Tư vấn Pháp luật X

Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Hướng dẫn sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử VNeID khi đi khám chữa bệnh

Đang tải văn bản...

MỤC LỤC VĂN BẢN

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2019/TT-BYT

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2019

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ ĐÁP ỨNG VỚI BỆNH, DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; trách nhiệm trong tổ chức thực hiện giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ổ dịch tại cộng đồng là nơi (thôn, tổ dân phố hoặc tương đương) xuất hiện trường hợp bệnh truyền nhiễm xác định hoặc các trường hợp bệnh lâm sàng và tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh trong khoảng thời gian tương đương thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh đó.

2. Ổ dịch tại cơ sở khám, chữa bệnh được xác định khi cơ sở khám, chữa bệnh có trường hợp bệnh bị lây nhiễm trong khoảng thời gian tương đương thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh đó.

3. Ổ chứa là nơi tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể tồn tại và phát triển.

4. Dấu hiệu cảnh báo là thông tin ban đầu về bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, các nguy cơ gây bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm hoặc các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

5. Sự kiện là dấu hiệu cảnh báo đã được xác minh là có nguy cơ gây bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Chương II

GIÁM SÁT BỆNH, DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 3. Đối tượng giám sát

1. Đối tượng giám sát

a) Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm;

b) Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;

c) Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.

2. Bệnh truyền nhiễm cần giám sát thực hiện theo phân loại tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 4. Loại hình giám sát

Giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm bao gồm các loại hình sau:

1. Giám sát dựa vào chỉ số: là việc thu thập thông tin về các bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm cụ thể theo các chỉ số biểu mẫu quy định. Bao gồm các loại hình sau:

a) Giám sát thường xuyên: là việc thu thập thường xuyên, liên tục có hệ thống các thông tin cơ bản về bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm dựa vào cơ sở y tế được thực hiện trên phạm vi cả nước;

b) Giám sát trọng điểm: là việc thu thập thường xuyên, liên tục có hệ thống các thông tin chuyên sâu về một số bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và một số vấn đề về y tế ưu tiên tại một số điểm giám sát được lựa chọn trong một khoảng thời gian nhất định.

2. Giám sát dựa vào sự kiện: là việc thu thập thông tin, sàng lọc, xác minh các dấu hiệu cảnh báo từ các nguồn tin của cộng đồng, mạng xã hội, mạng lưới thông tin truyền thông, cơ quan, tổ chức và mạng lưới y tế.

Điều 5. Địa điểm giám sát

Giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm được thực hiện trên toàn bộ phạm vi địa bàn quản lý hành chính được phân công giám sát, chú trọng tại:

1. Cơ sở y tế.

2. Khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm.

3. Khu vực đang có ổ dịch, dịch; khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

4. Nơi cư trú, học tập, làm việc, điểm đến du lịch, lưu trú của người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.

5. Khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy.

6. Khu vực xảy ra thiên tai, thảm họa.

Điều 6. Nội dung giám sát

1. Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, các nội dung giám sát gồm:

a) Họ và tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, điện thoại liên lạc, địa chỉ nơi sinh sống, nơi học tập, làm việc; địa điểm và thời gian mắc, khởi phát bệnh; diễn biến bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và quá trình điều trị, cơ sở y tế chăm sóc, điều trị trước khi mắc bệnh; thông tin về xét nghiệm khẳng định tác nhân gây bệnh phù hợp; tiền sử sản khoa, tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh và tình trạng miễn dịch, tiền sử đi lại trong và ngoài nước, các thông tin về tiền sử phơi nhiễm, tiếp xúc và yếu tố dịch tễ liên quan;

b) Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa điểm giám sát: mức sống, lối sống, điều kiện sống, phong tục tập quán, cơ cấu dân cư, cơ cấu dân tộc, cơ cấu bệnh tật; địa lý, khí hậu, thời tiết bao gồm: khu vực địa dư, mùa, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, hướng gió và các yếu tố nguy cơ khác.

2. Đối với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm: chủng, loài, nhóm, týp, phân týp, gen, kiểu gen, các đặc tính sinh học về tính kháng thuốc, biến đổi về hình thể, gen và phương thức lây truyền.

3. Đối với trung gian truyền bệnh

a) Động vật: số lượng, mối liên hệ với con người và các đặc điểm khác theo yêu cầu. Riêng đối với côn trùng cần giám sát thêm: đặc điểm sinh vật học, thành phần loài, các chỉ số giám sát, tính nhạy cảm với hóa chất;

b) Thực phẩm: nguyên liệu, nguồn gốc, phương thức chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối;

c) Môi trường: đất, nước, không khí;

d) Các vật khác mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

4. Căn cứ vào bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, đối tượng giám sát, yêu cầu của các loại hình giám sát, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp.

