ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 920/QĐ-UBND
|
Đắk Nông, ngày 02
tháng 8 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN “KHÁM, CHỮA BỆNH TỪ XA” GIAI ĐOẠN 2024-2025 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
Căn cứ Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày
28/12/2017 của Bộ Y tế quy định về hoạt động y tế từ xa;
Căn cứ Quyết định số 5237/QĐ-BYT ngày 16/12/2020
của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục dịch vụ áp dụng tạm thời trong
tư vấn khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa;
Căn cứ Quyết định số 5238/QĐ-BYT ngày 16/12/2020
của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành định mức nhân lực áp dụng tạm thời trong
tư vấn, khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa;
Căn cứ Quyết định số 2826/QĐ-BYT ngày 22/6/2022
của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn
2020-2025;
Căn cứ Công văn số 7946/BYT-KCB ngày 12/12/2023
của Bộ Y tế về hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở;
Căn cứ Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về chuyển đổi số tỉnh
Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1553/QĐ-UBND ngày 17/11/2023
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi
số tỉnh Đắk Nông năm 2024;
Căn cứ Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 23/3/2023 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc thúc đẩy phát triển và sử dụng
các nền tảng số Y tế thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm
2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số
170/TTr-SYT ngày 01/8/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án
“Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2024-2025 định hướng đến năm 2030 trên địa
bàn tỉnh Đắk Nông (Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các
Sở, ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Bảo
hiểm xã hội tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa; Thủ
trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh;
- Các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (S).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|
ĐỀ ÁN
KHÁM,
CHỮA BỆNH TỪ XA GIAI ĐOẠN 2024-2025 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK
NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 920/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2024 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông)
Phần
thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. TÌNH HÌNH CHUNG
Trong thời gian qua, ngành Y tế Đắk Nông nói chung,
hệ thống khám bệnh, chữa bệnh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã đã được đầu
tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật từ cơ
bản đến chất lượng cao. Khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân được cải
thiện, góp phần cứu chữa được nhiều người mắc bệnh nặng, hạn chế các ca bệnh phải
chuyển lên tuyến trên khám và điều trị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được; hệ thống khám bệnh,
chữa bệnh của tỉnh vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bất cập
như: (1) Nguồn lực đầu tư cho y tế tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu
cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân trên địa bàn; (2) Phân bố nhân lực y tế không
đồng đều giữa các tuyến, tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến trên địa bàn,
nhất là chủng loại có trình độ chuyên môn là bác sỹ đa khoa và chuyên khoa; (3)
Nhiều kỹ thuật y học cao đã triển khai nhưng chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh và
một số ít Trung tâm Y tế tuyến huyện; (4) Cơ hội học tập, phát triển chuyên môn
còn hạn chế, bị ràng buộc bởi các quy định hiện hành như: Quy định về thời gian
công tác, ưu tiên theo thứ tự, kinh phí đào tạo. Trong khi đó, nhiều quy định
ràng buộc về các tiêu chuẩn ngoài chuyên môn đã dẫn đến khó khăn về nhân lực chất
lượng cao.
Ở tuyến xã, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chất
lượng dịch vụ y tế thấp hơn hẳn so với vùng kinh tế tuyến tỉnh và một số khu vực
tuyến huyện có điều kiện kinh tế phát triển, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất
lượng cao của người dân hạn chế, dẫn đến sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe,
người dân không tin tưởng chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã. Việc
vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh xảy ra khá phổ biến trong khi có thể được điều
trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, gây quá tải tại các bệnh viện tuyến
trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết
định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025,
định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là một
trong những lĩnh vực cần ưu tiên, trong đó chuyển đổi số với một nội dung cụ thể
rất quan trọng là “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ
người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp
xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận
khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế”.
Qua thực tế cho thấy tại Đắk Nông, kết quả của việc
triển khai mô hình Bệnh viện vệ tinh theo Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày
09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai
đoạn 2013 - 2020 đạt các yêu cầu theo tình hình thực tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh
Đắk Nông trên cơ sở là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện
Nhân Dân 115 đã tiếp nhận được nhiều kỹ thuật, công nghệ y học, năng lực cung cấp
dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao. Triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh là gắn
“y hiệu, thương hiệu” của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, đẩy mạnh
công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến
dưới, giúp bệnh viện tuyến dưới phát huy năng lực sử dụng có hiệu quả cơ sở vật
chất đã được đầu tư. Vì vậy, việc tăng cường hoạt động nâng cao năng lực khám bệnh,
chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo cán bộ
y tế và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các bệnh viện vệ tinh; tư vấn khám
bệnh, chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh thông qua hệ
thống công nghệ thông tin là rất hữu ích.
