VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/CT-VKSTC
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 12 năm 2018
|
CHỈ THỊ
CÔNG TÁC CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2019
Năm 2019, ngành Kiểm sát tiếp
tục thực hiện mục tiêu: Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả; nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp có bản
lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật. Nâng cao
hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường
năng lực Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin; tăng cường các nguồn lực bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; triển
khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân
(26/7/1960-26/7/2020). Để hoàn thành mục tiêu trên, Viện trưởng VKSND
tối cao chỉ thị toàn Ngành tập trung thực hiện những yêu cầu, nhiệm vụ sau:
1. Yêu cầu Thủ trưởng các
đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện
trưởng Viện kiểm sát các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phấn đấu đạt
và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao, coi đây là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị quan
trọng nhất của cơ quan, đơn vị mình.
2. Tiếp tục đổi mới công
tác cán bộ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất
cả các khâu, lĩnh vực công tác; toàn ngành Kiểm sát thực hiện phương châm “Đoàn
kết, đổi mới- Trách nhiệm, kỷ cương- Thực chất, hiệu quả”. Người đứng đầu cơ
quan, đơn vị Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm lãnh đạo giữ gìn sự đoàn kết,
trước hết là trong tập thể lãnh đạo, từ đó lan tỏa ra toàn cơ quan, đơn vị
mình. Đây là giải pháp nền tảng cho các giải pháp khác trong công tác xây dựng
Đảng, xây dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp
phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”; cấp dưới phải “trung thực, tận
tụy, trách nhiệm” trong công việc.
Giao Vụ 15 tham mưu cho
Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quy định về đánh giá, phân loại cán bộ trên
cơ sở thành tích, có định lượng cụ thể của công tác chuyên môn để áp dụng trong
năm 2019. Triển khai kế hoạch sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy làm việc theo
hướng tinh gọn đầu mối, bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật, phù hợp với
thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Thực hiện việc
tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với thực hiện Đề
án vị trí việc làm và Đề án tổ chức biên chế của Ngành.
Tiếp tục làm tốt công tác
quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, bảo đảm nguồn cán bộ kế cận chất lượng, chú
trọng đào tạo đội ngũ lãnh đạo trẻ; đổi mới công tác thi tuyển dụng công chức
và thi tuyển chọn các chức danh tư pháp.
Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của Ngành và yêu cầu Thủ trưởng các
đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tự thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời
khắc phục sai phạm, thiếu sót trong đơn vị. Cần coi đây là biện pháp chủ động để
phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái, tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ; cần có cách
thức và phương pháp kiểm tra phù hợp, hiệu quả tránh ảnh hưởng nhiều đến công
tác đơn vị bị thanh tra, kiểm tra; biết lắng nghe ý kiến giải trình của đơn vị
bị thanh tra, kiểm tra để có đánh giá, kết luận hợp lý, thuyết phục. Tăng cường
kiểm tra đột xuất và theo chuyên đề đối với đơn vị có nhiều hạn chế, yếu kém;
thực hiện việc kiểm tra chéo giữa các đơn vị trong cùng cấp kiểm sát; thực hiện
nghiêm các quy chế, quy định của Ngành.
Tiếp tục thực hiện nghiêm
nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn công tác xây dựng Đảng với xây
dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát
viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, đáp ứng yêu
cầu nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong tình hình mới.
3. Lãnh đạo Viện kiểm sát
các cấp tiếp tục chỉ đạo các khâu công tác, lĩnh vực công tác nghiệp vụ; xác định
nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng
hàng đầu của Ngành, là nhiệm vụ trọng tâm nhất của đơn vị nghiệp vụ; thực hiện
nghiêm các biện pháp phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm trong các chỉ
thị chuyên đề và Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng VKSND tối cao. Các Kiểm
sát viên phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và
pháp luật; nắm chắc, thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là những
quy định mới về trách nhiệm của VKSND; có bản lĩnh vượt khó, dám bảo vệ cái
đúng, đấu tranh với cái sai, với các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền
con người, bảo vệ công lý. Có trách nhiệm trong thực thi công vụ; chủ động phối
hợp ngay từ đầu với Cơ quan điều tra và các đơn vị liên quan để yêu cầu xác
minh, yêu cầu điều tra đúng và kịp thời; tăng cường hỏi cung, phúc cung và thực
hiện các hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền của VKSND. Quản lý chặt chẽ, kiểm
điểm trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên để xảy ra việc trả hồ sơ do vi phạm
tố tụng, thiếu chứng cứ và để lọt tội phạm và người phạm tội.
