VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 116/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày
19 tháng 5 năm 2021
|
THÔNG
BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC
HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Chiều ngày 17
tháng 5 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình,
các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ
trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần
Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng
Diên; đại diện lãnh đạo các bộ: Y tế, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải,
Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
Sau khi nghe báo
cáo của Bộ Y tế về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến phát biểu của
các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo:
1. Từ ngày 27 tháng 4 năm 2021, từ khi
có đợt dịch thứ 4, đến ngày 19 tháng 5 cả nước đã ghi nhận 1.539 ca mắc mới
trong cộng đồng tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là đợt dịch
có diễn biến phức tạp, khó lường, do chủng mới của vi rút có độ nguy hiểm cao,
lây lan nhanh và khó chữa trị; đặc biệt, đợt dịch này đã lây lan tại một số khu
công nghiệp tập trung đông công nhân (ta chưa có kinh nghiệm đối phó với dịch tại
các khu công nghiệp). Dịch bệnh xảy ra trong thời điểm chuẩn bị và tiến hành bầu
cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong bối cảnh dịch
bệnh tại các nước trong khu vực vẫn tăng cao, nhất là tại Campuchia, Lào và
đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam ở nước
ngoài, Việt kiều tăng cao, gây áp lực lớn đối với công tác phòng, chống dịch và
phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Đợt dịch này có nhiều nguyên nhân: (1)
nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh; (2) quản lý nhập cảnh, đấu
tranh ngăn chặn nhập cảnh trái phép, quản lý cư trú, kiểm soát và xử lý cư trú
trái phép chưa chặt chẽ, còn có sơ hở; (3) tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh
giác với dịch bệnh của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (kể cả cơ
quan, đơn vị của Nhà nước) và một bộ phận nhân dân; (4) quản lý cách ly người
nhập cảnh, theo dõi y tế sau cách ly thiếu chặt chẽ, sơ hở, chủ quan; (5) một số
cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm đầy đủ yêu cầu 4 tại chỗ; (6)
tại các địa phương, đơn vị chưa có dịch bệnh nên chưa có kinh nghiệm, còn chậm
trễ, lúng túng, bị động ứng phó khi có dịch; (6) một số quy định, quy chế quản
lý nhà nước về phòng, chống dịch còn bất cập, hạn chế, chưa đồng bộ, chưa sát
thực tế.
2. Nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo
phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương, tại các cấp, các ngành, của các
cấp ủy, chính quyền đều được tiến hành cơ bản đồng bộ, kịp thời, đúng hướng,
quyết liệt; trong đó đã bám sát, đánh giá đúng tình hình, xây dựng tiêu chuẩn,
tiêu chí, phân công, phân cấp rõ ràng, áp dụng các biện pháp phù hợp, khen thưởng
và kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo vẫn còn có
hiện tượng lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, cần kiểm điểm, đánh giá, rút
kinh nghiệm, xử lý và nhanh chóng khắc phục.
3. Trong bối cảnh
dịch bệnh có nguy cơ cao lây lan ra cả nước, cả hệ thống chính trị đã tích cực
vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp
phòng, chống dịch. Các cơ quan chức năng, trong đó có Ban chỉ đạo quốc gia, các
Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, và các bộ, ngành liên quan đã kịp thời,
quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trên phạm
vi cả nước. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có cách làm sáng tạo, linh
hoạt, hiệu quả. Có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp,
các ngành. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện kịp thời, minh bạch,
tích cực không chỉ trong hệ thống các cơ quan báo chí của nhà nước mà còn qua
các nền tảng khác và phương tiện thông tin xã hội.
Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch
đã thu hút, huy động sự tham gia của đông đảo nhân dân, được tuyệt đại đa số
nhân dân tin tưởng, ủng hộ, tự giác và có trách nhiệm thực hiện. Đây là sức mạnh
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân tố có ý nghĩa chiến lược, quyết định đến
thắng lợi của công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người
dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; cá biệt có một số người thiếu tinh thần
trách nhiệm trong phòng, chống dịch để xảy ra hậu quả, cần được xem xét, xử lý
theo pháp luật.
