Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 552/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Dương Tấn Hiển
Ngày ban hành: 28/01/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 552/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;

Căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 228/TTr-SYT ngày 13 tháng 01 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chiến lược y tế phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Thường vụ Thành ủy;
- Ban Thường trực UB MTTQ VN TP;
- Thành viên BCĐ TP;
- Sở, Ban ngành TP;
- VP Thành ủy, VP Đoàn ĐBQH&HĐND;
- VP UBND TP (2, 3, 4, 5, 6, 7);
- Lưu: VT.LHH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tấn Hiển

 

CHIẾN LƯỢC Y TẾ

PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
(Kèm theo Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ

- Lũy tích từ 01 tháng 01 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, ghi nhận 50.166 ca bệnh, trong đó có đã điều trị khỏi 41.888 trường hợp (83,5%), 540 ca tử vong (1,07%); có 17.520 người đã hoàn thành cách ly tập trung; 180.020 người đã hoàn thành cách ly tại nhà (trong đó có 23.062 F0 và 19.285 F1 hoàn thành cách ly tại nhà).

- Từ những ngày đầu năm 2021, thành phố đã chủ động thực hiện công tác kiểm soát, quản lý cách ly người đến từ các địa phương khác, đặc biệt là các trường hợp đến từ vùng có dịch hoặc nhập cảnh trái phép. Công tác được tăng cường qua việc triển khai tăng số lượng chốt kiểm soát dịch ở ranh giới các địa phương, đẩy mạnh xét nghiệm tại các chốt kiểm soát dịch quan trọng và thông tin liên lạc giữa các địa phương và thành phố khi phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 ở các tỉnh, thành phố lân cận. Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai xây dựng riêng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người đến từ các địa phương khác mở đầu cho giai đoạn kết hợp mạnh mẽ công nghệ thông tin và phòng, chống dịch COVID-19.

- Từ ngày 19 tháng 7 năm 2021 đến ngày 10 tháng 10 năm 2021, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg , người dân thực hiện cách ly người với người, gia đình cách ly với gia đình, ấp/khu vực cách ly với ấp/khu vực, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, quận/huyện cách ly với quận/huyện, nhận thấy đây là thời điểm vàng để dập dịch, thành phố đẩy mạnh công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và phân tích dịch tễ ca bệnh, ổ dịch.

+ Trong giai đoạn này, thành phố đã thực hiện đánh giá nguy cơ theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31 tháng 5 năm 2021 về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19”, kịp thời đề xuất các giải pháp triển khai phòng, chống dịch tại cộng đồng, khu công nghiệp, xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đánh giá nguy cơ và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

+ Đến ngày 18 tháng 8 năm 2021, thành phố thực hiện đánh giá tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 theo Quyết định số 3989/QĐ-BYT ngày 18 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về việc ban hành “Tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ”. Các ổ dịch mới liên tục xuất hiện và lây lan nhiều hơn tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế,... làm tăng áp lực truy vết, xử lý ổ dịch, phòng ngừa lây nhiễm lên hệ thống y tế.

- Từ ngày 11 tháng 10 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngày 12 tháng 10 năm 2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Công văn số 5502/UBND-KGVX ngày 28 tháng 10 năm 2021 về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

- Đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thành phố đã trải qua 12 tuần đánh giá cấp độ dịch COVID-19 theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế, trong 02 tuần đầu tiên áp dụng phương pháp đánh giá, số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng giảm, trong các tuần tiếp theo, số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng tăng, diễn biến này phù hợp với việc mở lại các hoạt động kinh tế dẫn đến tăng cường các hoạt động giao tiếp, tiếp xúc, số ca mắc tăng lên là không tránh khỏi, nhưng tình hình dịch của thành phố đang dần được kiểm soát.

- Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: thành phố triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ tháng 4 năm 2021. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thành phố đã thực hiện tiêm chủng được 2.198.743 liều vắc xin, trên tổng liều vắc xin đã nhận từ Bộ Y tế là 2.309.305, tỷ lệ chiếm 95,21%. Trong đó, dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 01 mũi đạt 98,18%, dân số từ 50 tuổi trở lên tiêm đủ 02 mũi chiếm trên 87,0%. Việc thực hiện tiêm chủng với độ bao phủ cao góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

1. Việt Nam đã chuyển chiến lược từ dập tắt dứt điểm dịch bệnh sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

2. Định hướng cơ bản, nhất quán trong phòng, chống dịch làm cơ sở cho các Sở, Ban ngành, địa phương triển khai thực hiện xuyên suốt, thống nhất trong toàn thành phố.

3. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, áp dụng toàn diện các biện pháp về y tế, kinh tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội và một số hoạt động khác có liên quan một cách linh hoạt, đồng bộ.

4. Đáp ứng các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, bảo đảm hội nhập quốc tế và phù hợp với thực tế diễn biến tình hình dịch, kinh tế - xã hội của Việt Nam.

III. CHIẾN LƯỢC BAO PHỦ VẮC XIN PHÒNG COVID-19

1. Ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân trở về thành phố Cần Thơ

- Tổ COVID cộng đồng rà soát người đến, về địa phương thực hiện khai báo y tế, trong đó nắm thông tin về tình trạng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của đối tượng để vận động tiêm đủ liều cơ bản, tiêm liều bổ sung hoặc tiêm liều nhắc theo quy định của Bộ Y tế.

- Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp,... phổ biến rộng rãi cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình về chủ trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho mọi người dân, kể cả người từ các địa phương khác trở về thành phố.

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan lập danh sách nhóm đối tượng chưa tiêm, triển khai nhiều hình thức cụ thể để người dân có thể đăng ký và được tiêm vắc xin sớm nhất.

- Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 thành hoạt động thường xuyên tại Trạm Y tế, tổ chức các điểm tiêm, sắp xếp lịch tiêm trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Tiến đến xã hội hóa tiêm vắc xin cho người dân khi có quy định.

- Công bố đường dây nóng của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Y tế quận, huyện, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để người dân phản ánh chưa được tiêm vắc xin và các vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

2. Rà soát đối tượng chưa tiêm chủng, không bỏ sót đối tượng theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo Tổ COVID cộng đồng phối hợp với công an địa phương, các đoàn thể rà soát từng hộ gia đình, đặc biệt hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi, có bệnh nền, không có khả năng di chuyển...) chưa tiêm vắc xin để chuyển danh sách đến Trạm Y tế, Trung tâm Y tế tổ chức tiêm vét vắc xin.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động các đối tượng không đồng ý tham gia tiêm vắc xin vì nhiều lý do khác nhau (nhưng không thuộc diện chống chỉ định).

- Tổ chức các điểm tiêm tại các bệnh viện, đội tiêm lưu động phục vụ tiêm tại nhà cho những người cao tuổi, người mắc các bệnh lý hoặc đi lại khó khăn.

3. Xây dựng cơ sở dữ liệu tiêm chủng của thành phố

- Tiếp tục triển khai đồng bộ tại tất cả các điểm tiêm sử dụng Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, kiểm tra việc công tác nhập dữ liệu.

- Cập nhật, quản lý dữ liệu tiêm vắc xin trên hồ sơ sức khỏe điện tử, thực hiện “hộ chiếu vắc xin” theo hướng dẫn của Bộ Y tế phục vụ người dân trong việc tham gia các hoạt động xã hội, di chuyển, kinh doanh, du lịch,...

4. Tăng cường vận động người dân tham gia tiêm chủng

- Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ, Báo Cần Thơ và các cơ quan truyền thông Trung ương trên địa bàn tiếp tục tăng cường truyền thông về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc xin giúp bảo vệ người dân giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và giúp tạo miễn dịch bảo vệ cộng đồng. Tổ chức các buổi tọa đàm trên truyền hình, phát thông điệp khuyến khích người dân tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Đa dạng hóa các hình thức truyền thông phù hợp cho các đối tượng được tiêm. Công bố đường dây nóng tư vấn về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 và xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm.

5. Mở rộng độ bao phủ vắc xin cho trẻ em theo từng lứa tuổi

Rà soát đối tượng và lập kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 05 tuổi đến 11 tuổi, triển khai sớm khi được Bộ Y tế cho phép và cung ứng vắc xin.

6. Tiêm mũi bổ sung, mũi tăng cường

- Tiếp tục triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi tăng cường theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhanh nhất theo tiến độ cung ứng vắc xin của Trung ương.

