Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Y tế Người ký: ***
Ngày ban hành: 15/03/2017 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:         /2018/TT-BYT

Hà Nội, ngày   tháng   năm 2018

DỰ THẢO

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC ĐĂNG KÝ THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC

Căn cứ Luật dược ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý dược,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định việc đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc đăng ký thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, dược chất, bán thành phẩm dược liệu, tá dược, vỏ nang dùng làm thuốc dùng cho người lưu hành tại Việt Nam, quy định về dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ  đăng ký thuốc, tiêu chí để xác định trường hợp miễn thử, miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam, thuốc phải yêu cầu thử lâm sàng giai đoạn 4; tổ chức, hoạt động của chuyên gia thẩm định và Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN (ACTD) là bộ tài liệu hướng dẫn hồ sơ đăng ký thuốc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chung của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hồ sơ kỹ thuật chung ICH-CTD là mẫu hồ sơ chung của Hội nghị quốc tế về hài hóa các thủ tục đăng ký dược phẩm sử dụng cho con người.

3. Thay đổi lớn là những thay đổi có ảnh hưởng rõ rệt, trực tiếp đến chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc, được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Thay đổi nhỏ là những thay đổi không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến hiệu quả, chất lượng và an toàn của thuốc, được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc là cơ sở đứng tên nộp đơn đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

6. Cơ sở sản xuất thuốc là cơ sở thực hiện ít nhất một công đoạn sản xuất hoặc thực hiện việc xuất xưởng lô thuốc.

7. Cơ sở sản xuất nguyên liệu làm thuốc là cơ sở sản xuất ra nguyên liệu thành phẩm hoặc cơ sở thực hiện việc xuất xưởng lô nguyên liệu làm thuốc.

8. Chủ sở hữu sản phẩm (product owner) hoặc Chủ sở hữu giấy phép lưu hành thuốc (product license holder) đối với thuốc nước ngoài là các cơ sở hợp pháp chịu trách nhiệm về sản phẩm và được ghi trên Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (CPP).

9. Cơ quan quản lý tham chiếu quy định trong Thông tư này bao gồm: Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA), Pháp, Đức, Thụy Điển, Anh, Thụy Sỹ, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Canada.

Điều 3. Cơ sở được đứng tên cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc:

1. Đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước:

a) Cơ sở sản xuất;

b) Cơ sở đặt gia công;

c) Cơ sở bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cơ sở quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này ủy quyền;

2. Đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất tại nước ngoài:

a) Chủ sở hữu sản phẩm hoặc chủ sở hữu giấy phép lưu hành thuốc ghi trên CPP;

b) Cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm hoặc chủ sở hữu giấy phép lưu hành nguyên liệu làm thuốc ghi trên giấy chứng nhận nguyên liệu làm thuốc được phép sản xuất hoặc lưu hành (đối với đăng ký nguyên liệu làm thuốc);

c) Cơ sở bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cơ sở quy định tại điểm a khoản này ủy quyền (đối với đăng ký thuốc).

d) Cơ sở bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cơ sở quy định tại điểm b khoản này ủy quyền (đối với đăng ký nguyên liệu làm thuốc).

Điều 4. Quy định đối với cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định tại Điều 57, khoản 1 Điều 64, khoản 2 Điều 65, khoản 6 Điều 76, khoản 5 Điều 77 Luật dược và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược có phạm vi hoạt động sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc nếu là cơ sở đăng ký của Việt Nam.

3. Có Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp và Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam nếu là cơ sở đăng ký của nước ngoài.

4. Phối hợp với cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc (đối với thuốc nhập khẩu) thực hiện việc thay đổi, bổ sung nội dung nhãn, hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung trong văn bản yêu cầu cập nhật của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) trong thời gian giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực.

Trường hợp trong văn bản yêu cầu cập nhật của Cục Quản lý Dược không yêu cầu cơ sở phải cung cấp thêm bất kỳ tài liệu nào khác thì cơ sở được tự thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thay đổi, bổ sung mà không phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung.

5. Trong thời gian giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực, cơ sở đăng ký phối hợp với cơ sở sản xuất phải thực hiện đăng ký thay đổi, bổ sung theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

Đối với các thông tin liên quan đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc không thuộc trường hợp quy định tại Phụ lục II, cơ sở đăng ký thuốc có thể nộp hồ sơ đăng ký cập nhật thông tin theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với đề nghị cập nhật tài liệu chứng minh tương tương sinh học hoặc tài liệu chứng minh thuốc được miễn thử tương đương sinh học thì cơ sở đăng ký thuốc nộp hồ sơ đăng ký cập nhật theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc, nguyên liệu làm thuốc và bảo đảm thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành đúng với hồ sơ đăng ký.

7. Cung cấp đầy đủ và chính xác tất cả các dữ liệu, báo cáo và thông tin liên quan đến thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

8. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành tại bất kỳ nước nào trên thế giới đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực, cơ sở đăng ký phải thông báo cho Cục Quản lý Dược biết và nêu rõ lý do.

9. Cơ sở đăng ký thuốc và cơ sở sản xuất thuốc phối hợp chặt chẽ, bảo đảm ít nhất một trong hai cơ sở này phải thực hiện các nghiên cứu hoặc cung cấp thêm các thông tin liên quan đối với thuốc đăng ký khi có nghi ngờ hoặc bằng chứng liên quan đến tính an toàn và hiệu quả của thuốc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

10. Thiết lập hệ thống để theo dõi, giám sát, thu thập, tổng hợp và đánh giá thông tin về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, phản ứng có hại của thuốc, tuân thủ hướng dẫn về Thực hành tốt cảnh giác dược (Good Pharmacovigilance Practices) theo lộ trình do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

11. Thực hiện việc báo cáo theo dõi, đánh giá an toàn, hiệu quả của thuốc theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

12. Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý nguy cơ theo đúng nội dung đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

13. Chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở đăng ký trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 14 Điều này.

14. Thực hiện việc thay đổi cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định sau:

a) Trường hợp cơ sở đăng ký tự nguyện đề nghị chuyển đổi cơ sở đăng ký:

- Việc thay đổi cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

- Sau khi chuyển đổi cơ sở đăng ký: Cơ sở đăng ký mới được chuyển đổi phải chịu trách nhiệm có liên quan theo quy định của pháp luật đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở đăng ký, bao gồm cả các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được đưa ra lưu hành trước thời điểm có quyết định cho phép chuyển đổi bởi Cục Quản lý Dược.

b) Trường hợp cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc ngừng hoạt động hoặc bị chấm dứt hoạt động:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký ngừng hoạt động hoặc bị chấm dứt hoạt động, cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất, chủ sở hữu sản phẩm hoặc chủ sở hữu giấy phép lưu hành thuốc phải thông báo cho Cục Quản lý Dược về việc cơ sở đăng ký ngừng hoạt động hoặc bị chấm dứt hoạt động và có cam kết về việc chịu trách nhiệm có liên quan theo quy định của pháp luật đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở đã đăng ký.

- Chủ sở hữu sản phẩm hoặc chủ sở hữu giấy phép lưu hành thuốc phải thực hiện thủ tục đề nghị thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định trong thời hạn nêu trên.

- Quá thời hạn nêu trên, nếu Cục Quản lý Dược không nhận được thông báo hoặc cơ sở không thực hiện thủ tục chuyển đổi cơ sở đăng ký thì Cục Quản lý Dược ra quyết định thu hồi tất cả các giấy đăng ký lưu hành có liên quan đến cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

15. Đối với các hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đang trong quá trình thẩm định, cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về Cục Quản lý Dược để cập nhật các thông tin liên quan đến an toàn, hiệu quả của thuốc so với hồ sơ đăng ký thuốc đã nộp.

Điều 5. Quy định đối với cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định tại Điều 43 Luật dược và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật dược và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và Giấy chứng nhận đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc (viết tắt là GMP) theo lộ trình áp dụng GMP của Bộ Y tế.

c) Cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài phải được đánh giá việc đáp ứng GMP theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

d) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải được sản xuất tại đúng cơ sở có giấy phép sản xuất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, không được sản xuất tại các cơ sở khác theo hình thức mượn giấy phép sản xuất (Loan Licence).

đ) Được đề nghị thu hồi giấy đăng ký lưu hành của thuốc do cơ sở sản xuất trong trường hợp thuốc, nguyên liệu có vấn đề về chất lượng, an toàn và hiệu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng mà không nhất thiết phải có ý kiến đồng ý của cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Mẫu số 01/TT ban hành kèm theo Thông tư này.

e) Được đề nghị hoặc phối hợp với chủ sở hữu sản phẩm (trong trường hợp cơ sở sản xuất không phải là chủ sở hữu sản phẩm) đề nghị thay đổi cơ sở đăng ký khác đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc của chính cơ sở sản xuất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan quản lý có thẩm quyền chấm dứt hoạt động.

g) Phối hợp với cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc thực hiện quy định tại khoản 4, 5 và 6 Điều 4 Thông tư này.

h) Phối hợp với cơ sở đăng ký thuốc thực hiện các yêu cầu về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền;

i) Tổ chức hoạt động thông tin thuốc và cảnh giác dược tại cơ sở, tuân thủ hướng dẫn về Thực hành tốt cảnh giác dược (Good Pharmacovigilance Practices) theo lộ trình do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Điều 6. Yêu cầu đối với cơ sở đặt gia công và nhận gia công đối với thuốc sản xuất gia công

Đối với thuốc sản xuất gia công, bao gồm chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về hoạt động gia công thuốc.

Điều 7. Yêu cầu về phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc và việc thẩm định bằng thực nghiệm tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm trong đăng ký

1. Đối với thuốc hoá dược, thuốc dược liệu, sinh phẩm (trừ huyết thanh chứa kháng thể), nguyên liệu làm thuốc:

a) Cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng GMP tự thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và nộp phiếu kiểm nghiệm của chính cơ sở sản xuất đó để nộp hồ sơ đăng ký;

b) Trường hợp cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng GMP nhưng không thực hiện việc kiểm nghiệm thì phải nộp phiếu kiểm nghiệm thuốc của cơ sở kiểm nghiệm thuốc đáp ứng Thực hành tốt phòng thí nghiệm (viết tắt là GLP).

c) Trường hợp cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước chưa đáp ứng GMP, cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải tiến hành thẩm định bằng thực nghiệm tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm tại cơ sở kiểm nghiệm thuốc của nhà nước đáp ứng GLP hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với phạm vi hoạt động thực hiện.

Cơ sở đăng ký phải nộp kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và nộp phiếu kiểm nghiệm trong hồ sơ đăng ký.

d) Đối với trường hợp quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này: Sau khi thẩm định hồ sơ, Cục Quản lý Dược sẽ có văn bản yêu cầu cơ sở đăng ký thuốc tiến hành thẩm định bằng thực nghiệm tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và nộp kết quả thẩm định được cấp bởi cơ sở kiểm nghiệm khác do Cục Quản lý Dược chỉ định (bao gồm: cơ sở kiểm nghiệm thuốc của nhà nước đáp ứng GLP hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với phạm vi hoạt động).

Cơ sở đăng ký phải nộp kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm trong hồ sơ đăng ký.

2. Đối với vắc xin, huyết thanh có chứa kháng thể: Cơ sở đăng ký phải tiến hành thẩm định bằng thực nghiệm tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm tại Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.

Cơ sở đăng ký phải nộp kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm có xác nhận bởi Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế trong hồ sơ đăng ký.

3. Yêu cầu đối với kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm nộp trong hồ sơ đăng ký:

a) Kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm phải là bản chính và có dấu xác nhận của cơ sở kiểm nghiệm hoặc kiểm định;

b) Phiếu kiểm nghiệm phải đáp ứng quy định sau:

- Phải được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Trường hợp Phiếu kiểm nghiệm chưa được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, phải có bản dịch công chứng ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh;

- Trường hợp có từ 02 cơ sở trở lên tham gia sản xuất thuốc thì lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu phải có phiếu kiểm nghiệm của cơ sở sản xuất cuối cùng hoặc của cơ sở chịu trách nhiệm xuất xưởng;

- Phải bao gồm các thông tin sau: Thông tin hành chính (tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, số Phiếu kiểm nghiệm, tên và chữ ký của người được giao trách nhiệm, ngày phát hành phiếu kiểm nghiệm) và thông tin về mẫu thuốc (bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm), nguyên liệu làm thuốc (tên sản phẩm, số lô, hạn dùng, tiêu chuẩn chất lượng áp dụng, chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu chất lượng, kết quả kiểm nghiệm, kết luận về chất lượng lô sản phẩm).

Điều 8. Yêu cầu về báo cáo theo dõi, đánh giá an toàn, hiệu quả trong quá trình lưu hành thuốc

1. Cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để báo cáo về Cục Quản lý Dược và Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc theo quy định sau:

a) Báo cáo khẩn khi phát hiện xảy ra biến cố bất lợi nghiêm trọng (gây tử vong hoặc đe dọa tính mạng) đối với tất cả các thuốc trong quá trình lưu hành theo trình tự sau:

- Bước 1: Báo cáo thông qua điện thoại hoặc email hoặc fax trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện biến cố bất lợi nghiêm trọng.

- Bước 2: Báo cáo bằng văn bản trong thời gian sớm nhất có thể nhưng không muộn hơn 07 ngày kể từ khi có thông tin xảy ra biến cố bất lợi nghiêm trọng theo Biểu mẫu....ban hành kèm theo Phụ lục...Thông tư này nhưng không nhất thiết phải đầy đủ thông tin tại thời điểm báo cáo.

- Bước 3: Nếu báo cáo bằng văn bản tại bước 2 chưa đầy đủ thông tin, cần hoàn thiện báo cáo với đầy đủ thông tin tại Biểu mẫu....ban hành kèm theo Phụ lục...Thông tư này trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm có thông tin xảy ra biến cố bất lợi nghiêm trọng.

- Bước 4: Nếu có thông tin bổ sung về biến cố bất lợi nghiêm trọng, cần báo cáo theo dõi tiếp theo đầy đủ thông tin trong vòng 7 ngày kể từ khi có thông tin bổ sung.

b) Báo cáo định kỳ đánh giá nguy cơ - lợi ích (Periodic benefit risk evaluation reports – PBRERs) (còn gọi là Báo cáo định kỳ cập nhật về an toàn thuốc: Periodic Safety Update Reports – PSURs) theo Mẫu.... đối với các thuốc có thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành là 03 năm, trừ thuốc dược liệu. Báo cáo phải được thực hiện mỗi năm một lần kể từ thời điểm thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành cho tới khi thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành với thời hạn 05 năm và phải nộp báo cáo trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm khóa dữ liệu.

Sau khi thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành với thời hạn hiệu lực 05 năm, Bộ Y tế có thể tiếp tục yêu cầu việc báo cáo nêu trên đối với trường hợp cần thiết phải tiếp tục theo dõi tính an toàn, hiệu quả của thuốc trong quá trình lưu hành.

c) Báo cáo theo Mẫu 3A/TT (đối với thuốc) hoặc Mẫu 3B/TT (đối với vắc xin) ban hành kèm theo Thông tư và phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng thuốc báo cáo tình hình sử dụng thuốc theo Mẫu 3C/TT ban hành kèm theo Thông tư định kỳ 6 tháng một lần và khi nộp hồ sơ đăng ký gia hạn về Cục Quản lý Dược và Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc đối với thuốc có thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành là 3 năm.

2. Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc có trách nhiệm tổng hợp, phân tích báo cáo của cơ sở đăng ký thuốc và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn dữ liệu khác (nếu có) để gửi ý kiến tổng hợp, đề xuất nhằm hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả về Cục Quản lý Dược.

Điều 9. Ngôn ngữ, hình thức hồ sơ, mẫu thuốc và phí đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ đăng ký

Hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và Tóm tắt đặc tính sản phẩm phải được viết bằng tiếng Việt.

2. Hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải được chuẩn bị trên khổ giấy A4, đóng chắc chắn (trừ hồ sơ nộp trực tuyến). Hồ sơ phải được sắp xếp theo đúng trình tự của mục lục, có phân cách giữa các phần. Các phần phân cách phải được đánh số thứ tự để dễ tham khảo và có dấu xác nhận của cơ sở đăng ký hoặc cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở trang đầu tiên của mỗi phần trong toàn bộ hồ sơ, riêng tiêu chuẩn chất lượng, phương pháp kiểm nghiệm, phiếu kiểm nghiệm và hồ sơ nghiên cứu độ ổn định (áp dụng đối với cả phần hồ sơ dược chất và thuốc thành phẩm) phải có chữ ký và dấu xác nhận của cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đăng ký (chấp nhận dấu của văn phòng đại diện đối với thuốc nước ngoài).

