 6

Nếu cơ quan có thẩm quyền nơi mà Thư yêu cầu đã được chuyển đến không có thẩm quyền thi hành, Thư yêu cầu sẽ được chuyển ngay lập tức cho cơ quan có thẩm quyền tại nước đó để thi hành theo quy định của pháp luật của nước đó.

Điều 7

Cơ quan yêu cầu, nếu muốn, sẽ được thông báo về thời gian và địa điểm, thủ tục tiến hành để các bên có liên quan và đại diện của họ, nếu có, có thể có mặt. Thông tin này sẽ được gửi trực tiếp cho các bên hoặc đại diện của họ khi cơ quan thẩm quyền của nước gốc yêu cầu.

Điều 8

Nước tham gia kí kết có thể tuyên bố rằng nhân viên tư pháp của cơ quan yêu cầu của nước kí kết khác có thể có mặt khi thực hiện Thư yêu cầu. Có thể yêu cầu ủy quyền trước của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 9

Cơ quan tư pháp có thẩm quyền thực thi Thư yêu cầu sẽ áp dụng các biện pháp và thủ tục theo quy định của pháp luật nước mình.

Tuy nhiên, cơ quan này sẽ thi hành yêu cầu theo thủ tục và biện pháp đặc biệt của cơ quan đưa ra yêu cầu ngoại trừ biện pháp hoặc thủ tục đặc biệt đó không phù hợp với quy định pháp luật của nước thi hành hoặc không thể thực hiện được vì những lí do liên quan đến tập quán và thủ tục trong nước hoặc do những khó khăn thực tiễn.

Thư yêu cầu sẽ được thi hành một cách nhanh chóng.

Điều 10

Trong khi thi hành Thư yêu cầu, cơ quan được yêu cầu sẽ áp dụng những biện pháp bắt buộc trong một số trường hợp và với mức độ theo quy định của pháp luật trong nước để thi hành những mệnh lệnh do cơ quan có thẩm quyền của chính nước đó hoặc thi hành những yêu cầu do các bên trong quá trình tố tụng trong nước đưa ra.

Điều 11

Trong khi thực hiện thư yêu cầu, người có liên quan có thể từ chối cấp chứng cứ nếu người đó có đặc quyền hoặc nghĩa vụ từ chối cung cấp

(a) theo quy định của pháp luật nước thi hành; hoặc

(b) theo luật của nước gốc, và đặc quyền hoặc nghĩa vụ đó đã được chỉ rõ trong Thư yêu cầu, hoặc mặt khác đã được khẳng định với cơ quan có thẩm quyền theo đề nghị của cơ quan được yêu cầu.

Ngoài ra, nước tham gia kí kết có thể tuyên bố rằng sẽ tôn trọng những đặc quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật của nước khác ngoài nước gốc và nước thi hành theo phạm vi hoặc mức độ được nêu trong tuyên bố đó.

Điều 12

Việc thực hiện Thư yêu cầu có thể được từ chối nếu

a) ở nước thi hành, việc thi hành Thư yêu cầu đó không thuộc phạm vi chức năng của cơ quan tư pháp; hoặc

b) nước được yêu cầu cân nhắc rằng chủ quyền hoặc an ninh có thể bị xâm hại.

Việc thi hành không thể được từ chối với lí do theo quy định của pháp luật trong nước, chỉ nước thi hành mới có thẩm quyền riêng biệt đối với nội dung hoặc quy định pháp luật trong nước không chấp nhận quyền thi hành Thư yêu cầu.

Điều 13

Cơ quan được yêu cầu sẽ gửi các văn bản thi hành Thư yêu cầu tới cơ quan yêu cầu theo cùng một kênh đã do cơ quan yêu cầu sử dụng.

Trong trường hợp Thư yêu cầu không được thực hiện một phần hoặc toàn bộ, cơ quan yêu cầu sẽ được thông báo ngay lập tức thông qua cùng một kênh và những lí do không thực hiện cũng sẽ được thông báo.