Hệ thống khám, chữa bệnh của tỉnh Đắk Nông gồm 01 bệnh
viện đa khoa hạng II tuyến tỉnh, 7 Trung tâm Y tế huyện (01 Trung tâm Y tế hạng
II và 06 Trung tâm Y tế hạng III) và 71 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, về phát
triển chuyên môn kỹ thuật: Trung bình các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh thực hiện
được từ 60-80% kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến của Bộ Y tế, trong đó Bệnh
viện đa khoa tỉnh đã triển khai được một số kỹ thuật chuyên môn cao. Về ứng dụng
công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh: Hiện tại 100% các bệnh viện
đều có cán bộ chuyên ngành về công nghệ thông tin; các cán bộ trong bệnh viện
đa số đều có chứng chỉ cơ bản về tin học văn phòng; 100% các bệnh viện đang sử
dụng các phần mềm quản lý bệnh viện để khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo
hiểm y tế.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức tại chỗ,
nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến, giúp người dân trên địa bàn tỉnh
được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, việc xây dựng Đề án “Khám,
chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh
Đắk Nông (sau đây gọi tắt là Đề án) là hết sức cần thiết trong giai đoạn triển
khai số hóa ngành Y tế theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và nhu cầu công tác
khám, chữa bệnh thực tế của địa phương.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Các văn bản của Chính phủ và Bộ, ngành Trung
ương
- Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030”;
- Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
- Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ
Y tế quy định về hoạt động y tế từ xa;
- Quyết định số 5237/QĐ-BYT ngày 16/12/2020 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục dịch vụ áp dụng tạm thời trong tư vấn
khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa;
- Quyết định số 5238/QĐ-BYT ngày 16/12/2020 của Bộ
trưởng Bộ Y tế về việc ban hành định mức nhân lực áp dụng tạm thời trong tư vấn,
khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa;
- Quyết định số 2826/QĐ-BYT ngày 22/6/2022 của Bộ Y
tế về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025;
- Công văn số 7946/BYT-KCB ngày 12/12/2023 của Bộ Y
tế về hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở.
2. Các văn bản của địa phương
- Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 của UBND
tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày
01/11/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng
đến năm 2030;
- Quyết định số 1553/QĐ-UBND ngày 17/11/2023 của Chủ
tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi sổ tỉnh Đắk Nông năm 2024;
- Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh
về việc thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương
trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn
tỉnh Đắk Nông;
- Kế hoạch số 265/KH-SYT ngày 15/12/2021 của Sở Y tế
về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế và bảo đảm an toàn thông
tin mạng trong ngành Y tế tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025;
- Kế hoạch số 80/KH-SYT ngày 12/04/2024 của Sở Y tế
về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế và bảo đảm an toàn
thông tin mạng của ngành Y tế tỉnh Đắk Nông năm 2024.
Phần
thứ hai
MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực
chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, tạo sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám,
chữa bệnh đối với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu
số tại địa phương; tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, tạo điều kiện chuyển
người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết và điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn
người bệnh, giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân; việc lồng ghép khám, chữa
bệnh từ xa trong hệ thống y tế sẽ giảm thiểu sự bất bình đẳng và các rào cản
trong tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân; giảm tải cho các bệnh viện tuyến
trên.