Tiếp tục thực hiện nghiêm
các yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong quá
trình giải quyết các vụ án; chủ động yêu cầu áp dụng các biện pháp thu hồi tài
sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn điều tra, bảo đảm
thu hồi tài sản tối đa cho Nhà nước. Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với
Cơ quan điều tra, Tòa án để kịp thời khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử
nghiêm minh những vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhất là tội phạm về môi trường,
tội phạm công nghệ cao, tội phạm hoạt động theo kiểu băng, nhóm, tội phạm hoạt
động tín dụng đen và tội phạm xâm hại trẻ em.
Viện trưởng Viện kiểm sát
các cấp phải quản lý chặt chẽ, đánh giá từng vụ án, bị can đình chỉ điều tra do
không phạm tội, đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự; yêu cầu Cơ quan điều tra xác
minh, bảo đảm các vụ án tạm đình chỉ điều tra phải được xử lý ngay khi có đủ
căn cứ, không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Thực hiện đồng bộ các giải
pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát
viên tại phiên tòa hình sự; lãnh đạo các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp phải chỉ
đạo, kiểm tra Kiểm sát viên xây dựng kế hoạch xét hỏi, tranh tụng, nhất là những
vụ án bị cáo kêu oan, vụ án có nhiều bị cáo, phạm nhiều tội, có nhiều người bào
chữa. Kiểm sát viên phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu bảo đảm nội dung tranh tụng
có chất lượng và thuyết phục.
Viện trưởng Viện kiểm sát
các cấp phải chủ động xác định, lựa chọn mặt hạn chế, yếu kém của Kiểm sát viên
để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị. Triển
khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng
hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm sự thuyết phục trong quá trình xét hỏi và
tranh tụng.
Viện trưởng Viện kiểm sát
các cấp phải chủ động kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ án có dấu
hiệu oan, sai. Tích cực giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan;
giải quyết dứt điểm các trường hợp yêu cầu bồi thường kéo dài nhiều năm; trường
hợp vướng mắc phải báo cáo thỉnh thị kịp thời. Định kỳ, hằng tháng báo cáo
VKSND tối cao tiến độ, kết quả giải quyết những vụ án đã xác định là oan, sai.
4. Viện trưởng Viện kiểm
sát các cấp phải tập trung chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc
dân sự, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác
theo quy định của pháp luật. Đây là khâu công tác còn nhiều hạn chế, yếu kém,
do đó cần coi trọng việc lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện công tác này; Kiểm
sát viên phải nắm chắc, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định
của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính hiện hành; tăng cường tổ chức
tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất
đai, đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng;…
Thủ trưởng các đơn vị thuộc
VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn
nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, nhất là
phiên tòa xét xử các vụ án tranh chấp về đất đai, khiếu kiện đền bù, giải phóng
mặt bằng, tái định cư; yêu cầu kiểm sát chặt chẽ các thủ tục tố tụng dân sự,
hành chính bảo đảm thời hạn theo luật định; kiên quyết thực hiện quyền kiến nghị,
kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật; nâng cao số lượng, chất lượng kháng
nghị phúc thẩm ngang cấp. Kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xin ý kiến về định hướng
xử lý các vấn đề mới phát sinh khi chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Đẩy mạnh công tác xử lý
đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tăng cường phối hợp giữa các
đơn vị có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này; có quy trình xử lý bảo đảm hiệu
quả, đúng luật định. Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp
cao chịu trách nhiệm phân loại, thụ lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám
đốc thẩm, tái thẩm đúng thẩm quyền; xác định tiêu chí đánh giá kết quả giải quyết
đơn, bảo đảm tỷ lệ xử lý, giải quyết đơn phản ánh đúng kết quả công tác, phấn đấu
đạt chỉ tiêu của Quốc hội. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới phải báo cáo Viện
kiểm sát cấp trên về các bản án, quyết định có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm
hoặc tái thẩm để kháng nghị theo quy định của pháp luật, hạn chế việc công dân
gửi đơn vượt cấp đến VKSND tối cao. Tập trung giải quyết đơn khiếu nại về oan,
sai; trực tiếp đối thoại với công dân trong trường hợp khiếu kiện phức tạp, kéo
dài.
Viện trưởng Viện kiểm sát
các cấp cần tập trung chỉ đạo công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi
hành án hình sự đúng với thẩm quyền và trách nhiệm theo luật định nhằm góp phần
bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tăng cường kiểm sát đột xuất tại cơ sở
giam giữ; kiểm sát chặt chẽ việc đấu giá thu hồi tài sản trong các vụ án về
tham nhũng, kinh tế; chủ động yêu cầu thi hành các bản án hành chính, kiên quyết
kiến nghị khắc phục vi phạm trong lĩnh vực này. Thông tin kịp thời cho Cơ quan
điều tra VKSND tối cao những vụ việc có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư
pháp.