Điều 7. Quy trình giám sát

1. Thu thập số liệu, thông tin.

2. Phân tích số liệu, phiên giải và đánh giá kết quả.

3. Đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

4. Đề xuất biện pháp can thiệp.

5. Báo cáo và chia sẻ thông tin.

Chương III

ĐÁP ỨNG VỚI BỆNH, DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 8. Phòng bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm

Khi chưa có ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm, các đơn vị chịu trách nhiệm đáp ứng trên địa bàn quản lý hành chính được phân công thực hiện các hoạt động dự phòng chủ động như sau:

1. Xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

2. Đánh giá và dự báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm.

3. Kiểm soát nguy cơ.

4. Kiểm tra, giám sát.

Điều 9. Các bước điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm

Trình tự các bước điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm có thể linh hoạt tùy theo tính chất ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm:

1. Chuẩn bị điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm.

2. Xác minh chẩn đoán.

3. Khẳng định sự tồn tại của ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm.

4. Định nghĩa trường hợp bệnh, căn cứ tiêu chuẩn chẩn đoán về lâm sàng, dịch tễ và xét nghiệm để xác định người mắc bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh và trường hợp mắc bệnh đầu tiên.

5. Tiến hành mô tả ổ dịch theo 3 yếu tố thời gian, địa điểm và con người.

6. Xây dựng giả thuyết về ổ dịch, dịch, nguồn lây và tác nhân, phương thức, đường lây truyền, yếu tố trung gian truyền bệnh hoặc véc tơ, sự phơi nhiễm, các yếu tố nguy cơ.

7. Đánh giá và kiểm định giả thuyết.

8. Hoàn thiện giả thuyết và thực hiện nghiên cứu bổ sung.

9. Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát.

10. Thông báo kết quả điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm.

Điều 10. Xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm

Khi có ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm, các đơn vị chịu trách nhiệm đáp ứng trên địa bàn quản lý hành chính được phân công xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, chuẩn bị và tiến hành xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm như sau:

1. Chuẩn bị xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm

a) Nhân lực;

b) Đề xuất hỗ trợ phòng, chống dịch (nếu cần): xác định tuyến sẽ hỗ trợ, cơ sở, phương thức, thời gian, nội dung hỗ trợ của tuyến trên và liên ngành;

c) Thuốc, vắc xin, hoá chất, sinh phẩm, vật tư thu thập đóng gói, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm, trang thiết bị xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm; trang thiết bị cấp cứu và các dụng cụ y tế khác;

d) Chuẩn bị điều kiện đảm bảo phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế, cán bộ tham gia phòng, chống dịch và người tiếp xúc;

đ) Dự toán kinh phí cho điều tra và các hoạt động xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm.

2. Hoạt động xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm

Dựa trên kết quả điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm để lựa chọn các biện pháp xử lý dịch, ổ dịch sau:

a) Xử lý nguồn bệnh: thu dung, điều trị và quản lý các trường hợp mắc bệnh; cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế; điều trị người lành mang mầm bệnh truyền nhiễm; xử lý chất thải của người, động vật, các nguồn truyền nhiễm khác;

b) Xử lý đường truyền bệnh: thực hiện các biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh; vệ sinh môi trường, khử trùng tẩy uế khu vực có ổ dịch, dịch;

c) Bảo vệ người lành tại cộng đồng và người phơi nhiễm tại bệnh viện: vệ sinh, trang bị bảo vệ cá nhân; bảo đảm an toàn thực phẩm; điều trị dự phòng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tiêm vắc xin phòng bệnh; truyền thông nguy cơ và truyền thông giáo dục sức khoẻ cộng đồng;

d) Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch theo quy định hiện hành;

đ) Điều tra dịch tễ và xử lý các trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm.

Điều 11. Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế

Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế bao gồm:

1. Bệnh bạch hầu.

2. Bệnh ho gà.

3. Bệnh sởi.

4. Bệnh rubella.

5. Bệnh than.

6. Bệnh viêm màng não do não mô cầu.

7. Bệnh tay chân miệng.

8. Bệnh thủy đậu.

9. Bệnh quai bị.

Điều 12. Phân công trách nhiệm đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm của các cơ sở y tế

1. Đối với tất cả bệnh truyền nhiễm nhóm C; bệnh truyền nhiễm nhóm B có số mắc thấp (thấp hơn số mắc trung bình của tuần hoặc tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất không tính số liệu của năm có dịch) và chưa có tử vong: Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) chủ động và chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.

2. Đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B có số mắc của xã hoặc huyện cao (số mắc vượt quá số mắc trung bình của tuần hoặc tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất, không tính số liệu của năm có dịch) hoặc có trường hợp tử vong: Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) chủ động và chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.

