Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 05/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường

Số hiệu: 05/2010/TT-BNNPTNT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Cao Đức Phát
Ngày ban hành: 22/01/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 05/2010/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2010

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG SẢN TRƯỚC KHI ĐƯA RA THỊ TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường như sau
:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, giám sát và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường (sau đây gọi tắt là cơ sở).

2. Những nội dung hướng dẫn trong Thông tư này không điều chỉnh các nội dung quy định liên quan đến kiểm dịch động vật; kiểm dịch thực vật; kiểm tra, chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có nguồn gốc từ thực vật, bao gồm: cơ sở trồng trọt; cơ sở sơ chế; cơ sở chế biến; cơ sở bảo quản thành phẩm.

b) Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có nguồn gốc từ động vật, bao gồm: cơ sở chăn nuôi; cơ sở giết mổ; cơ sở sơ chế; cơ sở chế biến; cơ sở bảo quản thành phẩm.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm nông sản không nhằm mục đích đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

1. Thực phẩm nông sản: là tất cả các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, động vật (trừ thủy sản) hoặc thực phẩm phối chế mà thành phần chủ yếu là sản phẩm thực vật, hoặc sản phẩm động vật, được con người sử dụng làm thực phẩm.

2. Thực phẩm nông sản sơ chế: là thực phẩm nông sản đã được cắt, tỉa, rửa, đóng gói đối với sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật; cắt, pha lọc, đông lạnh, đóng gói đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoặc những thao tác khác làm ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn về hình thể nhưng không làm thay đổi tính chất ban đầu của sản phẩm.

3. Thực phẩm nông sản chế biến: là thực phẩm nông sản đã trải qua bất kỳ hoạt động xử lý nào làm thay đổi căn bản kết cấu tự nhiên của nguyên liệu nông sản.

4. Bảo quản: là việc sử dụng vật chứa, trang thiết bị hoặc tác nhân hỗ trợ thích hợp để hạn chế sự thay đổi tình trạng chất lượng ban đầu của sản phẩm thực phẩm nông sản trong một khoảng thời gian nhất định.

5. Cơ sở sơ chế thực phẩm nông sản: là nơi diễn ra một hoặc nhiều hoạt động như cắt, tỉa, rửa, đóng gói đối với sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật; cắt, pha lọc, đông lạnh, đóng gói đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoặc những thao tác khác làm ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn về hình thể nhưng không làm thay đổi tính chất ban đầu của sản phẩm.

6. Cơ sở chế biến thực phẩm nông sản: là nơi diễn ra một hoặc nhiều hoạt động xử lý làm thay đổi căn bản kết cấu tự nhiên của nguyên liệu nông sản, sau đó sản phẩm được bao gói hoàn chỉnh để đưa ra thị trường.

7. Cơ sở bảo quản thành phẩm: là nơi bố trí các trang thiết bị, dụng cụ chuyên dụng cần thiết để bảo quản sản phẩm thực phẩm nông sản.

8. Kiểm tra: là việc đánh giá mức độ đáp ứng của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản so với các quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về VSATTP theo quy định hiện hành. Khi cần thiết có thể lấy mẫu vệ sinh công nghiệp, lấy mẫu nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm để thẩm tra.

9. Giám sát: là việc đánh giá mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm theo quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định về VSATTP thông qua việc lấy mẫu phân tích theo kế hoạch được phê duyệt (không bao gồm việc lấy mẫu thẩm tra điều kiện đảm bảo VSATTP của cơ sở).

Điều 4. Kinh phí triển khai

Kinh phí thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản, thực hiện các chương trình giám sát VSATTP đối với thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ do ngân sách Nhà nước cấp theo quy định hiện hành. Các cơ quan theo phân công có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chương II

KIỂM TRA CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH THỰC PHẨM NÔNG SẢN

Điều 5. Căn cứ để kiểm tra

1. Căn cứ để kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP là các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các quy định về VSATTP nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định của Nhà nước có liên quan tương ứng đối với từng loại hình cơ sở.

2. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản xuất khẩu, ngoài việc tuân thủ các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này còn căn cứ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, các hiệp định, thỏa thuận song phương hoặc quy định của nước nhập khẩu.

Điều 6. Nguyên tắc kiểm tra

1. Việc xác định chế độ kiểm tra áp dụng đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản dựa trên:

a) Lịch sử tuân thủ các quy định đảm bảo VSATTP của cơ sở;

b) Mức độ rủi ro về VSATTP của sản phẩm do cơ sở sản xuất;

c) Hệ thống quản lý chất lượng đang được áp dụng tại cơ sở.