2. Mục tiêu cụ thể
Trang bị cho các cơ sở khám chữa bệnh đầy đủ hạ tầng
kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dụng, phần mềm công nghệ
thông tin phù hợp với loại hình dịch vụ cung cấp và bảo đảm việc truyền tải, hiển
thị, xử lý, lưu trữ dữ liệu an toàn, bảo mật. Đồng thời, đảm bảo năng lực về
chuyên môn, cụ thể: (1) Có 01 bệnh viện tuyến tỉnh có đủ năng lực chuyên môn kỹ
thuật và trang thiết bị để kết nối với các bệnh viện Trung ương và hỗ trợ cho bệnh
viện (Trung tâm y tế) tuyến huyện thực hiện khám, chữa bệnh từ xa; (2) Có 07 bệnh
viện (Trung tâm y tế) tuyến huyện thực hiện việc khám, chữa bệnh từ xa kết nối
với bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương; (3) Có 01 bệnh viện tuyến tỉnh và 07
Trung tâm y tế (hoặc bệnh viện) tuyến huyện đảm bảo năng lực triển khai thực hiện
tư vấn phẫu thuật từ xa; (4) Các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực
hiện hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tư vấn y tế từ xa: Thành lập và duy trì bộ
phận khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế các huyện,
tư vấn sức khỏe từ xa, từ bác sĩ đến người dân.
2. Tham gia và tổ chức hội chẩn tư vấn khám,
chữa bệnh từ xa: Từ bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới tới Trung tâm
Y tế tuyến huyện, Trạm Y tế xã.
3. Tham gia và tổ chức hội chẩn tư vấn chẩn đoán
hình ảnh từ xa: Giải pháp chẩn đoán hình ảnh từ xa hiện được các nhà cung cấp
triển khai ở một địa điểm để gửi hình ảnh chụp của người bệnh cho một chuyên
gia chẩn đoán hình ảnh tại một địa điểm khác và nhận được lời khuyên nhanh nhất
về tình trạng người bệnh.
4. Tham gia và tổ chức hội chẩn tư vấn huyết
học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh. Giải pháp hội chẩn
xét nghiệm, giải phẫu bệnh từ xa cho phép các bác sĩ và chuyên gia trao đổi,
chia sẻ kết quả, tình trạng bệnh lý để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu
và đào tạo.
5. Tham gia và tổ chức hội chẩn tư vấn phẫu
thuật từ xa: Giải pháp phẫu thuật từ xa có thể sử dụng công nghệ mới và trang bị
hệ thống các phòng mổ thông minh, tích hợp theo dõi thông tin của các thiết bị
trên thiết bị đầu cuối thông minh điều hành cuộc phẫu thuật.
6. Tham gia hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ
thuật: Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ phối hợp xây dựng các chương
trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được
tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau.
7. Truyền thông cho người dân, khuyến khích
sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa.
III. MẠNG LƯỚI KHÁM CHỮA BỆNH
TỪ XA VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Thành lập mạng lưới khám chữa bệnh từ xa
a) Kết nối mạng lưới tuyến Trung ương: Bệnh viện đa
khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện đăng ký với các bệnh viện tuyến trên đã
được Bộ Y tế phê duyệt[1]; đồng thời đăng ký với
các bệnh viện tuyến cuối Thành phố Hồ Chí Minh thông qua chương trình hợp tác với
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh[2].
b) Kết nối mạng lưới tuyến tỉnh: Trung tâm Y tế các
huyện (kể cả các Trạm Y tế) đăng ký và kết nối với Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk
Nông để thực hiện khám chữa bệnh và phẫu thuật từ xa.
c) Mạng lưới tuyến huyện: Trung tâm Y tế các huyện
(kể cả các Trạm Y tế) đăng ký và kết nối với nhau để thực hiện khám, chữa bệnh
và phẫu thuật từ xa.
2. Lộ trình triển khai thực hiện
a) Giai đoạn 2024-2025:
- Tiến hành khảo sát hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng,
trang thiết bị và các điều kiện khác đảm bảo cho thực hiện Đề án.
- Kết nối đường truyền 3 tuyến (Trung ương - Tỉnh -
Cơ sở) và đào tạo chuyển giao kỹ thuật, quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề
án.
- Nội dung chuyên môn ưu tiên hoạt động các chuyên
khoa: Ung bướu; Truyền máu huyết học; Sản phụ khoa, Nhi - Sơ sinh; Y học cổ
truyền; Chấn thương chỉnh hình; Phẫu thuật nội soi; Chẩn đoán hình ảnh; Phục hồi
chức năng; Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc; Tim mạch can thiệp và các chuyên khoa
khác có nhu cầu.