Điều 14

Về bản chất việc thi hành thư yêu cầu sẽ không làm phát sinh bất kì việc bồi hoàn các khoản thuế hoặc chi phí nào.

Tuy nhiên, nước thi hành có quyền yêu cầu nước gốc hoàn trả những khoản phí đã thanh toán cho các chuyên gia, phiên dịch và các chi phí phát sinh do việc áp dụng một thủ tục đặc biệt theo yêu cầu của nước gốc theo điều 9, đoạn 2.

Cơ quan được yêu cầu mà pháp luật của nước đó bắt buộc các bên tự bảo đảm chứng cứ và bản thân cơ quan đó không thể thi hành Thư yêu cầu đó, sau khi có được sự đồng ý của cơ quan yêu cầu, có thể chỉ định một người phù hợp để thực hiện. Trong khi có được sự chấp chấp thuận, cơ quan được yêu cầu sẽ đề xuất những khoản chi phí ước tính sẽ phát sinh từ thủ tục này. Nếu cơ quan yêu cầu chấp thuận, cơ quan đó sẽ hoàn trả những khoản chi phí phát sinh được tính cộng dồn; nếu không có sự chấp thuận này, cơ quan yêu cầu sẽ không chịu trách nhiệm đối với các khoản chi phí đó.

CHƯƠNG II

TIẾP NHẬN CHỨNG CỨ THÔNG QUA VIÊN CHỨC NGOẠI GIAO, VIÊN CHỨC LÃNH SỰ VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC ỦY QUYỀN

Điều 15

Trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, viên chức ngoại giao hoặc đại diện lãnh sự của một nước kí kết, trên lãnh thổ của nước kí kết khác và trong phạm vi chức năng của người đó, có thể tiếp nhận chứng cứ mà không có sự ép buộc của công dân nước mà người đó đại diện để hỗ trợ quá trình tố tụng được bắt đầu tại toà án của nước mà người đó đại diện.

Nước kí kết có thể tuyên bố rằng chứng cứ có thể được tiếp nhận bởi một viên chức ngoại giao hoặc đại diện lãnh sự chỉ khi việc cho phép tiếp nhận trên cơ sở đơn của anh ta hoặc nhân danh anh ta gửi tới cơ quan có thẩm quyền do nước tuyên bố chỉ định.

Điều 16

Viên chức ngoại giao hoặc đại diện lãnh sự của một nước tham gia kí kết, trong lãnh thổ của nước kí kết khác và trong phạm vi chức năng của mình, cũng có thể tiếp nhận chứng cứ, mà không có sự ép buộc, của các công dân của nước mà người đó thực hiện những chức năng của mình hoặc của một nước thứ ba, để hỗ trợ cho thủ tục tố tụng đã được tiến hành toà án của nước mà người đó đại diện nếu:

a) cơ quan có thẩm quyền do nước mà anh ta thực hiện chức năng của mình thiết lập cho phép theo nguyên tắc chung hoặc trong từng trường hợp cụ thể, và

b) anh ta tuân thủ các điều kiện đã được xác định cụ thể theo sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Nước tham gia kí kết có thể tuyên bố rằng chứng cứ có thể được tiếp nhận theo điều khoản này mà không cần có sự cho phép trước của nước đó.

Điều 17

Trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, một người được chỉ định làm người được uỷ quyền có thể, mà không có sự ép buộc, tiếp nhận chứng cứ trong lãnh thổ của một nước kí kết để hỗ trợ thủ tục tố tụng đã được tiến hành tại toà án của một nước kí kết khác nếu:

a) cơ quan có thẩm quyền được chỉ định bởi nước nơi mà chứng cứ sẽ được tiếp nhận đã cho phép theo nguyên tắc chung hoặc trong từng trường hợp cụ thể; và

b) anh ta tuân thủ các điều kiện đã được xác định cụ thể theo sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Nước kí kết có thể tuyên bố rằng chứng cứ có thể được tiếp nhận theo điều này mà không cần có sự cho phép trước của nước đó.