- Điều tra, rà soát đối tượng trên địa bàn, đảm bảo các đối tượng có nguy cơ như trên 50 tuổi, có bệnh nền, bệnh suy giảm miễn dịch vừa và nặng,... có mặt trên địa bàn vào thời gian tổ chức tiêm chủng được tiếp cận sớm liều vắc xin bổ sung, tăng cường.

IV. CHIẾN LƯỢC KIỂM SOÁT DỊCH COVID-19 TRONG GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI

1. Xét nghiệm trong tình hình mới

- Xét nghiệm tầm soát có trọng tâm, trọng điểm vào nhóm đối tượng có triệu chứng nghi ngờ, người có nguy cơ cao, người có yếu tố dịch tễ,...

- Xét nghiệm định kỳ cho nhóm đối tượng nguy cơ cao chuyển biến nặng khi nhiễm COVID-19 (trên 50 tuổi, có bệnh nền, bệnh suy giảm miễn dịch...).

- Chủ động nắm bắt “điểm nóng” (nguy cơ hình thành ổ dịch trong cộng đồng) để có định hướng xét nghiệm phù hợp phát hiện F0.

- Nâng cao năng lực giám sát của hệ thống y tế dự phòng, bao gồm: củng cố năng lực xét nghiệm, năng lực lấy mẫu, quy trình bảo quản, vận chuyển và trả kết quả kịp thời; củng cố công tác quản lý dữ liệu xét nghiệm.

- Đẩy mạnh áp dụng các loại xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong xét nghiệm chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ, điều tra dịch tễ. Tăng cường áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm mới có thể tự thực hiện một cách dễ dàng.

- Hướng dẫn, khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm.

- Tăng cường, đảm bảo tính chính xác kết quả xét nghiệm RT-PCR thông qua ngoại kiểm, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh trang thiết bị xét nghiệm. Áp dụng kỹ thuật xét nghiệm kháng thể để khảo sát, nghiên cứu miễn dịch cộng đồng.

2. Nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch.

- Đề xuất thành lập Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh (EOC) tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố với sự hỗ trợ của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

- Củng cố, tăng cường hoạt động của mô hình Giám sát dịch dựa vào cộng đồng (CBS).

- Đào tạo, đào tạo lại các cán bộ chuyên trách công tác thống kê báo cáo, giám sát và cảnh báo dịch. Thành lập Tổ chuyên gia về giám sát, cảnh báo dịch.

- Củng cố hệ thống báo cáo từ mạng lưới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phòng xét nghiệm công lập và ngoài công lập để cung cấp thông tin liên quan đến ca bệnh, chùm ca bệnh.

- Đánh giá cấp độ dịch và cảnh báo chuyển đổi cấp độ dịch theo quy mô xã, phường, thị trấn, quận, huyện và quy mô toàn thành phố.

- Xây dựng hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Tăng cường khai thác có hiệu quả các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác giám sát, cảnh báo dịch.

- Tham gia các hệ thống giám sát, cảnh báo dịch của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

3. Xử lý ổ dịch và hạn chế lây lan

- Cập nhật quy trình xử lý ổ dịch phù hợp theo quy định hiện hành. Xây dựng kịch bản xử lý ổ dịch, tổ chức diễn tập và rút kinh nghiệm tại địa phương.

- Củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ phòng, chống dịch trên địa bàn quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành Y tế với chính quyền địa phương và các Sở, Ban ngành có liên quan để triển khai các quy trình xử lý ổ dịch hiệu quả theo quy định.

4. Giám sát lưu hành và sự xuất hiện của biến chủng mới

- Xây dựng quy trình giám sát sự lưu hành, phát hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

- Phối hợp với Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh trong việc giám sát, gửi mẫu xét nghiệm giải trình tự gen để phát hiện sớm các biến chủng mới đối với các trường hợp dương tính từ người nhập cảnh, chùm ca bệnh lây lan nhanh, các trường hợp chuyển nặng bất thường hoặc tái nhiễm.

V. CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ VÀ CHĂM SÓC F0 TẠI NHÀ

1. Chủ động cập nhật và phát hiện F0

- Củng cố hệ thống thông tin, báo cáo ca bệnh từ cấp xã đến cấp huyện. Tăng cường sử dụng hệ thống theo dõi, quản lý F0 tại nhà.

- Củng cố các kênh thu thập thông tin từ thực tiễn về người nghi nhiễm, người bệnh COVID-19 và người có nguy cơ cao.

2. Xử lý chính xác và hài hòa giữa cách ly, điều trị tại nhà và điều trị tập trung

- Thực hiện tốt phân loại mức độ nguy cơ đối với các trường hợp F0 mới phát hiện để quyết định phương thức điều trị. Tăng cường công tác thẩm định đủ điều kiện cách ly và giám sát việc tuân thủ cách ly tại nhà.

- Triển khai các khu thu dung, điều trị COVID-19 tại các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị y tế tương đương với Trạm Y tế lưu động.

3. Quản lý hồ sơ bệnh án điện tử của F0 điều trị tại nhà

- Thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử điều trị F0 tại nhà; việc phân loại nguy cơ, chỉ định thuốc, xét nghiệm, diễn biến tình hình sức khỏe của bệnh nhân và chuyển trạng thái cách ly điều trị phải thể hiện trên hồ sơ bệnh án theo quy định. Triển khai thực hiện, giám sát, kiểm tra thực tế đảm bảo mỗi F0 có một hồ sơ bệnh án.

- Cập nhật, tổ chức tập huấn, cấp chứng nhận đào tạo về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị F0 tại nhà.

4. Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác quản lý và chăm sóc F0 tại nhà

- Thực hiện phương châm 4 tại chỗ gồm “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ” trong quản lý và chăm sóc F0. Huy động lực lượng y tế địa phương, y tế tư nhân, tổ y tế, y tế học đường, y tế cơ quan... tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong tổ chức chăm sóc và quản lý F0 tại nhà.

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là trung tâm điều phối và phối hợp hoạt động chăm sóc F0 với các Trạm Y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và các tổ chức, cá nhân tình nguyện, phân công công việc phù hợp cho lực lượng y tế và lực lượng tình nguyện để chia sẻ gánh nặng cho nhân viên y tế (nhập liệu, chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ nhu yếu phẩm,...).

- Tiếp tục phối hợp với Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành trong việc hỗ trợ tư vấn, chăm sóc, điều trị từ xa cho đến khi dịch bệnh ổn định, y tế cơ sở tại địa phương có đủ năng lực quản lý. Tiếp tục duy trì mối liên hệ để tái kích hoạt mạng lưới khi cần thiết.

VI. CHIẾN LƯỢC ĐIỀU TRỊ F0 TẠI CÁC BỆNH VIỆN (TẦNG 2, TẦNG 3)

1. Tất cả các cơ sở điều trị luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19

- Đổi mới cấu trúc và quy trình hoạt động của bệnh viện đảm bảo thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường; củng cố các khoa Truyền nhiễm tại bệnh viện công lập và ngoài công lập tuyến thành phố và quận, huyện để thu dung, điều trị F0, củng cố các khu cách ly thành đơn vị COVID-19 để sẵn sàng thu dung điều trị.

- Tiếp tục thực hiện điều trị F0 tại các cơ sở y tế theo tháp 3 tầng; tập trung vào các Bệnh viện tầng 2, 3. Mục tiêu mỗi quận/huyện đều có cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình thuộc tầng 1, tầng 2; Bệnh viện tuyến thành phố bố trí khu vực riêng để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc tầng 2, 3 theo năng lực chuyên môn và theo phân tầng điều trị của Sở Y tế.

- Bảo đảm điều kiện bắt buộc về thuốc, hóa chất, sinh phẩm, oxy y tế, trang thiết bị và vật tư tiêu hao để hỗ trợ thu dung, điều trị, cấp cứu và chăm sóc người bệnh COVID-19.

- Sẵn sàng cung cấp đủ các trang thiết bị y tế cho công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng (máy thở, máy lọc máu, hệ thống ECMO...), hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn thành phố.