5. Tập trung xây dựng Cơ
quan điều tra VKSND tối cao vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ trong tình hình mới. VKSND tối cao khẩn trương hoàn thành, triển khai
Đề án tăng cường năng lực Cơ quan điều tra VKSND tối cao; tiếp tục bổ sung biên
chế, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt
động điều tra. Tăng cường các biện pháp để nắm đầy đủ, kịp thời thông tin về tội
phạm thuộc thẩm quyền, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực
tư pháp và xâm phạm hoạt động tư pháp. Thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm
trong lĩnh vực tư pháp, góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch,
vững mạnh.
Thủ trưởng đơn vị thuộc
VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm thu thập, quản
lý và cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, nguồn tin về tội phạm xảy ra
trong lĩnh vực tư pháp ở địa phương và phối hợp chặt chẽ trong việc xác minh,
giải quyết và điều tra các vụ việc thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND
tối cao; chịu trách nhiệm về việc không nắm, không cung cấp hoặc chậm cung cấp
thông tin, nguồn tin về tội phạm cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
6. Tăng cường công tác hướng
dẫn thi hành pháp luật và hợp tác quốc tế. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối
cao nhanh chóng rà soát những vấn đề tồn tại, yếu kém đã được Quốc hội và các
cơ quan thuộc Quốc hội kiến nghị khắc phục để tham mưu các biện pháp khắc phục
và có lộ trình thực hiện kịp thời, hợp lý. Chủ động phát hiện, tổng hợp những
khó khăn, vướng mắc, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ; xây dựng các quy trình công
tác nghiệp vụ triển khai trong toàn Ngành.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc
VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, Viện trưởng VKSND
cấp cao phải tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng hướng dẫn nghiệp vụ,
trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp dưới. Viện kiểm sát cấp dưới phải chấp
hành nghiêm các hướng dẫn, chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên và kịp thời báo
cáo kết quả thực hiện.
Tiếp tục mở rộng quan hệ
hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thúc đẩy việc đàm phán,
ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự. Tăng cường phối hợp nâng cao
hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp
pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
7. Đẩy mạnh việc ứng dụng
công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. VKSND tối cao khẩn
trương hoàn thành và thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình
và hình thức đầu tư hợp lý; tập trung ứng dụng các phần mềm trong quản lý, chỉ
đạo, điều hành, quản lý nhân sự; nâng cấp phần mềm quản lý án hình sự, phần mềm
theo dõi giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và phần mềm
thống kê hình sự; bảo đảm kết nối liên thông, nâng cao hiệu quả trong điều
hành, minh bạch trong quản lý và kiểm soát hoạt động của toàn Ngành.
8. Đổi mới công tác thi
đua, khen thưởng nhằm tạo động lực phát triển Ngành. Triển khai thực hiện Đề án
đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng cơ chế bảo đảm sự gắn kết chặt
chẽ giữa các phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công
tác đánh giá cán bộ; yêu cầu công tác khen thưởng phải thực chất, công bằng, hiệu
quả và thực sự tạo động lực phấn đấu cho công chức và Kiểm sát viên trong
Ngành; xây dựng chỉ tiêu đánh giá công tác thi đua, bảo đảm phù hợp với yêu cầu
của pháp luật và thực tiễn công tác; chú trọng khen thưởng đột xuất; có chính
sách ưu tiên trong thi tuyển chọn chức danh tư pháp đối với những cá nhân được
khen thưởng cao trong giải quyết các vụ việc cụ thể.
Người đứng đầu cơ quan,
đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, lựa chọn chủ đề thi đua, hướng các phong trào
thi đua vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và khắc phục tồn tại, yếu
kém, giải quyết những nhiệm vụ khó và những vấn đề bức xúc. Tổ chức các phong
trào thi đua hướng tới Đại hội thi đua yêu nước của Ngành lần Thứ VI và Đại hội
thi đua yêu nước toàn quốc lần Thứ X; tiến tới chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập
ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2020).
9. VKSND tối cao tập
trung nghiên cứu, xây dựng các đề án về các cơ chế, chính sách liên quan đến
kinh phí hoạt động và con người, bảo đảm phù hợp với tính chất hoạt động đặc
thù của ngành Kiểm sát nhân dân để kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc
hội trong thời gian tới. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện
đầy đủ, hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 205/TB-VPCP
ngày 05/6/2018 về tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động của Ngành.
Viện trưởng Viện kiểm sát
Quân sự Trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp
cao, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch
thực hiện hiệu quả Chỉ thị này. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra VKSND tối cao
giúp Viện trưởng VKSND tối cao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ
thị./.
Nơi nhận:
- Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước (để b/c);
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để b/c);
- Ủy ban Kiểm tra TW, Ban Tổ chức TW;
Ban Nội chính TW, Văn phòng TW Đảng;
- Ủy ban TWMTTQ Việt Nam;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Lãnh đạo VKSND tối cao;
- Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- Viện kiểm sát Quân sự Trung ương;
- Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh;
- Lưu: VT, PTMTH.
|
VIỆN TRƯỞNG
Lê Minh Trí
|