Điều 18

Một nước tham gia kí kết có thể tuyên bố rằng một viên chức ngoại giao, đại diện lãnh sự hoặc người được uỷ quyền tiếp nhận chứng cứ theo điều 15, 16 hoặc 17 có thể nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền do nước tuyên bố chỉ định để được hỗ trợ nhằm thu thập chứng cứ bằng biện pháp cưỡng chế. Tuyên bố này có thể gồm những điều kiện mà nước tuyên bố thấy phù hợp.

Nếu chấp thuận đơn đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải áp dụng bất kì biện pháp cưỡng chế thích hợp và được quy định trong pháp luật về tố tụng của nước đó.

Điều 19

Cơ quan có thẩm quyền, khi cho phép theo quy định tại điều 15, 16 hoặc 17, hoặc khi chấp thuận đơn yêu cầu theo điều 18, có thể, bên cạnh những điều kiện khác, đưa ra những điều kiện mà cơ quan đó cho là phù hợp về thời gian và địa điểm tiếp nhận chứng cứ. Tương tự như vậy, cơ quan đó có thể yêu cầu được thông báo trước một cách hợp lí về thời gian, ngày và địa điểm tiếp nhận chứng cứ; trong trường hợp như vậy, đại diện của cơ quan có thẩm quyền sẽ được quyền có mặt vào lúc tiếp nhận chứng cứ.

Điều 20

Trong quá trình tiếp nhận chứng cứ theo bất kì một điều nào của chương này, những người liên đới có thể được đại diện về mặt pháp lí.

Điều 21

Trong trường hợp một viên chức ngoại giao, đại diện lãnh sự hoặc người được uỷ quyền được phép tiếp nhận chứng cứ theo Điều 15, 16 hoặc 17:

a) người đó có thể tiếp nhận tất cả các loại chứng cứ không phù hợp với pháp luật của nước nơi chứng cứ được tiếp nhận hoặc trái với bất kì sự cho phép nào theo những điều khoản quy định ở trên, và sẽ có thẩm quyền tiếp nhận chứng cứ tuyên thệ hoặc khẳng định;

b) văn bản yêu cầu một người có mặt hoặc cung cấp chứng cứ, ngoại trừ người tiếp nhận là công dân của nước nơi phiên tòa án đang đình chỉ, sẽ được soạn thảo bằng ngôn ngữ nước nơi chứng cứ được tiếp nhận hoặc được đi kèm với một bản dịch sang ngôn ngữ đó;

c) văn bản yêu cầu phải thông báo với người đó rằng anh ta sẽ được đại diện về mặt pháp lí và, ở nước không đưa ra tuyên bố theo Điều 18, văn bản yêu cầu cũng phải thông báo với người đó rằng anh ta không bị buộc phải có mặt hoặc cung cấp chứng cứ;

d) chứng cứ có thể được tiếp nhận theo cách do pháp luật quy định áp dụng đối với toà án mà tại đó phiên tòa đang đình chỉ nếu cách thức đó không bị cấm theo pháp luật của nước nơi chứng cứ được tiếp nhận;

e) người được yêu cầu cung cấp chứng cứ có thể viện dẫn đến đặc quyền và nghĩa vụ từ chối cung cấp chứng cứ nêu tại Điều 11.

Điều 22

Nỗ lực tiếp nhận chứng cứ theo quy định của chương này không được thực hiện do sự từ chối của người cung cấp chứng cứ, sẽ không ngăn cản việc nộp đơn tiếp nhận chứng cứ theo thủ tục tại Chương I.