- Triển khai tư vấn phẫu thuật từ xa tại Bệnh viện
đa khoa tỉnh và 07 Trung tâm Y tế tuyến huyện, gồm: Đắk R’Lấp, Đắk Song, Đắk
Mil, Cư Jút, Krông Nô, Tuy Đức và Đắk Glong.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện mua sắm, lắp đặt hệ
thống khám, chữa bệnh từ xa cho các Trạm Y tế xã từ nguồn kinh phí Chương trình
đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn (ADB tài trợ), nguồn vốn
Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp khác.
b) Giai đoạn 2026-2030:
- Duy trì các hoạt động kết nối khám, chữa bệnh từ
xa 03 tuyến (Trung ương - Tỉnh - Cơ sở) và đào tạo chuyển giao kỹ thuật, quản
lý, kiểm tra giám sát thực hiện Đề án.
- Nội dung chuyên môn: Tiếp tục đầu tư triển khai
mô hình hệ thống phòng khám bệnh, tư vấn từ xa trong một số chuyên khoa có nhu
cầu cao, người bệnh quá tải tuyến Trung ương cũng như nhu cầu của tỉnh Đắk
Nông: Tim mạch, Ngoại chấn thương, Hô hấp, Tiết niệu, Thần kinh...
- Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện tư vấn khám, chữa
bệnh từ xa tới Trung tâm Y tế tuyến huyện; Trung tâm Y tế tuyến huyện tư vấn
khám, chữa bệnh từ xa tới Trạm y tế xã.
IV. GIẢI PHÁP
1. Giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo
- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và xây dựng kế hoạch
thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát các nội dung của Đề án tại các đơn vị,
tổ chức; hằng năm, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, sơ kết, tổng kết.
- Các cơ sở khám chữa bệnh: Thành lập Ban Chỉ đạo[3] và bộ phận tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại đơn
vị; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.
2. Giải pháp về nhân lực, đào tạo, chuyển giao kỹ
thuật
- Tuyển dụng cán bộ công nghệ thông tin tại Sở Y tế
và các đơn vị khám, chữa bệnh chưa có cán bộ công nghệ thông tin.
- Tập trung công tác đào tạo nâng cao trình độ
chuyên môn, kỹ thuật cho các y, bác sỹ theo định hướng chuyên khoa sâu từng
lĩnh vực theo mô hình bệnh tật tại địa phương. Đồng thời điều chỉnh phạm vi hoạt
động chuyên môn phù hợp với nội dung khám bệnh, chữa bệnh từ xa của cơ sở, đảm
bảo công tác thanh quyết toán bảo hiểm y tế theo quy định.
- Tăng cường hợp tác với các bệnh viện đầu ngành
tuyến trên; Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện tập trung mũi nhọn
những danh mục kỹ thuật đã thống nhất với các bệnh viện tuyến cuối Thành phố Hồ
Chí Minh thông qua chương trình hợp tác đã đảm bảo về: Nhân lực, trang thiết bị
và cơ sở hạ tầng đủ điều kiện cho việc hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật; có kết quả
sản phẩm đầu ra cụ thể sau khi được nhận chuyển giao, đảm bảo hiệu quả đầu tư
nguồn lực của địa phương.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh cử đủ số lượng cán bộ,
nhân viên y tế tham dự các khóa đào tạo do bệnh viện tuyến trên tổ chức để bảo
đảm việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật hiệu quả.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh tham mưu hoàn thiện về
cơ cấu tổ chức nhân lực bệnh viện theo tư vấn của bệnh viện tuyến trên; có chế
hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để động viên cán bộ, nhân viên bệnh viện tham
gia đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
- Đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin,
ngoại ngữ cho cán bộ y tế.
3. Giải pháp về truyền thông
- Đa dạng các hình thức truyền thông để người dân
hiểu về lợi ích trong khám, chữa bệnh từ xa đồng thời khuyến khích sử dụng dịch
vụ khám, chữa bệnh từ xa.
- Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh
chủ động cho mọi người dân, với phương châm “Sức khỏe cho mọi người - Health
for all”. Chú trọng truyền thông, tư vấn về các biện pháp phòng ngừa các bệnh
lây nhiễm và không lây nhiễm như các bệnh tim mạch, ung bướu, chấn thương qua hệ
thống công nghệ thông tin (tele-medicine).