3. Quy định về một bộ hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc:

a) Mỗi thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải có hồ sơ đăng ký riêng, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản này;

b) Thuốc ở dạng lỏng hoặc bán rắn có chung tất cả các yếu tố sau có thể đăng ký trong cùng một hồ sơ:

- Tên thuốc;

- Dạng bào chế và đường dùng;

- Công thức bào chế;

- Tiêu chuẩn chất lượng thuốc;

- Hạn dùng của thuốc;

- Tên và địa chỉ nhà sản xuất.

c) Các thuốc dạng rắn (nhưng không phải các thuốc dạng tiêm, truyền) chỉ khác nhau về quy cách đóng gói (có nồng độ hoặc hàm lượng giống nhau) thì được đăng ký trong cùng hồ sơ.

d) Thuốc tiêm, truyền thuộc các trường hợp sau phải tách thành các hồ sơ riêng:

- Bột pha tiêm có chứa lượng dược chất trong mỗi đơn vị quy cách đóng gói nhỏ nhất là khác nhau .

- Dung dịch tiêm đóng trong ống tiêm hoặc lọ tiêm và dung dịch tiêm đóng trong bơm tiêm nạp sẵn thuốc.

- Các dung dịch đậm đặc có tổng lượng dược chất khác nhau trong mỗi đơn vị đóng gói nhỏ nhất là khác nhau.

- Các bơm tiêm nạp sẵn thuốc có chứa lượng dược chất trong mỗi bơm tiêm là khác nhau.

(C.Minh bổ sung tham khảo quy định của Singapore)

(Xin ý kiến thêm)

4. Số lượng các tài liệu phải nộp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành cụ thể như sau:

a) 01 (một) bản gốc có đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 và 2 Điều 17, Điều 22 Thông tư này đối với thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm và hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 27 Thông tư này đối với thuốc dược liệu, nguyên liệu làm thuốc, trong đó mỗi tài liệu trong hồ sơ gồm 01 bản;

b) 02 (hai) bản sao các tài liệu gồm đơn đăng ký thuốc, tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm thuốc; riêng đối với vắc xin, huyết thanh có chứa kháng thể nộp thêm 01 bản sao đầy đủ hồ sơ;

c) 02 (hai) bộ mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc dự kiến có dấu xác nhận của cơ sở đăng ký (chấp nhận dấu của văn phòng đại diện đối với thuốc nước ngoài) hoặc cơ sở sản xuất. Các nhãn thuốc được gắn, thiết kế trên khổ giấy A4.

5. Số lượng các tài liệu phải nộp trong hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành:

a) 01 (một) bản gốc có đầy đủ các tài liệu tùy nội dung đăng ký thay đổi lớn, thay đổi nhỏ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Thông tư này đối với thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm và khoản 3 Điều 24, khoản 3 Điều 27 Thông tư này đối với thuốc dược liệu, nguyên liệu làm thuốc.

b) 02 (hai) bộ mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc dự kiến đối với trường hợp thay đổi nhãn, hướng dẫn sử dụng, có dấu xác nhận của cơ sở đăng ký (chấp nhận dấu của văn phòng đại diện đối với thuốc nước ngoài) hoặc cơ sở sản xuất. Các nhãn thuốc được gắn, thiết kế trên khổ giấy A4.

6.  Mẫu vắc xin, huyết thanh có chứa kháng thể: Cơ sở đăng ký gửi mẫu tới Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế để được kiểm nghiệm và cấp phiếu kiểm nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này nhằm phục vụ việc nộp hồ sơ đăng ký;

7. Quy định về việc áp dụng hồ sơ trực tuyến:

a) Không áp dụng nộp hồ sơ trực tuyến đối với:

- Thuốc mới, vắc xin lần đầu đăng ký lưu hành, sinh phẩm (bao gồm cả sinh phẩm tương tự) lần đầu đăng ký lưu hành;

- Thuốc có hồ sơ lâm sàng, tài liệu chứng minh tương đương sinh học.

b) Đối với các hồ sơ áp dụng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến: phải nộp kèm hồ sơ hành chính dạng bản giấy.

Điều 10. Phí đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải nộp phí liên quan đến đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GMP) và thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm quy định tại Điều 7 Thông tư này theo quy định của pháp luật hiện hành về phí và lệ phí.

Điều 11. Quy định cụ thể đối với các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thuốc

1. Đối với các giấy tờ do cơ quan quản lý nước ngoài cấp phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật.

2. Các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ phải còn hiệu lực tại thời điểm tiếp nhận ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ (trừ CPP) và phải được thể hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt.

Trường hợp không thể hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt thì phải có thêm bản dịch công chứng của tài liệu đó ra tiếng Anh hoặc tiếng Việt (bao gồm cả nội dung chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự).

3. Giấy chứng nhận đáp ứng Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc (gọi tắt là GMP), giấy phép sản xuất, kinh doanh dược có thể nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực đáp ứng các quy định như sau:

a) Trường hợp nộp bản chính: Bản chính phải có đầy đủ chữ ký trực tiếp, tên, chức danh người ký và dấu xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước cấp giấy chứng nhận, giấy phép;

b) Trường hợp nộp bản sao: Bản sao do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về chứng thực bản sao từ bản chính. Trong trường hợp cần thiết xuất trình bản chính để đối chiếu.

4. Quy định đối với CPP:

a) Thời hạn hiệu lực ghi trên CPP: không chấp nhận CPP có thời hạn hiệu lực dưới 01 năm.

b) Thời hạn hiệu lực còn lại của CPP tại thời điểm nộp hồ sơ:

- Đối với CPP có thời hạn hiệu lực 1 năm: chỉ chấp nhận CPP còn hiệu lực tối thiểu 6 tháng;

- Đối với CPP có thời hạn hiệu lực trên 1 năm: chỉ chấp nhận CPP còn hiệu lực tối thiểu 12 tháng;

- Trường hợp CPP không ghi thời hạn hiệu lực: chỉ chấp nhận CPP được cấp trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp.

c) CPP phải có chữ ký, tên, chức danh người ký, ngày cấp và dấu của cơ quan cấp CPP;

d) CPP phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền cao nhất của nước cấp CPP. Trường hợp tại nước cấp CPP có nhiều cơ quan cùng cấp CPP bên cạnh cơ quan quản lý về y tế thì CPP phải được cấp bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền cao nhất về y tế.

(Sửa lại sau họp HDXDT liên quan đến thuốc viện trợ)

đ) Phải có xác nhận đầy đủ về các nội dung liên quan đến chữ ký, tên, chức danh người ký và dấu của cơ quan cấp CPP bởi cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước sở tại;

e) CPP nộp phải là bản gốc và được hợp pháp hóa lãnh sự;

g) Nội dung của CPP:

- CPP phải có đầy đủ thông tin theo các mục quy định tại Mẫu 01/ACTD ban hành kèm theo Thông tư này;

- Phải kèm công thức bào chế của thuốc có xác nhận bởi cơ quan cấp CPP, trong đó nêu rõ tiêu chuẩn chất lượng của thuốc thành phẩm; tên, thành phần, nồng độ, hàm lượng hoặc khối lượng, tiêu chuẩn chất lượng của từng dược chất, tá dược; đối với dược chất phải ghi rõ tên và địa chỉ nhà sản xuất dược chất;

- Đối với dạng bào chế viên nang mềm phải có thêm mô tả chi tiết thành phần công thức của nang mềm, đối với dạng bào chế nang cứng phải mô tả tá dược màu, thành phần của nắp, thân nang cứng;

- Trường hợp thuốc có sự tham gia sản xuất bởi nhiều cơ sở sản xuất khác nhau thì CPP phải ghi rõ tên, địa chỉ, vai trò của từng cơ sở;

- Phải kèm tờ hướng dẫn sử dụng thuốc có xác nhận bởi cơ quan cấp CPP;

h) Đối với thuốc generic, thuốc dược liệu nhập khẩu: CPP xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất. Trường hợp thuốc không được cấp phép lưu hành ở nước sản xuất hoặc được cấp phép nhưng không lưu hành thực tế ở nước sản xuất, cơ sở đăng ký phải cung cấp CPP có xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở một trong các nước thành viên sáng lập hoặc thành viên thường trực của ICH hoặc Australia.

i) Đối với thuốc hóa dược mới, sinh phẩm nhập khẩu:

- CPP xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất, đồng thời phải có thêm CPP xác nhận thuốc được cấp phép bởi ít nhất một trong số các cơ quan quản lý tham chiếu.

- Trường hợp cơ quan quản lý nước sản xuất thuộc cơ quan quản lý tham chiếu thì chỉ cần CPP thể hiện thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất.

- Trường hợp thuốc không lưu hành tại nước sản xuất thì phải có CPP do cơ quan quản lý tham chiếu xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành thực tế.

k) Đối với vắc xin nhập khẩu:

- Phải có CPP thể hiện vắc xin được cấp phép và lưu hành thực tế tại nước sản xuất, đồng thời phải có thêm CPP thể hiện vắc xin được cấp phép bởi ít nhất một cơ quan quản lý tham chiếu.

- Trường hợp cơ quan quản lý nước sản xuất thuộc cơ quan quản lý tham chiếu thì phải có thêm CPP thể hiện vắc xin được cấp phép bởi một cơ quan quản lý tham chiếu khác.

- Trường hợp nước sản xuất thuộc Châu Âu và CPP do Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp thì chỉ cần cung cấp CPP thể hiện vắc xin được cấp phép và lưu hành thực tế tại Châu Âu (không yêu cầu thêm CPP từ bất kỳ nước nào khác).

- Trường hợp vắc xin được sản xuất tại Mỹ thì chỉ cần cung cấp CPP thể hiện vắc xin được cấp phép và lưu hành thực tế tại Mỹ bởi US FDA (không yêu cầu thêm CPP từ bất kỳ nước nào khác).

- Trường hợp vắc xin không được cấp phép tại nước sản xuất hoặc được cấp phép nhưng không lưu hành tại nước sản xuất thì phải có CPP thể hiện vắc xin được cấp phép bởi ít nhất hai cơ quan quản lý tham chiếu (hoặc chỉ cần CPP do EMA cấp hoặc chỉ cần CPP do FDA cấp).

l) Đối với thuốc generic nhập khẩu có báo cáo tương đương sinh học:

- Phải có CPP xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất, đồng thời phải có thêm CPP xác nhận thuốc được cấp phép bởi ít nhất một trong số các cơ quan quản lý là thành viên thường trực hoặc thành viên sáng lập của ICH hoặc Australia.

Trường hợp nước sản xuất là thành viên thường trực hoặc thành viên sáng lập của ICH hoặc Australia thì chỉ cần CPP thể hiện thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất (không yêu cầu thêm CPP khác).

- Trường hợp thuốc không được cấp phép bởi ít nhất một trong số các nước là thành viên thường trực hoặc thành viên sáng lập của ICH hoặc Australia: ngoài yêu cầu CPP xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất thì phải có thêm báo cáo tương đương sinh học của thuốc đã được thực hiện tại cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc tại Việt Nam hoặc tại các cơ sở thử tương tương sinh học mà Việt Nam công nhận theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc theo các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

m) Đối với thuốc, vắc xin, sinh phẩm nhập khẩu không cung cấp được CPP đáp ứng quy định tại điểm a, b, h, i, k, l khoản này, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định trên cơ sý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Thuốc, vắc xin, sinh phẩm để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa mà trên thị trường chưa có sẵn các thuốc khác có khả năng thay thế về mặt số lượng, chất lượng, an toàn, hiệu quả hoặc chi phí sử dụng;

- Vắc xin dùng cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mà trên thị trường không sẵn có vắc xin khác có khả năng thay thế về mặt số lượng, chất lượng, an toàn, hiệu quả hoặc chi phí sử dụng vắc xin.

n) Các thông tin thể hiện trên CPP phải thống nhất với các thông tin có liên quan trong hồ sơ đăng ký thuốc.

5. Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở kinh doanh dược Việt Nam là bản sao có chứng thực.

6. Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có liên quan trong hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc (nếu có) do các cơ quan có thẩm quyền về sở hữu công nghiệp cấp hoặc xác nhận có thể là bản sao có chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu xác nhận của cơ sở đăng ký thuốc hoặc văn phòng đại diện.

7. Đơn đăng ký phải do giám đốc cơ sở đăng ký hoặc trưởng văn phòng đại diện được ủy quyền (đối với thuốc nước ngoài) hoặc đại diện được ủy quyền (đối với thuốc trong nước) của cơ sở đăng ký ký trực tiếp trên đơn và đóng dấu (nếu có) của cơ sở đăng ký, không chấp nhận chữ ký dấu.

8. Giấy ủy quyền thực hiện theo Mẫu 05/TT ban hành kèm theo Thông tư này và được yêu cầu nộp trong các trường hợp sau đây:

- y quyền được đứng tên cơ sở đăng ký theo Mẫu 5A ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy ủy quyền đứng tên cơ sở đăng ký đối với thuốc nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

(Xin ý kiến)

- Ủy quyền ký tên trên hồ sơ đăng ký theo Mẫu 5B ban hành kèm theo Thông tư này;

- y quyền sử dụng tên thuốc đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá khi chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá không phải là cơ sở đăng ký thuốc theo Mẫu 5C ban hành kèm theo Thông tư này.

Mỗi hồ sơ phải nộp kèm một giấy ủy quyền bản chính hoặc bản sao có dấu xác nhận của cơ sở đăng ký hoặc văn phòng đại diện.

9. Bản sao có chứng thực hoặc xác nhận của cơ sở đăng ký hợp đồng gia công đối với thuốc sản xuất gia công, hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với thuốc chuyển giao công nghệ.

10. Bộ mẫu nhãn thực tế của thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành tại nước cấp CPP có dấu xác nhận của văn phòng đại diện hoặc cơ sở đăng ký hoặc cơ sở sản xuất.

11. Mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc dự kiến lưu hành tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và có dấu xác nhận của văn phòng đại diện hoặc cơ sở đăng ký hoặc cơ sở sản xuất.

Điều 12. Hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký gia hạn

1. Thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc là 05 năm kể từ ngày cấp hoặc gia hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các thuốc có yêu cầu tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả có thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc là 03 năm kể từ ngày cấp, bao gồm:

a) Thuốc mới, vắc xin lần đầu cấp giấy đăng ký lưu hành, sinh phẩm lần đầu cấp giấy đăng ký lưu hành;

b) Thuốc được cấp phép lưu hành trong thời gian thuốc mới hoặc sinh phẩm tham chiếu tương ứng chưa được cấp giấy đăng ký với thời hạn 05 năm;

c) Thuốc thuộc trường hợp quy định tại điểm a và b khoản này nhưng tại thời điểm nộp hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành mà chưa có hoặc có báo cáo an toàn, hiệu quả nhưng dữ liệu chưa đủ để chứng minh tính an toàn, hiệu quả của thuốc sau khi thuốc được đưa ra lưu hành trên thị trường.

3. Trong thời hạn 12 tháng trước khi giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực, cơ sở đăng ký có thể nộp hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành. Sau ngày giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực, cơ sở nộp hồ sơ theo hình thức cấp giấy đăng ký lưu hành.

Điều 13. Yêu cầu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc gia hạn giấy đăng ký lưu hành

1. Thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành được xem xét gia hạn khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Hồ sơ của thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành đã thực hiện theo ACTD hoặc ICH-CTD, trừ thuốc dược liệu.

b) Nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này.

c) Đã nộp hồ sơ cập nhật tiêu chuẩn chất lượng thuốc trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký gia hạn theo theo Thông tư hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

d) Đã cập nhật nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

đ) Hồ sơ gia hạn không có bất kì thay đổi so với hồ sơ đăng ký đã được Bộ Y tế phê duyệt, trừ thay đổi phần hồ sơ hành chính.

2. Nguyên liệu làm thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành được xem xét gia hạn khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này.

b) Đã nộp hồ sơ cập nhật tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu làm thuốc trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký gia hạn theo Thông tư hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

c) Hồ sơ gia hạn không có bất kì thay đổi so với hồ sơ đăng ký đã được Bộ Y tế phê duyệt, trừ thay đổi phần hồ sơ hành chính.

3. Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đáp ứng các yêu cầu tại khoản 1, khoản 2 Điều này nếu muốn tiếp tục lưu hành thì phải nộp hồ sơ theo hình thức cấp giấy đăng ký lưu hành.