CHƯƠNG III

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 23

Nước kí kết có thể, vào thời điểm kí, phê chuẩn hoặc gia nhập, tuyên bố rằng nước đó sẽ không thi hành Thư yêu cầu nhằm mục đích thu thập chứng cứ hoặc tài liệu trước phiên xét xử tại tòa án như tại các nước theo truyền thống luật án lệ.

Điều 24

Nước kí kết có thể chỉ định các cơ quan có thẩm quyền khác ngoài Cơ quan trung ương và xác định phạm vi thẩm quyền của những cơ quan này. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Thư yêu cầu phải được gửi tới Cơ quan trung ương.

Các nước liên bang được tự do chỉ định hơn một Cơ quan trung ương.

Điều 25

Nước kí kết có nhiều hơn một hệ thống pháp luật có thể chỉ định cơ quan có thẩm quyền của mỗi hệ thống pháp luật và từng cơ quan thẩm quyền đó sẽ có thẩm quyền riêng biệt để thi hành Thư yêu cầu theo công ước này.

Điều 26

Nước kí kết, theo quy định về mặt hiến pháp, có thể yêu cầu nước gốc hoàn trả các khoản phí và lệ phí, liên quan tới việc thực hiện Thư yêu cầu, để buộc người cung cấp chứng cứ xuất hiện, chi phí cho sự có mặt của những người đó, và chi phí cho việc dịch các chứng cứ.

Trong trường hợp một nước đã có yêu cầu như nêu trong đoạn trên, một nước tham gia kí kết khác có thể yêu cầu nước đó bồi hoàn các khoản phí và lệ phí tương tự.

Điều 27

Các quy định của Công ước này sẽ không ngăn cản một nước kí kết:

a) tuyên bố rằng thư yêu cầu có thể được chuyển tới cơ quan tư pháp có thẩm quyền thông qua những kênh không phải là những kênh quy định trong Điều 2;

b) cho phép, theo quy định của pháp luật trong nước hoặc tập quán, bất kì một hành vi hoặc hành động nào được quy định tại Công ước này được thực hiện trên cơ sở những điều kiện ít hạn chế hơn;

c) cho phép, theo quy định của pháp luật trong nước hoặc tập quán, các biện pháp tiếp nhận chứng cứ khác ngoài những biện pháp được quy định tại Công ước này..

Điều 28

Công ước này sẽ không ngăn cản thoả thuận giữa hai hoặc nhiều nước kí kết không tuân theo hoặc không thực hiện.

a) các quy định tại Điều 2 về cách thức chuyển thư yêu cầu;

b) các quy định của Điều 4 về ngôn ngữ có thể được sử dụng;

c) các quy định của Điều 8 về sự có mặt của nhân viên tư pháp khi thi hành Thư yêu cầu;

d) các quy định của Điều 11 về đặc quyền và nghĩa vụ của các nhân chứng trong việc từ chối cung cấp chứng cứ;

e) các quy định của Điều 13 về cách thức gửi trả Thư yêu cầu đã được thực hiện tới cơ quan yêu cầu;

f) các quy định của Điều 14 về phí và lệ phí;

g) các quy định tại chương II.

Điều 29

Trong trường hợp các Bên gia nhập Công ước này cũng là Các Bên gia nhập một hoặc cả hai Công ước về Thủ tục tố tụng Dân sự được kí tại Hague ngày 17 tháng 7 năm 1905 và ngày 1 tháng 3 năm 1954, Công ước này sẽ thay thế các điều từ 8 đến 16 của những Công ước trước đó.

Điều 30

Công ước này sẽ không ảnh hưởng tới việc áp dụng Điều 23 của Công ước năm 1905 hoặc Điều 24 của Công ước năm 1954.

Điều 31

Các thỏa thuận bổ sung giữa các Bên gia nhập Công ước 1905 và 1954 sẽ được xem là áp dụng tương tự đối với Công ước này trừ khi Các Bên có thoả thuận khác.

