BỘ Y TẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 08/BYT-TT
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 07 năm 1997
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN VIỆC TỔ CHỨC, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ Ở BỆNH VIỆN
ĐỂ THỰC HIỆN CHỈ THỊ 03/BYT-CT NGÀY 25/3/1997 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ VỀ VIỆC CHẤN
CHỈNH CÔNG TÁC CUNG ỨNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THUỐC TẠI BỆNH VIỆN
Ngày 25/2/1997 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chỉ thị
03/BYT-CT về chấn chỉnh công tác cung ứng, quản lý, sử dụng thuốc tại bệnh viện.
Để thực hiện tốt việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả cho người bệnh Bộ
Y tế hướng dẫn các Bệnh viện, Viện có giường bệnh thành lập và điều hành hoạt động
Hội đồng thuốc và điều trị của Bệnh viện những nội dung sau:
I. TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU
TRỊ:
A. Quyết định thành lập:
Giám đốc Bệnh viện, Viện có giường bệnh ra quyết định
thành lập Hội đồng thuốc và điều trị của đơn vị mình.
B. Thành phần:
1. Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo bệnh viện phụ
trách chuyên môn.
2. Phó chủ tịch Hội đồng kiêm ủy viên thường trực
là dược sỹ trưởng khoa dược.
3. Thư ký Hội đồng là trưởng phòng kế hoạch tổng hợp.
4. Ủy viên:
- Các ủy viên thường xuyên: là trưởng một số khoa
điều trị chủ chốt, hoặc của tất cả các khoa và y tá trưởng Bệnh viện.
- Các bệnh viện lớn nên có thêm ủy viên về dược lý.
- Ủy viên không thường xuyên: Trưởng phòng tài vụ.
Hội đồng họp ít nhất mỗi tháng một lần và những khi
cần thiết.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỘI
ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ:
A. Chức năng:
Hội đồng thuốc và điều trị của Bệnh viện có chức
năng tư vấn cho giám đốc bệnh viện về các vấn đề liên quan đến thuốc và điều trị
bằng thuốc của Bệnh viện, thực hiện tốt Chính sách quốc gia về thuốc trong Bệnh
viện.
B. Nhiệm vụ:
1. Xây dựng và trình giám đốc phê duyệt các quy định
cơ bản về cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc của Bệnh viện.
2. Xây dựng và trình giám đốc phê duyệt danh mục
thuốc dùng cho Bệnh viện:
- Xây dựng danh mục thuốc dùng trong Bệnh viện cần
dựa trên các điểm sau:
Phác đồ điều trị chuẩn.
• Mô hình bệnh tật.
• Các kiến thức khoa học mới trong điều trị.
• Nhiệm vụ điều trị.
• Nhu cầu thuốc của bệnh viện đã dùng trong quá khứ
và dự liệu trong tương lai.
• Chính sách thuốc của nhà nước, ưu tiên theo thứ tự:
thuốc thiết yếu, thuốc quy định cho bảo hiểm y tế, thuốc sản xuất trong nước có
chất lượng đảm bảo, thuốc nhập nội.
Danh mục thuốc bao gồm cả thuốc cấp cứu các dạng
(thuốc giải độc, các dịch truyền, các thuốc tim mạch, cocticoit…)
Danh mục thuốc được lựa chọn là danh mục đặc thù
cho mỗi bệnh viện được sắp xếp theo tên gốc theo thứ tự vần chữ cái và theo
nhóm dược lý để các thầy thuốc kê đơn lựa chọn thuốc thuận tiện, dễ dàng.
Từ danh mục chung nên lập danh mục thuốc cho từng
chuyên khoa trong bệnh viện (để thuận tiện cho việc quản lý thuốc trên máy vi
tính nếu có điều kiện)
- Những thuốc có cùng một hoạt chất của nhiều nhà sản
xuất hoặc phân phối khác nhau, dưới những tên thương mại khác nhau có tác dụng
điều trị tương đương nhất thiết phải được ghi theo tên gốc.
- Đối với những thuốc có tác dụng điều trị tương
đương nhưng hoạt chất có cấu trúc hóa học khác nhau thì tiêu chuẩn để chọn lựa
là:
• Hoạt lực điều trị cao.
• Khoảng giới hạn nồng độ sử dụng rộng.
• Ít các phản ứng không mong muốn (tác dụng phụ).
• Mức độ nghiên cứu thử nghiệm sâu.
• Chất lượng khoa học của các hồ sơ nghiên cứu, tài
liệu cung cấp có số liệu đầy đủ.
• Độ sinh khả dụng cao.