4. Một thuốc, nguyên liệu làm thuốc có thể được gia hạn nhiều lần nếu đáp ứng điều kiện gia hạn.

Điều 14. Yêu cầu đối với thuốc đề nghị phân loại biệt dược gốc

1. Thuốc đề nghị được phân loại biệt dược gốc phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả theo quy định tại Điều... Thông tư này, trừ sinh phẩm tương tự;

Được cấp phép lưu hành bởi ít nhất 1 cơ quan quản lý tham chiếu theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này, trừ thuốc mới sản xuất tại Việt Nam.

2. Đối với thuốc đã được Bộ Y tế công bố biệt dược gốc, sau đó chuyển sang sản xuất một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn tại cơ sở sản xuất thuốc tại Việt Nam phải bảo đảm biệt dược gốc và thuốc sản xuất tại Việt Nam đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Cùng công thức bào chế;

b) Cùng quy trình sản xuất;

c) Cùng tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu;

d) Cùng tiêu chuẩn chất lượng thuốc thành phẩm;

đ) Bất kỳ thay đổi liên quan đến yêu cầu tại điểm a, b, c, d khoản này, cơ sở đăng ký phải cung cấp dữ liệu chứng minh chất lượng, an toàn, hiệu quả tương tự biệt dược gốc.

Điều 15. Yêu cầu bảo mật dữ liệu đối với hồ sơ đăng ký thuốc

Cơ sở đăng ký thuốc có nhu cầu bảo mật dữ liệu đối với hồ sơ đăng ký thuốc thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2010/TT-BYT ngày 01/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn bảo mật dữ liệu thử nghiệm trong đăng ký thuốc và phải nêu rõ đề nghị trong đơn đăng ký theo Mẫu 6A/TT ban hành kèm Thông tư này.

Điều 16. Quy định về kế hoạch quản lý nguy cơ

1. Các trường hợp phải xây dựng kế hoạch quản lý nguy cơ:

a) Các thuốc thuộc trường hợp cấp phép lưu hành có hiệu lực 03 năm (trừ vắc xin) quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này phải có kế hoạch quản lý nguy cơ khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành lần đầu.

b) Các thuốc có nguy cơ cao trong quá trình lưu hành có yêu cầu của Bộ Y tế về việc xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý nguy cơ nhằm ngăn chặn hoặc làm giảm tần suất xuất hiện phản ứng bất lợi hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của phản ứng bất lợi có thể xảy ra liên quan đến việc sử dụng thuốc.

c) Vắc xin khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành.

2. Nội dung kế hoạch quản lý nguy cơ: thực hiện theo Mẫu.... quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này.

Điều 17. Phân loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong đăng ký

1. Thuốc đăng ký, bao gồm:

a) Thuốc hóa dược;

b) Vắc xin;

c) Sinh phẩm;

d) Thuốc dược liệu.

2. Nguyên liệu làm thuốc đăng ký, bao gồm:

a) Dược chất;

b) Tá dược;

c) Vỏ nang;

d) Bán thành phẩm dược liệu.

Chương II

YÊU CẦU VỀ DỮ LIỆU LÂM SÀNG VÀ TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH TRƯỜNG HỢP MIỄN THỬ, MIỄN MỘT SỐ GIAI ĐOẠN THUỐC THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG, THUỐC PHẢI THỬ LÂM SÀNG GIAI ĐOẠN 4 TẠI VIỆT NAM

Điều 18. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đối với thuốc hóa dược mới có chứa ít nhất một dược chất lần đầu lưu hành tại Việt Nam, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu

1. Các nghiên cứu lâm sàng, báo cáo lâm sàng của thuốc phải phù hợp với hướng dẫn đánh giá nghiên cứu lâm sàng của ASEAN (ACTR) hoặc ICH; hoặc phải phù hợp với quy định, hướng dẫn của Việt Nam; hoặc phải phù hợp với hướng dẫn khác của tổ chức khác mà Việt Nam công nhận (bao gồm: hướng dẫn của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hướng dẫn cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này) trong trường hợp chưa có hướng dẫn cụ thể của ASEAN (ACTR) hoặc ICH.

2. Các dữ liệu lâm sàng phải đủ để chứng minh thuốc bảo đảm an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn về đánh giá tính an toàn, hiệu quả của thuốc tại ACTR hoặc ICH; hoặc phải phù hợp với quy định, hướng dẫn của Việt Nam; hoặc phải phù hợp với hướng dẫn khác mà Việt Nam công nhận (bao gồm: hướng dẫn của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hướng dẫn cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này) trong trường hợp chưa có hướng dẫn cụ thể của ASEAN (ACTR) hoặc ICH.

3. Phải có báo cáo thuyết minh chương trình phát triển sản phẩm, thông tin đầy đủ về dược lý phi lâm sàng (tác dụng, độc tính, dược động học), kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;

4. Thuốc hóa dược mới có chứa ít nhất một dược chất lần đầu lưu hành tại Việt Nam, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau thì không yêu cầu phải có kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 hoặc chấp nhận kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 chưa đầy đủ (nếu có):

a) Thuốc dùng để điều trị các bệnh hiếm gặp, bệnh ung thư, bệnh AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm gan virus hoặc điều trị bệnh hiểm nghèo, bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi do Bộ trưởng Bộ Y tế công bố thuộc một trong số các trường hợp sau:

- Trên thị trường chưa có sẵn các thuốc khác có khả năng thay thế;

- Trên thị trường đã có thuốc khác có khả năng thay thế nhưng các thuốc sẵn có này còn có những hạn chế trong điều trị.

b) Thuốc đã được cấp phép bởi ít nhất hai trong số các cơ quan quản lý tham chiếu hoặc thuốc đã được cấp phép bởi US FDA hoặc bởi EMA khi thuốc chưa có hoặc có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 chưa đầy đủ nhưng đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 chứng minh rõ ràng tính an toàn, hiệu quả của thuốc.

5. Có đầy đủ dữ liệu lâm sàng để phân tích, biện giải và ngoại suy được ảnh hưởng có thể có của các yếu tố chủng tộc châu Á đến an toàn, hiệu quả của thuốc (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này), bao gồm:

- Các thông tin được lựa chọn từ các dữ liệu đã có liên quan đến chủng tộc người châu Á, bao gồm dữ liệu về dược động học, bất kỳ dữ liệu sơ bộ nào về dược lực học và dữ liệu về liều đáp ứng; và

- Một số trường hợp cần thực hiện một nghiên cứu bắc cầu trên người châu Á nhằm cung cấp các dữ liệu lâm sàng (chẳng hạn như: dữ liệu về dược động học, dược lực học, hiệu quả, an toàn, liều và chế độ liều) để có thể ngoại suy các dữ liệu về hiệu quả và/hoặc dữ liệu về an toàn từ các thử nghiệm lâm sàng không thực hiện tại châu Á đối với người châu Á.

Các trường hợp cần hoặc không cần thiết yêu cầu nghiên cứu bắc cầu trên người châu Á và loại nghiên cứu bắc cầu cần tiến hành được thực hiện theo hướng dẫn tại ICH-E5.

6. Thuốc hóa dược mới, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu được miễn trừ nộp dữ liệu lâm sàng để phân tích, biện giải và ngoại suy được ảnh hưởng có thể có của các yếu tố chủng tộc châu Á đến an toàn, hiệu quả của thuốc quy định tại Khoản 5 Điều này nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Thuốc điều trị bệnh hiếm gặp;

b) Thuốc điều trị bệnh AIDS, thuốc điều trị bệnh ung thư và thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo, bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi do Bộ trưởng Bộ Y tế công bố và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

- Trên thị trường chưa có sẵn các hệ trị liệu chuẩn (standard therapy) hoặc hệ trị liệu tương đương (equivalent therapy);

- Thuốc được sử dụng sau khi việc sử dụng hệ trị liệu chuẩn bị thất bại.

c) Thuốc đã được sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng thực hiện tại Việt Nam (trong các thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm toàn cầu);

d) Thuốc phóng xạ;

đ) Thuốc tác dụng tại chỗ nhưng có tác dụng toàn thân, trừ trường hợp:

- Thuốc sử dụng tại chỗ nhưng nhằm để phát huy tác dụng toàn thân;

- Thuốc dùng tại chỗ nhưng tỷ lệ hấp thu toàn thân lớn.

e) Thuốc có dữ liệu chứng minh không có sự khác biệt của yếu tố chủng tộc.

g) Các thuốc khác được Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trên cơ sý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

(Minh bổ sung: Tham khảo quy định của Hàn Quốc).

(Xin ý kiến)

7. Phải có kế hoạch quản lý nguy cơ nguy cơ đáp ứng quy định tại Điều 16 Thông tư này.

8. Đối với thuốc nhập khẩu đã được cấp phép lưu hành bởi một trong các cơ quan quản lý tham chiếu trước thời điểm có các quy định, hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của thuốc tương ứng quy định tại khoản 1, 2 Điều này thì được xem xét miễn trừ quy định tại Khoản 3 và 5 Điều này.

9. Thuốc hóa dược mới có chứa ít nhất một dược chất lần đầu lưu hành tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau được Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét miễn trừ nộp các kết quả nghiên cứu lâm sàng trên cơ sý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Thuốc không chứa bất kỳ dược chất nào thuộc danh mục thuốc độc, nguyên liệu độc làm thuốc của Việt Nam.

b) Thuốc được thẩm định, cấp phép và phân loại là thuốc không kê đơn bởi một trong số các cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại Khoản 9 Điều 2 của Thông tư này.

c) Việc sử dụng mỗi hoạt chất có chứa trong thuốc (về chỉ định, liều dùng, đường dùng, đối tượng sử dụng) đã được chỉ rõ trong một hoặc một số các sách tham khảo tiêu chuẩn sau:

- Dược thư Quốc gia;

- Martindale: The Complete Drug Reference. Sweetman SC (Ed.). Pharmaceutical Press, UK.

- Handbook of Non-prescription Drugs. American Pharmaceutical Association, USA.

- Remington’s Pharmaceutical Sciences. Gennaro AR (Ed.). American Pharmaceutical Association, USA and Pharmaceutical Press, UK.

- AHFS Drug Information. McEvoy GK (Ed.). American Society of Health System Pharmacists, USA.

- Handbook of Pharmaceutical Excipients. Kibbe AH (Ed.). American Pharmaceutical Association, USA and Pharmaceutical Press, UK.

Điều 19. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đối với thuốc có sự kết hợp mới của các dược chất đã lưu hành tại Việt Nam:

1. Phải có báo cáo giải trình kèm theo tài liệu chứng minh về lợi ích của việc phối hợp các dược chất trong thuốc trong điều trị, trong đó chứng minh được các nội dung sau:

- Mỗi dược chất trong thuốc phối hợp góp phần làm tăng hiệu quả của thuốc hoặc cải thiện tỷ số lợi ích - nguy cơ;

Đối với các thuốc phối hợp dùng để điều trị các bệnh mãn tính chỉ có tác dụng làm tăng sự tuân thủ khi dùng thuốc của người bệnh hoặc tăng tính tiện lợi khi dùng thuốc nhưng không góp phần làm tăng hiệu quả của thuốc hoặc không góp phần cải thiện tỷ số lợi ích – nguy cơ, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc chấp nhận phối này trên cơ sý kiến tư vấn của Hội đồng cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

- Công thức bào chế của thuốc phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo liều và tỷ lệ mỗi hoạt chất trong thuốc là phù hợp với chỉ định;

- Không có sự tương tác giữa các hoạt chất trong thuốc hoặc nếu có thì đó là những tương tác đã được xác định và được chấp nhận.

2. Phải có báo cáo về tình trạng lưu hành của thuốc trên thế giới nơi thuốc được lưu hành, phê duyệt và các thông tin liên quan đến việc thu hồi, giới hạn sử dụng thuốc (nếu có).

3. Dữ liệu lâm sàng đầy đủ của từng dược chất có thể bao gồm các dữ liệu gốc, dữ liệu từ các tài liệu y văn (gồm: các chuyên luận liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đề cập trong các dược điển, dược thư của Việt Nam hoặc của nước ngoài; các bài báo đánh giá về tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đăng tải trên các tạp chí thuộc danh mục SCI (Science Citation Index) hoặc gói dữ liệu bao gồm cả dữ liệu gốc và dữ liệu từ y văn.

4. Đối với các thuốc phối hợp dạng tiêm truyền phải có dữ liệu về độc tính bán cấp của thuốc phối hợp.

5. Phải có báo cáo tóm tắt về các tương tác thuốc - thuốc (bao gồm cả các tương tác đã biết và các tương tác có thể xảy ra) giữa các hoạt chất có trong thuốc phối hợp và ý nghĩa của các tương tác này.

6.  Đối với một thuốc phối hợp đã thực sự lưu hành tại Việt Nam nhưng có thay đổi về tỷ lệ giữa các thành phần dược chất hoặc có chỉ định mới thì phải có báo cáo giải trình và các tài liệu chứng minh phù hợp (bao gồm cả các báo cáo đã được công bố).

7. Một số trường hợp cần tiến hành các thử nghiệm lâm sàng bổ sung để khẳng định hiệu quả của thuốc (bao gồm cả trường hợp không đủ dữ liệu để chứng minh sự phù hợp quy định tại điểm e khoản này). Việc xác định trường hợp cần tiến hành thử nghiệm lâm sàng bổ sung và các dữ liệu cần có phải phù hợp với các hướng dẫn, quy định đối với thuốc phối hợp cố định liều (fixed-dose combination) của ASEAN (ACTR) hoặc ICH, hoặc phải phù hợp với quy định, hướng dẫn của Việt Nam; hoặc phù hợp với hướng dẫn khác của tổ chức khác mà Việt Nam công nhận (bao gồm: hướng dẫn của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hướng dẫn cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này) trong trường hợp chưa có hướng dẫn cụ thể của ASEAN (ACTR) hoặc ICH.

8. Phải có kế hoạch quản lý nguy cơ nguy cơ đáp ứng quy định tại Điều 16 Thông tư này.

9. Đối với thuốc hóa dược mới có sự kết hợp mới của các dược chất đã lưu hành, trong đó các nghiên cứu lâm sàng liên quan đến dược chất đã lưu hành được thực hiện trước thời điểm có các quy định, hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của thuốc tương ứng của cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này thì chỉ yêu cầu nghiên cứu lâm sàng và dữ liệu nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 của thuốc phối hợp đáp ứng các quy định, hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của thuốc của các cơ quan quản lý tham chiếu và chấp nhận các dữ liệu lâm sàng giai đoạn 1, 2 của thuốc phối hợp không theo các các quy định, hướng dẫn này.

10. Thuốc hóa dược mới có sự kết hợp mới của các dược chất đã lưu hành đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 9 Điều 18 được Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét miễn trừ nộp các kết quả nghiên cứu lâm sàng trên cơ sý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Điều 20. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đối với sinh phẩm tương tự và thuốc Generic

1. Đối với sinh phẩm tương tự:

a) Có báo cáo thuyết minh chương trình phát triển của sinh phẩm tương tự;

b) Báo cáo chứng minh tính tương tự về an toàn, hiệu quả (bao gồm cả tính sinh miễn dịch) so sánh với sinh phẩm tham chiếu phù hợp với hướng dẫn của ASEAN (ACTR) hoặc ICH; hoặc phải phù hợp với quy định, hướng dẫn của Việt Nam; hoặc phải phù hợp với quy định, hướng dẫn của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc hướng dẫn của cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này trong trường hợp chưa có hướng dẫn cụ thể của ASEAN (ACTR) hoặc ICH.

c) Phải có kế hoạch quản lý nguy cơ nguy cơ đáp ứng quy định tại Điều 16 Thông tư này.

2. Đối với thuốc Generic:

a) Đối với các thuốc generic có chứa dược chất dạng với dược chất trong biệt dược gốc tham chiếu về dạng muối, ester, ether, isomer, hỗn hợp các isomer, phối hợp hoặc dẫn chất: cơ sở đăng ký thuốc cần cung cấp dữ liệu chứng minh rằng các dạng dược chất này không khác do với dược chất có trong biệt dược gốc tham chiếu về dữ liệu dược động học, dược lực học, hiệu quả hay độc tính.

b) Trường hợp thuốc Generic có hàm lượng khác với biệt dược gốc tham chiếu thì cần cung cấp tài liệu khoa học để chứng minh.

c) Không chấp nhận thuốc Generic có hàm lượng cao hơn hàm lượng của Biệt dược gốc tham chiếu tại Việt Nam.

Điều 21. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đối với thuốc dược liệu

1. Các dữ liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả phải phù hợp với quy định, hướng dẫn đánh giá an toàn, hiệu quả đối với thuốc dược liệu của Việt Nam hoặc của tổ chức khác mà Việt Nam công nhận, bao gồm: tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên (WHO, ASEAN), ICH hoặc cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này.