4. Đến giờ này, dịch bệnh vẫn cơ bản
được kiểm soát trên phạm vi cả nước và từng bước kiểm soát tại các tỉnh đang có
dịch; chưa phát hiện việc phát sinh các ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây. Các ca mắc
mới trong cộng đồng được ghi nhận vừa qua đều xuất phát từ các ổ dịch hiện có,
trong các khu vực phong tỏa, cách ly và được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều chỉ số
phát triển kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục có kết quả tích cực; việc tổ chức bầu
cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang được tiến hành
đúng tiến độ, bảo đảm quy trình, quy định của pháp luật và an toàn; việc kết
thúc năm học 2020-2021 có diễn tiến thuận lợi.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu
dương Ban chỉ đạo quốc gia, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các
cấp, các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, cả hệ thống chính trị, đặc biệt mọi tầng
lớp nhân dân, đã nỗ lực, cố gắng thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống
dịch và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn hết sức
phức tạp, diễn biến nhanh, khó lường, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên phạm vi
toàn quốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu vẫn để tiếp diễn tình trạng lơ là,
chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, không thực hiện nghiêm các biện
pháp phòng, chống dịch của một số địa phương, cơ quan, đơn vị và một bộ phận
nhân dân.
Để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, tiếp
tục thực hiện tốt mục tiêu kép cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, khẩn trương hơn nữa
của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là
sự tham gia tích cực, hiệu quả của toàn dân với tư tưởng chỉ đạo là thần tốc
hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện chỉ đạo của Thường
trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, các lưu ý của Chủ tịch nước và các biện pháp
phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban chỉ đạo quốc
gia.
5. Về cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp
phòng, chống dịch đã được xác định đầy đủ, rõ ràng. Trước diễn biến mới, phức tạp
của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức
năng, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương theo đúng chức năng,
nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả công
tác phòng, chống dịch, trong đó:
a) Tiếp tục quán triệt các mục tiêu,
quan điểm, tư tưởng chỉ đạo:
- Kiên trì và cương quyết thực hiện mục
tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm
thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và các quy định của pháp luật, kết thúc năm học
2020-2021 an toàn; quyết liệt thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ sức
khỏe nhân dân, coi sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
- Hết sức tránh đồng thời cả 2 khuynh
hướng: (1) lơ là, chủ quan, mất cảnh giác (nhất là khi không có dịch); (2) hốt
hoảng, hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch bệnh.
- Chống dịch như chống giặc; kế thừa
kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm tốt có hiệu quả từ 3 đợt dịch trước.
- Nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực
hiện tốt việc kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn
công dịch bệnh, lấy tấn công là chính; phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định.
Tấn công là thực hiện tốt yêu cầu 5K + vắc xin; xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng
(cần tích cực huy động các nguồn lực để tăng năng lực xét nghiệm, bảo đảm yêu cầu
xét nghiệm nhanh, chính xác, hiệu quả); thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin
(tiếp cận đa dạng các nguồn vắc xin, nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên
cứu, sản xuất vắc xin trong nước, tổ chức tiêm vắc xin hiệu quả và an toàn);
tăng cường ứng dụng công nghệ bắt buộc trong các hoạt động truy vết, cách ly,
xét nghiệm...; đẩy mạnh chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm... theo
phương châm 4 tại chỗ và phù hợp các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; thực
hiện phân công, phân cấp, ủy quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra
tích cực, hiệu quả.
b) Trên tinh thần đó, từng địa phương phải tích cực rà soát các phương án
phòng, chống dịch, nắm chắc và cập nhật tình hình, dự báo chính xác, có kế hoạch
cụ thể, khả thi, chặt chẽ, bảo đảm chủ động phòng, chống dịch trong mọi tình huống.
Cấp tỉnh phải chủ động lo cho cấp tỉnh, cấp huyện phải chủ động lo cho cấp
huyện, cấp xã lo cho cấp xã, thôn, bản, ấp, tổ dân phố cũng phải tự lo cho
mình; từng người dân phải có trách nhiệm với chính mình, chủ động bảo vệ
sức khỏe của bản thân, và vì sức khỏe của cộng đồng, góp phần vào
công cuộc phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị và góp phần bảo vệ lợi
ích của quốc gia, dân tộc. Các ngành, các cấp, các địa phương chú trọng kêu
gọi, huy động nhân dân tham gia, hợp tác, ủng hộ và tự giác thực hiện các biện
pháp phòng, chống dịch; có cơ chế, chính sách kêu gọi sự đóng góp của người
dân, doanh nghiệp đối với công tác phòng, chống dịch, nhất là việc kêu gọi đóng
góp của toàn dân, doanh nghiệp trong việc đóng góp tài chính cho việc mua vắc
xin.
