VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 102/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2021
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP TRỰC TUYẾN VỚI CÁC
TỈNH BIÊN GIỚI PHÍA TÂY NAM VÀ CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ PHÒNG, CHỐNG
DỊCH COVID-19
Sáng ngày 09 tháng 5 năm 2021, tại Ủy
ban nhân dân tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc
họp trực tuyến với Lãnh đạo các tỉnh: An Giang, Bình Phước, Tây Ninh, Long An,
Đồng Tháp, Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp
có: Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (dự họp tại điểm cầu Ủy
ban nhân dân tỉnh Tây Ninh); Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (dự họp tại
điểm cầu Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội); Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành
(dự họp tại điểm cầu Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang); Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn
Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các
bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải;
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19
các tỉnh An Giang, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Chiều ngày 10 tháng 5 năm 2021, tại
trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp
Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có: Phó
Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng: Lê Minh
Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần
Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản; lãnh đạo các bộ: Y tế, Công an,
Ngoại giao, Giao thông vận tải.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế về
tình hình phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng
Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh và các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính có ý kiến chỉ đạo:
1. Dịch bệnh
COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp ở nước ta. Trong hơn 10 ngày qua, cả nước đã
ghi nhận 502 ca mắc trong cộng đồng tại 26 tỉnh, thành phố. So với 3 đợt dịch
trước, đợt dịch lần này có độ nguy hiểm cao với có nhiều ổ dịch, chủng vi rút có
tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, trên phạm vi rộng hơn và kiểm soát khó
khăn hơn, gây tâm lý lo lắng, hoàng mang trong một bộ phận nhân dân.
2. Thủ tướng
Chính phủ ghi nhận, biểu dương Ban chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo các cấp, các
lực lượng chức năng, đặc biệt các lực lượng tuyến đầu như y tế, quốc phòng (đặc
biệt là bộ đội biên phòng), công an (đặc biệt là công an cơ sở), nhất là tại
các tỉnh đã ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng và các tỉnh biên giới đang
từng ngày, từng giờ căng mình, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống
dịch. Đến nay, dịch bệnh vẫn cơ
bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
3. Thường
trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo
quốc gia phòng, chống dịch đã có nhiều văn bản chỉ đạo và Chủ tịch nước cũng đã
có thông điệp chỉ đạo, lưu ý về công tác phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình; công tác lãnh đạo,
chỉ đạo, các thông điệp, phương châm, nguyên tắc, biện pháp, trách nhiệm cụ thể
đều đã được quy định kịp thời, chính xác, đầy đủ, rõ ràng.
4. Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, tăng cường, nâng cao hiệu
quả công tác phối hợp bảo đảm xử
lý kịp thời các vấn đề liên quan, không để vướng mắc về thủ tục hành chính mà
làm chậm trễ, ách tắc trong triển
khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Giao Bộ Tài chính chủ trì chủ động
làm việc với Bộ Y tế, xử lý theo thẩm quyền về tháo gỡ các vướng mắc về kinh
phí mua sắm công, trường hợp vượt
quá thẩm quyền, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam xem xét, xử lý.
Giao Ngoại giao (chủ trì) phối hợp
với các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải tổ chức rà soát, kiểm
điểm việc trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyên gia, nhà đầu tư, lao động
kỹ thuật cao nước ngoài nhập cảnh trong thời gian qua khi không có ý kiến của
Tổ công tác 5 cơ quan.
5. Nguy cơ
dịch bệnh xảy ra trên toàn quốc là rất cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nếu xảy ra sẽ gây hậu quả khôn
lường. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ
là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, lo sợ; thực
hiện nghiệm các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch. Trong đó:
a) Từng địa
phương phải rà soát, cập nhật, có phương án, kịch bản phòng, chống, đối phó,
khắc phục cụ thể, chủ động, chặt chẽ, phù hợp thực tiễn và sẵn sàng ứng phó hiệu quả mọi tình huống theo nguyên tắc
4 tại chỗ. Tỉnh phải chủ động lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã,
thôn, bản, ấp, tổ dân phố cũng phải tự lo cho mình; từng người dân phải có
trách nhiệm với chính mình, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức
khỏe của cộng đồng, góp phần bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Khi xảy ra
sự cố do chủ quan thì cũng phải theo tinh thần này để cá thể hóa trách nhiệm cá
nhân, xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
b) Tăng cường
kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; cấp trên
kiểm tra cấp dưới; cấp tỉnh kiểm tra cấp huyện, cấp huyện kiểm tra cấp xã; cấp
xã kiểm tra các thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố; kiểm tra đi liền với biểu dương, đánh giá, khen thưởng các điển hình làm tốt,
phê bình, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm (kể cả đối với cán bộ, công chức nhà nước), không nể nang, né
tránh vì đây là công tác liên quan đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, lợi
ích của cả cộng đồng và xã hội.
c) Thường
trực cấp ủy, tổ chức Đảng, đặc biệt là đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các cấp phải tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng,
chống dịch, thực hiện mục tiêu kép, nhất là tại các địa phương đang có ca mắc
trong cộng đồng, phải nhanh chóng ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã
hội. Theo tinh thần chỉ đạo của
Ban Bí thư Trung ương Đảng, người
đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác phòng,
chống dịch trong phạm vi, trên địa bàn quản lý.