2. Các nghiên cứu lâm sàng của thuốc phải phù hợp với quy định, hướng dẫn đánh giá nghiên cứu lâm sàng đối với thuốc dược liệu của Việt Nam hoặc của tổ chức khác mà Việt Nam công nhận, bao gồm: tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên (WHO, ASEAN), ICH hoặc cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này.

3. Phải có kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 (đối với thuốc dược liệu mới có chứa ít nhất một dược liệu chưa từng được sử dụng làm thuốc tại Việt Nam và thuốc dược liệu có chỉ định đối với các bệnh thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành) hoặc phải có kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 (đối với thuốc dược liệu có sự phối hợp mới của các dược liệu đã từng sử dụng làm thuốc tại Việt Nam), trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 và 5 Điều này.

4. Thuốc dược liệu có tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả thuộc một trong các trường hợp sau thì không yêu cầu phải có kết quả nghiên cứu lâm sàng thuộc một, một số giai đoạn hoặc toàn bộ các giai đoạn nghiên cứu lâm sàng:

a) Các chuyên luận liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đề cập trong các dược điển, dược thư của Việt Nam hoặc của nước ngoài.

b) Các bài báo đánh giá về tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đăng tải trên các tạp chí thuộc danh mục SCI (Science Citation Index) - Chỉ số trích dẫn khoa học.

c) Báo cáo nghiệm thu đánh giá tính an toàn, hiệu quả của cấp có thẩm quyền đối với thuốc dược liệu được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ hoặc cấp tỉnh.

5. Thuốc dược liệu có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có một hay nhiều trong số các tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả quy định tại điểm b khoản này thì không yêu cầu phải có kết quả nghiên cứu lâm sàng một hoặc một số giai đoạn (không được miễn toàn bộ  kết quả nghiên cứu lâm sàng của cả 3 giai đoạn 1, 2 và 3).

6. Đối với thuốc dược liệu nhập khẩu đã được cấp phép lưu hành bởi một trong các cơ quan quản lý tham chiếu trước thời điểm có các quy định, hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của thuốc tương ứng quy định tại Khoản 1, 2 Điều này thì được xem xét miễn trừ quy định tại Khoản 3 Điều này.

Điều 22. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thay đổi, bổ sung liên quan đến dữ liệu lâm sàng so với hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt

Trường hợp thuốc (bao gồm cả thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu) đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam có thay đổi, bổ sung liên quan đến dữ liệu lâm sàng (chẳng hạn: thay đổi quy trình sản xuất, dạng bào chế, chỉ định, đối tượng sử dụng, đường dùng, liều dùng, hàm lượng mới, lịch tiêm chủng...) so với hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt, cơ sở đăng ký phải bổ sung dữ liệu lâm sàng theo hướng dẫn về thay đổi, bổ sung của ASEAN (ACTR) hoặc ICH, hoặc phải phù hợp với quy định, hướng dẫn của Việt Nam, tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này) trong trường hợp chưa có hướng dẫn cụ thể của ASEAN (ACTR) hoặc ICH.

Điều 23. Tiêu chí để xác định trường hợp miễn, miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng trước khi đăng ký lưu hành, thuốc phải yêu cầu thử lâm sàng giai đoạn 4

1. Tiêu chí để xác định trường hợp được miễn thử lâm sàng tại Việt Nam trước khi đăng ký lưu hành

Thuốc thuộc một trong các trường hợp sau được miễn thử lâm sàng tại Việt Nam trước khi đăng ký lưu hành:

a) Thuốc generic, trừ thuốc quy định tại khoản 14 Điều 2 Luật dược;

b) Thuốc mới (trừ vắc xin) đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới, đáp ứng quy định về CPP đối với thuốc nhập khẩu quy định tại Khoản 4 Điều 11 của Thông tư này và có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả quy định tại Điều 18, 19 hoặc 21 của Thông tư này.

c) Vắc xin nhập khẩu đáp ứng các điều kiện sau:

- Có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả quy định tại Điều 18 của Thông tư này và đáp ứng quy định về CPP đối với vắc xin nhập khẩu quy định tại Khoản 4 Điều 11 của Thông tư này;

- Vắc xin đã được sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng trung đa trung tâm toàn cầu giai đoạn 3 thực hiện tại Việt Nam, trong đó số người Việt Nam tham gia vào nghiên cứu này tối thiểu là 100 người (tham khảo: quy định của Ấn Độ là 100 người; thực hành tại Taiwan: ~150 người) hoặc chiếm tối thiểu 15-20% so với tổng cỡ mẫu đã sử dụng trong các nghiên cứu này (tham khảo: thực hành tại Hàn Quốc, Nhật Bản).

d) Vắc xin đáp ứng các điều kiện sau:

- Có đầy đủ dữ liệu lâm sàng đánh giá tính an toàn, hiệu quả quy định tại Điều 18 của Thông tư này;

- Đã được cấp phép bởi ít nhất 2 trong số các cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 của Thông tư này hoặc đã được cấp phép bởi EMA;

- Được sản xuất toàn bộ các công đoạn trên các dây chuyền (kể cả công đoạn sản xuất dược chất) tại các nước là thành viên sáng lập hoặc thành viên thường trực của ICH  hoặc Australia, đồng thời có lưu hành thực tế tại ít nhất một trong số các nước này.

đ) Vắc xin nhập khẩu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Đáp ứng quy định về CPP đối với vắc xin nhập khẩu quy định tại Khoản 4 Điều 11 của Thông tư này;

- Đáp ứng yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; hoặc dùng cho các bệnh hiếm gặp, hoặc bệnh hiểm nghèo, bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi do Bộ trưởng Bộ Y tế công bố mà trên thị trường mà không có vắc xin khác thay thế;

- Có ý kiến của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề nghị miễn thử lâm sàng tại Việt Nam trước khi đăng ký lưu hành.

e) Thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc trước ngày Luật dược số 105/2016/QH13 có hiệu lực và không có chỉ định đối với các bệnh thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

g) Thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc trước ngày Luật dược số 105/2016/QH13 có hiệu lực và có chỉ định đối với các bệnh thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Thuốc có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả quy định tại Điều 21 của Thông tư này.

- Thuốc đã được cấp phép để lưu hành bởi một trong số các cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 của Thông tư này với chỉ định tương ứng.

2. Tiêu chí xác định trường hợp miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam

a) Vắc xin có đầy đủ dữ liệu lâm sàng quy định tại Điều 18 của Thông tư này nhưng không thuộc trường hợp được miễn thử lâm sàng quy định tại khoản 1 Điều này chỉ yêu cầu thử nghiệm lâm sàng bổ sung tại Việt Nam để đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch trên người Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế, trong đó số người Việt Nam tham gia vào thử nghiệm bổ sung là 100 người Việt Nam hoặc chiếm tối thiểu 15-20% so với tổng cỡ mẫu đã sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng toàn cầu giai đoạn 3.

b) Đối với thuốc (trừ vắc xin) có đầy đủ dữ liệu quy định tại Điều 18 của Thông tư này trừ quy định tại Khoản 5 Điều 18 của Thông tư này thì phải tiến hành nghiên cứu bắc cầu trên người Việt Nam để cung cấp thêm dữ liệu nhằm xác định tính an toàn, hiệu quả của thuốc khi sử dụng trên người Việt Nam.

Loại nghiên cứu bắc cầu cần tiến hành được thực hiện theo hướng dẫn tại ICH-E5 và quy định sau:

- Trường hợp tổng cỡ mẫu đã sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng toàn cầu giai đoạn 3 là lớn hơn hoặc bằng (≥ 200): cần tiến hành tối thiểu trên 30 người Việt Nam.

- Trường hợp tổng cỡ mẫu đã sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng toàn cầu giai đoạn 3 là nhỏ hơn 200 ( 200): cần tiến hành tối thiểu trên 10 người Việt Nam.

(Tham khảo thực hành tại Taiwan:

- Asian data (except Indian & Pakistan data) are acceptable.
However for vaccine, local data (~150 pts , case by case) are mandatory.

- Preferred Taiwanese in global Ph3: 30 pts or >5% if total sample size ≥200 subjects, or >10 pts if total sample size <200 subjects.

- TFDA may request Asian/local data if there is ethnic concern for LE).

c) Đối với các thuốc (bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm) không thuộc trường hợp được miễn thử lâm sàng quy định tại khoản 1 Điều này và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b Khoản này, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định trường hợp được miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam (bao gồm cả việc miễn giảm, rút gọn một số yêu cầu về dữ liệu lâm sàng cần thu được từ các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng thực hiện tại Việt Nam) dựa trên kết quả thẩm định và ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với từng hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc cụ thể, đảm bảo nguyên tắc yêu cầu và chỉ yêu cầu thử lâm sàng tại Việt Nam để bổ sung các dữ liệu lâm sàng còn thiếu hoặc chưa đáp ứng quy định tại Điều 18, 19, 20 hoặc 21 của Thông tư này, trừ các trường hợp được miễn giảm một số yêu cầu về dữ liệu lâm sàng quy định tại điểm d khoản này.

d) Thuốc thuộc các trường hợp sau được Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc miễn giảm dữ liệu lâm sàng so với quy định tại Điều 18, 19, 20 hoặc 21 của Thông tư này trên cơ sý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc:

- Thuốc, vắc xin, sinh phẩm để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa mà trên thị trường chưa có sẵn các thuốc khác có khả năng thay thế về mặt số lượng, chất lượng, an toàn, hiệu quả hoặc chi phí sử dụng;

- Vắc xin dùng cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mà trên thị trường không sẵn có vắc xin khác có khả năng thay thế về mặt số lượng, chất lượng, an toàn, hiệu quả hoặc chi phí sử dụng vắc xin.

4. Tiêu chí xác định thuốc phải thử lâm sàng giai đoạn 4 tại Việt Nam

Thuốc thuộc các trường hợp sau phải thử lâm sàng giai đoạn 4 tại Việt Nam (sau khi thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành), trừ trường hợp thuốc đã có đủ dữ liệu lâm sàng đánh giá tính an toàn, hiệu quả giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4 đã được phê duyệt bởi chính các cơ quan quản lý tham chiếu cấp phép thuốc đó sau khi thuốc đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam:

a) Thuốc quy định tại khoản 4 Điều 11 của Thông tư này;

b) Vắc xin thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 của Thông tư này mà chưa có đầy đủ dữ liệu lâm sàng quy định tại Điều 18 của Thông tư này;

c) Thuốc quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

Chương III

HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC THEO QUY TRÌNH THÔNG THƯỜNG

Mục 1. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ VẮC XIN, SINH PHẨM, THUỐC HÓA DƯỢC, TRỪ THUỐC DÙNG NGOÀI SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

Điều 24. Yêu cầu hồ sơ đối với thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc hóa dược mới, vắc xin, sinh phẩm, bao gồm:

a) Phần I. Hồ sơ hành chính quy định tại Điều 25 Thông tư này;

b) Phần II. Hồ sơ chất lượng quy định tại Điều 26 Thông tư này;

c) Phần III. Hồ sơ phi lâm sàng quy định tại Điều 27 Thông tư này;

d) Phần IV. Hồ sơ lâm sàng quy định tại Điều 28 Thông tư này;

đ) Phần V. Hồ sơ đánh giá việc đáp ứng thực hành tốt sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc generic, bao gồm:

a) Phần I. Hồ sơ hành chính quy định tại Điều 25 của Thông tư này;

b) Phần II. Hồ sơ chất lượng quy định tại Điều 26 của Thông tư này;

c) Phần III. Hồ sơ đánh giá việc đáp ứng thực hành tốt sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

3. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, bao gồm:

a) Phần I. Hồ sơ hành chính quy định tại Điều 25 Thông tư này;

b) Phần II. Hồ sơ đánh giá việc đáp ứng thực hành tốt sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

4. Hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, bao gồm:

a) Đơn đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Mẫu 06/TT ban hành kèm Thông tư này;

b) Hồ sơ tương ứng với các nội dung thay đổi lớn, thay đổi nhỏ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này;

c) Bản sao giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực.

5. Thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành nhưng có thay đổi về thành phần dược chất; hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng các thành phần dược chất; dạng bào chế; đường dùng; cơ sở sản xuất, trừ trường hợp thay đổi cơ sở đóng gói thứ cấp, cơ sở xuất xưởng, địa điểm xuất xưởng: Hồ sơ phải nộp theo quy định đối với hình thức cấp giấy đăng ký lưu hành.

6. Các hồ sơ quy định tại Điều này phải thực hiện theo các quy định sau:

a) Áp dụng theo các quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, bao gồm:

- Hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN (ACTD);

-ớng dẫn nghiên cứu độ ổn định;

- ớng dẫn thẩm định quy trình sản xuất;

-ớng dẫn thẩm định phương pháp phân tích;

-ớng dẫn nghiên cứu sinh khả dụng và tương đương sinh học;

b) Đối với hồ sơ thuốc đã chuẩn bị theo mẫu ICH-CTD và hướng dẫn kỹ thuật tương ứng của ICH thì không yêu cầu chuyển đổi hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Các báo cáo, nghiên cứu trong phần hồ sơ chất lượng, hồ sơ phi lâm sàng, hồ sơ lâm sàng mà chưa có quy định cụ thể tại các hướng dẫn quy định tại điểm a và b khoản này thì phải phù hợp với hướng dẫn đánh giá về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc (bao gồm cả đánh giá tương tự về chất lượng, an toàn, hiệu quả của sinh phẩm tương tự so với sinh phẩm tham chiếu, báo cáo đánh giá tương tự về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc generic so với biệt dược gốc) do Việt Nam hoặc tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên (bao gồm cả Tổ chức Y tế thế giới - WHO) hoặc cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này ban hành.

7. Hồ sơ đề nghị phân loại biệt dược gốc

a) Trường hợp phân loại biệt dược gốc khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc:

- Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

- CPP do ít nhất 1 cơ quan quản lý tham chiếu theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này cấp xác nhận thuốc được lưu hành thực tế tại thị trường các nước này.

b) Trường hợp phân loại biệt dược gốc khi nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc:

- Hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này;

- CPP do ít nhất 1 cơ quan quản lý tham chiếu theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này cấp xác nhận thuốc được lưu hành thực tế tại thị trường các nước này.

- Hồ sơ lâm sàng chứng minh an toàn, hiệu quả của thuốc theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều này, trừ trường hợp đã nộp hồ sơ lâm sàng khi thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành.

c) Trường hợp phân loại biệt dược gốc khi nộp hồ sơ thay đổi, bổ sung trong thời gian giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực:

- Đơn đề nghị phân loại biệt dược gốc Mẫu ..../TT ban hành kèm Thông tư này;

- Giấy chứng nhận CPP được cấp bởi ít nhất 1 cơ quan quản lý tham chiếu theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này;

- Hồ sơ lâm sàng chứng minh an toàn, hiệu quả của thuốc theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều này, trừ trường hợp đã nộp hồ sơ lâm sàng khi thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành.

8. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lưu hành sản phẩm (Marketing Authorization) đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong trường hợp giấy phép lưu hành bị mất, bị hỏng, đính chính, bị ghi sai thông tin do lỗi của cơ quan cấp:

Trường hợp giấy phép lưu hành sản phẩm còn hiệu lực bị mất, bị hỏng, đính chính hoặc bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp và không có bất cứ nội dung thay đổi nào thì hồ sơ đề nghị cấp lại bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép hành sản phẩm theo Mẫu số....Phụ lục...ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính giấy phép lưu hành sản phẩm đã cấp trong trường hợp giấy đăng ký lưu hành đã cấp bị hỏng, đính chính hoặc bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp.

Điều 25. Hồ sơ hành chính

Hồ sơ hành chính bao gồm :

1. Mục lục;

2. Tóm tắt về sản phẩm theo Mẫu 04/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Giấy ủy quyền (nếu có) theo Mẫu 05/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Đơn đăng ký theo Mẫu 06/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

5. Trang bìa theo Mẫu 07/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Việt Nam (cơ sở đăng ký của Việt Nam);

7. Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp (cơ sở đăng ký của nước ngoài);

8. Giấy phép thành lập văn phòng đại diện đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm làm thuốc của nước ngoài (cơ sở đăng ký của nước ngoài);

9. Giấy chứng nhận CPP theo Mẫu 01/ACTD ban hành kèm theo Thông tư này đối với thuốc nước ngoài;

9b. Giấy chứng nhận GMP của các cơ sở sản xuất có liên quan (đối với thuốc sản xuất trong nước).

Giấy chứng nhận GMP của cơ sở sản xuất dược chất, dược liệu, tá dược, vỏ nang theo lộ trình quy định tại Điều...Thông tư này.