Điều 32

Không làm ảnh hưởng tới các quy định của Điều 29 và 31, Công ước này sẽ không là ngoại lệ đối với các công ước có những quy định điều chỉnh về những vấn đề được quy định tại Công ước này mà các tham gia kí kết hiện nay hoặc sẽ là thành viên.

Điều 33

Một nước có thể, vào thời điểm kí, phê chuẩn hoặc gia nhập, loại trừ một phần hoặc toàn bộ việc áp dụng các quy định tại đoạn 2 Điều 4 và của Chương II. Không cho phép một sự bảo lưu nào khác.

Mỗi nước kí kết vào bất kì thời điểm nào cũng có thể rút bảo lưu đã đưa ra; bảo lưu đó sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày thứ 60 ngay sau khi có thông báo về việc rút bảo lưu.

Khi một nước đã đưa ra bảo lưu, bất kì một nước nào khác bị ảnh hưởng có thể áp dụng quy định tương tự đối với nước bảo lưu.

Điều 34

Một nước tại bất kì thời điểm nào cũng có thể rút lại hoặc thay đổi một tuyên bố.

Điều 35

Nước tham gia kí kết, vào thời điểm gửi văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập, hoặc vào một ngày sau đó, phải thông báo cho Bộ Ngoại giao Hà Lan về việc chỉ định các cơ quan có thẩm quyền theo Điều 2, 8, 24 và 25.

Nước tham gia kí kết cũng sẽ thông báo cho Bộ Ngoại giao Hà Lan, khi thấy thích hợp, những thông tin dưới đây:

(a) tên của cơ quan có thẩm quyền mà thông báo phải được gửi tới, sự cho phép của cơ quan đó có thể được yêu cầu và sự hỗ trợ của cơ quan đó có thể được viện dẫn tới khi chứng cứ được tiếp nhận bởi các viên chức ngoại giao và đại diện lãnh sự, theo Điều 15, 16 và 18;

(b) tên của cơ quan thẩm quyền mà sự cho phép của cơ quan đó có thể được yêu cầu khi tiếp nhận chứng cứ thông qua những người được uỷ quyền theo quy định của Điều 17 và tên của những người có thể hỗ trợ theo quy định tại Điều 18;

c) các tuyên bố theo Điều 4, 8, 11, 15, 16, 17, 18, 23 và 27;

d) bất kì việc rút hoặc thay đổi về tên và nội dung của các tuyên bố nói trên;

e) bất kì việc rút bảo lưu nào.

Điều 36

Bất kì khó khăn nào phát sinh giữa các nước kí kết liên quan tới quá trình thực hiện Công ước này sẽ được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao.

Điều 37

Công ước này sẽ được mở ra cho các nước đại diện tại Phiên họp thứ 11 của Hội nghị Hague về Luật Tư pháp quốc tế kí.

Công ước này sẽ được phê chuẩn, và các văn kiện phê chuẩn sẽ được gửi tới Bộ Ngoại giao Hà Lan.

Điều 38

Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 60 sau khi văn kiện phê chuẩn thứ ba được đề cập tại đoạn 2 của Điều 37 được gửi.

Công ước này sẽ có hiệu lực đối với mỗi nước kí mà trong 60 ngày tiếp theo nước đó phải phê chuẩn và gửi văn bản phê chuẩn.

Điều 39

Bất kì một nước nào không có đại diện tại Phiên họp thứ 11 của Hội nghị Hague về Luật Tư pháp quốc tế nhưng là thành viên của Hội nghị này hoặc của Liên Hiệp Quốc hoặc của một cơ quan chuyên môn của Tổ chức đó, hoặc là một bên tham gia Quy chế của Toà Tư pháp Quốc tế có thể gia nhập Công ước này sau khi công ước đã có hiệu lực theo đúng với đoạn 1 của Điều 38.

Văn kiện gia nhập sẽ được gửi tới Bộ Ngoại giao Hà Lan.