• Giá cả thấp.
• Lợi ích về thực hành: cung ứng thuận tiện, dự trù
dễ dàng.
• Các điều kiện bảo quản tốt.
• Nhà sản xuất có tín nhiệm.
- Danh mục được lựa chọn này từng thời kỳ cần phải
loại bỏ những thuốc mà hoạt lực điều trị bị giới hạn.
- Danh mục thuốc cần được thông báo cho tất cả các
thầy thuốc kê đơn, các trưởng, phó khoa, các trợ lý, các sinh viên nội trú, y
tá, dược sĩ, dược tá trong Bệnh viện.
- Các thuốc kê đơn ngoài danh mục thuốc của khoa, của
bệnh viện cần được quy định tuân thủ một quy trình xét duyệt cụ thể.
3. Xây dựng và trình giám đốc phê duyệt quy trình cấp
phát thuốc, theo dõi dùng thuốc đồng thời giúp giám đốc kiểm tra việc thực hiện
khi quy trình trên được phê duyệt:
Xây dựng, kiểm tra quy trình giao phát thuốc chặt
chẽ (từ khoa dược đến khoa phòng, từ khoa phòng đến người bệnh) để đảm bảo an
toàn cho từng người bệnh (kiểm tra tên, hàm lượng, dạng thuốc, chất lượng theo
cảm quan…).
- Hướng dẫn dùng thuốc hợp lý, an toàn cho y tá điều
dưỡng để y tá thực hiện và hướng dẫn người bệnh dùng thuốc đúng thời khắc có
tác dụng tốt nhất, tránh tương tác bất lợi khi dùng nhiều thuốc, theo dõi phản ứng
phụ, phản ứng có hại khi dùng thuốc để báo cáo bác sỹ điều trị và khoa dược. Thực
hiện mỗi người bệnh có một hộp thuốc riêng có chia ngăn đựng thuốc theo giờ
dùng thuốc trong ngày, y tá phát thuốc theo giờ trong ngày cho người bệnh.
4. Giúp giám đốc Bệnh viện các hoạt động sau đây:
4.1. Giám sát kê đơn hợp lý:
a) Tiêu chuẩn một đơn thuốc hợp lý:
- Đúng quy chế kê đơn.
- Tên thuốc ghi theo tên gốc quốc tế (ICI; INN)
- Chính xác liều dùng mỗi lần, số lần dùng thuốc một
ngày, thời khắc dùng thuốc, thời gian cả đợt điều trị.
- Việc kê đơn phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
+ Khi thấy thật cần thiết phải dùng đến thuốc.
+ Những thuốc tối thiểu cần thiết, có đầy đủ thông
tin.
+ Chọn thuốc trị đúng bệnh cho từng người bệnh cụ
thể.
+ Liều thuốc hợp lý.
+ Chú ý thận trọng với từng cơ địa, trạng thái người
bệnh.
+ Hạn chế, thận trọng trong các điều trị phối hợp
nhiều thuốc hoặc thuốc hỗn hợp nhiều thành phần.
+ Thận trọng đối với các phản ứng phụ, không mong
muốn của thuốc.
+ Chọn thuốc hiệu quả cao, tốn phí ít.
- Dược sĩ tư vấn cho thầy thuốc kê đơn các thông
tin đầy đủ về thuốc.
- Điều trị bằng thuốc vờ (placebo) cũng nằm trong
quy trình điều trị phải được theo dõi đánh giá.
- Theo dõi đơn thuốc dùng riêng cho việc điều trị ở
bệnh viện.
Đặc biệt có chính sách theo dõi những thuốc nhập nội,
thuốc mẫu do các hãng dược phẩm giới thiệu thuốc.
- Tổ chức thảo luận rút kinh nghiệm sử dụng thuốc
trong bệnh án, đơn thuốc.
b) Kiểm tra nội dung ghi chép bệnh án về quá trình
dùng thuốc:
Thầy thuốc khi ghi chép quá trình dùng thuốc cho
người bệnh cần ghi rõ:
- Lịch sử dùng thuốc, tiền sử bệnh của từng người bệnh
trong hồ sơ bệnh án.
- Giờ dùng thuốc cụ thể với liều dùng chính xác, giờ
xuất hiện biểu hiện phản ứng không mong muốn của thuốc, thời gian kéo dài, khi
giảm liều có phản ứng không…
4.2. Tổ chức theo dõi các phản ứng có hại và các vấn
đề liên quan đến thuốc trong Bệnh viện:
- Theo dõi sát sao với những thuốc đã biết phản ứng
có hại (ADR).