Từng cơ quan, đơn
vị, địa phương phải bình tĩnh, chủ động, tích cực thực hiện tốt nhất các nhiệm
vụ, giải pháp phòng chống dịch theo thẩm quyền được giao.
c) Ban chỉ đạo quốc
gia, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng rút kinh nghiệm từ thực tiễn
dịch bệnh tại một số doanh nghiệp, khu công nghiệp, khẩn trương rà soát, có
phương án và triển khai nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công
nghiệp.
d) Bộ Thông tin
và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền
kịp thời, khách quan về phòng, chống dịch bệnh, chú trọng giải thích, phân tích
để nhân dân hiểu về các biện pháp phòng, chống dịch, việc tiêm vắc xin, sự cố
có thể xảy ra khi tiêm vắc xin, không gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong xã hội,
tăng cường thông tin theo tinh thần “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp
dẹp cái xấu”, truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho nhân dân tự giác, hăng hái,
tích cực thực hiện phòng, chống dịch.
Đài Truyền hình
Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo đài chỉ đạo
tăng cường thông tin về phòng, chống dịch bệnh, tập trung thực hiện nhiệm vụ
phòng, chống dịch; trước khi quảng cáo cần có thông tin về dịch bệnh, các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc truyền cảm hứng, hướng dẫn cho nhân
dân thực hiện yêu cầu 5K, tiêm vắc xin (5K + vắc xin)...
đ) Về áp dụng biện
pháp giãn cách xã hội: Các quy định về giãn cách xã hội đã đầy đủ, cụ thể (nếu
cần rút kinh nghiệm, rà soát bổ sung thêm trong quá trình thực hiện). Bộ Y tế,
các địa phương căn cứ vào quy định, chủ động bám sát, nắm chắc tình hình, diễn
biến dịch trên địa bàn để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, quyết định theo thẩm
quyền được giao, vượt quá thẩm quyền báo cáo cấp trên trực tiếp, bảo đảm hiệu
quả, đặc biệt xử lý hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phát
triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc
hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; lưu ý thông tin kịp
thời, minh bạch, rõ ràng để nhân dân yên tâm.
e) Bộ Công Thương
rà soát, chủ động chuẩn bị phương án (kể cả phương án cho tình huống xấu nhất)
về bảo đảm cung ứng hàng hóa, vật tư y tế, nhất là hàng hóa thiết yếu cho nhân
dân, đặc biệt là tại vùng có dịch bệnh.
6. Về Đề án nhập
khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 và bố trí, huy động nguồn lực
để thực hiện (Tờ trình số 158/TTr-BYT ngày 16 tháng 5 năm 2021): Giao Bộ Y tế
chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học, đúng thẩm quyền của Chính phủ và sớm
nhất có thể trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về mua vắc xin đáp ứng yêu cầu theo
chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021; tiếp
tục nghiên cứu, chuẩn bị Đề án chung về nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc
xin phòng COVID-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện, xin ý kiến các Bộ,
cơ quan liên quan, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định, chậm
nhất vào cuối tháng 5 năm 2021.
Văn phòng Chính
phủ thông báo để các bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.
Nơi
nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- VP TW Đảng, VP Chủ tịch nước, VP Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, GDTNTNNĐ của QH;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
CP;
- Các Thành viên BCĐ quốc gia phòng, chống dịch viêm đường
hô hấp cấp;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, TP trực
thuộc TW;
- TANDTC, VKSNDTC;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Trợ lý TTgCP, TGĐ cổng TTĐT,
các Vụ, Cục: TH, KTTH, QHQT, NC,
QHĐP, TKBT, NN, CN, PL, KSTT;
- Lưu: VT, KGVX (3) Q
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|