- Luân phiên cán bộ y tế phối hợp với đào tạo liên tục về cấp cứu hồi sức, hình thành bệnh viện dã chiến 3 tầng, các bệnh viện thành phố tiếp nhận các trung tâm hồi sức COVID-19 do các bệnh viện Trung ương phụ trách trước đây và chịu trách nhiệm đào tạo chuyên khoa hồi sức cho các y, bác sĩ của các bệnh viện thành phố, quận, huyện trong thời gian luân phiên công tác tại các bệnh viện này.

2. Trang bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư, oxy y tế.

- Thành lập Tổ chuyên gia điều trị COVID-19, tiếp cận các chứng cứ khoa học trên thế giới, kịp thời cập nhật các phương pháp điều trị mới đã được các tổ chức uy tín trên thế giới khuyến cáo để kiến nghị Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị; áp dụng các kỹ thuật mới, phương pháp mới đã được Bộ Y tế phê duyệt vào công tác điều trị cho người bệnh COVID-19; triển khai, tập huấn phác đồ điều trị người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế cho các đơn vị điều trị COVID-19, hội chẩn chuyển tuyến các trường hợp bệnh nặng khi bệnh diễn biến vượt khả năng của cơ sở điều trị bằng các nền tảng họp trực tuyến.

- Thành lập Tổ điều phối trang thiết bị, dụng cụ y tế nhằm bổ sung kịp thời để đáp ứng nhu cầu điều trị của các bệnh viện; xây dựng danh mục trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp theo phân tầng điều trị của Sở Y tế; lập danh sách các trang thiết bị cần thiết bổ sung phục vụ cho công tác điều trị người bệnh trình cơ quan quản lý mua sắm theo quy định.

3. Mỗi quận, huyện cần có cơ sở thu dung, điều trị hoặc bệnh viện dã chiến với số giường bệnh tương ứng

- Xây dựng các kịch bản và phương án hậu cần cho từng kịch bản theo từng cấp độ dịch của toàn thành phố và từng quận, huyện; đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, thuốc điều trị cho người bệnh F0 theo hướng dẫn của Bộ Y tế cùng với các gói an sinh xã hội dành cho người bệnh F0 cách ly điều trị tại nhà.

- Xác định ngưỡng thu dung, điều trị người bệnh F0 của hệ thống điều trị phù hợp với năng lực của ngành Y tế thành phố; thường xuyên đào tạo, tập huấn nhân lực ngành Y tế đặc biệt là nhân sự chuyên ngành Hồi sức cấp cứu.

VII. CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG, NÂNG CAO NHẬN THỨC, THAY ĐỔI HÀNH VI CỦA NGƯỜI DÂN, CỘNG ĐỒNG TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH

1. Truyền thông đa phương thức

Tăng cường phương thức, đa dạng hóa các loại hình truyền thông theo hướng trực quan, sinh động, truyền tải qua các nền tảng phù hợp, đúng quy định, đảm bảo tiếp cận được số đông người dân và các đối tượng có nguy cơ cao.

2. Thông điệp truyền thông phù hợp cho từng nhóm đối tượng

- Truyền thông nâng cao nhận thức mỗi người dân trong công tác tự bảo vệ sức khỏe.

- Truyền thông dành riêng cho đối tượng thuộc nhóm nguy cơ.

- Truyền thông dành riêng các nhóm đối tượng đặc thù nghề nghiệp (giáo viên, học sinh, công nhân, nhân viên văn phòng...).

- Truyền thông cho người F0 tuân thủ điều trị, người có triệu chứng nghi nhiễm tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch, hạn chế lây lan.

3. Đa dạng hóa nguồn lực tham gia công tác truyền thông

- Vận động mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19.

- Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn (ngành Y tế) với các đơn vị, tổ chức để triển khai hiệu quả các thông điệp truyền thông đến từng người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Huy động các tổ chức, cá nhân tình nguyện, thiện nguyện tham gia công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

VIII. CHIẾN LƯỢC NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH, CHỦ YẾU TẬP TRUNG VÀO HỆ THỐNG Y TẾ CƠ SỞ

1. Nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố ngang tầm nhiệm vụ

- Củng cố năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Kiện toàn Đội đáp ứng nhanh và xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động của Đội nhằm đáp ứng, yêu cầu thực tiễn về tình hình dịch tại các địa phương.