- Cảnh giác với thuốc chưa biết phản ứng có hại.
- Hội chẩn và thảo luận để đi đến kết luận về các
phản ứng có hại của thuốc và các sai sót trong dùng thuốc ở Bệnh viện.
- Làm báo cáo để giám đốc Bệnh viện ký gửi Sở y tế,
Bộ y tế, Trung tâm quốc gia theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) về các vấn
đề liên quan đến thuốc trong Bệnh viện.
4.3. Tổ chức thông tin về thuốc:
- Tổ chức đơn vị thông tin thuốc trong bệnh viện có
nhân lực đặc trách, có kinh phí hoạt động để quản lý công tác thông tin về thuốc
trong Bệnh viện.
- Liên hệ với Trung tâm thông tin quốc gia (DIC),
Trung tâm quốc gia theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR), trường, viện, các
bệnh viện để bổ sung và cập nhật thông tin thuốc từ những nguồn xác định, tin cậy,
chính xác, khách quan.
- Quy định chế độ tiếp nhận, lưu trữ, phân phát
thông tin hữu hiệu.
- Chế độ thu thập thông tin một cách đầy đủ, hệ thống
từ thầy thuốc điều trị, y tá, dược sĩ, người cung ứng thuốc, người bệnh.
- Xây dựng và phổ biến tài liệu thông tin về những
thuốc có trong danh mục thuốc của bệnh viện.
4.4. Tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo kiến thức
về thuốc
Tổ chức bồi dưỡng, nghiên cứu, đào tạo liên tục kiến
thức về thuốc cho thầy thuốc, dược sĩ, y tá trong bệnh viện để sử dụng thuốc hợp
lý, an toàn, hiệu quả cho người bệnh và chỉ đạo tuyến dưới về sử dụng thuốc.
4.5. Thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa dược
sĩ với bác sĩ kê đơn và với y tá điều dưỡng trong sử dụng thuốc cho người bệnh:
- Dược sĩ được coi là chuyên gia về thuốc có nhiệm
vụ cung cấp thông tin đầy đủ về thuốc cho bác sĩ kê đơn, tư vấn cho thầy thuốc
để chọn thuốc thích hợp nhất cho từng người bệnh.
- Dược sĩ lâm sàng giúp đỡ, hướng dẫn, kiểm tra y
tá điều dưỡng cách cho dùng thuốc và theo dõi hiệu quả dùng thuốc.
C. Lề lối làm việc của Hội đồng thuốc và điều trị:
Phó chủ tịch kiêm ủy viên thường trực hội đồng thuốc
và điều trị bệnh viện (dược sĩ trưởng khoa dược) chuẩn bị tài liệu về thuốc cho
các buổi họp của hội đồng thuốc.
Tài liệu về thuốc gồm:
- Danh mục thuốc kèm theo các số liệu đặc trưng về
dược lý và dược động học.
- Giá cả và số lượng tiêu thụ trước đây và các tài
liệu liên quan đến chủ đề của buổi họp.
- Tài liệu phải được gửi trước cho các ủy viên hội
đồng một thời gian nhất định trước khi họp.
- Khi họp cần có sẵn một danh mục thuốc chỉ dùng
trong nội bộ bệnh viện và luôn xem xét, cập nhật, điều chỉnh từng thời kỳ theo
yêu cầu điều trị phụ thuộc vào tầm cỡ của bệnh viện. Bệnh viện càng lớn thì
danh mục thuốc càng thường nhật hơn.
- Việc bổ sung hoặc loại bỏ thuốc ra khỏi danh mục
cần phải được cân nhắc thận trọng. Điều quan trọng là các thông tin thuốc phải
được cung cấp đầy đủ cho các ủy viên thảo luận lựa chọn với thái độ khoa học,
thận trọng.
Nhận được thông tư này Giám đốc các Bệnh viện, Viện
có giường bệnh triển khai thực hiện ngay và báo cáo kết quả triển khai về cấp
trên quản lý trực tiếp để tổng hợp báo cáo về Bộ y tế (Vụ Điều trị).
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo)
- Các đ/c Thứ trưởng (để b/c)
- Pháp chế.
- Cục QL Dược Việt Nam.
- Vụ KH, Vụ TCKT.
- Các trường ĐHY, Dược.
- Sở y tế tỉnh, TP trực thuộc TW.
- Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế.
- Y tế ngành.
- Cục Quân y, Cục y tế Bộ nội vụ.
- Tổng Cty Dược Việt Nam.
- Lưu ĐTr.
- Lưu trữ.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
PGS.PTS. Lê Văn Truyền
|