(Xin ý kiến: khi đăng ký thuốc thành phẩm có cần nộp?) (hay chỉ nộp khi khi đăng ký nguyên liệu?)

10. Mẫu nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng dự kiến lưu hành;

11. Mẫu nhãn thực tế của thuốc lưu hành tại nước cấp CPP, trừ trường hợp đăng ký gia hạn.

12. Tóm tắt đặc tính sản phẩm đối với thuốc hoá dược mới, vắc xin, sinh phẩm theo Mẫu 02/ACTD ban hành kèm theo Thông tư này, trừ trường hợp đăng ký gia hạn.

14. Hợp đồng gia công, hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ (nếu có), trừ trường hợp đăng ký gia hạn.

15. Báo cáo an toàn, hiệu quả theo Mẫu 03/TT ban hành kèm theo Thông tư này (đối với hồ sơ đăng ký gia hạn của thuốc có thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành là 3 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này);

16. Báo cáo lưu hành thuốc theo Mẫu số 08/TT ban hành kèm theo Thông tư này (đối với hồ sơ đăng ký gia hạn);

17. Bản sao giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam (đối với hồ sơ đăng ký gia hạn);

18. Bản sao các công văn và tài liệu kèm theo đã được Cục Quản lý Dược cho phép thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành thuốc (đối với hồ sơ đăng ký gia hạn);

19. Các tài liệu liên quan theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này đối với các trường hợp thuốc có thay đổi về hồ sơ hành chính tại thời điểm gia hạn giấy đăng ký lưu hành;

20. Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ, hợp đồng chuyển giao quyền đối tượng sở hữu công nghiệp có liên quan (nếu có);

22. Giấy chứng nhận GMP của cơ sở sản xuất dược chất;

23. Giấy chứng nhận GLP của cơ sở kiểm nghiệm đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

24. Giấy cam kết của chủ sở hữu sản phẩm hoặc chủ sở hữu giấy phép sản phẩm ghi trên CPP về việc tất cả các khía cạnh về chất lượng của sản phẩm đăng ký tại Việt Nam là giống với sản phẩm đã được phê duyệt bởi cơ quan quản lý nước cấp CPP (đối với thuốc nhập khẩu) (bao gồm nhưng không giới hạn các tiêu chí sau: công thức bào chế, các cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng và cơ sở đóng gói sơ cấp; Tuy nhiên, có thể khác nhau về chất liệu của bao bì đóng gói trực tiếp để đáp ứng yêu cầu về độ ổn định của ASEAN).

25. Các giấy tờ pháp lý khác (nếu có).

Điều 26. Hồ sơ chất lượng

1. Hồ sơ chất lượng thực hiện theo hướng dẫn tại Phần II - ACTD hoặc Hợp phần 3 - ICH-CTD và có thêm các tài liệu sau:

a) Kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm đối với trường hợp quy định tại điểm b, d khoản 1 Điều 6 của Thông tư này;

b) Phiếu kiểm nghiệm đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.

c) Kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.

d) Giấy chứng nhận xuất xưởng lô được cấp bởi cơ quan quản lý nước cấp CPP và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định đối với vắc xin nhập khẩu, sinh phẩm là dẫn xuất từ máu và huyết tương người nhập khẩu.

Giấy chứng nhận xuất xưởng lô được thực hiện theo Biểu mẫu.... quy định tại Phụ lục....Thông tư này.

2. Đối với trường hợp áp dụng tiêu chuẩn cơ sở thì tại Bản thuyết minh tiêu chuẩn chất lượng theo hướng dẫn tại Phần II- ACTD hoặc Hợp phần 3 - ICH-CTD thì bổ sung thêm nội dung sau:

a) Phải ghi rõ tiêu chuẩn dược điển được sử dụng để tham khảo (nếu có);

b) Trường hợp các chỉ tiêu trong tiêu chuẩn cơ sở được tham khảo bởi các dược điển khác nhau thì ghi rõ tên của dược điển tham khảo đối với từng chỉ tiêu.

3. Yêu cầu về cụ thể về dữ liệu nghiên cứu độ ổn định và điều kiện bảo quản của thuốc:

a) Phải có dữ liệu nghiên cứu độ ổn định phù hợp với hướng dẫn của ASEAN về nghiên cứu độ ổn định của thuốc (áp dụng đối với cả trường hợp nộp hồ sơ theo ACTD hoặc ICH-CTD), trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c Khoản này.

b) Thuốc hiếm: trường hợp không có dữ liệu đáp ứng quy định tại điểm a khoản này thì chấp nhận dữ liệu nghiên cứu độ ổn định và yêu cầu về điều kiện bảo quản theo hướng dẫn của ICH.

c) Thuốc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này và không có dữ liệu đáp ứng quy định tại điểm a khoản này nhưng cần thiết cho nhu cầu điều trị: Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc chấp nhận dữ liệu nghiên cứu độ ổn định và yêu cầu về điều kiện bảo quản theo hướng dẫn của ICH dựa trên ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

(Xin ý kiến: nội dung mới bổ sung)

Điều 27. Hồ sơ phi lâm sàng

Hồ sơ phi lâm sàng thực hiện theo hướng dẫn tại Phần III-ACTD hoặc Hợp phần 4-ICH-CTD.

Điều 28. Hồ sơ lâm sàng

Hồ sơ lâm sàng thực hiện theo hướng dẫn tại Phần IV-ACTD hoặc Hợp phần 5-ICH-CTD và có thêm các tài liệu sau đây:

1. Kế hoạch quản lý nguy cơ theo Mẫu...Phụ lục...Thông tư này;

2. Kế hoạch quản lý nguy cơ bản cập nhật nhất đã được phê duyệt bởi cơ quan quản lý nước sở tại (nếu có);

3. Đối với thuốc quy định tại Điều 19 của Thông tư này phải nộp:

a) Báo cáo giải trình kèm theo tài liệu chứng minh về lợi ích của việc phối hợp các dược chất trong thuốc trong điều trị, trong đó chứng minh được các nội dung sau:

- Mỗi dược chất trong thuốc phối hợp góp phần làm tăng hiệu quả của thuốc hoặc cải thiện tỷ số lợi ích - nguy cơ;

- Công thức bào chế của thuốc phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo liều và tỷ lệ mỗi hoạt chất trong thuốc là phù hợp với chỉ định;

- Không có sự tương tác giữa các hoạt chất trong thuốc hoặc nếu có thì đó là những tương tác đã được xác định và được chấp nhận.

b) Báo cáo về tình trạng lưu hành của thuốc trên thế giới nơi thuốc được lưu hành, phê duyệt và các thông tin liên quan đến việc thu hồi, giới hạn sử dụng thuốc (nếu có).

c) Dữ liệu lâm sàng đầy đủ của từng dược chất có thể bao gồm các dữ liệu gốc, dữ liệu từ các tài liệu y văn (gồm: các chuyên luận liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đề cập trong các dược điển, dược thư của Việt Nam hoặc của nước ngoài; các bài báo đánh giá về tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đăng tải trên các tạp chí thuộc danh mục SCI (Science Citation Index) hoặc gói dữ liệu bao gồm cả dữ liệu gốc và dữ liệu từ y văn.

d) Dữ liệu về độc tính bán cấp của thuốc phối hợp dối với các thuốc phối hợp dạng tiêm truyền.

đ) Báo cáo tóm tắt về các tương tác thuốc - thuốc (bao gồm cả các tương tác đã biết và các tương tác có thể xảy ra) giữa các hoạt chất có trong thuốc phối hợp và ý nghĩa của các tương tác này.

e)  Đối với một thuốc phối hợp đã thực sự lưu hành tại Việt Nam nhưng có thay đổi về tỷ lệ giữa các thành phần dược chất hoặc có chỉ định mới thì phải có báo cáo giải trình và các tài liệu chứng minh phù hợp (bao gồm cả các báo cáo đã được công bố).

g) Các thử nghiệm lâm sàng bổ sung (nếu có).

4. Đối với trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 18 và điểm b khoản 6 Điều 18 của Thông tư cần cung cấp thêm các tài liệu chứng minh như sau:

a) Dữ liệu về mức độ nguy hiểm của bệnh; dữ liệu về dịch tễ học của bệnh tại Việt Nam; tỷ lệ tử vong trên thế giới và tại Việt nam; hậu quả và những gánh nặng bệnh tật do bệnh gây ra.

b) Các lựa chọn điều trị hiện đang có sẵn trên thị trường và phác đồ điều trị chuẩn; nhược điểm của các phác đồ điều trị hiện tại.

c) Chứng minh ảnh hưởng của thuốc tới thực tiễn lâm sàng, những lợi ích cho người bệnh và khả năng đáp ứng các nhu cầu điều trị chưa được đáp ứng.

d) Bằng chứng lâm sàng hỗ trợ cho việc thuốc có cải thiện rõ rệt về hiệu quả so với các thuốc khác hiện đang có trên thị trường.

5. Đối với trường hợp quy định tại điểm m khoản 4 Điều 11 và điểm d khoản 3 Điều 23 của Thông tư cần cung cấp thêm các tài liệu chứng minh như sau:

a) Thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa hoặc vắc xin đang đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành được sử dụng cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia;

b) Các lựa chọn điều trị hiện đang có sẵn trên thị trường và phác đồ điều trị chuẩn; nhược điểm của các phác đồ điều trị hiện tại.

c) Chứng minh ảnh hưởng của thuốc tới thực tiễn lâm sàng, những lợi ích cho người bệnh và khả năng đáp ứng các nhu cầu điều trị chưa được đáp ứng (về mặt số lượng, chất lượng, an toàn, hiệu quả hoặc chi phí sử dụng.

Điều 29. Quy định về hồ sơ phi lâm sàng và lâm sàng đối với trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 18, khoản 10 Điều 19 của Thông tư

Đối với hồ sơ đăng ký thuốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 18, khoản 10 Điều 19 của Thông tư, trong phần hồ sơ phi lâm sàng và hồ sơ lâm sàng chỉ yêu cầu nộp các tài liệu sau:

1. Bản thuyết minh về việc thuốc đáp ứng các quy định tại khoản 9 Điều 18 hoặc khoản 10 Điều 19 của Thông tư.

2. Tài liệu chứng minh thuốc được thẩm định, cấp phép và phân loại là thuốc không kê đơn bởi một trong số các cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 của Thông tư này.

3. Tài liệu chứng minh mỗi hoạt chất có chứa trong thuốc (về chỉ định, liều dùng, đường dùng, đối tượng sử dụng) đã được chỉ rõ trong một hoặc một số các sách tham khảo tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 9 Điều 18 của Thông tư này.

Mục 2. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THUỐC HÓA DƯỢC DÙNG NGOÀI SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

Điều 30. Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành

1. Mục lục;

2. Tóm tắt về sản phẩm theo Mẫu 04/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Giấy ủy quyền (nếu có) theo Mẫu 05/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Đơn đăng ký theo Mẫu 06/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

5. Trang bìa theo Mẫu 07/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở đăng ký;

8. Mẫu nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc dự kiến lưu hành;

9. Hợp đồng gia công, hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ (nếu có);

10. Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ, hợp đồng chuyển giao quyền đối tượng sở hữu công nghiệp có liên quan (nếu có);

12. Các giấy tờ pháp lý khác (nếu có);

13. Tiêu chuẩn chất lượng, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm;

Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn cơ sở thì phải kèm theo bản thuyết minh về tiêu chuẩn dược điển tham khảo (nếu có).

Đối với thuốc thành phẩm có tiêu chuẩn chất lượng là tiêu chuẩn cơ sở mà có sử dụng bất kỳ dược điển nào để tham khảo thì cần ghi rõ tên của dược điển tham khảo bên cạnh tên tiêu chuẩn cơ sở, chẳng hạn: “Tiêu chuẩn cơ sở (Dược điển tham khảo: EP)”.

Trường hợp các chỉ tiêu trong tiêu chuẩn cơ sở của cùng một thuốc, nguyên liệu làm thuốc được sử dụng các dược điển tham khảo khác nhau thì từng chỉ tiêu phải thể hiện rõ tên của dược điển tham khảo tương ứng đối với từng chỉ tiêu.

14. Mô tả chi tiết quy trình sản xuất;

15. Hồ sơ nghiên cứu độ ổn định.

Điều 31. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc

1. Các giấy tờ quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều 30 Thông tư này;

2. Báo cáo quá trình lưu hành thuốc theo Mẫu 08/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Mẫu nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng đã được Bộ Y tế phê duyệt và bản cập nhật (nếu có);

4. Đối với các trường hợp thuốc có thay đổi về hồ sơ hành chính tại thời điểm gia hạn giấy đăng ký lưu hành, cơ sở nộp kèm các tài liệu liên quan theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này;

5. Bản sao các công văn và tài liệu kèm theo đã được Cục Quản lý Dược cho phép thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành thuốc;

6. Các hồ sơ hành chính liên quan khác (nếu có).

Mục 3. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THUỐC DƯỢC LIỆU

Điều 32.  Yêu cầu hồ sơ

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc dược liệu, bao gồm:

a) Hồ sơ hành chính quy định tại Điều 18 của Thông tư này;

b) Hồ sơ chất lượng quy định tại Điều 25 của Thông tư này;

c) Hồ sơ chứng minh an toàn, hiệu quả áp dụng đối với thuốc dược liệu mới, thuốc dược liệu có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định tại Điều 26 của Thông tư này;

d) Hồ sơ đánh giá cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài đáp ứng GMP được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc dược liệu:

a) Hồ sơ hành chính theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này;

b) Hồ sơ đánh giá cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài đáp ứng GMP được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

3. Hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc dược liệu, bao gồm:

a) Đơn đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Mẫu 06/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hồ sơ tương ứng với các nội dung thay đổi lớn, thay đổi nhỏ quy định tại Phần I, Mục C, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Bản sao giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam còn hiệu lực;

4. Thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành nhưng có thay đổi về thành phần dược liệu; hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng các thành phần dược liệu có tác dụng; dạng bào chế; đường dùng; cơ sở sản xuất, trừ trường hợp thay đổi cơ sở đóng gói thứ cấp, cơ sở xuất xưởng, địa điểm xuất xưởng: Hồ sơ phải nộp theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 33. Hồ sơ chất lượng

1. Quy trình sản xuất:

- Công thức cho đơn vị đóng gói nhỏ nhất: tên nguyên liệu bao gồm dược chất và tá dược; hàm lượng hoặc nồng độ của từng nguyên liệu; tiêu chuẩn áp dụng của nguyên liệu; nếu sản xuất từ bán thành phẩm dược liệu phải ghi rõ lượng dược liệu tương ứng.

- Công thức cho một lô sản xuất: tên nguyên liệu, bao gồm cả thành phần chính và tá dược; khối lượng hoặc thể tích của từng nguyên liệu;

- Sơ đồ quy trình sản xuất, bao gồm tất cả các giai đoạn trong quá trình sản xuất;

- Mô tả quy trình sản xuất: mô tả đầy đủ, chi tiết từng giai đoạn trong quá trình sản xuất; nếu sản xuất từ bán thành phẩm dược liệu kèm theo quy trình sản xuất bán thành phẩm dược liệu (trừ trường hợp bán thành phẩm dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành);

- Danh mục trang thiết bị, dụng cụ sử dụng: tên thiết bị, thông số, mục đích sử dụng;

- Kiểm soát trong quá trình sản xuất: Mô tả đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sản xuất.

2. Tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm:

- Công thức cho đơn vị đóng gói nhỏ nhất: Tên nguyên liệu bao gồm dược chất và tá dược; Hàm lượng hoặc nồng độ của từng nguyên liệu; tiêu chuẩn áp dụng của nguyên liệu; nếu sản xuất từ bán thành phẩm dược liệu phải ghi rõ lượng hoặc tỷ lệ dược liệu và bán thành phẩm dược liệu tương ứng;

- Trường hợp nguyên liệu áp dụng tiêu chuẩn có trong Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển nước ngoài, yêu cầu ghi cụ thể tên dược điển.

- Trường hợp nguyên liệu không áp dụng tiêu chuẩn dược điển, yêu cầu mô tả đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm.

- Trường hợp nguyên liệu đã có giấy đăng ký lưu hành thì nộp kèm tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm nguyên liệu.

- Tiêu chuẩn thành phẩm: Yêu cầu mô tả đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu và phương pháp kiểm nghiệm;

c) Tiêu chuẩn của bao bì đóng gói: Mô tả đầy đủ, chi tiết chỉ tiêu và phương pháp kiểm nghiệm.

d)  Phiếu kiểm nghiệm thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

3. Tài liệu về nghiên cứu độ ổn định, bao gồm:

a) Đề cương nghiên cứu độ ổn định;

b) Số liệu nghiên cứu độ ổn định;

c) Kết luận nghiên cứu độ ổn định.