2. Trình tự, thủ tục kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản do các Cục quản lý chuyên ngành được giao chủ trì (sau đây gọi tắt là Cục quản lý chuyên ngành) xây dựng phải đảm bảo:

a) Dựa trên đánh giá rủi ro đối với từng loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản.

b) Rõ ràng, minh bạch; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả nhưng không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở được kiểm tra.

3. Kiểm tra viên phải trung thực, khách quan, không có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp về lợi ích kinh tế với cơ sở được kiểm tra.

Điều 7. Cơ quan kiểm tra

Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản tại địa phương theo chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục quản lý chuyên ngành theo phân công nêu tại Điều 8 Thông tư này.

Điều 8. Cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì hướng dẫn và giám sát việc kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP của cơ quan kiểm tra địa phương

1. Cục Bảo vệ thực vật: Chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật từ trồng trọt, sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói cho đến khi sản phẩm được đưa ra lưu thông trên thị trường.

2. Cục Thú y: Chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có nguồn gốc động vật (trên cạn) từ chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản cho đến khi sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường.

Điều 9. Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản

1. Tổ chức kiểm tra có lựa chọn theo kế hoạch hàng năm được duyệt hoặc kiểm tra đột xuất theo phân công của Bộ trưởng về điều kiện đảm bảo VSATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản trên phạm vi toàn quốc.

2. Chủ trì, phối hợp với các Cục quản lý chuyên ngành tổ chức truy xuất nguyên nhân thực phẩm nông sản không đảm bảo VSATTP.

Chương III

CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG SẢN

Điều 10. Phạm vi giám sát

Chương trình giám sát VSATTP nông sản (sau đây gọi là chương trình giám sát) được triển khai tại các công đoạn trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, đóng gói, chế biến, chợ đầu mối thực phẩm nông sản do các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước.

Điều 11. Căn cứ giám sát

Căn cứ để thực hiện giám sát VSATTP nông sản là các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các quy định về VSATTP nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định của Nhà nước có liên quan

Điều 12. Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức giám sát

1. Cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức triển khai chương trình giám sát thực phẩm nông sản:

a. Cục Bảo vệ thực vật: Chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật.

b. Cục Thú y: Chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có nguồn gốc động vật (trên cạn).

2. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản: đầu mối trong việc thẩm định, tổng hợp chương trình giám sát của các Cục quản lý chuyên ngành trình Bộ phê duyệt và theo dõi thực hiện các chương trình giám sát.

Điều 13. Xây dựng chương trình giám sát

1. Căn cứ kết quả giám sát hàng năm, trên cơ sở đánh giá rủi ro và thực tế sản xuất thực phẩm nông sản (có thể tiến hành khảo sát nếu cần), các Cục quản lý chuyên ngành xây dựng chương trình giám sát theo phạm vi quản lý tại Điều 12 Thông tư này và gửi về Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản trước ngày 15/11 hàng năm.

2. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tổ chức thẩm định nội dung và dự toán kinh phí của chương trình giám sát do các Cục quản lý chuyên ngành xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt.

Điều 14. Triển khai chương trình giám sát

1. Các Cục quản lý chuyên ngành tổ chức thực hiện chương trình giám sát theo phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Trình tự, thủ tục, phương pháp lấy mẫu, bảo quản, giao nhận mẫu được thực hiện theo hướng dẫn của Cục quản lý chuyên ngành.

3. Mẫu được gửi phân tích tại các phòng kiểm nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định.

4. Trong trường hợp cần điều chỉnh chương trình giám sát, Cục quản lý chuyên ngành làm văn bản gửi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản để tổ chức thẩm định, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

5. Hàng năm, hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), các Cục quản lý chuyên ngành báo cáo kết quả giám sát gửi về Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ.

Điều 15. Biện pháp khắc phục khi phát hiện ô nhiễm vi sinh vật, hoặc hóa chất vượt mức giới hạn tối đa cho phép

1. Trong trường hợp phát hiện ô nhiễm vi sinh vật, hoặc hóa chất vượt mức giới hạn tối đa cho phép, Cục quản lý chuyên ngành gửi văn bản cảnh báo đến cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có mẫu vi phạm, yêu cầu cơ sở xác định nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục phù hợp, đồng gửi thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương để phối hợp kiểm soát.

2. Khi nhận được văn bản cảnh báo, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có mẫu vi phạm phải tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân, triển khai biện pháp khắc phục và báo cáo Cục quản lý chuyên ngành, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Trong trường hợp có tái phạm:

a. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản phối hợp với các Cục quản lý chuyên ngành tổ chức truy xuất nguyên nhân thực phẩm nông sản bị phát hiện ô nhiễm vi sinh vật, hoặc hóa chất vượt mức giới hạn tối đa cho phép.

b. Cục quản lý chuyên ngành lấy mẫu giám sát tăng cường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản có mẫu vi phạm và xử lý kết quả kiểm tra theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Các Cục quản lý chuyên ngành

1. Theo phân công tại Chương II Thông tư này, xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành:

a. Các quy định về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản. Hoàn thành trước 01/7/2010.

b. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện VSATTP đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản.

2. Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra VSATTP các cơ sở theo phân công tại Chương II Thông tư này cho các kiểm tra viên của Cơ quan kiểm tra địa phương.

3. Tổ chức triển khai chương trình giám sát VSATTP nông sản theo phân công nêu tại Điều 12 Thông tư này.

4. Hàng năm, hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), gửi báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát về Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ.

5. Phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản truy xuất nguyên nhân thực phẩm nông sản không đảm bảo VSATTP.

6. Hàng năm, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí cho việc thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản thuộc phạm vi quản lý, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, cấp kinh phí; xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí cho việc thực hiện chương trình giám sát VSATTP nông sản theo phân công, gửi về Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tổ chức thẩm định, đồng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, cấp kinh phí.

Điều 17. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản

1. Tổ chức thẩm định các chương trình giám sát VSATTP nông sản do các Cục quản lý chuyên ngành xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và giám sát việc thực hiện các hoạt động liên quan đến các chương trình giám sát VSATTP nông sản. Tổng hợp kết quả giám sát báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Phối hợp các Cục quản lý chuyên ngành tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản cho các Cơ quan kiểm tra địa phương.

3. Tổng hợp và thông báo danh sách các phòng kiểm nghiệm được chỉ định tham gia phân tích các chỉ tiêu về VSATTP nông sản.

4. Hàng năm, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí cho việc thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản thuộc phạm vi quản lý, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, cấp kinh phí.

Điều 18. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y thực hiện việc kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản tại địa phương và tham gia thực hiện các chương trình giám sát, truy xuất nguyên nhân thực phẩm nông sản không đảm bảo VSATTP theo hướng dẫn của các Cục quản lý chuyên ngành.

2. Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn kiến thức đảm bảo VSATTP nông sản cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi phân công.

3. Hàng năm, tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí cho việc thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản thuộc phạm vi quản lý, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt, cấp kinh phí.

4. Tổng hợp, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định về VSATTP nông sản cho phù hợp với tình hình thực tế trong công tác kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP nông sản.

Điều 19. Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản theo phân công, phân cấp và theo hướng dẫn của các Cục quản lý chuyên ngành

2. Lưu trữ có hệ thống toàn bộ hồ sơ có liên quan đến hoạt động kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản trong thời gian tối thiểu 02 năm; cung cấp hồ sơ, giải trình đầy đủ và chính xác các vấn đề có liên quan đến việc kiểm tra cho cơ quan quản lý cấp trên khi được yêu cầu.

3. Hàng năm, tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản thuộc phạm vi quản lý, kết quả kiểm tra và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục quản lý chuyên ngành và Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.

4. Hàng năm, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí cho việc thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản theo phân công, phân cấp, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 20. Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản

1. Duy trì điều kiện đảm bảo VSATTP theo quy định.

2. Chấp hành hoạt động kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP nông sản của Cơ quan kiểm tra.

3. Thực hiện sửa chữa các sai lỗi đã nêu trong Biên bản kiểm tra và Thông báo của Cơ quan kiểm tra.

4. Thực hiện truy xuất nguyên nhân lô hàng thực phẩm nông sản bị phát hiện ô nhiễm vi sinh vật, hoặc hóa chất vượt mức giới hạn tối đa cho phép; thiết lập biện pháp khắc phục sai lỗi theo hướng dẫn và báo cáo Cục quản lý chuyên ngành, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 21. Phòng Kiểm nghiệm được chỉ định phân tích các chỉ tiêu VSATTP nông sản

1. Tuân thủ đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các Phòng kiểm nghiệm được chỉ định.

2. Đảm bảo kết quả kiểm nghiệm chính xác, khách quan và thông báo kết quả đúng hạn; chịu trách nhiệm về kết quả phân tích do Phòng kiểm nghiệm thực hiện.

3. Chỉ được phép thông báo kết quả phân tích các chỉ tiêu VSATTP cho Cơ quan gửi mẫu.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Điều 23. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, sửa đổi, bổ sung.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- Các Bộ: KHCN, Y tế, Công Thương;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng (Bộ NN&PTNT);
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, QLCL.

BỘ TRƯỞNG





Cao Đức Phát

Circular No. 05/2010/TT-BNNPTNT of January 22, 2010, guiding the hygiene and safety inspection and control of agricultural food before market circulation
Văn bản này đang cập nhật Nội dung => Bạn vui lòng "Tải về" để xem.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 05/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/01/2010 hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


9.279

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.123.154
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!