Tiếp tục đề cao trách nhiệm người
đứng đầu, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của
cấp ủy Đảng, chính quyền; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự tham gia của nhân
dân với tinh thần mỗi cơ quan, đơn
vị, địa phương (từ tỉnh, huyện, xã đến làng, thôn, bản, ấp, tổ dân phố) phải là
pháo đài tại chỗ và mỗi người dân phải là chiến sỹ phòng, chống dịch. Nơi nào,
đơn vị nào để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, đình trệ các hoạt động kinh tế
xã hội do nguyên nhân chủ quan thì tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm trách
nhiệm người đứng đầu theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
d) Thực hiện
nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội theo tinh thần thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, tích
cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, bảo đảm thành công và thành công hơn nữa, đặc
biệt là bảo đảm thắng lợi cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử Đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp và kết thúc năm học 2020-2021 an toàn. Trong đó:
- Tất cả các địa phương (từ
tỉnh đến xã), nhất là tại các địa phương đã có ca mắc cộng đồng phải có ngay
phương án chặt chẽ, cụ thể và sẵn sàng các điều kiện cần thiết thực hiện an
toàn Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; trước mắt tổ chức các
hoạt động tiếp xúc cử tri sao cho thiết thực, tránh biểu hiện hình thức, nghiên
cứu tăng cường tổ chức trực tuyến, ngồi dãn cách, rút ngắn thời gian...
- Đẩy mạnh
kiểm tra việc thực hiện 5K - đặc biệt là đeo khẩu trang (đối với cá nhân), yêu cầu
an toàn COVID-19 (đối với tập thể, đặc biệt là đối với cơ sở y tế và các cơ sở
sản xuất, nơi thường xuyên có tụ tập đông người), xử lý nghiêm các vi phạm,
đình chỉ hoạt động, đóng cửa các cơ sở không bảo đảm an toàn.
- Triển khai
quyết liệt các biện pháp phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời,
thần tốc truy vết, xét nghiệm sàng lọc, điều trị tích cực, ngăn ngừa dịch bệnh
lây lan trên diện rộng; giải quyết dứt điểm các ổ dịch hiện có, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng
ổn định tình hình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban chỉ
đạo quốc gia.
- Kiểm soát
chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm
các trường hợp nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cư trú trái phép; thực hiện nghiêm công tác cách ly,
theo dõi sức khỏe sau cách ly tập trung bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
đ) Chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho
phương án có 30.000 người mắc bệnh trên phạm vi toàn quốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phù hợp với điều kiện
địa phương, đặc biệt là khẩn trương tăng cường năng lực xét nghiệm, cách ly tập
trung (nhất là hoàn thành trong thời gian ngắn các cơ sở để cách ly số lượng
lớn), cơ sở điều trị trên địa bàn (bao gồm cả nhân lực, vật tư, trang thiết bị)
theo tinh thần tự chủ, tại chỗ, đáp ứng tình huống có nhiều ca mắc, xét nghiệm
sàng lọc, cách ly và điều trị số lượng lớn, nhất là tại các tỉnh biên giới phía
Tây Nam.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn
bản báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phương án của tỉnh, theo phương châm 4 tại
chỗ, phát huy tinh thần chủ động, tự chủ, tự lực, tự chịu trách nhiệm, tuyệt
đối không trông chờ, ỷ lại vào chi viện, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương;
chỉ đạo cập nhật, hoàn thiện phương án, kịch bản của từng địa phương trên địa
bàn, trước hết là các địa phương trọng điểm (đô thị, nơi tập trung đông dân cư,
nơi có mật độ giao lưu lớn). Trường hợp yêu cầu mua sắm vượt quá khả năng của địa phương thì phải kịp thời
báo cáo, đề xuất Ban chỉ đạo, Chính phủ, các bộ liên quan xử lý ngay, không để chậm trễ.
e) Các tỉnh
biên giới tăng cường phối hợp quản
lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, xuất nhập cảnh, ngăn chặn và kiểm soát nhập
cảnh trái phép. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế tăng cường lực lượng, cơ sở
vật chất, trang thiết bị cho công tác này tại các tỉnh biên giới, nhất là các
tỉnh phía Tây Nam.
Bộ Quốc phòng bố trí kinh phí chi
thường xuyên để trang bị ngay camera phục vụ giám sát tuyến biên giới ở những
nơi xung yếu, dễ xảy ra việc nhập cảnh trái phép và tại các cơ sở cách ly.
Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực
nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kiểm soát và truy vết nhanh,
hiệu quả, tiết kiệm.