Điều 34. Hồ sơ an toàn, hiệu quả

Hồ sơ chứng minh an toàn, hiệu quả áp dụng đối với thuốc dược liệu mới, thuốc dược liệu có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành bao gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:

1. Các chuyên luận liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đề cập trong các dược điển, dược thư của Việt Nam hoặc của nước ngoài;

2. Các bài báo đánh giá về tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đăng tải trên các tạp chí thuộc danh mục SCI (Science Citation Index) - Chỉ số trích dẫn khoa học;

3. Báo cáo nghiệm thu đánh giá tính an toàn, hiệu quả của cấp có thẩm quyền đối với thuốc dược liệu được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ hoặc cấp tỉnh;

4. Các báo cáo phi lâm sàng, lâm sàng đã được nộp và phê duyệt bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của cơ quan quản lý nước cấp CPP (bao gồm cả EMA).

Mục 4. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC

Điều 35. Yêu cầu hồ sơ

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành nguyên liệu làm thuốc bao gồm:

a) Hồ sơ hành chính quy định tại Điều 28 của Thông tư này;

b) Hồ sơ chất lượng quy định tại Điều 29 của Thông tư này;

c) Hồ sơ đánh giá cơ sở sản xuất nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài đáp ứng GMP được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành nguyên liệu làm thuốc bao gồm:

a) Hồ sơ hành chính theo quy định tại Điều 28 Thông tư này;

b) Hồ sơ đánh giá cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài đáp ứng GMP được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

3. Hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành nguyên liệu làm thuốc, bao gồm:

a) Đơn đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Mẫu 06/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hồ sơ tương ứng theo quy định tại Phần I, Mục C, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao giấy đăng ký lưu hành nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam còn hiệu lực;

4. Nguyên liệu làm thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành nhưng có thay đổi về cơ sở sản xuất, trừ trường hợp thay đổi cơ sở đóng gói thứ cấp, cơ sở xuất xưởng, địa điểm xuất xưởng: Hồ sơ phải nộp theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 36. Hồ sơ hành chính

Hồ sơ hành chính bao gồm :

1. Mục lục;

2. Tóm tắt về sản phẩm theo Mẫu 04/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Giấy ủy quyền (nếu có) theo Mẫu 05/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Đơn đăng ký theo Mẫu 06/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

5. Trang bìa theo Mẫu 07/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Việt Nam (cơ sở đăng ký của Việt Nam);

7. Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp (cơ sở đăng ký của nước ngoài);

8. Giấy phép thành lập văn phòng đại diện đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm làm thuốc của nước ngoài (cơ sở đăng ký của nước ngoài);

9. Giấy chứng nhận nguyên liệu làm thuốc được phép sản xuất hoặc lưu hành" gồm các thông tin bắt buộc sau: Tên nguyên liệu; Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; Nước sản xuất; Xác nhận cơ sở sản xuất đáp ứng điều kiện sản xuất theo quy định của nước sản xuất; chữ ký, dấu và họ tên của người ký giấy xác nhận.

10. Giấy chứng nhận GMP của cơ sở sản xuất nguyên liệu dược chất, bán thành phẩm thuốc (bao gồm cả bán thành phẩm dược liệu), tá dược, vỏ nang theo lộ trình quy định tại Thông tư này.

Trường hợp có nhiều cơ sở tham gia vào quá trình sản xuất bán thành phẩm thuốc, cơ sở đăng ký thuốc nộp giấy chứng nhận GMP của tất cả các cơ sở sản xuất có tham gia trong quá trình sản xuất ra bán thành phẩm.

11. Mẫu nhãn dự kiến lưu hành;

12. Bản sao giấy đăng ký lưu hành nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam (đối với hồ sơ đăng ký gia hạn);

13. Bản sao các công văn và tài liệu kèm theo đã được Cục Quản lý Dược cho phép thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành nguyên liệu làm thuốc (đối với hồ sơ đăng ký gia hạn);

14. Các tài liệu kèm liên quan theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này đối với các trường hợp thuốc có thay đổi về hồ sơ hành chính tại thời điểm gia hạn giấy đăng ký lưu hành;

15. Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ, hợp đồng chuyển giao quyền đối tượng sở hữu công nghiệp có liên quan (nếu có);

16. Các giấy tờ pháp lý khác (nếu có);

Điều 37. Hồ sơ chất lượng

1. Quy trình sản xuất: Yêu cầu mô tả đầy đủ, chi tiết quy trình sản xuất.

2. Tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm:

- Nếu áp dụng tiêu chuẩn có trong Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển nước ngoài, yêu cầu ghi cụ thể tên dược điển;

Việc xác định phiên bản dược điển làm căn cứ để xem xét tiêu chuẩn thực hiện theo quy định về áp dụng Dược điển cập nhật tại Thông tư quy định quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

- Nếu không áp dụng tiêu chuẩn dược điển, yêu cầu mô tả đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm.

3. Phiếu kiểm nghiệm nguyên liệu thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

4. Tài liệu về nghiên cứu độ ổn định, bao gồm:

a) Đề cương nghiên cứu độ ổn định;

b) Số liệu nghiên cứu độ ổn định;

c) Kết luận nghiên cứu độ ổn định.

Mục 5. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI, GIA HẠN, THAY ĐỔI BỔ SUNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC

Điều 38. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc

a) Hồ sơ được nộp trực tuyến, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Quản lý Dược;

b) Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Quản lý Dược trả cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 10/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trong thời hạn 12 tháng đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc hoặc 06 tháng đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành nguyên liệu làm thuốc hoặc trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với thuốc mới, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự, vắc xin, thuốc dược liệu có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành trong đó có hồ sơ lâm sàng đã chứng minh đạt an toàn, hiệu quả, Cục Quản lý Dược tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành (bao gồm cả việc kiểm chứng tính chính xác của CPP và Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp quy định tại khoản 7 Điều 19 của Thông tư này theo quy định tại khoản 5 Điều này)

(Xin ý kiến đối với Giấy phép SXKD)

và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trường hợp không cấp hoặc chưa cấp, Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

d) Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời hoặc trong thời hạn 36 tháng đối với trường hợp có yêu cầu bổ sung hồ sơ lâm sàng và phi lâm sàng, hồ sơ tương đương sinh học, hồ sơ nghiên cứu độ ổn định, cơ sở đăng ký phải nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn này, cơ sở đăng ký không nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị;

đ) Trong thời hạn 06 tháng đối với hồ sơ bổ sung đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc hoặc 03 tháng đối với hồ sơ bổ sung đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý Dược cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trường hợp không cấp hoặc chưa cấp, Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

e) Quy định về số lần được bổ sung đối với mỗi hồ sơ:

- Đối với thuốc mới, vắc xin, sinh phẩm (kể cả sinh phẩm tương tự) lần đầu cấp giấy đăng ký lưu hành: không giới hạn số lần bổ sung hồ sơ.

- Đối với thuốc có hồ sơ lâm sàng, hồ sơ có tài liệu chứng minh tương đương sinh học: được bổ sung tối đa 05 lần.

- Đối với các trường hợp còn lại: được bổ sung tối đa 03 lần.

2. Trình tự, thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc

a) Hồ sơ được nộp trực tuyến, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Quản lý Dược;

b) Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Quản lý Dược trả cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 10/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý Dược tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành (bao gồm cả việc kiểm chứng tính chính xác của CPP và Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp quy định tại khoản 7 Điều 19 của Thông tư này theo quy định tại khoản 5 Điều này) và cấp giấy hoặc ban hành quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trường hợp không gia hạn hoặc chưa gia hạn, Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

d) Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời hoặc trong thời hạn 36 tháng đối với trường hợp có yêu cầu bổ sung hồ sơ lâm sàng và phi lâm sàng, cơ sở phải nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung. Sau thời hạn này, cơ sở đăng ký không nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị;

đ) Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, Cục Quản lý Dược gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trường hợp không gia hạn hoặc chưa gia hạn, Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

e) Mỗi hồ sơ gia hạn được bổ sung tối đa 03 lần.

3. Trình tự, thủ tục thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực:

a) Hồ sơ được nộp trực tuyến, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Quản lý Dược;

b) Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Quản lý Dược trả cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 10/TT ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Cục Quản lý Dược phê duyệt hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả việc kiểm chứng tính chính xác của CPP và Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp quy định tại khoản 7 Điều 19 của Thông tư này theo quy định tại khoản 5 Điều này) đối với các trường hợp trong Hồ sơ có nộp CPP hoặc Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ sở đăng ký nước ngoài trong thời hạn như sau:

- Không quá 03 tháng đối với đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc có nội dung thay đổi lớn hoặc 02 thay đổi nhỏ trở lên cần phê duyệt trước khi thực hiện;

- Không quá 03 tháng đối hồ sơ đăng ký cập nhật thông tin theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

- Không quá 02 tháng đối với đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc có 01 nội dung thay đổi nhỏ cần phê duyệt trước khi thực hiện;

- Không quá 07 ngày làm việc đối với đề nghị thay đổi nhỏ chỉ yêu cầu thông báo, nếu không có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước thì được phép thực hiện.

Trường hợp không phê duyệt hoặc chưa đồng ý phê duyệt thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành, Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

d) Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời hoặc trong thời hạn 36 tháng đối với trường hợp có yêu cầu bổ sung hồ sơ lâm sàng và phi lâm sàng, hồ sơ tương đương sinh học, hồ sơ nghiên cứu độ ổn định, cơ sở đăng ký phải nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn này, cơ sở đăng ký không nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị;

đ) Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, Cục Quản lý Dược phê duyệt thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trường hợp không đồng ý hoặc chưa đồng ý, Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

e) Thời hạn phải thực hiện đối với các nội dung thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc: không quá 12 tháng đối với vắc xin, sinh phẩm hoặc không quá 06 tháng đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác kể từ ngày cơ quan quản lý ký ban hành công văn phê duyệt đối với các trường hợp thay đổi, bổ sung, trừ trường có yêu cầu khác của Bộ Y tế;

g) Mỗi hồ sơ được bổ sung tối đa 03 lần;

h) Trường hợp cơ sở có đề nghị công bố biệt dược gốc trong đơn đăng ký thì trình tự, thủ tục công bố biệt dược gốc được  thực hiện như một phần của hồ sơ đăng ký thuốc nói trên.

Trường hợp thuốc đáp ứng yêu cầu để đăng ký lưu hành nhưng không đáp ứng yêu cầu phân loại biệt dược gốc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Thông tư này: cơ sở đăng ký thuốc sẽ được cấp phép lưu hành trong thời hạn nêu trên nhưng sẽ không được công bố là biệt dược gốc.

4. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc

(LƯU Ý: NỘI DUNG NÀY CHƯA CÓ TRONG LUẬT DƯỢC, VỤ PHÁP CHẾ ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG ĐỂ ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỰC TIỄN CỦA DOANH NGHIỆP) (các trường hợp khoản 8 điều 24)

a) Hồ sơ được nộp trực tuyến, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Quản lý Dược;

b) Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Quản lý Dược trả cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số ..../TT ban hành kèm theoThông tư này;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý Dược cấp lại giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Trình tự, thủ tục phân loại biệt dược gốc khi nộp hồ sơ thay đổi, bổ sung trong thời gian giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực:

a) Hồ sơ được nộp trực tuyến, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Quản lý Dược;

b) Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Quản lý Dược trả cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số ..../TT ban hành kèm theoThông tư này;

c) Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý Dược phê duyệt phân loại biệt dược gốc. Trường hợp thuốc đã có hồ sơ lâm sàng được phê duyệt khi cấp giấy đăng ký lưu hành, Cục Quản lý Dược phê duyệt phân loại biệt dược gốc trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp hồ sơ phân loại biệt dược gốc không đáp ứng yêu cầu, Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

d) Cục Quản lý Dược công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày phê duyệt phân loại biệt dược gốc.

đ) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời, cơ sở đăng ký phải nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn này, cơ sở đăng ký không nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị.

e) Mỗi hồ sơ được bổ sung 03 lần.

6. Trình tự, thủ tục kiểm chứng, xác minh CPP:

a) Sau khi nhận được CPP đáp ứng đầy đủ quy định tại Điều 10 Thông tư này, Cục Quản lý Dược có công văn gửi Cơ quan cấp CPP và/hoặc các cơ quan có liên quan đề nghị xác thực về tính chính xác của CPP.

b) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Quản lý Dược có công văn, nếu Cục Quản lý Dược không nhận được xác nhận của Cơ quan quản lý, Cục Quản lý Dược có công văn thông báo cơ sở đăng ký thuốc về việc Cục Quản lý Dược chưa nhận được ý kiến xác nhận của cơ quan cấp CPP và các đơn vị liên quan.

c) Quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày Cục Quản lý Dược có công văn thông báo cơ sở đăng ký thuốc mà vẫn chưa nhận được ý kiến xác nhận của cơ quan cấp CPP và các cơ quan có liên quan, Cục Quản lý Dược có công văn thông báo cơ sở đăng ký thuốc về việc hồ sơ đã nộp không còn giá trị. Trường hợp cơ sở muốn tiếp tục đăng ký thì phải nộp hồ sơ lại từ đầu theo hình thức cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Phòng ĐKT: Quy định chung như dự thảo dưới đây, sau đó Cục QLD xây SOP để thực hiện

Điều 39. Quy định về xác minh tính xác thực của các thông tin trên CPP

Trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, Cục Quản lý Dược thực hiện việc xác minh tính xác thực của các thông tin trên CPP với cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước trong thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật dược.

(Xin gửi kèm dự thảo các bước trong SOP)

Chương IV

HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP LƯU HÀNH THUỐC THEO QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH NHANH, QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH RÚT GỌN, QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH KIỂM CHỨNG

Mục 1. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THUỐC ĐƯỢC THẨM ĐỊNH THEO QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH NHANH

Điều 40. Các trường hợp được thực hiện theo quy trình thẩm định nhanh

Hồ sơ đăng ký thuốc được thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Thuốc thuộc Danh mục thuốc hiếm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

2. Thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.

3. Thuốc trong nước sản xuất trên những dây chuyền mới đạt tiêu chuẩn GMP hoặc trên dây chuyền nâng cấp đạt tiêu chuẩn GMP-EU và tương đương trong thời hạn không quá 18 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận GMP;

4. Vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền đánh giá đạt yêu cầu, vắc xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia;

5. Thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc có dạng bào chế đặc biệt chỉ có không quá 01 (một) thuốc tương tự có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ, bao gồm:

a) Thuốc điều trị ung thư;

b) Thuốc điều trị kháng vi rút thế hệ mới;

c) Thuốc dùng trong lọc máu, thẩm tách máu, lọc màng bụng;

d) Thuốc dùng trong điều trị sốt xuất huyết, lao, sốt rét.

6. Thuốc generic sản xuất trong nước, bao gồm:

a) Thuốc có không quá 03 (ba) giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc trong nước còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ;

b) http://dav.gov.vnThuốc được sản xuất gia công hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam từ các nước là thành viên thường trực hoặc sáng lập của ICH;

c) Thuốc được ứng dụng từ đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ hoặc cấp tỉnh đã được nghiệm thu đạt yêu cầu;

7. Thuốc mới sản xuất trong nước đã hoàn thành thực hiện thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam;

8. Thuốc dược liệu được sản xuất toàn bộ từ nguồn dược liệu trong nước đạt thực hành tốt nuôi trồng thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn WHO (GACP).

9. Thuốc mới, sinh phẩm tương tự đầu tiên;

10. Biệt dược gốc được sản xuất gia công hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam;

11. Thuốc đã hết hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành nhưng không đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký gia hạn do có bổ sung báo cáo nghiên cứu tương đương sinh học.

Điều 41. Yêu cầu về hồ sơ đối với trường hợp thẩm định theo quy trình thẩm định rút gọn

Hồ sơ đáp ứng quy định như đối với quy trình thẩm định thông thường.

Mục 2. HỒ SƠ THẨM ĐỊNH THEO QUY TRÌNH RÚT GỌN

Điều 42. Các trường hợp được thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc theo quy trình rút gọn

Hồ sơ đăng ký thuốc được thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Thuốc được sản xuất tại cơ sở được Cục Quản lý Dược định kỳ đánh giá tại cơ sở việc đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc;

2. Thuốc thuộc Danh mục thuốc không kê đơn;

3. Không phải là thuốc có dạng bào chế giải phóng biến đổi và các thuốc dùng cho mắt;

4. Thuốc đăng ký theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển tham chiếu có phiên bản cập nhật theo quy định của Bộ Y tế;

5. Không có hồ sơ nghiên cứu lâm sàng, báo cáo nghiên cứu tương đương sinh học, tài liệu chứng minh được miễn thử tương đương sinh học trong hồ sơ đăng ký thuốc.