Công ước này sẽ có hiệu lực đối với nước gia nhập Công ước vào ngày thứ 60 sau khi gửi văn kiện gia nhập.

Việc gia nhập sẽ chỉ có hiệu lực nếu mối quan hệ giữa nước xin gia nhập và các nước kí kết được giải quyết thông qua tuyên bố rằng các nước kí kết đã chấp thuận việc gia nhập. Tuyên bố này sẽ được gửi tới Bộ Ngoại giao Hà Lan; Bộ này sẽ chuyển tiếp bản sao có xác nhận cho từng nước kí kết.

Công ước sẽ có hiệu lực giữa nước xin gia nhập và nước tuyên bố chấp thuận sự gia nhập đó vào ngày thứ 60 sau khi gửi tuyên bố chấp thuận.

Điều 40

Vào thời điểm kí kết, phê chuẩn hoặc gia nhập, bất kì nước nào cũng có thể tuyên bố rằng Công ước này sẽ mở rộng tới tất cả những vùng lãnh thổ mà nước đó có quan hệ, hoặc đối với một hoặc một số vùng lãnh thổ trong số đó. Một tuyên bố như vậy sẽ có hiệu lực vào ngày Công ước có hiệu lực đối với nước liên quan.

Vào bất kì thời điểm nào sau đó, việc mở rộng này phải được thông báo cho Bộ Ngoại giao Hà Lan.

Công ước sẽ có hiệu lực đối với những vùng lãnh thổ được nêu theo tuyên bố mở rộng vào ngày thứ 60 sau khi có thông báo được nêu tại đoạn trên.

Điều 41

Công ước này có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày có hiệu lực theo đoạn 1 của Điều 38, thậm chí đối với cả những nước phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước sau đó.

Nếu không có khiếu nại hoặc phản đối nào, Công ước này sẽ mặc nhiên được gia hạn 5 năm một lần.

Bất kì khiếu nại nào cũng phải được thông báo cho Bộ Ngoại giao Hà Lan ít nhất 6 tháng trước khi kết thúc giai đoạn 5 năm đó.

Sự khiếu nại này có thể được giới hạn đối với những vùng lãnh thổ nhất định mà Công ước được áp dụng.

Sự khiếu nại này sẽ chỉ có hiệu lực đối với nước đã có thông báo. Công ước vẫn giữ nguyên hiệu lực đối với những nước tham gia kí kết khác.

Điều 42

Bộ Ngoại giao Hà Lan sẽ gửi thông báo tới các nước được đề cập trong Điều 37, và đối với những nước đã gia nhập theo Điều 39 về những thông tin dưới đây:

(a) chữ kí và việc phê chuẩn được đề cập tới trong Điều 37;

(b) ngày mà Công ước này có hiệu lực theo đoạn thứ nhất của Điều 38;

(c) việc gia nhập được đề cập tại Điều 39 và ngày việc gia nhập đó có hiệu lực;

(d) việc mở rộng được đề cập tới trong Điều 40 và ngày có hiệu lực;

(e) những sự chỉ định, bảo lưu và tuyên bố được đề cập tới trong Điều 33 và 35;

(f) khiếu nại theo đoạn 3 của Điều 41.

Chứng kiến hội nghị này, những người dưới đây, được ủy quyền, đã kí Công ước này.

ĐƯỢC LÀM tại Hague, vào ngày 18 tháng 3 năm 1970, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, cả hai đều có giá trị như nhau, trong một bản duy nhất được gửi vào lưu trữ của Chính phủ Hà Lan và một bản sao có xác nhận sẽ được gửi thông qua kênh ngoại giao cho mỗi một quốc gia được đại diện tại phiên họp thứ 11 của Hội nghị Hague về Luật Tư pháp Quốc tế.



1 Hague Evidence Convention.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công ước Hague về chứng cứ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.117

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.91.152
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!