6. Giao Bộ Y
tế:
a) Báo cáo
Thủ tướng Chính phủ về phương án và thực tế chuẩn bị cho phương án có 30.000 ca
mắc bệnh bệnh trên phạm vi toàn quốc như chỉ đạo của Chính phủ bảo đảm tính chủ
động, phù hợp, có lường đến tình
huống xấu hơn, không để bị động, bất ngờ. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực
hiện việc chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt (nhân lực, trang thiết bị, vật tư, phương
tiện, sinh phẩm, hóa chất, thuốc... cơ sở điều trị, kể cả bệnh viện dã chiến)
cho phương án có 30.000 người mắc, phân bổ cụ thể yêu cầu đối với từng ngành,
từng địa phương và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ
Y tế ban hành ngay văn bản hướng dẫn cơ chế đặc thù về kinh phí, cơ chế mua sắm
trong điều kiện có dịch bệnh để các địa phương triển khai thực hiện kịp thời,
bảo đảm công khai, minh bạch và chống tiêu cực, lãng phí, thất thoát ngân sách,
tài sản của Nhà nước.
b) Khẩn
trương ban hành các tiêu chí xác định các mức nguy cơ kèm theo các nhiệm vụ,
giải pháp, yêu cầu về nhân lực, cơ sở vật chất đối với từng mức nguy cơ để trên
cơ sở đó, Bí thư cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp xác định, quyết định phương án, biện pháp phòng,
chống dịch phù hợp với thực tiễn
dịch bệnh trên địa bàn và có cơ sở thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá.
c) Khẩn
trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về việc mua,
nhập khẩu vắc xin phòng dịch; tăng cường công tác mua, nhập khẩu vắc xin với
tinh thần khẩn trương, mạnh dạn; tổ chức tiêm vắc xin đúng tiến độ; giải thích
rõ ràng, minh bạch, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các
sự cố khi tiêm vắc xin.
d) Báo cáo
Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xét nghiệm; chỉ đạo việc trang bị máy, sinh phẩm,
KIT thử, tập huấn, tăng cường năng lực xét nghiệm của các địa phương (khắc
phục, phê bình, kiểm điểm ngay việc một số địa phương chưa bảo đảm năng lực xét
nghiệm, trước hết là tại các tỉnh biên giới Tây Nam).
đ) Tăng cường đôn đốc, kiểm tra,
hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch; lưu ý
việc bảo đảm an toàn các bệnh viện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,
thiết kế đầy
đủ các công cụ kiểm tra, giám sát về phòng, chống dịch bệnh.
7. Bộ Giao
thông vận tải chỉ đạo không để
đình trệ, ách tắc hoạt động vận tải.
8. Bộ Xây
dựng chỉ đạo xây dựng các công trình xây dựng như nhà ở, bệnh viện dã chiến
(trong đó có áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới) phục vụ phòng, chống dịch,
bảo đảm yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.
9. Giao Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương rà soát kỹ, đề xuất
cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
10. Các bộ,
ngành, địa phương đề cao kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp
trên; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số,
cá nhân phục tùng tập thể, cấp dưới phục tùng cấp trên theo đúng nguyên tắc tổ
chức và hoạt động của Đảng; cán bộ, công chức phải gương mẫu, đi đầu, nêu gương
trong thực hiện; cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới, chức vụ càng cao, càng
phải gương mẫu.
11. Thủ tướng
Chính phủ kêu gọi các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tiếp tục đề cao cảnh
giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang
mang, lo sợ, mất bình tĩnh trước các diễn biến mới của dịch bệnh; tiếp tục tỉnh
táo, sáng suốt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên trì và tự giác thực hiện nghiêm, đầy
đủ các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch theo tinh thần mình vì mọi người,
vì sức khỏe bản thân, vì cộng đồng, đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch
của cơ quan, đơn vị, địa phương và của cả nước một cách hiệu quả nhất.
12. Tiếp tục
truyền thông trung thực, khách quan về phòng, chống dịch bệnh. Từ ngày 10 tháng
5 năm 2021, Bộ Y tế cử 01 đồng chí lãnh đạo trực tiếp hàng ngày thông tin tại
Chương trình Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam về tình hình dịch bệnh, các kết
quả, biện pháp đã xử lý, dự báo tình hình dịch bệnh, các biện pháp ứng phó,
đồng thời kêu gọi, hướng dẫn nhân dân tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp
phòng, chống dịch. Trường hợp xét thấy cần thiết, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ
Đức Đam trực tiếp thông tin cho nhân dân.
Đề nghị Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo
Trung ương, các cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo đấu tranh với các thế lực
thù địch, các đối tượng xấu thông tin, tuyên truyền không đúng, xuyên tạc về
tiêm vắc xin và về công tác phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
13. Giao
Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch xem xét, đề xuất việc khen thưởng
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong
công tác phòng, chống dịch; đề xuất xem xét, xử lý kỷ luật đối với cơ quan, đơn
vị, người có thẩm quyền lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, vi phạm công tác
phòng, chống dịch.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các
bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- VP TW Đảng, VP Chủ tịch nước, VP Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, GDTNTNNĐ của
QH;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- Các Thành viên BCĐ quốc gia phòng, chống dịch viêm
đường hô hấp cấp;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND
tỉnh, TP trực thuộc TW;
- TANDTC, VKSNDTC;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
- Trợ lý TTgCP, TGĐ cổng TTĐT,
các Vụ, Cục: TH, KTTH, QHQT, NC, QHĐP,
TKBT, NN, CN, PL, KSTT;
- Lưu: VT, KGVX (3) Q
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|