- Củng cố, tổ chức bộ máy và hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các ứng dụng để tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm giám sát, kiểm soát và dự báo dịch bệnh.

- Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với cán bộ khối y tế dự phòng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề nghị Bộ Y tế tăng cường đào tạo các lớp Dịch tễ học thực địa cho cán bộ phòng, chống dịch của địa phương.

- Tăng cường công tác nâng cao năng lực, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm soát bệnh tật và phòng, chống dịch bệnh.

- Đầu tư cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế của Chính phủ.

2. Nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh

- Tiếp tục tăng cường sự phối hợp Trạm Y tế - Trạm Y tế lưu động - Tổ y tế ấp, khu vực - Tổ COVID cộng đồng - Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

- Xây dựng đề án nâng cao trình độ nhân lực y tế cơ sở, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho nhân viên y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

- Đề xuất đăng ký nhu cầu đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế của Chính phủ, trong đó ưu tiên đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở.

- Phát huy hiệu quả của mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, sàng lọc từ xa.

- Tiếp tục đào tạo nhân lực y tế theo nhiều hình thức (chính quy, liên thông, đào tạo theo địa chỉ, vừa học vừa làm,...) để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho y tế cơ sở.

3. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, dự báo dịch.

- Triển khai hệ thống thông tin về quản lý người nhiễm COVID-19, đảm bảo cho quản lý, kiểm soát và dự báo thường xuyên về tình hình dịch bệnh trong thành phố, ở từng địa bàn quận, huyện và xã, phường, thị trấn nhằm có giải pháp can thiệp và kiểm soát dịch bệnh.

- Quản lý thông tin khai báo y tế, xét nghiệm, thông tin tiêm chủng của người dân trên nền tảng PC COVID.

- Triển khai các mô hình dự báo liên quan COVID-19 để giúp hoạch định chính sách, quyết định cách ứng phó với diễn biến của dịch COVID-19 (thành lập Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường hoạt động của mô hình Giám sát dịch dựa vào cộng đồng).

- Đáp ứng được các dữ liệu liên quan đến người mắc COVID-19 ở tất cả các tầng điều trị từ nguồn dữ liệu lớn, phục vụ cho các nghiên cứu khoa học cấp thành phố về dịch tễ học và giải pháp can thiệp.

4. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã, phường, thị trấn

- Cụ thể hóa chiến lược “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ” thành trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn trực tiếp điều hành mọi hoạt động trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

5. Phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa y tế với lực lượng vũ trang và lực lượng khác

- Sở Y tế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố trong công tác quản lý khu cách ly, khu điều trị, khu vực phong tỏa phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết.

- Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho Y tế ngành để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác hỗ trợ phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế và các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch để đảm bảo tính thông suốt trong chỉ đạo, điều hành và áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp với từng giai đoạn, cấp độ dịch.

6. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân vào phòng, chống dịch.

- Đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế có cơ chế, chính sách để khuyến khích sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân để chia sẻ với hệ thống y tế Nhà nước trong phòng, chống dịch COVID-19; cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được phép thu phí dịch vụ chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 đối với người dân tự nguyện chi trả.

- Vận động, huy động cơ sở y tế ngoài công lập tham gia công tác phòng chống dịch tại địa phương bao gồm công tác xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị trong điều kiện cần thiết.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là đầu mối triển khai chiến lược, tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động, tổng hợp báo cáo kết quả và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ trì theo dõi, giám sát liên tục các chỉ số về dịch bệnh trên địa bàn thành phố, cảnh báo kịp thời nguy cơ dịch bệnh gia tăng; định kỳ hàng tuần và đột xuất đánh giá cấp độ dịch tại thành phố, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện triển khai công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch và theo hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh, các bệnh viện phải thực hiện hai nhiệm vụ vừa khám bệnh, chữa bệnh thông thường vừa khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc COVID-19.

- Chủ động chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chuyên môn, đặc biệt nhân lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại để nâng cao năng lực cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên về hồi sức tích cực trong hô hấp, điều trị ca bệnh nặng trong hồi sức cấp cứu cho các Bệnh viện, Trung tâm y tế.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc dự trù, mua sắm hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 theo các quy định hiện hành.