Điều 43. Yêu cầu về hồ sơ đối với trường hợp thẩm định theo quy trình thẩm định rút gọn

Hồ sơ đáp ứng quy định như đối với quy trình thẩm định thông thường.

Mục 3. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THUỐC ĐƯỢC THẨM ĐỊNH THEO QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH KIỂM CHỨNG

(Xin ý kiến toàn bộ Mục 3, nhiều nội dung chưa rõ ràng)

Điều 44. Các hồ sơ đăng ký thuốc mới được thẩm định theo quy trình thẩm định kiểm chứng

Thuốc mới được thẩm định theo quy trình kiểm chứng khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Thuốc được sản xuất toàn bộ công đoạn trên các dây chuyền thuộc các nước là thành viên thường trực hoặc sáng lập của ICH hoặc Úc và đáp ứng điều kiện sau:

a) Đối với thuốc được phê duyệt theo quy trình tập trung (Centralised procedure) theo quy định của liên minh châu Âu (EU): ngoài CPP do EMA cấp phải cung cấp thêm CPP của một trong các cơ quan quản lý của Anh, Thụy Sỹ, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Canada.

b) Đối với các thuốc được phê duyệt theo quy trình phi tập trung theo từng quốc gia hoặc thủ tục cấp phép công nhận lẫn nhau theo quy định của liên minh châu Âu (EU): phải có CPP của ít nhất hai trong số các cơ quan tham lý tham chiếu định tại khoản 7 Điều 2 của Thông tư này.

2. Cơ sở đăng ký thuốc lựa chọn một trong số các cơ quan tham chiếu quy định tại khoản 1 Điều này để công bố là cơ quan tham chiếu chính. Cơ quan tham chiếu chính là cơ quan mà các tài liệu do cơ quan này ban hành sẽ được sử dụng để làm tài liệu tham khảo nộp trong hồ sơ đăng ký thuốc.

3. Hồ sơ đăng ký thuốc được nộp cho Cục Quản lý Dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày thuốc được phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính.

4. Có bản xác nhận của cơ sở đăng ký thuốc về việc tất cả các vấn đề liên quan đến chất lượng thuốc (bao gồm, nhưng không giới hạn đối với: công thức bào chế, các cơ sở sản xuất liên quan đến thuốc, tiêu chuẩn chất lượng, hạn dùng và đóng gói sơ cấp) là giống với sản phẩm tại thời điểm phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính được lựa chọn. Tuy nhiên, có thể khác nhau về chất liệu của bao bì đóng gói trực tiếp để đáp ứng yêu cầu về độ ổn định của ASEAN.

5. Nếu trong hồ sơ đăng ký thuốc có nộp Drug Master File (DMF), cần có một văn bản cam kết riêng của cơ sở đăng ký thuốc về việc DMF nộp cho Cục Quản lý Dược là tương tự với DMF đã nộp cho cơ quan quản lý tham chiếu chính.

6. Thuốc không cần phải có đánh giá nghiêm ngặt hơn do kết quả của sự khác biệt về mô hình bệnh tật và/hoặc các thực hành về lâm sàng (như một số thuốc kháng khuẩn).

7. Thuốc và chỉ định, chế độ liều dùng, đối tượng sử dụng không bị từ chối cấp phép, thu hồi.

8. Thuốc không thuộc trường hợp cấp phép theo quy trình kháng nghị (appeal process), bao gồm nhưng không giới hạn các quy trình sau:

a) Thuốc được phê duyệt sau khi có ý kiến phủ nhận (approval following negative opinion);

b) Thuốc được phê duyệt sau khi bị từ chối phê duyệt (approval following rejection);

c) Thuốc được cấp phép sau khi không được chấp thuận (approval following non-approvable)...

9. Thuốc không thuộc trường hợp đang bị bất kỳ cơ quan quản lý dược nào trên thế giới xem xét liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của thuốc, bao gồm nhưng không giới hạn các trường hợp sau:

a) Không thể phê duyệt;

b) Phê duyệt có điều kiện (conditional approval);

c) Cấp giấy phép lưu hành có điều kiện (conditional marketing authorization);

d) Thông báo về việc phê duyệt dưới tự tuân thủ có điều kiện (notice of compliance with conditions).

10. Thuốc không phải là vắc xin, sinh phẩm.

Điều 45. Các hồ sơ đăng ký thuốc generic được thẩm định theo quy trình thẩm định kiểm chứng

Thuốc Generic được thẩm định theo quy trình kiểm chứng nếu đáp ứng các điều kiện sau:

1. Thuốc đã được thẩm định và phê duyệt bởi ít nhất một cơ quan tham chiếu quy định tại khoản 7 Điều 2 của Thông tư và được sản xuất toàn bộ công đoạn trên các dây chuyền thuộc các nước là thành viên thường trực hoặc sáng lập của ICH hoặc Úc.

2. Hồ sơ được nộp cho Cục Quản lý Dược trong thời hạn 02 năm kể từ ngày thuốc được phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu được lựa chọn tại khoản 1 Điều này. Cơ quan tham chiếu chính là cơ quan mà các tài liệu do cơ quan này ban hành sẽ được sử dụng để làm tài liệu tham khảo nộp trong hồ sơ đăng ký thuốc.

4. Có bản xác nhận của cơ sở đăng ký thuốc về việc tất cả các vấn đề liên quan đến chất lượng thuốc (bao gồm, nhưng không giới hạn đối với: công thức bào chế, các cơ sở sản xuất liên quan đến thuốc, tiêu chuẩn chất lượng, hạn dùng và đóng gói sơ cấp) là giống với sản phẩm tại thời điểm phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính được lựa chọn. Tuy nhiên, có thể khác nhau về chất liệu của bao bì đóng gói trực tiếp để đáp ứng yêu cầu về độ ổn định của ASEAN.

5. Nếu trong hồ sơ đăng ký thuốc có nộp Drug Master File (DMF), cần có một bản công bố riêng của cơ sở đăng ký thuốc về việc DMF nộp cho Cục Quản lý Dược là tương tự với DMF đã nộp cho cơ quan quản lý tham chiếu được lựa chọn.

6. Thuốc và chỉ định, chế độ liều dùng, đối tượng sử dụng không bị từ chối cấp phép, thu hồi.

7. Thuốc không thuộc trường hợp cấp phép theo quy trình cấp phép nhanh (fast-tract approval), cấp phép cấp tốc (accelerated approval), cấp phép cho những trường hợp ngoại lệ hoặc một quy trình cấp phép tương tự.

Điều 46. Quy định về hồ sơ đối với thuốc mới được thẩm định theo quy trình kiểm chứng

1. Hồ sơ hành chính đáp ứng quy định tại Điều 18 Thông tư này và các quy định sau:

a) Có thêm văn bản cam kết của cơ sở đăng ký thuốc trong đó:

- Ghi rõ tên của các cơ quan quản lý tham chiếu và cơ quan quản lý tham chiếu chính được lựa chọn;

- Cam kết về việc hồ sơ đăng ký thuốc nộp cho Cục Quản lý Dược hoặc các chỉ định, liều dùng, đối tượng sử dụng và các hướng dẫn sử dụng tương tự là đáp ứng quy định tại các khoản 7, 8 và 9 Điều....Thông tư này;

- Cam kết về việc Hồ sơ tổng thể nhà sản xuất (Drug Master File - DMF) được nộp trong hồ sơ là giống với DMF đã được nộp và phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính (nếu trong Hồ sơ có nộp DMF);

- Cam kết về việc tất cả các khía cạnh về chất lượng của thuốc dự định đăng ký vào Việt Nam là giống với sản phẩm đã được phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính (bao gồm nhưng không giới hạn các tiêu chí sau: công thức bào chế, các cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng và cơ sở đóng gói sơ cấp; Tuy nhiên, có thể khác nhau về chất liệu của bao bì đóng gói trực tiếp để đáp ứng yêu cầu về độ ổn định của ASEAN).

b) Cung cấp ít nhất 02 CPP thể hiện:

- Thuốc đã được thẩm định và phê duyệt bởi cơ quan tham chiếu quy định tại khoản 7 Điều 2 của Thông tư này; và

- Được sản xuất toàn bộ công đoạn trên các dây chuyền thuộc các nước là thành viên thường trực hoặc sáng lập của ICH hoặc Úc.

2. Hồ sơ chất lượng: đáp ứng quy định tại Điều 19 của Thông tư này, giống với hồ sơ đã nộp cho cơ quan quản lý nước tham chiếu chính và có thêm các tài liệu sau:

a) Báo cáo đánh giá đầy đủ về chất lượng, bao gồm cả các đánh giá về các tài liệu hỏi - đáp (Question & Answer) giữa cơ sở đăng ký thuốc ở nước sở tại và cơ quan quản lý và các tài liệu hỗ trợ có liên quan khác từ cơ quan quản lý tham chiếu chính;

b) Các câu hỏi và câu trả lời giữa cơ quan quản lý tham chiếu chính và cơ sở đăng ký thuốc tại nước sở tại. Các câu trả lời cần kèm theo các tài liệu hỗ trợ đã được sử dụng để trả lời các câu hỏi.

c) Các báo cáo hoặc các tài liệu đánh giá liên quan đến các thay đổi sau khi thuốc được cấp phép lưu hành ở nước sở tại (nếu có).

d) Các tài liệu liên quan được yêu cầu bởi Cục Quản lý Dược mà chưa được nộp cho cơ quan quản lý tham chiếu chính, như: các nghiên cứu độ ổn định tuân theo hướng dẫn về độ ổn định của ASEAN...

đ) Đối với Hồ sơ tổng thể nhà sản xuất (DMF) (nếu có): gồm các tài liệu sau

- Công văn gốc về việc tiếp nhận DMF của cơ quan quản lý tham chiếu;

- Các phần mở đầu và phần cuối của DMF đã được nộp cho cơ quan quản lý tham chiếu;

- Báo các đánh giá DMF đầy đủ, bao gồm cả các đánh giá về các tài liệu hỏi - đáp (Question & Answer) giữa cơ sở sở hữu DMF và cơ quan quản lý tham chiếu chính, và các tài liệu hỗ trợ có liên quan khác từ cơ quan quản lý tham chiếu;

- Các câu hỏi và câu trả lời giữa cơ quan quản lý tham chiếu và cơ sở đăng ký thuốc tại nước sở tại. Các câu trả lời cần kèm theo các tài liệu hỗ trợ đã được sử dụng để trả lời các câu hỏi;

- Tất cả các thông tin cập nhật liên quan đến DMF (nếu có) được phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính đến thời điểm cơ sở đăng ký thuốc nộp hồ sơ cho Cục Quản lý Dược, bao gồm: (1) Văn thư đề nghị cập nhật DMF; (2) Các tài liệu hỗ trợ cho việc cập nhật DMF; (3) Tổng hợp các câu hỏi và câu trả lời giữa cơ quan quản lý tham chiếu chính và cơ sở đăng ký lưu hành sản phẩm ở nước sở tại; (4) Văn bản của cơ quan quản lý tham chiếu chính về việc chấp thuận DMF cập nhật.

d) Riêng đối với trường hợp thuốc được cấp phép bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính là TGA thì ngoài các báo cáo quy định tại điểm b, c khoản này phải có thêm các tài liệu sau:

- Báo cáo đánh giá đầy đủ về hóa học và kiểm soát chất lượng, bao gồm cả cả các đánh giá về các tài liệu Q&A (Question & Answer) giữa cơ sở đăng ký sản phẩm ở nước sở tại và cơ quan quản lý và các phụ lục kèm theo;

- Bản báo cáo tổng thể của đại diện TGA (Delegate’s overview);

- Các ý kiến phản hồi của cơ sở đăng ký thuốc tại nước sở tại đối với Bản báo cáo tổng thể của đại diện TGA (Pre-ACPM response);

- Biên bản của Hội đồng tư vấn thuốc kê đơn (The Advisory Committee on Prescription Medicines – ACPM).

3. Hồ sơ phi lâm sàng: Báo cáo tổng quan về phi lâm sàng.

4. Hồ sơ lâm sàng:

a) Báo cáo tổng quan và báo cáo tóm tắt về an toàn, hiệu quả trên lâm sàng, bao gồm cả các đánh giá về các tài liệu Q&A (Question & Answer) giữa cơ sở đăng ký sản phẩm ở nước sở tại và cơ quan quản lý và các phụ lục kèm theo.

b) Tổng hợp các nghiên cứu có liên quan;

c) Bảng liệt kê các chương trình phát triển lâm sàng;

d) Các báo cáo nghiên cứu của các nghiên cứu chính (dưới dạng bảng và các phụ lục kèm theo);

đ) Các báo cáo hoặc các tài liệu đánh giá liên quan đến các thay đổi sau khi thuốc được cấp phép lưu hành ở nước sở tại (nếu có);

5. Hồ sơ đánh giá cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài đáp ứng GMP được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

Điều 47. Quy định về hồ sơ đối với thuốc generic được thẩm định theo quy trình thẩm tra

1. Hồ sơ hành chính đáp ứng quy định tại Điều 18 Thông tư này và các quy định sau

a) Có thêm văn bản cam kết của cơ sở đăng ký thuốc trong đó:

- Ghi rõ tên của các cơ quan quản lý tham chiếu được lựa chọn;

- Cam kết về việc hồ sơ đăng ký thuốc nộp cho Cục Quản lý Dược hoặc các chỉ định, liều dùng, đối tượng sử dụng và các hướng dẫn sử dụng tương tự là đáp ứng quy định tại các khoản 6, 7 Điều....Thông tư này;

- Cam kết về việc Hồ sơ tổng thể nhà sản xuất (Drug Master File - DMF) được nộp trong hồ sơ là giống với DMF đã được nộp và phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính (nếu trong Hồ sơ có nộp DMF);

- Cam kết về việc tất cả các khía cạnh về chất lượng của thuốc dự định đăng ký vào Việt Nam là giống với sản phẩm đã được phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu được lựa chọn (bao gồm nhưng không giới hạn các tiêu chí sau: công thức bào chế, các cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng và cơ sở đóng gói sơ cấp; Tuy nhiên, có thể khác nhau về chất liệu của bao bì đóng gói trực tiếp để đáp ứng yêu cầu về độ ổn định của ASEAN).

b) Cung cấp ít nhất 01 CPP thể hiện:

- Thuốc đã được thẩm định và phê duyệt bởi cơ quan tham chiếu quy định tại khoản 7 Điều 2 của Thông tư này; và

- Được sản xuất toàn bộ công đoạn trên các dây chuyền thuộc các nước là thành viên thường trực hoặc sáng lập của ICH hoặc Úc.

2. Hồ sơ chất lượng: đáp ứng quy định tại Điều 19 của Thông tư này, giống với hồ sơ đã nộp cho cơ quan quản lý nước tham chiếu chính và có thêm các tài liệu sau:

a) Báo cáo đánh giá đầy đủ về chất lượng, bao gồm cả các đánh giá về các tài liệu hỏi - đáp (Question & Answer) giữa cơ sở đăng ký thuốc ở nước sở tại và cơ quan quản lý và các tài liệu hỗ trợ có liên quan khác từ cơ quan quản lý tham chiếu chính;

b) Các câu hỏi và câu trả lời giữa cơ quan quản lý tham chiếu chính và cơ sở đăng ký thuốc tại nước sở tại. Các câu trả lời cần kèm theo các tài liệu hỗ trợ đã được sử dụng để trả lời các câu hỏi.

c) Các báo cáo hoặc các tài liệu đánh giá liên quan đến các thay đổi sau khi thuốc được cấp phép lưu hành ở nước sở tại (nếu có).

d) Các tài liệu liên quan được yêu cầu bởi Cục Quản lý Dược mà chưa được nộp cho cơ quan quản lý tham chiếu chính, như: các nghiên cứu độ ổn định tuân theo hướng dẫn về độ ổn định của ASEAN...