3. Đối với tất cả các bệnh truyền nhiễm nhóm A; bệnh truyền nhiễm nhóm B có từ 2 trường hợp tử vong trở lên nghi do cùng một bệnh hoặc cùng một tác nhân gây bệnh trên cùng địa bàn huyện trong vòng một tháng: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) chủ động và chịu trách nhiệm đề nghị Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.

4. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có chức năng kiểm dịch y tế quốc tế chịu trách nhiệm điều tra, báo cáo và thực hiện các biện pháp đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực cửa khẩu.

5. Đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát, điều tra, báo cáo, nhận định tình hình, đánh giá nguy cơ bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị và phối hợp với mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng, đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; đồng thời hỗ trợ tuyến dưới trong công tác đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

6. Trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng của đơn vị, địa phương với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, các đơn vị, địa phương báo cáo và đề nghị tuyến trên và cấp quản lý trực tiếp để được hỗ trợ và huy động nguồn lực cho hoạt động phòng, chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

7. Các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thường xuyên theo dõi, nhận định tình hình, đánh giá nguy cơ bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm để kịp thời hỗ trợ tuyến dưới đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng, các Viện, bệnh viện báo cáo Bộ Y tế để chỉ đạo và huy động nguồn lực từ các địa phương, các Ban, ngành, đơn vị khác của Trung ương hoặc các tổ chức quốc tế hỗ trợ.

Điều 13. Thông tin, báo cáo

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; Thông tư số 15/2014/TT-BYT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế; Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của Cục Y tế dự phòng

1. Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc xây dựng, phối hợp, chỉ đạo toàn bộ hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn quốc.

2. Chỉ đạo các Viện thuộc hệ Y tế dự phòng, Sở Y tế, các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh thực hiện các hoạt động giám sát, phân tích tình hình, đánh giá nguy cơ và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

4. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế tình hình bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trong nước và thế giới hằng tuần, hằng tháng, hằng năm hoặc đột xuất.

Điều 15. Trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm

1. Phối hợp với Cục Y tế dự phòng để chỉ đạo Sở Y tế, Chi cục An toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các hoạt động giám sát, phân tích tình hình, đánh giá nguy cơ và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm lây truyền qua thực phẩm.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm lây truyền qua thực phẩm.

Điều 16. Trách nhiệm của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

1. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Điều 17. Trách nhiệm của các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế

1. Hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại các đơn vị ở các tuyến chuyên môn kỹ thuật thuộc khu vực và lĩnh vực được giao phụ trách.

2. Tiến hành thu thập mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm chẩn đoán tác nhân. Thu thập, phân tích, đánh giá, lưu trữ số liệu giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, thực hiện việc thông tin, báo cáo hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm của các đơn vị theo khu vực và lĩnh vực được giao phụ trách.

3. Phối hợp và chia sẻ thông tin giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm giữa các cơ sở y tế thuộc hệ Y tế dự phòng và các đơn vị liên quan.

Điều 18. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn quản lý thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

3. Báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác phối hợp và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Điều 19. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Sở Y tế

1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

a) Đầu mối, phối hợp với Chi cục An toàn thực phẩm, các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị tuyến tỉnh liên quan tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý;

b) Chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn, giám sát các đơn vị tuyến dưới thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Đối với các tỉnh, thành phố chưa thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thì Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định của Thông tư này.

2. Các Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có chức năng kiểm dịch y tế và có tổ chức kiểm dịch y tế biên giới chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại các cửa khẩu trên địa bàn quản lý.

3. Trung tâm Y tế huyện làm đầu mối, phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị tuyến huyện liên quan tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn, giám sát các đơn vị tuyến dưới thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

4. Trạm Y tế xã thực hiện giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý.

Điều 20. Trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng, cơ sở xét nghiệm

1. Tổ chức thực hiện việc giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng, cơ sở xét nghiệm.

2. Lấy mẫu bệnh phẩm của người đến khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở xét nghiệm; chia sẻ mẫu bệnh phẩm với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng để chẩn đoán xác định.

3. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng trong việc điều tra và thông báo kết quả thông tin liên quan tới chẩn đoán và điều trị của người bệnh.

Điều 21. Trách nhiệm của y tế các Bộ, ngành

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát, báo cáo và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát, báo cáo và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong văn bản này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2019.

2. Thông tư số 13/2013/TT-BYT ngày 17/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng Cục thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Phòng Công báo, Cổng TTĐT);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/ Y tế dự phòng/ Kiểm dịch Y tế quốc tế/ Phòng chống sốt rét tỉnh, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

31.727

DMCA.com Protection Status
IP: 2a06:98c0:3600::103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!