2. Sở Tài chính

- Đề xuất cơ chế, giải pháp đảm bảo kinh phí cho phòng, chống dịch; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về sử dụng nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các chế độ, chính sách cho các cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Trung tâm đấu thầu tập trung về thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch của thành phố.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng các nội dung truyền thông; tổ chức tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh đảm bảo chính xác, kịp thời và các biện pháp để trấn an người dân, không để hoang mang lo lắng, đồng thời không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

- Phối hợp với Sở Y tế triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tiêm chủng vắc xin, hoạt động nâng cao năng lực y tế cơ sở.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì hướng dẫn các Sở, Ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện các hoạt động xử lý chất thải phát sinh từ các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tập trung.

- Phối hợp Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc xử lý thi hài đối với các trường hợp tử vong theo quy định.

5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Phối hợp Sở, Ban ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong giải quyết các vấn đề liên quan trợ cấp, bảo trợ xã hội liên quan đến người nhiễm COVID-19 theo các quy định của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương.

6. Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố

- Đảm bảo an ninh trật tự, công tác hậu cần khi có tình huống dịch bệnh xảy ra, đảm bảo an ninh tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly điều trị tập trung và các khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19, điểm tiêm chủng tập trung.

- Phối hợp Sở Y tế tổ chức triển khai, đào tạo cho lực lượng cán bộ đơn vị tham gia chăm sóc F0 tại nhà, quản lý và triển khai các hoạt động phục vụ người bệnh tại các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị, hỗ trợ tại các điểm tiêm chủng tập trung.

7. Bảo hiểm Xã hội thành phố

Phối hợp Sở Y tế hướng dẫn và thực hiện thanh quyết toán theo chế độ Bảo hiểm y tế cho người bệnh COVID-19 tại các bệnh viện, cơ sở y tế và tại cộng đồng đảm bảo đúng quy định.

8. Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố Cần Thơ

- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong công tác phòng, chống dịch và đảm bảo duy trì hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế.

- Thực hiện công tác quản lý giá đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, oxy y tế trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, nâng giá, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố.

8. Các Sở, Ban ngành thành phố

- Căn cứ chức năng nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực quản lý, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

- Chủ động và phối hợp với ngành Y tế tổ chức hoạt động giám sát dịch COVID-19, triển khai quy trình phát hiện, xử lý khi phát hiện F0 trong đơn vị và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

- Căn cứ các hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ chủ quản đối với từng lĩnh vực hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện tại các cơ sở, đơn vị và thường xuyên theo dõi, đánh giá việc đảm bảo an toàn.

- Tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ thuộc quản lý thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của thành phố; có biện pháp xử phạt nghiêm minh các trường hợp không tuân thủ hoặc không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.

9. Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Lập kế hoạch của địa phương và chỉ đạo các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, đơn vị trực thuộc sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định.

- Tổ chức hoạt động giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại xã, phường, thị trấn, khu vực, ấp, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời; triển khai quy trình phát hiện và xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Điều tra, rà soát người dân trên địa bàn chưa được tiêm vắc xin để tổng hợp số lượng, phối hợp với ngành Y tế lập kế hoạch tổ chức tiêm đầy đủ, kịp thời bằng các hình thức phù hợp, thuận lợi cho người dân; chịu trách nhiệm quản lý thông tin về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của người dân sinh sống tại địa phương.

- Xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả Trạm Y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng và Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Đảm bảo 100% các Trạm Y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời tăng cường phát huy hoạt động của Tổ COVID cộng đồng và Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Các quận, huyện chưa có bệnh viện dã chiến phải có kế hoạch thành lập bệnh viện; có kế hoạch di dời các bệnh viện dã chiến đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp. Ưu tiên sử dụng nguồn đất công thành lập bệnh viện dã chiến để có thể sử dụng lâu dài.

- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trường học... trên địa bàn thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ dịch.

- Đảm bảo an ninh trật tự và các điều kiện về hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn tập trung hoạt động chuyên môn.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các Đoàn thể thành phố

Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành Y tế và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 552/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 về Chiến lược y tế phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.050

DMCA.com Protection Status
IP: 3.136.234.229
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!