đ) Đối với Hồ sơ tổng thể nhà sản xuất (DMF) (nếu có): gồm các tài liệu sau

- Công văn gốc về việc tiếp nhận DMF của cơ quan quản lý tham chiếu;

- Các phần mở đầu và phần cuối của DMF đã được nộp cho cơ quan quản lý tham chiếu;

- Báo các đánh giá DMF đầy đủ, bao gồm cả các đánh giá về các tài liệu hỏi - đáp (Question & Answer) giữa cơ sở sở hữu DMF và cơ quan quản lý tham chiếu chính, và các tài liệu hỗ trợ có liên quan khác từ cơ quan quản lý tham chiếu;

- Các câu hỏi và câu trả lời giữa cơ quan quản lý tham chiếu và cơ sở đăng ký thuốc tại nước sở tại. Các câu trả lời cần kèm theo các tài liệu hỗ trợ đã được sử dụng để trả lời các câu hỏi;

- Tất cả các thông tin cập nhật liên quan đến DMF (nếu có) được phê duyệt bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính đến thời điểm cơ sở đăng ký thuốc nộp hồ sơ cho Cục Quản lý Dược, bao gồm: (1) Văn thư đề nghị cập nhật DMF; (2) Các tài liệu hỗ trợ cho việc cập nhật DMF; (3) Tổng hợp các câu hỏi và câu trả lời giữa cơ quan quản lý tham chiếu chính và cơ sở đăng ký lưu hành sản phẩm ở nước sở tại; (4) Văn bản của cơ quan quản lý tham chiếu chính về việc chấp thuận DMF cập nhật.

e) Tất cả các nghiên cứu tương đương sinh học hoặc các tài liệu chứng minh cho việc được miễn trừ thử tương đương sinh học như đã nộp cho cơ quan quản lý tham chiếu được lựa chọn và tất cả các câu hỏi, câu trả lời kèm theo tài liệu chứng minh giữa cơ quan quản lý tham chiếu và cơ sở đăng ký sản phẩm tại nước sở tại.

g) Riêng đối với trường hợp thuốc được cấp phép bởi cơ quan quản lý tham chiếu chính là TGA thì ngoài các báo cáo quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản này phải có thêm các tài liệu sau:

- Báo cáo đánh giá đầy đủ về hóa học và kiểm soát chất lượng, bao gồm cả cả các đánh giá về các tài liệu Q&A (Question & Answer) giữa cơ sở đăng ký sản phẩm ở nước sở tại và cơ quan quản lý và các phụ lục kèm theo.

- Bản báo cáo tổng thể của đại diện TGA (Delegate’s overview);

- Các ý kiến phản hồi của cơ sở đăng ký thuốc tại nước sở tại đối với Bản báo cáo tổng thể của đại diện TGA (Pre-ACPM response);

- Biên bản của Hội đồng tư vấn thuốc kê đơn (The Advisory Committee on Prescription Medicines – ACPM).

Điều 48. Quy định về tính pháp lý của các giấy tờ nộp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc để được thẩm định theo quy trình kiểm chứng:

Các giấy tờ nộp trong hồ sơ phải đáp ứng quy định tại Điều...Thông tư này và các quy định sau:

a) Các báo cáo đánh giá từ các cơ quan quản lý tham chiếu chính cần phải chính xác, đầy đủ, không được chỉnh sửa hoặc biên tập lại và cần bao gồm các thông tin về các điều kiện để cấp phép thuốc.

b) Không chấp nhận các báo cáo thu thập được trên mạng thông tin đại chúng (public domain).

c) Tất cả các dữ liệu nộp cho Cục Quản lý Dược phải thống nhất với gói dữ liệu đã nộp cho các cơ quan quản lý tham chiếu được lựa chọn.

Mục 5. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI, GIA HẠN, THAY ĐỔI BỔ SUNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC ĐỐI VỚI HỒ SƠ THẨM ĐỊNH THEO QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH NHANH, THẨM ĐỊNH RÚT GỌN VÀ THẨM ĐỊNH KIỂM CHỨNG

Điều 49. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thay đổi bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc

Thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương II của Thông tư này và các quy định riêng như sau:

1. Thời hạn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc:

a) Trong vòng 9 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với hồ sơ theo quy trình thẩm định nhanh.

b) Trong vòng 6 tháng đối với hồ sơ thẩm định theo quy trình rút gọn và quy trình thẩm tra.

2. Đối với quy trình thẩm định rút gọn: Cục Quản lý Dược chỉ thẩm định phần hồ sơ hành chính, cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về hồ sơ chất lượng đã nộp tại Cục Quản lý Dược.

3. Đối với quy trình thẩm tra, ngoài việc thẩm tra CPP, Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp quy định tại khoản 7 Điều 19 của Thông tư này, Cục Quản lý Dược tiến hành thẩm tra thêm các tài liệu các báo cáo đánh giá từ các cơ quan quản lý tham chiếu được lựa chọn nộp trong hồ sơ theo quy định như đối với thẩm tra CPP.

Chương IV

THẨM QUYỀN CẤP, GIA HẠN, THAY ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH, HỒ SƠ, THỦ TỤC THU HỒI, TẠM NGỪNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH

Điều 50. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành

Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý Dược:

1. Ký quyết định ban hành danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành trên cơ sý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

2. Ký quyết định ban hành danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành.

3. Xem xét và trả lời bằng văn bản các trường hợp thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành.

Điều 51. Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc

· Thẩm quyền thu hồi và trách nhiệm thông báo thu hồi giấy đăng ký lưu hành

a) Bộ trưởng Bộ Y tế uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý Dược ra quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật dược.

b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo quyết định của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) về việc thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc địa bàn quản lý.

· Hồ sơ thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 58 Luật dược, bao gồm:

- Đơn đề nghị thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam của cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Mẫu 01/TT ban kèm theo Thông tư này;

- Bản chính giấy đăng ký lưu hành;

- Các tài liệu chứng minh (nếu có);

· Thủ tục thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại điểm g khoản 1 Điều 58 Luật dược

Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Cục trưởng Cục Quản lý Dược ra quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trường hợp chưa đồng ý với đề nghị thu hồi của cơ sở, Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

· Thủ tục thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 58 Luật dược

Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi thuốc của cơ quan quản lý có thẩm quyền, Cục trưởng Cục Quản lý Dược ra quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc;

· Thủ tục thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 58 Luật dược

Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày có kết luận bằng văn bản của cơ quan quản lý có thẩm quyền về việc hồ sơ của thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành là hồ sơ giả mạo hoặc thuốc, nguyên liệu làm thuốc được sản xuất không đúng địa chỉ theo hồ sơ đăng ký, Cục trưởng Cục Quản lý Dược ra quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc;

· Thủ tục thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại điểm c và e khoản 1 Điều 58 Luật dược

Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc của nước xuất xứ khuyến cáo thuốc không an toàn, hiệu quả cho người sử dụng hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm, Cục trưởng Cục Quản lý Dược ra quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc;

Điều 52. Quy định về việc ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Việc ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 100 của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý Dược ra quyết định ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Chương V

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CHUYÊN GIA THẨM ĐỊNH VÀ HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC

Điều 53. Tổ chức, hoạt động của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Bộ Y tế thành lập Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Hội đồng bao gồm các thành viên đại diện cho các lĩnh vực: pháp chế, tiêu chuẩn chất lượng, bào chế, dược lý, lâm sàng, tương đương sinh học của các thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

2. Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hoạt động theo nguyên tắc sau: đảm bảo không xung đột lợi ích; ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải bảo đảm căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học và phải được thể hiện trong Biên bản cuộc họp Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế về các ý kiến tham mưu, tư vấn.

3. Cục Quản lý Dược tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ chế phối hợp giữa Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và các nhóm chuyên gia thẩm định trong quá trình cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Tổ chức, hoạt động của chuyên gia và các nhóm chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Bộ Y tế giao Cục Quản lý Dược căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thành lập các nhóm chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc (sau đây gọi tắt là nhóm chuyên gia thẩm định). Cơ cấu các nhóm chuyên gia thẩm định phải phù hợp với từng nhóm sản phẩm đăng ký và hình thức đăng ký.

2. Nhóm chuyên gia thẩm định có nhiệm vụ tư vấn cho Cục Quản lý Dược trong việc thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc và đề xuất việc cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành hoặc bổ sung hoặc không cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

3. Nhóm chuyên gia thẩm định hoạt động theo nguyên tắc: Các ý kiến góp ý hoặc đề xuất của chuyên gia thẩm định phải bảo đảm căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học và phải được thể hiện trong Biên bản thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Chuyên gia thẩm định chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Quản lý Dược và trước pháp luật về các nội dung, ý kiến tư vấn và đề xuất liên quan đến công tác thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

4. Cục Quản lý Dược căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí lựa chọn, tổ chức và hoạt động của các nhóm chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc; ký hợp đồng với chuyên gia thẩm định; tổ chức thẩm định, tổng hợp kết quả thẩm định trình Hội đồng tư vấn; tổ chức các khoá tập huấn, đào tạo cho chuyên gia thẩm định; tiến hành đánh giá năng lực chuyên môn và sự tuân thủ các quy định để có điều chỉnh, bổ sung chuyên gia thẩm định phù hợp.

5. Kinh phí tổ chức thẩm định hồ sơ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 55. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày    tháng    năm 2017.

2. Thông tư s44/2014/TT-BYT ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký thuốc hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, trừ các nội dung quy định việc đăng ký sinh phẩm chẩn đoán in vitro, thuốc cổ truyền và dược liệu.

Điều 56. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các hồ sơ đăng ký nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư s44/2014/TT-BYT ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký thuốc, trừ trường hợp cơ sở đăng ký có đề nghị thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

2. Trường hợp thuốc hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành từ ngày 01/1/2018 đến 31/12/2018 được tiếp tục duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành 12 tháng nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Không thuộc trường hợp tạm ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Khoản 3 Điều 100 của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP .

b) Thuốc không có khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cơ quan quản lý dược Việt Nam hoặc nước ngoài về an toàn, hiệu quả của thuốc, nguyên liệu làm thuốc;

c) Có công văn cam kết tại thời điểm nộp văn bản đề nghị duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thì vẫn đảm bảo đủ các điều kiện để được cấp giấy đăng ký lưu hành, đồng thời sản xuất, lưu hành theo đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt, kèm theo danh mục các thuốc đề nghị duy trì hiệu lực giấy đăng ký.

3. Trong thời hạn được duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành, cơ sở đăng ký được cấp giấy đăng ký mới thì công văn cho phép duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành tự động hết hiệu lực.

Điều 57. Lộ trình thực hiện

1. Thời hạn đăng ký lưu hành tá dược, vỏ nang, bán thành phẩm dược liệu thực hiện theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 143 của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, nguyên liệu làm thuốc thuộc các trường hợp sau phải nộp giấy chứng nhận GMP:

a) Dược chất vô trùng;

b) Bán thành phẩm dược liệu sản xuất tại nước ngoài;

c) Cơ sở sản xuất nguyên liệu làm thuốc là dược chất vô trùng trong nước;

d) Cơ sở đăng ký nguyên liệu làm thuốc là dược chất không phải là dược chất vô trùng sản xuất tại nước ngoài.

3. Kể từ ngày ngày 01 tháng 01 năm 2019, cơ sở đăng ký nguyên liệu làm thuốc là dược chất sản xuất trong nước (trừ trường hợp nguyên liệu là dược chất vô trùng) phải nộp giấy chứng nhận GMP.

4. Kể từ ngày 01/1/2021, cơ sở đăng ký tá dược, vỏ nang; bán thành phẩm dược liệu sản xuất trong nước phải nộp giấy chứng nhận GMP tương ứng.

5. Kể từ ngày 01/1/2019, các hồ sơ đăng ký nộp sau thời điểm Thông tư này có hiệu lực và các hồ sơ đăng ký đã được phê duyệt phải thực hiện việc bổ sung CPP theo quy định tại Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại khoản 6, 7 Điều này.

6. Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nộp sau thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì phải nộp CPP theo quy định tại Thông tư này kể từ thời điểm Thông tư có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều này.

7. Kể từ ngày 01/1/2019,  khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung đăng ký lưu hành đối với vắc xin đã được cấp giấy đăng ký lưu hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực cơ sở phải nộp CPP đáp ứng các quy định sau:

a) Đáp ứng các quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g và m Điều 10 của Thông tư này;

b) Có xác nhận thuốc được phép lưu hành ở nước sản xuất. Trường hợp thuốc không được cấp phép lưu hành ở nước sản xuất hoặc được cấp phép nhưng thực tế thuốc không lưu hành ở nước sản xuất, cơ sở đăng ký phải cung cấp Giấy chứng nhận CPP có xác nhận thuốc được lưu hành ở một trong các các nước trong khu vực thỏa thuận quốc tế về hòa hợp ICH, Anh, Úc hoặc Canada.

8. Kể từ ngày 01/1/2019, Cục Quản lý Dược thực hiện quy định tại điểm h khoản 1 Điều 41 Thông tư này đối với hồ sơ gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, trừ trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam thì thực hiện quy định tại điểm h khoản 1 Điều 41 Thông tư này kể từ thời điểm Thông tư có hiệu lực.

9. Chậm nhất đến ngày 01/01/2020, các Biệt dược gốc đã được Bộ Y tế công bố trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải được công bố đáp ứng quy định về phân loại Biệt dược gốc theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều...Thông tư này.

10. Đối với các hồ sơ đề nghị công bố Biệt dược gốc nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa dược công bố Biệt dược gốc cần bổ sung các tài liệu để được phân loại là Biệt dược gốc theo quy định tại Thông tư này.

Điều 58. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới.

Điều 59. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Quản lý Dược căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và lộ trình hòa hợp ASEAN trong đăng ký thuốc, có trách nhiệm:

a) Tổ chức hướng dẫn và thực hiện các quy định của Thông tư này;

a1) Đôn đốc, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của Sở Y tế quy định tại khoản 2 Điều này.

b) Cập nhật, biên tập và ban hành Hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN (ACTD), các hướng dẫn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến đăng ký thuốc của ASEAN để các đối tượng có liên quan triển khai thực hiện;

c) Cập nhật danh mục các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo từng đợt và các thông tin đăng ký thuốc khác trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược.

d) Cập nhật danh mục các thuốc có chứng minh tương đương sinh học theo từng đợt và các thông tin thay đổi, bổ sung của thuốc có chứng minh tương đương sinh học trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược.

đ) Cập nhật danh mục các biệt dược gốc theo từng đợt cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành và sau khi phê duyệt phân loại biệt dược gốc trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược.

e) Xây dựng, ban hành tổ chức triển khai thực hiện các quy trình chuẩn (SOPs) trong đăng ký thuốc, quy trình xem xét cấp nhanh giấy đăng ký lưu hành thuốc và sổ tay hướng dẫn đăng ký thuốc (QM);

g) Phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền trong việc gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Thông tư s44/2014/TT-BYT ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký thuốc.

h) Thực hiện việc xác minh tính xác thực của các thông tin trên CPP với các cơ quan có thẩm quyền trong nước và nước ngoài theo quy định tại Điều....Thông tư này.

i) Thực hiện việc số hóa hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc. Hồ sơ số hóa có giá trị pháp lý trong các hoạt động liên quan đến hồ sơ đăng ký thuốc.

k) Trường hợp cơ sở đăng ký thuốc có hành vi giả mạo hoặc tự ý sửa chữa hồ sơ, tài liệu, giấy tờ pháp lý của các cơ quan chức năng của Việt Nam hoặc của nước ngoài; sử dụng con dấu giả hoặc giả mạo chữ ký hoặc dấu của cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất và các cơ sở liên quan trong hồ sơ đăng ký thuốc thì Cục Quản lý Dược sẽ có công văn cảnh báo cơ sở và ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 100 của Nghị định 54/2007/NĐ-CP .

Ngoài các hình thức trên, Cục Quản lý Dược công khai nội dung vi phạm của cơ sở trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, đồng thời thông báo tới cơ quan Thanh tra và các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

h) Trong trường hợp cần thiết, Cục Quản lý Dược có trách nhiệm tổ chức cuộc họp với cơ sở đăng ký thuốc nhằm làm rõ các vướng mắc về khoa học liên quan đến việc thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm trong phạm vi quản lý.

3. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Tổng Công ty Dược Việt Nam, các cơ sở kinh doanh thuốc có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) để xem xét giải quyết./.

Nơi nhận:
- VPCP (Phòng Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ);
- Các Thứ trưởng BYT (để p/h);
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Quốc phòng (Cục Quân Y);
- Bộ Công an (Cục Y tế);
- Bộ Giao thông vận tải (Cục Y tế GTVT);
- Bộ Tài chính (Tổng Cục Hải quan) ;
- Các Vụ, Cục, T.tra Bộ Y tế ;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Tổng công ty Dược Việt Nam;
- Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam;
- Hội Dược học Việt Nam;
- Tổng cục hải quan;
- Cổng thông tin điện tử BYT, Website Cục QLD ;
- Các DN SX, KD thuốc trong nước và nước ngoài;
- Lưu : VT, PC, QLD (5).

BỘ TRƯỞNG

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Dự thảo Thông tư quy định việc đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.599

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.82.22
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!