- Tổ chức truyền thông về năng lực, khả năng cung ứng
dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh, thuyết phục người
dân tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ
Y tế.
4. Giải pháp về nguồn lực
- Tận dụng tối đa các nguồn vốn từ Trung ương và địa
phương đầu tư cho hoạt động khám, chữa bệnh và hội chẩn từ xa.
- Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư vào hoạt
động khám, chữa bệnh từ xa tại tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau theo quy định
của pháp luật.
5. Giải pháp về trang thiết bị, phần mềm: Giải
pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa triển khai tại địa bàn tỉnh, bao gồm:
a) Thiết bị đầu cuối: Thiết bị hỗ trợ tư vấn đào tạo
từ xa, màn hình hiển thị, hệ thống âm thanh, hệ thống máy tính và các thiết bị
phụ trợ khác triển khai tại bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn.
b) Hệ thống phần mềm họp trực tuyến: Đóng vai trò
là hệ thống điều khiển kết nối đa điểm có chức năng điều khiển, kết nối các điểm
cuối với nhau đáp ứng theo các chuẩn kết nối quy định.
c) Phần mềm hỗ trợ kết nối và truyền tải hình ảnh từ
các thiết bị y tế phục vụ hội chẩn, đào tạo từ xa.
- Hội chẩn khám bệnh, chữa bệnh: Xây dựng hệ thống
bệnh án điện tử để thay thế bệnh án giấy hiện nay nhằm thao tác nhanh với kết
quả từ xét nghiệm, siêu âm, nội soi, điện tim, các loại thuốc được kê đơn,
phương pháp điều trị và tóm tắt lâm sàng; xây dựng hệ thống chuyên dụng cho
phép truyền tải hình ảnh, dữ liệu tập trung về tuyến trên, cho phép trao đổi trực
tiếp với bác sĩ bệnh viện tuyến trên.
- Tham gia và tổ chức hội chẩn tư vấn chẩn đoán
hình ảnh: PACS (Picture archiving and communication system) là hệ thống lưu trữ
và truyền tải hình ảnh y tế. Dữ liệu hệ thống PACS này được chia sẻ giữa các bệnh
viện cùng tuyến và khác tuyên; trang bị các giải pháp tổ hợp phần mềm và phần cứng
có nhiệm vụ thu nhận, lưu trữ, hiển thị, chuyển giao những hình ảnh chụp từ
X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi, điện tim, điện não đồ; xây dựng hệ thống
cho phép truy cập và tái tạo lại các hình ảnh đã được lưu trữ dưới nhiều định dạng
khác nhau hỗ trợ tối đa cho việc hội chẩn từ xa.
- Tham gia và tổ chức hội chẩn tư vấn huyết học,
truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh: Xây dựng hệ thống lưu
trữ hình ảnh, dữ liệu xét nghiệm, dữ liệu mô bệnh, tế bào chuyên dụng; xây dựng
hệ thống chuyên dụng cho phép truyền tải hình ảnh, dữ liệu xét nghiệm, hình ảnh
tiêu bản, dữ liệu mô và tế bào theo thời gian thực (Realtime Telepathology
Imaging System - RTIS) về tuyến trên. Cho phép trao đổi trực tiếp với bác sĩ
tuyến trên.
- Hội chẩn tư vấn phẫu thuật: Sử dụng các xe đẩy
thông minh trong phòng phẫu thuật với các thiết bị chuyên dụng cho phép truyền
tải hình ảnh, dữ liệu người bệnh về tuyến trên để trao đổi trực tiếp với bác sĩ
tuyến trên; đánh giá thực trạng để trang bị phòng mổ thông minh với khả năng
theo dõi thông tin chi tiết qua thiết bị đầu cuối thông minh. Phòng mổ thông
minh có hệ thống điều khiển thông minh các chức năng hỗ trợ như: Nhiệt độ, ánh
sáng, âm thanh giúp tạo sự an tâm và thoải mái nhất cho phẫu thuật viên để nâng
cao chất lượng các ca mổ.
- Đường truyền Internet hoặc đường truyền riêng tốc
độ đảm bảo kết nối các điểm phục vụ hội chẩn.
6. Quản lý, giám sát
- Thực hiện giám sát, đánh giá theo bộ công cụ do Bộ
Y tế quy định và phân cấp để xác định sản phẩm, đầu ra của Kế hoạch.
- Hằng năm kiểm tra, đánh giá, tổng kết rút kinh
nghiệm, bổ sung điều chỉnh các hoạt động phù hợp và hoàn thiện, phát triển mô
hình khám, chữa bệnh từ xa.
V. KINH PHÍ
1. Từ Nguồn ngân sách nhà nước giao hằng năm
theo phân cấp quản lý hiện hành.
2. Nguồn thu giá dịch vụ khám, chữa bệnh (quỹ
bảo hiểm y tế và người khám bệnh tự chi trả) và các nguồn hợp pháp khác của đơn
vị y tế (Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp).
3. Nguồn xã hội hóa hợp pháp từ các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước.
4. Ngân sách từ các chương trình, đề án liên
quan.
5. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Thành lập Ban Chỉ đạo để quản lý điều hành các hoạt
động của Đề án.
- Là đơn vị đầu mối thường trực tham mưu UBND tỉnh
tổ chức thực hiện Đề án; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện
Đề án; định kỳ báo cáo 6 tháng, hằng năm và báo cáo đột xuất với UBND tỉnh, Bộ
Y tế để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
Đề án;
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh
kết nối hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân với hệ thống khám, chữa bệnh từ xa;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính tham mưu UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các
cơ sở khám, chữa bệnh để đáp ứng yêu cầu của Đề án;
- Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin để phục
vụ, hỗ trợ các hoạt động tư vấn, hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa và các ứng dụng
dùng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh nhằm phục vụ, hỗ trợ nhân viên y
tế, người dân trong hoạt động hỏi đáp, tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đắk
Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông và các đơn vị có liên quan thực hiện
các nội dung truyền thông tuyên truyền về Đề án.
2. Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các quy định về quản
lý thẻ bảo hiểm y tế, cách thức cung cấp dịch vụ, thuốc thiết yếu và phương
pháp chi trả bảo hiểm y tế đối với dịch vụ y tế thuộc Đề án theo quy định.
- Phối hợp với Sở Y tế triển khai hồ sơ sức khỏe cá
nhân kết nối với hệ thống khám, chữa bệnh từ xa; giám sát và giải quyết kịp thời
những khó khăn, vướng mắc về thanh quyết toán bảo hiểm y tế đối với dịch vụ y tế
thuộc Đề án.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ quan
báo chí truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin
tuyên truyền về Đề án.
4. Sở Kế hoạch và đầu tư
Phối hợp với Sở Y tế tham mưu cấp có thẩm quyền đảm
bảo đầy đủ, kịp thời vốn cấp phát từ Ngân sách Trung ương và các nguồn vốn viện
trợ (nếu có) phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật
có liên quan để triển khai Đề án.
5. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Y tế tham mưu cấp có thẩm quyền đảm
bảo kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và
các văn bản hướng dẫn hiện hành.
6. Các đơn vị viễn thông (Viettel Đắk Nông, VNPT
Đắk Nông)
Các đơn vị viễn thông (Viettel Đắk Nông, VNPT Đắk
Nông) và các đơn vị công nghệ thông tin có năng lực khác phối hợp với Sở Y tế
xây dựng nền tảng công nghệ thông tin; các ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng
trong khám, chữa bệnh như: ứng dụng hội chẩn trực tuyến, ứng dụng trên các thiết
bị điện tử cầm tay thông minh, ứng dụng tư vấn từ xa... để triển khai Đề án.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai thực hiện Đề
án “khám chữa bệnh từ xa” trên địa bàn quản lý bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Cân đối nguồn ngân sách địa phương, bố trí nguồn lực
để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các đơn vị y tế trên địa bàn để đẩy
mạnh việc triển khai các nội dung Đề án./.
[1] Danh mục kèm
theo Quyết định số 2826/QĐ-BYT ngày 22/6/2022 của Bộ Y tế.
[2] Chương trình hợp
tác đã được Sở Y tế tỉnh Đắk Nông và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ký kết; danh
sách các cơ sở KCB tại Công văn số 2154/SYT-KHTC ngày 18/3/2024 của Sở Y tế
Thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Do Thủ trưởng
các đơn vị làm Trưởng ban Chỉ đạo.